**Lời tác giả**: Đây là phần sau của Về Làng.
______________________
**1**.
Mợ cả mời thầy lang đến xem cho hai người.
Phú ông tuy tức giận, nhưng vẫn lí trí không đánh vào chỗ hiểm. Roi mây đánh tuy đau, nhưng không có gì đáng nói.
Mợ cả sau đó đi khuyên phú ông. Quay qua quay lại, chỉ còn mỗi cậu út Bình và Trạng Thanh trong phòng.
**2**.
Căn phòng im lặng.
"Cậu làm gì mà ông nỡ đánh cậu vậy cậu út?"
Trạng Thanh bất chợt lên tiếng.
Cậu Bình nghe vậy thì đỏ mặt, cúi đầu: "Tôi...tôi xin thầy cho tôi theo anh lên Long thành. Tôi biết anh ra sức học hành đỗ đạt là vì tôi. Nếu tôi không đi cùng anh thì sẽ phụ lòng anh... Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy tôi dại. Nói thẳng với thầy như thế, hỏi sao thầy lại giận."
Trạng Thanh bất chợt ngẩng đầu, trong mắt như có sao trời.
Cậu Bình nhìn thấy hai cái đầu gối bầm tím của trạng Thanh thì xót xa hỏi: "Còn anh, thầy tôi không phạt anh, anh làm gì lại quỳ nửa ngày ở ngoài sân?"
"Tôi đến xin ông cho cậu theo tôi lên kinh. Vì tối qua cậu từ chối tôi dữ quá, tôi nghĩ nếu có lời ông thì cậu sẽ chịu nghe."
Cậu Bình gật đầu: "Hóa ra là vậy."
Chắc là thầy cậu không chịu, nên anh Thanh mới quỳ bên ngoài như thế.
"Thầy cậu đồng ý. Ông nói để tôi dẫn cậu lên Long thành học hỏi với người ta. Có tôi bên cạnh cậu, ông an tâm."
Cậu út Bình lập tức ngẩn người, cậu hơi bực dọc nói: "Nếu...nếu thầy đồng ý rồi. Sao anh lại quỳ ở ngoài sân như thế? Nếu anh chạy đi nói với tôi sớm hơn, tôi cũng không bị thầy đánh đau như vậy!"
Từ nhỏ đến giờ, cậu chưa bị thầy đánh bao giờ.
Trạng Thanh lập tức nói lớn: "Đâu được! Tôi nhìn thấy thái độ của ông vui vẻ quá, liền biết ông hiểu lầm ý tôi. Nên tôi giải thích. Tôi nói muốn cậu theo tôi lên Long thành ý là muốn mang trầu cau sang..."
Nói đến đây cậu út Bình liền nhắm mắt cúi đầu mím môi đỏ mặt. Cậu lấy tay bịt miệng tên Thanh lại.
Ngôn Tình Sủng"Được rồi, được rồi, tôi hiểu ý anh rồi, anh không cần nói nữa!"
Trạng Thanh gỡ tay cậu ra nói tiếp: "Thế là ông tức giận. Mắng tôi là kẻ điên. Hình như ông sợ tôi sẽ dùng chức quan để làm khó. Nên ông nói cậu là người đứng đắn đàng hoàng, muốn lấy vợ sinh con như người bình thường. Kể cả khi ông đồng ý nhận mâm trầu cau tôi dâng, cậu cũng sẽ không chịu."
Cậu chủ Bình lúc này ép sát mặt vào đầu gối.
Trạng Thanh vẫn cứ nói: "Thế là tôi nói cậu thương tôi. Mà đúng là tôi biết cậu thương tôi. Chỉ cần thầy mợ cho phép, cậu nhất định sẽ đi theo tôi lên kinh. Thầy cậu nghe xong giận càng thêm giận, ông chỉ thẳng mặt tôi, nói tôi si tâm vọng tưởng! Ông còn nói..."
Cậu út Bình lúc này hai tai đã đỏ bừng. Nếu không phải chân cậu bất tiện, cậu sẽ chui xuống gầm giường. Anh Thanh sáng nay ăn cái gì mà gan to đến vậy, dám đối chất với thầy cậu. Còn ở trước mặt thầy nói hắn biết cậu thương hắn! Hắn biết thì cứ biết, tại sao phải đem ra trước mặt thầy mà nói cơ chứ??!!
"Ông còn nói thách, nếu trên đời này thật sự có chuyện cậu đến trước mặt ông nói muốn ở cùng một chỗ với tôi. Ông không chỉ đồng ý nhận mâm trầu cau của tôi, còn cho không tôi một trăm lượng vàng, hai mươi mẫu ruộng thêm mười con trâu. Quà cưới cùng của hồi môn của cậu tính riêng."
Cậu út Bình: "..."
**3**.
Mợ cả sai mợ ba với mợ hai lần lượt đi vào hầu chuyện với phú ông. Đợi đến khi phú ông hoàn toàn nguôi giận, bà mới vào phòng.
Bà rót bát nước mát đưa cho chồng rồi vừa vuốt lưng cho ông vừa nói: " Ông này, tôi nghe nói đức thánh thượng lúc còn là thái tử từng đi ngao du tứ phương, học được nhiều tư tưởng mới lạ. Giới quý tộc kinh thành sau đó học theo. Bây giờ ở Long thành bọn họ, đàn ông chỉ cần có cách phụng dưỡng được phụ mẫu lúc tuổi già đã được xem là hiếu thảo rồi. Nếu việc hương quả trong nhà đã có anh em trai khác lo, thì cũng không ai nói 'vô hậu vi đại' nữa đâu ông. Huống chi tôi với hai mợ đâu có nợ ông thằng con trai nối dòng. Thằng cả, thằng hai, thằng ba, thằng tư, thằng năm, thằng sáu chưa đủ cho ông chia gia tài à? Với lại tôi nghe nói người ở kinh thành học theo đức thánh thượng, người giống thằng Thanh, thằng Bình cũng nhiều lắm."
Phú ông nghe mợ cả nói một hồi đột nhiên thở dài.
"Cùng lắm tháng này tôi cho ông thêm tiền chi tiêu. Ông đừng buồn mấy đứa nhỏ nữa."
"Bà này..."
"Tôi thưa."
"Ngày xưa bà sinh thằng cả, tôi có dặn bà, bà dạy con thế nào thì dạy, miễn sao nó lớn lên thành người ngay thẳng khảng khái. Một lời nói một là một, hai là hai. Tuyệt đối không được nói nghiêng nói ngả, nói lời rồi lại rút, bà nhớ không?"
"Tôi nhớ chứ ông."
"Thế bà có thể trích sổ cho tôi xin một trăm lượng vàng, hai mươi mẫu ruộng thêm mười con trâu không?"
Mợ cả: "..."
**4**.
Cậu út Bình thu gom hành lí, theo Trạng Thanh đi kinh thành.
Nửa tháng trước, phú ông kêu hai người lại. Ông với mợ cả đồng ý cho hai người ở chung một chỗ.
Nghe xong, Trạng Thanh liền liều sống liều chết đi mua trầu cau. Phú ông là người nói lời giữ lời. Ông cũng liều sống liều chết nhận mâm trầu cau đó.
Nếu không phải cậu út Bình lấy mạng sống ra ngăn cản, thì bây giờ gia nhân trong nhà chắc dành cả ngày để nhai trầu.
Mợ cả thật sự trích sổ đưa cho Trạng Thanh một trăm lượng vàng, hai mươi mẫu ruộng cùng mười con trâu. Ai cũng ghen tị hắn vừa có được cậu út đẹp nhất làng, lại còn có tiền từ trên trời rơi xuống.
Ngược lại, nửa tháng qua phú ông tiêu xài còn thua kẻ bần nông. Tiền chi tiêu của ông không hiểu sao cứ như gió thoảng mây trôi, có mà như không có, hốc hác hao mòn.
Ngày lên đường, Trạng Thanh để lại hai mươi mẫu ruộng cùng mười con trâu cho người nhà phú ông trông coi, tùy ý cho ngươi khác canh tác, địa tô cũng không cần chia cho hắn. Nói thẳng ra là hắn không dám lấy.
Còn một trăm lượng vàng, hắn cũng mượn tay cậu Bình mà đưa cho phú ông. Nửa tháng nay, phú ông đói kém thấy rõ.
Dù sao lúc đề tên bảng vàng, đức thánh thượng ban tặng cho hắn vàng bạc châu báu đất đai ở kinh thành nhiều không đếm hết. Ngay cả phủ đệ cũng cấp cho một căn.
Trạng Thanh hiện tại lo được cho cậu út.