Từ tối qua đến sáng sớm nay, mẹ lên cơn sốt hai lần, phải uống hai viên panadol, làm cho mẹ rất bất lực.
Tôi cũng không ngủ được, cứ gián đoạn liên tục, lúc thì viết Thợ săn mạng sống, lúc nói chuyện với mẹ về ba. Mãi đến 3h sáng mới thử đi ngủ trong sự khuyên nhủ của mẹ.
Những ngày lên cơn sốt thường nhật thế này khiến mẹ lo sợ sẽ không thể ra viện sau năm hôm nữa như bác sĩ dự đoán. Tối qua lấy hai ống máu, sớm nay xét nghiệm đờm, khả năng đến chiều sẽ biết mức độ bình phục của mẹ.
Tối qua sau khi lau người giúp mẹ hạ sốt, tôi ngồi trên giường bệnh cạnh mẹ, cùng mẹ tập đá chân, sau đó nhắc lại chuyện hồi nhỏ tôi ăn cắp.
Mẹ bảo chẳng còn nhớ tẹo nào, mặt ngơ ngác. Tôi bèn từ từ bê từng bộ dữ liệu trong kho phim ký ức ra trước mặt mẹ.
Năm lớp năm và lớp sáu tiểu học, tôi chơi với một đám mà trong mắt người lớn gọi là bạn xấu, nhưng cũng chỉ là đánh nhau, ăn trộm, trốn ngủ trưa ra ngoài trường chơi điện tử, tan học tụ tập cá cược v.v... đều là những chuyện mà mỗi thằng con trai trong quá trình trưởng thành đều từng mong xảy ra. Đám “bạn xấu” đó khiến cho kỷ niệm của tôi về tuổi thơ tăng thêm rất nhiều sắc thái điên rồ lông bông.
Hồi đó, làm nhiều “việc xấu” không phải vì “làm việc xấu rất thú vị”, mà thực sự thấy buồn chán, buồn chán tới mức chỉ cần có một đứa nghĩ ra phải làm gì, cả bọn sẽ hùa theo. Đi ăn cắp cũng vậy. Lúc nào chán đến mức buồn bực, cả bọn bèn đến 7-11 ăn cắp bài poker, ra hiệu sách lấy bút mực, ra tiệm tạp hóa mò kẹo sô cô la que.
Thỉnh thoảng, tụi tôi cũng làm vụ lớn, chẳng hạn ra tiệm đồ chơi trộm súng hơi, mô hình.
Một buổi trưa, sáu thằng lêu lổng tụi tôi ở trong tiệm đồ chơi gần trường, định soi xem có gì dễ lấy không. Nhưng mà, soi con khỉ gì đâu, có gì lấy nấy thôi! Tôi xách một cái túi, định phá kỷ lục thời gian ăn cắp của cả bọn, vừa bước vào tiệm thấy mô hình thánh đấu sĩ trong Áo giáp vàng liền cho ngay vào túi (còn chưa biết mình vừa cầm vị thánh đấu sĩ nào!), mau lẹ chuồn mất.
Đem mô hình về lớp, tại vì khoe khoang quá độ, nhanh chóng bị đứa nào đó mách lẻo, báo tội trạng lên đến phòng Công tác tư tưởng.
Chuyện bại lộ, phòng Công tác tư tưởng gọi điện về nhà, làm tôi bị ba đánh cho thê thảm, mẹ cũng khóc mãi, thất vọng về tôi rất nhiều. Trong nhà nặng nề mấy ngày liền, như cả thế giới này chính thức tuyên bố tôi đã sa chân lỡ bước, trở thành dân xã hội đen vậy.
Mỗi khi ba giận thì chẳng nói câu nào hết, tắt kênh trao đổi, cho đến lúc có ai nghiêm túc xin lỗi ba. Trong khi đó, mẹ mặc dù thất vọng với tôi, nhưng lại càng lo cho tôi, rất lo tôi lầm đường lạc lối, sau này muốn gặp mặt con nếu không đọc báo chắc chỉ còn cách lên trại giam đăng ký.
Mặc dù bây giờ nghĩ lại, những chuyện ngớ ngẩn kiểu Cáp Bổng đó, thực ra chỉ là sự chuẩn bị cho một cây bút nhỏ theo trường phải đơm đặt chém gió.
Lại nói về mẹ.
Mẹ lo tôi lại trốn ngủ trưa lẻn ra ngoài làm bậy, bèn không ngại vất vả mỗi trưa đều đạp xe đến trường, đón tôi về nhà ăn trưa.
Vào cái tuổi đó, trưa nào cũng bị mẹ lôi về nhà như thế, thực sự rất mất mặt. Với đám chiến hữu vẫn chí chóe thì còn thôi, nhưng trước mặt cô bạn Tiểu Mị mà tôi thích thì vô cùng mất tư cách nam nhi.
Ít nhất phải vài tháng liền, tôi bị áp giải về nhà dưới sự “đồng hành” của mẹ, sau đó ăn cơm trưa trong không khí rất lặng lẽ. Mọi người nghỉ trưa, còn tôi ngồi trong nhà hối hận đã khoe khoang tuyệt kỹ “thần thâu” của mình trước đám bạn khốn kiếp (chứ không phải là hối hận đã đi ăn trộm), mới thành ra bị giam trong nhà vào giờ này, không được ra ngoài đánh nhau.
Nghỉ trưa xong, mẹ gọi người còn lặng lẽ hơn là ba lấy xe máy chở con quay lại trường.
Trong những ngày tháng ảm đạm đó, ba rất hay dùng các ẩn dụ để nói cho tôi biết vì sao con người không được lầm đường lạc lối, chẳng hạn “nhỏ ăn trộm gà, già ăn trộm trâu.” Lúc đó tôi nghĩ, nếu đem “chuyển ngữ” nó thành “nhỏ trộm thánh đấu sĩ, lớn trộm rương đựng thánh tích, trộm chén thánh, trộm kho báu Atlantis”, cũng là loại “câu chuyện nhỏ ý nghĩa lớn” có thể suy ra được. Tưởng tượng mười mấy năm sau mình sẽ trở thành tên trộm sánh ngang với Indiana Jones, tôi thấy rất khoái.
Hoặc như thấy công nhân đang tỉa cành trong công viên Á Ca, ba sẽ nói: “Con nhìn thấy cái cây kia, nếu lúc còn nhỏ không cắt tỉa như thế, lớn lên sẽ mọc rất lộn xộn.” Lúc đó trong đầu tôi nghĩ về thuyết vô dụng và hữu dụng của Lão tử, đại khái là kết cục của cái cây hữu dụng rất thảm, dù bị đốn hạ để làm cái bàn thờ tốt nhất đi chăng nữa, thì cũng không còn là cái cây bừng bừng sức sống. Cũng có nghĩa là, cây vẫn nên mọc lộn xộn, thân cây nghiêng ngả cành lá rối rắm thì hơn, ông thợ mộc nhìn không trúng, thì mới có thể lấy tư thế ung dung tự tại của một cái cây tiếp tục trường tồn cùng trời đất. So với cái bàn thờ được thờ phụng trong miếu trong đền, thì cái cây vô dụng vẫn hạnh phúc hơn chứ.
Cho nên, con người thì... cứ kém cỏi một tí mới tốt, đỡ phải nhỡ không cẩn thận xuất chúng quá, sau cùng lại còn công thành danh toại người người kính trọng, thế là trở thành một người hữu dụng... vậy chẳng phải sẽ xong đời rồi ư?
Thành ra, mãi đến hết năm đầu của trung học cơ sở, căn bệnh “hai ngón” của tôi mới chữa được. Lý do không thể trở thành siêu trộm xuất quỷ nhập thần lẫy lừng thế giới, là vì một câu chuyện lãng mạn khác.
Hai mẹ con vẫn tiếp tục đá chân.
“Mẹ ơi, tuần sau mẹ về nhà, Puma gặp mẹ chắc chắn rất vui mừng. Nó thể nào cũng nghĩ, ôi, cái người ngày ngày cho mình ăn thịt đã về nhà rồi!” Tôi nói.
Mẹ nhắm mắt, cười cười.
Hôm nay bác sĩ Vương định lấy máu tĩnh mạch chỗ ống dẫn nhân tạo kiểm tra xem có viêm nhiễm gì không, hòng tìm ra nguyên nhân mẹ bị sốt hằng ngày.
Bình thường không thể làm như vậy, vì lý do ban đầu đặt ống dẫn nhân tạo là để truyền các loại thuốc, nước, và máu trong quá trình điều trị ung thư. Tĩnh mạch bình thường nếu bị truyền nhiều thứ như vậy có thể không kham nổi, gây viêm loét, nên giải quyết bằng cách đặt ống dẫn nhân tạo, trong cánh tay hoặc trong xương quai xanh.
Ống dẫn nhân tạo rất đắt tiền, sẽ đồng hành với bệnh nhân nửa năm, thỉnh thoảng còn phải dùng các chất chống đông kết để súc rửa, tránh tắc nghẽn. Ngoài ra, nếu ống dẫn nhân tạo bị viêm nhiễm thì rất phiền, vì vậy việc lấy máu hầu như sẽ không tiến hành ở ống dẫn nhân tạo, để đảm bảo “chỉ vào không ra” và bảo vệ thiết bị này.
Nhưng để kiểm tra có phải ống dẫn nhân tạo có vấn đề hay không, dĩ nhiên phải lấy máu ở đó.
Có điều, đã thay ba đội hình trong mơ của y tá, thử liên tục ba lần đều không lấy được giọt máu nào. Phải dùng nước muối sinh lý súc rửa ống dẫn, nhưng cũng không đẩy vào được. Y tá đành đi mời bác sĩ đến xem là vấn đề gì, trong khi tôi đứng bên cạnh gọi điện cho anh cả, bảo anh mau chóng xuất hiện củng cố lòng tin cho mẹ.
Ba tiếng đồng hồ sau, y tá rốt cuộc đẩy kim vào rất mạnh tay, làm ống dẫn nhân tạo màu xanh lam vỡ bung, nước muối sinh lý bắn vọt ra. Vị y tá này đành tuyên bố, ống dẫn nhân tạo cần được lắp mới!
...
Không phải là tôi không chấp nhận, dù là rất ngao ngán, dù sao cũng chẳng ai muốn sai lầm. Nhưng sau đó y tá ngồi lại bên giường bệnh, mặt đầy vẻ băn khoăn muốn đùn đẩy trách nhiệm kiểu: “Cái ống dẫn này bị thủng lúc nào nhỉ? Sao trước đây không phát hiện ra?” Tôi chỉ muốn hét thật to vào tai chị ta: “Này, tại vì chị đẩy mạnh đấy! Cái ống này trước khi chị rút kim truyền ra vẫn còn rất tốt!”
Được hưởng thái độ tận tình chu đáo của y tá tầng bảy chuyên chăm sóc bệnh nhân ung thư, giờ gặp y tá tầng chín chuyên “giải quyết” người bệnh lao phổi hạch ai cũng vội vội vàng vàng, động tác thô bạo, thái độ như đánh trận, khiến tôi nghĩ quả thật bệnh lao phổi không nên tùy tiện để mắc phải. Mà công việc của các tầng khác nhau cũng rất khác nhau, hôm qua y tá tầng chín còn phải nhờ sự hướng dẫn của mẹ mới biết cách vệ sinh làm sạch ống dẫn nhân tạo.
Bệnh nhân và người nhà thực sự rất yếu thế, không có người tiêu dùng nào cần đến “hàng hóa” bệnh viện như người bệnh, hơn nữa lại không thể chấp nhận trong quá trình tiêu dùng nếu có gì chê bai, thì người cuối cùng xui xẻo nhất vẫn là mình. Trong lúc y tá đang “băn khoăn” vì sao ống dẫn nhân tạo bị vỡ, mẹ vẫn nhẹ nhàng an ủi y tá, thậm chí còn cảm ơn. Tôi cũng tham gia, luôn mồm sorry.
Y tá hậm hực đi rồi, mẹ mới chảy nước mắt, nói sao mà xui xẻo vậy, chuyện gì cũng bắt mẹ gặp phải.
Anh cả đến nơi, việc đầu tiên là chạy xuống tầng bảy, định xin điều một y tá rất quan tâm mẹ sang giúp đỡ. Nếu phải lấy cái ống dẫn nhân tạo đã vỡ ra khỏi người, thì không thể giao cho đám y tá chưa từng làm việc này thực hiện. Anh cả nói, cô y tá Vương Kim Ngọc trong mắt mẹ chẳng khác gì thiên thần.
Mẹ nằm co ro trên giường, bên ngoài tỏ ra bình tĩnh, thực ra sợ gần chết, và thất vọng vô cùng.
Cầu nguyện.
Buổi tối.
Chương Cơ quả là thần kỳ. Không cần đổi ống mới, bác sĩ “sửa” vèo vèo cái ỗng dẫn của mẹ. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm.
Hôm nay là đêm Noel, cũng là ngày thứ mười bốn bà ngoại mất, dân gian gọi là nhị tuần. Thằng út thay mặt mẹ từ Đài Bắc chạy đến Đào Viên tham dự lễ cúng.
“May mà thằng út đi Đào Viên...” Mẹ ngồi trên giường vừa khóc vừa nói.
“Mẹ ơi, con đã nói mà. Mẹ đẻ ba đứa chắc chắn là có lý do. Mỗi đứa đều có thể giúp mẹ vài việc.” Tôi nói.
Mẹ tiếp tục khóc.
Tôi không cản mẹ. Tôi là người duy nhất không biết ngăn cản bất cứ ai rơi nước mắt.
Tôi chỉ nằm sắp người bên cạnh, lặng lẽ nghe mẹ kể chuyện.
Mẹ bắt đầu kể từ rất xưa, khi mẹ còn là một cô bé nhỏ tuổi.
Ba của ông ngoại, tức cụ ngoại, còn là một người hay “đ. mẹ, đ. cha”.
“Ông à, ông không chửi bậy con mới đi bán vịt với ông.” Mẹ nghiêm túc.
Thế là, mới lớp hai, mẹ ngồi sau xe đạp của cố ngoại đi ra chợ bán vịt. Mẹ đội cái nón nhỏ xinh, nép bên cụ ngoại lúc nào cũng hút thuốc, cầu nguyện cho vịt bán thật mau, để đổi vài thứ đồ dùng đem về nhà.
“Cái Tú, ngồi lại gần tí nữa!” Cụ ngoại gọi, tay cầm bát cơm, bảo mẹ ngồi sát bên.
Cụ ngoại rất thương mẹ, vào thời đại đàn ông ăn xong phụ nữ mới được ngồi vào bàn, cụ rất hay cho mẹ hưởng chế độ mà bà ngoại cũng không có: ngồi ăn cùng một đám đàn ông. Miếng thịt ba chỉ ông ăn vào mồm thể nào cũng nhè ra chỗ nạc cho vào bát mẹ.
“Bẩn thật đấy.” Mẹ cười buồn.
Sau đó là chuyện dì Vạn xuất gia, đến ông ngoại trọng nghĩa trọng tình, cuối cùng là bà ngoại của mẹ - qua đời khi đang ăn hồng.
Câu chuyện của mẹ, câu chuyện từ trước khi mẹ có anh em tôi.
Sau đó gặp ba, gặp tình yêu, thế là có câu chuyện thuộc về một gia đình.
Anh cả nói rất đúng.
Anh nằm dư một tuần trong bụng mẹ, bởi không chịu rời khỏi mẹ.
Tôi nằm thiếu một tuần trong bụng mẹ, bởi muốn sớm nhìn thấy mặt mẹ.
Thằng út nằm trong bụng mẹ không thiếu ngày nào bèn nhảy ra, bởi đã hẹn với mẹ.
Ba anh em, từ trong bụng mẹ, đã dùng cách thức của riêng mình để yêu thương mẹ.
Khóc mệt, thân nhiệt mẹ tăng lên 39 độ, tôi ra phòng hộ lý xin thuốc panadol.
Mẹ ho liên tục, uống thuốc giảm sốt xong, nằm cuộn trên giường, nét mặt khổ sở, cố gắng làm bản thân ra mồ hôi.
“Để bọn con yêu thương mẹ thêm hai mươi lăm năm nữa nhé mẹ ơi.” Tôi nói. “Để mẹ thấy được câu chuyện tuyệt vời của tụi con.”
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT