Canh Thìn, Thiệu Bảo năm thứ hai (tức năm 1280 dương lịch), tại đạo Đà Giang, vùng Tây Bắc Đại Việt;
Sương sớm vùng núi rừng càng làm cho cái rét mướt đầu đông thêm se sắt, đã cuối giờ Mão mà đất trời vẫn chưa thoát hẳn cơn ngái ngủ. Trong cái màn tù mù đó, có một đoàn người ngựa phi nước kiệu về khu doanh trại bề thế của người Man nằm ở thung lũng dưới chân dãy núi xanh ngắt.
Dẫn đầu đoàn người là một thanh niên nét mặt tuấn tú, mi thanh, mắt sáng, dáng người cân đối, khỏe mạnh. Đi theo người thanh niên là đội tám người gồm cả người hầu, phu khuân vác cưỡi chung trên năm con ngựa. Ngoài lũ người hầu và phu phen ra còn có hai rương gỗ nặng trĩu buộc hai bên lưng con chiến mã to khỏe nhất đoàn.
Đoàn người và ngựa đông đảo nhanh chóng bị chặn lại bởi những người lính dân tộc trong bộ áo xanh nai nịt gọn ghẽ, tay lăm lăm thanh mã tấu gác ở cổng doanh trại. Thanh niên đầu đoàn ghìm cương con ngựa ô lông bóng mượt rồi nhảy xuống, bước về phía gã râu ria xồm xoàm áng chừng là thủ lĩnh đám lính gác:
- Phiền vị tráng sĩ đây vào báo cho chúa đạo Đà Giang có Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật(1) của triều đình đến gặp gỡ theo lời ước hẹn.
Nghe thấy sáu từ “Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật”, gã thủ lĩnh giật mình ngạc nhiên. Y vội quay lại nói xì xồ với tên lính áo xanh đứng bên cạnh. Tên lính “vâng, dạ” liên mồm rồi lật đật chạy vào. Một lát sau, từ phía trong vọng ra tiếng trống “thùng thùng”, tiếp nối bằng hồi kèn đón khách đặc trưng của người Man.
Gã thủ lĩnh nghe thấy hồi kèn thì khoát tay ra lệnh cho bọn lính đứng dẹp thành hai hàng, còn y đích thân giơ tay mời người khách trẻ có thân phận khác thường đi theo mình.
Người trẻ tuổi mỉm cười quay lại hạ lệnh cho bọn phu phen tháo hai rương đồ, lồng đòn gánh và khênh vào. Cùng lúc đó, đám lính trong trại Man nghe tiếng trống và kèn đã úa ra đứng thành hàng lối nghiêm chỉnh. Dù mới tảng sáng mà trang phục bọn họ đều gọn gàng, mã tấu dắt ngay ngắn bên hông, tác phong nhanh nhẹn, hàng lối chỉnh tề. Trong chốc lát cả trại Man bừng tỉnh giấc, đón tiếp người khách bất ngờ bằng sự cẩn thận thái quá có đôi phần đe dọa.
Người thanh niên trước cảnh trang nghiêm thì vẫn ung dung như không, chàng nhẹ nhàng cất bước theo chân tên thủ lĩnh. Vừa đi người thanh niên vừa trò chuyện với gã râu ria bằng tiếng Man rất chuẩn, thăm hỏi gia cảnh nhà y và tán gẫu về thời tiết, đặc sản của vùng thung lũng bên bờ sông Đà. Tên thủ lĩnh ban đầu chỉ trả lời qua loa nhưng bằng vào sự hiểu biết và thông thạo của người thanh niên, chỉ lát sau y đã tâm sự sôi nổi với chàng như người bạn tâm giao lâu ngày gặp lại.
Hai người mải trò chuyện nên chẳng mấy chốc đã đi tới căn nhà sàn bề thế nhất trại được dựng sát lưng vào vách núi dựng đứng.
Người thanh niên ngước mắt nhìn lên, không khỏi kêu lên trầm trồ thán phục. Chàng thân làm vương gia Đại Việt, các phủ đệ xa hoa cũng biết tới nhiều nhưng căn nhà sàn của chúa đạo dân tộc lại có nét đẹp rất riêng. Nó không những lớn tới mức vô lý so với các căn nhà sàn thông thường khác, mà còn được trang trí bằng rất nhiều các tấm da báo hoa, báo đốm và cả da hổ treo đầy ở mặt đằng trước.
- Chà, nhà đẹp thật. – Người thanh niên vừa cười nói vừa bước lên thang, mặc kệ hàng lính gác mặt mày bặm trợn đang nhìn chằm chằm.
Bên trong nhà sàn rộng rãi, thoáng khí, nền gỗ được phủ kín bằng các mảnh da thú. Còn trên các cột, các tường là đủ thể loại cồng, chiêng, đầu thú dữ, thậm chí còn có một đôi đao dài. Ngồi ngay bên dưới đôi đao là một trung niên mắt sâu, mũi to, râu ria xồm xoàm trông hung dữ như tượng hộ pháp canh đền. Trung niên mặc áo da hổ tay trần, để lộ ra cơ bắp cuồn cuộn, rắn chắc của vị chúa tể vùng sơn cước. Ngồi thành hai hàng bên dưới trung niên là hơn chục tay tù trưởng dáng vẻ hùm sói không thua gì vị chúa đạo của bọn họ. Chàng thanh niên bước vào giữa đám người hung dữ đó, thật hơi giống như khuê nữ nhà lành bất chợt bị rơi vào giữa ổ trộm cướp.
Người thanh niên trước các ánh mắt muốn ăn tươi nuốt sống thì vẫn điềm nhiên như không, chàng vẫy tay ra hiệu cho bọn phu phen khiêng hai hòm đồ để sang một bên. Sau khi lũ người chuyên khuân vác xong việc và lục tục kéo xuống khỏi nhà sàn, còn hai đứa hầu đi theo thì ngoan ngoãn quỳ sau lưng, người thanh niên mới ngồi xuống tấm nệm thêu hoa văn ở vị trí đối diện vị chúa tể người Man:
- Tôi là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, nay theo lời ước hẹn với chúa đạo nên tới đây gặp gỡ.
Tay chúa đạo nghe vậy thì nheo mắt đánh giá người thanh niên. Rồi gã bất chợt cười lên ha hả, giọng oang oang như tiếng cồng chiêng gióng lên khi xung trận, hào sảng mà đầy uy hiếp:
- Ha ha ha… Trịnh Giác Mật ta vốn nghe đồn Chiêu Văn Vương là người trí dũng, văn võ toàn tài. Bây giờ thấy vương còn có dạ can đảm khác thường, đi vào chỗ chết mà coi như không.
Bọn người Man trong trướng tuy đều dũng mãnh oai phong nhưng câu nói của gã trung niên ngoài âm thanh vang rền còn chứa cả nội lực hùng hậu. Chúng Man đều thấy ù tai hoa mắt, phải vội vã trấn định lại tinh thần.
Tuy nhiên người thanh niên chẳng bị ảnh hưởng gì trước lời uy hiếp. Chàng nở nụ cười tươi rói, rồi dùng tiếng Man rất chuẩn đáp lại tay trung niên:
- Nhật Duật tôi tuy mới lên vùng này đóng quân được ít lâu nhưng từ xưa khi còn ở kinh thành đã rất yêu thích tập tục, lối sống của người miền ngược. Được biết người dân tộc ở suốt một giải Đà Giang cực kỳ can trường, hào sảng, lại vô cùng hiếu khách. Các đức tính quý báu đó làm tôi rất ngưỡng mộ. Vì thế khi chúa đạo có lời ước hẹn gặp gỡ nhưng phải đi một mình, không được có binh lính theo hộ tống, Nhật Duật vội vàng sửa soạn quà lễ lên đường mà không cần suy tính. Vì tôi quan niệm tới gặp các vị chẳng khác nào đi gặp anh em ruột thịt trong nhà, vậy mà cớ sao chúa đạo lại bảo tôi đi vào chỗ chết?
Giác Mật nghe như vậy, lại thấy người thanh niên mặc bộ quần áo tía, đầu quấn khăn tía và trên cổ có đeo một chiếc vòng đính đầy răng hổ theo đúng lề lối trang phục sang trọng nhất của người Man chỉ dùng khi có dịp quan trọng hoặc để tỏ lòng tôn kính lúc gặp gỡ khách quý, liền vỗ đùi khen “hay” rồi đáp:
- Vương nói phải lắm, những lời vừa rồi coi như ta sai. Vậy Giác Mật này xin kính người anh em bình rượu để tạ tội.
Lời vừa dứt, chúa đạo liền sai một tên tù trưởng chạy xuống nhà sàn hạ lệnh cho bọn người hầu mang rượu thịt lên mở tiệc. Chỉ nghe hàng loạt các tiếng bước chân rầm rập, rồi lũ lính áo xanh lần lượt bê lên các đĩa thịt trâu bò, hươu nai và cả những bình rượu tròn lẳn, nâu bóng, miệng vẫn còn được bịt kín bởi các mảnh da thú để tràn đầy khoảng sàn nhà trước mặt mọi người.
Sau khi lũ lính bày biện xong xuôi, chúa đạo Giác Mật ngay trước mặt vị khách quý vẫn điềm nhiên thò tay vào đĩa thức ăn, bốc nắm thịt to bỏ vào mồm nhai nhồm nhoàm. Đối diện với cảnh ăn uống thô lỗ, Chiêu Văn Vương hoàn toàn thoải mái. Chàng giơ tay ra phía trước ngỏ ý muốn xin lại đĩa thịt của chúa đạo. Giác Mật thoáng ngạc nhiên nhưng vẫn cầm lên đưa cho chàng. Trần Nhật Duật đón lấy, rồi giống hệt chúa đạo, chàng cũng dùng tay không bốc nắm thịt to bỏ vào mồm nhai nuốt.
Chúa đạo Giác Mật và các tù trưởng người Man trông thấy cảnh đó thì cùng “ồ” lên thích thú. Hóa ra theo tập tục của người Man, việc ăn chung một đĩa thức ăn, và phải ăn bốc bằng tay, có ý nghĩa tỏ rõ sự cùng chung hoạn nạn của anh em, bạn bè thân thiết.
- Hay lắm, chẳng ngờ việc ăn uống phàm tục của chúng ta mà vương cũng rất tỏ tường. Vậy còn cách uống rượu thể hiện chí khí nam nhi, chẳng hay vương có biết?
Nhật Duật nghe chúa đạo nói thế thì mỉm cười gật đầu. Rồi chàng lấy bình rượu để bên cạnh, mở tấm da thú bịt miệng ra. Mùi rượu thơm ngát tỏa khắp căn nhà sàn. Nhật Duật dùng tay nâng bình lên, rồi nghển cổ, hếch đầu, dùng mũi hứng lấy vòi rượu trong vắt đang chảy xuống.
Trông thấy Chiêu Văn Vương uống rượu bằng mũi, tất cả người Man trong trướng đều trầm trồ thán phục. Lát sau, Nhật Duật uống xong cầm bình rượu đưa về phía chúa đạo. Giác Mật gật gù tỏ vẻ hài lòng, rồi cùng với cách mà chàng vừa dùng, gã cũng nâng bình lên cao và uống bằng mũi.
Uống xong, Giác Mật đặt bình rượu xuống thở ra một hơi, vòng tay thi lễ với Nhật Duật đoạn nói:
- Vương gia tỏ tường phong tục của chúng tôi như thế, đích thị kiếp trước cũng là người miền ngược chẳng sai. Người dân tộc chúng tôi đối với anh em trong nhà luôn luôn tôn trọng, vì thế lần này tới đây vương có điều gì cần trao đổi xin mời nói thẳng ra.
Chiêu Văn Vương nghe vậy thì mừng rỡ, vòng tay đáp lễ Giác Mật:
- Chúa đạo đã nói vậy thì Nhật Duật tôi xin được bày tỏ hết cõi lòng. Từ xưa khi đức Thái Tông chúng tôi lập ra nhà Trần, đã mấy chục năm nay triều đình luôn để cho đạo Đà Giang tự chủ. Ngay cả khi đức quan gia(2) có phân công chỉ huy sứ lên vùng này cũng chỉ để cai quản đám con dân Đại Việt, còn lại các dân tộc khác chúng tôi luôn tôn trọng, để cho các vị sinh sống tự do và tự trị trong sắc dân của mình. Thế nhưng không hiểu sao trong thời gian gần đây, người dân tộc nổi lên chống lại triều đình, cướp phá các bản làng, thành thị của Đại Việt dọc khu vực thung lũng ven bờ sông Đà. Do lo ngại an ninh và cũng không muốn động binh đao làm mất tình cảm gắn bó bền chặt qua bao đời nay giữa miền xuôi và miền ngược nên đức quan gia mới lệnh cho tôi lên vùng này tìm hiểu, khuyên giải chúa đạo dẹp bớt các việc đao thương. Có thù oán, hiềm khích gì thì hai bên cùng nhau giãi bày, chia sẻ.
Nghe tới đây, Giác Mật thở ra một hơi đáp:
- Nếu ai cũng có tấm lòng như đức quan gia và Chiêu Văn Vương thì chúng tôi nào có dạ làm phản. Chẳng qua chỉ huy sứ cũ ở vùng này kiêu căng phách lối, lại hay ỷ thế quan binh triều đình đến quấy rầy các bản làng của chúng tôi. Giác Mật thấy anh em chung dòng máu bị hà hiếp thì không chịu nổi mới dấy binh làm loạn, nay nghĩ lại thấy quả là lỗ mãng.
- Chỉ huy sứ cũ đã bị triệu về Thăng Long xử tội theo quân pháp. Giờ tôi lên chỉ huy vùng này, các việc quấy rối người dân tộc sẽ chấm dứt triệt để. Xin chúa đạo chớ lo.
Giác Mật nghe vậy liền vòng tay thi lễ:
- Có những lời này của Chiêu Văn Vương, Giác Mật xin lập tức bãi binh, trở lại làm phiên dậu cho triều đình.
Nhật Duật nghe thế thì mừng rỡ, nói:
- Chúa đạo nghĩ thế là phải lắm. Và để tỏ lòng yêu quý đức quan gia có nhờ tôi chuyển tặng chúa đạo hai thùng lễ vật. Mong chúa đạo nhận cho.
- Quà tặng của đức quan gia, Giác Mật nào dám chối từ.
Chúa đạo Đà Giang nói xong liền ra lệnh cho bọn lính lên nhà sàn khiêng hai rương quà tặng đem cất đi. Chờ cho lũ lính xong việc, Nhật Duật lại nói tiếp:
- Ngoài những việc vừa nói ra, chắc chúa đạo cũng biết người Thát Đát(3) ở phương Bắc đang sắm sửa khí giới, huấn luyện binh sĩ, chờ thời cơ cất quân sang xâm lược nước ta. Trước nay người Việt cùng với người dân tộc ở dọc một giải Đà Giang thân thiết với nhau như anh em trong nhà. Nay có kẻ từ phương Bắc tới, nếu anh em không giúp nhau để kẻ kia chiếm được bờ cõi thì e rằng tất cả chúng ta đều phải chịu khổ đau dưới sự thống trị của bọn ngoại bang. Chính vì việc này, đức quan gia đã cho soạn một đạo chiếu chỉ dành riêng cho chúa đạo và nhờ tôi đích thân mang lên đây.
- Việc này Giác Mật hiểu rõ. Vậy chiếu chỉ của đức quan gia ra sao kính thỉnh vương cứ đọc, Giác Mật tôi xin rửa tai lắng nghe.
Trần Nhật Duật nghe vậy thì mừng rỡ, đưa tay ra hiệu cho một tên hầu đang quỳ sau lưng. Tên hầu này dáng người thanh mảnh, mắt răm mày liễu mười phần đẹp đẽ. Y thấy chủ nhân ra hiệu thì rút từ trong tay áo ra tờ chiếu thư màu vàng dâng lên chủ nhân.
Nhật Duật giở chiếu thư ra. Chàng bình thường nét mặt hòa nhã, lúc nào cũng tươi cười nhưng khi cầm chiếu thư trên tay lại tỏ ra rất cung kính, nghiêm túc. Giọng Nhật Duật cất lên sang sảng trong trướng. Chàng nội lực hùng hậu, tiếng đọc lại trầm bổng nên từng câu từng chữ vang lên rõ rệt in vào lòng người:
- … Người dưới xuôi hay người miền ngược đều là anh em một nhà, môi hở thì răng lạnh, em ngã thì anh đau. Nay quân Thát Đát luôn nhòm ngó bờ cõi phía Nam. Chúng là quân hung dữ, ác độc, vó ngựa đi đến đâu giày xéo bờ cõi giang sơn, tàn phá làng mạc gia đình, giết hại người già, trẻ nhỏ, ngay cả cỏ cây cũng chết rạp. Giặc tuy tàn bạo nhưng chỉ cần anh em đồng thuận, đồng lòng, gia đình trên dưới như một, cả nước trước sau như nhất thì đủ khả năng lấp bể dời non huống hồ là đuổi bọn hổ lang sài báo. Vậy nay phong chúa đạo Giác Mật trấn thủ xứ Đà Giang, chung tay cùng trẫm bảo vệ biên thùy trước sự dòm ngó của quân điểu ác. Mọi tập tục sinh hoạt của người dân tộc đều duy trì như cũ, xứ Đà Giang là khu tự trị của người dân tộc không phải tô phu nộp cống, khi có giặc thì cùng quân triều đình bảo vệ bờ cõi giang sơn. Khâm thử!
Nhật Duật đọc xong trao lại chiếu thư cho Giác Mật. Chúa đạo cầm tờ chiếu lạy tạ, đoạn nói:
- Đức quan gia đã tin tưởng như vậy thì không có lý gì chúng tôi không một lòng với triều đình. Xin Chiêu Văn Vương cứ yên tâm, tôi nay thay mặt cho người dân tộc ở Đà Giang hứa nguyện ra công gắng sức bảo vệ bờ cõi nước nhà.
Nhật Duật thấy gã nói vậy thì vô cùng mừng rỡ:
- Chúa đạo thật sáng suốt.
Giác Mật cười lên ha hả, đoạn quay xuống cất giọng sang sảng hạ lệnh cho thuộc hạ bên dưới:
- Bay đâu mau cho nổi nhạc lên, để ta cùng Chiêu Văn Vương ăn mừng tình anh em bền chặt giữa triều đình và vùng Đà Giang.
Toàn bộ doanh trại hò reo ầm ĩ, cung nhạc nổi lên réo rắt cả góc trời.
* * * * *
* Chú thích:
(1) Chiêu Văn Vương: tên thật là Trần Nhật Duật, là con trai thứ sáu của Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của triều Trần.
(2) Quan gia: Thời Trần vua được gọi là quan gia.
(3) Thát Đát: Là cách triều Trần gọi người Mông Cổ và các dân tộc du mục ở phía bắc Trung Quốc thời bấy giờ.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT