Dạo này trong đầu Kurosawa rất hay xuất hiện từ này, không phải anh có ý đồ xấu, làm chuyện xấu thật mà chỉ là có cảm giác đang trêu chọc người ta quá đáng mà thôi. Đối tượng trêu chọc vẫn là nhân viên cửa hàng tiện lợi hiền lành dưới chân tòa nhà đối diện. Lúc nào cậu cũng mang biểu cảm ngây thơ rất đáng yêu, nhìn chỉ muốn bắt nạt.
Adachi không bao giờ thực sự tức giận trước một trò đùa dai nào đó, nói chung cậu là một người vừa dễ tính vừa dễ hiểu. Nhìn thấy đồ ăn ngon sẽ tỏ ra vui vẻ, gặp chuyện gì buồn sẽ như chú thỏ cụp tai ủ rũ, nếu thức đêm thì chỏm tóc bên trái sẽ vểnh lên, luôn đi một tuyến đường cố định, cơm nắm thích ăn thì sẽ ăn suốt. Cũng vì thành phần đơn giản trong tính cách trội quá đâm ra không giỏi đối nhân xử thế, thường chỉ biết vụng về nói “Vâng” hoặc “Cảm ơn”, có thể làm cậu đỏ mặt là thành công nhất. Cậu giống hệt như tưởng tượng của anh về Cơm Nắm Hai Lớp Mayonnaise hồi trước – một tinh linh trong thế giới cổ tích Ghibli.
Kurosawa thừa nhận mình đã lợi dụng lòng tin của Adachi đơn thuần, lấy cớ mất ngủ để trò chuyện với cậu mỗi tối trước khi đi ngủ. Tất nhiên giọng Adachi khiến anh thư giãn là thật, nhưng đó là trong trường hợp chỉ có giọng. Lần đầu tiên bọn họ gọi video, Adachi đột nhiên dí sát mặt lại gần màn hình làm tim Kurosawa lỡ mất một nhịp. Cho dù nhìn thấy khuôn mặt ấy mỗi ngày nhưng bất ngờ nhìn gần như vậy vẫn khiến anh vô cùng hồi hộp.
Thế là hàng ngày bọn họ bắt đầu gọi video cho nhau, phần lớn là Kurosawa gọi qua, có khi Adachi sẽ lộ mặt, có khi camera chỉ hướng lên trần nhà trống không. Ban đầu Adachi đọc sách cho anh nghe, sau đó dần dần họ bắt đầu kể chuyện của mình, những ký hiệu ngôn ngữ đơn giản truyền qua thiết bị điện tử đến người ở đầu dây bên kia khiến đêm đông lạnh giá cũng trở nên ấm áp vô cùng.
Cứ như vậy, áo khoác khuy sừng dày nặng và áo khoác nhung lại bị xếp lên đỉnh tủ quần áo, áo sơ mi và hoodie thì được phơi ngoài ban công đón gió.
Mùa xuân, đúng hẹn lại đến.
Đây là buổi tối thứ hai mươi mốt gọi video với Adachi, Kurosawa nhớ rất rõ.
“Adachi, chào buổi tối.”
“Chào buổi tối, Kurosawa.”
Nửa mặt dưới của Adachi giấu trong chăn, chỉ lộ ra một đôi mắt sáng lấp lánh dưới tóc mai lòa xòa.
“Hôm nay là thứ bảy, thức khuya một chút cũng không sao đâu nhỉ? Cậu muốn xem phim không?” Kurosawa chủ động gợi ý.
“Bây giờ á? Để tôi lấy máy tính đã nhé. Nhanh nhỉ, mới đó mà đã sang xuân rồi.”
“À, có một bộ phim tên là Mùa Xuân (*) đó.”
“Vậy xem phim này đi.”
“Có vẻ là một bộ phim cũ.”
“Đúng rồi, phát hành năm 1996. Năm 96 cậu bao nhiêu tuổi?”
“Sáu tuổi, chúng ta sinh cùng năm mà.”
“Ừ nhỉ, ha ha.”
Cả khuôn mặt của Adachi lộ ra rồi, chắc là tại nằm sấp tì lên cánh tay nên hai má cậu bị dồn lên trông như hai miếng bánh bao, Kurosawa lặng lẽ ấn nút chụp màn hình.
“A, màn hình TV kiểu nhiễu sóng, lâu lắm rồi không thấy.”
“Nhớ hồi xưa ghê.”
Nam nữ chính sống ở những năm cuối thế kỷ 20, họ làm quen và trò chuyện với nhau thông qua những chiếc email, từ hai con người xa lạ chưa một lần gặp gỡ, họ đã tâm sự và sống với thân phận là Haru và Hoshi.
“Haru…Hoshi…”
Kurosawa mỉm cười nghe Adachi đọc nhẩm phần giới thiệu bộ phim như trẻ con tập đọc.
Diễn viên trong phim mặc áo vest vai rộng đang thịnh hành hồi đó bước đi giữa phố xá đông đúc.
“Giống quần áo mẹ chúng ta hay mặc hồi xưa ghê.” Adachi nói.
“Công nhận, hồi nhỏ tôi từng bị mắng vì làm rách váy mẹ đấy.”
“Hả? Kurosawa cũng vậy à? Bất ngờ quá, tôi cứ tưởng cậu là kiểu ngoan từ bé rồi cơ.”
“Kiểu vừa sinh ra đã biết mặc âu phục với thắt cà vạt ấy hả?” Đầu dây bên kia vọng ra tiếng cười.
“Phải đó.”
“Nhạc phim hay nhỉ?”
“Ừ hay thật.”
Nam chính Haru vốn là một vận động viên bóng bầu dục, vì bị chấn thương nên anh không thể tiếp tục theo đuổi ước mơ, anh gửi mail cho Hoshi tâm sự với cô về cuộc sống buồn bã tẻ nhạt của mình.
“Kurosawa từng xem thi đấu bóng bầu dục bao giờ chưa?”
“Hồi học cấp ba tôi ở trong CLB bóng bầu dục, còn chơi ở vị trí tiền vệ chính nữa đấy.”
“Siêu thế.”
“Nhưng môn thể thao này vận động mạnh quá, sau này tôi chuyển sang bơi lội rồi.”
“Kurosawa, cậu nói thật đi, cậu là người ngoài hành tinh đúng không?”
“Ha ha, sao cậu lại nói vậy?”
“Cái gì cậu cũng biết, hay là trong nhà cậu nuôi Doremon?”
“Đúng rồi đấy, hôm nào đến nhà tôi đi tôi cho cậu xem.”
Diễn biến bộ phim rất chậm, mặc dù rất ít cảnh có lời thoại, đa số là nhân vật chính gõ chữ gửi cho đối phương nhưng không hề khiến người xem cảm thấy nhàm chán. Bọn họ dường như đều đắm chìm trong bộ phim, ánh sáng yếu ớt từ màn hình máy tính chiếu lên khuôn mặt của hai con người ở hai không gian khác nhau nhưng sự im lặng lại lan tỏa trong cùng một khoảng thời gian, chính là giây phút này.
Hoshi: “Tình yêu chỉ có thể cảm nhận qua màn ảnh thực sự rất không chân thực.”
Hình như mình cũng hơi hiểu cảm giác này. Rõ ràng từng giây từng phút tình yêu đều đang diễn ra, “yêu” là một từ quá đỗi bình thường có thể thường xuyên bắt gặp trong quảng cáo trên đường, những tấm poster hay đĩa CD nhạc. Nó được mọi người nhắc đi nhắc lại, cô gái tên Fujisaki kia cũng nói “Có lẽ cậu yêu anh ta rồi”, nhưng mà yêu, tình yêu rốt cuộc là gì? Adachi không biết.
Haru: “Nhìn những người xung quanh mình xem, biết đâu luôn có ai đó lặng lẽ dõi theo cô thì sao.”
Vậy ư? Người dõi theo mình nhiều như vậy, thậm chí chẳng cần cố ý đi tìm cũng cảm nhận được người ta có ý với mình. Sinh viên đứng đầu khoa, nhân viên xuất sắc nhất phòng kinh doanh, đứa trẻ khiến người lớn yên tâm nhất họ, thường là đối tượng yêu đơn phương của các cô gái và cũng là chủ đề bàn tán của mọi người. Nhưng rồi cuối cùng cũng trở thành một người “từng được yêu thích” mà thôi, thứ tình cảm hời hợt đó anh chỉ nhìn qua là rõ. Vậy còn em, khi ánh mắt tôi đuổi theo em, liệu em có chú ý đến hay không?
Hoshi: “Tôi chưa từng yêu, bởi vì nhớ nhung ai đó là một chuyện rất phiền phức, ở nơi tôi không nhìn thấy anh ấy đang làm gì, có nhớ tôi không, cứ suy nghĩ miên man như vậy suốt cũng khiến tôi thấy sợ hãi chính mình.”
Với tôi thì nhớ nhung chẳng có gì phiền toái cả, ngược lại tôi còn rất thích cảm giác đó. Bởi vì không thể gặp nhau nên tâm trí không ngừng nghĩ về những lời đối phương nói cũng là một niềm vui. Cậu ấy đang làm gì, hôm nay mặc quần áo màu gì, tóc có vểnh lên không, ở trên xe bus có chỗ ngồi không, liệu có một phút giây nào cậu ấy cũng chợt nhớ đến tôi hay không? Mặc dù trái tim chẳng lúc nào yên nhưng cũng có thể coi là một nỗi đau đớn ngọt ngào.
Hoshi: “Tôi cảm thấy…yêu một người là lựa chọn một con người khác của bản thân.”
Bản thân ư?
Hình như cũng có lý, một người nghiêm túc, kỷ luật, cẩn thận tỉ mỉ như mình lại chọn một người ngây thơ, đơn giản, thậm chí có chút qua loa đại khái như cậu ấy.
“Adachi nghĩ sao? Chuyện chọn một con người khác của bản thân ấy?”
“Adachi ơi?”
Kurosawa không thấy cậu trả lời liền quay sang nhìn màn hình điện thoại, có lẽ vì nửa cuối bộ phim yên tĩnh quá nên cậu ngủ mất rồi. Adachi vẫn cầm chặt điện thoại, ánh sáng xanh từ màn hình hắt lên sườn mặt cậu. Tàu cao tốc lao băng băng trên thảo nguyên, nam nữ chính cầm máy ảnh chớp lấy khoảnh khắc bóng dáng người mình yêu lướt qua, Kurosawa vẫn ngắm Adachi. Cuối cùng trong phim hai nhân vật chính cũng gặp nhau, anh bỗng cảm thấy gặp được Adachi giữa biển người mênh mông là chuyện may mắn đến mức nào.
Bộ phim kết thúc.
Kurosawa không nỡ ngắt cuộc gọi này, thế là liền cắm sạc rồi nằm lên giường. Nếu tình yêu bắt đầu từ ảo tưởng thì so với những gì anh từng tưởng tượng, tất cả mọi chuyện đang diễn ra còn tốt hơn gấp trăm lần, bởi vì Adachi đang ở ngay bên cạnh anh.
Tình yêu dâng đầy như muốn trào ra khỏi lồng ngực. Nhưng còn cậu ấy thì sao? Cậu ấy có nghĩ giống anh không? Nếu biết mình bị một người đồng giới thích liệu cậu có vui vẻ không? Khi bị một người đàn ông nhìn chằm chằm bằng ánh mắt mang theo dục vọng cậu có cảm thấy ghê tởm không? Anh nên làm gì đây? Tiếp tục duy trì mối quan hệ bạn bè này ư? Trong đầu Kurosawa bật ra vô số câu hỏi, anh đã sống 30 năm mà không có chút kinh nghiệm yêu đương nào để tham khảo, thì ra khi thích ai đó con người ta sẽ bối rối và đầy trăn trở như thế này sao?
Cả một đêm Kurosawa cứ ở trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, lúc thì như đang ngủ, lúc lại nghe thấy âm thanh xung quanh, tim cũng đập lúc nhanh lúc chậm. Anh như biến thành một người ở trên toa tàu kia, muốn chụp một tấm ảnh người mình yêu trong khoảnh khắc đoàn tàu băng qua thảo nguyên, muốn bắt được bóng dáng mơ hồ ấy, nhưng bỗng nhiên anh bước hụt rồi rơi xuống, Kurosawa mở choàng mắt.
Chỉ là một giấc mơ mà thôi.
Kurosawa cầm điện thoại lên, điện thoại vẫn nối máy cả đêm nhưng nửa màn hình bị chăn bông che mất, nửa còn lại thì chỉ thấy gáy của đối phương với mấy cọng tóc đen hơi vểnh lên. Nếu ở bên cạnh thì có thể xoa tóc Adachi rồi, mái tóc mềm mại y như con người cậu vậy.
Hình như ngoài cửa sổ có tiếng chim hót, ngoài ra chỉ còn tiếng hít thở đều đặn nhịp nhàng, cậu ấy có xoay người lại không nhỉ? Khuôn mặt lúc mới ngủ dậy trông như thế nào? Kurosawa muốn nhìn thử, thế là anh không nhịn được khẽ gọi tên cậu.
“Adachi.”
“Adachi.”
“Kiyoshi.”
Ki-yo-shi, ba âm tiết ngắn ngủi khi phát ra từ miệng Kurosawa lại mang theo một chút run rẩy, anh vừa mong cậu nghe thấy, vừa sợ cậu nghe thấy. Chỉ là gọi em bằng tên của em thôi cũng giống như tự mình vờ như chúng ta đã rất thân mật rồi.
Có vẻ như người đang ngủ cũng vẫn rất nhạy cảm khi bị goi thẳng tên, Adachi trở mình ngó màn hình điện thoại, mắt cậu vẫn nhắm chặt, dung nhan buổi sáng còn có sức sát thương hơn cả buổi tối. Căn phòng tràn ngập ánh sáng ấm áp, nắng ngoài cửa sổ chiếu lên hàng mi dài của cậu tạo thành bóng râm hình quạt. Tim Kurosawa đập thình thịch, không công bằng, anh bỗng thấy hơi dỗi, thật không công bằng, tại sao em lại ngủ ngon như vậy, hoàn toàn không biết tình cảm chất chứa trong lòng tôi? Còn trái tim tôi cũng nào cũng đập điên cuồng vì em, Adachi à, có thể mở mắt ra nhìn tôi một chút được không?
Nếu như tiếng lòng này bị nghe thấy thì không biết sẽ thế nào đây.
“Adachi.”
Adachi lại co người lại hòng trốn sâu hơn vào trong chăn, đồng thời phát ra tiếng ngái ngủ khe khẽ nghe như làm nũng: “Hmm…”
Đáng yêu quá.
“Adachi.”
Hình như có người đang gọi tên mình, Adachi bị kéo ra khỏi giấc mơ trở về với hiện thực, nhưng vì vẫn còn mơ màng nên cậu chỉ “Ừm” một tiếng, sau đó mới chống lại cám dỗ của giấc ngủ miễn cưỡng hé mắt ra, mà đập ngay vào mắt cậu là khuôn mặt của Kurosawa trong màn hình, anh đang mỉm cười nhìn cậu.
Ủa? Ủa ủa ủa? Gì vậy? Xảy ra chuyện gì?
Adachi bật dây, người trong điện thoại cất tiếng chào hỏi: “Chào buổi sáng, Adachi.”
“Chào buổi sáng… Hôm qua tôi không cẩn thận ngủ mất tiêu luôn…” Cậu ngượng ngùng che mặt cầm điện thoại lên.
“Ừ, mà ban nãy dáng vẻ vừa ngủ dậy của Adachi đáng yêu lắm, còn làm nũng nữa…”
“Hả? Gì cơ?”
“Muốn xem không? Tôi quay lại rồi.”
“Sao lại quay cái này chứ, ngại chết đi được.”
“Đâu có, đáng yêu lắm.”
Sau đó hai người cũng không hề thảo luận về chuyện có phải tình yêu thường bắt đầu từ ảo tưởng và đối tượng yêu đương là con người khác của bản thân hay không, chỉ là một ngày nọ tóc của Kurosawa vậy mà mà cũng vểnh lên, bị Adachi lập tức chụp lại mà thôi.
(*) Chú thích: Bộ phim Mùa Xuân – ハル là một bộ phim Nhật Bản có thật được sản xuất năm 1996. Nam chính tên Hayami Noboru. Sau khi từ bỏ sự nghiệp vì chấn thương đã làm một nhân viên văn phòng bình thường. Một ngày nọ anh truy cập vào một diễn đàn dưới cái tên Haru (vừa là ghép hai âm tiết trong tên của mình, đồng thời Haru còn có nghĩa là Mùa Xuân). Ở đây anh gặp một người đàn ông có nick Hoshi – ほし (Ngôi Sao). Hai người đã trò chuyện với nhau bằng hình thức gửi mail, bộc bạch hết nỗi lòng, nhưng hóa ra Hoshi là một cô gái tên Mitsue Fujima sống ở Morioka. Cô cũng có những vết thương lòng riêng, sau khi nói thật với Haru về thân phận của mình, mối quan hệ gắn bó giữa hai người vẫn không bị phá vỡ. Sau đó Hoshi có chuyến công tác đến Tohoku, Haru nói mình sẽ lên một chuyến tàu cao tốc, khi tàu băng qua thảo nguyên sẽ có một điểm giao giữa hai người, họ sẽ vẫy khăn tay làm tín hiệu và chụp ảnh đối phương. Đó là một khoảnh khắc sống động chứng minh người kia “là thật”. Sau khi xảy ra một số hiểu lầm thì cuối phim hai người đã cầm theo tấm ảnh và gặp nhau ở ga Tokyo.
.Rất nhiều cảnh phim chỉ có chữ như thế này. Trong ảnh là Hoshi đang cho Haru biết đặc điểm nhận dạng của mình để anh chụp ảnh.