Giờ phút này, Ngô vương Tiêu Tử An trong cung đang bước loanh quanh
một đỉnh đồng, ngồi hai bên là lão thái úy và mấy vị công khanh đức
cao vọng trọng. Ngoài ra còn rất nhiều văn sĩ râu dài áo đen xúm xít
châu đầu thảo luận.
“Các người đều được xem là có học thức, uyên bác nhất trong triều
ta, thế mà chỉ vài lời sấm chữ giáp cốt thôi cũng đọc mãi không xong
hử?”
Mấy vị văn sĩ lập tức nín bặt, ai nấy đều mặt đỏ tới tai. Một vị lớn
tuổi nhất trong đó biện minh: “Bẩm điện hạ, theo mốc thời gian ghi lại
trên đỉnh đồng này thì kết luận được là sau khi ‘Bàn Canh dời
đô‘, các quan chiêm bốc tính ra vận nước trong hai ngàn năm. Nhưng Bàn
Canh dời đô về Ân là chuyện xảy ra từ một ngàn tám trăm năm trước
rồi, số hiện vật khắc chữ giáp cốt của thời đó lưu truyền tới nay khá ít ỏi, làm sao chúng thần nhận ra hết nổi ạ?
Ngô vương mặc kệ họ giải thích thế nào, cứ nói: “Đã là vận nước trong
hai ngàn năm, vậy vừa vặn tính tới chúng ta bây giờ còn gì? Các người
không phải đọc hết toàn bộ, chỉ cần mấy chữ cuối thôi, chừng đó khó
lắm à?”
Nhất thời mấy vị văn sĩ cùng im thít. Đúng là rất khó, đoạn cuối cùng nhắc tới vận mệnh của Đại Ngụy, bọn họ đều mù tịt.
“Lũ vô dụng!” Ngô vương tức giận phất tay.
Từ thời Lưỡng Hán tới nay, thuật sấm vĩ vô cùng thịnh
hành[*]. Nhất là sau khi Đại Ngụy suy bại, quần hùng cùng nổi lên cát
cứ khắp nơi, sấm vĩ với đủ các hình thức tiên tri vốn bị hoàng đế Đại
Ngụy cưỡng chế bài trừ bỗng hồi sinh trở lại. Thông Minh tiên sinh nhận
được lời sấm truyền, liền tiên đoán thiên hạ của Đại Ngụy sắp đổi
chủ. Mỗi tội, lời sấm kia nói “Ngụy vong tất đến Tiêu” xong thì
đứt đoạn.
[*] Một dạng bói toán theo cách đưa ra tiên đoán bằng lời sấm hay
tranh sấm, bắt nguồn từ thời Tần, thịnh hành vào Lưỡng Hán. Những tiên
đoán này thường đa nghĩa, quanh co, thần bí khó hiểu, nhiều cách giải
đoán và kích động lòng người.
Tiêu Tử An ngứa ngáy trong lòng. Tin chắc “Tiêu” trong “Ngụy vong tất
đến Tiêu” chính là họ Tiêu ở Lan Lăng. Nhưng đến tột cùng là“Tiêu”
nào? Là Tiêu Tử An gã, hay Tiêu Luyện Nhi, kẻ từ nhỏ vẫn luôn đối nghịch với gã? Gã cực kỳ muốn biết.
Gã giữ mạng Tiêu Yên lại, thực chất là muốn kẻ đáng hận đó trở thành tù nhân vĩnh viễn của mình.
Chẳng phải Tiêu Yên lợi hại lắm sao? Chẳng phải từ nhỏ người trong
tộc đã khinh Tiêu Tử An gã khó sánh bằng sao? Rõ ràng gã mới là
huynhtrưởng, nhưng trong mắt tên Tiêu Luyện Nhi đó chưa từng có mảy may
tôn trọng. Vả chăng, còn thêm mối thù giết con. Là đứa con kia của
gã, đang yên đang lành sao lại chết trong đợt tranh quyền giữa gã và
Tiêu Luyện Nhi?Không phải Tiêu Luyện Nhi ra tay tàn độc thì còn ai khác
vào đây?!
Bởi vậy gã muốn giữ mạng Tiêu Yên, cho Tiêu Yên nếm thử cảm giác trơ mắt nhìn từng người thân, bàn hữu quanh mình chết đi, cho y nếm cảm giác
tận mắt chứng kiến con trai yêu quý nhất đau đớn tắt thở trước mặt
mình, cho y nếm đủ loại tuyệt vọng mà người ngồi ở địa vị đó khó có cơ
hội nếm trải. Gã tự thấy mình thật đúng là huynh trưởng tốt. Gã
đã tự tay dâng lên bữa tiệc thịnh soạn cho tên em họ Tiêu Yên đó. Mọi
nỗi đói khổ trong thiên hạ, mọi vị trầm kha ở nhân gian, gã đều rộng
lượng đưa hết đến tận miệng cho em họ thưởng thức.
Mấy ngày trước đây, nghe nói có bọn đãi vàng vớt được một đỉnh đồng dưới sông, trên đỉnh không khắc chữ kim [*], mà là lời chiêm bốc
bằng chữ giáp cốt của thời kỳ sớm hơn. Đỉnh đồng này nhanh chóng rơi vào tay sĩ tộc trong thành Kiến Khang, sau khi kiểm nghiệm, xác nhận đích
thực là cổ vật thời Ân – Thương. Cổ vật từ ngàn năm trước tất nhiên
rất quý giá, song đặc biệt hơn cả là chữ khắc trên đó. Đọc qua thì thấy
toàn lời tiên đoán, nội dung chủ yếu về thiên hạ hợp lâu rồi lại tan,
tan lâu rồi lại hợp. Sĩ tộc không dám thất lễ, lập tức dâng ngay vào
cung.
[*] Chữ khắc trên đồ đồng, chủ yếu là chuông và đỉnh. Đây là loại chữ kế thừa chữ giáp cốt, xuất hiện cuối thời Thương, thịnh hành thời Tây
Chu.
Đỉnh đồng này đã khơi dậy hứng thú cực lớn của Ngô vương. Theo như đám
văn sĩ đã cẩn thận nhận diện một phần chữ viết thì gồm có: Nhà Tần thống nhất thiên hạ, đoản mệnh diệt vong; Sở Hán tranh hùng, bá vương
cùng đường ở Ô Giang; Tam quốc tranh bá; Nam Bắc phân liệt… Mỗi đợt thay triều đổi đại đều ứng nghiệm với một câu chiêm bốc.
Ngặt nỗi, đến đoạn cuối cùng trong đó có mấy chữ quan trọng, đám văn sĩ này đều không nhận ra.
Tiêu Tử An gã và Tiêu Yên, đến tột cùng thì ai mới là người
mang thiên mệnh? Nếu là gã, thì gã sẽ giết phứt Tiêu Yên đi. Một
kẻ giả xưng có thiên mệnh, chẳng phải chỉ là bèo bọt không đáng nhắc tới sao? Còn nếu là Tiêu Yên, vậy gã muốn đăng quang đế vị trước mặt Tiêu
Yên, gã muốn Tiêu Yên tận mắt chứng kiến mình nghịch thiên đảo mệnh!
“Bẩm điện hạ, thực ra lão thần có biết một người tinh thông lục thư
và chữ giáp cốt, tất cả văn tự cổ từ Tam Đại trở lại đều đọc được
trôi chảy.”
Ngô vương nhướng mày, thấy là lão thái úy, bèn hỏi: “Ai thế?”
Lão thái úy đáp: “Người này nghe bảo đã có duyên gặp mặt điện
hạ một lần, chính là vị Tam lang họ Lý mà Bão Kê nương nương vừa
gả cho, sau khi Phùng tổng quản mất.”
***
Lúc nhận được lệnh triệu vào cung, Lý Nhu Phong đang nghiêng mình làm
lễ với A Xuân trên xe ngựa. A Xuân cuống cuồng đứng dậy, cũng học theo
bộ dáng của chàng, vụng về trả lễ. Chàng nhờ A Xuân chăm sóc
Bão Kê nương nương và nhóc Đinh Bảo bên nhà cũ. Mà cách đó không
xa, có vài kẻ mặc thường phục cứ nhìn chòng chọc vào chiếc xe ngựa
này, đấy là thân binh của Dương Đăng.
Lý Nhu Phong biết, tuy Dương Đăng chẳng có binh phù, nhưng quân đội
trong cả thành Kiến Khang đều đã sẵn sàng ra trận, gươm giáo đã
đồng loạt trực chỉ cổng cung Ngô vương.
Các việc như đuổi bắt Tiêu Yên ngoài thành, tiêu diệt quân Trừng tiếp
ứng, vốn là Dương Đăng tự ý hành động. Nếu để gã Ngô vương đa nghi phát
hiện thì Dương Đăng chỉ còn một con đường chết.
Giờ phút này, Dương Đăng không có lựa chọn nào khác.
Mà chàng, đã làm là phải thành công, không thành công, cũng phải thành công.
Lý Nhu Phong biết, lần này chàng vào cung Ngô vương là bước lên đường cùng, nhưng không hẳn là đường cùng.
Chàng cúi người hôn lên bờ môi bạc phếch của Bão Kê nương nương: “Nàng còn sống thì ta cũng còn sống vậy.”
Nàng đã hôn mê chừng chục ngày. Mặc dù sắc mặt và thân thể ngày
một khá hơn, quầng lửa dần cháy mạnh hơn rất nhiều, song vẫn chưa có dấu hiệu tỉnh dậy. Khi làm giao dịch với Dương Đăng, chàng đưa ra yêu cầu
tiên quyết là phải chạy chữa và đảm bảo an toàn cho nàng. Sau đó
thầy lang do hắn phái tới xem qua, nói là còn tổn thương lưu lại do
bị đập đầu, phải chờ máu bầm tan hết mới có thể tỉnh được.
Lý Nhu Phong chẳng biết, phải chăng nàng đã không muốn tỉnh nữa.
…
Đến vương cung, Lý Nhu Phong xuống xe, ngoài xe có nội thị chờ
dẫn đường cho chàng. Cung Ngô vương trước kia từng là cung điện của Tiêu Yên, chàng đã đến một lần, nhưng chẳng mấy hứng thú. Ở cửa cung, chàng
bị lục soát kỹ lưỡng toàn thân, ngoài quần áo ra thì không được đem theo gì khác. Kỳ thực, chàng cũng chỉ có một bộ áo vải, một sợi dây cột tóc, trên người chẳng còn thứ gì.
Chàng đã quên hết các ngả đường trong cung, may mà mọi lối đi
đều có mái che nên tránh được ánh nắng chiếu thẳng vào mặt. Tuy đầu ngón tay đã hơi nhoi nhói, nhưng trong một chốc một lát sẽ không có bất cứ
biến hóa rõ rệt nào. Thính lực chàng rất nhạy, những tiếng rầm rì lí nhí hai bên đường đều theo gió lọt hết vào tai chàng.
“Tên này đẹp thật đấy. Nhớ đâu là Bão Kê nương nương mua từ chợ quỷ về nhỉ?”
“Chớ nói xằng. Tôi nghe ngự sử đại nhân bảo là hắn ta rất rành
cổ vật. Bất cứ loại đồ cổ nào trên đời, hắn ta chỉ cần rờ một
cái đã biết rõ niên đại. Lần này là được thái úy đại nhân tiến cử. Chờ
giám định thật tốt đỉnh đồng cho điện hạ, chưa biết chừng sẽ lên như
diều gặp gió ngay.”
“Cũng phải. Ả Bão Kê nương nương kia thì khỏi nói, Phùng Thời vừa
chết, không ngờ lại nhặt được món hời to. Chậc, cái thứ mấy đời chồng
đó, có biếu ta ta cũng ngại bẩn. Tên này cứ làm Ngô vương điện hạ vui
lòng, xong thì muốn mỹ nhân kiểu gì chả được...”
Lý Nhu Phong nghiêm sắc mặt, ngẩng cao đầu, thờ ơ theo chân nội thị đi tới trước.
Ngô vương đang ở trong điện chờ chàng. Mấy vị công khanh và văn sĩ cũng
có mặt đông đủ. Nội thị lên tiếng hướng dẫn, chàng quỳ bái Ngô vương.
Ngô vương không nhiều lời, ra hiệu cho văn sĩ bày câu hỏi thử sức chàng.
Hình thanh, âm nghĩa trong lục thư và văn tự cổ, chàng đều trả
lời lưu loát. Hỏi vì sao còn trẻ mà đã rành rẽ những thứ này, đáp do
trong nhà sống bằng nghề trộm mộ. Hỏi quê quán ở đâu, đáp khi
trước là người Giang Bắc, gặp chiến loạn nên lưu vong xuống Giang
Nam. Lại hỏi làm sao quen Bão Kê nương nương, đáp ở chợ quỷ được Bão
Kê nương nương cứu giúp.
Những lời này của chàng, nửa thật nửa giả, thật giả khó phân biệt. Vào
những buổi đêm dài đằng đẵng kia, chàng đã diễn tập biết bao
lần, nay chẳng cần suy nghĩ vẫn đối đáp chặt chẽ không sơ hở.
Rốt cuộc cũng khảo sát đến đỉnh đồng, chuyện này làm sao khó
dễ được chàng. Dù gì thì chữ giáp cốt trên chiếc đỉnh kia đều từ chính
tay chàng khắc từng đao một lên thẻ tre. Mỗi câu chiêm bốc cũng do chính chàng cẩn thận cân nhắc từng từ, rồi mới tỉ mỉ khắc ra. Chàng
vuốt đi vuốt lại thẻ tre, đảm bảo không có chút sai sót nào. Sau
khi đỉnh đồng kia được đúc xong, chàng cũng dùng ngón trỏ nhạy cảm kiểm
tra mỗi một tấc, xác nhận đã làm giống y khuôn thiết kế của chàng. Chàng hướng dẫn phương pháp giả cổ cho thợ rèn đạo sĩ. Khi xưa chàng nghiêm
túc học điều đấy vì cần biết cách phân biệt thật giả, nào ngờ bây
giờ chính chàng lại đi làm đồ giả.
Chàng đã mưu tính chuyện này ngay sau khi gặp Phạm Bảo Nguyệt. Mục đích
ban đầu chỉ để phòng trường hợp quá cấp bách, họ vẫn còn cách tiếp cận
Ngô vương. Nếu thực sự không thể tìm thấy Tiêu Yên thì sẽ đánh cược lần
cuối, chính là ép Ngô vương giao y ra.
Chàng vẫn chưa nghĩ tới việc tự mình ra tay đâm Ngô vương. Chàng cảm
thấy loại chuyện như giết vương này phải là vương đấu với vương, phải
kết thúc trong tay giả vương [*]. Mà chàng, chỉ cần cứu Tiêu Yên ra,
chuyện báo thù còn lại cứ giao hết cho Tiêu Yên.
[*] Chức vương lâm thời, không được phong bái theo nghi thức chính
quy, không được truyền vị cho đời sau, thường là lập tạm để dễ bề hiệu
triệu dân chúng hoặc do cá nhân dùng vũ lực, thủ đoạn giành lấy.
Tuy nhiên, khi ở trong động trời dưới lòng đất, ngay cả chính chàng
cũng không phát giác, tâm trí chàng đã bắt đầu xảy ra biến hóa vi diệu.
Vì sao nhất định phải dựa vào Tiêu Yên để báo thù?
Là Ngô vương, chính miệng gã hạ lệnh giết cha mẹ chàng, giết các anh
chàng, giết cả dòng họ chàng, còn phá hủy nhà thờ họ của họ Lý chàng.
Chàng có thể làm được cả.
Chàng cần gì phải ỷ lại Tiêu Yên.
Chàng là người “sống sót”duy nhất của họ Lý Trừng Châu, chuyện này tất
nhiên phải do chính tay chàng làm. Chàng trong quá khứ đã tự coi mình là thứ gì? Một con hoàng yến trốn dưới cánh Tiêu Yên. Chàng chưa hề xem
mình là một thực thể độc lập tách biệt khỏi Tiêu Yên. Dẫu
rằng chàng chưa bao giờ quỳ bái Tiêu Yên, thậm chí xem nhẹ lễ nghi
quân thần của thế tục mà đứng ngang vai ngang vế với y, song thực chất
trong thâm tâm, chàng chưa từng coi mình là một người độc lập.
Nhưng chàng là Lý Băng của Trừng Châu, chàng cơ hồ đã quên mất. Chàng chỉ nhớ rõ mình là Nhu Phong.
Chàng vuốt chiếc đỉnh đồng, nói với Ngô vương: “…Sau ba năm, Đại Ngụy
vong, tân đế thống nhất giang sơn, thiên hạ thái bình, gió yên
biển lặng.”
“Tân đế à?” Ngô vương nhích tới gần, bức thiết hỏi, “Tân đế là ai? Trên đỉnh có tiên đoán luôn không?”
“Có.” Lý Nhu Phong nhẹ giọng đáp. Đầu ngón tay chàng lướt qua
mấy chữ khắc ngoằn ngoèo trên đỉnh. Đặt bút tròn, nhấc bút nhọn, là văn
tự thời kỳ Thương vương Bàn Canh, chàng mô phỏng giống vô cùng.
Dù biết có nhìn cũng chả hiểu, Ngô vương vẫn tò mò cúi đầu
xuống, chăm chú quan sát mấy chữ chàng đang chỉ. Từng chữ họ không nhận
ra, Lý Nhu Phong đều sẽ đọc lại thật êm tai, giải thích rõ nghĩa mỗi
chữ tượng hình, khiến họphải tâm phục khẩu phục.
Mấy chữ đấy, Ngô vương tin chắc Lý Nhu Phong cũng làm thế.
Mà giờ khắc này, xuất hiện trong đầu Lý Nhu Phong là đôi mắt của
huynh trưởng, cừu hận, oán giận, không cam lòng... Chính là lệ quỷ chàng thấy rõ ràng trên thân Dương Đăng.
Tất thảy cảnh tượng thê lương khi xưa như gió táp mưa sa ùn ùn
kéo về tâm trí chàng. Bản thân mình đau đớn co giật trước khi chết, các
huynh và các tẩu lệ nóng tuôn trào, phụ mẫu nhắm nghiền hai mắt, nhà thờ họ Lý trăm năm chìm trong lửa đỏ ngút trời…
“Huynh trưởng mất, ấu đệ thay…”
Ngô vương còn chưa kịp hiểu nghĩa của sáu chữ đấy, gã đã dại ra, phát
hiện trước ngực mình bị xỏ xuyên một bàn tay máu. Móng tay dài vấy máu
cực sắc nhọn, chớp lóe như ánh bạc, từng giọt đỏ thẫm từ móng tay nhỏ
xuống. Một trái tim nhầy nhụa máu tanh đang đập thình thịch trong lòng
bàn tay kia.
Gã đã không kịp nhận ra đấy là tim ai. Bàn tay máu giật mạnh
ra sau, gã ngã nhào xuống đất.
Ngô vương chết.
Tất cả mọi người bắt đầu gào thét. Tiếng thét inh ỏi quyện lại
thành dòng thủy triều lao nhanh, thành luồng khói bốc cao tận trời, báo
hiệu cho đội binh của Dương Đăng rầm rập xông vào cung.
Lúc này, chẳng còn ai tự hỏi vì sao Dương Đăng đã chỉnh tề trong bộ
giáp phiêu kỵ tướng quân sáng choang. Hắn chĩa lưỡi đao sắc bén
vào Lý Nhu Phong với mái tóc dần hóa sương trắng:
“Lôi tên người cõi âm mưu sát vương thượng này ra ngoài!Treo lên cổng thành phơi nắng ba ngày, cảnh tỉnh thế nhân!”
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT