Năm Vĩnh An thứ chín, phương nam đại hạn, đất cằn trăm dặm, dân chúng lầm than. Khi tấu chương về tình hình hạn hán đến được đô thành thì đã là tháng chín.

"Vì sao vừa giải quyết được lũ lụt Hoàng Hà hai năm trước thì nay đã gặp hạn hán?" Hoàng đế nhíu mày ném tấu chương sang bên, nhìn đám quần thần trong điện, "Các khanh có nhận xét gì về đợt hạn hán ở Việt Châu này không?"

"Khởi bẩm hoàng thượng, hiểm họa hạn hán năm nay càng đáng sợ hơn lũ lụt, cần phải hết sức cẩn trọng." Một vị lão thần nói, "Còn nhớ khi Hiếu Tông tại vị, hạn hán xảy ra ở quan nội, Hiếu Tông cùng bách quan phải đến Đông Đô tị hạn. Mà ở quan nội, người chết đói la liệt khắp nơi, mười nhà thì chín căn trống rỗng. Thảm trạng này chắc hoàng thượng vẫn còn nhớ."

Vĩnh An đế từ trải qua việc này khi còn nhở, giờ nhớ lại vẫn thấy tim đập dồn, khẽ gật đầu.

Môn hạ thị trung Cao Lộc bước ra khỏi hàng nói, "Việt Châu trước nay ít gặp khô hạn, đâu thể nào so với mối nguy năm đó. Theo ý của thần thì cứ làm theo lệ cũ lúc lũ lụt. Miễn giảm thuế má cho an lòng dân."

Hoàng đế còn chưa kịp nói, thần tử trong điện đã lên tiếng, "Tuy Việt Châu ít gặp hạn hán nhưng trận hạn này không hề nhỏ. Thần từng đi ngang Việt Châu vào đợt thi xuân, khi đó đã bắt đầu có dấu hiện hạn hán, đồng ruộng héo rũ. Mà bây giờ, bầu trời đỏ ngầu như máu, đất đai cằn cỗi. Dân đói gần như đã ăn sạch từng cọng cỏ ngoài đồng. Sau này có khi còn ăn thịt lẫn nhau."

Người mới lên tiếng chính là Ngự sử đại phu Ôn Chỉ. Hoàng đế biết đầu năm nay, hắn từng vâng mệnh tới phía nam điều tra dân tình, cho nên lời lẽ đáng tin. Hắn nhíu mày, "Nếu hạn hán thật sự cấp bách như thế, đương nhiên phải phát lương chẩn tai. Hiện giờ quốc khố dồi dào, chẳng lẽ không nuôi được một Việt Châu nho nhỏ?" Nói rồi liền quay sang, "Ung vương, khanh thấy sao?"

Dương Lâm giật mình, vội cười lấy lòng, "Hoàng thượng nói phải."

Thấy hắn chỉ nói được có thế, hoàng đế giận đến nghiến răng, "Bây giờ Hộ bộ do khanh quản lý, việc phát lương chẩn tai này tiến hành thế nào, chẳng lẽ khanh không có ý kiến gì sao?"

"Chuyện này..." Dương Lâm ngây ra một lát, "Thần cho rằng trước hết nên phái người tới Việt Châu tiến hành tìm hiểu, sau đó mới bắt đầu chẩn lương."

"Ung vương điện hạ." Lý Ngọc Sơn đứng trong hàng công thần không nhịn được, buộc phải lên tiếng, "Hiện giờ ngày nào ở Việt Châu cũng có người chết đói. Nếu còn chờ điều tra xong mới chẩn lương thì e là mất tới mấy tháng, chỉ sợ một nửa dân chúng đã mất mạng rồi."

Dương Lâm bị một thần tử chức quan không cao bác bỏ, liền cau có lẩm bẩm, "Nếu không điều tra thì sao có thể phát lương bừa bãi được. Việt Châu gặp nạn đã hơn nửa năm, cần gì phải hơn thua vài tháng?"

Lý Ngọc Sơn tiến thêm một bước, "Hạn hè thu lần này khiến dân chúng không thu hoạch được, khó khăn càng nghiêm trong hơn, không chừng sẽ kéo dài tới sang năm hoặc lâu hơn nữa. Bách tính khổ sở ắt sinh loạn. Nếu lại thêm một tà đảng như Bách Liên giáo thì chẳng phải Đại Chiêu gặp họa lớn hay sao?"

Tà đảng là điều đời đời hoàng đế kiêng kị. Sắc mặt hắn âm trầm, sốt ruột gõ tay lên tay vịn long ỷ, "Chỉ mỗi việc điều tra chẩn lương mà các ngươi cãi nhau cả nửa ngày. Lúc trước cứu trợ lũ lụt Hoàng Hà làm như thế nào?"

Quan viên hộ bộ cuống quýt nói, "Bẩm hoàng thượng, khi đó mọi việc do Mục vương lo liệu, điều hành việc từ đầu đến cuối, từ điều tra đến phân phát rồi sắp xếp nạn dân cho thỏa đáng, không hề chậm trễ chút nào."

Hắn vừa dứt lời, quần thần lại quay đầu nhìn chiếc ghế lớn trên điện. Từ đầu mùa xuân, Mục vương đã cáo ốm, không thể vào triều. Sau này, mỗi khi trong triều có chuyện quan trọng cần người định đoạt, lại có ai đó không nhịn được mà nhắc đến Mục vương, cứ như Mục vương không ở đây thì triều đình chẳng còn ai đáng tin cậy. Vĩnh An đế vô cùng tức giận, nhưng không biết phải làm sao, đành bực bội phất tay nói, "Một khi đã thế thì cứ làm y như vậy. Ung vương, việc điều hành lương thực tích trữ từ các quận lân cận Việt Châu thế nào?"

Dương Lâm lại ngẩn ra không đáp được. Thương bộ lang trung đứng sau lưng hắn đành bước lên, "Bẩm hoàng thượng, hai năm nay phương nam ngập lụt. Các kho lương quanh Việt Châu gần như không có lương thực dư thừa, nơi gần nhất chỉ có kho lương ở Cẩm Châu."

"Cẩm Châu....Liệu có xa quá không?" Hoàng đế nhíu mày.

"Hoàng thượng, vấn đề khó khăn nhất trước mắt không phải là Cẩm Châu cách xa, mà là khó điều hành việc chẩn lương." Người lên tiếng là Công bộ chủ sự Dư Khang Thịnh. Chức quan của hắn thấp, theo lý không nên tùy tiện lên tiếng trước triều đường, nhưng lúc này mặt hắn đỏ bừng, có vẻ nôn nóng, "Xưa nay điều lương đều qua đường thủy, như thế thì dù ngàn dặn xa xôi cũng chỉ mất nửa tháng. Nhưng bây giờ, do gặp đại hạn nên mực nước ở các kênh đào rất thấp, không dùng được thuyền lớn."

"Đi đường thủy không xong thì qua đường bộ, có gì khó?"

"Chưa nói đường bộ mất nhiều thời gian, lương thực nuôi dân phu vận chuyển còn hao tổn hơn cả lương thực cứu trợ. Ban đầu, kho lúa ở Cẩm Châu có thể tiếp tế cho dân đói nửa năm, nhưng như vậy thì chỉ còn dùng được trong ba tháng."

Lão dứt lời, triều đình im lặng như tờ. Vĩnh An đế nào ngờ mọi chuyện lại khó khăn như thế, đám quần thần lại chẳng một ai có ý kiến ra hồn. Cuối cùng hắn chỉ đành ho khan.

"Chi bằng dùng cả hai phương pháp. Vận chuyển lương đường thủy qua sông Tuy, vòng lên phía bắc Việt Châu, sau đó lại thuê dân phu. Như vậy, một nửa đường thủy một nửa đường bộ, tuy rằng lộ trình kéo dài nhưng có thể tiết kiệm nhiều lương thực."

"Sông Tuy ở phía bắc, Việt Châu ở phía nam, đi đường vòng như thế chẳng biết mất bao nhiêu thời gian, chỉ sợ phát lương tới được Việt Châu thì đã là đầu mùa đông rồi." Người lên tiếng là vị lão thần ban nãy. Lão quê ở Việt Châu, giờ đây cố hương gặp nạn, lòng càng thêm nôn nóng, "Hoàng thượng, phía tây Việt châu là đất phong của vài vị phiên vương. Sao không thể mượn bọn họ chút lương thực để phát cho nạn dân?"

Phía tây Việt Châu là phong ấp của tây Tây Hà vương, Lâm Xuyên vương. Hai vị phiên vương này thường tự giễu mình là con ghẻ của hoàng thất, bị lưu đày đến nam man, cho nên không nhúng tay vào quốc sự Đại Chiêu. Vĩnh An đế cũng thực lòng không muốn giao thiệp với họ, liền bực mình vẫy tay, "Việc này để trẫm suy nghĩ đã." Rồi hắn đứng dậy, không thèm nhìn quần thần, "Bãi triều."

Sau khi vào hậu điện, nội thị nhanh chóng giúp hoàng đế cởi ngọc miện nặng nề. Dương Giải cau có sắc mặt, im lặng hồi lâu mới hỏi Mã Lương Thuận đứng bên cạnh, "Việc trẫm sai ngươi làm đến đâu rồi?"

Mã Lương Thuận quỳ xuống thưa, "Hôm trước, nô tài vừa đến Mục vương phủ một chuyến."

"Y nói sao?"

Mã Lương Thuận khổ sở cau mày, "Mục vương không chịu gặp nô tài, nói vẫn đang bệnh. Nghe Phương quản sự của Mục vương phủ nói điện hạ bệnh nặng chưa khỏi, không thể vào triều."

Vĩnh An đế tức giận quát, "Không biết điều!" Nội thị vừa bưng trà sâm đến đã bị hoàng đế giật lấy, ném xuống đất, "Trẫm phong cho y làm đại đô đốc Kính Châu, y còn không chịu. Chẳng lẽ còn muốn trẫm đến cầu xin y, đúng là nằm mơ !"

Mã Lương Thuận sợ hãi khúm núm quỳ trên mặt đất, do dự nói, "Nhắc tới việc này, Mục vương điện hạ dường như không phải đang oán trách hoàng thượng." Gã ngập ngừng một hồi, tìm từ thích hợp, "Nô tài có cảm giác dường như điện ha xem thường những thứ chức tước như vậy."

"Y không coi trọng chức tước thì muốn cái gì?" Hoàng đế nheo mắt hỏi.

"Cái này...Nô tài không đoán được." Mã Lương Thuận nhăn nhó cười lấy lòng, lại dò hỏi, "Nghe nói phía nam gặp thiên tai, hoàng thượng phiền muộn trong lòng, chi bằng nô tài nhân dịp tết Trùng Dương, đến Mục vương phủ tặng quà lễ để thăm dò xem y có ý kiến gì không?"

Hoàng đế hừ lạnh, "Việt Châu đại hạn, văn võ bá quan đều bó tay, y thì làm gì được?"

Mã Lương Thuận định nói tiếp thì người cửa có tiếng hô, "Khởi bẩm hoàng thượng, môn hạ thị trung Cao Lộc cầu kiến."

Cao Lộc hẳn đã chuẩn bị rồi mới đến, vừa vào điện đã quỳ xuống, "Có chuyện này, khi ở trên triều đường thần không tiện nói, giờ không thể không nhắc nhở hoàng thượng."

"Chuyện gì?"

"Xin hoàng thượng mau chóng điều binh tới Việt Châu." Giọng Cao Lộc chắc như đinh đóng cột, "Ban nãy tuy Lý Ngọc Sơn khá hống hách trên triều nhưng có một câu hắn nói rất đúng. Việt Châu là vùng dân chúng hung hãn, lại hay giả thần giả quỷ. Chỉ sợ khi có khó khăn, dân chúng tập kết làm loạn, phải mau phái binh trấn áp."

Hoàng đế biến sắc nhìn Cao Lộc, "Chuyện này.....còn chưa phát lương đã tính phát binh, để dân chúng nhìn thấy thì càng mất lòng dân."

"Phát binh để trấn áp loạn đảng. Nếu có kẻ lộng hành mà bị quan binh tiêu diệt thì oán trách ai được." Cao Lộc nói, lại hạ thấp giọng, "Hơn nữa, hoàng thượng cần gì phải để ý đến lòng dân của những kẻ đã chết."

Mùng chín tháng chín, tết Trùng Dương.

Mã Lương thuận thay trang phục nội thị, lên xe ngự tứ. Đỉnh xe ngựa hoàng cung đều dát vàng, còn lính đánh xe là hai vị Chấp Kim Ngô vệ trẻ tuổi. Bọn họ mặc áo giáp thêu vàng, khí độ bất phàm. Xe ngựa phóng nhanh, dân chúng hai bên không dám ngước lên nhìn. Còn Mã Lương Thuận ở trong xe lại cau mày khổ sở, cứ nghĩ đến nơi mình sắp tới là lại thở dài.

Xe ngựa dừng trước cổng Mục vương phủ. Tôi tớ thủ vệ liếc mắt, nhận ra đây là xe dành cho khâm sử, vội vàng mở cổng chính nghênh đón. Người bước ra là một vị đã quen mặt từ lâu, chính là đại quản sự Phương Minh.

Phương Minh thấy gã liền cười nói, "Mã tổng quản, hôm nay lại phụng hoàng mệnh tới đây ư?"

Mã Lương Thuận được hắn dìu xuống xe, cũng cười gượng, "Nhân dịp tết Trùng Dương, hoàng thượng ban lễ, lệnh cho ta đến xem thân thể điện hạ gần đây thế nào."

Thời gian này, vị Mã tổng quản đây thường xuyên đến vương phủ. Phương Minh cũng biết rõ ý đồ của gã, cho nên chỉ ngại ngùng cười, "Vương gia nhà ta vẫn thế, thân thể chưa khỏe, e là không thể gặp tổng quản."

Tuy đã biết câu trả lời sẽ là như thế, nhưng Mã Lương Thuận vẫn không nhịn được vẻ thất vọng. Sau nhiều lần do dự, gã đành hỏi, "Không biết chuyện đại hạn ở Việt Châu lần này, điên hạ có nghe tin không?"

"Trận hạn hán khiến dân chúng hoảng sợ, vương gia ở trong phủ cũng nghe thấy tin đồn." Phương Minh dừng một lát, lại nói, "Hoàng thượng đã hạ chỉ miễn hai năm thuế má ở Việt Châu, còn chẩn phát lương, thế thì sẽ mau chóng ứng phó được thôi."

Mã Lương Thuận thở dài, "E rằng việc cứu trợ còn rất nhiều khó khăn chưa giải quyết được. Nếu điện hạ ở trong triều thì đâu đến mức ấy." Nói rồi, gã rút một cuốn văn thư trong tay áo đưa qua, "Đây là tấu chương sơ lược tình hình đại nạn ở Việt Châu, xin Phương quản sự dâng cho điện hạ."

Phương Minh sửng sốt, khách sáo cười, "Hiện giờ vương gia nhà ta không đọc được văn thư, Mã tổng quản việc gì phải khiến đám hạ nhân như ta khó xử."

Thấy hắn có ý từ chối, Mã Lương Thuận cũng chẳng có cách nào, đành quay người lên xe ngựa.

Hai vị Chấp Kim Ngô vệ nhanh chóng đánh xe rời đi. Một người tròn mắt hỏi, "Mã tổng quản, chúng ta phụng mệnh tới đây, lẽ ra phải rất oai phong chứ, sao ngài lại ủ rũ như vậy?"

Người đồng đội bên cạnh vỗ cho gã một cái, "Lần này không gặp được Mục vương, Mã tổng quản về khó mà ăn nói, đương nhiên rất phiền lòng, ngươi hỏi cái gì mà hỏi."

Trong lúc họ đang nói chuyện, một tuấn mã màu xanh xám đã chạy tới từ phía trước. Đó chính là Vệ Trường Hiên, ôm lấy một người được bọc trong tấm áo choàng. Gương mặt người kia được tấm áo che hơn phân nửa. Chấp Kim Ngô vệ nhìn lướt qua, chỉ thấy được vầng trán trắng như tuyết.

Thấy con ngựa đi thẳng về hướng Mục vương phủ, người đồng bạn sửng sốt quay đầu, "Đó chẳng phải là Vệ tướng quân sao?"

"Không sai, là Vệ tướng quân."

"Nhưng mà người còn lại là ai?"

Chấp Kim Ngô vệ kia gãi đầu, "Ta cũng không rõ lắm, nhưng mà." Gã nở nụ cười đểu giả, "Da dẻ người kia nhìn còn trắng hơn cả hoa khôi Vân Dung nương tử nữa."

Hai người bọn họ nhấm nháy với nhau, định đùa cợt mấy câu thì Mã Lương Thuận lại vươn tay, gõ đỉnh đầu họ mấy nhát, "Mắt chó của các ngươi mù rồi à? Đó chính là Mục vương điện hạ!"

"Không phải Mục vương điện hạ bị bệnh sao?" Chấp Kim Ngô vệ che đầu, lẩm bẩm nói, "Bị bệnh sao còn ra ngoài cưỡi ngựa, tới giờ mới về phủ?"

"Đó là hướng Tây Sơn. Chắc đang tết Trùng Dương nên ngài cùng Vệ tướng quân tới đó." Người đồng đội bình thản gật đầu.

Mã Lương Thuận đăm chiêu lắc đầu, "Xem ra điện hạ thật sự không muốn quản việc trong triều nữa." Gã thở dài, xốc màn xe, "Dù sao quay về cũng bị mắng, thế thì không cần vội, cứ dạo phố một vòng."

Hai Chấp Kim Ngô vệ đều là người trẻ tuổi thích náo nhiệt, đương nhiên không phản đối, vội dong xe thong thả đi về phía hồ Di Lan.

"Mã tổng quản, sao lần này ngài lại để tâm tới việc mời Mục vương về triều quá vậy?" Một người cười hỏi, "Chẳng lẽ ngài ấy quay về, ngài sẽ được ban thưởng hậu hĩnh lắm sao?"

"Các ngươi đúng là một lũ không tim không phổi, có nói cũng không hiểu." Mã Lương Thuận nhìn mặt hồ Di Lan phía xa, im lặng lắc đầu, "Nhớ đại hán năm xưa, không biết có bao nhiêu người chết đói. Ta cũng bị cha mẹ bán vào cung vào lúc ấy, chỉ để đổi lấy một bao gạo mà thôi. Mà bao gạo kia cũng không đủ cho bọn họ sống qua đại hạn."

Nét mặt tươi cười của hai quan quân trẻ cứng đờ, không dám nói tiếp nữa.

Mã Lương Thuận không buồn để ý tới bọn họ, chỉ lầm lũi ngửa đầu nhìn trởi, "Năm nay Việt Châu đại hạn, không biết sẽ chết bao người. Bọn họ sẽ chết đói, hay là bị quan quân xem như loạn dân mà giết?"

Nghe câu sau, hai cậu lính trẻ biến sắc, định hỏi kỹ hơn nhưng tiếng vó ngựa lại vang lên trên đường. Lần này không phải một con ngựa nữa mà là mấy chục lính Tả Kiêu vệ phóng như bay. Thiếu niên đi đầu khiêng một cây cờ lớn, thêu dấu hiệu của Mục vương phủ chói lọi.

"Đây là gi?" Chấp Kim Ngô vệ trẻ tuổi không hiểu, chỉ ngây ra nhìn đoàn người vụt qua, mà Mã Lương Thuận bên cạnh gã lại giật mình, sắc mặt tái nhợt, bàn tay run rẩy bám vào vai người đánh xe, trợn mắt nhìn phía trước, "Mục....Mục vương phủ phát thủ lệnh."

Trong năm Vĩnh An thứ chín,từ khi Mục vương cáo bệnh đến giờ mới lần đầu phát thủ lệnh, mà nơi thủ lệnh được đưa tới chính là phương nam đang gặp hạn.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play