Đằng trước khu nhà là một khoảnh sân rộng lát gạch đỏ. Duật nhanh chóng băng qua sân, bước vào trong căn nhà ba gian với hàng cột phía trước để trơn mộc mạc chứ không chạm trổ rồng phượng cầu kỳ như những nơi khác trong Cấm Thành. Bên trong khá nhỏ, chỉ kê độc hai hàng ghế lót da hổ đối diện nhau. Trên những chếc ghế đó hoàn toàn trống trơn không có người ngồi. Đúng khi Chiêu Văn Vương đang nghi hoặc nhìn quanh thì bất chợt có giọng nói trầm trầm và dứt khoát vang lên từ góc tường bên tay tả gian nhà:
- Vào đây đi!
Nhật Duật nghe thấy thế thì lòng chợt bùi ngùi. “Mấy năm rồi không gặp, đức thượng hoàng chắc vẫn khỏe nên lời nói mới sang sảng như vậy”.
Thượng hoàng Trần Hoảng là anh ruột của Trần Nhật Duật, con trai thứ hai của vua Thái Tông (1), còn Nhật Duật là con thứ sáu. Tuy Duật kém thượng hoàng gần hai mươi tuổi nhưng sau khi lên ngôi vua, thượng hoàng rất quan tâm, chăm sóc chàng. Đối với Duật, thượng hoàng không chỉ là đức bề trên mà thực sự là người anh tận tâm và đáng kính.
Chiêu Văn Vương đi lại góc nhà, lần mò một lúc thì tìm ra được cánh cửa gỗ bí mật. Chàng mở cửa, bước vào trong. Đằng sau cánh cửa lại là gian nhà khác rộng rãi hơn nhiều. Ngay khi tiến vào, Nhật Duật liền chạm trán bốn người lính Thánh Dực đang đứng gác nghiêm trang. Bốn người lính này mang mặt nạ dát vàng nhưng vẫn để lộ ra khoảng trán xăm chữ “Thiên Tử Quân”. Vóc dáng và trang phục của bọn họ cũng oai vệ hơn hẳn so với lính Thánh Dực thường. Lúc đi ngang qua, Nhật Duật còn cảm nhận được huyền lực tỏa ra từ người bọn họ. “Thánh Dực Tứ Tướng xem ra đều biết phép thuật, quả là danh bất hư truyền”, Chiêu Văn Vương nghĩ thầm rồi tiếp tục tiến tới.
Ở chính giữa gian nhà rộng có hơn chục chiếc ghế to xếp thành hình bán nguyệt. Hiện tại đang có bốn người ngồi trên ghế nhìn thẳng ra phía cửa. Còn một người mày rậm, cằm vuông, vóc dáng như rồng như hổ, trên mình khoác giáp bạc thì lặng lẽ đứng hầu sau lưng bốn người trên.
Ngồi ngoài cùng bên tay tả là một thanh niên chạc hai mươi, my thanh, mục tú, khoác áo hoàng bào. Thanh niên trông thoáng qua thì đầy vẻ thư sinh nhưng vầng trán cao và đôi mắt sáng tạo ra cảm giác đây là con người thông minh, quyết đoán. Thanh niên khoác áo hoàng bào chính là đức vua Thiệu Bảo. Bên cạnh vua là một trung niên mặt vuông chữ điền, nét mặt cương nghị đầy vẻ nghiêm khắc. Ông là Thượng hoàng Trần Hoảng, bố ruột của nhà vua và anh trai của Nhật Duật. Ngồi kế bên thượng hoàng là trung niên hao hao giống ông. Trung niên mình mặc áo giao lĩnh vàng, ngồi cạnh hai vua mà bên hông vẫn dắt theo gươm báu. Ánh mắt trung niên sắc lẹm nhưng nụ cười lại rất hiền từ. Trung niên hiệu là Chiêu Minh Vương, tên thật Trần Quang Khải, đảm đương chức vụ thái sư đầu triều hiện giờ. Cuối cùng bên tay hữu có một lão đạo sĩ già mặc bộ áo xanh bạc màu, chân đi hài cỏ. Đạo sĩ đầu tóc bạc phơ nhưng da dẻ vẫn hồng hào tươi nhuận. Đôi mắt lão lúc nào cũng lim dim khiến không ai có thể đoán ra trong đầu đang suy nghĩ gì. Đạo sĩ không rõ họ, chỉ biết tên Thậm nên hay được gọi là Đạo Thậm, là sư tổ quán Thái Thanh. Nhật Duật đã từng gặp lão mấy lần.
- Trần Nhật Duật xin bái kiến đức quan gia, đức thượng hoàng, thái sư và Thái Thanh sư tổ.
Thượng hoàng và Thái sư Quang Khải thấy em mình từ khi ra trấn thủ Tây Bắc thì cường tráng hơn, thân thể nhanh nhẹn, ánh mắt tinh minh có thần, đôi khi còn như phát ra tia chớp thì nhất loạt đều mỉm cười hài lòng. Sư tổ Đạo Thậm ngồi im trên ghế, không tỏ động thái gì. Riêng vua Thiệu Bảo là người mừng rỡ hơn cả, nhanh chóng đứng dậy bước tới đỡ Chiêu Văn Vương dậy. Nhà vua và Nhật Duật tại triều chính thì là phận quân thần, trong dòng họ là quan hệ chú cháu nhưng hai người tuổi gần suýt soát nhau, lúc nhỏ cùng lớn lên trong Hoàng Thành nên thường hay đá cầu, luyện võ chung. Do vậy cả hai đặc biệt thân thiết như bạn bè đồng trang lứa. Trước khi Nhật Duật lên trấn thủ Tây Bắc, chính vua Thiệu Bảo đã tặng cho chàng tràng hạt đồng đen Tống Thiết Phật Châu để hộ thân.
- Chú về đây thật hay quá. Ta rất nhớ chú!
Nhật Duật thấy tình cảm chân thành của nhà vua thì cảm động, nói:
- Đức quan gia ngày càng cường tráng, anh minh. Thần trấn giữ biên cương cũng thấy yên lòng.
Vua Thiệu Bảo lắc đầu thở dài:
- Tình hình đang lúc rối ren, chú là người thông thạo tiếng và tập tục của người Man, ngoài chú không ai có thể trấn ải trên Tây Bắc tốt hơn không thì ta đã bàn với thượng hoàng giữ chú lại triều. Hôm trước có bọn Bố Bà Ma Các sứ giả Chiêm Thành sang cống voi trắng mà dâng thư với luận đàm mấy ngày cả triều không ai hiểu tường hết ý. Nếu có chú có phải mọi việc đơn giản không?
Nhật Duật cười, đáp:
- Đức quan gia quá coi trọng thần rồi!
Chiêu Văn Vương từ nhỏ vốn đã thông minh hơn người. Chàng không những làu thông kinh sử, võ nghệ cao cường mà còn nổi tiếng bởi khả năng ngoại ngữ và giao tiếp đặc biệt. Mới hơn hai mươi tuổi mà hầu như các tiếng dân tộc của Đại Việt, Nhật Duật đều nói được hết. Ngoài ra chàng còn nói tốt tiếng phương Bắc, tiếng Chiêm Thành nên sớm trở thành nhà ngoại giao có tiếng trong triều. Trước kia sứ giả các nước sau khi vào yết kiến vua Trần đều tạt qua phủ Chiêu Văn chơi. Hiện tại trong phủ Chiêu Văn vẫn có dăm ba người nhạc công Chiêm Thành lưu lại.
- Thưa đức quan gia, bọn Bố Bà Ma Các còn ở sứ quán không? Nếu có thời gian thần sẽ qua thăm hỏi.
Vua Thiệu Bảo gật đầu, nói:
- Vẫn còn. Nay quân Thát Đát lại chuẩn bị xâm lược bờ cõi nước ta. Việc đàm phán, liên kết với Chiêm Thành cũng rất quan trọng.
Nhật Duật đáp:
- Thần hiểu!
Thượng hoàng bất chợt cất lời, cắt ngang câu chuyện của hai chú cháu:
- Chiêu Văn Vương ngươi lần này bỏ quân về kinh thành, nếu không có việc thực sự hệ trọng thì tội không nhỏ đâu.
Tình cảm của thượng hoàng với người em thứ sáu tuy rất tốt nhưng ông cũng là người công bằng vô tư, thưởng phạt nghiêm minh. Nhật Duật nghe thượng hoàng nói vậy liền đưa mắt nhìn sang phía sư tổ quán Thái Thanh. Đạo Thậm vẫn ngồi im lìm không nhúc nhích. Thượng hoàng thấy cái nhìn đấy của chàng thì khẽ gật đầu. Nhật Duật hiểu ý, vội vã tâu:
- Bẩm đức quan gia, bẩm đức thượng hoàng, thần về đây gấp vì có việc cần báo cáo cho sảnh Phi Y. Số là thần tình cờ biết được tin tức về Gươm Rồng. Nghe nói đây là thứ vũ khí thần kỳ mà Bố Rồng Lạc Long Quân cho truyền xuống để bảo vệ phương Nam mỗi khi có loạn lạc.
- Gươm Rồng ư? – Vua Thiệu Bảo, thượng hoàng và thái sư quay sang nhìn nhau ngơ ngác.
Sư tổ Đạo Thậm nãy giờ vẫn im lặng bất chợt lên tiếng:
- Gươm Rồng là thứ vũ khí được tạo thành từ một mảnh của gươm Phi Long, thứ thần binh Bố Rồng luôn mang theo bên mình. Nghe đồn Gươm Rồng có nhiều phép thuật kỳ diệu. Tại phương Nam khi xưa còn lưu truyền tin tức rằng ai lấy được Gươm Rồng tức là được Bố Rồng chọn, có tư cách làm chủ cả vùng đất này.
Thượng hoàng nghe sư tổ quán Thái Thanh nói vậy thì nhăn mày:
- Như vậy tức là ai có Gươm Rồng trong tay thì sẽ trở thành vua của Đại Việt sao?
Nhật Duật nghe thế biết thượng hoàng có ý lo lắng cho ngôi cửu ngũ(2). Chàng vội vã đáp:
- Bẩm đức thượng hoàng, không hẳn vậy. Theo như lời đức thánh Tản Viên thì Gươm Rồng được truyền xuống mục đích chính là để giúp cho phương Nam thoát khỏi cơn loạn lạc. Còn chủ nhân của Gươm Rồng cũng không bắt buộc phải là vua của toàn Đại Việt.
- Ngươi đã gặp đức thánh Tản Viên sao? – Cả thượng hoàng và thái sư đều ngạc nhiên, đồng thanh hỏi.
Nhật Duật thở dài, kể lại hết toàn bộ mọi chuyện. Bắt đầu từ khi chàng bị người của phủ Cao Sơn bắt đi tìm Bạc Luông rồi đến việc đánh nhau với hổ tinh, tìm thấy Hộp Rồng rồi lại bị Hắc Hổ cướp mất, cho đến cả chuyện chàng và Vi Mai được Đạo Tổ Chử Đổng Tử cứu, tình cờ tham dự vào cuộc họp của Tứ Bất Tử trên đảo thánh.
Đạo Thậm nghe xong câu chuyện thì đứng bật dậy, nói:
- Thưa đức thượng hoàng, đức quan gia và thái sư, tôi vừa nói cho mọi người về Thượng Cổ Tứ Yêu, giờ hóa ra kẻ địch còn lôi kéo được thêm Hắc Hổ từ Ngũ Hổ Thần. Xem ra bọn chúng rất ghê gớm chứ không phải vừa.
- Thượng Cổ Tứ Yêu ư? - Nhật Duật thấy vậy thì tò mò hỏi lại. Chàng chưa bao giờ nghe qua bốn từ này.
- Phải. - Đạo Thậm nghiêm giọng đáp. - Sự việc trên bến Tây Dương chắc đức ông Chiêu Văn cũng đã chứng kiến rồi. Cái vòng tròn xác trắng đó là kết quả của Vũ Điệu Hút Máu. Một điệu múa đẹp đẽ mà cũng tàn ác bậc nhất thời thượng cổ. Điệu múa của một trong Thượng Cổ Tứ Yêu là Hồ.
- Hồ? Tức là cáo tinh sao? - Nhật Duật kêu lên kinh hãi.
Đạo Thậm gật đầu:
- Đúng vậy, chính là cáo tinh. Thượng Cổ Tứ Yêu gồm bốn yêu quái thời thượng cổ là Hồ, Kê, Mộc, Ngư(3). Thời xưa khắp phương Nam đâu đâu cũng là yêu quái nhưng Hồ, Kê, Mộc, Ngư có pháp thuật cao cường và tàn ác nhất. Khi đó dân chúng phương Nam dưới sự lãnh đạo của vua Hùng liên miên chịu tai họa do yêu quái gây ra, liền không ngừng lập đàn hướng ra phía biển Đông cầu khóc Bố Rồng. Sau bốn chín ngày cầu khẩn liên tục, Bố Rồng động lòng từ Bát Hải xa xôi trở về phương Nam, cầm gươm Phi Long vi hành một vòng diệt hết Tứ Yêu triệt họa cho dân.
- Thưa sư tổ, nói vậy tức là Thượng Cổ Tứ Yêu đều đã bị Bố Rồng giết chết. Tại sao giờ lại xuất hiện Vũ Điệu Hút Máu?
Đạo Thậm lắc đầu, giải thích:
- Thực ra Bố Rồng không giết Thượng Cổ Tứ Yêu mà chỉ phong ấn bọn chúng lại. Thượng Cổ Tứ Yêu hấp thụ linh khí từ thời Thượng Cổ, trải qua hàng ngàn năm tu luyện nên không thể bị diệt trừ dễ dàng. Bố Rồng chỉ có thể phong ấn bọn chúng, chờ qua tháng năm từ từ làm triệt tiêu hết yêu khí.
Nhật Duật nghe thế thì rất lo lắng, nói:
- Thưa sư tổ, ý của người là có kẻ đã giải phong ấn được cho Thượng Cổ Tứ Yêu rồi ư?
Đạo Thậm lắc đầu, đáp:
- Chuyện này bần đạo không chắc lắm. Nhưng Vũ Điệu Hút Máu đã xuất hiện, hơn nữa bọn đồ tử, đồ tôn của tôi vừa báo cáo mực nước ở hồ Dâm Đàm(4) cách nay mấy hôm đột ngột tụt hẳn xuống.
Nhật Duật ngạc nhiên hỏi lại:
- Thưa sư tổ, hồ Dâm Đàm thì có liên quan gì đến Tứ Yêu?
- Hồ Dâm Đàm có nghĩa là đầm xác cáo. Đây chính là nơi khi xưa Bố Rồng phong ấn Hồ.
Đạo Thậm vừa dứt lời, trong gian nhà kín đáo bỗng nhiên nổi gió. Cơn xào xạc mang theo cả mùi ẩm của đất, mùi ướt của lá. Khi mọi người còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì sư tổ quán Thái Thanh bất ngờ kêu lên:
- Có yêu quái!
Ông ta nói đoạn rời khỏi chỗ ngồi, chạy như bay ra ngoài. Nhật Duật không chút chậm trễ vội vã bám theo sau.
* * * * *
* Chú thích:
(1) Trần Hoảng: miếu hiệu là Trần Thánh Tông, vị vua thứ hai đời Trần, cũng là con thứ hai của Trần Thái Tông. Con đầu của Thái Tông là Trần Quốc Khang, vốn là con của An Sinh Vương Trần Liễu, anh ruột Thái Tông. Khi xưa Trần Thủ Độ ép Trần Liễu phải nhường người vợ đang mang thai là Thuận Thiên công chúa cho người em là vua Thái Tông. Do vậy dù trên danh nghĩa là con cả, Trần Quốc Khang không được trao ngôi vua mà ngôi này được dành cho người con trai thứ hai của Thái Tông là Trần Hoảng.
(2) Ngôi cửu ngũ: Tức chỉ ngôi vua. Hào cửu ngũ trong quẻ Càn của kinh Dịch có là tượng con rồng bay trên trời, tức là tượng vị vua. Do đó ngôi vua gọi là ngôi Cửu ngũ.
(3) Thượng Cổ Tứ Yêu: Hồ, Kê, Mộc, Ngư có nghĩa là bốn yêu quái từ thời Thượng Cổ gồm cáo tinh, gà tinh, cây tinh và cá tinh.
(4) Hồ Dâm Đàm: tức hồ Tây ngày nay.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT