Nén đau thương, vượt qua cơn rát đang buốt trong từng hồi gió lạnh, tôi
vã mồ hôi mới lần mò được về tới nhà. Tất cả vì món quà của Yên đã tiếp
thêm sức mạnh nhưng muốn chiêm ngưỡng được nó, trước hết tôi phải vượt
vũ môn:
-Đi đâu giờ này mới về?-Tiếng Ba tôi nghiêm nghị vang
xuống từ phòng khách, trong khi tôi lúi húi mở cửa sau dắt xe vào để
ngay ngắn.
-Rửa chân tay lên Ba nói chuyện!-Mẹ tôi cố điều chỉnh âm
lượng, tránh khỏi Ba tôi nghe thấy, coi như là đồng mình ngầm cố gắng
bênh vực tôi qua cơn sóng gió.
-“Thôi xong, sinh nhật mà bị la là đen rồi”.
Tôi nghiến răng rửa vết thương bằng nước sạch, lau mặt mũi chân tay rồi lên phòng khách trình diện. Bao nhiêu năm đi học, roi vọt thì tôi ít có sợ, vì đánh thì đau lúc đó thôi. Chứ còn theo cái cách ngồi xuống ghế “họp
gia đình” thì mới gọi là đòn đau nhớ lâu.
-Tay chân bị làm sao
vậy?-Ánh mắt Ba tôi cúi xuống rồi lại ngước lên, dường như muốn đếm xem
trên thân thể thằng con trai ông có bao nhiêu chỗ bị xây xước.
-Dạ,
té xe thôi ạ, tông trúng trái banh!-Tôi lấp liếm đi chút ít, chứ khai
thật là quẹt thằng bé thì Ba tôi thể nào cũng vặn vẹo cho rõ ràng xem
thằng nhóc đấy bị làm sao, rồi như thế nào mà lại tông nó cũng nên!
-Lớn rồi con không cẩn thận hơn được à!-Ánh mắt ba tôi dịu xuống, chắc sau
khi thẩm định các vết thương không quá nghiêm trọng, và đánh giá là
thằng con trai dáng vóc thanh thiếu niên chịu được nên cũng không la rầy gì. Tôi im lặng chờ các câu hỏi mới.
-Học hành ra sao?
-Dạ, vẫn bình thường, sắp thi cuối kì nên bài vở cũng nhiều ạ!
-Rồi, ráng mà học, lơ mơ là anh chết với tôi. Xuống dưới nhà ăn cơm!
Trố mắt ngạc nhiên như không tin tai mình nghe gì? Lần đầu tiên Ba tôi giải quyết “tội lỗi” nhanh gọn lẹ tới mức như vậy? Không có câu hỏi làm gì
về muộn, rồi căn dặn nội quy muôn thuở “Học xong đừng đi la cà” như
thường lệ. Mãi đến khi Mẹ tôi nhắc lại một lần nữa thì tôi mới rón rén
nhấc mình ra khỏi cái ghế sa-lông, tránh gây chú ý cho Ba tôi, đi thẳng
xuống bếp. Mặc dù đã no căng với bánh trái của buổi tiệc lúc nãy, tôi
không dám trái ý Mẹ tôi. Cố gắng ra vẻ ăn thật ngon lành trong ánh mắt
hài lòng của Mẹ.
-Mười một giờ rồi đấy, ngủ đi!-Mẹ tôi tắt bóng đèn ngoài phòng khách, không quên nhắc nhở tôi khi thấy phòng tôi còn sáng đèn.
-Dạ, rồi con đi ngủ giờ đây!
Bình thường cứ mỗi lần có câu nhắc như vậy, tôi vẫn chăm chú giải bài tiếp
hoặc ít nhất cũng ngồi lì thêm một thời gian nữa mới chịu ngả lưng vào
cái giường thân yêu. Động lực nào khiến tôi hôm nay ngoan ngoãn vậy?
Kéo chăn lên kín đầu, tránh cho chút ánh sáng lọt ra ngoài báo hiệu cho hai bậc phụ huynh biết thằng con trai vẫn chưa chịu ngủ, nhẹ nhàng điều
chỉnh volume nhỏ chỉ đủ nghe, đưa hai cái tai phone lên tai. Tôi bắt đầu thưởng thức món quà mà Yên tặng.
Chiếc Mp3 Yên tặng tôi màu
xanh lá cây, chiếc tai phone đi cùng màu đen tuyền. Trong chiếc máy có
sẵn những bài hát, mà theo lời chú thích của chủ nhân nó:
-“Chẳng biết Tín có thích hay không nữa? Nhưng mà chịu khó nghe nhé. Nhớ là đừng nghe trong giờ học là được”.
Tôi chìm đắm trong những giai điệu du dương, nhẹ nhàng từ món quà phát ra.
Khẽ mơ màng chìm vào trong giấc ngủ. Và tôi biết rằng, tôi vẫn cười sung sướng trong trạng thái vô thức đấy. Và khi giấc mơ ấy kết thúc, tôi lại được khoác lên mình chiếc áo trắng học trò, mang sách vở đến trường,
nơi tôi có thể gặp chủ nhân của “người bạn đưa tôi vào giấc ngủ”.
“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” ban đầu là câu nói để cổ vũ tinh
thần ham học hỏi của toàn dân. Với những người làm giáo dục, vui ở đây
là được tiếp thu kiến thức, được học hành cống hiến cho xã hội. Nhưng
với những người tuổi học trò, vui lại là những trò quậy phá, những nụ
cười từ những người bạn xung quanh, cho đến những tình huống dở khóc dở
cười.
Vậy thì có gì khác với tôi? Khác chứ, vì tôi đã là thanh
niên mười tám tuổi, cái tuổi theo luật đã là tuổi tự lập. Ý thức được
cái “người lớn “ của mình nên tôi cũng hạn chế bớt những trò quậy phá.
Ấy vậy mà trời không chiều lòng người.
-Ấy Tín, chuyển dùm thằng Linh!-Thằng Phong mập đưa tờ giấy qua cho Nguyệt, rồi Nguyệt đưa lại tay tôi.
Oái ăm ở chỗ thằng Linh cách tôi hai bàn, mà bệnh Lười thì ngăn tôi mở
miệng nhờ vả mấy đứa ngồi gần chuyển lên. Canh me lúc cô giáo dạy Văn
đang viết hết cái phân tích bài thơ đang học, tôi thực hiện ngay ý đồ.
Học thì đi đôi với hành, áp dụng công thức ném xiên, tôi giơ cọng tóc canh
hướng gió, nhấp nhứ cánh tay theo hình vòng cung, lực cổ tay kết hợp với trọng lực đưa cục giấy được vò lại vẽ nên một đường cong tuyệt hảo. Cục giấy chúi xuống rơi cái chóc ngay đầu thằng Linh Vẹo.
-Các em có hiểu…..Tín!
Hỡi ôi, làm việc thiện ngàn lần không ai báo đáp, chỉ cần ác một lần là
trời đã không dung. Đúng lúc cuộn giấy được gửi theo đường hàng không
đáp bến thì vô tình cô giáo quay xuống hỏi lớp. Và sau cặp mắt kính, cái thằng học sinh ở cuối lớp vẫn chưa kịp hạ tay xuống.
-Linh, đưa lên cho cô.
Nhấc gọng kính một cách đầy nghệ thuật, mặt cô đỏ bừng bừng, cố hạ giọng và
bình tĩnh hết mức, giọng nói du dương bắt đầu đọc nội dung:
-Thằng nào ngu mới mở cuộn giấy này ra!
Và để chứng minh mình không bịa đặt, Cô giơ tờ giấy nhăn nhúm ra trình bàn dân thiên hạ. Cái dòng chữ to bự chảng ngoằn nghèo hiện rõ mồn một.Cái
trò này tôi khai sinh ra nó. Và cũng vì nó có thể tôi sẽ “ thân bại danh liệt”. Mặt cô lại chuyển qua màu đỏ tía, đỉnh cao của sự giận dữ:
-Anh đi ra ngoài cho tôi, mất tập trung làm ảnh hưởng các bạn khác!
-Nhưng thưa cô..!
-Không giải thích, không van xin, đi ra ngoài đứng cửa lớp.
Trong một ngày mà bạn là đứa học sinh ngoan ngoãn, chỉ vì tiện tay giúp đỡ
bạn bè mà bị phạt thì thật là oan ức. Đã thế ra đứng cửa lớp, có mấy cô
bé lớp dưới đi đâu đó ngang qua cứ chỉ trỏ tôi rồi cười khúc khích. Bao
nhiêu oan ức tích tụ tôi dồn hết cả vào thằng Mập trong trí tượng tượng. Đấm đá cào cấu nó cho ra bã mới thôi.
-Mày là thằng hại bạn..!
-Ơ..bớt..!
Chẳng để thằng bạn nói hết câu, tôi nhảy lên ghế, ghí đầu nó xuống bàn mà đấm đá liên hồi. Không khí lớp trong giờ ra chơi càng vì thế mà nhốn nháo.
Một loạt thằng khác nhảy vào, tranh thủ thừa nước đục thả câu hùa theo
tôi đấm thằng Mập khí thế.
Thằng Mập nhừ đòn nằm vật vã ra bàn
thở hồng hộc, còn anh em thì kéo hết ra ban công. Ngang qua chỗ Dung,
tôi chỉ kịp nghe câu nói:
-Lại một lỗi nữa rồi!
Đó là
một câu nói quen thuộc của cô nàng, nhưng vào thời điểm này nó không có
gì gọi là đay nghiến hay muốn nhắc nhở tôi không được quên mình là ban
cán sự lớp. Đơn giản nó đó là câu nhắc nhở giữa những người bạn. Có chút gì đó hụt hẫng. Thật lạ là lúc bình thường tôi sẽ có chút ức chế với
câu nói này, nhưng giờ đây sắc thái khác thì tôi lại cảm thấy chút gì đó không vừa lòng.
Thật lạ, à không phải nói là tâm tình của tôi thật mâu thuẫn!
-Tại thằng Mập nó chơi đểu đó!
Tôi nhoẻn miệng cười đáp lại Dung, rồi biến mất khỏi lớp trong khi cô nàng
quay về phía cuối lớp nhìn thằng nạn nhân của vụ hành hung đang nằm thở
phì phò trên bàn, đầu tóc thì rối tung, cúc áo thì tuột hơn một nữa. Vạt áo thì chỗ đóng thùng, chỗ bay hẳn ra ngoài.
-Hôm nay bị đứng ngoài lớp đúng không?-Yên hơi nhăn mặt nhìn tôi khi hai đứa vô tình chạm mặt nhau ở cổng trường giờ tan học.
-Ờ, tại thằng bạn chơi xỏ nên mới phải dời long thể ra làm gác cổng
đấy!-Tôi hừ mắt nhìn thằng Mập đang lững thửng đi phía sau, nó biết điều chẳng lành nên né tôi xa xa thêm một chút.
-Mấy người này quậy như giặc ấy!
-Tín làm gì có?-Tôi giãy nãy lên như kiểu em bé vừa bị giật mất chiếc cà rem đang mút giở.
-Có nhiều lắm, mấy người kia là giặc thì Tín là đại giặc!-Yên thản nhiên như không.
-Không có, dạo này lớn rồi nên hơi ngoan nhé!-Đưa tay chỉnh lại bộ dạng đứng đắn, tôi ưỡn ngực tự tin.
-Hì, rồi tạm công nhận Tín ngoan vậy, giờ thì..Yên về nhé!-Giọng cô nàng có chút gì đó bùi ngùi.
-Ờ…!-Tôi kéo dài trong cái không khí “bùi ngùi “ của Yên để lại, nhìn cô nàng bắt đầu đạp xe đi.
-Yên, cảm ơn món quà nhé!
Đáp lại lời nói là một gương mặt dịu dàng, một nụ cười đầy nữ tính trong mái tóc dài buông thả cho gió và nắng đùa cợt. Một cái vẫy tay chào tạm biệt. Đơn giản thế thôi, nhưng công hiệu nó dài dài, khiến tôi nở nụ
cười trên môi mãi không thôi.
Mặc dù đã trả thù thằng Mập bằng
cách tra tấn nó một màn te tua, nhưng nó chưa hề thoả mãn tâm lý “ăn
thua” của tôi. Quân tử có thù đã báo, nhưng ở đời có khoản nợ nào mà
không có lãi. Và ngày cuối tuần là ngày tôi phải lấy lãi của thằng
Phong.
-Khốn nạn đứa nào chôm mất cuốn sách Giáo dục công dân của tao rồi!
Thằng Phong gào rú lên một cách đau đớn trong giờ chuyển tiết. Không lo làm
sao được khi môn đó đích thân thầy Phó Hiệu Trưởng đứng lớp. Nổi tiếng
hắc ám với công thức” Đi học mà không có sách bằng đi ra ngoài”. Và đó
là lý do mà thằng Mập phải đổ hết mọi thứ trong cặp nó lên bàn kiểm tra
một lần cuối. Nó lắc lắc thật mạnh cầu trời cho cuốn sách vô tình rớt
ra. Nhưng vô vọng, cúi xuống dưới nền phòng học cũng chẳng thấy tăm
hơi.
-Mày có mang không đấy?
-Có tao chắc mà, đầu giờ tao còn thấy đây này!-Nó chẳng buồn nhìn thằng Hà lấy một lần, vẫn dáo dác tìm kiếm trong tuyệt vọng.
Chí ít nó cũng thể hiện sự nhạy bén trong suy đoán bằng cách đẩy ánh mắt
nghi hoặc sang tôi, nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống. Tôi ngồi im, không
lên tiếng, vì lên tiếng hỏi han nó trong hoàn cảnh đau khổ chẳng khác gì lạy ông tôi ở bụi này.
-Mày giấu phải không! Câu hỏi tu từ thì tất nhiên nó nghi ngờ tôi là chắc.
-Giấu gì thằng điên?
-Sách của tao!
-Không có!
-Tao không tin.
-Mày không tin thì đây.
Tôi bắt chước nó đưa cái balo lên, đổ hết mọi thứ lên bàn, cố lắc thật mạnh xem có cuốn sách giáo dục công dân nào rớt lên mặt bàn ngoại trừ cuốn
sách của tôi hay không. Nhưng thuỷ chung là không. Thằng mập không còn
cơ sở nào bấu víu, thẩn thờ ngồi phịch xuống ghế, chắc là đang cầu trời
khấn phật khi vị trí địa lý của nó nằm ở chỗ thuận lợi-cuối lớp, ít ai
để ý tới. Tôi cười khẩy khi âm mưu mình thành công. Tôi chấp nhận không
làm anh hùng hảo hán tự làm tự chịu, thà tiểu nhân còn hơn cuối giờ no
đòn với thằng Mập. Cuốn sách của nó giờ đang an vị dưới cặp thằng Hưởng. Chiêu ném đá giấu tay sẽ đẩy mọi tội trạng lên thằng bạn một cách trắng trợn nhất.
-Sách em đâu!
-Dạ….!
-Tôi hỏi sách em đâu.!
-Dạ, mới mất..!-Thằng Mập lí nhí trong cuống họng.
-Không thuyết phục!
-……….!
-Tự giác đi thôi!-Thầy hiệu phó không cho thằng Mập cơ hội nữa.
Tiết học giáo dục công dân hôm đó, lớp tôi thiếu mât một người. Hiển nhiên
thành viên đó thay tôi đứng ngoài canh gác hoà bình thế giới cho lũ bạn
trong lớp được yên tĩnh học bài rồi. Kết thúc một tuần học, cả tôi và
thằng Phong Mập đều mang trong mình tội danh, chuẩn bị đi lao động công
ích.
-Sách mày phải không?-Thằng Kiên cận đưa cuốn sách cho thằng Mập.
-Mày…….!
-Không phải, tao nhìn thấy nó dưới cặp tao!
-Không thuyết phục!-Thằng mập gào lên và ôm chầm lấy thằng Kiên cận, dí nó
xuống bàn chuẩn bị tra tấn. Cả nhóm xóm nhà lá lại thừa nước đục thả
câu. Chỉ có riêng tôi và thằng Hưởng đứng ngoài. Chí ít tôi còn sót lại
chút lương tâm khi không thể “ vừa ăn cắp vừa la làng được”. Còn thằng
Hưởng thì quá khôn ngoan khi đấy mọi tội trạng sang cho thằng Kiên gánh
chịu. Chỉ tội cho cái thằng Cận, bị đánh cho xù đầu cũng không biết ai
đã hại mình.
-Thằng khốn, buông tao ra, tao đã bảo…ái
da.,hự!-Tiếng mông thằng Kiên chạm vào nền chát chúa. Cái thế giã gạo
này thì chỉ khi nào ê hết mông tụi nó mới tha cho thôi.
-Không
thuyết phục, hại tao này!-Thằng Phong nhái tiếng Thầy Hiệu Phó, bao
nhiêu thù oán trút hết lên người thằng Kiên, trong tiếng la ó ồn ào cổ
vũ của lớp.
Tôi khoan khoái cắm tai phone vào cái Mp3 Yên tặng,
nhịp nhịp theo giai điệu và theo những lần lên xuống, những lần cái mông thằng Kiên va vào nền nhà chát chúa. Mỉm cười vì hình ảnh đáng yêu của
tuổi học trò, và của riêng lớp tôi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT