Đó là những tiếng hú hét của đám bạn
tôi khi ngày đầu tiên gặp lại sau kì thi cuối kì. Chúng nó vui vẻ như
kiểu Tết đã đến rồi vậy. Thi xong, ai mà không vui, nhưng tôi khác tụi
nó, không muốn thể hiện ra mặt, hoặc tác phong người lớn đưa bàn tay ra
ngăn cản tôi hoà vào đám đông hò hét có phần thái quá kia.
Cái
chuyện cho khối mười hai thi đề chung, rồi thì chia số báo danh nhằm
tăng cường kinh nghiệm cho học sinh cọ xát, phòng tránh việc thi cùng
lớp sẽ chỉ bài hoặc nhìn bài, làm những điểm số quá năng lực lừa dối học sinh ỷ lại. Nhưng trong mắt tôi, đó chỉ là việc làm mất thời gian không hơn không kém. Cả đời chỉ sử dụng phao thi là môn Văn trong các bài một tiết nên tôi không quan tâm lắm đến việc nhìn bài ai đó ở những môn
khác trong thi cuối kì. Còn môn Văn cuối kì thì tôi cứ phịa ra, coi như
phó mặc cho trời đất.
-Làm bài sao mày?
-Ổn không, nhắm điểm chác bao nhiêu?
Đó là những câu hỏi mang tính tự phát, hoặc của những đứa chỉ biết học và
so điểm với bạn bè. Đa phần chẳng ai muốn nhắc tới những chuyện đã qua,
vì thế nó nhanh chóng chìm vào dĩ vãng.
Thi xong cuối kì là
khoảng thời gian cực kì sung sướng của đời học sinh. Các thầy cô cũng
không dạy nhiều lắm, chủ yếu là các giờ tự quản và tự học. Nên sơ đồ lớp xáo trộn đến mức kinh ngạc. Tôi, khi thì ngồi bàn đầu, khi thì tót vào
góc lớp, lắm lúc ngồi vào bàn đầu. Khi thì ngồi cạnh Kiên cận đánh ca-rô , khi thì ngồi cùng Phong mập vẽ hình bậy bạ. Nói chung là muôn hình
vạn trạng. Chỉ có một điều, chí ít phải cách Dung một khoảng cách an
toàn. Đó là tâm lý chung, dù cho quan hệ có dấu hiệu bình thường, hậu
chia tay.
Ngày đầu mới là chuyển chỗ, những ngày sau học sinh
được đằng chân lân đằng đầu, mang cả bài, cờ vua, cờ cá ngựa lên sát
phạt nhau. Những kẻ chiến thắng thì lâng lâng trong hơi men nước mía,
những kẻ thua thì đau khổ móc ví ra tính tiền trong tiếng cười sỉ nhục
của đám bạn. Những đứa nào không chịu nổi không khí ồn ào náo nhiệt thì
ra hẳn ban công mà ngóng gió, ngóng mây.
Và Yên là người ra ban công, chắc hẳn lớp bên cạnh cũng ồn ào không kém lớp tôi.
-Ê, Tín, ngon nhào vào đây kiếm nước mía mày!
-Tao sợ mày chắc.
-Không sợ thì vào đây.
-Không sợ nhưng để khi khác!
-Thằng nhát chết.
Nếu là bình thường, tôi sẽ chẳng để tụi bạn sỉ nhục mình như thế, nhưng
trong đầu óc tôi lúc này những quân bài tiến lên bích chuồn rô cơ kia
không thẻ cuốn hút bằng những câu chuyện vô chủ đề với Yên.
-Tình cờ ghê!
-Thật không…?
Tôi gãi đầu và đi sát lại bên cạnh, cũng bày đặt nhìn trời nhìn mây. Cố làm ra dáng rằng tôi cũng tình cờ khi trốn những tiếng ồn ào trong lớp
vậy.
-Cái gì thế?
Tôi ngơ ngác nhìn bàn tay Yên xoè ra trước mặt mình, không hiểu cô nàng đang giơ tay xin hay đòi cái gì nữa.
-Bài giải đâu?
-Ơ, mới thi xong.
-Không, cấm có cãi cô giáo!
-Ơ, thì…nghỉ ngơi chút đi Yên!-Tôi xuống giọng năn nỉ.
-Không, vậy Tín học chỉ để thi học kì này thôi à!
Ý Yên nói có phần sẽ kèm tôi suốt năm mười hai môn Anh Văn. Tất nhiên là
phải vui mừng rồi, nhưng bệnh lười là bệnh nan y khó chữa, thích thì bộc phát mọi lúc mọi nơi.
-Bạn kiếm Yên hả?
Lợi dụng cô nàng quay mặt lại nhìn xem ai kiếm mình là tôi tọt hẳn vào
lớp, chẳng dám ngoái đầu nhìn lại, sợ mình phải bắt gặp ánh mắt nhăn nhó vì cậu học trò lười biếng. Tôi gia nhập vào sòng kiếp đỏ đen.
Đánh bài tính điểm là một trò chơi giết thời gian, nhưng càng về sau càng
biến tướng một cách điên cuồng. Ban đầu còn chiến hữu nhìn nhau cười,
càng về cuối thì càng gay gắt, mặt thằng nào thằng đấy nhìn nhau gầm
ghè.
-Đánh con ba đi kìa!-Tiếng nhắc khéo bên ngoài vang lên là tôi điên hết cả người.
-Có thằng ngu mới đánh con ba, từ ba tới tám này!-Tôi chẳng thèm nhìn lại,
phán một câu chuẩn không cần chỉnh, rồi quay lại hối thúc tụi bạn đánh
tiếp. Mặt thằng nào thằng đấy đờ đẫn ra, y như chuẩn bị đầu hàng tới
nơi.
-Đánh đi mày, lâu quá!
Mặt tụi bạn đơ hơn cả cây cơ, làm tôi quay lại nhìn kẻ vừa nhắc bài với tâm trạng bất an.
Hỡi quỷ thần thiên địa, ông Thầy dạy Sử đứng nhìn qua song cửa sổ, vừa nhắc tôi đánh con ba, và cũng là người mà tôi đã chửi ngu một cách vô thức.
-Hình như mình đánh bài hơi tệ!-Nói rồi Thầy lặng lẳng bỏ đi.
Tôi ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra.
-May hú hồn, mày ngon thiệt, dám chửi cả thầy!
-Phù, hú hồn ông địa!-Thằng Hưởng quệt mồ hôi rịn ra trên áo.
Còn tôi mặt cứ đần ra, chẳng hiểu rằng Thầy có tự ái vì bị thằng học trò
chê đánh bài dở không nữa. Bọn bạn thì cười sằng sặc, còn tôi thì cứ cầm nguyên những lá bài trên tay mà không động đậy được chút nào. Cuối
cùng, sòng bài giải tán vì sợ sự việc tái diễn.
-Ê mày, qua bên sòng cá ngựa đi!
-Thôi, cái trò con nít ấy mà, chơi làm gì!-Tôi gỡ cái tai phone đang ầm ỹ nhạc, đờ đẫn nói với thằng Phong.
-Vậy tao chơi, con với chả nít.
Sòng cá ngựa thì khác gì sòng bài đâu, nhưng chí ít nó không phải là danh
sách đen những trò bị cấm lưu hành tại trường học. Bởi vì trong đầu
những nhà quản lý giáo dục, bài thì luôn đi kèm với bạc, tức là có máu
ăn thua. Còn cờ cá ngựa thì được coi là trò chơi trí tuệ, giải trí, mặc
dù nó cũng xoay quanh những con xúc xắc đầy may mắn cả. Tôi người lớn,
không thèm chơi trò con nít, kệ thằng Mập, muốn đi đâu thì đi.
Ấy vậy mà, có người lớn hơn tôi cũng chơi cái trò đó. Tôi dụi mắt ngạc
nhiên vì nụ cười tít mắt khi cô bạn tóc ngang vai sung sướng đá con ngựa của thằng bạn cùng lớp về chuồng. Bình thường làm gì có vụ này.
-“Đùa à, Dung mà cũng tham gia cái này à?”.
Không đùa, Dung còn tỏ ra là một cao thủ nữa cơ, khi những con ngựa của cô
nàng lần lượt hất văng những con chiến mã khác màu của lũ bạn về chuồng
liên tục. Phong Mập ôm đầu kêu khổ, vì trên vòng đua , chưa con ngựa nào của nó còn hiện diện.
-Nhìn Dung à…?-Nguyệt bắt quả tang tôi.
-Đâu có!
-Còn chối, cậu toàn chúa chối quanh.!
-Ờ…thì, thấy lạ thôi!-Tôi nhún vai thừa nhận.
Nguyệt ngồi đọc mấy cuốn báo hoa học trò, chắc là do thằng Vũ mua tặng, từ tốn nói tiếp với tôi:
-Thấy Dung tự nhiên và vui hơn chứ gì!
Đúng là con gái, tinh tế nhạy bé, chẳng gì có thể qua mặt được. Tôi đành tiu nghỉu, im lặng thừa nhận.
-Vậy là sau khi chia tay cậu bạn tôi đây, Dung vui hơn, hoà đồng hơn à?
-Ơ…!
Tôi muốn phản kháng lại lời cáo buộc của Nguyệt, nhưng phải im lặng, bởi đó là sự thật. Dung bớt một chút vẻ cứng nhắc thì phải. Hiển nhiên tôi dù
có mù quáng bào chữa, vớt vát một chút thể diện đi chăng nữa thì không
thể nào tự đánh lừa mình được. Sự thoải mái của Dung là sự thật, và nó
xuất hiện trở lại sau khi quen tôi cũng là sự thật.
Và những
ngày sau, những ngày học sinh tự quản, tôi dù vô tình hay chú ý thì vẫn
thỉnh thoảng thấy Dung hoà đồng hơn với bạn bè, cười nhiều hơn, không
câu nệ nội quy hay nguyên tắc như trước. Nhưng đổi lại cũng chỉ là những lần tặc lưỡi thôi kệ, ít liên quan tới mình, dù trong lòng cảm thấy hơi khó chịu. Nhưng nó cũng chỉ là phút chốc thoáng qua, những cảm giác đó
bị những câu chuyện phiếm, những nụ cười, cái vẻ dịu dàng của Yên xoá
xạch. Nói chung đó là sự khó chịu vu vơ.
Chuỗi ngày ăn nằm, chơi hò hét của chúng tôi cũng được khép lại với việc Thầy chủ nhiệm họp lớp cuối năm một cách bất ngờ. Cả lũ im phăng phắc khi cuốn sổ điểm của lớp được Thầy đặt xuống bàn giáo viên.
Điểm trung bình từng người được xướng lên một cách nhanh chóng.
-7,7!
Đó là điểm trung bình của tôi, cũng không đến nỗi tệ như tôi nghĩ! Sau
khi thằng Hải nhởn nhơ phát từng phiếu điểm cho từng người, cái làn sóng vì điểm chác một lần nữa lại được trao đổi một cách ồn ào.
-Ái chà, Anh Văn tớ được gần bảy nè Nguyệt!
Tôi mừng ra mặt, khoe luôn thành tích mà tôi đạt được trong cái môn tôi đầu đất chắc từ khi sinh ra, đầu đất bẩm sinh. Nhưng nhờ có Yên và Dung, nó được cải thiện một cách đáng kể. 6.8 cũng không phải là quá tệ với một
thằng cơ bản còn liêu xiêu.
Bỏ mặc đám bạn thân, tôi dò sang cột điểm của Dung như một thói quen. Cột anh văn thì khỏi nói rồi, gần chạm ngưỡng 8.5, trong khi các môn tự nhiên cũng suýt soát ngang ngữa với
tôi chứ có ít đâu. Tôi lắc đầu lè lưỡi khi điểm tổng kết của cô nàng đạt gần tám chấm.
-Ế, anh văn tao được sáu nè!-Thằng mập mừng quýnh lên, chắc có lẽ với nó sáu điểm cũng là một kì công lớn rồi. Tương tự
như nó, mấy thằng bạn tôi anh văn cũng vượt qua tầm sáu. Coi như không
uổng công tôi trung gian chuyển lời chỉ dẫn của Yên cho tụi nó.
Hạng của lớp tôi được chia ra khá rõ ràng, công sức của Thầy chủ nhiệm đã
sắp xếp theo thứ tự điểm trung bình. Hạng đầu thuộc về lớp phó học tập
lớp tôi, trung bình trên tám chấm. Nếu không phải vướng môn thể dục thì
cô nàng chắc ẵm luôn thành tích học sinh xuất sắc cũng nên.
-Thảo nào mắt kính dày thế!-Tôi lầm rầm trong miệng.
Hạng thứ hai thuộc về thằng Hải, nó đồng đều tất cả các môn nên điểm trung
bình khá cao. Hạng ba thuộc về Dung, không có gì phải bàn cãi. Tôi rớt
ra khỏi nhóm năm sao của lớp. Thành tích chỉ là áp sát chứ chẳng nhỉnh
gì hơn. Điểm mấy môn khác thấp hơn các khối tự nhiên nhiều. Nhưng chí ít nó cũng làm tôi tạm thời hài lòng. Sau tôi, thằng Vũ và thằng Kiên cũng phả hơi nóng với vị trí thứ bảy và thứ tám. Riêng thằng Phong thì nó
nhảy cóc bảy bậc so với năm mười một khi cán đích ở vị trí thứ hai mươi
chín, và nó tự coi đó là thành tích đáng tự hào.
-Cả lớp trật tự nghe thầy thông báo!-Thầy chủ nhiệm ổn định tình hình.
- Vậy là coi như kết thúc học kì một năm mười hai. Thời gian không còn
nhiều nữa nên các em ráng ôn luyện kiến thức từ bây giờ. Tập trung chú ý học hành.
-Dạ!-Cả lớp đồng thanh.
- Bắt đầu từ tuần sau,
các em sẽ đi học quân sự. Một tuần hai buổi vào các chiều thứ năm và thứ bảy. Do hai lớp lịch học tương tự nhau nên lớp chúng ta sẽ học chung
với 12A10.
Lần này thì cả lớp bắt đầu xì xào bàn tán. Đứa nào
nghe đến quân sự cũng nghĩ ngay đến súng ống, xe tăng boom mìn, riêng
tôi thì chỉ biết đến cụm từ học chung với lớp 12A10.
-Tao thấy anh tao hồi đó học có đẽo quả lựu đạn gỗ trông oách lắm!-Thằng Long con cung cấp tin tức.
Tôi ngồi im lặng nghe tụi nó tán phét với nhau, không tham gia. Gì chứ
riêng học quân sự với tôi nó không quan trọng. Có được quăng lựu đạn
thật cũng chả ham, chứ nói gì đến ba cái thứ lựu đạn gỗ. Cái tôi hứng
thú là viễn cảnh tôi được học chung với Yên, khi hai lớp chung lịch.
-Ế, Tín, về thôi mày!
-Ờ..về giờ!
Mong rằng cho đến tuần sau, mong rằng cho đến tuần sau. Tuần sau.
Bước ra khỏi lớp, Yên đứng chờ tôi sẵn.
-Báo cáo, trò được 6,8 môn Anh Văn!
-Vậy à?
-Sao vậy, không vui cho Tín à?-Tôi ngạc nhiên hỏi?
-Có chứ, nhưng điểm số này sang học kì sau ráng nâng cao lên nữa!-Yên cười, coi như đó là một lời hứa dành cho tôi. Và tất nhiên, tôi không còn
mong gì hơn. Càng lúc tôi càng cảm thấy mối liên kết giữa tôi và Yên
càng rõ ràng.
*******
-Nhắc lại hồi đó tao vẫn còn ức!
-Ức cái gì, hồi đó học quân sự vui thế còn gì!-Tôi uống hết trà gừng,
chuyển qua món trà đá miễn phí cho khách trong quán cà phê.
-Hai lớp học chung, cả nhóm ra chạy mười vòng quanh sân trường, nhục thật!-Thằng Kiên càu nhàu.
-Nếu hồi đấy không phải nghe theo thằng nào xúi dại thì đâu có bị Thầy hành cho như vậy-Thằng Hưởng ngồi bên cạnh hưởng ứng.
-Hồi đấy ngu vãi ra!-Tôi cũng phải gật gù.
Ngồi im nhớ lại cái cảnh gần một trăm đứa nhìn cả xóm nhà lá bị Thầy quân sự phạt chạy mười vòng quanh sân trường đến ná thở. Cứ ba đứa về cuối thì
bị phạt thêm hai vòng. Thế nên theo châm ngôn bạn thân=thân ai nấy lo,
chúng tôi cứ thế mà mở hết sức lực chạy. Đứa nào đứa nấy chạy xong chỉ
muốn nằm bệt ra sân trường mà đánh một giấc hồi phục sức lực.
Học quân sự năm 12 là một kỉ niệm đáng nhớ
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT