Theo chỉ thị của Khu trưởng Nguyễn Bình, các chi đội ở miền Ðông đều tổ chức một đội công tác thành làm nhiều chức năng như thám báo, trinh sát, quyên góp tiền bạc thuốc men, ủy lạo chiến sĩ, liên lạc với các nhóm mạnh thường quân còn sinh sống trong thành. Cũng nằm trong đội công tác thành có một hoặc vài tổ chiến đấu võ trang súng ngắn và lựu đạn hoạt động ở ngoại ô và đôi khi chọc sâu vào các xóm bình dân nội thành như các chợ Bình Tây, Hòa Bình, Bàn Cờ, Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh.

Một hôm tổ trưởng báo cáo có gặp một người tên Thomas Phước, từ Côn Ðảo về, là bạn của Bảy Viễn.

Lập tức Bảy Viễn hỏi ngay: "Thomas Phước là thầy của tao ở ngoài đảo . Có lẽ ông ta về trong chuyến tàu Phú Quốc ra đảo rước tù về hồi tháng 9.45. Bây giờ ông ta ở đâu ?

- Ở Cầu Muối, đường Boresse (Ký Con).

Gặp lại Thomas Phước trong một con hẻm nhỏ đường Dumortier (Cô Bắc), Bảy Viễn rất mừng. Hai anh em hàn huyên tâm sự bên các chai bia Con Cọp.

Thomas Phước nói:

- Mừng cho chú đã chọn được một con đường đi đúng. Ngày xưa giang hồ, ngày nay chiến sĩ bưng biền. Nếu tôi còn trẻ, tôi sẽ xin vô Chi đội 9 của chú.

- Bây giờ cũng không trễ đâu. Anh làm cố vấn cho tôi.

Thomas Phước cười :

- Chú không nên lẫn lộn thời bình với thời chiến. Thời bình thì tôi làm cố vấn cho chú được. Nhưng thời chiến, nay đây mai đó, làm sao tôi đủ sức hành quân với chú được? Bây giờ tôi kể chuyện Côn Ðảo chú nghe. Chú còn nhớ thằng Dao không? Sau khi Nhật rút khỏi Côn Ðảo, Dao giết thằng Bonifacy là tên ác ôn nhất trên đảo. Cuối tháng 8.1945 có tin Việt Minh cướp chính quyền ở Sài Gòn. Anh em nô nức chuẩn bị về đất liền. Nhưng tôi nói để anh em bớt thất vọng: nếu có tàu ra rước tù về thì người ta chỉ rước tù chính trị mà thôi. Thứ thường phạm rước về làm chi cho thêm mệt, vì anh em chứng nào tật nấy. Quả đúng như tôi nói, tàu Phú Quốc và hai mươi mấy ghe của tới vào cuối tháng chín chỉ rước chính trì phạm. Anh em thường phạm thất vọng quá, nhiều người đóng ghe để tự về, trong số này có Sơn Vương, một người ở tù lâu nhất trên đảo. Sau đó vài ngày, tàu Phú Quốc "trở ra" . Lần này vét hết cả tù chính trị lẫn thường phạm. Anh em ở lại bầu ủy ban Hành chính, Côn Ðảo. Sơn Vương đắc cử Chủ tịch... Chú thấy không, con người ta ai cũng có số. Từ tù nhảy lên làm ông chủ tịch...

Bảy Viễn gật gù:

- Giày dép còn có số, nói gì con người ? Thôi bây giờ mình nói chuyện đánh Tây. Ðại ca về đây, giữa vùng tạm chiếm nguy hiểm quá. Thế nào cũng bị bố ráp. Nếu bị bắt lại, đại ca sẽ bị tống ra đảo lần nữa, mà lần này thì có nước chôn xác nơi Hàng Keo. Hay là đại ca theo tôi .

Thomas Phước lắc đầu:

- Mình nằm đây không phải như con cua nằm trong hang chờ thiên hạ thọc gậy vô bắt đâu. Mình đang chỉ huy một nhóm cảm tử. Những vụ ném lựu dạn các quán rượu ở đây là do bọn này đó .

Bảy Viễn bắt tay Thomas Phước:

- Hoan hô đại ca. Ðại ca đúng là sư phụ của Bảy Viễn này. Ngoài đảo cũng như trên đất liền, đại ca lúc nào cũng ngon lành, nêu gương trượng phu hơn người. Thôi mình xin phép về. Nếu cần chi viện súng đạn thì cho biết, mình sẽ giúp ngay .

Một tuần sau, tin dữ bay tới Mười Trí:

- Thomas Phước bị Tây bắn chết trong một cuộc vây ráp đường Boresse. Nhóm cảm tử của Thomas Phước chiến đấu ác liệt, vừa nổ súng vừa rút qua đường Kitchener (Nguyễn Thái Học).

Hay tin này, Bảy Viễn ra lệnh Ban công tác Chi đội 9 phải đánh trả thù cho Thomas Phước ngay. Bản thân Bảy Viễn cũng tham gia và chỉ huy một cánh.

Trên đường Marchaise cũng trong vùng Cầu Muối, Bảy Viễn bắn chết tên chỉ huy tiểu đội Chà Chóp (Gurkha). Ngoài ra còn có ba tên Chà Chóp bị hạ tại chỗ. Sau đó Bảy Viễn tổ chức trọng thể lễ mặc niệm người anh trong tù và nay là liệt sĩ Thomas Phước.

Nhờ các hoạt động của ban công tác Chi đội 9 mà Bảy Viễn tạo uy tín, gỡ gạc những vụ rút chạy trước đây.

Riêng Tám Tâm thì vẫn bí mật theo dõi hành tung của hai tay "tân binh" họ Lai - tân binh nhưng chúng lại được "ăn trên ngồi trước".

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play