Nguyệt đặt thúng rau vừa mới hái xuống đất, sau đó lại tất bật vào nhóm bếp chuẩn bị nấu cơm. Đã gần bốn rưỡi chiều rồi, nếu cô không nhanh thì mẹ sẽ đói.

Trên ngón áp út của đôi bàn tay gầy gò và đen đúa kia là chiếc nhẫn vàng ta một chỉ mà ba năm trước người ta đã gửi về quê cùng với một lời nhắn: “Lúc nào gọi thì sẽ có xe về đón đi.” Đó cũng là lời nhắn từ nhà chồng của cô.

Ở cái thế kỷ 21 này người ta chẳng còn thấy ngạc nhiên khi gặp mấy chuyện khó hiểu nữa, nhưng ở vùng quê nghèo khó này thì bất cứ chuyện gì khác đời cũng sẽ trở thành một chủ đề để bàn ra tán vào đến chục năm. Đơn giản vì ở đây buồn tẻ quá, nghèo túng quá, chẳng ai có việc để làm ngoài chuyện đồng áng, nấu cơm nấu nước hằng ngày cả. Suốt hơn ba năm nay, người dân làng Hoa vẫn cứ nói mãi về cuộc hôn nhân kỳ lạ của Nguyệt. Người ta gọi đó là “cuộc hôn nhân chết”, vì nàng chưa một lần được được gặp chồng, chưa một lần được đón rước và cũng chưa có ai về nhận nàng làm dâu cả.

- Hôn nhân trên giấy tờ thì nói làm gì! Mà á, cái giấy đó chẳng biết có phải của thật hay không?

Một người đàn bà đem gà ra sông giết, nói chuyện với một bà đang giặt quần áo gần đó.

Người đàn bà giặt quần áo bĩu môi:

- Giả là cái chắc. Mà con Nguyệt cũng dại, người ta không về đón thì cứ lấy tiệt người khác đi cho xong, cứ ở vậy mà đợi chờ héo quắt cả người. Đàn bà con gái sống một mình là khổ hết phần thiên hạ.

Những câu chuyện ấy Nguyệt đã nghe đến độ có thể đoán được họ sẽ nói những điều gì, rồi sau mỗi câu hỏi sẽ là câu trả lời như thế nào. Chỉ có điều cô cũng chán ngán việc để tâm rồi. Con người có khả năng thích nghi rất nhanh mà. Với cô thì việc nghe đi nghe lại một loại chuyện và im lặng cũng là một loại thích nghi.

Vứt một nắm trấu vào trong đống lửa sắp tàn, Nguyệt xoay người đặt ấm nước đã bị lửa hun cho đen kịt lên trên chiếc kiềng ba chân. Trời xẩm tối rồi, ở đây không hiểu sao buổi chiều đi qua rất nhanh.

- Con vẫn chưa nghe thấy tin tức gì sao? - Bà Nụ ngồi trên giường nhìn đăm đăm về phía con gái, cô đang đặt mâm xuống tấm chiếu nát. Tay bà quạt nhanh chiếc quạt mo và hỏi Nguyệt.

Nguyệt đến đỡ mẹ ngồi xuống. Hoá ra là bà Nụ đã bị mù. Cô nói:

- Không sao đâu mẹ, rồi họ sẽ về đây đón con và mẹ mà.

Bà Nụ thở dài não nuột, đôi mắt mù rơm rớm nước.

Nhà chồng của Nguyệt ở thủ đô Hà Nội, bà năm trước có một bà về nói rằng có một người đàn ông đang cần vợ. Gia cảnh ông ta rất giàu có, chỉ cần đồng ý lấy thì sẽ được chuyển nóng một trăm năm mươi triệu. Khi về nhà chồng thì sẽ được chuyển một trăm năm mươi triệu nữa. Nguyệt đồng ý liền, cô cần tiền để chữa mắt cho mẹ. Nhưng khi cô ký giấy thì họ mới chỉ chuyển năm mươi triệu, và gửi một chiếc nhẫn vàng. Đến bây giờ thì chưa thấy tin tức gì. Ba năm qua, Nguyệt không dám tiêu một đồng nào, sợ rằng mình đã làm sai chuyện gì đó mà họ quay lại đòi tiền. Nhưng sự im lặng của họ là tuyệt đối.

Bà mối từng đưa ảnh chồng cho cô xem, trong ảnh là một người đàn ông khoảng hơn ba mươi tuổi, trông xanh xao lắm. Anh ta có đôi mắt sáng, nhưng chắc bị bệnh nên khuôn mặt hóp vào, đôi mắt ấy bị hút vào trong hốc mắt thâm xì. Nguyệt cũng đoán mình chẳng cần phải lấy ai đẹp đẽ, khoẻ mạnh làm gì, chỉ cần tốt với mình và có thể lo được cho mẹ là tốt rồi. Nhưng cuộc đời cô đúng là sinh ra đã khổ. Đến tận bây giờ cô mới thấm thía được điều ấy. Mẹ cô thì cứ khóc mãi, sợ rằng đôi mắt mẹ giờ có nhiều tiền cũng chẳng thể chữa được nữa.

Trong làng lại có đám cưới, con gái của ông Mã cưới ai đó làng bên. Nguyệt được mời, thiếp mời đơn giản và quê mùa ấy khiến cô càng thêm rầu rĩ. Cô trốn mẹ ra bụi chuối sau nhà khóc, nước mắt rơi lên chiếc nhẫn cưới của cô. Nguyệt tự hỏi rốt cuộc mình đã làm chi cuộc đời mình thế này?

Bất ngờ trong tiệc cưới ấy Nguyệt gặp lại bà mối năm nào, bà ta cố tỏ ra không quen biết Nguyệt, thậm chí còn có ý trốn tránh.

Khách khứa đến càng lúc càng đông, đám cưới làng quê lúc nào cũng linh đình như một lễ hội. Nhạc được phát qua hai cái loa thùng lớn, ban nhạc say sưa trong những giai điệu quen thuộc như: “Đám cưới trên đồng quê, tình lúa duyên trăng, đường về hai thôn…”

Bà mối ngồi cùng với những bà già khác, thi thoảng lại liếc về phía Nguyệt. Vẻ lấm lét của bà ta càng khiến Nguyệt nghi ngờ. Rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra sao? Cô muốn đến hỏi bà về chồng mình. Nguyệt đứng dậy và bước về phía bà ta.

Bà mối đương nhiên biết được điều đó, khi thấy cô tiến lại thì liền đứng dậy và rời đi. Bà ta cố gắng lẫn vào đám người đang tới chúc phúc cô dâu chủ rể. Nguyệt đuổi theo bà. Sự chạy trốn của bà càng làm dậy lên cái ham muốn được biết về lý do tại sao nhà chồng vẫn chưa đến đón cô về. Họ không muốn cô nữa thì cũng phải có một lời, đằng này lại im lặng suốt ba năm như cái lời cầu hôn ấy chỉ là do cô mơ mộng mà ra. Nếu không phải vì có năm mươi triệu kia thì cô đã nghĩ rằng mình mơ mộng thật.

Nguyệt đuổi theo bà ta đến tận đầu làng, bà ta không chạy được nữa mới dừng lại thở dốc. Từ đầu đến cuối Nguyệt chỉ chạy theo như vậy mà không thèm gọi tên bà. Rõ ràng kẻ có tật thì giật mình. Nguyệt không phải kẻ ngốc, cô nhận ra được những sự bất thường ấy trong bà.

- Rốt cuộc mày muốn gì hả? - Bà mối vừa thở dốc vừa hỏi.

Nguyệt đứng cách bà ta chừng mười bước chân, cô không hề mệt nhọc vì hằng ngày cô còn lao động nặng hơn những bước chạy này. Nguyệt hỏi:

- Tại sao bà phải chạy trốn tôi? Bà đã biết tôi cần gì ở bà đâu?

Bà mối nhíu mày, không ngờ một con bé nhà quê mà cũng đối đáp được hay đến như vậy. Mà bà quên rằng bà cũng là một kẻ nhà quê như nó. Bà mối vài năm nay phất lên khá vì đưa vài mối cho dân thành phố. Với dân thành phố khả giả đến giàu có, thì vài chục hay vài trăm đôi khi chẳng là vấn đề với họ. Nhưng ở cái làng Hoa này thì gia tài đó đủ nuôi hai đời rồi.

- Thôi được rồi, tao không đôi co với mày. Tao còn phải về nhà.

- Bà đứng lại đó, tôi còn chưa nói cho bà biết điều tôi muốn.

Nguyệt lao về phía bà mối trước khi bà ta kịp chạy trốn.

- Rốt cuộc đã có chuyện gì? Tại sao đến bây giờ mà họ vẫn không đến tìm tôi?

- Cái đó tôi làm sao mà biết được.

- Đừng có chối, tôi biết thừa bà đã dắt mối cho mấy đám ở làng này với người thành phố. Họ đều đã đi, còn tôi thì vẫn ở lại. Bà là người rõ mọi chuyện hơn tôi, chắc hẳn đã có điều gì đó xảy ra.

- Chẳng có điều gì cả - Bà mối nhìn đi chỗ khác.

Nguyệt thở dài, cô liền tháo đôi bông tai mà cô rất trân trọng, nó luôn được cô dùng mỗi khi đến dịp đặc biệt. Nguyệt đặt vào lòng bàn tay bà mối đôi bông tai, cô nói giọng khẩn thiết:

- Xin bà hãy giúp tôi. Bà cũng là phụ nữ, chắc bà hiểu nỗi khổ của tôi.

Người phụ nữ nhìn đôi bông tai rồi lại nhìn Nguyệt một lúc lâu. Bà ta thở hắt như thể phiền não lắm, như thể cái điều mà bà sắp nói ấy đã được bà nén lại quá lâu rồi. Và khi bà mở nút, nó phải bung ra thật mạnh.

- Nó chết rồi!

Nguyệt nhíu mày, cô không hiểu lời bà mối nói. Bà mối liền nhắc lại:

- Chồng mày ấy, một tuần sau khi họ đưa giấy đăng ký kết hôn về tao đã nhận được thông báo là nó chết. Vì đâu không rõ, chỉ biết là có cảm giấy báo tử làm chứng.

Trời đất đổ ụp xuống dưới chân, Nguyệt thấy cả cơ thể nghiêng đổ như trong lòng có giông tố. Điều mà cô vừa nghe thấy còn nặng nề hơn cả những chờ đợi trong suốt ba năm qua của cô.

- Bà nói dối…

Bà mối đoán được Nguyệt sẽ có biểu hiện này, đó cũng là lý do mà bà muốn che giấu suốt ba năm qua. Bà cảm thấy như cô ta cứ giữ năm mươi triệu đó và sống trong chờ đợi suốt đời còn hơn là nhận lấy thất vọng khi biết người mẹ của mình mãi mãi không thấy được ánh sáng. Bà cũng chỉ là muốn tốt cho cô thôi, như thế thì đâu có gì sai.

- Tuỳ mày tin thôi, nhưng cái gì biết tao cũng đã nói cho mày hết rồi.

- Bà nói dối để ăn hết số tiền đó đúng không? Hai trăm năm mươi triệu bà đã lấy hết.

Bà mối cười nhạt, cô ta cần tiền quá hoá rồ à? Sao tự nhiên lại vu oan cho bà lấy tiền? Cô ta phải hiểu rằng khi cô bước chân vào nhà đó thì mới được nhận tiền, đăng này cô còn chưa bao giờ nhìn mặt chồng thì làm sao mà bà có thể cầm được tiền?

- Đi theo tao

- Làm gì?

- Về nhà tao lấy giấy báo tử và lời nhắn của họ cho mày xem.

- Tôi không xem.

Nguyệt chùn chân, cô lắc đầu mếu máo. Bà ta không thể nào hiểu được nỗi đau và thất vọng ê chề của cô lúc này. Giống như là cô đã bị phản bội. Cô đã dành hết ba năm tuổi xuân để chờ một lần đón rước. Cô đã chịu hết thảy mọi tai tiếng và những lời bàn tán để được một lần ngẩng cao đầu rời khỏi nơi đây cùng với mẹ. Vậy mà giờ đây bà ta lại nói rằng chồng cô đã chết. Nghĩa là cô đã trở thành một goá phụ. Thật điên rồ!

- Bà cho tôi địa chỉ, tôi sẽ đến nhà họ.

Thấy Nguyệt đang quá đỗi xúc động, bà mối cảm thấy lo lắng cho cô. Dẫu biết việc vuốt mất con cá ngon là một danh gia vọng tộc cũng là việc đáng tiếc, nhưng đâu cần cô ta phải thế này. Mà hồi đó bà cũng dại, thấy nhà người ta trả nhiều tiền là đâm đầu vào làm mối. Rõ ràng ngay từ đầu bà đã thấy có chút gì đó bí ẩn và nguy hiểm ở gia đình này rồi. Bà không biết họ có thật sự cần vợ hay không, ngay đến chính bà cũng chưa từng nhìn thấy con trai nhà họ. Chỉ có một tấm ảnh đó thì ai cũng có thể là chồng của Nguyệt được.

- Nhanh! - Nguyệt hét lên khiến bà mối giật mình.

- Mày điên không hả Nguyệt? Mày chưa bao giờ rời khỏi làng Hoa, mày cũng chưa từng thấy mặt chồng mày, tại sao mày phải đau khổ thế này?

- Tôi không đau khổ cho anh ta! Bà biết ba năm qua tôi đã chịu đựng những gì không? Tôi chịu đựng tất thảy điều đó không phải để nhận được tin anh ta đã chết. Nhưng đó không phải là tất cả, tôi chịu được! - Nguyệt mếu máo - Tôi có thể chịu được những thứ kinh khủng hơn thế. Chỉ có mẹ tôi, bà có thể chết được nếu nghe thấy tin này. Làm sao mà bà hiểu được chứ.

Hoá ra là như vậy, hoá ra cô ta làm tất cả chỉ vì mẹ thôi. Cả chuyện lấy một người mà mình không biết mặt, không biết tên. Cô ta chọn hy sinh tất cả tuổi xuân chỉ để đổi lại một giây phút hạnh phúc và vui mừng của mẹ. Như thế có đáng không?

- Vậy nên hãy cho tôi địa chỉ của anh ta, tôi sẽ dùng năm mươi triệu mà họ gửi để đi tìm.

- Mày…

- Tôi cầu xin bà.

Nguyệt quỳ xuống. Cô sẽ tìm đến cả tro cốt, mộ phần của anh ta để biết được tại sao gia đình anh phải làm vậy. Họ có thể nói rằng họ không muốn cô nữa, có thể giải thoát cho cô cơ mà.

Thật đáng thương! Bà mối nghĩ thầm trong đầu. Rồi cuối cùng, bà đành phải nói cho cô biết địa chỉ. Dù bà không chắc địa chỉ đó đúng hay không. Bà cũng chỉ ở cái làng Hoa này, chưa từng đi đâu quá xa. Bà hiểu gì về thành phố và những người thành phố chứ? Ngoài những đống tiền mà họ vứt ra cho bà?

Nguyệt chạy đi thật xa, dáng cô thoăn thoắt và mạnh bạo như chính cảm xúc của cô lúc này. Cô cảm thấy như mình đang thay đổi. Đến mức mà cô không bao giờ có thể tưởng tượng được cô sẽ bỏ lại mẹ để đi tìm một thứ đã ruồng bỏ mình.

Trước khi đi, Nguyệt đã nói với hàng xóm hãy chăm sóc tốt cho mẹ mình. Mỗi tháng cô sẽ gửi tiền cho họ. Còn mẹ, cô sẽ nói với bà cô được họ đến tìm và rước đi. Bà rơm rớm nước mắt hạnh phúc mà đâu biết con gái bà đang khổ đau.

- Mẹ, con nhất định sẽ về. Cả chồng con nữa, mẹ đợi con nhé?

- Ừ, được được. Đi đi con, nhanh không có muộn xe. - Bà Nụ xua tay, cố đẩy cô con gái đi. Bà đã già rồi, có chết ở đây cũng không sao, nhưng bà muốn con gái mình được hạnh phúc và làm những gì mà nó muốn.

Ngay trong đêm hôm đó, Nguyệt xách túi rời khỏi làng Hoa. Chiếc xe khách nhỏ cà tàng liên tục phát ra những tiếng cót két, lục cục. Mùi gà qué và mùi mồ hôi người trộn lẫn khiến Nguyệt thấy đau đầu. Cô ngả ra và ngủ thiếp đi. Ngày mai, cô sẽ đến với một cuộc sống mới. Chẳng biết điều gì đang chờ đợi cô.

🖤🖤🖤🖤

Chờ đợi suốt ba năm nhưng cuối cùng lại chỉ nhận được một câu trả lời rằng: Chồng đã chết. Nguyệt như rơi khỏi cái sự bình tĩnh vốn có của mình. Cô quyết định lên thành phố để tìm đến sự thật. Liệu chồng cô đã chết? Và tại sao nhà chồng cô dù không cần nhưng vẫn không huỷ hôn ước với cô?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play