Chạy bán sống bán chết khỏi Pnompenh đến Amleng trong một
đêm kinh hoàng, Son Sen tự răn mình rằng trả thù mười năm chưa muộn. Điều trước
tiên là tránh sức nóng cuộc tiến công như vũ bão của quân địch để bảo toàn lực
lượng. Các thủ lĩnh Khơ Me đỏ tan đàn xẻ nghé và chạy ẩn trong lãnh thổ Thái
lan để mưu cầu sự giúp đỡ ngoại bang và lập kế sách phục thù.
Từng đứng đầu một quân đội thiện chiến và tàn bạo khét tiếng,
Son Sen thoát xác rồi dạt lên các vùng rừng núi lập căn cứ để phục vụ kháng chiến
lâu dài. Dù phiêu bạt và chui lủi đi đâu y cũng luôn mang đứa con trai duy nhất
7 tuổi đi cùng. Người cha này chiêu mộ lính mới và thu gom đám tàn quân tái lập
các đội du kích trong muôn vàn khốn khó. Tuy y là một tên đồ tể khát máu, nhưng
với con trai mình, y tỏ ra là một người cha giàu tình thương và mẫu mực. Y
không muốn rời xa đứa con trong khi có thể cho nó tị nạn sang phương tây như
vài cán bộ Angka cao cấp đã làm. Y hiểu rằng sống chui lủi nơi thâm sơn cùng cốc
không phải là nơi lí tưởng chứa quý tử nhưng chỉ có môi trường này mới đào tạo
được những du kích tài năng cho tương lai.
Thật vậy, khi được cha mình thả rong trong thiên nhiên, cậu
bé có cặp mắt long lanh đã nhận
ra đây chính là môi trường sống đích thực của mình. Cậu
thích nghi nhanh chóng với rừng hoang, suối lạ và đặc biệt thích tháo tung những
quả mìn và súng mà các chiến binh để trong lán. Dù vậy, nỗi nhớ nhà và sự ngây
thơ không bao giờ mất đi ở mọi đứa trẻ. Một hôm cậu thấy cha mình đang ngồi bên
bàn làm việc, cậu bé mon men đến gần hỏi:
- Thưa cha, sao chúng ta cứ ở mãi nơi đây?
Rời mắt khỏi tấm bản đồ chiến sự đã làm ông già đi chục tuổi
chỉ trong vài tháng, ông bố có khuôn mặt tròn lẳn đặt chiếc bút chì lên bàn rồi
thở dài nhìn đứa con yêu.
- Con nhìn kìa! - Ông chỉ tay qua cửa sổ. - Rừng núi có muôn
vàn chim muông, suối rạch đầy cá và vị chua ngọt của trái Dâu da chín mọng kia
không hấp dẫn con nữa sao?
- Nhưng con nhớ em Ry, con muốn bơi thuyền trên hồ Bo- eng
cơ.
Ông vẫy tay nó lại gần rồi xoa lên mái đầu lúp xúp mồ hôi
chua lòm:
- Em Ry theo mẹ đi xa rồi, cả gia đình ta sẽ đoàn tụ khi hòa
bình con à.
- Hòa bình là cái gì, liệu bao giờ con được về nhà?
Ông bố chỉ chiếc võng dù buộc vào gốc Bằng lăng đang mùa trổ
hoa bên con suối xanh mướt rồi vỗ về con mà như đang an ủi chính mình:
- Vương quốc của ta, thiên nhiên trong lành, đây là ngôi nhà
tuyệt vời nhất của chúng ta.
- Thôi thôi, con sợ muỗi vắt lắm rồi, con cần đến trường với
các bạn, con cần ăn sô-cô –la!
- Thằng hỗn con của cha, ngoan nào, không lâu nữa đâu mà.
- Tại sao không phải là bây giờ? Ai đã bắt ta lên đây?
Người cha lặng câm nhìn vào ánh mắt như oán trách và tra xét
của con mình. Quả thực, bao lời mỵ dân với ngay đứa con về một thiên cung trong
rừng không thể khuất phục được đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi. Mọi lời phỉnh dụ
của ông không che hết những khó khăn thiếu thốn và khắc nghiệt của thời tiết. Mỗi
khi lên cơn sốt rét, ông lại lăn đùng giữa nhà mắt trợn ngược trong sự la hét khiếp
đảm của đứa con thơ.
Nhìn đứa con bé bỏng của mình rơm rớm nước mắt thèm hơi mẹ
làm ông không khỏi chạnh lòng. Ông ta biết cần 10 năm nữa may ra n được câu trả
lời đích thực. Ông không thể nói cho nó sự thật là cha nó đang bị quân tình
nguyện và Mặt trận giải phóng truy nã. Nó quá nhỏ tuổi để hiểu được nhân tình
thế thái. Ai đã bắt ta lên đây?
Thậm chí ba ngàn quân đang trong tay ông đã từng hỏi như thế.
Với tài hùng biện, ông đã làm cho chúng tin và theo ông như lũ thiêu thân. Ngẫm
nghĩ một giây, người cha lấy một tờ báo trên chõng tre lật trang nhất rồi chìa
cho con xem:
- Họ đuổi chúng ta đấy.
Đứa con cầm tờ báo lên nhìn bức ảnh có một đoàn xe tăng ngụy
trang đang tiến quân.
- Họ là ai hở cha?
- Bộ đội đấy.
- Bộ đội sợ gì nhất hở cha?
Ông bố lắc đầu phì cười rồi trả lời qua quýt.
- Bộ đội sợ ông chỉ huy của bộ đội.
Chưa chịu buông tha cha mình, thằng bé lại vặn.
- Vậy ông chỉ huy sợ ai nhất?
Cảm thấy cần phải dừng lại những câu hỏi sắp xoay vòng không
có hồi kết, ông chặn mạch tư duy của con.
- Chỉ huy bộ đội là to nhất rồi, tất cả đều sợ ông ta.
- Vậy ông đó tên gì?
- Thôi, con đừng hỏi nữa, lớn lên con sẽ biết.
- Thì cha nói đi. - Thằng bé cự nự - Nếu cha muốn con ở lại
đây thì phải trả lời con bây giờ.
- Hỗn con, ai dạy cho mày cái giọng mặc cả thế hả?
- Con nghe các chú du kích nói bọn Duôn đuổi cha đúng không?
Chúng là ai hở cha?
- Im ngay! Đấy không phải là việc của con.
- Vậy thì ai đã tống cổ cha con ta và các chú du kích lên
đây? cha nói con nghe đi.
Nhìn vào đứa con lau chưa sạch mũi mà đã bắt chước cha mình
chất giọng tra khảo và nhìn đối phương riết róng. Hôm nay, lần đầu tiên ông
phát hiện ra đứa con không giá thú này đang sở hữu đôi mắt thâm u sắc hiểm, một
bản sao hoàn hảo của ông. Người cha đưa mắt xuống tạp cố tìm một câu trả lời, đến
bức ảnh một người đội mũ bê- rê đỏ, vai đeo quân hàm thiếu tướng đứng uy nghi
trên lễ đài. Phía dưới là một rừng lính đang diễu binh. Dừng ánh mắt trên bức ảnh
này, người cha thoáng chút ngẹn ngào, đây chính là hình ảnh của ông một năm về
trước, giờ đây đã thuộc về một kẻ không đội trời chung. Thấy có vẻ hợp cho câu
trả lời, ông đổi nhanh sắc mặt hóm hỉnh rồi liền đưa cho thằng bé xem.
- Chỉ có ông này mới đuổi được cha con ta mà thôi.
- Ông chỉ huy này tên gì vậy cha?
- Tổng tư lệnh quân khu Miền Tây, Thống tướng Samdech Hor
Bunnarith!
Người cha khẽ mỉm cười khi thấy đứa con đang hau háu nhìn tấm
hình với ánh mắt thán phục.
- Thôi đủ rồi hỗn con, ra vườn chơi để cha làm việc.
Thay vì cầm tờ báo chạy đi, nó ngửng lên nhìn cha.
- Lớn lên con sẽ làm Tư lệnh quân khu, con sẽ đưa cha về
Pnompenh
Ông nheo nheo mắt búng nhẹ vào đũng quần thằng bé.
- Thôi, thôi đi hỗn con, đi chơi đi, để cho con cu của mày lớn
lên rồi tính.
Thằng bé bừng lên nhìn ông bằng ánh mắt của ông.
- Cha! con muốn nói với cha điều nghiêm túc nhất.
- Nói đi, hoặc đi ngay ra cửa. – Ông dằn giọng.
- Con sẽ làm ông Tổng tư lệnh Hor Bunnarith.
Người cha lặng thinh nhìn xuống đứa con mà chính ông suýt bỏ
rơi trong một trận càn của lính Lon Nol. Khi chúng tập kích một doanh trại du
kích của Khơ Me đỏ, nếu không nhanh tay kéo tình nhân của mình thoát xuống hầm,
có lẽ cái thai nhi trong bụng cô ta đã nằm trong tay loài cầm thú. Ông nhìn đứa
con non nớt chỉ tay ra cửa sau.
- Giỏi lắm, ông tướng con của cha, bây giờ mang đồ nghề ra
vườn chơi cho cha nhờ. – Người cha đập tay xuống bàn dứt khoát.
Thằng bé xách chiếc lồng chim lẩn mất sau bìa rừng. Hắn biết
lòng kiên nhẫn của cha mình rất nông hẹp, hàng chục tên du kích bị ông đích
thân xử tử ít nhiều cho hắn biết cha mình là ai.
**Thời gian dần trôi, ý chí và nỗ lực cửa các nhóm tàn quân
Khơ Me đỏ cạn dần. Chúng tự tan rã hoặc kéo về đầu hàng quân chính phủ. Son Sen
trở nên cô độc và bị đám thân cận bỏ rơi. Sở chỉ huy của ông ta cũng được lùi
sâu hơn trong rừng. Ngôi nhà tre lợp lá Thốt nốt cứ thế mà bé dần, thấp dần,
lùi sâu dần trong rừng già và cho đến nay nó chỉ là cái hầm nằm sâu trong lòng
đất. Đứa con trai mà ông dồn hết tình thương và hi vọng cũng biến mất không bao
giờ trở lại.
***
Cho đến một ngày mùa khô héo hắt, ông đang ngồi nhìn ánh
hoàng hôn đỏ quạch trước cửa hang thì có tiếng bước chân. Bản năng sinh tồn đã
đi vào máu, lão người rừng Son Sen rút khẩu rulo là vật bất li thân thoắt biến
ra rừng. Từ sau ụ mối, ông thấy một nhóm người lạ từ vóc dáng đến trang phục.
Chúng không mặc áo đen khăn rằn như những toán quân của ông. Chúng cũng không
khoác những bộ rằn ri viện trợ như tụi Khơ Me Xrây hay lính Para. Tụi Duôn thì
đã rút hết từ lâu. Chúng không thuộc phe nào trong nhóm bốn phe.
Họ giống như người ngoại quốc. Ông tập trung mọi chú ý về
người đi đầu có khuôn mặt múp phơn phởn, đôi mày nhô cao làm bờ cho cặp mắt đã
sâu lại càng thêm thăm thẳm. Còn đôi vai rộng và cử chỉ hoạt bát thì không khác
của ông thời trẻ. Bằng linh cảm của người cùng huyết thống, ông mới dám tin đó
là con trai mình. Nhận định này lại càng chắc chắn khi hai người đi cùng bỏ về
mà anh ta vẫn nấn ná ngồi hẳn cửa hang.
Khi trời tối hẳn ông mới bước xuống lay vai cậu trai đang ngủ
li bì.
- Con! Son San!
Cậu ta bừng tỉnh vùng dậy.
- Phải cha Son Sen không?
- Cha đây...thằng hỗn con của cha ngày nào đây sao? – Giọng
ông run run.
-... Con đây...Cha...hãy tha thứ cho con...! - Cậu trai cao
lớn cúi xuống ôm lấy người đàn ông gầy rộc rồi nấc lên.
Cơn xúc động chưa kịp qua đi thì người cha kéo con vào hang.
Dưới ngọn đèn dầu mờ tỏ, ông bắt đầu hỏi.
- Bao nhiêu năm nay mày đi đâu?
- Con đi học một nơi rất xa.
- Mày học gì và ở đâu?
- Tất nhiên là học làm tướng và không phải sang Pháp như cha
rồi – Hắn ngước cặp mắt láu lỉnh đáp.
- Học cái thá gì? mày không về đây bắt tao chứ?
Cậu thanh niên cười vang căn hầm.
- Cha yêu quý của con. Con sẽ đưa cha về Pnompenh, cha sẽ dưỡng
già bên ngôi biêt thự kiểu Pháp ven hồ.
- Mày chưa trả lời tao đấy, bao nhiêu năm nay mày chui lủi
đi đâu?
Hắn nhìn quanh quất căn hầm hôi hám rồi đáp:
- Chui lủi không phải là cốt cách của con.
- Câm ngay! có đúng là mày đã đầu hàng Hun Sen? - Người cha
vùng dậy chỉ thẳng mặt con. - Tao nói cho mày biết, nếu đầu hàng quân đội, mày
hãy ra khỏi nhà tao ngay.
Nhà cha đây ư. Cậu ta cúi tránh ánh mặt giận dữ của người
cha. Bao năm nay hắn đã bỏ mặc ông để rồi hôm nay lại trở về tìm lại cha mình
đang sống như thú hoang trong một ‘’ngôi nhà’’ như thế này đây ư. Cổ họng hắn
ngẹn đắng. Hắn biết cha mình sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn nếu ra hàng nhưng ông
vẫn chôn vùi phần đời còn lại trong xó núi này chỉ vì danh dự. Hắn biết cha
mình trước sau như một, sẵn sàng chết cho lí tưởng. Chính vì ngưỡng mộ cha mình
nên hắn đã trở lại tìm ông, ngoài tình phụ tử cốt nhục, hắn biết cha mình còn
có ích cho sự nghiệp mai sau của hắn.
Khi còn là người nắm quyền sinh sát trong quân đội, cha hắn
đã cứu vớt nhiều tù binh cũng như chống lưng cho rất nhiều thuộc hạ. Rất nhiều
người đội ơn cha hắn mà một trong số đó giờ đã là những sĩ quan cao cấp, những
nhà khoa học và không ít các chính trị gia hay nhà tài phiệt quyền thế. Hắn muốn
tận dụng quan hệ quý báu này trước khi cha hắn qua đời.
Đợi cho cơn giận người cha nguôi đôi phần, hắn ngửng lên
nhìn ông bằng ánh mắt của kẻ đang tự giày vò lương tâm.
- Con thưa cha! hãy thứ lỗi cho con vì ra đi mà con không kịp
gặp cha. Con sẽ kể về cái ngày khốn khổ đó cho cha sau. Hôm nay, con tìm đến
cha mong cha tha thứ tội bất hiếu cho con. Cha yên tâm rằng dù đi đâu làm gì
thì dòng máu họ Son vẫn đốt nóng trái tim con, thân xác và lí tưởng của con trọn
đời hướng về Angka. Con sẽ hi sinh kiếp sống này để nối tiếp sứ mệnh cao cả mà
Tổ chức còn đang dang dở. Thưa cha, mọi nỗ lực của con nhất định sẽ đạt tới mục
đích cuối cùng là biến đất nước nhỏ bé này thành Đế chế Angkor huy hoàng như thủa
xa xưa mà chúng ta đã đánh mất.
- Mày đã học được những gì để khôi phục chế
- Con có cách riêng để giành lại chính quyền mà không hề
dùng đến binh đao.
- Mày nói ngay đi? hỗn con! - Ông nhìn đứa con mới lớn bằng
ánh mắt phẫn khích hiếm có. Hóa ra bao nhiêu năm nay dòng máu họ Son nguyên chất
vẫn chảy trong cái thân xác cao nghêu, tóc nhuộm vàng hoe đầy chất tây phương của
hắn. Vui hơn, ý chí và tham vọng của con mình dường như lớn hơn cả ông.
- Vâng! - Hắn đáp. - Con đã học để làm cái người mà tất cả
phải nể sợ.
- Mày nói cái gì tao không hiểu?
Cậu con trai thận trọng rút tấp ảnh ép plas-tic trong ví đưa
ra trước mặt cha.
Đôi mắt sâu của ông động đậy, những thớ cơ căng lên rồi giãn
ra làm khuôn mặt ông như đang mếu và cười lẫn lộn.
- Cha còn nhớ ai đây nữa không?
- Mày vẫn nung nấu làm Tư lệnh đấy à? Thằng hỗn con?
- Con nói nghiêm túc, trước mặt cha là một Son San đã trưởng
thành, không còn là cậu bé bẫy chim bắt cá thủa nào. Cha hãy nghe cho rõ. Con sẽ
là Thống Tướng Samdech Hor Bunnarith!
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT