Bước ra khỏi cửa lớp, tôi đi thẳng, không ngoảnh mặt lại. Có gì đó hụt hẫng, rạn vỡ. Khi người ta sống trong tình cảm quá nhiều, nó bỗng nhiên quay ngoắt trở thành xa lạ, khiến cho con người ta không dễ thích nghi. Chấp nhận và lặng im, một chút phần sai về mình khi đẩy sự việc đến nước này, không còn gì bao biện nữa. Tôi lặng im bước chân ra khỏi cổng trường.

-A, a…anh Tín!- Một giọng nói gọi giật tôi lại đằng sau.

- Hở?

-Gặp em mà cái mặt đó là sao? Bé Thuỳ nheo mắt nhìn tôi, còn bạn con bé thì cứ nhìn tôi từ đầu xuống chân.

-Ờ, không, vui chứ!

-Mặt anh thế mà vui à, trông cứ như seven love ấy!

-Seven love là gì?-Tôi thần mặt ra.

-Là thất tình anh ạ!-Con bé cười tươi chua từng thấy.

Vậy là hoá ra tôi đang mang bộ dạng thất tình. Có lẽ khi không có ai ở bên, hoặc ở một nơi xa lạ nào đó, tôi mới dám sống đúng với bộ dạng thực này. Còn ở trong lớp, vẫn là thằng Tín lắm trò, chuyên gia đầu têu của xóm nhà lá, hẳn là để che mắt lũ anh em chiến hữu.

-Ừ, hai đứa ngồi chơi, anh về không muộn bus.

-Dạ, về cẩn thận nha anh, không vấp đá té giờ-Bé Thuỳ nhí nhảnh dặn dò.

-Vâng, có té anh cũng lôi thằng Bình theo mà!-Tôi vừa nói vừa nhìn mặt bé Thuỳ dần đỏ lựng.

Ra khỏi cổng trường thì chiếc xe bus cũng vừa bấm còi báo hiệu tới trạm. Mở hết tốc lực phóng theo, leo lên xe mà mồ hôi nhễ nhại. Hôm nay chẳng biết giờ thiêng hay sao mà xe chật cứng, báo hại cả đám con trai phải tỏ vẻ ga-lăng nhường ghế cho mấy bạn nữ. Tôi vịn tay nắm, thẫn thờ trên xe.

-K.iii.ít!

Tiếng phanh xe vang lên thành một tràng dài khó chịu, gấp gáp và đầy bất ngờ. Hành khách trên xe ngả nghiêng theo quán tính. Báo hại những người đang đứng xô đổ hàng loạt. Một bác lớn tuổi không giữ vững nổi thăng bằng, té nhào vào người tôi.

-Ôn con, đi xe kiểu gì thế hả?

Bác tài xế thò đầu ra ngoài bực tức quát mắng thằng nhóc đi xe máy không đội nón lạng lách. Lầm rầm khó chịu, quay ra phía sau nhìn hành khách ổn định rồi cho xe chạy tiếp, không quên buông một câu thở dài:

-Thời giờ lắm thằng không muốn sống!

Thằng Nhân đỡ ông bác vừa té, còn thằng Hoàng kéo tay tôi đứng dậy. Lấm lem và ê ẩm, ông bác quay qua tôi xin lỗi. Lắc đầu cười tỏ vẻ không sao, tôi lại vô hồn nắm tay vịn.

-Ê, của mày nè!

-Ơ, nó rớt rồi à?

-Ừ, chắc lúc nãy té chứ gì?

-Ừ, chắc thế rồi.

-Ha ha, tao nghĩ Dung nó cho mày chết!

Thằng Hoàng đưa cái móc khoá đồng xu bị đứt chốt cho tôi. Cái móc khoá theo tôi hơn một năm học nay đã thành hai phần. Dây đeo bằng inox đứt ngang lủng lẳng trên balo, cái hình đồng xu thì nằm gọn trong lòng bàn tay.

-Chẳng lẽ là cái điềm?-Tôi buột miệng thốt ra.

-Điềm gì mày, dạo này mê tín à?

-Ờ không..!

Thằng Nhân không hứng thú với chủ đề này nên lắc đầu quay mặt ra cửa sổ ngắm nhìn cảnh vật đang trôi qua nhanh. Mở khoá ngăn kéo balo, để chiếc đồng xu vào trong cặp. Không hiểu rằng chỉ là tình cờ hay điềm báo mà cái móc khoá lại đứt vào lúc này cơ chứ.

-Thôi đừng tiếc nữa!-Nhân đen vỗ vai tôi.

-….!

-Mày nhớ phi vụ buổi chiều nhé!

-Ừ, nhớ rồi, mà chắc chắn đấy nhé, không nhờ được là toi cơm.

-Tao chắc như đinh đóng cột mà!-Thằng Nhân ưỡn ngực tự hào.

-Nhưng mà cột hay sút đinh chứ gì?-Thằng Hoàng cắt ngang cơn mơ mộng.

Ba thằng tôi âm mưu chơi trội, tính dành cho cả lớp một phen bất ngờ. Tờ báo tường theo như cả lớp nhất trí là làm theo kiểu khung cửa sổ. Ngặt một nỗi, nếu làm tất cả bằng giấy bìa cứng thì không có hồn. Thằng Nhân đề xuất nhờ tới Bác ruột của nó.

-Vậy ba giờ chiều nhé, qua sớm còn đi học nữa!

-Rồi, bốn giờ đi học là vừa, vậy nhé!

Trở về tới nhà, để chiếc balo xuống bàn, tôi chạy xuống nhà lấy kềm chỉnh lại cái móc chìa khoá. Có vẻ nó vô phương cứu chữa, dây thì đứt ngang, cái chốt chiếc móc cũng gãy từ lúc nào. Thở dài ngao ngán, đành xếp nó vào góc ngăn kéo.

Trời chẳng chiều lòng người. Ba giờ chiều trời mưa tầm tã, mây đen dày đặc. Ba thằng con trai đứng xuýt xoa vì hơi lạnh trong xưởng gỗ của bác thằng Nhân. Hương gỗ phả lên thơm phức. Tiếng máy cưa ồn ào khô rốc vang lên đều đều hoà với tiếng mưa lộp độp trên mái tôn như một điệu nhạc lạc nhịp.

-Giờ sao đây các đồng chí?

-Dạ, là làm cái bản lề với kích thước như này ạ!-Nhân đen đưa cho Bác nó tờ giấy khung vẽ có ghi rõ những con số.

Bác thằng Nhân đen khá vui tính, nhìn cái bản vẽ rồi gật đầu đồng ý. Ngoài ra Bác Tùng với kinh nghiệm trong nghề còn giúp chúng tôi chỉnh sửa lại một chút cho phù hợp.

-Giờ làm cái khung để có thể đóng mở như cửa sổ thì kích thước cái khung cửa phải to để các cháu dán giấy. Còn cửa kính thì có thể dùng giấy bóng để làm.

Ba thằng tôi gật đầu vâng dạ vì trót múa rìu qua mắt thợ. Tin tưởng vì chọn đúng “ mặt gửi vàng” nên vô cùng yên tâm. Phen này ba thằng tôi sẽ tạo nên bất ngờ cho cả lớp chứ chẳng chơi.

-Dạ thôi, tạnh mưa rồi con xin phép Bác đi học, có gì ngày kia con qua lấy!

-Ừ, ráng mà học đi. Sắp thi đại học rồi đấy.

Tôi và thằng Hoàng gật đầu vâng dạ, cảm ơn rối rít. Chào Bác rồi quay ngược trở lại xóm đón Nguyệt đi học chung. Trời mưa chưa ngớt nên không khí lạnh nay còn lạnh hơn. Khẽ rùng mình kéo chiếc áo khoác kín cổ, thằng Hoàng đưa mắt nhìn tôi:

-Mày không đeo khăn Dung nó ăn thịt mày đấy.

-Đeo vào đi thằng sợ vợ!-Nhân đen cài lại cú áo cũng bon chen xỉa xói.

-Ờ, không lạnh lắm, chưa bị vợ bắt mang!

Tôi nhe răng ra cười,cũng kéo khoá ngang cổ, đạp chân chống xe và bắt đầu nhấn pê-đan. Bên trên, trời vẫn âm u chỉ chực trút mưa xuống tiếp. Ba thằng tôi rẽ về con đường dẫn vào xóm quen thuộc đón Nguyệt. Bốn đứa lại hối hả đạp xe lên cho kịp giờ học.

-Kịp giờ quá hen!-Yên ngồi ở vị trí quen thuộc, trong góc bàn cuối quay sang cười tươi.

-Hì hì, chăm học mà, đội mưa đi học đây!-Tôi lôi cuốn vở Hoá ra để lên bàn sẵn.

-Có không, hay là chăm học rồi trời mới động mưa!-Yên bắt lý lại tôi.

-Ơ, thì như nhau thôi, sao hôm nay Yên bạo gan quá vậy!

-Ờ, thì…….thì trời mưa mà!

Yên lại cười. Có lẽ đó là điều tôi cảm thấy ấm áp trong cơn lạnh đang bao trùm lớp học. Một chút dịu dàng, đủ cho tôi cảm thấy an lòng, là nơi tôi cảm thấy mình được sẻ chia, được ai đó gánh bớt đi âu lo.

Tiếng ho nhỏ nhẹ lướt qua chiếc bàn tôi ngồi. Dung đưa tay che miệng, dáng vẻ mệt mỏi hiện rõ. Gương mặt có chút nhợt đi, vài giọt mưa còn đọng lại trên tóc. Vẻ tươi tắn và kiên định thường ngày cũng phai đi ít nhiều.

-“Mệt thì nghĩ đi, cứ làm gì cũng quá sức thành phá sức chứ được cái gì?”.

Hiển nhiên Dung không thể nào nghe được những gì tôi đang nghĩ. Khẽ nở nụ cười gượng gạo, Nàng đặt cặp lên trước bàn rồi thẫn thờ ngồi tựa ra sau. Khi có ai hỏi han thì cũng chỉ lắc đầu với câu trả lời rập khuôn như nhau.

-Dung không sao, hơi ho tí thôi!

Đám bạn chưa hề biết chuyện gì đang xảy ra giữa tôi và Dung nên vẫn quy chụp cả hai thành một. Hễ tôi gây chuyện thì lôi cả Dung vào, và giờ thì ngược lại:

-Ê, vợ mày bị sao kìa!

-Dung bị ốm kìa thằng Tín!

-Tối về nấu cháo hành cho em nó ăn nhé!

Mặt tôi nóng dần, từ từ chuyển sang màu đỏ và tỉ lệ thuận với những lời trêu chọc. Giờ thì cảm giác ngại hơi lấn át cảm giác tự hào, tôi cười xuề xoà cho qua chuyện. Vô tình nhìn thấy Ngữ Yên có chút gì đó không vui.

-Yên sao thế?

-…..!

-Yên ơi, Yên ới ơi!

-Tín gọi gì thì nói đi!

-À không, thấy mặt buồn buồn nên hỏi thôi!

Và câu nhận định của tôi càng làm cho Yên buồn hơn thì phải. Cô nàng im bặt từ đầu đến cuối, chẳng nói một câu nào.

-Yên, mượn cái máy tính!-Tôi cố tìm lý do bắt chuyện.

-Ừ!

Mượn xong tôi cố tình không trả, cứ để lỳ bên cạnh. Ngữ Yên chẳng nói gì cả, với tay qua lấy lại.

-“Bình thường chắc phải véo mình đòi lại máy mà”!-Tôi phân vân.

-Chưa xong mà?

-Nhưng Yên tính mà!-Ngữ Yên chăm chú ấn số, không quay qua nhìn tôi trả lời.

Đám bạn tôi ở bàn trên vô công rỗi nghề quay xuống nhìn tôi:

-Thôi anh ơi, mượn máy em mà xài này!

-Ừ, anh Tín ứ lo học mà toàn lo chọc bạn Yên thôi!-Thằng Long con lại giở cái giọng eo éo ra.

Mặt tôi lại đỏ rực lần nữa vì bọn bạn đâm trúng tim đen thành ra im như thóc luôn. Tụi nó nhìn tôi chỉ trỏ mà cười. Ngữ Yên chẳng biểu hiện gì thêm, im lặng tiếp tục làm bài.

-Bài tập hôm nay xong, bữa học sau sẽ có bài kiểm tra lại chương!-Cô giáo đứng trên bảng thông báo, điều đó đồng nghĩa với việc buổi học thêm kết thúc.

Ngữ Yên đã cất hết sách vở vào cặp và chuẩn bị bước ra về, còn tôi thì cứ nấn ná câu giờ thêm. Cô nàng đứng dậy, chờ tôi bước ra tránh đường nhưng tôi làm như không thấy, ngồi im nấn ná thêm.

-Tín, cho Yên qua!

-Cái gì cơ?-Tôi giả bộ không nghe thấy gì, cố tình chọc Yên chơi.

Đáp lại hành động giả điếc của tôi là sự im lặng của Ngữ Yên. Cuối cùng tôi đành phải bước ra nhường bước cô nàng ra về. Trong trò chơi thi nhẫn nại, tôi tự hào vì mình là kẻ thua cuộc nhiều nhất.

Tôi cất nốt đống sách vở trên bàn, thì Dung cũng bước ngang qua. Khuôn mặt có vẻ càng tái đi sau buổi học. Nàng đi ngang qua, không nhìn tôi lấy một chút, rõ ràng là muốn tránh mặt đây.

-Mày, tao đi có việc xíu, chờ tụi mày ở ngoài ngã ba nha!

Tôi vỗ vai thằng Hoàng rồi nhanh chóng rời khỏi lớp trước khi thằng bạn chưa kịp phản ứng. Lấy xe đạp, nhấn mạnh pê đan nhằm hướng về nhà Dung mà đạp tới. Cái khăn mà Dung tự tay đan tặng tôi nằm ở trước giỏ xe.

Chiếc xe lao nhanh trên đường, gió rít lên bên tai. Tôi đạp xe thật nhanh và nhìn thấy rõ Dung ở trước.

-Dung!

-……!-Dung dừng xe quay lại, im lặng chờ tôi tiếp lời.

Đạp chân chống xe, với lấy chiếc khăn trong giỏ, tôi bước đến thật gần Nàng. Nhỏ bé và yếu đuối, tôi choàng chiếc khăn giữa ấm do chính tay Nàng tạo nên. Chỉ là khoảnh khắc thôi nhưng tôi vẫn còn cảm thấy tim đập mạnh trong lồng ngực.

-Nhớ giữ gìn sức khoẻ, không phải lúc nào cũng có ai nhắc được đâu!

-Ừm!-Dung lại dùng tay che miệng, cố kìm cơn ho trước mặt tôi.

-Tín…về đây!

Tôi đạp xe về hướng ngược lại. Cảm giác hồi hộp dần dần phai tàn đi, thay thế nó là cảm giác thoải mái dễ chịu. Dung có thể sẽ dịu đi những thái độ xa lạ với tôi, có thể như vậy lắm chứ. Tôi không lợi dụng việc lúc nãy để đạt được mục đích đó bởi vì tôi thực lòng quan tâm tới Nàng. Chỉ cần như vậy thôi, tôi đã thể hiện được sự quan tâm của mình tới Nàng, như chính Nàng đã từng thể hiện vậy. Hi vọng vào ngày mai, chiếc khăn ấy sẽ trở lại tay tôi, mang theo những tình cảm của Nàng.

Sau cơn mưa trời sẽ sáng, có lẽ là như vậy!

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play