Hơn bảy giờ tối, mưa rả rích từ chiều không ngớt. Uyên chống tay, dựa đầu vào cửa kính xe buýt nhìn dòng xe tấp nập, nhìn đường xá ướt nhẹp, nhìn sự khó chịu của con người trong sự bon chen cuối ngày ở một thành phố nhộn nhịp. Đông đúc. Bực bội. Mệt mỏi.
Điện thoại phát nhạc chuyển qua bài “Khi người lớn cô đơn”, tiếng ca ấm áp chậm rãi trôi qua tai làm lòng Uyên khô khốc, cô bỗng nở nụ cười, nụ cười héo hắt của một cô gái vừa qua hai mươi và nhiều suy nghĩ.
Xe buýt chạy về khu phố “đại gia” nhất thành phố nên vắng người đến buồn thiu. Uyên đứng dậy kéo thẳng gấu váy, di chuyển từ hàng ghế cuối lên đầu rồi ngồi xuống bên cạnh một gã đàn ông.
– Thầy đang đọc sách gì vậy?
Khoa đang chăm chú xem phần giới thiệu của cuốn sách trong tay thì giật thót người khi giọng nữ trong vắt lọt vào tai, anh nhanh tay di chuyển sách vào trong, khuất đi tầm nhìn của Uyên rồi mới ngẩng đầu.
– Ngôn tình.
Uyên nhìn Khoa khỏe khoắn với quần jeans áo thun, cái nhìn chăm chú như muốn ghi nhớ toàn bộ vẻ đẹp của anh mà thực ra cô đang ngầm đo giá trị không dưới hai triệu của bộ quần áo. Uyên tủm tỉm cười, đôi mắt lấp lánh ánh sáng tinh quái:
– Là truyện gì vậy thầy? Em cũng đọc nhiều ngôn tình lắm.
– Không biết.
Phớt lờ giọng nói lạnh lùng đến khó chịu của Khoa, cô lia mắt ngắm nghía cái gáy sách màu hồng có in ba chữ “Điệp Chí Linh” khá rõ mà bật cười khúc khích:
– Thôi em biết rồi, thầy đang đọc đam mỹ. Là Tình yêu đau dạ dày của Điệp Chí Linh, truyện đó hay lắm đó thầy, cái anh Tiêu Phàm trong đó cũng khá giống thầy nữa.
Khoa nhìn cô sinh viên ngồi cạnh mình, nhìn cô toát lên vẻ thanh xuân lôi cuốn, đôi mắt sáng rỡ cùng khóe miệng thật tươi, một cảm xúc không rõ tên gọi bỗng len lén chìm sâu vào đáy lòng.
Chiều nay, không có tiết dạy nên Khoa theo chân cô bạn thân là một hủ nữ đi dạo nhà sách, nào ngờ mua xong sách thì cô bạn bỏ anh lại để đi với người yêu. Sự khó chịu lên đến đỉnh điểm, anh chỉ vừa mới biết đam mỹ có nghĩa là gì thì Uyên đã dùng nó để trêu chọc anh. Anh làm sao lại không biết chữ “giống” trong miệng của cô ám chỉ điều gì. Khoa cười, hàm răng anh trắng tinh:
– Ừ, giống thật, nhưng tính cách tôi rõ ràng hơn anh ta.
Uyên cứ nghĩ Khoa sẽ không hiểu nghĩa của đam mỹ và không thấu hết ý tứ trong lời của cô, hóa ra anh còn sâu hơn những gì cô đã nghĩ, cô ngạc nhiên:
– Thầy biết đam mỹ luôn sao?
Khoa nhướn mày đẩy thẳng gọng kính trên sống mũi, một lọn tóc mái rủ xuống thái dương che bóng đôi mắt đang sáng rực như nhìn thấy miếng mồi ngon, giọng anh nửa đùa nửa thật:
– Tất nhiên rồi, đam mỹ hay thế còn gì.
Uyên che miệng mình, đôi mắt mở to hết cỡ:
– Không lẽ thầy bị bóng?
Khoa sầm mặt, đầu óc linh hoạt của một thạc sĩ luật chạy một vòng thật nhanh, anh mỉm cười ấm áp, giọng nói pha chút bất đắc dĩ cùng đau lòng:
– Em đoán được rồi sao?
Nếu nửa phút trước Uyên giả vờ bất ngờ để dùng câu hỏi “Không lẽ thầy bị bóng?” châm chọc anh thì lần này sự bất ngờ của cô không hề giả dối, cô dùng đôi mắt giản đơn nhìn Khoa vừa thích thú vừa thông cảm:
– Thì ra là vậy, thầy yên tâm, em nhất định sẽ giữ kín chuyện này…
Ánh mắt của Uyên đầy kiên định nhưng chỉ cô mới biết mình đã giữ lại nửa câu sau: “… nếu thầy không làm khó em”.
Khoa mím môi quay đầu ra cửa sổ, mưa vẫn rả rích đậu dịu dàng lên ô cửa kính, dòng xe thưa dần hòa lẫn trong ánh đèn đường, anh nhìn chính mình qua ô cửa kính xe, mỉm cười bằng nụ cười của một người hiền lành nhưng đôi mắt giấu sau cặp kính lại trở nên sáng rực đến khó hiểu.
Mưa vẫn rả rích rơi, Uyên và Khoa xuống cùng một trạm, Khoa không ngờ, chỉ bằng câu nói nửa thật nửa đùa của mình, Uyên đã xem anh như một nửa bạn bè, cô cười cười:
– Thầy có che chung dù với em không ạ?
Khoa rất tự nhiên cúi đầu đi chung dù với Uyên, tiếng mưa nhịp thật đều trên đỉnh đầu, bước chân anh trầm ổn, hương thơm thanh thuần của cô gái đi cạnh thoảng qua bên mũi làm anh thấy bình yên đến lạ.
Đi bộ hơn trăm mét thì đến nhà Khoa, Uyên đưa anh đến cổng rồi trở ra về. Vừa về đến cổng nhà thì điện thoại trong cặp bỗng rung lên báo hiệu tin nhắn đến, Uyên cất dù rồi lấy điện thoại ra, là tin nhắn đến từ số điện thoại mà cô lưu bằng cái tên “GOGHI” có nghĩa là “gớm ghiếc”.
“Chiếc váy em mặc đẹp lắm nhưng nó hơi ngắn và cổ áo hơi sâu, lần sau em nhớ kéo khóa áo khoác cao thêm chút nhé. :v”
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT