Ở
ngoài cửa thành phía đông huyện Vô Tích phủ Thường Châu vùng Giang Nam có
nhà họ Lữ được ba anh em trai, anh cả tên là Lữ Ngọc, anh hai tên là Lữ Bảo,
còn em út tên là Lữ Trân. Lữ Ngọc lấy vợ họ Vương, Lữ Bảo lấy vợ họ Dương, cả
hai người đều rất xinh đẹp. Lữ Trân thì còn nhỏ chưa làm bạn với ai.
Vương
Thị sinh được một con trai tên là Hỷ Nhi, mới được sáu tuổi, một hôm đi chơi
với bọn trẻ con rồi không về nhà. Hai vợ chồng Lữ Ngọc vô cùng lo lắng, đi tìm
kiếm mấy ngày vẫn không thấy.
Lữ
Ngọc trong dạ buồn phiền, mới đến nhà giàu kia vay một ít tiền làm vốn để ra
ngoài buôn bán, định nhân tiện thăm dò tin tức con trai. Một hôm, anh ta gặp
một người buôn vải rủ cùng đến Sơn Tây bán hàng. Chẳng ngờ sau khi đến Sơn Tây,
gặp nạn mất mùa liên tiếp, tiền bán hàng không thu nổi, không sao trở về được.
Ít lâu sau, Lữ Ngọc lại bị bệnh nặng, phải uống thuốc chữa trị suốt ba năm trời
mới khỏi. Thế rồi, mãi mới đòi được tiền bèn lên đường về quê.
Một
buổi tối, đi tới nơi gọi là Trần Lưu, Lữ Ngọc nhặt được ở nhà vệ sinh một cái
túi vải đen. Mở ra thấy toàn là bạc trắng, ước độ hai trăm lượng. Anh ta đứng ở
chỗ nhà vệ sinh đợi suốt một ngày, không thấy ai đến tìm của mất, hôm sau đành
phải lên đường đi tiếp.
Đi
được khoảng hơn năm trăm dặm thì đến Túc Châu, Lữ Ngọc vào nghỉ ở một nhà trọ.
Cùng phòng có một người khách nữa. Hai người trò chuyện với nhau, chợt ông
khách kể là năm ngày trước ở Lưu Châu, ông đi nhà vệ sinh làm mất một cái túi
vải trong đựng hai trăm lượng bạc. Lữ Ngọc bèn hỏi tên họ và nơi ở của ông
khách, ông ta nói mình họ Trần, có mở một cửa hàng bán lương thực ở Dương Châu.
Lữ
Ngọc nói: “Tôi họ Lữ, người ở Vô Tích, đi Dương Châu cũng thuận đường, tôi có
thể đi cùng bác rồi đến thăm nhà luôn”.
Ông
khách kia chẳng nói gì, cũng bằng lòng ngay. Hai người cùng đi với nhau, chưa
tới một ngày đã tới Dương Châu. Lữ Ngọc bước vào cửa hàng nhà họ Trần, lại hỏi
chuyện ông Trần đánh mất bạc ở Trần Lưu. Anh hỏi cái túi đó làm sao, ông Trần
nói nó màu đen, trên có thêu chữ “Trần” bằng chỉ trắng.
Lữ
Ngọc nói: “Tôi nhặt được ở Trần Lưu một cái túi vải giống như bác nói, bác thử
xem có đúng cái bác mất không?” Ông Trần cầm lấy xem nói ngay: “Đúng rồi”, lại
nhìn trong túi thấy số bạc vẫn còn nguyên vẹn. Cảm động quá, muốn chia đôi số
bạc tặng Lữ Ngọc một nữa. Lữ Ngọc nhất định không nhận, ông Trần chỉ đành bày
tiệc khoản đãi.
Trong
lúc ăn, ông Trần hỏi Lữ Ngọc con bao nhiêu tuổi. Lữ Ngọc rơi nước mắt nói: “Tôi
chỉ có một đứa con trai, mấy năm trước bị lạc mất rồi, bây giờ vẫn chưa được
tin tức gì, lần này về nhà định nuôi một đứa để nó giúp đỡ, chỉ có là khó mà
gặp được”.
Ông
Trần nói: “Mấy năm trước, nhà tôi có bỏ ra ba lượng bạc mua được một thằng nhỏ
rất xinh xắn, lại rất ngoan. Nếu anh ưng thì tôi xin tặng anh để tỏ chút lòng
cảm tạ”.
Rồi
ông cho gọi Hỷ Nhi tới. Lữ Ngọc nghe tên gọi giống như tên con trai mình, thấy
hơi lạ. Đến lúc Hỷ Nhi bước tới trước mặt, Lữ Ngọc hỏi: “Cháu vốn là người ở
đâu ai đem bán cháu tới đây?”
Thằng
nhỏ nói: “Cháu chỉ nhớ cha cháu là Cả Lữ, còn hai người chú nữa, mẹ cháu họ
Vương, nhà ở phía ngoài huyện Vô Tích, lúc nhỏ bị người ta lừa đem bán tới
đây”.
Lữ
Ngọc nghe xong ôm chầm lấy Hỷ Nhi òa khóc: “Con ơi, ta chính là Cả Lữ ở Vô Tích
đây, là cha ruột của con đây. Lạc mất con suốt bảy năm trời, ngày nay lại được
gặp”. Ông Trần đứng bên cũng mừng rỡ. Đêm đó hai cha con nằm cùng giường trò
chuyện suốt đến sáng.
Sáng
sớm ngày hôm sau, Lữ Ngọc chào từ biệt để ra về, ông Trần giữ lại một ngày, bày
tiệc khoản đãi, lại lấy 20 lạng bạc ra tặng. Lữ Ngọc chối mãi không được, đành
phải nhận, trong bụng nghĩ thầm: “Cha con mình được gặp nhau thế này là do mình
làm điều thiện nên Trời thưởng cho. Hai chục lượng bạc này cũng không phải là
tiền của mình, ta nên cúng vào chùa để tích ít công đức”.
Hai
cha con từ biệt nhà họ Trần rồi thuê một chiếc thuyền nhỏ, từ biệt Dương Châu.
Thuyền đi được mấy dặm, bỗng nghe bên sông có tiếng huyên náo. Thì ra có một
chiếc thuyền bị đắm, người rơi xuống nước ra sức kêu cứu. Người trên bờ kêu
chiếc thuyền nhỏ cạnh đấy vớt giúp, nhưng người trên thuyền nhỏ không chịu vì
không có tiền thưởng. Mọi người đang la lối tranh cãi nhau.
Lữ
Ngọc nghĩ bụng: “Cứu một mạng người bằng xây bảy cấp phù đồ, sao mình lại không
dùng hai chục lượng bạc này làm tiền thưởng để họ tìm vớt, làm vậy cũng là việc
thiện mà!”.
Thế
là anh ta la lớn: “Tôi sẽ xuất tiền thưởng! Nếu cứu được mạng mọi người, tôi sẽ
biếu tất cả 20 lượng bạc cho các người!”
Bọn
người trên thuyền kia nghe nói có hai chục lượng bạc tiền thưởng bèn tranh nhau
tới cứu. Một lúc sau, cứu được tất cả. Lữ Ngọc đem số bạc phân chia. Những
người được cứu sống đều đến tạ ơn, trong số đó có một người thấy Lữ Ngọc bèn
gọi: “Anh ơi, anh từ đâu tới thế?”
Lữ
Ngọc quay nhìn thấy đó là Lữ Trân, em trai út của mình, Lữ Ngọc bảo Hỷ Nhi chào
chú, rồi đem chuyện trả lại bạc cho người và gặp được con trai kể lại, Lữ Trân
kinh ngạc mãi không thôi.
Lữ
Ngọc mới hỏi em: “Làm sao chú lại đến đây?” Lữ Trân nói: “Chuyện dài lắm, kể
không hết ngay được. Từ khi anh đi, thấm thoát đã ba năm, có người bảo anh bị
bệnh ở Sơn Tây đã qua đời rồi. Anh hai tin là như vậy, chị dâu cũng để tang.
Mấy ngày trước, anh hai lại ép chị dâu đi bước nữa, chị dâu không chịu, bảo em
phải đích thân đến Sơn Tây dò la tin tức của anh xem thế nào, không ngờ lại
được gặp nhau ở đây. Thôi anh đừng nấn ná nữa hãy mau về nhà cho chị dâu yên
tâm. Nếu chậm e sẽ sinh chuyện”.
Lữ
Ngọc nghe xong vội vã bảo chở thuyền về nhà ngay. Lại nói Vương Thị sau khi
nghe được tin dữ của chồng, mới đầu không tin, song Lữ Bảo nói chắc như đinh
đóng cột, chị ta đành phải tin và đổi mặc đồ tang.
Lữ
Bảo lòng dạ quỷ quái, ngầm có chủ ý, hắn khuyên chị dâu cải giá cốt để có được
ít sính lễ. Hắn bảo vợ là Dương Thị khuyên nhủ chị dâu nhưng Vương Thị kiên
quyết không nghe. Vương Thị nghĩ thầm: “Trăm nghe không bằng một thấy, bảo rằng
chồng ta đã chết, song tận ngoài ngàn dặm, biết thật hay giả”. Chị ta nằn nì
với chú em út Lữ Trân, rằng hãy đích thân đi Tây Sơn hỏi cho kỹ. Nếu quả thực
anh chú đã chết rồi thì mang về một khúc xương cũng được.
Lữ
Trân đi rồi, Lữ Bảo càng sống bừa bãi, ngày nào cũng đánh bạc, thua hết tiền,
chẳng còn nơi nào mà moi tiền được nữa. Bổng ngẫu nhiên gặp một người Giang Tây
đang muốn tìm vợ, Lữ Bảo bèn hứa gả chị dâu cho ông ta. Nghe nói vợ Cả Lữ rất
đẹp, ông ta bèn vui vẻ xuất ra 30 lượng bạc.
Được
bạc rồi, Lữ Bảo nói với ông ta rằng: “Chị dâu tôi cả thẹn, nếu cứ tự nhiên nói
về với ông thì nhất định chị ấy chẳng chịu đâu. Vậy nên đêm nay, ông cho mấy
người đem kiệu đến, lặng lẽ vào nhà tôi, nếu gặp người chít khăn tang thì đúng
là chị ấy, cứ lẳng lặng đừng nói gì, kéo ngay lên kiệu đưa xuống thuyền chở đi
là xong”.
Ông
kia nghe xong lập tức đi chuẩn bị. Lữ Bảo về nhà, nói riêng cho vợ là Dương Thị
biết. Dương Thị và Vương Thị xưa nay rất thân với nhau, thấy chồng mình làm
việc tệ hại như vậy, trong lòng rất áy náy, song chẳng có cách nào ngăn cản chỉ
đành báo trước cho Vương Thị biết. Vương Thị nghe nói vậy thì khóc òa lên.
Dương Thị khuyên giải một lúc chị mới nín khóc nói rằng: “Đã bắt tôi lấy người
ta thì sao lại bắt chít khăn tang mà đi? Phiền thím hãy kiếm cho tôi cái khăn
đen vậy!”. Dương Thị thầm thấy ngượng, bèn vội vã đi tìm, nhưng lúc này thì tìm
đâu ra. Vương Thị nói: “Thím thì dù sao cũng không đi đâu, hãy đổi tạm cho tôi
cái khăn đen của thím, được không?”.
Dương
Thị bèn cởi khăn đen ra đổi lấy khăn tang chít lên đầu mình.
Đến
tối, người Giang Tây cùng một tốp người mang theo đèn đuốc và khiêng một chiếc
kiệu thẳng đến nhà họ Lữ. Họ đẩy cửa vào, nhìn thấy một người chít khăn tang
bèn bắt luôn mang đi. Dương Thị la lớn: “Không phải đâu!” Song bọn này chẳng kể
gì cả cứ ấn chị ta vào kiệu rồi khiêng chạy như bay.
Vương
Thị thầm tạ trời tạ đất rồi đóng cửa lại. Sáng hôm sau, Lữ Bảo vui vẻ về nhà,
thấy người mở cửa là chị dâu thì giật nảy người. Vào trong không thấy vợ mình
đâu, lại thấy trên đầu chị dâu chít khăn đen, lại càng nghi hoặc. Hắn bèn hỏi:
“Chị dâu, vợ tôi đâu rồi?”
Vương
Thị cười thầm, trả lời: “Tối qua bọn người Giang Tây cướp đi rồi!”
Lữ
Bảo nói: “Sao lại thế được? Chị dâu, sao chị lại không chít khăn tang?”
Vương
Thị bèn kể lại chuyện đổi khăn. Lữ Bảo đấm ngực dậm chân mãi không thôi, vốn là
định tâm bán chị dâu, nào ngờ lại là bán chính vợ mình. Bây giờ người ta đã chở
thuyền đi rồi, mà ba chục lượng bạc thì chỉ canh bạc đêm qua đã thua mất quá
nửa. Có muốn cưới một con vợ khác cũng khó lòng. Rồi hắn nghĩ cách: chẳng gì
cả, lại tìm một lão khách nữa đem bán chị dâu đi, thế là chẳng còn lo tiền lấy
vợ khác nữa.
Hắn
vừa định ra ngoài thì thấy có bốn, năm người tiến vào, nhìn kỹ thì ra là anh cả
Lữ Ngọc và em út Lữ Trân cùng với thằng cháu Hỷ Nhi với hai người phu vác hành
lý hàng họ.
Lữ
Bảo tự thấy chẳng còn mặt mũi nào mà nhìn nhau nữa, bèn chuồn ra cửa sau, đi
biến mất.
Vương
Thị đón chồng vào nhà, lại thấy con trai trở về đã lớn, lòng vui khôn xiết. Lữ
Ngọc mới đem đầu đuôi câu chuyện từ lúc ra khỏi nhà ra sao kể hết một lượt.
Vương Thị cũng kể chuyện người Giang Tây cướp Dương Thị đi, Lữ Bảo trốn theo
cửa sau cho chồng nghe.
Lữ
Ngọc nói: “Nếu như tôi tham hai trăm lượng bạc đó thì làm sao có chuyện cha con
gặp lại nhau? Nếu như tôi tiếc hai chục lượng bạc không cứu những người chìm
thuyền thì làm sao có chuyện anh em mình gặp nhau? Nếu như anh em không gặp
nhau thì sao biết được tình hình ở nhà? Có thể thấy rằng hôm nay vợ chồng gặp
lại, cả nhà cốt nhục đoàn viên, đó là do trời định cả. Còn như thằng em tệ bạc
bán chị dâu kia cũng là thân làm thân chịu, hoàng thiên báo ứng đó thôi, thật
chẳng có sai tí nào!”
Từ
đó Lữ Ngọc càng một lòng hành thiện, gia cảnh ngày càng tốt đẹp.
Vì người yêu quên mạng
sống (Tam
ngôn)
Thời
Nam Tống, ở phủ Lâm An có một nhà kia họ Lạc tên Mỹ Thiện. Ông Lạc này có
người con trai tên gọi Lạc Hòa, mặt mũi thanh tú, người lanh lợi khôn ngoan.
Lúc còn nhỏ, Lạc Hòa được gửi nuôi ở nhà ông cậu trong thành phố là An Tam Lão,
nhân tiện sang học ở lớp học tư bên cạnh, tức là nhà họ Hỷ.
Nhà
họ Hỷ có một cô con gái tên gọi Thuận Nương, nhỏ hơn Lạc Hòa một tuổi. Hai đứa
trẻ cùng học với nhau, mọi người trong lớp học này thường nói đùa rằng: “Hai
đứa mày tên ghép lại sẽ thành ‘Hỉ lạc hòa thuận’, thật là trời đặt sẵn một
đôi”.
Hai
đứa nhỏ cũng đã hơi hiểu biết, nghe nói vậy cũng thấy vui thầm trong bụng và
ngầm tính chuyện phu thê. Khi Lạc Hòa được 12 tuổi, cha mẹ đón về nhà, Thuận
Nương thì cứ phải ở chốn thâm khuê làm công việc nữ công. Thế là hai trẻ không
được gặp nhau nữa.
Ba
năm sau, vào lúc gần tiết thanh minh, ông cậu An Tam Lão cho cháu đi thăm phần
mộ, nhân tiện đi chơi Tây Hồ. Hai cậu cháu xuống một chiếc thuyền, vừa ngồi yên
chỗ thì thấy một đám phụ nữ bước lên. Nhìn kỹ, thì ra là hai mẹ con nhà họ Hỷ ở
cạnh nhà cậu, cùng đi với một a hoàn, một bà vú.
An
Tam Lão vội bước tới chào hỏi, lại gọi cháu lại để gặp. Lúc này Thuận Nương đã
14 tuổi, trông rất xinh đẹp. Lạc Hòa và Thuận Nương đã ba năm chưa thấy lại,
nay lại gặp nhau trên Tây Hồ, nên bốn mắt luôn luôn nhìn nhau, cả hai đều lộ rõ
vẻ yêu thích.
Thuyền
tới ngôi đình giữa hồ, các khách nam đều lên đình đi dạo xem. Lạc Hòa thoái
thác là đau bụng, ở lại trong thuyền, rồi tới trò chuyện với mẹ con Thuận
Nương, tranh thủ liếc mắt cho Thuận Nương, hai người dường như hiểu ý nhau.
Ngày
hôm đó, về đến nhà, Lạc Hòa nói với mẹ xin nhờ bà mối đến nhà họ Hỷ cầu hôn.
Bà
mẹ là An Thị chẳng biết cao thấp gì hết, bèn giục Lạc công đi tìm bà mối. Lạc
công nói: “Nhà họ Hỷ là danh gia, con gái của họ còn sợ không có ai cầu hay sao
mà phải chịu kết thông gia với nhà mình? Nhờ người đến hỏi, họ lại cười cho ấy
chứ”.
Lạc
Hòa thấy cha mẹ không bằng lòng, bèn xin mẹ đi nhờ ông cậu giúp. Nào ngờ An Tam
Lão cũng nói y như cha, thế là chàng ta thất vọng quá, suốt đêm thở dài không
ngủ.
Hôm
sau, trời vừa mới sáng, chàng ta bèn lấy giấy làm một cái bài vị, trên đề 7 chữ
“Thân thê Hỷ Thuận Nương sinh vị” (bài vị sống của vợ thân thương Hỷ Thuận
Nương). Rồi cứ mỗi ngày ba bữa đứng trước bài vị mà ăn. Buổi tối lại đặt bài vị
ngay cạnh gối, gọi khẽ ba tiếng rồi mới ngủ.
Sau
đó, cứ đến mấy ngày Tết Thanh minh, Trùng dương, Đoan ngọ, Lạc Hòa lại sửa soạn
nghi dung, mặc quần áo mới, qua qua lại lại giữa đám đông, mong mỏi Thuận Nương
xuất hành, may ra được gặp.
Có
mấy nhà cũng buôn bán như nhà họ Lạc, cũng có con gái, thấy Lạc Hòa đã lớn, đều
đến cầu thân. Cha mẹ đã mấy lần đồng ý, song Lạc Hòa cứ không chịu. Chàng ta
thề rằng nhất định đợi khi nào Thuận Nương đi lấy chồng rồi mới tính đến chuyện
hôn nhân của mình.
Thật
khéo làm sao, bên này Lạc Hòa thề không lấy vợ, thì bên kia Thuận Nương cũng
không chịu lấy chồng. Ngày tháng thoi đưa, chẳng mấy chốc đã qua ba năm. Năm đó
Lạc Hòa 18 tuổi, Thuận Nương cũng đã tròn 17.
Bấy
giờ đúng vào năm hai miền Nam, Bắc thông hòa. Nước Kim phái một sứ thần
tới Lâm An. Để khoản đãi sứ thần, ngày Lễ vua Thủy triều 18 tháng 8, triều đình
dựng một cái giàn màu sắc rực rỡ ở bên sông rồi bày tiệc lớn ở đó để vua quan
ngắm nước thủy triều lên. Nam nữ khắp thành đều tới xem rất đông vui.
Lạc
Hòa biết tin cả gia đình họ Hỷ cũng đi xem thủy triều bèn ăn mặc chỉnh tề đi
tới cửa sông Tiền Đường, nhưng chàng ta tìm mãi khắp nơi vẫn chẳng thấy Thuận
Nương đâu, Cuối cùng, đi đến một chỗ gọi là “Bức tranh trời vẽ”, chỗ này thế
nước lên rất lớn, luôn có người đứng không vững bị cuốn xuống nước.
Lạc
Hòa đi một vòng ở đây, không thấy Thuận Nương, lại quay tìm lại, trong đám
người đông nghìn nghịt, cứ đi một bước lại nhìn một lượt. Cứ thế rất lâu, bỗng
thấy một bà đi đằng trước mặt, nhận ra là bà vú của Thuận Nương, bèn theo sát
đằng sau. Đi được một quãng, quả nhiên thấy cả nhà họ Hỷ đang ngồi vừa uống
rượu vừa xem nước.
Lạc
Hòa không dám đến gần quá, chỉ đứng xa xa đăm đắm nhìn Thuận Nương, tức rằng
không thể bước tới để ôm chặt lấy nàng mà nói đôi lời. Thuận Nương ngẩng lên
nhìn, cũng nhận ra Lạc Hòa ở xa xa, thấy chàng bước rồi lại lùi trông rất hồi
hộp thì lòng dạ không yên. Nhưng cha mẹ đang ở ngay bên cạnh, không rời nửa
bước, không thể đến mà gặp chàng được.
Chính
lúc hai người đang đắm đuối nhìn nhau thì bỗng nghe nói: nước triều lên rồi.
Nghe chưa dứt lời đã thấy bên tai ầm ầm như trời long đất lở, ngọn triều cao
đến mấy trượng dồn thẳng vào bờ. Mọi người hoảng hồn kêu ré lên chạy lùi về
phía sau. Thuận Nương đang chỉ chăm chú nhìn Lạc Hòa, bất giác cuống lên chẳng
biết cao thấp gì, lại cứ bước tới mấy bước, bỗng trật chân một cái, lập tức bị
cuốn vào làn sóng.
Lạc
Hòa thì đã cảnh giác, thấy được thế nước đang tới, vội quay mình chạy lên chỗ
cao. Nhưng vẫn nhớ đến Thuận Nương, mắt nhìn Thuận Nương miệng kêu: “Tránh nước
lên kìa!” Đột nhiên thấy Thuận Nương ngã xuống. Chàng hết hồn vội nhảy luôn đến
chỗ đó. Vốn không biết bơi, chỉ vì người yêu mà chàng cuống lên chẳng kể đến
sinh mạng mình nữa.
Vợ
chồng ông Hỷ thấy con gái ngã xuống nước hoảng hốt hét lên: “Cứu người! Cứu
người! Xin cứu con gái tôi, sẽ có trọng thưởng!” Một đám con trai biết bơi nghe
nói có thưởng đều nhảy ra nhào lộn với sóng để vớt Thuận Nương.
Lại
nói Lạc Hòa, vừa nhảy xuống là chìm ngay tận đáy nước, song cứ cảm thấy như
đang mơ, chẳng đau đớn gì. Chàng ta cứ tự nhiên trôi đến miếu của vua thủy
triều, thấy đèn nến sáng trưng, hương thơm ngạt ngào. Chàng ta vái lạy, xin vua
thủy triều cứu Thuận Nương. Vua thủy triều nói: “Thuận Nương ta đã lưu giữ tại
đây rồi, bây giờ giao trả cho ngươi”. Nói xong có một tiểu quỷ dẫn Thuận Nương
từ phía sau tấm màn đi ra.
Lạc
Hòa lạy tạ vua thủy triều rồi đưa Thuận Nương ra khỏi miếu. Hai người vô cùng
sung sướng, không nói được lời nào, chỉ ôm chặt lấy nhau, song cứ cảm thấy
người nhẹ lâng lâng, lát sau cùng nổi lên mặt nước.
Bọn
con trai kia thấy Thuận Nương trồi lên khỏi sóng, vội vàng xô tới. Đến khi nâng
được lên khỏi mặt nước mới phát hiện ra là hai người. Thế là bốn, năm người kẻ
khiêng đầu người khiêng chân, đưa cả lên bờ rồi nói với ông Hỷ rằng: “Xin chúc
mừng, cứu được cả cậu con rể nữa”.
Mọi
người tới xem, chỉ thấy hai người mặt đối mặt, ngực sát ngực, ôm nhau rất chặt,
không sao gỡ ra được. Gọi mãi không tỉnh nhưng thân thể còn ấm, có vẻ như nửa
sống nửa chết. Cả nhà họ Hỷ túm tụm lại khóc. Mọi người chen nhau đến xem, ai
cũng bảo chưa thấy chuyện lạ như vậy bao giờ.
Lại
nói ở nhà họ Lạc, khi nghe tin con trai đi xem nước thủy triều bị sóng cuốn
xuống sông, ông Lạc kinh hãi, vừa đi vừa ngã, vội vã đến nơi, rẽ đám đông ra,
nhìn thấy Lạc Hòa bèn gọi: “Con ơi!” rồi òa khóc lớn, vừa khóc vừa nói: “Con
ơi! Khi sống con không được kết duyên chồng vợ, nào ngờ khi chết con lại được
thành đôi!”.
Ông
Hỷ mới hỏi vì sao nói vậy, ông Lạc bèn kể rõ chuyện trước đây ba năm con trai
ông nhất định xin cầu hôn với Thuận Nương, rồi thề rằng quyết không lấy vợ
trước khi nàng lấy chồng. Vợ chồng ông Hỷ nghe rồi mới trách: “Nhà họ Lạc cũng
có bảy đời làm quan, cũng là vọng tộc, hai đứa chúng nó lúc nhỏ lại cùng học
với nhau. Đã có ý ấy thì sao ông không nói sớm. Thôi bây giờ mọi người cùng gọi
đi, nếu gọi được chúng tỉnh lại, tôi sẽ gả con gái tôi cho con ông”.
Thế
là cả hai bên, nhà thì gọi con gái, nhà thì gọi con trai, gọi khoảng nửa tiếng
đồng hồ, hai người dần dần mở mắt, bắt đầu có hơi thở, song bốn cánh tay vẫn
không nới lỏng.
Ông
Lạc nói: “Con trai hãy mau tỉnh lại đi, bên họ Hỷ đã bằng lòng gả Thuận Nương
cho con làm vợ rồi!”
Chưa
dứt lời đã thấy Lạc Hòa mở to mắt ra nói: “Nhạc phụ đừng có nói mà không giữ
lời nhé!”
Rồi
nhổm ngay dạy vái tạ vợ chồng ông Hỷ. Sau đó Hỷ Thuận Nương cũng tỉnh lại. Cả
hai đều tỉnh táo như cũ, chẳng nôn ra tí nước nào, khiến ông Hỷ và ông Lạc rất
vui.
Ngày
hôm sau, nhà họ Hỷ nhờ người làm mối đến nhà họ Lạc bàn chuyện hôn nhân, xin
nhận Lạc Hòa làm con rể. Người làm mối chính là ông An Tam Lão. Nhà họ Lạc hoàn
toàn bằng lòng. Thế là chọn được ngày lành, nhà họ Hỷ đưa đồ vàng bạc lụa là,
trống kèn sôi nổi, đến đón Lạc Hòa về nhà thành thân. Từ đó, đôi vợ chồng ân ái
vui vẻ thế nào, chuyện chẳng cần phải nói.
Tròn
một tháng sau, Lạc Hòa và Thuận Nương chuẩn bị lễ vật để đi bái tạ miếu vua
thủy triều.
Ông
Hỷ thấy Lạc Hòa thông minh lanh lợi bèn mời danh sư đến nhà dạy cho. Sau Lạc
Hòa được ghi tên lên bảng vàng.
Ngày
nay, người Lâm An mỗi khi nói đến chuyện hôn nhân thường hay nhắc đến bốn chữ
“Hỷ Lạc Hòa Thuận”.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT