Nhắc lại chuyện một canh giờ trước khi xa giá rời Ngọ môn, Tân Nguyên bảo Tiểu Điệp đánh xe đưa nàng đến viện cô nhi.  Tân Nguyên xuống xe nhìn vào trong sân, dãy nhà này hồi trước xập xệ nhưng hai năm trước nàng đã hỗ trợ tiền xây dựng lại toàn bộ.  Mảnh đất phía sau nhà được Cửu Dương và Nghị Chánh trồng trà mang vào bán trong chợ Đông Thành, nhờ vậy mà cuộc sống của bọn cô nhi không còn chật vật, tình trạng thiếu đói không còn diễn ra nữa. 

Tân Nguyên đẩy cổng bước vào trong sảnh, thấy sảnh giữa vắng tanh vắng ngắt, biết bọn trẻ còn chưa ngủ dậy.  Ở cuối sảnh đặt một chiếc bàn thờ, trên bàn là hai tấm bài vị của ông bà lão coi giữ cô nhi viện.  Hai người chắc cũng bình thản an nghỉ nơi chín suối nếu biết được sau khi hai người đi rồi, bọn trẻ gặp nhóm người Cửu Dương và được bọn chàng chăm nom.  Tân Nguyên tiến lại trước bàn thờ thắp hai nén hương cắm vào cái bát trước bài vị, đoạn nàng nghe từ chái sảnh có tiếng nước chảy vẳng sang bèn bước sang bên ấy, bắt gặp Cửu Dương đang xay trà.  

Tân Nguyên cười nói:

- Để ta giúp huynh thêm nước.

Cửu Dương gật đầu, cũng cười vui vẻ với nàng.  Tân Nguyên cầm bát nước lên, mấy năm nay nàng đã quá quen với công việc làm bột trà, mỗi khi rảnh rỗi nàng thường đến giúp chàng rửa sạch lá trà, sau đó loại bỏ bớt các gân lá rồi cho lá vào cối xay, thêm nước và xay nhuyễn.  Sau khi xay xong thì cho tất cả hỗn hợp đã xay vào một miếng vải lọc vắt lấy nước cốt trà đem phơi nắng. 

Cửu Dương vừa quay cối vừa khẽ nhìn Tân Nguyên.  Chàng nhận thấy sáng nay ánh mắt Tân Nguyên vẫn đẹp nhưng có những tia buồn bã, như sắp sửa mất một thứ gì đó rất quý giá, nhưng Cửu Dương vẫn như thường lệ, không buồn lên tiếng thắc mắc.  Đôi khi nhìn sang nàng, chàng thấy Tân nguyên mỉm cười với chàng, khóe miệng Cửu Dương cũng nhếch một nụ cười đáp trả lại nàng.  Trước đây cũng vậy, khi chạm mặt nàng, chàng không biết nói gì, cũng không có gì để nói.  Trong khi đó mấy năm nay thái độ nàng đối với chàng mỗi ngày một cải thiện.

Tân Nguyên thấy Cửu Dương mải mê làm việc, chẳng nói chẳng rằng, lấy một đóa hoa trà nằm lăn lóc trên bàn thảy vào trong cối xay xem thử phản ứng chàng thế nào.  Cửu Dương nhìn Tân Nguyên.  Nàng nói:

- Hóa ra huynh không phải hồn phách trên mây, ta còn tưởng mớ lá trà trong chiếc cối này có huyền cơ chi đó, khiến mặt mày huynh ngớ ngẩn, ta cứ tưởng huynh bị mớ lá biến cho thành hồ điệp mất rồi chứ.

Cửu Dương nhặt đóa hoa trong cối ra để lên bàn.

- Nếu ta biến thành hồ điệp – Chàng nói – Ta đã băng rừng trở về Hàng Châu lâu rồi.

Câu trả lời của Cửu Dương khiến Tân Nguyên chùng lòng.

- Huynh ở đây lâu vậy vẫn muốn trở về Hàng Châu à? 

Nàng hỏi, bằng giọng bình thản nhất có thể.  

Cửu Dương gật đầu:

- Nhưng ngày nào muội ấy vẫn còn chưa được ra ngoài ta sẽ ở lại kinh thành để chờ.

- Nhỡ nàng ấy ra ngoài – Tân Nguyên nói - Nhưng nội tâm không hướng về Hàng Châu thì sao?

- Ta sẽ ở lại nơi này và tiếp tục chờ.

- Nếu nội tâm nàng ấy một năm không muốn theo huynh về?

- Ta sẽ chờ một năm.

- Nếu mười năm không về?

- Ta sẽ chờ mười năm.

- Vậy nếu cả đời không về?

- Ta sẽ chờ cả đời.

Trái tim Tân Nguyên tiếp tục đau nhói như bị bóp chặt, nàng im lặng không nói gì nữa.

Một hồi sau lá trà đã được xay khá nhuyễn, hai người bèn nghỉ tay một chút.  Cửu Dương như thường lệ đi pha mấy bình trà đem lại giúp Tân Nguyên phân biệt chất lượng của các loại trà. 

Tân Nguyên bưng một bình trà lên rót ra chén, uống thử, nhăn mặt.  Cửu Dương mỉm cười.  Sang bình trà thứ hai, Tân Nguyên không rót ra chén mà giở nắp bình lên nhìn thoáng bên trong.  Nàng lắc đầu:

- Trà này chất lượng kém, các cánh hơi to, ngắn dài không đều và mức độ xoắn không được chặt vào nhau.  Trà tốt thường có các cánh nhỏ dài, xoắn chặt, và tương đối đồng đều. 

Cửu Dương lại mỉm cười, xong vẫn không nói năng gì.  Tân Nguyên lại nhìn vào bình trà kế bên:

- Trà này nước vàng nâu, đục lờ lờ.

Nàng nói, rót sang bình trà thứ tư, nếm thử, lại lắc đầu:

- Không chát lắm, không có hậu vị ngọt. 

Sang bình trà thứ năm, Tân Nguyên vừa rót ra chén đã kêu:

- Trà thật thơm!

Nàng nếm thử một ngụm, gật gù:

- Có vị chát nhưng dịu và dư vị về sau hơi ngọt. 

Đoạn giở nắp bình trà ra nói:

- Màu nước xanh biếc, tươi sáng và trong, vị chát dịu, có dư vị ngọt, thơm, lá trà mở nhỏ, mỏng, gân lá nhỏ.  Bình này đắt nhất!

Cửu Dương gật đầu, nụ cười tản rộng cả mặt chàng, coi như nàng đã có tiến bộ rồi.  Tân Nguyên cũng mỉm cười với chàng.  

Hai người lại rơi vào im lặng.  Một chốc sau, Tân Nguyên cầm bình trà mà nàng bảo là chất lượng không tốt cho lắm, rót ra chén nói:

- Trà này đắng nhưng ta lại thích vị đắng này, đắng có ý vị, người nếm trà từ mùi vị của trà mà thưởng thức vị đắng của đời người.  Đời người có bao nhiêu nỗi khổ?

Tân Nguyên nói rồi nâng chén trà nhấp một ngụm, sáng nay nàng đến đây với mục đích nhờ vả, cho nên lúc ngồi trong xe ngựa nàng đã soạn sẵn lời thoại, lựa lời mà thương lượng.  Cửu Dương chờ Tân Nguyên uống trà xong, hạ chén xuống, điềm đạm bảo nàng:

- Ta hiểu cách cách muốn nói gì nhưng từ nhỏ ta không thích nghe chuyện quốc sự, khi lớn lên càng không muốn tham gia việc quốc sự, năm xưa chỉ vì tình nghĩa mà theo giúp sư thái thôi.

Tân Nguyên nhìn Cửu Dương, chàng có cặp mắt như có thể nhìn thấu mọi chuyện trên đời, chàng cũng rất thẳng thắn với mọi người, nhất là với nàng.  Tân Nguyên bất giác đâm bối rối, nàng khẽ mím đôi môi tím tái của nàng lại, xem ra nàng không thể nhờ chàng đi theo trợ giúp đoàn binh Chính Bạch Kỳ đến Chiêu Tây lăng rồi.  Nhưng Tân Nguyên mau chóng lấy lại nét mặt bình thản vì nàng tìm được người đến nhờ vả chàng.

Cửu Dương ngồi nán lại trong chái sảnh một chút nhìn Tân Nguyên:

- Cách cách ngồi chơi nhé, ta đi phơi trà.

Chàng dứt lời đứng lên khỏi ghế.  

Tân Nguyên biết Cửu Dương muốn tránh mặt nàng, lúc nào cũng vậy, nên không gạn giữ, nàng ngồi yên lặng, thừ người ra.  Nửa khắc sau đúng là Tân Nguyên không thấy Cửu Dương quay trở vào chái sảnh, nàng bèn đứng dậy rời khỏi cô nhi viện.  Khi Cửu Dương quay lại chái sảnh, chàng vừa bước qua ngưỡng cửa liền khựng đứng lại, bên chiếc bàn đặt cối xay trà, chàng thấy một gương mặt thân thuộc, nhìn chàng, người con gái đó nở một nụ cười tươi rói với chàng, rồi giọng nói mà chàng rất thích nghe vang lên:

- Thiên Văn.

Nữ thần y vận bộ trang phục màu hồng phấn, đứng giữa chái sảnh, gọi chàng, tươi cười.  Dung mạo của nàng, diễm lệ vô cùng, lại thêm những tia nắng sớm chiếu rọi qua ngưỡng cửa hắt vào mặt nàng làm diện mạo nàng thêm phần rực rỡ.  

Hai người nhìn nhau chăm chú.  Nữ thần y thấy Cửu Dương vẫn không thay đổi, chàng vẫn trong bộ y phục trắng quen thuộc, trông vô cùng phong nhã, khuôn mặt anh tuấn, mắt sáng, mày rậm, chứa đầy vẻ thông minh.  Chỉ hiềm khác xưa một chút ở dáng người điềm đạm hơn xưa, làm cho chàng trưởng thành, vì chàng đã phải trải qua một thời gian dài chịu đựng nhiều đau khổ trong lao tù.

- Thiên Văn.

Nữ thần y gọi Cửu Dương khi không thấy chàng tiến đến gần nàng.  Rồi nàng bước lại trước mặt chàng. 

Cửu Dương đứng ngay cửa ra vào, vẫn im như thóc.  Vì chàng bất ngờ quá độ nên không thể nhúc nhích.  Tiếng gọi của nữ thần y vừa rồi, gợi chàng trở về với tiềm thức xa xôi, những chuỗi ngày hai người còn ở Hàng Châu, tất cả, tất cả, đều hiện về trong trí nhớ chàng.  Đã hơn ba năm chàng mới được nghe giọng nói thân yêu này.  Năm xưa, mỗi ngày chàng luyện võ ở chùa Thanh Tịnh xong thì trở Hắc Viện, khi đi dọc theo bờ Tây hồ, nàng đều chờ chàng ở trên cầu Tây Lâm, gọi chàng.  Chàng nhìn về nơi phát ra tiếng nói ấy, thấy trên chiếc cầu gỗ có dáng người thướt tha yểu điệu, với bím tóc thả qua vai, trên đầu cài một cây trâm gỗ, nàng mặc chiếc áo màu hồng phấn, váy bằng đoạn cùng màu áo, bên ngoài khoác chiếc áo choàng lông có mũ trùm, nàng như nhân vật Vương Chiêu Quân trong truyền tuyết Họa Công Khí Thị ngày xưa, đang mở to đôi mắt trong sáng nhìn chàng.  Bên hồ trồng những bụi cúc đại đóa và nàng nắm trong tay một cành hoa mới bẻ.  Cách phục sức cùng dáng đứng, thần thái ấy, lại thêm đôi "làn thu thủy nét xuân sơn" khiến nàng có vẻ đẹp mê hồn, làm chàng chỉ còn biết ngây ra mà nhìn.

Hơn ba năm không gặp, Cửu Dương vẫn như xưa mê mẩn thần trí nhìn nữ thần y chằm chằm.  Chàng không dám tin vào mắt chàng, bất ngờ quá, mồ hôi ra ướt cả đôi tay.  Tim Cửu Dương cũng đập rất mạnh và nhanh, cái cảm giác không tin tưởng được vì hình ảnh người chàng yêu đã hơn ba năm không gặp, nhưng lúc nào chàng cũng nghĩ đến và gọi tên cả triệu lần trong những giấc chiêm bao.  

Năm phút trôi qua, Cửu Dương vẫn không dám tin vào mắt nên vẫn đứng yên không hề dịch chuyển, tự hỏi là nàng thật sao?  Đây có phải là ảo giác không?  Người chàng đợi mong, bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt chàng sao, gương mặt rạng rỡ nhìn chàng?  Phải rồi! Đúng là nàng rồi!  Mái tóc vẫn còn óng ả, bước đi vẫn còn tha thướt, thân hình có hơi gầy một chút nhưng tổng thể vẫn xinh đẹp như liễu.  Đôi mắt đen láy, nụ cười tỏa nắng trên môi.  Sáng nay nữ thần y để tóc rũ xuống lưng, không tết thành một bím dài vắt qua vai, một vài sợi tóc đen nhánh bay phất phơ hai bên thái dương trông nàng xinh như vẽ.  

Thêm năm phút nữa, Cửu Dương mới định thần lại được, ôm chầm lấy nữ thần y, xao xuyến cả người, nhưng miệng chàng vẫn như bị người ta nhét giẻ vào, không thể thốt nên lời.

Nữ thần y cũng ôm lấy cổ Cửu Dương, nước mắt chảy dài xuống má nàng, sau khi bang hội tan đàn xẻ nghé, ngoài chàng ra, nàng chẳng còn ai nữa, chàng chính là người thân duy nhất của nàng trên đời này, tha phương bao ngày nay bỗng nhiên gặp lại cố tri, nỗi vui mừng này không nói ra thì ai cũng biết.

Cửu Dương ôm nữ thần y đến gần một khắc mới buông chiếc eo nhỏ nhắn của nàng, thẳng người dậy, nắm lấy hai bàn tay nàng áp lên ngực chàng, nhìn nàng đăm đăm, ánh mắt chàng sâu thẳm còn hơn hàng ngàn câu nói.  Tứ bề hoàn toàn im lặng.

Nữ thần y cũng nhìn Cửu Dương không chớp, hai người chỉ e rằng khi vừa chớp mắt, thì người kia sẽ biến mất đi.  

Thêm nửa khắc sau Cửu Dương cúi đầu, kề mặt chàng ghé sát mặt nữ thần y, cọ nhẹ chiếc mũi chàng vào mũi nàng, nói bằng giọng ấm áp chân thành:

- Nữ thần y, huynh nhớ muội quá, đời này kiếp này, huynh chỉ yêu một mình muội thôi! 

Nữ thần y tiếp tục cảm thấy cay cay trong khóe mắt, nàng khẽ gật đầu, nàng biết chứ, những lời vừa rồi của chàng là hoàn toàn chân thành.  Bằng không, chàng đã chẳng chịu khó ở lại kinh thành trong suốt ba năm chờ nàng.  

Chẳng những là ba năm, mà đã hơn mười năm trôi qua, tình yêu của chàng dành cho nàng không hề thay đổi.  Nữ thần y nhớ khi hai người còn nhỏ đã có rất nhiều lần chàng nói với nàng bên bờ Tây hồ rằng khi hai người lớn lên, chàng sẽ đến xin gặp Bảo Chi Lâm đề thân, nàng sẽ không phải chịu gò khuôn uốn nắn theo quy luật gia đình gì cả.  Nàng thích ra khỏi nhà đến bờ hồ này ngoạn cảnh, hay đi xem phố phường rộn rã bất cứ lúc nào chàng cũng sẽ chiều ý.  Tình yêu chàng đã cho ra sẽ không bao giờ thu lại, sẽ không bao giờ hối hận, cho dù tình yêu đó đối với nàng có là một thứ trò chơi, đối với chàng là một sự vĩnh cửu.

- Đi!  Chúng ta rời khỏi đây!

Tiếng Cửu Dương vang lên kéo nữ thần y về với hiện tại.

- Thiên Văn – Nữ thần y rút tay ra khỏi tay Cửu Dương nói - Huynh có thể làm cho muội việc này trước khi chúng ta rời khỏi đây được không?

Nữ thần y nói rồi thấy trong mắt Cửu Dương hiện lên những tia dửng dưng.  Năm xưa, bất kỳ là chuyện gì, chỉ cần nàng mở miệng nhờ, chàng sẽ lập tức đi thực hiện lời yêu cầu của nàng.  Nhưng bây giờ, nữ thần y nói xong thấy Cửu Dương chỉ im lặng nhìn ra ngoài sân, dường như chàng đã biết nàng sắp sửa nhờ chàng đi làm chuyện gì, và chàng không muốn nhận lời.  Nữ thần y bỏ mặc ánh nhìn thờ ơ tỏ ra không hề quan tâm của Cửu Dương, tiếp lời:

- Xa giá chỉ mới vừa ra khỏi Ngọ môn, huynh có thể nào bí mật bám theo đoàn xe đến Chiêu Tây lăng?  Ngộ nhỡ trên đường xảy ra biến cố, huynh tiếp ứng nhóm người Tế Nhĩ Ha Lãng, được không?  Vì tam mệnh đại thần đương nhiên sẽ sai bọn huyết trích tử mai phục lộ trình đến nơi an táng, ngoài hành thích đứa trẻ trong cỗ xe đó, thì việc ám sát đoàn người đang đưa tang chính là mấu chốt.  Huynh cũng biết nếu bọn huyết trích tử thành công tiêu diệt những người hộ tống xa giá, Ngao Bái sẽ đăng cơ làm hoàng đế, tới chừng đó đời sống của bá tánh sẽ khốn khổ đến chừng nào.

Cửu Dương im lặng, vẫn không nhìn nữ thần y.  Nữ thần y nói:

- Thiên Văn, huynh có đang nghe muội nói gì không?  Huynh ở kinh thành này ba năm, huynh vốn biết rất rõ hằng ngày bá tánh bị bọn lính áo đỏ chèn ép đến khổ sở thế nào mà.  Làm sao huynh có thể bảo muội đi hưởng phước cùng huynh được?  Hai chúng ta không thể ích kỷ như vậy, bỏ mặc đời sống của người trong thiên hạ không lo tới.  Tự cổ trung thần nghĩa sĩ, dĩ thân tử quốc hà đại vô chi.  Lời này huynh đã từng nói với các cống sinh khi huynh còn là viện trưởng của trường học Hắc Viện mà.  Huynh nói với họ tự ngàn xưa, các bậc trung thần hết thảy đều nguyện bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có. Ví thử mấy người đó cứ khư khư theo thói nhi nữ thường tình ưa chuộng ôn nhu hương thì làm sao có thể lưu danh sử xanh cùng đất trời muôn đời bất hủ được?

Cửu Dương nghe nữ thần y thao thao bất tuyệt, dời mắt trở lại nhìn nàng.  Chàng có cảm giác như nàng đã thuộc sẵn lời thoại từ trước khi tới đây gặp chàng rồi.  Đúng là sắc mặt nữ thần y sau khi nói những lời vừa rồi hoàn toàn không có chút đắn đo gì, từ đầu chí cuối, nàng không hề do dự, nghĩ suy, lưỡng lự, phân vân, trù trừ về món nợ máu đồn Bạch Nhật.  Trận đánh Nam lộ Thiên Sơn hình như đối với nàng chẳng còn chút vương vấn gì!

- Sao hở Thiên Văn, huynh đồng ý với muội đi, được không? 

Nữ thần y áp hai lòng bàn tay nàng vào hai bên má Cửu Dương, kéo đầu chàng xuống để nàng nhìn vào mắt chàng, xem có thể đọc được những ý nghĩ trong đầu chàng lúc này.

- Chuyện này có liên quan đến đời sống của tất cả người trong thiên hạ - Nữ thần y nói thêm - Huynh theo xa giá, cứu đứa nhỏ đó, và những người đang hộ tống nó nghĩa là huynh cứu lấy bá tánh.  

Cửu Dương nhẹ nhàng gỡ đôi bàn tay nữ thần y ra khỏi má chàng, lắc đầu:

- Nữ thần y này, muội vốn biết từ nhỏ huynh không thích quan tâm đến những chuyện trong quan trường.  Điều huynh ao ước chỉ đơn giản là, xây một căn nhà bên Tây hồ, ban ngày cùng muội thả bộ bên bờ hồ trên những con đường sỏi.  Tối đến, cùng muội thưởng thức cảnh mặt hồ về đêm, vào đêm không trăng chúng ta cùng ngắm lồng đèn từ phía xa xa. Trên đời này không ai có thể hiểu được sự lãng mạn của khung cảnh Tây hồ hơn muội, ở Giang Nam cũng không ai hiểu được những bài thơ, từ, ca, phú về Tây hồ hơn muội được.  Trong lòng huynh, không ai có thể đánh đồng với muội!  

Cái lắc đầu và câu trả lời của Cửu Dương không làm nữ thần y bối rối, nàng vẫn dùng nét mặt điềm tỉnh nói tiếp rằng:

- Xin huynh đừng trêu muội như vậy, ở khắp vùng Giang Nam huynh nổi danh là thầy của các lưỡng bản tiến sĩ, muội làm sao dám phô bày văn chương trước nhà Khổng Tử chứ?

Nữ thần y nói xong nở nụ cười.

Cửu Dương dán mắt vào nụ cười trên môi nữ thần y.  Từ nhỏ, nàng đã rất ưa cười, chỉ cần gặp chút chuyện vui là có thể cười khúc khích cả nửa ngày. Cho nên bất kể là ai, khi nhìn thấy một cô bé luôn tươi cười như thế cũng không thể không đem lòng thương mến.  Cũng như lúc này vậy, khi nữ thần y cười, những chiếc răng của nàng hé lộ ra một chút như những hạt minh châu. Thần sắc nàng khi cười tươi tắn như đóa cúc trong buổi sáng mùa thu còn long lanh lộ thủy.  Má ửng đỏ như ráng chiều ánh lên mây trắng, cặp mắt vừa sáng vừa trong trẻo như sao.  Cửu Dương nhủ bụng chàng ở Giang Nam đã từng chiêm ngưỡng biết bao nhiêu là mỹ nhân, đến kinh thành lại thấy biết bao nhiêu khuê tú, các vị cách cách tiểu thư đài các con nhà quan, nhưng xưa nay chưa hề ngó thấy cô gái nào đẹp như thiên tiên giáng thế như nàng!

- Muội biết huynh không thích để tâm đến chuyện quan trường – Nữ thần y thu nụ cười cất giọng êm đềm - Nhưng những chuyện trong quan trường rất cần huynh quan tâm, vì nếu không, Ngao Bái nhất định sẽ ngồi lên vị trí độc tôn.  Mà ngộ nhỡ gã trở thành vua, vận mệnh của người trong thiên hạ sẽ thay đổi một cách vô cùng đáng sợ.

- Huynh đã nói - Cửu Dương vẫn tiếp tục lắc đầu - Vận mệnh của người trên đời này, tất nhiên ngoài muội ra, làm vua hay làm thứ dân đều không liên can đến huynh.  Huynh chỉ muốn làm một người bình thường mà thôi, không tranh tụng với đời.  Trong trận đánh Trịnh Thành Công sở dĩ huynh giúp bọn người Tế Nhĩ Ha Lãng đi hủy kho thuốc phiện vì lúc sư thái còn sống đã từng đề cập đến việc các đương gia phải có trách nhiệm thanh trừ nha phiến.  Huynh đã thực hiện tâm nguyện của bà, sau đó những gì xảy ra, chuyện của người trong thiên hạ huynh thật sự không muốn lo lắng thêm một chút nào nữa.

Nữ thần y nhìn Cửu Dương bằng đôi mắt chịu đựng và kiên nhẫn, chậm rãi bảo:

- Nhưng huynh có tài cán phi thường, lẽ nào huynh chỉ muốn ẩn dật ở nơi hoang dã nào đó sống trọn cuộc đời sao?  

Nữ thần y ngừng một chút, đan mấy ngón tay nàng vào những ngón tay Cửu Dương, nhè nhẹ kéo tay chàng đến bên chiếc bàn có đặt cối xay trà, cầm bình trà mà Tân Nguyên uống dang dở lên bảo chàng:

- Thiên Văn, huynh có biết bầu trí tuệ của huynh cũng như bình trà ngon này không?  Nhưng huynh luôn muốn cất giấu nó, không muốn chia sẻ cùng ai.

Cửu Dương nghe nữ thần y ví chàng như bình trà, trong mắt chàng hiện tia vui vẻ, thản nhiên cười nhẹ.

- Thì đã sao nào? – Chàng nói - Trà ngon để một mình huynh thưởng thức, cần gì phải chia sẻ với người khác?  Đúng là huynh đây thà mai danh ẩn tánh, sống trọn đời ở nơi hoang dã như muội vừa nói.  Huynh thà dẫn muội đi khỏi cái chốn long xà hỗn tạp này, đi thật xa.  Chúng ta có thể về lại Hàng Châu, hoặc lên Thiên sơn, xây căn nhà tre, cả ngày đối diện bầy ngựa bầy dê, còn hơn đối mặt bọn tham quan ô lại trong chốn kinh thành, vì súc vật con nào thiện ác rất dễ để chúng ta nhận biết, còn những người trong quan trường...

Cửu Dương nói tới đây tiếp tục bật tiếng cười nhạt.

Nữ thần y im lặng.  

Cửu Dương thấy nữ thần y rũ mắt đứng lặng, chàng thu nụ cười, dùng ánh mắt chứa đầy sự van xin cầu khẩn, nhìn nàng.  Giọng nói của chàng không còn mang theo âm thanh cười đùa trêu chọc nàng nữa, mà trở thành run rẩy, khẩn thiết:

- Nữ thần y, huynh thật sự chỉ muốn đưa muội lãng tích thiên nhai, chúng ta sống những ngày tháng bình đạm bên nhau, được không?  Muội đồng ý với huynh đi, huynh hứa sẽ tuyệt đối yêu thương muội, tuyệt đối không để muội rơi một giọt nước mắt nào.

Nữ thần y vẫn giữ im lặng, đoạn nàng đặt bình trà xuống bàn, lắc đầu:

- Nhưng người trong thiên hạ hiện đang khao khát được dùng nước trà này của huynh, để dập tắt cuộc sống trong dầu sôi lửa bỏng của họ.  Ba năm trước Hiếu Trang đã hứa với muội sau khi muội chữa lành đôi mắt cho cháu trai bà ấy, thì sẽ xác nhập Mãn, Hán, Mông, Hồi, thành một nhà.  Song, do tam mệnh đại thần nắm giữ phần đông quân đội Bát kỳ nên ba người đó đã thao túng quyền điều hành triều chính.  Ba người không tuân theo thánh lệnh, vẫn bác bỏ luật lệ nhà Hán, chỉ chấp hành luật lệ nhà Mãn, bài xích và xử tử Hán quan, bất kể những quan viên đó có lâm trọng tội hay không. Thêm vào đó những người Mãn nào ủng hộ Giáo Nho cũng đều bị tam mệnh đại thần hạ lệnh bắt đi hạch tội, trong hai năm gần đây Văn tự ngục trở nên vô cùng nghiêm trọng, nghiêm trọng hơn khi chúng ta ở Giang Nam gấp mấy lần.

Cửu Dương nghe nữ thần y nhắc Văn tự ngục, chàng nghĩ đến cả nhà Lữ Lưu Lương, Nghị Chánh là hậu duệ cuối cùng của Lữ gia.  Tia mắt tha thiết trong mắt Cửu Dương biến mất, thay vào đó là hai cái hố tăm tối.

- Nếu muội còn nhớ đến Văn tự ngục, đến Lữ gia – Cửu Dương trầm giọng nói - Muội còn có thể mở miệng kêu huynh đi Chiêu Tây lăng đưa tang cho một hoàng tộc Bát Kỳ ư?  Năm xưa, ngoài sư thái thì Lữ gia cũng có ân tình với gia đình huynh, muội vốn biết rõ chuyện đó.  Cho nên huynh không thể đi làm một việc hết sức trái với luân thường đạo lý…

Cửu Dương chưa nói hết lời, nữ thần y dùng hai cánh tay nàng, vòng lên câu lấy cổ chàng, cướp lời:

- Huynh thật sự cho rằng nếu huynh theo giúp Khang Hi sẽ trở thành hạng người bán nước cầu vinh sao?  Huynh sẽ không có lỗi với sư thái và Lữ gia đâu.  Vì sao ư?  Vì trong suy nghĩ của muội chẳng qua huynh sẽ chỉ là Dự Nhượng theo phò Trí Bá Dao thôi.

Nói tới Dự Nhượng là hàng thần của Trí Bá Dao.  Sách Sử Ký của Tư Mã Thiên có ghi chép Dự Nhượng vốn là người nước Tần, trước tiên theo hầu Phạm Trung Hàn nhưng không được trọng dụng.  Cho đến khi Trí Bá Dao, một người đứng đầu họ Trí tay nắm quyền lực lớn nhất ở nước Tấn mang quân sang tiêu diệt Phạm Trung Hàn thì Dự Nhượng theo hầu chủ mới, và đã được Trí Bá Dao hết mực khoản đãi như bậc thượng khách.  Vào năm 455 trước công nguyên Trí Bá Dao lại một lần nữa đem quân đi đánh Triệu Tương Tử, người cầm đầu một gia tộc lớn khác ở nước Tấn nhưng lần này bị Triệu Tương Tử lập kế liên kết với Hàn Khang Tử và Ngụy Hoàn Tử đánh cho đại bại. Sau khi Trí Bá Dao chết, lại bị Triệu Tương Tử lấy đầu lâu để làm bình đựng rượu, phần đất đai của họ Trí cũng bị phân chia, lập nên “tam Tấn.”

Khi Dự Nhượng hay tin chúa công qua đời đã trốn vào trong hang động tìm cách báo thù. Và để trả mối huyết hải thâm thù đó Dự Nhượng thay tên đổi họ, xin vào cung đình làm người khổ dịch dọn dẹp nhà cầu, trong mình giấu sẵn chủy thủ để hành thích Tương Tử.  Có lần, Triệu Tương Tử thấy người khổ dịch này nhìn mình bằng ánh mắt rất bén nhọn, dường như chất chứa sâu thẳm bên trong là lòng căm phẫn rất khó hiểu bèn phái binh lính bắt lại. Khám trong mình thấy có binh khí, Triệu Tương Tử bèn tra vấn, Dự Nhượng đáp vì muốn báo thù cho Trí Bá Dao.  Tả hữu của vua Triệu khuyên nhủ nên trừ khử thích khách tuy nhiên Tương Tử nói:

- Ta xem hắn là người có nghĩa, chỉ cần cẩn thận tránh né là được. Vả chăng Trí Bá cũng chẳng có dòng nối dõi, nay hắn phục thù cho chủ nhân chứng tỏ hắn là người hiền trong thiên hạ.

Nói đoạn, nhà vua thả cho Dự Nhượng ra đi.

Không chịu bỏ cuộc, Dự Nhượng tự hủy dung nhan. Ít lâu sau lại cải trang thành người hành khất mình đầy ghẻ chốc, với mục đích không cho ai nhận diện kể cả người thân trong gia đình và bằng hữu quen thuộc.  Chờ mãi cho tới một hôm Triệu Tương Tử xuất cung, Dự Nhượng bèn nấp dưới chân cầu đợi nhà vua đi qua. Ngặt một nỗi khi xa giá tới nơi thì con tuấn mã của vua bột phát linh tính, lồng lên như ác thú. Triệu Tương Tử thấy vậy đoán là có kẻ sẽ ra tay hành thích mình, lập tức cho quân vây bắt mới phát hiện lại là Dự Nhượng, tự hỏi lòng rằng tại sao Dự Nhượng đã thờ mấy đời chủ mà vẫn hết lòng trả thù cho Trí Bá Dao?  Triệu Tương Tử nghĩ thế bèn lên tiếng trách cứ:

- Dự Nhượng, nhà ngươi đã từng bỏ Phạm Trung Hàn vì họ Phạm bị Trí Bá Dao diệt, ngươi chẳng màng báo thù cho chủ cũ lại còn phải gửi mình làm tôi cho vua mới. Nay Trí Bá cũng bị quả nhân giết chết rồi, tại sao nhà ngươi lại khăng khăng vì hắn mà báo thù sâu sắc như vậy chứ?

Ánh mắt Dự Nhượng hằn tia đau khổ, đáp:

- Trước tôi có thờ Phạm Trung Hàn thực, nhưng vua Phạm đãi tôi như bọn tầm thường nên lấy cách tầm thường mà trả. Sau tôi thờ Trí Bá, vua Trí đãi tôi như bậc quốc sĩ nên tôi lấy cách quốc sĩ mà đền ân!

Triệu Tương Tử nghe vậy thở dài ngậm ngùi mà rằng:

- Dự Nhượng, nhà ngươi vì Trí Bá Dao mà báo thù, nay danh cũng đã thành rồi, quả nhân tha cho nhà ngươi như thế cũng đã đủ. Nhà ngươi hãy tự liệu lấy thân. Quả nhân không thể cứ hết lần này đến lần khác tha mạng cho nhà ngươi được nữa!

Dự Nhượng bất cần ai tha bổng, cười lớn nói:

- Việc ngày hôm nay cố nhiên tôi xin chịu chết, nhưng nhà vua cho tôi xin cái áo của ngài để tôi được thỏa ý định phục thù, tuy chết mà cũng không ân hận!

Triệu Tương Tử nghe vậy gật gù cảm khái, bụng bảo dạ rằng mình không thể lung lay quyết tâm báo oán của người này nên đành phải cho quân sĩ giết Dự Nhượng để răn trăm họ.  Nhưng mà trước khi giết Dự Nhượng vua Triệu nhận biết tên thích khách này quả là người có nghĩa khí bèn cho Dự Nhượng được toàn tâm nguyện, sai binh sĩ mang áo đưa cho Dự Nhượng.  Dự Nhượng tuốt kiếm, vung tay đâm ba lần vào long bào hô to:

- Rốt cuộc ta có thể chết để báo ơn Trí Bá được rồi!

Nói đoạn phục gươm tự sát. Toàn thể kẻ sĩ nước Triệu nghe chuyện Dự Nhượng chết ai nấy đều không khỏi bùi ngùi.

Lại nói tới Cửu Dương, sau khi chàng nghe nữ thần y nhắc câu chuyện Dự Nhượng, mở to mắt nhìn nàng.  Chàng vô cùng ngạc nhiên trước sự biến đổi của nàng.  Đã từ khi nào nàng bắt đầu quan tâm thái quá đến thất bại quan trường, đến quốc thế thịnh suy, nếu không chính tai nghe mắt thấy thì chàng vốn không thể nào tin được.  

Nàng đã không còn là một cô bé ngây thơ và dại dột, ưa ngồi nghịch nước bên bờ Tây hồ nữa rồi.  Mấy năm qua, cuộc sống khắc nghiệt trong tân giả khố đã biến nàng thành một người hoàn toàn khác lạ, nàng đã trải qua tư vị thương tâm, bằng chứng là câu chuyện và những lập luận vững chãi của nàng vừa rồi.  

Trong lòng Cửu Dương có chút thích thú vì sự chững chạc này của nàng, nhưng, chàng lại tiếc nuối vì niềm vui thuần khiết đã rời nàng mà đi.  Đá quý cứ phải bị mài giũa tàn khốc mới có cơ tỏa màu lấp lánh sao?  Cửu Dương nhìn nữ thần y, nhủ bụng, ước gì nàng vẫn là cô bé ngốc nghếch năm nào, để chàng có thể cùng nàng ẩn mình trong rừng sâu, suốt đời ngắm cảnh tượng mặt trời mọc rồi lặn, sống một cuộc đời bình dị. Tuy chàng biết nàng đã thay đổi nên đó chỉ là mơ tưởng hão huyền của một mình chàng nhưng chàng vẫn không ngăn được mong ước thời gian có thể quay trở lại, và dừng ở khoảnh khắc trước khi chàng rời Hàng Châu đến Đồng Sơn, để chỉ có chàng và nàng thôi, vui vẻ, không còn bị cuốn vào vòng tranh đoạt quyền lực của những người không liên can tới hai người nữa.

Nữ thần y thấy Cửu Dương trầm ngâm không nói, cất giọng tha thiết:

- Thiên Văn, muội hiểu nỗi khổ tâm của huynh.  Ngoài việc huynh không muốn nhúng tay vào chuyện quan trường huynh cũng e rằng huynh sẽ thành người phụ bạc.  Nhưng, trong sách thánh hiền có câu “dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh.”  Câu nói này rất đúng với tình trạng hiện nay của huynh.  Trên tay huynh đang cầm một cán cân, một bên là sư thái - người đã có ân với gia đình huynh, bên còn lại là bá tánh.  Người có ân với huynh chỉ có một người song bá tánh lại có đến hàng ngàn hàng vạn mạng người.  Mạnh Tử nói tới giây phút không được chọn cả hai bên mà chỉ có thể chọn một, ta nên chọn phụ quân vương thay vì phụ vạn dân.

Nữ thần y dứt lời Cửu Dương vẫn trầm ngâm không nói lời nào với nàng.  Người trong hội Đại Minh Triều ai cũng biết Cửu Nạn vốn là Trường Bình công chúa, hậu duệ cuối cùng của triều đại nhà Minh.  Đối với những thành viên trong hội Cửu Nạn chẳng khác nào một quân vương.  Nhưng dân là trọng hơn cả, xã tắc đứng sau, nên vua còn nhẹ hơn.  Lời của nữ thần y khiến bên tai Cửu Dương văng vẳng câu nói của Lữ Lưu Lương.  Những buổi ngồi học về Luận Ngữ, Mạnh Tử, Công Dương Xuân Thu trong Hắc Viện.  Những lời lẽ mà phu tử nói, tuy rằng cương trực, hàm ý lại sâu xa, lúc đó và cả bây giờ khích động hào khí trong lòng chàng nổi dậy.

Nữ thần y bắt mạch được suy nghĩ trong đầu Cửu Dương bắt đầu thay đổi, dịu dàng thêm lời:

- Mặc dù nhìn vẻ bề ngoài trông huynh như cô phụ sư thái, phản lại bang hội, nhưng muội cam đoan ở trên trời bà sẽ không trách huynh.  Vì dẫu sao, bà cũng chỉ cầu mong cho bá tánh được sống trong một cuộc đời an nhiên tự tại, cũng không muốn nhìn cảnh tam mệnh đại thần hà hiếp họ như bây giờ, những cảnh tượng thê thảm máu chảy thành sông mà người dân hằng ngày phải chứng kiến trong chợ Đông Thành.  Trái với tam mệnh đại thần, những người theo phò Khang Hi hoàng đế ai cũng hiền lương và chính trực, bá tánh trong thành ai cũng đều ủng hộ và yêu mến họ.  Trong mấy năm qua, muội có dịp gặp Khang thân vương, cha con Sách đại nhân, Bảo Hòa điện đại học sĩ Trương Đình Ngọc.  Mấy người này đều xem trọng Nho Giáo, ủng hộ tư tưởng Khổng Tử, còn tam mệnh đại thần lại bài xích Khổng Tử.  Cho nên, nếu huynh giúp hoàng đế đương triều tiêu trừ ba người đó, chẳng những bá tánh sẽ được an cư lạc nghiệp trong tương lai hoàng đế còn dùng Nho Giáo trị nước, xác nhập Mãn Hán Hồi Mông một nhà, thi hành luật mới, dẫn dắt con dân đi tìm một tương lai no ấm, như vậy đối với huynh không phải là làm một việc công đức vô lượng hay sao?

Nữ thần y nói tới đây không cho Cửu Dương có dịp mở miệng phản bác lời nàng, dùng đôi tay vòng quanh cổ chàng, kéo mạnh xuống.  

Cửu Dương bất giác cúi cong người xuống.  Nữ thần y nhón gót chân lên, dùng đôi môi nóng bỏng của nàng, áp chặt vào đôi môi Cửu Dương.  

Cửu Dương bất ngờ trước hành động này của nữ thần y, biết rất rõ, nàng đang đưa chàng vào mê lộ.  Nhưng chàng không tự chủ được đưa tay ra, quàng đôi tay ôm siết lấy nữ thần y.  Cơ thể chàng như Hỏa Diệm sơn, bùng nổ, nụ hôn của nàng đem đến sự chấn động kinh thiên động địa trong cơ thể chàng, và cũng đem đến những tia lửa tung tóe kinh thiên động địa.  Ðôi môi của chàng cũng áp chặt vào môi nàng, thật chặt, thật chặt, cuồng nhiệt, quấn lấy môi nàng.  Chàng cứ nghĩ mình là một người đã từng trải qua trăm ngàn trận chiến tranh, thế nhưng, đứng trước mặt người con gái này trước những lời nói của nàng như một cuộc chiến tranh khốc liệt và chàng đã đại bại.  Chàng phải làm gì để chống đối nàng bây giờ?  Người con gái này, là mối nguy cho chàng, chàng biết nếu ở gần nàng chàng sẽ tan xương nát thịt, rời xa nàng, chàng cũng sẽ đau lòng đến độ thịt nát xương tan.  Trong lòng Cửu Dương ngổn ngang như đang đứng trên miệng vực sâu, không thể quay lui, chỉ có thể nhảy xuống.  Một mặt chàng hôn nữ thần y, hừng hực và nóng bỏng, một mặt thấp giọng thì thầm khổ sở:

- Muội đang quyến rũ huynh, muội định dùng cách này thuyết phục huynh đi Chiêu Tây lăng.  Muội định làm cho huynh say mê, đến mức mất hết sáng suốt, không còn ý thức được phải trái, đúng sai nữa.  

Nữ thần y rời khỏi môi Cửu Dương, nhoẻn nụ cười với chàng, nét cười trên môi nàng càng đậm đà, ngọt ngào, càng làm cho chàng đắm say.  Lại nữa, đôi gò má nữ thần y ửng hồng, nàng khẽ quay đầu sang một bên liếc nhìn Cửu Dương bằng đuôi mắt cong và dài.  Cửu Dương thần người trước dung mạo ở lứa tuổi đôi mươi của nữ thần y.  Chàng đột nhiên phát giác ra rằng, điểm quyến rũ nhất ở nàng khi trưởng thành chính là thần sắc và khí chất thiên biến vạn hóa.  Bởi khi nói những lời lẽ về Dự Nhượng, chàng thấy nàng tỏ ra sâu sắc, chững chạc.  Nhưng sau đó nét mặt nàng biến thành kiều mị, dụ hoặc, bây giờ lại thanh tao thuần khiết, e lệ, thẹn thùng.  Các dáng điệu phong phú và đa dạng trên mặt nàng khiến chàng cảm thấy nàng như một thỏi nam chân hút lấy chàng mạnh mẽ.  Nàng còn có đôi mắt rất đặc biệt nữa, đôi mắt có thể thao túng những hỷ nộ ai lạc trong lòng chàng.

Cả người Cửu Dương như chìm đắm trong vò rượu cay nồng, nhưng không kém phần thơm tho, quyến rũ, chàng nhìn nữ thần y bằng ánh mắt thảng thốt, nhìn đến ngẩn ngơ. 

- Muội không hề quyến rũ huynh – Nữ thần y nói - Muội đang dùng toàn bộ tâm hồn để yêu huynh.  Thiên Văn, muội thật hy vọng huynh đi Chiêu Tây lăng thi hành đại đạo.  Vì công, huynh có thể gạt đi mọi đau khổ của bá tánh.  Vì tư, huynh tạo được đời sống êm ấm cho con cháu chúng ta sau này.  Huynh thích xa lánh người đời, ẩn thân nơi rừng sâu hẻo lánh nhưng chưa chắc con cháu chúng ta muốn ẩn dật cả đời trên Thiên sơn.  

Nữ thần y nói xong lại hôn Cửu Dương, nụ hôn đầy ham muốn, lưỡi và môi nàng cuốn lấy môi chàng.

Ðầu óc Cửu Dương trở nên rối loạn, tương lai mà nữ thần y vẽ ra khiến chàng trở nên mê cuồng.  Chàng phải làm theo lời nàng ư?  Bỏ lại tâm nguyện của chàng, cùng nàng đi tìm một hang động nào đó, dưới chân Thiên sơn, sống cho qua hết kiếp này.  Mỗi ngày hai người đứng ở cửa hang viễn sơn cận thủy, ngắm nhìn tứ bề được bao phủ bởi một tầng ánh sáng mờ ảo của buổi chiều chạng vạng, vài ngọn thông nhú lên sau lớp tuyết trắng xóa trên Thiên sơn, ở trong phong ba hưởng thụ sự ban phát của trời đất, thiên nhiên một mảng xanh ngát.  Chàng phải bỏ mặc tình nghĩa với các huynh đệ trong hội, với Cửu Nạn, Lữ Lưu Lương?  Cửu Dương vẫn còn đang giằng co trong tư tưởng, trong lòng chàng cảm thấy rất khổ sở, tất cả suy nghĩ đang xé nát chàng ra thành từng mảnh vụn, như muốn hủy diệt chàng vậy.  

Nhưng chàng phải làm theo lời nàng thôi.  Vì chàng yêu nàng, yêu đến tận đáy tâm hồn.  Nàng muốn chàng đi tham gia cuộc chiến ngăn chặn bọn huyết trích tử hành thích xa giá.  Cho dù việc đó là đúng, sai, hay trái với tâm nguyện của chàng chăng nữa, chàng cũng không thể nào lo nghĩ được nữa.  Chàng không còn đủ sức để từ chối lời nàng được.  Trái tim chàng, đầu óc chàng, tất cả, đều bị thao túng bởi nụ hôn của nàng.  Chàng hoàn toàn tan chảy trong sự biểu lộ tình cảm nóng bỏng, cuồng nhiệt như lửa đốt từ nàng.  Trong bang hội phục Minh chàng là một người thống lĩnh vạn quân, thế nhưng, trên tình trường chàng chỉ có thể làm một tên lính đào ngũ!  

(còn tiếp)

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play