Năm Thiên Thuận triều Nguyên, ở phủ Tô Châu tỉnh Giang Nam có một vị viên ngoại ưa làm việc thiện tên gọi Thi Tế. Bởi đi thi nhiều lần không đỗ nên ông ta một lòng kết giao bè bạn để giúp đỡ người nghèo, mong được nhờ đó mà nổi danh.

Cha của Thi Tế là Thi Giám vốn là một người giàu có nhưng luôn gìn giữ bổn phận, sống rất tiết kiệm, không bao giờ chịu tiêu pha phí phạm một đồng, nay thấy con tiêu tiền như rác thì xót ruột quá bèn lén đem nhiều vàng bạc chôn giấu nhiều nơi, không cho ai biết, định bụng đến lúc sắp chết mới bảo cho con hay.

Ông già nghĩ vậy nhưng có ngờ đâu người đang khỏe mạnh bỗng một hôm đang đêm đột ngột phải về trời, chưa dặn dò được con câu gì, thế là chuyện giấu vàng thành một bí mật mãi mãi.

Bấy giờ Thi Tế đã quá bốn mươi, còn chưa có con trai. Ông ta khấn nguyện với đức Quan Âm Bồ Tát nếu sinh được con trai, sẽ cúng ba trăm lượng bạc để tu sửa điện thờ ngài. Một năm sau, bà vợ là Nghiêm Thị quả nhiên sinh được một cậu bé. Hai vợ chồng nghĩ đến chuyện hoàn ơn Bồ Tát bèn đặt tên cho con trai là Thi Hoàn.

Hôm đứa bé được đầy tháng, Thi Tế mang ba trăm lượng bạc đến điện thờ Quan Âm ở núi Hổ Khâu để thực hiện lời hứa nguyện. Ông ta thắp hương xong, cúi đầu cúng, chợt nghe có tiếng khóc ở bên ngoài, bèn bước ra xem thì thấy người bạn học cùng thuở bé là Quế Thiên đang ngồi bên bờ ao nhìn xuống nước mà nức nở. Thi Tế bước tới hỏi vì sao, Quế Thiên chỉ nước mắt lã chã, không nói nên lời.

Thi Tế bèn kéo bạn vào trong miếu điện, hỏi đi hỏi lại mãi, Quế Thiên mới kể rõ nguồn cơn. Thì ra ông ta lầm nghe theo người ta, đem gia sản thế chấp để vay 300 lượng bạc về làm vốn liếng ra ngoài buôn bán, cuối cùng bị mất sạch, chủ nợ đến đòi, lãi mẹ đẻ lãi con, bắt cả nhà ông ta phải làm tôi đòi gán nợ. Ông ta cấp bách quá, đang đêm bỏ trốn, nhưng chẳng còn đường nào mà đi bèn chạy đến đây định nhảy xuống ao tự tử.

Thi Tế nghe xong, lập tức lấy ba trăm lượng bạc để cúng trả ơn đưa cho Quế Thiên, bảo ông ta mau đi cứu vợ con về. Quế Thiên mừng quá bèn bước tới trước điện Bồ Tát rập đầu thề rằng: “Con chịu ơn cứu mạng của ông Thi, nếu kiếp này không báo đáp được thì kiếp sau nguyện làm chó ngựa để đền ơn ông”. Thi Tế về nhà, lại lấy ra ba trăm lượng bạc khác đưa cúng đức Quan Âm.

Ba ngày sau, Quế Thiên dẫn đứa con trai lớn mười hai tuổi tên Quế Cao đến bái tạ. Thi Tế rất vui, làm cơm rượu khoản đãi. Rồi bảo với Quế Thiên rằng: “Cứu người phải cứu đến nơi, nhà tôi ở phía ngoài thành có một cái vườn trồng dâu, mấy gian nhà tranh và mười mẫu ruộng xấu. Nếu ông không ngại thì đến đó mà trồng trọt, cũng có thể sống được”. Quế Thiên vô cùng cảm động, muôn ngàn tạ ơn rồi cùng con trai cáo biệt ra đi.

Sau khi đến vườn dâu, Quế Thiên bảo vợ là Tôn Thị mang lễ vật đến nhà họ Thi tạ ơn. Tôn Thị biết ăn nói, dễ làm người nghe vui lòng. Vừa mới gặp Nghiêm Thị là đã tỏ ra thân thiết như thể chị em. Bấy giờ Tôn Thị đang có thai năm tháng, Nghiêm Thị nói: “Chị đã có hai thằng con trai rồi, nếu lần này mà sinh được đứa con gái thì sẽ kết thông gia với nhau”. Tôn Thị về kể lại với chồng, hai người hết sức mừng rỡ. Sau quả nhiên mụ sinh được đứa con gái, Nghiêm Thị sai người đến thăm, từ đó hai nhà qua lại luôn luôn, như bà con với nhau vậy.

Ở chỗ vườn dâu mà vợ chồng Quế Thiên ở có một cây bạch quả mọc đã lâu đời, nghe đồn ở đó có thần linh hiển hiện, trước đây người coi vườn cứ đến mồng một tháng chạp là đến thắp hương khấn cầu thần linh phù hộ. Năm đó, Quế Thiên cũng đến thắp hương. Bỗng thấy một con chuột trắng chạy quanh gốc cây một vòng rồi chui vào phía dưới biến mất. Quế Thiên nhìn kỹ, chỉ thấy dưới gốc cây có một cái lỗ to bằng miệng bát, bèn vội vàng bảo vợ mang xẻng đến đào sâu xuống. Đào được độ ba thước thì thấy ba cái hũ sành, mở ra thấy toàn là bạc nén trắng xóa.

Hai vợ chồng mang về nhà đếm, được khoảng một ngàn năm trăm lượng. Quế Thiên định lấy ba trăm lượng đem trả nhà họ Thi, nhưng Tôn Thị nói ngay: “Không được! không được!”

Quế Thiên hỏi: “Vậy theo mình thì nên làm thế nào?”

Tôn Thị nói: “Theo tôi thì nếu cứ dựa vào mười mẫu ruộng dâu này, ở nhờ nhà người ta cũng không thể lâu dài được, chi bằng đem số bạc này đến nơi khác mua ít ruộng rồi dần dần thoát thân khỏi đây, tự mình làm ông chủ, bấy giờ hãy trả ơn cho họ, vậy chẳng hơn sao?”

Quế Thiên nói: “Đàn bà khôn ngoan, còn hơn đàn ông! Mình nói đúng đấy, tôi có người bà con xa ở huyện Cối Kê, phủ Thiện Hưng, có thể nhờ ông ta lo chuyện đất đai”.

Mùa xuân năm sau, Quế Thiên lấy cớ đi Cối Kê thăm bà con, ngầm mua ruộng đất ở đó rồi nhờ người trông coi, mỗi năm đến một lần tính toán tiền nong, khi về bao giờ cũng mặc quần áo cũ, không lộ vẻ người có tiền. Cứ như vậy năm năm, nhà họ Quế đã có một cơ ngơi lớn mà nhà họ Thi không hề hay biết.

Thời gian thấm thoắt, lại qua ba năm nữa, Thi Tế đột nhiên bị bệnh qua đời. Tôn Thị bèn thúc giục chồng thừa dịp bỏ đi. Nghiêm Thị cố giữ ở lại không được, đành nước mắt rưng rưng mà tiễn họ. Bởi Thi Tế là người khảng khái, sống rất rộng rãi, nên trong nhà từ lâu đã chẳng có gì, nay lại thêm chuyện tang ma nên mắc một số nợ. Nghiêm Thị lại không biết quản lý tiền nong, nên năm, sáu năm sau mẹ góa con côi thành nghèo túng đến nỗi không sao sống nổi.

Thi Tế khi còn nhỏ có người bạn học rất thân tên gọi Chi Đức. Vừa đúng lúc ông này từ quan trở về quê, nghe nói nhà họ Thi sa sút như vậy, lòng rất xót xa, bèn đặc biệt đến thăm viếng. Thi Hoàn ra nghênh đón, rất là lễ độ. Ông Chi hỏi han, biết cậu này chưa đính ước với ai, bèn gả luôn con gái của mình, đồng thời cung cấp cho chuyện ăn mặc. Mẹ con Nghiêm Thị vô cùng cảm kích.

Nhưng ông Chi tuy làm quan mà không giàu có gì, sống rất thanh liêm, bây giờ lại phải lo thêm cho nhà con rể nữa nên cũng khó khăn. Rồi chợt nghe nói chuyện Quế Thiên ở Cối Kê giàu lắm, mọi người đều gọi ông ta là Kế Viên ngoại, ông Chi bèn khuyên con rể nên đi Cối Kê một chuyến, chắc Quế Thiên nghĩ đến ơn huệ trước kia thế nào cũng báo đáp hậu hĩ. Thi Hoàn về bàn với mẹ, Nghiêm Thị nói: “Hồi ấy bà Tôn với mẹ tình cảm như chị em, bây giờ phất lên rồi, nhất định sẽ không xử tệ với mẹ con mình. Vậy mẹ cùng đi với con”.

Thế là hai mẹ con đến huyện Cối Kê. Chỉ thấy đúng là nhà họ Quế nhà cao cửa rộng, gia nhân đầy tớ tấp nập. Thế nhưng khi gặp mẹ con họ Thi, họ rất lạnh nhạt, hoàn toàn không nhớ gì đến ơn cứu mệnh ngày trước, chỉ cho hai mẹ con hai chục lượng bạc làm tiền lộ phí. Hai mẹ con rất giận, chỉ đành buồn bã ra về.

Nghiêm Thị bị cái đòn đó, lại thêm đi đường vất vả, mệt nhọc, về đến nhà là ngã bệnh không sao dậy nổi, được ít ngày thì qua đời. Để lo tang ma cho mẹ, Thi Hoàn đành phải đem bán ngôi nhà tổ tiên để lại rồi dọn đến ở nhà bố vợ. Lúc dọn đồ đạc, bỗng thấy trên trần phòng ông nội mình có một cuốn sổ, trong đó ghi rõ ràng, chỗ nào chôn bao nhiêu lượng bạc, chỗ nào chôn bao nhiêu, bao nhiêu. Thi Hoàn mừng rỡ vô cùng, trước hết đào chỗ ngạch cửa được hai ngàn lượng, đem đi chuộc lại ngôi nhà tổ.

Sau đó lại cứ theo sổ đào tiếp, đào hết được tất cả mấy vạn lượng bạc trắng. Chỉ có chỗ dưới cây bạch quả chôn một ngàn năm trăm lượng thì đào không thấy, chỉ còn lại ba cái hũ không. Từ đó nhà họ Thi lại trở thành nhà phú hào.

Lại nói chuyện Kế Viên ngoại là tài chủ giàu có ở Cối Kê nhưng do việc sai dịch phải làm cho phủ quán quá nhiều nên rất bực bội. Có người hàng xóm là Vưu Sinh khuyên ông ta nên bỏ tiền ra mua lấy chức quan. Làm quan chẳng những rạng rỡ cửa nhà mà còn được miễn chuyện sai dịch, thật là nhất cử lưỡng tiện. Quế Thiên tin lời, chuẩn bị ba ngàn lượng bạc trắng, cùng Vưu Sinh đi đến kinh đô. Đến nơi, Quế Thiên giao cả số bạc cho Vưu Sinh để hắn lo liệu.

Qua nửa năm Vưu Sinh dùng số bạc đó của Quế Thiên mua chức quan cho mình. Lúc này Quế Thiên mới biết mình bị lừa, căm giận không sao giết chết được Vưu Sinh đi. Nhưng đến đêm hôm đó, Quế Thiên nằm mơ, mơ thấy cả nhà mình biến thành chó hết, đến nhà họ Thi kiếm cái ăn. Lúc tỉnh dậy, mồ hôi vã ra như tắm.

Gặp cơn ác mộng quái lạ, Quế Thiên lo lắng bối rối, không nghĩ được chuyện giết chết Vưu Sinh nữa, vội vã trở về nhà. Về đến nơi thì hai đứa con trai đã chết, mụ vợ Tôn Thị cũng bệnh nặng mê mệt không biết gì. Quế Thiên la lên một tiếng thì mụ Tôn mở choàng mắt ra, kêu toáng lên: “Cha ơi, con là Quế Cao, con trai cả của cha đây. Vì nhà ta vong ơn bội nghĩa với nhà họ Thi, cha đã từng thề sẽ làm chó ngựa để đền ơn, cho nên Diêm Vương bắt hai anh em con cùng với mẹ ngày mai đến nhà họ Thi đầu thai làm kiếp chó. Cha thì chưa đến tuổi, đến tháng tám sang năm cũng sẽ đầu thai thành chó, chỉ có em gái con có duyên phận với Thi Hoàn nên tránh được nạn này”. Tôn Thị nói xong thì tắt hơi chết.

Quế Thiên mới nghĩ lại những điều trong mộng, biết rằng đây là chuyện báo ứng, trong lòng vô cùng hối hận. Lo xong việc tang ma, ông ta đem con gái đi Tô Châu, mong kết thân với nhà họ Thi đồng thời tiếp tế cho hai mẹ con mẹ góa con côi chút ít. Ông ta nghĩ chắc nhà họ Thi nghèo túng lắm, cậu con trai chắc chưa lấy vợ. Nào ngờ, đến nơi thấy họ Thi giàu có hơn trước, chỉ có là bà Nghiêm Thị mất rồi. Quế Thiên thấy xấu hổ quá, vội tạ tội với Thi Hoàn và xin vào cúng Nghiêm Thị phu nhân. Ông ta vừa bày xong đồ cúng, bỗng có ba con chó đen chạy tới, quấn quanh rồi ngậm gấu quần ông ta mà sủa kêu liên tục như có điều gì muốn nói. Quế Thiên biết rằng đây là vợ con mình biến thành bèn khóc òa lên ngã lăn xuống đất.

Về sau, Thi Hoàn cưới con gái Quế Thiên làm thiếp. Quế Thiên cũng ở lại giúp việc trong nhà họ Thi. Rồi ông ta ăn chay niệm Phật, một lòng hối hận nên từ đó không hề bị bệnh tật tai nạn gì cả, sống đến hết tuổi già ở nhà họ Thi.

Tái sinh duyên (Nhị phách)

Năm Đại Đức triều Nguyên có ông quan Viện sứ ở Tuyên Huy tên gọi Bột La, xuất thân thế gia vọng tộc, lại đang nhậm chức trong triều nên nhà cửa nguy nga tráng lệ, thê thiếp rất đông. Bột La thích chuyện văn chương nên các tao nhân mặc khách luôn luôn lui tới phủ đệ của ông. Phía sau nơi ở có một vườn hoa lớn, vì thích câu thơ “Xuân sắc mãn viên quan bất trú. Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai” (Vườn xuân ngắm mãi, đẹp sao! Một cành hồng hạnh vươn cao đầu tường), nên ông đặt tên cho vườn hoa này là “Hạnh viên”, tức là vườn hạnh.

Trong “Hạnh viên” này, đình đài lầu các, kỳ hoa dị thảo đều đẹp vô cùng. Mỗi năm, cứ đến mùa xuân là ông Bột La lại mời các quan to khách quý, các danh nhân nhã sĩ tới “Hạnh viên” dự hội chơi đu, vui suốt từ đầu mùa xuân cho tới tiết thanh minh. Những dịp này, các quý bà quý cô thì trang điểm lộng lẫy, đua sang đua đẹp. Các quý ông thì uống rượu ngâm thơ, phỉ chí say sưa. Khắp trong vườn cười nói râm ran, vui vẻ.

Hôm đó, hội chơi đu đang sôi nổi thì công tử Bái Trú con quan Khu mật Đồng Thiêm cưỡi ngựa đi qua “Hạnh viên”. Nghe phía trong tường cười nói ồn ào náo nhiệt, chàng ta dừng ngựa nhìn vào, thấy cảnh sắc tươi đẹp, liễu rủ xanh mướt, hoa nở đỏ hồng, các cô gái cô nào cũng xinh đẹp như tiên trên trời cả. Đặc biệt là cô gái đang đánh đu, mắt long lanh, răng trắng bóng, đẹp vô cùng là đẹp.

Về nhà, Bái Trú kể cho mẹ nghe chuyện hội chơi đu trong vườn của Tuyên Huy Bột La, nức nở khen các cô gái ở đây cô nào cũng đẹp như hoa. Bà mẹ biết ý con, bèn nói: “Chuyện này không khó gì, nhà ta với nhà Tuyên Huy cũng môn đăng hộ đối, chỉ cần nhờ người mối lái là được”.

Ngày hôm sau, bà mối sang nhà Tuyên Huy nói chuyện cầu thân. Tuyên Huy nói: “Phải xem tài mạo của Bái Trú thế nào đã rồi mới quyết định được”.

Hai bên chọn được ngày, Bái Trú đến yết kiến Tuyên Huy. Bái Trú vốn người đẹp đẽ khỏe mạnh, có dáng vẻ nhân tài, nay lại phục trang cẩn thận, trông càng sang trọng. Tuyên Huy nhìn thấy rất bằng lòng, lại ra đề tài “cái đu” bảo chàng làm một bài từ điệu “Bồ tát man” để xem văn tài ra sao. Bái Trú tài năng mẫn tiệp, suy nghĩ một lát là xong ngay, bài từ làm ra ý tứ bay bổng, vận luật chặt chẽ. Tuyên Huy mừng lắm, lập tức sai bày tiệc khoản đãi, rồi dùng lễ cha con, mời Bái Trú ngồi xuống cạnh. Giữa bữa, cho mời tiểu thư Tốc Ca Thất Lý, con của bà ba rất được sủng ái ra chào. Bài Trú ngẩng lên nhìn thấy đúng là cô gái trên đu hôm trước, trong lòng rất thích.

Tiểu thư Tốc Ca Thất Lý nhìn thấy Bái Trú cũng thấy xốn xang.

Nhà Bái Trú lập tức chuẩn bị sính lễ đưa đến nhà Tuyên Huy. Sính lễ rất lớn. Cả nhà Tuyên Huy đều hoan hỷ hài lòng. Nhưng bên nhà Đồng Thiêm thì gặp họa. Vì sính lễ quá lớn khiến người ta ghen ghét, có người đưa thư tố cáo Đồng Thiêm ăn hối lộ, hoàng đế lập tức xuống chỉ bắt Đồng Thiêm giam vào ngục. Rồi họa vô đơn chí, Đồng Thiêm vốn quen đời sống phú quý vinh hoa, làm sao chịu nổi cảnh khổ này nên chỉ mấy ngày là bị bệnh nặng. Triều đình thấy ông ta là đại thần triều Nguyên nên quan tâm, cho về nhà chữa chạy. Song bệnh của ông là bệnh dịch, về nhà lại lây sang cho cả nhà. Rồi chưa đầy một tháng, cả nhà theo nhau qua đời hết, chỉ còn lại một mình chàng Bái Trú cô đơn cô độc không nơi nương tựa.

Tuyên Huy Bột La cũng buồn cho gia đình Bái Trú. Ông định giữ chàng ta ở nhà mình, khuyến khích chàng ta cố gắng học hành để đi thi lập nghiệp. Nhưng không ngờ bà vợ ba lại là người tham tiền của. Thấy nhà Bái Trú đã thất thế, lại thấy các tiểu thư nhà khác đều lấy được con nhà giàu sang, thế là đời nào chịu theo ý chồng. Tuy nhiên, Tốc Ca Thất Lý thì đã nặng lòng với Bái Trú, nàng thề rằng dù chàng vinh nhục thế nào cũng quyết theo chàng suốt đời. Rồi nói với mẹ: ngoài Bái Trú ra, nàng không lấy ai cả.

Bà ba cho rằng con gái còn nông nổi nên không cho lời nói ấy là thật. Ít lâu sau, bà ta tự ý quyết định, nhận lời gả Tốc Ca Thất Lý cho công tử Tăng Gia Nô, con trai của quan Bình Chương Chính Sự rất giàu sang. Đến hôm cưới, Tốc Ca Thất Lý khóc lóc vật vã nhất định không chịu lên kiệu. Cuối cùng, không làm sao được, mọi người phải lôi nàng ấn vào kiệu hoa. Đoàn đón dâu thổi kèn đánh trống, náo nhiệt suốt dọc đường.

Bái Trú ở nhà nghe thấy tiếng nhạc, biết rằng cô gái thương yêu của mình đã lên kiệu cưới của nhà khác rồi, chỉ đành một mình ủ rũ đau thương.

Kiệu hoa đến nhà Bình Chương, mọi người mời cô dâu xuống kiệu, nhưng đợi mãi vẫn thấy im lìm. Bà đưa dâu vén rèm kiệu lên, bất giác sợ quá ngã ngất. Thì ra Tốc Ca Thất Lý ở trong kiệu đã dùng giải khăn sa tự tử chết rồi. Nhà Bình Chương cuống quýt đi báo với Tuyên Huy rồi khiêng kiệu quay trở lại. Cả nhà Tuyên Huy kêu khóc ầm lên. Bà ba vừa hối vừa giận, cứ đấm ngực dậm chân kêu trời kêu đất. Lúc khâm liệm, bà ba đem tất cả những đồ trang sức châu ngọc mà thường ngày Tốc Ca Thất Lý rất thích và cả những đồ sính lễ của hai nhà Bình Chương, Đồng Thiêm bỏ hết vào trong áo quan. Rồi tạm thời để linh cữu ở trong chùa Thanh An.

Bái Trú ở nhà nghe tin tiểu thư Tốc Ca Thất Lý đã tuẫn tình(7) thì vô cùng xúc động. Đợi lúc đêm khuya lặng lẽ, chàng ta đến chùa Thanh An để vái lậy vong linh Tốc Ca Thất Lý. Nhìn thấy linh cữu, nghĩ đến hoàn cảnh của mình, bất giác nước mắt ròng ròng, vô cùng đau đớn.

7. Tuẫn tình: chết vì yêu.

Các vị sư thấy thế cũng đều rơi lệ. Khóc xong Bái Trú vuốt ve quan tài cáo biệt nàng và nói: “Tiểu thư ơi, xin nàng hãy an nghỉ!” Đột nhiên từ trong quan tài vẳng ra tiếng nói khe khẽ: “Mau mở áo quan ra đi! Thiếp đã sống lại để làm vợ của chàng, suốt đời theo chàng!”

Bái Trú nghe tiếng rõ mồn một, vội mở ngay. Nắp quan tài vừa mở ra, thấy tiểu thư Tốc Ca Thất Lý ngồi rất đàng hoàng, vẫn như lần đầu Bái Trú nhìn thấy: mắt sáng long lanh, hàm răng trắng bong, vẻ mặt tươi cười.

Bái Trú sướng như phát cuồng, vội đỡ nàng bước ra khỏi quan tài. Các sư đều kinh ngạc đứng sững. Vị sư trụ trì nói: “Công tử không thể đưa tiểu thư này đi đâu hết, sau này ngài Tuyên Huy biết thì chúng tôi biết ăn nói thế nào?” Bái Trú nói cho họ biết nàng Tốc Ca Thất Lý chính là vợ của mình. Lại đem một nửa chỗ châu ngọc trong quan tài biếu nhà chùa, xin họ giữ bí mật cho và lại đóng kín quan tài lại y như cũ.

Bái Trú mang mấy vạn lượng bạc còn lại cùng Tốc Ca Thất Lý ngay đêm đó khởi thành, đi đến Khai Bình rồi ở hẳn đó. Chàng ta tới một học quán dạy học cho bọn trẻ nhỏ, được học trò và cha mẹ chúng rất khen, rồi gần xa mọi người đều biết tiếng.

Lại nói về ông Tuyên Huy Bột La từ khi con gái yêu mất đi, trong lòng cứ buồn bã mãi. Rồi hoàng đế cho làm chức Phủ doãn Khai Bình, ông ta bèn đem gia quyến tới đó trị nhậm. Nhưng trong phủ biết bao công việc phức tạp bề bộn, ông ta chẳng để ý giải quyết gì cả. Một hôm có người nói: “Ở đây có người từ Đại đô đến rất có học vấn, nên mời anh ta vào phủ giúp đỡ công việc”. Tuyên Huy bèn viết thiệp mời sai người đem đi. Bái Trú đọc tờ thiệp mời, biết ngay là Tuyên Huy đã tới đây làm việc, vội vàng nói cho Tốc Ca Thất Lý biết. Rồi chàng ta ăn mặc chỉnh tề tới yết kiến Tuyên Huy. Nhìn thấy Bái Trú, Tuyên Huy giật mình kinh ngạc. Cứ tưởng rằng Bái Trú gặp nạn rồi thì phải lưu lạc tha hương, sống khổ sống sở, nào ngờ chàng ta lại quần áo đàng hoàng, sắc diện đẹp đẽ thế này. Nhìn thấy chàng ta, lại nhớ tới con gái mình, thế là nước mắt lã chã.

Bái Trú sai người kiệu Tốc Ca Thất Lý tới. Tốc Ca Thất Lý mặc quần áo khi được khâm liệm, thong thả đi vào phủ. Tuyên Huy trông thấy, há miệng kinh hãi. Bái Trú bèn kể lại đầu đuôi chuyện đêm đó mình tới chùa Thanh An, ôm quan tài thương khóc như thế nào, rồi nhìn người vợ yêu quý, nói với Tuyên Huy rằng: “Đó là do chân tình của Tốc Ca Thất Lý đã cảm động đến trời xanh đấy ạ”. Tuyên Huy không tin rằng trên đời lại có chuyện như vậy nên cứ nhất định cho rằng cô gái này là một người khác giống với Tốc Ca Thất Lý thôi. Rồi ông ta ngầm sai người đến chùa Thanh An tra xét. Kết quả là các sư trong chùa đều nói hoàn toàn giống như lời Bái Trú. Tuyên Huy cảm động nói: “Quả là tấm chân tình của Tốc Ca Thất Lý đã cảm động đến trời xanh thật rồi!”

Thế là cả nhà cùng sung sướng sống với nhau dưới cùng một mái nhà.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play