Chiêu Văn Vương ngồi giữa đình làng, ngay bên dưới gốc cây cổ thụ đã héo tàn, cành teo tóp, thân quắt queo. Ngô Soạn ngồi đối diện chàng, điệu bộ giảng giải như thầy đồ dạy trò làng. Thấy Nhật Duật chăm chú nghe, viên phán sự núi Tản càng nói càng hào hứng, chốc chốc lại nhấc chân múa tay minh họa.
Thực ra huyền thuật tu luyện mới khó chứ kiến thức chung thì khá đơn giản. Ngô Soạn nói qua một hồi là Nhật Duật đã nắm được hết. Tất cả các loại phép thuật gồm phép tiên, phép ma, phép quỷ, phép yêu… tuy khác nhau về cách tu luyện, nhưng về bản chất thì đều là một và được gọi chung là huyền thuật. Huyền thuật có nhiều phương pháp, nhiều cách định nghĩa và vô vàn cách gọi. Ngô Soạn trước đây là người phàm, ông biết Chiêu Văn Vương có kiến thức về Đạo Giáo tương đối sâu sắc, nên lấy quan niệm của Đạo Giáo mà giảng cho chàng.
Theo Đạo Giáo, tu luyện huyền thuật có ba mức là luyện tinh, luyện khí và luyện thần, tóm lược trong câu “luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hoàn hư”. Trong cơ thể con người có dòng năng lượng cơ bản nhất gọi là “tinh”. Người tu luyện huyền thuật bước đầu tiên là phải “luyện tinh hóa khí”, tức là luyện cho năng lượng “tinh” trong cơ thể dần biến chuyển thành “khí”, vận chuyển được, sử dụng được và làm tăng công lực cho bản thân.
Việc “luyện tinh hóa khí” từ Đạo Giáo còn được sử dụng trong võ công, chính là cách luyện tập nội công. Nhật Duật tu luyện Đông A Khí Công từ nhỏ nên khi được truyền Địa Linh Thần và Nghịch Chuyển Khí, chàng tiếp thu rất nhanh. Căn bản nó không khác biệt mấy so với thứ mà Duật vẫn rèn luyện hàng ngày.
Sau bước luyện “tinh” mà người phàm nào cũng tập được, đến bước thứ hai là “luyện khí hóa thần”. Chỉ khi luyện tập thành công bước này mới coi như trở thành thần thực sự, và được xếp hạng thần cấp. Thần cấp là cấp bậc của các vị thần tiên, phân chia ra làm bốn loại là hạ đẳng, trung đẳng, thượng đẳng và tối thượng thần.
Các vị thần như thổ địa, hà bá ở mức hạ đẳng thần. Như Ngô Soạn hơn một chút, cấp bậc trung đẳng thần. Còn Tứ Bất Tử thì khác hẳn, các ngài đều là thượng đẳng thần. Phần lớn thần tiên trên Cõi Trời đều ở mức thượng đẳng thần. Lại có các vị thần tiên siêu việt, có khả năng vô hạn như Tứ Đại Thần Đế thì mới được tính là tối thượng thần.
Bản thân trong mỗi cấp của thần cấp lại tiếp tục phân ra thành các bậc hơn kém khác nhau. Ngay cấp thấp nhất là hạ đẳng thần cũng có đến hàng chục bậc, trung đẳng và thượng đẳng thì ít bậc hơn một chút, tối thượng thần thì không phân thứ hạng. Việc phân chia này rất phức tạp nên Ngô Soạn không nói rõ.
Sau khi tu luyện thành thần thì đến bước thứ ba là “luyện thần hoàn hư”. “Hư” có nghĩa là hư không, không là gì cả mà cũng là tất cả. Có thể nói khi tu luyện đến bước này tức là đã biến thành tự nhiên trời đất. Cơ thể sẽ trở nên bất diệt hay là bị hòa tan. Điều này thì trừ ba vị Tam Thanh ra không ai biết được, vì từ xưa đến nay chỉ mỗi Tam Thanh là được tính đã luyện tới bước thứ ba.
Tóm lại, đối với người tu luyện nội công thì chú trọng ở chữ “khí”, còn đối với người tu luyện huyền thuật thì cao hơn một nấc, chính là chú trọng ở chữ “thần”. Còn chữ “hư” rất ít kẻ có thể đạt tới nên không đề cập nhiều.
Khi tu luyện “khí” thì về căn bản tất cả các cách thức hoặc phương pháp tu luyện đều cho kết quả như nhau, không khác biệt mấy, chỉ có mức độ nặng nhẹ hơn kém về tu vi chứ không khác về bản chất. Nhưng khi tu luyện đến mức “thần”, hoặc chỉ cần gần mức “thần” thì huyền lực trong cơ thể sẽ chia rõ ràng vào Ngũ Hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, tùy theo tính chất của “thần” ở trong người. Bản thân trong mỗi “hành” lại phân ra thành Ngũ Tượng tức Thái Âm, Thiếu Âm, Nguyên, Thiếu Dương và Thái Dương. Ngũ Tượng hợp cùng Ngũ Hành tạo ra hai mươi lăm biến hóa bao phủ hết toàn bộ đặc tính của huyền thuật. Hai mươi lăm biến hóa đó được gọi là các thần khí và lần lượt có tên là:
Thâu Khiển Kim Phù Vân
Dưỡng Mê Mộc Độc Thanh
Tàng Thông Thủy Băng Vũ
Trưởng Cường Hỏa Sa Điện
Hóa Ảnh Thổ Thạch Phong.
Cứ mỗi năm biến hóa là thuộc về một “hành”. Ví dụ như “Thâu Khiển Kim Phù Vân” là thuộc về hành Kim. Trong đó “Thâu” là Thái Âm, “Khiển” là Thiếu Âm, “Kim” là Nguyên, “Phù” là Thiếu Dương, “Vân” là Thái Dương. Cách phân chia tương tự như vậy đối với hai mươi biến hóa còn lại.
Ngoài ra “thần” còn khác với “khí” là không phải ai cũng tu luyện được. Có kẻ cả đời theo đuổi Phật pháp, Đạo pháp nhưng chỉ là công dã tràng. Có người lại có sẵn thần lực, không cần tu luyện nhiều vẫn có thể trở thành thần. Lại còn có cách khác để thành thần đó là được ban thần lực.
- Ví dụ như ta, ban đầu chỉ là một tên thư sinh giá áo túi cơm, nhưng vì có chút công lao và tính tình ngay thẳng nên đã được đức thánh Tản ban cho thần lực, trở thành trung đẳng thần.
Nhật Duật nghe Ngô Soạn nói vậy thì suy nghĩ, rồi hỏi:
- Thần lực của ngài là được đức thánh Tản ban cho, vậy phải chăng thần khí của ngài cũng là Địa Linh Thần? Thần khí này có phải thuộc hành Thổ không?
Ngô Soạn gật đầu, đáp:
- Phải mà thực ra không phải. Địa Linh Thần là thần khí thuộc hành Thổ, tượng Nguyên. Nhưng sau khi được đức thánh ban thần lực, thì tự bản thân Địa Linh Thần hòa trộn trong người ta biến hóa ra một loại thần khí khác là “Sa”, có tượng là Thiếu Dương Hỏa. Đồng thời về sau ta lại tu luyện được một loại thần khí nữa là “Mộc”.
- Kẻ phàm này cũng được ban thần lực và thần khí đúng không? Vậy tại sao tôi vẫn là người thường? Còn Vi Mai và Bạc Nương nữa, các cô ấy đều có thần lực sao?
Ngô Soạn đáp:
- Ta đang định nói tới việc này. Thực ra người phàm hoàn toàn có thể tu luyện “thần”, thậm chí có thể tu luyện đến mức có thần lực tương đương với hạ đẳng thần. Nhưng ngay cả người phàm có thần lực thì vẫn chỉ là con người. Phải sau khi người đó hết dương thọ, thân thể ban đầu mất đi, chỉ còn lại linh hồn. Rồi từ linh hồn lại tu luyện, biến hóa ra thân thể mới gọi là thần thể, thì mới chính thức trở thành thần. Thần thể cũng gần giống như thân thể chỉ có điều là mạnh mẽ, có khả năng biến hóa và hồi phục cao hơn nhiều. Và vì thần thể là thứ hữu hình, nên cũng hoàn toàn có thể bị tổn thương và phá hủy. Như vừa rồi ta biến hóa ra cơ thể cho Phạm Kháng từ cành cây Mộc Miên Đại Thụ, chính là thần thể đó. Còn những người phàm có thần lực như bọn các ngươi, thường được người đời gọi là các thầy phép hoặc thầy phù thủy. Nếu ta đoán không lầm thì thần khí của Vi Mai là “Phù”, thuộc về tượng Thiếu Dương Kim. Thần lực của Vi Mai chắc tương đương với hạ đẳng thần. Còn thần khí trong người ngươi là “Điện”, thuộc hành Hỏa, tượng Thái Dương Hỏa. Ngươi được đức thánh truyền cho Địa Linh Thần, nhưng Địa Linh Thần của ngươi chủ yếu chỉ để dung hòa sấm sét, không có tác dụng thực chiến.
- Còn Bạc Nương thì… cô gái này rất kỳ lạ… - Nói đến Bạc Nương, Ngô Soạn tư lự hồi lâu.
Nhật Duật thấy ông ta trầm ngâm mãi không nói liền sốt ruột giục:
- Bạc Nương thì thần khí là gì? Thuộc hành gì? Tượng gì? Ngài mau nói cho tôi hay.
Ngô Soạn lắc đầu, đáp:
- Ta cũng không rõ, chỉ nghi ngờ thần khí của cô ta là “Dưỡng”, thuộc hành Mộc, tượng là Thái Âm Mộc. Nhưng các tượng Thái Âm của Ngũ Hành cực hiếm. Vì chúng chính là ý niệm cơ bản của Ngũ Hành, sinh ra Ngũ Hành và sinh ra cả sáu cõi Luân Hồi. Những nhân vật có được thần khí thuộc về Thái Âm đều là thần thánh siêu việt đứng riêng một góc trời.
Nhật Duật nghe thế thì ngạc nhiên, nói:
- Thật vậy sao? Chẳng lẽ cô gái nhỏ mồ côi cả bố lẫn mẹ lại ghê gớm như vậy?
Ngô Soạn lắc đầu, đáp:
- Ta không chắc thần khí của cô ta có phải là “Dưỡng” hay không. Trong hai mươi lăm loại thần khí thì có ba loại có thể tác động vào linh hồn kẻ khác là “Mê”, “Khiển” và “Dưỡng”. Theo lời ngươi kể, lý do Hắc Hổ bắt cóc cô ta vì thần khí của cô ta có thể điều khiển linh hồn của hắn, thì về vẻ ngoài mà nói thần khí của Bạch Nương rất có thể là “Khiển” như mọi thầy phục hổ khác. Tuy nhiên vừa rồi cô ta lại phục hồi được cả linh hồn cho Phạm Kháng và Mộc Miên Đại Thụ. Kẻ có thần khí là “Khiển” không thể làm được việc này. Hồi phục cho linh hồn là một việc rất khó khăn, chỉ những kẻ có thần khí là “Dưỡng” mới làm được. Người nổi tiếng nhất của phương Nam từ xưa đến nay có thần khí là “Dưỡng” là ai, ngươi có biết không?
Nhật Duật lắc đầu, đáp:
- Tôi mới bước đầu làm quen với huyền thuật và các việc thần tiên, làm sao mà biết được.
Ngô Soạn gật đầu, nói:
- Chuyện này ngay cả các hạ đẳng thần nhiều người cũng không biết. Thần khí là “Dưỡng” rất ít thấy, người đầu tiên có thần khí là “Dưỡng” được ghi nhận tại phương Nam chính là tổ tiên của chúng ta, Mẹ Tiên Âu Cơ.
- Cái gì??? Là Mẹ Tiên sao???
Nhật Duật nghe thế thì vô cùng sửng sốt. Thần khí là “Dưỡng” thì chàng mới nghe lần đầu, cũng chả rõ ghê gớm thế nào nhưng Mẹ Tiên Âu Cơ thì người người đều biết. Phàm là người Đại Việt nào đều thuộc lòng chuyện con rồng, cháu tiên.
Xa xưa cách nay hàng ngàn năm, chàng rồng Lạc Long Quân kết duyên cùng nàng tiên Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, nở ra trăm người con. Năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo bố xuống biển. Năm mươi người lên núi về sau trở thành các vua Hùng, lập ra nước Văn Lang, chính là tiền thân của Đại Việt sau này. Vì thế người Đại Việt vẫn tự xưng là con rồng, cháu tiên. Và bọn họ gọi Lạc Long Quân và Âu Cơ là Bố Rồng và Mẹ Tiên.
- Bố Rồng Lạc Long Quân bây giờ đã trở thành đức Long Đế đứng đầu Bát Hải, là vua của loài rồng. Lần này phương Nam có biến, ngài đã cho truyền Gươm Rồng xuống trần. Còn Mẹ Tiên Âu Cơ thì không biết đang ở phương nào, trước giờ chưa từng thấy người xuất hiện. Bạc Nương nếu quả thực có thần khí là Dưỡng thì không biết có liên quan gì đến Mẹ Tiên không? Có quá nhiều chuyện chúng ta vẫn chưa tường tận được. - Ngô Soạn lắc đầu chán nản nói.
Nhật Duật im lặng suy nghĩ, đột nhiên nhớ ra một chuyện, hỏi:
- Thế có phải nếu là thần rồi mới đạp mây cưỡi gió được hay không? Kẻ phàm này tuy sau khi có thần lực sử dụng vào trong khinh công khiến thân thể có thể di chuyển nhanh như chớp, nhưng vẫn không thể bay lên trời được.
Ngô Soạn nghe vậy thì cười, đáp:
- Bay hay gọi là đằng vân thực ra cũng là một dạng khinh công mà thôi. Như ta là trung đẳng thần tuy cũng có thể đằng vân được một ít, nhưng chỉ có thể đi xa hơn khinh công của ngươi chứ tốc độ còn không bằng. Hơn nữa đằng vân rất tốn thần lực, vì thế ta mới sử dụng ngựa Hồng Mao. Phải từ cấp thượng đẳng thần trở lên mới thực sự đằng vân đi xa được. Còn như kiểu trong chớp mắt đi được một vạn tám nghìn dặm, thì chỉ có phép Cân Đẩu Vân của Đấu Chiến Thắng Phật(1) là đạt được thôi, chúng thần không ai có khả năng ấy. Thôi muộn rồi, ngươi đi nghỉ đi, mai chúng ta lên đường sớm. Ngươi đã biết thần khí của mình là “Điện”, thuộc hành Hỏa. Lúc trước đối phó với chuột tinh, ngươi đoán mò lấy sấm sét giết chết chuột đồng lại chính hợp với Ngũ Hành là Hỏa khắc Kim. Ngũ Hành có tương sinh, tương khắc(2) những kiến thức này ngươi rất rõ rồi ta cũng không giảng thêm. Sau này đối phó với yêu ma quỷ quái nhớ để ý xem thần khí của bọn chúng là gì mà xử lý.
Nhật Duật gật đầu, đáp:
- Tôi biết rồi.
Ngô Soạn thở ra một hơi, nói:
- Ta phải đi báo cáo cho đức thánh đây. Mới có hơn một ngày mà xảy ra bao nhiêu chuyện.
Ông ta nói xong tất tả bỏ đi, mặc kệ Chiêu Văn Vương ở lại trầm ngâm suy nghĩ.
* * * * *
Ngô Soạn lấy từ trong tay nải ra một nắm cát vàng ném vào trong chậu. Lửa bùng lên dữ dội, khói bốc nghi ngút. Khói tỏa ra không có màu xám như khói thường mà lại trắng toát như sương sớm.
- Ngô Soạn, có thông tin gì mới mau báo đi! - Giọng của đức thánh Tản Viên bất chợt vọng ra từ trong đám khói.
Ngô Soạn nghe thế thì khoanh tay, kính cẩn đáp:
- Bẩm đức thánh, hiện tại đã xảy ra ba việc. Việc thứ nhất là hôm nay chúng bề tôi giáp mặt với một con chuột tinh. Con yêu này chỉ là loại yêu tinh tầm thường, nhưng không hiểu sao sau khi nó biến hóa thì thân thể đột nhiên rắn chắc kinh khủng. Tất cả các đòn tấn công của bề tôi lên người con yêu đều hoàn toàn vô dụng. May mà Chiêu Văn Vương mượn được sấm sét của trời đất mới giết được con yêu.
Từ trong đám khói, đức thánh Tản có vẻ như đang trầm tư suy nghĩ, lát sau ngài mở lời:
- Không có loài yêu quái bình thường nào ở phương Nam hiện nay có thể chống lại sức mạnh của trung đẳng thần. Căn bản đó là hai cấp độ hoàn toàn khác nhau. Ngươi đã kiểm tra kỹ lại thân thể con yêu xem có gì đặc biệt chưa?
Ngô Soạn đáp:
- Bẩm đức thánh, lúc đánh nhau chuột tinh có cắn nuốt một loại quả có màu đỏ như máu, từ đó sức mạnh trở nên khác hẳn. Và sau khi giết được chuột tinh, bề tôi có kiểm tra thì phát hiện ra trong người nó có một vật lạ giống hệt hạt cây, màu đen tuyền và có khả năng làm rối loạn huyền lực của kẻ nào lại gần.
Đức thánh nghe nhắc đến vật lạ thì mười phần quan tâm, nói:
- Loại quả có màu đỏ như máu ư? Ta chưa từng nghe về thứ như thế bao giờ. Còn vật trông như hạt cây rất có thể là từ thứ quả kia mà ra. Ngươi mau gửi hạt cây về cho ta xem xét!
- Bẩm, đây lại là việc thứ hai bề tôi muốn báo cáo. Hạt cây đã bị một kẻ tài phép cao cường, tự xưng là Thạch Sơn cướp mất.
- Thạch Sơn ư?
- Bẩm đức thánh, đúng vậy. Y không nói tên thật, chỉ nói chỗ y ở gọi là Tiểu Thạch Sơn nên y tự xưng là Thạch Sơn.
- Tiểu Thạch Sơn, Tiểu Thạch Sơn… Ta chưa từng nghe tới nơi này!
- Bẩm tên Tiểu Thạch Sơn(3) nghe rất chung chung, có thể chỉ là tên gọi nội bộ tại nơi nào đó, chưa từng phổ biến ra ngoài.
Đức thánh Tản đồng tình:
- Ngươi nói cũng phải. Vậy phép thuật của tên đấy thế nào?
Tuy yêu, ma, tiên, người đều tu luyện phép thuật nhưng phép thuật của từng kẻ vẫn có những điểm khác biệt rất riêng. Nếu là kẻ có thực lực thì chỉ cần dựa vào đặc tính của phép thuật là có thể đoán ra chút lai lịch.
Ngô Soạn tỏ vẻ xấu hổ, đáp:
- Bề tôi quả thật không rõ. Khi đối phó với kẻ lạ mặt, bề tôi không dám khinh suất đã sử dụng đủ mười thành công lực, nhưng kẻ đấy chỉ cần một chiêu đã hóa giải hết, lại còn đẩy lùi bề tôi ra xa mấy trượng. Chiêu thức của y rất đơn giản nhưng uy lực không thể chống đỡ được. Bề tôi thật không nhìn ra phép thuật của y.
Đức thánh Tản thoáng ngỡ ngàng, nói:
- Một chiêu đã đẩy lùi được trung đẳng thần thì thực không tầm thường. Lai lịch của kẻ này bí ẩn, thực lực thì mạnh mẽ, nếu hắn là kẻ địch thì rất phiền phức. Sau khi cướp được vật lạ từ ngươi, kẻ này chạy về phương nào?
Ngô Soạn đáp:
- Bề tôi vì lúc đó mải cứu Chiêu Văn Vương nên không khẳng định được, nhưng nhiều khả năng là hắn đã chạy về Thăng Long.
Đức thánh Tản trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Trước giờ ở phương Nam, mà đúng hơn là toàn bộ Cõi Người, không có bất kỳ loại quả nào có khả năng tăng cường phép thuật cho các loại yêu quái ngay lập tức cả. Con chuột tinh kia làm sao lại có thứ quả kỳ lạ này? Rồi còn gã Thạch Sơn phép thuật cao cường không hiểu từ đâu đột nhiên xuất hiện nữa. Ta e rằng đằng sau những sự việc vừa rồi có bàn tay của thế lực nào đó, chứ không đơn thuần chỉ là bọn yêu quái nổi dậy làm càn. Như vậy đi, ngày mai các ngươi vào Thăng Long điều tra thì thông báo luôn cho Tứ Trấn Thần biết tình hình.
Ngô Soạn nghe thế thì lưỡng lự, hỏi:
- Tứ Trấn Thăng Long trước giờ không can thiệp vào sự vụ của phương Nam, chỉ lo trấn thủ kinh kỳ. Lần này liệu bọn họ có chịu ra tay chung sức không?
Thánh Tản nghiêm giọng lại, nói:
- Tình hình ngày càng rối ren. Hơn nữa rất có thể Thăng Long chính là sào huyệt của kẻ địch vì cả Hắc Hổ lẫn gã Thạch Sơn đều chạy về nơi đấy. Ta chỉ e rằng đến thời điểm này, Tứ Trấn cũng đã bị bọn chúng quấy nhiễu rồi. Nếu mà Tứ Trấn Thần không chịu hợp tác thì ngươi cứ dùng tới danh của núi Tản mà yêu cầu bọn họ.
- Bề tôi hiểu rồi.
Thánh Tản gật đầu, đoạn lại nói:
- Loại quả kia theo lời ngươi có khả năng tăng cường sức mạnh cho kẻ sử dụng. Vì thế việc điều tra ra nguồn gốc của quả lạ đặt lên làm nhiệm vụ hàng đầu. Ngươi nên cố gắng tranh thủ sự giúp đỡ của Tứ Trấn càng nhiều càng tốt.
Ngô Soạn cúi đầu, đáp:
- Bề tôi tuân lệnh!
- Thế còn việc thứ ba là việc gì?
Ngô Soạn ngập ngừng.
- Việc thứ ba thì bề tôi không chắc. Đó là hình như thần khí của cô gái nhỏ lần trước bề tôi cứu từ tay Hắc Hổ chính là “Dưỡng”.
- Sao ngươi lại nghĩ vậy?
- Vì cô ta có thể phục hồi linh hồn cho gã ăn mày đã bị chuột tinh hút gần hết huyền lực, sau đó lại còn hồi sinh linh hồn cho cây cổ thụ Mộc Miên. Hơn nữa huyền lực của cô ta không phải do tu luyện mà là bẩm sinh đã có.
Thánh Tản nghe thế thì đăm chiêu, nói:
- Cũng có thể cô ta là hậu duệ kế thừa huyền lực của Mẹ Tiên. Tuy chưa thể khẳng định thần khí của cô ta có phải là Dưỡng hay không, nhưng ngươi cũng cần để mắt đến cả cô gái ấy. Ta thấy có nhiều vấn đề như vậy, tốt nhất là gặp Không Tăng bảo ông ấy đi cùng các ngươi.
- Vậy…
- Sau khi vào thành Thăng Long thì các ngươi đi gặp Không Tăng trước, sau đó mới tìm Tứ Trấn. Mọi việc cứ tiến hành như thế đi, có gì tiếp tục thông tin cho ta biết. Còn cái hạt cây thì ngươi dựng lại một bản rồi gửi Cắt Trắng mang về cho ta.
Ngô Soạn cúi mình, đáp:
- Bề tôi đã rõ.
Khói trắng mờ dần đi, lát sau thì mất hẳn. Ngô Soạn nhìn ra phía cửa sổ, bóng chim đã xuất hiện từ lúc nào.
Ngô Soạn vận huyền lực vào tay, hô lớn:
- Phục Dựng Chuyển Hóa!
Chỉ thấy trên tay vị phán sự cát vàng tụ tập lại hằng hà sa số, xoáy tít vào nhau tạo thành một cơn lốc nhỏ. Lát sau, gió thổi cát bay đi hết, còn lại một hạt cây nằm yên ổn. Hạt cây kia lớn hơn hạt đào một tí, màu đen tuyền, ngay cả khí tỏa ra cũng có vài phần kỳ quái giống như khí của hạt cây đã bị gã Thạch Sơn cướp đi.
- Cắt Trắng, mau chuyển vật này về cho đức thánh!
Ngô Soạn nói đoạn tung hạt cây về phía cửa. Tiếng vỗ cánh phần phật vang lên rồi xa dần.
* * * * *
* Chú thích:
(1) Đấu Chiến Thắng Phật: tức Tôn Ngộ Không. Sau khi thỉnh kinh tại Tây Thiên thành công thì Ngộ Không được phong làm Đấu Chiến Thắng Phật.
(2) Ngũ Hành tương sinh: Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ.
Ngũ Hành tương khắc: Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ.
(3) Tiểu Thạch Sơn: có nghĩa là ngọn núi nhỏ.
(Để tri ân tác giả, mời các bạn vào facebook gõ "Thần Chiến triều Trần" và like fanpage của truyện. Xin chân thành cảm ơn!)
HẾT QUYỂN 01 "SƯƠNG MỜ TÂY BẮC".
XIN MỜI CÁC BẠN ĐÓN XEM QUYỂN 02 "ĐẤT ĐỘNG THĂNG LONG"
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT