Người khách trọ tôi nhớ nhất là một phụ nữ ngoại quốc tên Iris.
Một hôm, chúng tôi nhận được một tờ fax bằng tiếng Anh.
- Sắp xếp cho tôi một phòng đơn có kèm ăn sáng vào hai tối mười bảy và
mười tám tháng Chín. Khoảng năm giờ chiều tôi sẽ đến bằng taxi. - Tôi
dịch cho mẹ nghe.
Người ấy đội mũ rộng vành đính ruy băng to, xách theo một va li, và đến đúng giờ như đã hẹn.
- Quý khách đã không quản đường xá xa xôi đến đây. Tôi đã chuẩn bị cho
quý khách phòng tốt nhất rồi đấy ạ. Xin mời, xin mời vào. - Hiếm khi có
khách nước ngoài nên mẹ tỏ ra dịu dàng hơn mọi khi.
- Tôi chẳng biết tí tiếng Anh nào đâu. Nhưng con bé này hiểu được một chút nên có gì cứ nói với nó nhé!
Chẳng biết người đó có hiểu mẹ tôi nói gì không, nhưng cô bỏ mũ ra, vuốt mái
tóc màu hạt dẻ và nở một nụ cười dễ mến. Dáng người cô thanh mảnh, tay
và chân thon dài, cô mặc một chiếc váy giản dị.
Khi ấy không khí
giữa ba chúng tôi rít lên khe khẽ, trong khoảnh khắc, tôi cảm thấy ran
rát trên da. Không đến mức đau đớn, nhưng chắc chắn không thề làm ngơ
được.
Cô ấy bị mù.
- Tôi rất vui khi được trọ tại một nơi có tên giống tên của mình. Liệu cô có thể miêu tả qua cho tôi về bài trí
trong quán trọ và phòng tôi như thế nào được không? Nếu được thế thì về
sau sẽ dễ dàng hơn. Tôi có thể làm mọi việc một mình được. - Cô nói,
giọng rất dễ nghe.
- Vâng, tất nhiên rồi ạ. - Tôi trả lời.
Vì bị mẹ huých khuỷu tay, nên tôi chỉ nói những điểm quan trọng. Mẹ tôi
chống cùi chỏ vào quầy thu ngân, nhìn chòng chọc cô ấy từ dưới lên. Nụ
cười dịu dàng khi nãy biến mất, bà nhăn trán, rồi lấy ngón trỏ day day
thái dương. Và sau đó, không phải là căn phòng tốt nhất đã chuẩn bị từ
trước, bà đưa tôi chìa khóa của căn phòng chật chội nhất mà phong cảnh
cũng như sự thông thoáng và vòi nước nóng đều chẳng ra sao.
Khi
tôi khuân hành lý lên, cô nói lời cảm ơn một cách lịch sự. Tôi muốn nói
với cô ấy là nếu có gì bất tiện thì cứ gọi đừng khách sáo, nhưng vốn
tiếng Anh không đủ. Thay vào đó, tôi nắm bàn tay cô khi cô đang bỏ mũ ra và dẫn cô tới tận chỗ móc áo trên tường. Cái ruy băng trên chiếc mũ trở nên nhỏ bé trong căn phòng u ám.
Tôi không ra khỏi phòng ngay, mà dừng lại trước cái mũ một hồi lâu. Con ngươi của cô ấy màu xanh nhạt,
nó đẹp như thể không phải là mắt người vậy.
- Sao không phải là phòng 301? Chúng ta vẫn còn trống bao nhiêu phòng cơ mà! - Tôi phàn nàn với mẹ.
- Mày đúng là con ngốc! Cô ta không nhìn thấy gì cơ mà. Thế nghĩa là
chẳng can hệ gì đến chuyện có nhìn thấy biển từ cửa sổ hay không, đúng
không nào? - Mẹ tôi trả lời bằng giọng khẽ khàng kiểu “phải cẩn thận vì
cô ta có thể nghe được”.
Cô Iris đi thám hiểm từng ngóc ngách
trong quán trọ. Cô đếm số bậc cầu thang, đo chiều dài hành lang bằng
bước chân, và xác định cửa nhà ăn. Bàn tay cô không bỏ sót bất kỳ chỗ
nào: công tắc điện, cái khung tranh đầy bụi bẩn, bản lề của cánh cửa,
rèm cửa và cái chặn rèm cửa, những vết xước ở tay vịn cầu thang, rồi cả
giấy dán tường đã bong tróc... Cô làm sống lại những đồ vật chúng tôi đã quên từ bao giờ, sưởi ấm chúng bằng lòng bàn tay và âu yếm chúng. Dường như cô đã trở thành hiện thân của nữ thần cầu vồng để yêu thương chốn
này.
Người thực sự yêu quán trọ Hoa Diên Vỹ chỉ có mình cô ấy.
*
* *
Tôi chưa bao giờ thấy biết ơn mẹ vì đã búi tóc cho tôi, cho đến ngày đó.
Tôi có hẹn ăn trưa với dịch giả. Chỗ ông ta đặt trước là nhà hàng cao cấp nhất trong thị trấn mà tôi chưa từng vào bao giờ.
May nhờ có mẹ nên tôi không cần lo chuyện đầu tóc. Thực lòng tôi muốn thắt
ruy băng, nhưng chắc sẽ bị hỏi dồn là tại sao đi gặp một bà già mà lại
phải ăn diện thế, nên không dám nói ra.
Tôi quyết định mặc chiếc
váy hoa nhỏ màu vàng. Tuy kiểu của nó hơi lỗi mốt, nhưng để mặc ra ngoài thì tôi chỉ có mỗi cái váy ấy thôi. Túi xách của tôi là thứ rẻ tiền
theo kiểu trẻ con, mũ màu rơm nhạt.
Nhưng giày của tôi là đồ da
thật. Đó là đồ khách bỏ quên. Vì địa chỉ trong sổ khách trọ ghi vớ vấn,
nên không bắt liên lạc được. Và “Thế thì cho mình xin!” - mẹ tôi nói
thế. Mũi giày hơi chật một chút, còn lại không vấn đề gì.
Tôi lén
mở ngăn kéo bàn trang điểm của mẹ. Có bốn, năm thỏi son bôi dở nằm làn
lóc. Cái nào cũng có vẻ quá lòe loẹt, nhưng mà bôi một tí chắc chẳng
sao, nghĩ vậy tôi lấy một thỏi ra thử. Phần đầu thỏi bị vẹt giống hình
môi của mẹ. Tôi liền ấn thử chỗ đó lên môi mình. Một mùi hương bí ẩn tỏa ra, tim tôi đập thình thịch. Tâm trạng của bà giúp việc lúc chôm đồ
cũng như thế này sao? - tôi nghĩ.
Tôi cẩn thận quệt son. Màu son
bắt đầu sáng lên trên khuôn mặt một cách vô duyên. Tôi vội vàng lấy khăn giấy chùi đi. Lần này nó nhoét ra ngoài trông càng xấu hơn.
Tôi
lo lắng không biết khi nào mẹ tôi sẽ vào phòng. Cũng sắp đến giờ hẹn.
Tôi miệt mài tô son như thể mong ước lớn nhất của dịch giả là tôi có thể thoa son giỏi vậy.
Tôi sợ làm ông ta thất vọng. Ông đã run rẩy
đến thế khi định chạm vào tóc tôi, vậy mà tôi lại không đáp ứng được
nguyện vọng của ông thì ông sẽ buồn thế nào, tôi sợ phải tưởng tượng ra
cảnh đó.
Rồi thì tôi cũng bôi được son cho gọn. Tôi đi tất, đội
cái mũ màu rơm nhạt, xem xem khóa váy đã kéo chưa. Cũng có một người
khác nữa trong cùng một ngày, cùng một giờ, đang hướng về cùng một địa
điểm, như tôi. Điều đó khiến tôi thấy vui.
Tôi chỉ nói “Con đi đây ạ!” với mẹ đang dọn dẹp phòng ở tầng ba cùng bà giúp việc, rồi tôi băng qua sân trong ra cửa và chạy thẳng đến chỗ đồng hồ hoa trên quảng
trường trung tâm.
*
* *
- Thư có an toàn đến tới tay cô không? - Dịch giả hỏi.
- Vâng, không sao ạ. - Tôi trả lời.
- Tôi chỉ lo lắng mỗi chuyện đó. Cứ nghĩ giả sử cô không trông thấy bức thư, và nó trôi dạt đến đâu đó là tôi lại thấy bồn chồn.
Ông ta nâng vành mũ của tôi lên một chút, có lẽ muốn nhìn tôi rõ hơn. Tôi
nheo mắt bối rối. Mặt trời đã hoàn toàn mang dáng dấp mùa hè. Sau lưng
chúng tôi, cậu thiếu niên vẫn lặng thinh chơi phong cầm.
- Đói bụng chưa? - Dịch giả hỏi.
Tôi gật đầu. Song thực sự tôi cũng chẳng biết mình có đói không. Mắt tôi,
da tôi, tai tôi trở nên nhạy bén để quan sát người đàn ông đã lâu không
gặp, còn các cơ quan nội tạng thì chẳng có cảm giác gì.
Chúng tôi
đi dọc theo bờ biển tới nhà hàng. Trên bãi biển căng rất nhiều ô. Tường
thành hiện lên rõ mồn một. Nhiều người đi từ dãy đá ra đó xếp thành
hàng. Một số người sau lưng đầy cát, số khác mặc áo phông trùm lên bộ đồ bơi còn ướt, cả những người ôm những chiếc phao bơi căng phồng khiến
con phố trở nên nhộn nhạo, chúng tôi đi sát vào nhau cho khỏi lạc.
Dịch giả vẫn mặc một bộ vest dạ. Măng sét áo đính ngọc trai, cà vạt thắt gọn gàng, kẹp ghim gài. Cà vạt giống y như lần trước.
- Cháu chưa bao giờ được đi ăn ở nhà hàng cả. Huống chỉ là chỗ cao cấp như thế...
- Cô không phải lo. Chỉ cần ăn món nào mình thích là được.
- Bác hay ăn ở đó lắm à?
- Không, thi thoảng thôi. Khi thằng cháu họ tôi đến chơi.
- Bác có cháu ạ?
- Là con trai em gái bà vợ đã mất của tôi. Hơn cô ba, bốn tuổi gì đó.
Tôi ngạc nhiên vì dịch giả có bà con thân thích, nhưng câu nói “bà vợ đã mất” lại thu hút tai tôi hơn.
- A, hôm nay tường thành nhìn rõ quá!
Ông ta chỉ tay về phía biển. Biển ánh lên sắc màu đẹp chưa từng thấy trong
năm nay. Từ trên bờ ra đến ngoài khơi, màu xanh nước biển trở nên sâu
dần, đây đó bóng những chiếc thuyền buồm và đầu sóng trắng xóa trước mũi thuyền càng làm nổi bật màu xanh trong đó. Tường thành tắm trong ánh
nắng trải dài tới tận nền đất, nhưng mặt đá đầy sò và rong rêu vẫn ẩm
ướt.
- Vâng, đúng vậy thật..
Tôi cùng nhìn về một phía với người đàn ông. Cụm từ “bà vợ đã mất” trở nên mờ nhạt trong khung cảnh này.
Chúng tôi tới cổng nhà hàng. Cậu gác cổng tươi cười cúi chào, và chúng tôi
chuẩn bị bước vào trong. Đột nhiên sau lưng tôi có tiếng nói.
- À há, đã lâu không gặp! - Đó là một cô gái hình như tôi đã gặp ở đâu thì phải.
- Anh khỏe không? Lúc ấy cảm ơn anh rất nhiều nha! - Cô gái cố tình buông giọng ngọt xót.
Người đàn ông khoác vai tôi, lờ đi toan bước vào.
- Này, định lờ em đi à? Bất lịch sự quá!
Cô ta cùng một cô nữa nhìn nhau, rồi vừa cười nhăn nhở vừa nháy mắt với
chúng tôi. Cả hai đều có khuôn mặt sưng húp không trang điểm, mái tóc
rối bù buộc túm đằng sau, họ mặc những chiếc váy ngắn tới mức không
tưởng tượng được, để lộ đôi chân trần. Tôi nhận ra đấy là người phụ nữ ở Hoa Diên Vỹ tối nọ.
- Chẳng phải chúng ta đúng là oan gia hay
sao? Lại còn làm ra cái vẻ nghiêm nghị nữa. Mắc cười thật! Lúc gí lưỡi
vào chỗ ấy của tôi thì vui vẻ thế mà...
Cô ả cười ré lên. Người
trên phố ngoảnh lại nhìn. Những khách ngồi cạnh cửa sổ nhà hàng cũng để ý thấy sự bất thường, nhìn chúng tôi vẻ ngờ vực. Nụ cười trên khuôn mặt
cậu lễ tân biến mất. Tôi so vai lại và bám vào ngực người đàn ông, không biết nên làm gì.
- Nào...
Ông thì thầm vào tai cho mình tôi nghe được. Ông xử sự như không nghe thấy những lời lăng mạ ấy. Ông nhìn thẳng về phía trước, dịu dàng ôm lấy vai tôi khi chúng tôi bước qua cửa kính.
- Lần này lại tản tỉnh một em gái thế kia, lão định giở trò gì hả? Này em, phải coi chừng lão ta đấy!
Cô ả vẫn chưa thôi, lại gào lên gì đó. Thay vì bịt tai lại, tôi càng nép sát vào ngực người đàn ông.
- Chào mừng quý khách! - Người lễ tân nói. Anh ta đã nhận ra vụ lộn xộn,
vẻ mặt bối rối khổ sở, nhưng dù sao đây cũng là công việc nên vẫn phải
giữ đúng phép tắc.
Dịch giả nói tên. Qua lớp kính, tôi thấy ả kia
còn phun ra mấy câu tục tĩu nữa, rồi đi xa dần. Người đi đường cũng mau
chóng hết hiếu kỳ, lại trở về như cũ. Song cái không khí mỉa mai xung
quanh chúng tôi thì không hề biến mất.
Người lễ tân chàm chú nhìn
cuốn sổ đặt chỗ ó bìa bằng da một hồi lâu. Anh ta nhìn từ trên xuống
dưới, rồi từ dưới lên trên, giữa chừng lại liếc trộm chúng tôi. Ánh mắt
của anh ta cùng tiếng gào thét của cô gái càng lúc càng khiến tôi không
chịu đựng nổi. Đột nhiên tôi cảm thấy sự có mặt của mình thật vô duyên,
liền giấu túi xách sau lưng.
- Rất xin lỗi quý khách, chúng tôi không nhận được lời đặt trước nào... - Người lễ tân nói một cách dè dặt.
- Không thể có chuyện đó! - Dịch giả phản đối. - Anh thử kiểm tra lại một lần nữa được không?
- Vâng, tôi đã xem đi xem lại mấy lần rồi...
- Năm ngày trước, tôi đã gọi điện đến đây đặt chỗ hẳn hoi cơ mà. Mười hai giờ rưỡi trưa ngày mùng tám tháng Bảy, hai chỗ nhìn ra biển.
- Chắc là có nhầm lẫn gì rồi ạ.
- Thế anh định cho qua luôn đấy à?
- Thành thật xin lỗi quý khách.
- Tôi đã mất công đến tận đây rồi. Các anh có thể làm gì đó chứ.
- Rất tiếc, hôm nay nhà hàng không còn chỗ trống nữa.
Mồ hôi rỉ trên trán dịch giả nối nhau chảy xuống thái dương. Môi ông ta
khô đi, bàn tay để trên vai tôi trở nên lạnh ngắt. Người lễ tân cúi đầu, nhưng vẻ mặt không giống hối lỗi chút nào. Rõ ràng anh ta đang khó chịu thì đúng hơn.
- Gọi tay phụ trách đặt chỗ ra đây cho tôi! Sẽ biết ngay cho mà xem! Đừng hòng giả vờ không biết nhé! Tôi nhớ rất rõ giọng
người đó trong điện thoại. Mà không chỉ giọng thôi đâu. Tôi còn nhớ hết
các chỉ tiết, từng câu từng từ, không sót một lời nào. Thế nào, dẫn
người đã nghe điện thoại đến đây! Nếu không thì đưa tôi xem quyển sổ
kia. Chuyện đó chắc không khó khăn gì chứ? Nếu ở cột mười hai giờ rưỡi
có ghi tên tôi thì các người tính sao?
Tiếng dịch giả lớn dần, rồi không kiểm soát được nữa. Cuối cùng nó trở nên khàn khàn run rẩy. Từ
trong nhà hàng một cậu con trai và một người - hình như là ông chủ -
xuất hiện. Tất cả khách trong nhà hàng, chẳng ai là không nhìn chúng
tôi.
Tôi thấy sợ. Nỗi sợ hãi mãnh liệt hơn hẳn những gì tôi từng
trải qua. Vì thế tôi đứng im, không cử động. Cứ như là nếu bất cẩn ngọ
nguậy, sự việc sẽ thành ra không thể cứu vãn được.
- Thưa quý khách...
-
Cánh tay vẫn quàng vai tôi từ nãy giờ đã buông ra, giật lấy quyển sổ và
quăng mạnh xuống sàn. Tất cả mọi người ở đó nhìn vào quyền sổ nằm bẹp
dưới đất. Hình như ngoài chỗ đó ra họ chẳng còn chỗ nào khác để nhìn
nữa.
Dịch giả buông thõng cánh tay, thở hổn hển. Cái ông ta định
tỏ ra không phải là sự giận dữ, mà là một kiểu đau khổ khác hơn cả thế.
Dường như đã có một vết rách xuất hiện mà ông không hề hay biết. Nó
không ngừng lan ra đến mức khó chữa lành và gặm nhấm toàn bộ con người
ông ấy. Nếu chỉ có nổi giận không thôi thì tôi có thể làm nguôi được,
chứ đổ vỡ tanh bành thế này thì tôi không biết mình nên làm sao để ông
ta trở lại như cũ.
“Bác ơi, thôi đi. Được rồi mà. Cùng lắm ta
không ăn ở đây nữa. Có đặt trước hay không cũng được mà. Xin bác đấy, bỏ đi. Đừng làm lớn chuyện thêm nữa.”
Tôi bám chặt lấy dịch giả. Nước mặt tự nhiên dâng lên trong mắt tôi.
Vừa khóc tôi vừa nhớ đến giọng nói của dịch giả: “Đừng có sỉ nhục tôi!”
Đúng, đúng là giọng nói ấy. Là âm thanh y như giọng nói đã từng hớp hồn
tôi lần đầu tiên ở Hoa Diên Vỹ. Là tia sáng xuyên qua không gian hỗn
loạn, chỉ trong tia sáng ấy mới ẩn chứa sức mạnh.
Tôi sợ phát khóc, nhưng sâu thẳm trong tim tôi muốn nghe lại mệnh lệnh của người đàn ông một lần nữa.
*
* *
Chúng tôi bị đưa đẩy đến một nơi khác. Màu sắc của biển và ánh mặt trời vẫn
rực rỡ đầy sức sống như thế. Nhưng ánh sáng hân hoan lúc trước khi vào
nhà hàng thì không thể có lại. Trong khoảnh khắc, tôi cảm thấy dường như chúng tôi đã rơi vào một cái hang ảm đạm và tăm tối.
- Tôi xin lỗi.
Dịch giả nói. Cơn điên loạn của ông trong thoáng chốc đã biến mất. Hình bóng cơ thể ông lại trở về một khối. Mồ hôi đã ráo, tay ông lại choàng lấy
vai tôi.
- Không, không sao đâu ạ.
Chỉ có nước mắt của tôi
là tuôn chảy không ngừng. Lời lăng nhục của cô gái, trò chơi khăm ở nhà
hàng, sự thay đổi đột ngột của ông, và khát khao thầm kín mà nó gợi lên
trong tôi... Những cái đó ập đến tôi trong một khoảnh khắc quá ngắn
ngủi, nên tôi cảm thấy bối rối.
- Thực sự xin lỗi vì đã gây cho cô một kỷ niệm không hay. Tôi cũng không nghĩ là sẽ xảy ra chuyện như vậy.
- Bác đừng xin lỗi nữa.
- Nào lau nước mắt đi thôi.
Người đàn ông rút từ túi áo khoác một chiếc khăn tay, áp vào má tôi. Đó là chiếc khăn trắng muốt, không hề có một nếp nhăn nào.
“Bác không cần phải xin lỗi. Không ai có lỗi cả. Chỉ là chuyện không may thôi. Cháu khóc không phải vì phật lòng gì đâu ạ.”
Khi tôi ngửi mùi cái khăn, nước mắt lại trào ra.
Lúc chúng tôi ra khỏi nhà hàng, mọi người đều im lặng. Họ chỉ nhìn chúng
tôi với vẻ mặt khinh rẻ pha lẫn khó chịu. Những người khách lại tiếp tục ăn như không có chuyện gì xảy ra, người lễ tân nhặt quyển sổ lên rồi
phủi bụi. Cậu gác cổng có lẽ cũng giống những người đó, song cậu ta vẫn
đẩy cửa giúp chúng tôi.
Trước hết chúng tôi đi đến một nơi để
không trông thấy cái nhà hàng ấy nữa, và ngồi trên đập chắn sóng bằng bê tông chờ cho nước mắt tôi khô đi. Bầu trời không một gợn mây, nắng ngày càng chói chang. Thi thoảng gió Nam lại thổi làm gấu váy tôi bay phấp
phới.
Người đàn ông nhìn chăm chăm khuôn mặt tôi dưới mũ như muốn
giúp điều gì. Ông xoa vai tôi, gấp lại cái khăn, và phủi cát bám trên
giày cho tôi.
Một quả bóng bay lên từ bãi biển, nằm lăn dưới chân
chúng tôi. Một cậu bé con mặt dính kem nhìn chúng tôi đầy tò mò. Một tốp những người mặc đồ lặn ướt sũng đi qua khiến con đường nhầy nhụa. Có
tiếng còi tàu rời bến.
- Giờ làm gì đây? Cô muốn gì ta sẽ làm thế. - Dịch giả nói.
Tôi thở một hơi dài, chờ cho giọt nước mắt cuối cùng chảy xuống.
- Cháu đói rồi. - Tôi thành thật trả lời.
Trước khi vào nhà hàng tôi không cảm thấy đói, vậy mà khi mọi việc trở nên tồi tệ tự nhiên tôi lại muốn ăn cái gì đó.
- Ừ nhỉ. Đã hơn một giờ rồi. Ta hãy ăn thứ gì thật ngon vào. Còn đầy nhà hàng khác kia mà. Nào, cô muốn ăn gì?
- Cái kia! - Tôi chỉ tay về phía quán pizza vỉa hè ngay trước mặt.
- Nếu ăn pizza thì có một quán ngon và thanh lịch hơn đấy. Ở ngay gần đây thôi. Để tôi dẫn cô đi!
- Không! Chỗ kia được rồi. - Tôi vẫn chỉ về phía đó.
Tôi muốn dùng hết sức nhét vào miệng thứ gì đó nhiều dầu mỡ, tới mức cổ
họng nghẹn ứ. Tôi cảm giác ăn thục mạng kiểu ấy mới hợp với hai chúng
tôi lúc này.
Chúng tôi đứng ở một góc quầy, ăn pizza và uống coca. Dịch giả vẫn cúi đầu, thận trọng cắn từng miếng bánh như đang suy nghĩ
chuyện gì. Hễ tay dính bẩn một chút ông ta liền lấy giấy lau đi, rồi vo
tròn ném vào gạt tàn thuốc lá. Thỉnh thoảng ông ta nhìn tôi định nói gì, rồi lại thôi và nuốt trôi luôn lời nói cùng nước coca.
Tôi cũng
im lặng giải quyết dần chỗ bánh pizza. Đầu ngón chân kẹt trong giày da
đau nhức. Quầy tính tiền ở đây tồi tàn hơn so với quầy lễ tân ở Hoa Diên Vỹ. Nó nhớp nháp toàn dầu ô liu, xốt cà chua và nước xốt hạt tiêu. Bên
trong quầy tối mù mù, nồng nặc mùi thuốc lá, bồi bàn thì cáu kỉnh. Một
con gián bò giữa đống gia vị.
Bơ tan chảy bám vào răng, lưỡi bỏng
rát vì nấm quá nóng. Son môi mà buổi sáng tôi phải khó khăn lắm mới thoa được giờ bay hết. Song dù có ăn nữa, ăn nữa chúng tôi cũng không thể
vùi lấp đi cái hang mình đã rơi vào.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT