Ở
vùng Bình Vọng huyện Ngô Giang tỉnh Tô Châu có một chàng tú tài tên gọi
Tiền Thanh. Chàng ta là người tài hoa, làu thuộc Thi, Thư, thông kim bác cổ.
Tội nghiệp thay, cha mẹ mất sớm, gia nghiệp suy vi, chàng đành tới sống nhờ nhà
người anh họ.
Anh
họ tên là Nhan Tuấn, tự Bá Nhã, cùng tuổi với Tiền Thanh, đều mười tám. Nhan
Tuấn ỷ nhà giàu có, chỉ muốn chọn một tuyệt thế giai nhân về làm vợ. Nhưng anh
chàng này người xấu, lại ra vẻ phong nhã, thích chuyện chải chuốt. Tiền Thanh
tuy không giống anh ta, song phải ở nhà anh ta để học, cho nên việc gì cũng
phải làm theo anh ta. Nhan Tuấn thấy vậy thích lắm, có gì cũng bàn với Tiền
Thanh cả.
Một
hôm, có người bà con xa là Vưu Thần đến nhà họ Nhan, nói rằng ở mé núi tây Thái
hồ có người tên gọi Cao Tán, ông này có cô con gái năm nay mười sáu tuổi, cầm,
kỳ, thi, họa đều giỏi, mà lại rất xinh đẹp, hiện đang kén rể. Lại nói rằng chỉ
cần được người phong lưu tốt lành là sẽ gả con và còn cho thêm tiền nữa. Nhan
Tuấn nghĩ thầm lần này có cơ hội rồi, bèn bám riết lấy Vưu Thần xin mai mốt
cho. Vưu Thần biết rõ người ngợm như Nhan Tuấn ông Cao Tán chẳng khi nào bằng
lòng nên lần nào cũng từ chối. Nhưng rồi không chịu nổi sự thôi thúc năm lần
bảy lượt của Nhan Tuấn, ông ta đành miễn cưỡng đồng ý.
Ngày
hôm sau, Vưu Thần cùng tên gia đồng của Nhan Tuấn đi một chiếc thuyền nhẹ hai
mái chèo, nhân lúc trời yên gió lặng, giong thẳng đến nhà họ Cao ở núi tây.
Cao
Tán nghe nói họ đến cầu thân thì vội vàng mời vào: “Xin hỏi là công tử của nhà
ai đấy ạ?”. “Đó là một công tử trong huyện này, sản nghiệp giàu có, rất xứng
với hộ nhà cụ. Công tử này mới mười tám tuổi, thông thuộc các loại sách Thi,
Thư”.
“Nhân
phẩm thế nào? Tôi đã nói trước rồi đấy, nhất định phải thấy tận mặt thì mới có
thể chấp nhận được”.
“Về
nhân phẩm thì khỏi phải nói. Công tử nhà tôi vẻ người tài hoa. Năm mười bốn
tuổi, đi thi Đồng sinh được loại nhất. Tôi không phải là người làm mai, chỉ là
vì hàng năm đến buôn bán ở miền Tây này, nghe nói khuê nữ nhà ta tài mạo song
toàn, trong lòng thầm nghĩ: thế thì rất xứng đôi với công tử nhà chúng tôi, cho
nên mới mạnh dạn tới viếng thăm”.
Cao
Tán thấy vừa lòng, bèn hẹn công tử tới gặp mặt trước. Nghe nói phải gặp mặt,
Nhan Tuấn lo quá không biết làm thế nào được đây. Nghĩ đi nghĩ lại mãi, bật
được một kế, hắn bèn bàn với Vưu Thần. Vưu Thần nói làm vậy tuy được song chỉ
sợ Tiền Thanh không chịu. Nhan Tuấn vỗ ngực nói chuyện này tôi lo.
Tối
hôm đó, Nhan Tuấn mời Tiền Thanh ăn tiệc. Nửa chừng hắn đem đầu đuôi sự việc kể
cho Tiền Thanh nghe, rồi nhờ Tiền Thanh chịu khó một chuyến, thay hắn đến gặp
mặt Cao Tán.
“Thế
không được đâu!” Tiền Thanh nói: “Chỉ sợ rằng một lần thì qua được nhưng sau đó
thì khó đấy!” Nhan Tuấn nói: “Đừng có lo, ông ta không thể nhận ra đệ được đâu.
Có trách thì chỉ trách người làm mối. Hơn nữa, nhà ông ta ở phía tây Động Đình,
cách xa hằng trăm dặm không thể biết ngay được. Đệ cứ yên tâm đi hộ đi”.
Tiền
Thanh không sao từ chối được, chỉ đành nhận vậy. Sáng sớm ngày hôm sau,Vưu Thần
và Tiền Thanh xuống thuyền xuất phát. Tiền Thanh mặc toàn quần áo sang trọng
đẹp đẽ, so với trước trông càng phong lưu hơn nhiều.
Tới
nhà họ Cao, Cao Tán vừa nhìn thấy, trong bụng là mấy phần ưng ý.
Ngồi
yên vị rồi, Cao Tán hỏi về gia thế, Tiền Thanh nhất nhất trả lời, nói năng cử
chỉ vô cùng nhã nhặn. Cao Tán nghĩ: Vẻ ngoài thì đẹp rồi, không rõ học vấn ra
sao? Bèn bảo gia nhân mời công tử và thầy học ra ý muốn kiểm tra chàng này cho
rõ.
Một
lát, một nhà nho độ hơn năm mươi tuổi dẫn một cậu học trò bước ra. Cao Tán giới
thiệu: “Đây là thầy học họ Trần, còn đây là con trai tôi, tên gọi Cao Tiêu!”
Tiền
Thanh nhìn cậu học trò, thấy mi thanh mục tú, rất là khôi ngô, bụng nghĩ: “Em
trai mà thế này thì chị gái chắc là rất đẹp, Nhan huynh thật có phúc lớn”.
Cao
Tán lại giới thiệu: “Đây là cậu Giang Bá Nhã ở Ngô Giang, là một người tuổi trẻ
tài cao”.
Ông
thầy đã được chủ nhân nói rõ ý trước, bèn hỏi: “Ngô Giang là đất giàu nhân tài,
xin cậu cho biết ba người nào nổi tiếng nhất?”
Tiền
Thanh trả lời: “Đó là Phạm Lãi, Trương Hàn và Lục Quy Mông”.
Lại
hỏi: “Ba vị đó nổi tiếng về cái gì?”
Tiền
Thanh trả lời rành rẽ. Sau đó, Tiền Thanh lại cố ý nói chuyện này chuyện khác,
thuyết cổ luận kim, khiến ông thầy phải luôn miệng ngợi khen: “Kỳ tài! Kỳ
tài!”.
Cao
Tán thấy vậy mừng rỡ khôn cùng, vung chân múa tay, lập tức bảo gia nhân bày
tiệc rượu mời Tiền Thanh.
Tiệc
xong, Tiền Thành và Vưu Thần đứng dậy cáo từ, Cao Tán cố lưu giữ, hai người này
nhất quyết xin đi.
Cao
Tán kéo Vưu Thần tới cạnh nói: “Tiểu quan nhân họ Nhan thật là tài mạo song toàn,
nếu như ông giúp thành toàn được cuộc hôn nhân này thì thực là muôn phần cảm
tạ”. Vưu Thần nói: “Tôi nhất định gắng hết sức”.
Tiền
Thanh và Vưu Thần về đến nhà họ Nhan. Nhan Tuấn nghe nói việc cầu hôn đã thành
thì vui mừng khôn xiết bèn quyết định đến ngày mồng ba tháng chạp sẽ làm đám
cưới.
Ngày
qua tháng lại, thấm thoát đã tới gần ngày. Ở vùng Giang Nam thường
khi lấy vợ không làm lễ đón dâu mà là nhà gái tự đưa cô dâu tới nhà trai. Nhưng
lần này vì Cao Tán chọn được rể tài nên nói rộng khắp nơi, đòi chú rể phải đến
tận nhà đón dâu. Điều này khiến Nhan Tuấn lo cuống quýt, chẳng biết làm sao,
chỉ đành lại nhờ Tiền Thanh đi đón dâu giúp mình.
Sáng
sớm mồng ba tháng chạp, gần mười chiếc thuyền nhẹ băng băng tiến về phía núi
Tây.
Đến
nơi, trời đã về chiều, nhà họ Cao bày tiệc lớn, khách khứa đầy nhà, ai trông
thấy Tiền Thanh cũng đều khen ngợi. Tiền Thanh cũng thấy thích thích, vui vẻ
hưởng thụ rượu ngon nhắm tốt. Nhưng chàng ta chợt nghĩ đến bản thân mình không
biết đến bao giờ mới có được phúc phận này, thế là thần sắc ỉu xìu ngay xuống.
Rượu được ba tuần, Tiền Thanh muốn về, song Cao Tán cương quyết giữ lại, mãi
cho đến canh năm mới cho chàng ta chuẩn bị thuyền lên đường. Lúc này mặt hồ nổi
gió, sóng rất lớn, thuyền không đi được, Cao Tán không biết làm sao. Trong đám
khách, có một ông già nói: “Thôi, chi bằng cho thành thân ngay tại đây vậy!”
Cao Tán nghe nói cả mừng, lập tức sai người sắp xếp việc động phòng hoa chúc.
Tiền
Thanh thấy sự việc không hay, vội vàng thoái thác. Cao Tán đương nhiên là không
chịu.
Ngày
hôm sau, ăn cơm xong, hai người, chú rể, cô dâu sửa soạn để đăng đường làm lễ
cưới.
Rồi
liền ba ngày, gió vẫn lớn, hồ vẫn dậy sóng, không thể đi thuyền được. Tiền
Thanh phải ở lại nhà Cao Tán ba ngày. Đến ngày thứ tư mới lên đường. Trong ba
đêm ấy, chàng ta ở cùng phòng với cô dâu, song vẫn để nguyên quần áo để ngủ.
Chàng
Nhan Tuấn ở nhà đợi ba ngày, lòng dạ cứ như lửa đốt. Đến trưa ngày thứ tư, gia
nhân tới báo là cô dâu đã về, chàng ta mới trút được mối lo. Nhưng đến khi nghe
nói Tiền Thanh và cô dâu đã tiến hành hôn lễ rồi thì nhảy chồm lên giận dữ.
Tiền
Thanh để Vưu Thần ngồi cùng Cao Tán, còn mình thì nhảy lên bờ trước. Vừa thấy
Nhan Tuấn, chàng ta liền cười hì hì vái chào rồi kể rõ đầu đuôi mọi chuyện. Nào
ngờ, Nhan Tuấn túm luôn lấy tóc Tiền Thanh đấm đá túi bụi.
Người
trên thuyền thấy chú rể bị một tên mặt mũi xấu xí đánh đau quá, đều lên tiếng
khuyên can, song khuyên can sao nổi. Cao Tán hỏi nguyên do mới biết rõ sự tình,
ông ta không nén được lửa giận bèn túm lấy Vưu Thần đánh luôn. Những người nhà
họ Cao đi đưa dâu thấy vậy bực quá xúm vào đánh thằng cha xấu xí kia. Bọn đầy
tớ nhà họ Nhan bảo vệ cho chủ, thế là đánh lộn với nhà họ Cao. Người vây xung
quanh xem đông nghịt, tắc cả đường đi.
Vừa
hay, lúc đó quan tri huyện địa phương đi qua thấy vậy, bèn đưa tất cả về công
đường thẩm vấn. Sau khi biết rõ đầu đuôi sự tình, quan huyện thấy Tiền Thanh
tuổi trẻ thanh tú, đọc sách nhiều, biết lễ nghĩa, lại là người thật thà trung
hậu, bèn xử cho cô dâu thuộc về chàng ta. Nhan Tuấn tức mà không dám nói gì, ôm
đầu lủi mất, đến mấy tháng trời cũng không dám thò mặt ra ngoài.
Cao
Tán nghe nói Tiền Thanh đã mất cả cha mẹ, thấy xót thương, bèn đón về nhà mình
lo cho ăn học.
Về
sau, Tiền Thanh được thành đạt nổi tiếng, hai vợ chồng vui sống với nhau cho
đến hết tuổi già.
Tháp Lôi Phong (Tam ngôn)
Năm
Triệu Hưng đời Nam Tống, ở phủ Lâm An, Hàng Châu, có một anh chàng tên gọi Hứa
Tuyên, tuổi mới 22, cha mẹ mất sớm sống cùng chị gái và anh rể.
Một
hôm, Hứa Tuyên đi chơi ở Tây Hồ, trời bỗng đổ mưa, chàng ta không mang theo dù,
bèn gọi một chiếc thuyền để trở về trong thành. Vừa đi được mấy chục thước,
trên bờ có người gọi xin đáp thuyền. Hứa Tuyên nhìn thấy một cô gái mặc áo
trắng, cùng với một a hoàn mặc áo xanh đang đứng trong mưa, bèn bảo ông già
Trương A quay thuyền lại cho họ lên.
Cô
gái áo trắng lên thuyền, ngồi yên một chỗ, rồi cứ đăm đăm nhìn Hứa Tuyên mãi,
rồi lại chủ động hỏi tên và chỗ ở của chàng ta. Thấy người đẹp như hoa như
ngọc, Hứa Tuyên hơi xúc động, chẳng cần giấu diếm, kể hết sự tình. Cô gái mới
nói mình họ Bạch, nhà ở chỗ bến sông phường Song Trà, chồng đã mất, hôm nay cô
đi thăm mộ chồng.
Vào
đến thành, xuống khỏi thuyền trời vẫn mưa, Hứa Tuyên đến nhà người quen mượn
một cái dù. Vừa đi được mấy bước, thấy có tiếng người gọi sau lưng, quay lại
nhìn thì lại thấy cô gái vừa mới đi cùng thuyền, cô ta đang đứng trú mưa dưới
một mái hiên. Hứa Tuyên đưa cho cô mượn cây dù và nói rằng thế nào ngày mai
cũng đến lấy lại.
Ngày
hôm sau, Hứa Tuyên đến chỗ bến sông phường Sông Trà, hỏi thăm mãi, chẳng có ai
biết cô gái nào họ Bạch cả. Đang thì phân vân, chợt nhìn thấy đứa a hoàn của cô
gái tên là Tiểu Thanh đang từ phía đông đi tới, bèn bước tới đón. Tiểu Thanh
dẫn Hứa Tuyên đến một tòa nhà lầu rất sang trọng. Nàng Bạch thấy chàng tới, vội
mở tiệc rượu khoản đãi.
Uống
được ba ly, nàng Bạch mở lời trước: “Thưa quan nhân, trước mặt người chân thật
không thể nói lời sai, thiếp đây đã chết chồng, chắc là có duyên phận kiếp
trước với quan nhân nên vừa nhìn thấy mặt là hợp ý hợp lòng, xin phiền quan
nhân hãy tìm người mai mối để thiếp được cùng chàng kết chuyện trăm năm”.
Hứa
Tuyên vô cùng mừng rỡ, song lại không có tiền làm đám cưới nên ngồi trầm ngâm
không trả lời lại. Nàng Bạch hiểu rõ tâm tư của chàng, bèn bảo Tiểu Thanh lấy
ra một đĩnh bạc trắng xóa nặng 50 lượng, tự tay đưa cho Hứa Tuyên. Hứa Tuyên
nhận lấy rồi cáo từ ra về.
Hôm
sau Hứa Tuyên đưa đĩnh bạc cho chị gái, nhờ chị và anh rể lo giúp việc cưới vợ.
Bà chị nghe nói mừng lắm, tối đến nói với chồng. Người chồng cầm lấy đĩnh bạc,
xem ký hiệu bên trên, bỗng thất sắc sợ hãi. Thì ra là mấy hôm trước ngân khố
của triều đình bỗng dưng mất 50 đĩnh bạc lớn. Phủ Lâm An bèn ra thông cáo, rằng
ai bắt được kẻ trộm bạc sẽ thưởng 50 lượng. Nhà nào biết mà không báo, hoặc che
giấu sẽ bị sung quân cả nhà. Nay thấy ký hiệu trên đĩnh bạc của Hứa Tuyên hoàn
toàn giống như trên thông cáo. Người anh rể sợ cả nhà bị họa bèn mang ngay đĩnh
bạc đến trình với phủ Lâm An.
Sau
khi bị bắt đến phủ quan, Hứa Tuyên kêu oan, nói rằng bạc đó là do nàng Bạch
cho. Nhưng khi sai nha áp giải anh ta đến bến sông phường Song Trà thì chẳng
thấy nàng Bạch và a hoàn Tiểu Thanh đâu cả, chỉ có một đống bạc chất trên
giường, đếm được tất cả 49 đĩnh. Thế là Hứa Tuyên bị phát phối đi Trấn Giang
làm khổ sai ở doanh Lao Thành.
Đến
Trấn Giang, anh rể dò hỏi khắp nơi, tìm được cho Hứa Tuyên một người bảo lãnh,
xin cho anh ta ra khỏi Lao Thành đến ở nhà một người bà con.
Được
ít lâu, nàng Bạch và Tiểu Thanh cũng tìm tới. Nhìn thấy họ Hứa Tuyên nổi giận
định đuổi đi. Song nghe những lời ngon ngọt của nàng Bạch, chàng ta chuyển giận
thành vui, lại giữ họ ở lại. Sau đó không lâu, Hứa Tuyên cùng nàng Bạch bái
đường kết hôn. Hai người ân ái mặn nồng, sống rất hạnh phúc.
Một
hôm, có một vị hòa thượng mang sổ hóa duyên tới nói: “Bần tăng là hòa thượng ở
chùa Kim Sơn, ngày mùng bảy tháng bảy này là sinh nhật đức Long Vương, xìn mời
thí chủ đến chùa thắp nhang, bố thí chút tiền hương khói”. Hứa Tuyên nhận lời.
Đến
ngày mùng bảy tháng bảy, chàng ta định đi thắp hương, nàng Bạch nói: “Thứ nhất
không được tới chỗ phương trượng, thứ hai không được tới chỗ hòa thượng, thứ ba
đi rồi phải về, nếu về muộn là thiếp tới tìm đấy”.
Hứa
Tuyên nghe theo hết, thay áo giày mới rồi đi. Đến chùa Kim Sơn, việc đầu tiên
là vào điện Long Vương thắp hương, sau đó đi quanh chùa một vòng. Lúc đi đến
trước cửa phương trượng, chợt nhớ tới lời vợ dặn bèn đứng lại không bước vào
nữa. Người cùng đi nói: “Không sao đâu, cứ vào nhưng không nói là được”. Hứa
Tuyên bèn bước vào, đi xem một lượt rồi ra. Hòa thượng Pháp Hải ở trong phương
trượng nhìn thấy Hứa Tuyên đi qua, lập tức sai người gọi lại, nhưng người đó
tìm khắp nơi rồi trở lại nói: “Không biết anh ta đi đâu rồi, không thấy”.
Hòa
thượng bèn cầm thiền trượng chạy ra khỏi chùa để tìm. Lúc này Hứa Tuyên đang
cùng mọi người ở bến sông, đợi thuyền về nhà. Chợt thấy giữa sông sóng cuộn nổi
lên, có một chiếc thuyền lướt tới như bay. Hứa Tuyên nhìn thấy trên thuyền chỉ
có hai người đó là nàng Bạch và Tiểu Thanh.
Đến
bờ, nàng Bạch bảo Hứa Tuyên mau mau lên thuyền. Đúng lúc đó, nghe phía sau có
tiếng thét: “Yêu nghiệt! Mi chạy đi đâu? Lão tăng này vì mi mà đến đây!”
Nàng
Bạch vừa nhìn thấy Hòa thượng Pháp Hải đuổi tới, bèn cùng Tiểu Thanh lật úp
thuyền xuống đáy nước. Hứa Tuyên quay lại vái lạy hòa thượng nói “Xin đại sư
hãy cứu cái mạng nhỏ này của đệ tử!”
Hòa
thượng hỏi: “Sao ngươi lại gặp mụ đàn bà này?” Hứa Tuyên kể lại đầu đuôi, Pháp
Hải nói: “Mụ đàn bà này là yêu quái, ngươi nên về Hàng Châu mau. Nếu mụ ta còn
trở lại quấy nhiễu, ngươi hãy đến chùa Tịnh Từ tìm ta!”
Hứa
Tuyên bái tạ rồi trở về nhà, thấy nàng Bạch và Tiểu Thanh đều biến mất, bấy giờ
mới rõ bọn chúng là yêu tinh.
Hai
tháng sau, triều đình đại xá cho thiên hạ. Hứa Tuyên được về Hàng Châu, thấy
chị gái và anh rể. Anh rể trách: “Cậu khinh người quá đấy, đi ra ngoài lấy vợ
sao không gửi một lá thư báo cho vợ chồng tôi biết. Sao mà bất nhân bất nghĩa
như vậy?”
Hứa
Tuyên nói “Em đâu lấy vợ”. Anh rể nói: “Hai hôm trước có một cô gái dẫn một a
hoàn đến tìm tôi, nói là vợ của cậu”. Nói xong gọi hai người đó ra.
Hứa
Tuyên nhìn thấy đúng là nàng Bạch và Tiểu Thanh, kinh hãi trợn mắt đứng sững.
Rồi cũng chẳng biết làm thế nào chỉ đành giữ họ lại. Đến tối Hứa Tuyên không
dám ở cùng với nàng Bạch, trong bụng hoang mang, bèn quỳ xuống trước mặt nàng
ta mà xin rằng: “Chẳng biết nàng là thần hay là quỷ, xin hãy tha cho cái mạng
tôi!” Nàng Bạch trừng mắt nói: “Tôi với anh vợ chồng sống vui vẻ, anh lại đi
nghe lời nói vu vơ của người khác. Bây giờ tôi nói thật, nếu anh chịu nghe lời
tôi mà sống vui vẻ thì không sao, nhưng anh mà có hai lòng thì tôi sẽ làm cho cả
cái thành này hóa thành máu hết, mọi người sẽ chết hết”.
Hứa
Tuyên nghe xong, sợ hãi hết hồn, vội im thin thít chẳng dám nói năng gì. Ngay
ngày hôm sau, anh ta nhớ tới lời nói của hòa thượng Pháp Hải ở chùa Kim Sơn,
bèn đi tới chùa Tịnh Từ để tìm, nhưng hòa thượng ở chùa nói Pháp Hải chưa hề
tới đó bao giờ. Hứa Tuyên không biết làm thế nào, mới đi tới bên hồ, rồi lo
lắng quá định nhảy xuống nước tự tử. Đúng lúc đó, nghe thấy đằng sau có người
nói: “Trang nam nhi mà sao lại coi nhẹ mạng sống thế?”
Quay
lại nhìn thì đúng là Pháp Hải hòa thượng, bèn quỳ ngay xuống nói “Xin đại sư
hãy cứu mạng cho đệ tử”. Pháp Hải hỏi: “Con yêu nghiệt đó hiện đang ở đâu?”.
Hứa Tuyên bèn đem chuyện từ sau khi về Hàng Châu kể hết một lượt.
Hòa
thượng lấy trong tay áo ra một cái bát, đưa cho Hứa Tuyên rồi bảo: “Ngươi hãy
về nhà, đừng cho người đàn bà đó biết, hãy lừa chụp cái này lên đầu nó rồi giữ
chặt đừng có nới lỏng tay.”
Hứa
Tuyên về đến nhà, nàng Bạch đang ngồi chửi lẩm bẩm: “Không biết đứa nào xúi
giục chồng tao gây chuyện oan gia, tao mà hỏi ra được sẽ tính với nó”.
Hứa
Tuyên nhân lúc ả ta không chú ý, lén đi đằng sau tới chụp ngay cái bát lên đầu
ả rồi ra sức đè chặt xuống. Ả ta lập tức biến mất, nhưng Hứa Tuyên vẫn đè chặt
tay, chỉ thấy có tiếng nói dưới cái bát: “Vợ chồng chung sống với nhau hàng mấy
năm trời, sao chàng không có chút tình nào như vậy? Mau nới tay ra đi!”
Hứa
Tuyên đang không biết nên làm thế nào thì hòa thượng tới. Chỉ thấy miệng ông
niệm lẩm bẩm, niệm xong ông mở cái bát ra, thấy nàng Bạch người co rút lại bé
tí chỉ mấy tấc đang nằm phục dưới đất.
Hòa
thượng Pháp Hải quát: “Mi là yêu nghiệt gì mà dám đến đây quấy nhiễu người?” Ả
kia nói: “Thiếp là một con mãng xà lớn, nằm yên ở Tây Hồ, nhân gặp được Hứa
Tuyên, thấy yêu mến chàng nên đã mạo phạm tội trời”.
Pháp
Hải lại hỏi: “Thế Tiểu Thanh là yêu quái gì?”. “Tiểu Thanh là một con cá xanh ở
hồ, một lần gặp nhau, thiếp kéo đi làm bạn”.
Pháp
Hải nói: “Nghĩ mi tu luyện ngàn năm nên tha cho mi khỏi chết, nhưng hãy mau
hiện rõ bản tướng!”
Ả
ta không chịu, Pháp Hải nổi giận bèn niệm thần chú: “Yết đế, Yết đế, mau cùng
ta bắt yêu quái cá xanh và bạch xà hiện hình để ta xử lý!”
Bên
ngoài lập tức nổi lên một trận cuồng phong, rồi nghe rào rào, rào rào, từ trên
không trung rơi xuống một con cá xanh dài hơn một trượng, quẫy đập dưới đất mấy
cái rồi rút lại thành con cá xanh nhỏ. Lại thấy ả Bạch cũng hiện nguyên hình
thành một con rắn trắng dài ba thước, đầu vẫn cứ ngẩng nhìn về phía Hứa Tuyên.
Hòa
thượng Pháp Hải bỏ chúng vào trong bát, xé một mảnh cà sa, bịt miệng bát lại
rồi đặt trước chùa Lôi Phong, bảo mọi người chuyền gạch đá đến đắp lên thành
một cái tháp để chốt chặt không cho yêu quái xuất thế nữa. Hứa Tuyên xin ở lại
chùa tu tập, rồi đi quyên tiền dựng tòa tháp thành bảy tầng. Đó là tháp Lôi
Phong nổi tiếng.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT