Hôm nay mẹ nằm viện được một tháng một ngày.

Lúc tôi đi taxi đến bệnh viện, ba và anh cả đang nói với mẹ chuyện bà ngoại mất, mẹ nằm khóc trên giường, lau nước mắt liên tục.

Nhưng một tảng đá lớn trong lòng mẹ rốt cuộc đã bỏ xuống được.

Bà ngoại bệnh tật lâu năm đã thoát được khổ đau, cũng giải thoát cho ông ngoại và các mợ khỏi vất vả chăm nom. Chuyện bà ngoại mất thực ra mẹ vẫn luôn chuẩn bị tinh thần, dù sao cũng chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Dĩ nhiên mẹ cũng không phải giấu ông ngoại nữa, nhưng cứ nghĩ bản thân đau ốm là rất không phải với ông ngoại nhân từ, thế nên mẹ luôn ôm một nỗi ăn năn sâu sắc.

Mà tảng đá lớn trong lòng chúng tôi, rốt cuộc cũng bỏ xuống được.

Thực ra mẹ rất có linh tính về chuyện bà ngoại mất. Đêm hôm bà đi, ba và anh cả suốt đêm chạy đi chạy về giữa Chương Hóa và Đào Viên tiễn biệt bà ngoại lần cuối, để lại một mình tôi chăm mẹ, lúc đó vẫn ở trong buồng cách ly. Đêm đó tôi rất để ý xem mẹ có cái gọi là tâm linh tương thông hay không, thao thức mãi không ngủ được. Còn mẹ quả thật cũng ngủ không yên, miệng lẩm nhẩm tụng kinh, luôn miệng cứ nói thấy trong lòng thảng thốt hoang mang, nhưng không biết tại sao.

Cúng tuần đầu tiên, tôi đi Đào Viên với anh cả, thằng út ở với mẹ. Khoảng 11 giờ đêm buổi cúng tế cuối cùng bắt đầu. Mẹ nằm trên giường bệnh, lại tự dưng thảng thốt, bắt đầu lo lắng khóc lóc. Mẹ ngồi trên giường liên tục niệm chú Dược sư, thằng út hỏi gì mẹ cũng không trả lời, chỉ chăm chú tụng niệm. Tôi nghĩ hay là bà ngoại đến thăm mẹ?

Mẹ khóc thổn thức mãi, đáp ứng chúng tôi sẽ không lặn lội xe cộ và mạo hiểm kích động tâm tình tham gia lễ viếng. Anh cả hứa với mẹ sẽ thay mẹ thắp thêm ba nén hương và vái sáu lần, xin mẹ của mẹ tha thứ cho mẹ đã không thể có mặt.

Tôi nghĩ bụng, bà ngoại bảy mươi lăm tuổi qua đời, cũng có thể gọi là đã hưởng hết tuổi trời. Nếu mẹ có thể sống hạnh phúc vui vẻ đến bảy mươi lăm tuổi thì cuộc đời này chẳng có gì đáng so kè nữa.

Mấy hôm trước trên ti vi loan báo tin Tưởng Phương Lương qua đời, ống kính ghi lại rất nhiều khuôn mặt gia quyến và chính khách, không ai không thần sắc tang thương, đau khổ vô vàn... Tôi thấy vô lý, Tưởng Phương Lương đã chín mươi mấy tuổi, dẫu có nguyện vọng gì thì cái có thể thực hiện đã phải thực hiện từ sớm, cái không thể thực hiện cũng nên tự mình biết rõ, không còn gì nuối tiếc mới phải. Có một từ gọi là tang vui, không dùng cho lúc này thì còn lúc nào nữa?

Hơn nữa thực ra gần đây tôi chẳng hứng thú với tin tức thời sự, “Lam - lục cạnh tranh[1]”, tranh cái con khỉ, chẳng liên quan gì đến mẹ tôi có khỏi bệnh hay không. Chỉ cần chế độ bảo hiểm y tế không sụp đổ, thì mấy ông nghị kia có tranh gì cũng mặc kệ.

[1] Chỉ sự đối đầu giữa hai bè phái chính trị lớn tại Đài Loan, phái Lam gồm những người ủng hộ đảng Quốc dân Trung Quốc, đảng Thân dân và Tân đảng. Vì đảng Thân dân và Tân đảng cũng bắt nguồn từ đảng Quốc dân, mà cờ của đảng Quốc dân có màu xanh lam, nên liên minh chính đáng do ba đảng này hợp thành xưng là “phái Lam”. Phái Lục chủ yếu bao gồm đảng Dân chủ tiến bộ và liên minh Đoàn kết Đài Loan. Vì cờ của đảng Dân chủ tiến bộ có nền màu lục, nên gọi chung là “phái Lục”.

Sau đó lại chỉ còn một mình tôi chăm mẹ.

Mẹ nói chuyện với tôi về ba, bảo tôi đừng viết về ba xấu mãi như vậy. Nói đơn giản là, lỡ thình lình một lần ba đọc trên mạng thấy tự truyện đồng hành cùng mẹ của tôi, một mặt ba thấy rất nhiều những thứ như nợ nần tiền nong không cần phải viết ra, trong khi nợ nần có căn nguyên sâu xa từ họ tộc, tóm lại là mình chịu thay cõng hộ, không ai sai cả. Một mặt khác, ba cảm thấy hình như con trai coi thường mình, khiến ba thấy vừa khó chịu, vừa bối rối.

Thực ra tôi không hề coi thường ba một tẹo nào, chỉ rất bực tức.

Do tháng nào cũng buộc phải trả tiền cho ngân hàng, và hoạt động kinh doanh quay vòng cần tiền dự trữ, anh em tôi từ học đại học đến nghiên cứu sinh đứa nào cũng phải vay vốn đi học, ít ra đã nợ Nhà nước ba bốn chục vạn. Có mất mặt không? Tôi thấy rất oách. Để có thể đi học, chúng tôi vay số tiền đó đến mức vô tư, vay đến mức có bản lĩnh.

Thêm nữa, trong tình trạng nợ nần chồng chất, ba mẹ vẫn nuôi dạy được chúng tôi trưởng thành, tôi chỉ thấy càng thêm cảm kích, chứ đâu ra coi thường? Nếu ba mẹ đi nhặt ve chai nuôi dưỡng chúng tôi, bất luận là phát biểu nhận giải thưởng hay lên đài diễn thuyết, tôi đều sẽ nói lời cảm ơn ba mẹ đã yêu thương chúng tôi bằng phương thức vất vả nhất.

Nói cho cùng vẫn là sĩ diện, có những người cho rằng làm cha mẹ mà để con cái phải vay tiền đi học là “bất tài”, “mất mặt”, “có mỗi nhiêu tiền đó mà lo không nổi.” Hơn nữa suy nghĩ đó lại không ít. Có lần một bà thím mỉa mai trước mặt mẹ tôi: “Con nhà tôi đi học toàn bằng tiền mặt thôi”, bộ dạng cậy tiền đè chết người.

Tôi lại thấy hoàn toàn trái ngược. Trong điều kiện nghèo khó mà vẫn nuôi dạy con cái nên người, thành tài, và lương thiện, phải nói là rất tự hào mới đúng. Cần gì phải tự đánh giá thấp mình trước những kẻ có quan điểm giá trị đảo lộn như vậy, sau đó lại còn phải tìm cách đào lỗ đem chôn những tự ti dư thừa và không cần thiết đó.

Ngoài ra, chính là việc tôi viết rất nhiều chuyện về ba không quan tâm tới mẹ.

Thật ra, cả quá trình viết đến bây giờ, ngoài trút hết những bất mãn và mâu thuẫn chồng chất do nhu nhược suốt bao lâu, tôi rất kiên trì một mục tiêu, đó là phản tỉnh ăn năn. Bởi vậy, tôi viết cả mớ những nợ nần của mọi người đối với mẹ, tôi luôn cho rằng “có lỗi phải nhận sai, bị đánh phải đứng yên”, sau đó mới thực hiện được những hành vi “sửa sai làm đúng” thực sự ý nghĩa, và đó mới là hành động thực tế tích cực về sự ăn năn. Trong đó, người ở bên mẹ lâu năm nhất là ba, dĩ nhiên nhiều lần phạm tội không quan tâm.

Thực ra, đằng sau sự thiếu quan tâm còn có một mớ các điều hiển nhiên.

“Đừng viết thế nữa, những điều đó mẹ đều tự nguyện.” Mẹ nói trong nước mắt, khiến tôi rất đau lòng.

Một câu tự nguyện, nói thay hết mọi sự hiển nhiên.

Anh cả cũng cho rằng, vậy là đủ rồi, nên tha cho ba đi. Dẫu gì, chúng ta đều rất quyết tâm không để mẹ phải vất vả vì việc nhà nữa, cho nên sau khi mẹ ra viện, chỉ cần chuyên tâm hít thở không khí hạnh phúc là đủ.

Không biết rằng, thực ra nội dung về việc ba không quan tâm chỉ có mấy dòng đó, còn lại thì tôi chẳng muốn viết, và cũng không cần thiết phải viết. Tôi cũng muốn làm một thằng con hiếu thảo để ba mẹ sống đời hạnh phúc đơn giản, ngoài yếu tố “khỏe mạnh” là quan trọng nhất trong gia đình, yếu tố “hòa bình” cũng rất cần thiết.

Sau khi hiểu ra tôi không phải coi thường ba, mà là giận ba, mẹ cũng thấy nhẹ lòng, sau đó bắt đầu xem Nàng Dae Chang Geum. Xem đến cảnh Dae Chang Geum gặp lại đại nhân Min sau nhiều năm, mẹ lại sụt sịt.

Tôi khẩn cầu, để ba không chỉ có buồn rầu, nếu không sẽ là buồn rầu vô ích.

Viết đến đây quả là một cảm giác siêu cảm giác

Chuyện kể thêm

Bao lâu nay luôn được bạn bè trên mạng quan tâm, mỗi tấm thiệp gửi mẹ đều khiến mẹ rất vui, các quà tặng nho nhỏ đi cùng cũng rất tế nghị và giàu ý nghĩa, nào là sư tử ngậm kiếm giúp mẹ coi nhà, nào là vé số hy vọng cào ra có thể trúng giải độc đắc hai mươi lăm vạng, rồi một bức tranh mẹ cưỡi xe đạp, hôn tạm biệt tôi v.v...

Chiều hôm qua nhận được một gói bưu phẩm, bên trong là mấy cục xà bông tự làm của bạn mạng tặng, mỗi cục có mục đích sử dụng khác nhau, hy vọng bàn tay chúng tôi cũng được khỏe mạnh trong quá trình chăm sóc mẹ. Tôi thử rửa một cục, quả nhiên rất ít bị ăn tay, bèn hân hoan đem một cục vào bệnh viện. Cảm ơn bạn nhé.

Buổi tối, đến đại học Thành Công cùng thuyết trình với Thái Trí Hằng, có rất nhiều bạn bè trên mạng tới cổ vũ đã gửi lời chúc phúc mẹ, tôi tiếp nhận tất cả, rất cảm ơn, rất bổ ích. Hai tấm vé tàu Vĩnh Bảo An Khang giờ đã kẹp trong cuốn sổ ghi chép của mẹ đặt bên giường.

Còn tôi, lại mất ngủ...

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play