Lần đầu tiên người đàn ông đó tới trọ ở quán Hoa Diên Vỹ là lúc trời đang chớm hạ. Mưa cứ rả rích suốt từ sáng sớm, về tối lại càng dữ hơn. Biển dậy sóng, cả vùng biển chìm trong một màu xám xịt. Mưa táp vào mỗi lần khách qua cửa, làm thảm phòng ngoài ướt đẫm rất khó chịu. Biển hiệu các cửa hàng bên cạnh đã tối đèn, đường phố không một bóng người. Chốc chốc lại thấy những giọt mưa ánh lên trong ánh đèn pha mỗi lần ô tô chạy qua.

Lúc ấy tôi đang chuẩn bị khóa quầy và tắt đèn phòng ngoài để vào trong thì đột nhiên có tiếng Bịch như âm thanh một vật nặng đập xuống sàn. Ngay sau đó ầm lên tiếng la hét của phụ nữ.

Tiếng la hét tru tréo khắp nơi. Nó dai dẳng đến mức tôi cứ nghĩ có ai đó đang cười.

- Lão khốn này!

Một phụ nữ lao ra từ phòng 202.

- Đồ thằng già đê tiện!

Cô ả vấp vào khe nối giữa hai tấm thảm, ngã vật xuống chiếu nghỉ cầu thang. Rồi cứ nguyên bộ dạng ấy, cô ả không ngừng buông lời chửi rủa về phía căn phòng.

- Coi khinh người ta cũng vừa vừa thôi! Lão không có tư cách ngủ với đàn bà đâu! Đồ lừa đảo! Lão già chết giẫm! Đồ bất lực!

Rõ là gái bán hoa. Ngay cả tôi cũng đoán được điều đó. Nhưng cô ta không còn trè nữa. Tóc cô ta dính bết vào cái cổ đầy nếp nhăn, son môi bóng nhoẹt ra má. Mồ hôi và nước mắt làm mascara chảy ra, nhòe xuống đuôi mắt. Cúc áo bị tuột làm lộ vú trái, cặ đùi lồ lộ dưới chiếc váy ngắn ửng hồng. Mọi chỗ trên da cô ta cho thấy rõ ràng vừa nãy đã có tay người khác đụng chạm. Đôi giày cao gót bằng nhựa chỉ còn một chiếc ở chân.

Trong khoảnh khắc cô ta ngưng chửi rủa khi từ trong phòng một cái gối bay ra trúng giữa mặt cô ả. Tiếng la hét lại càng to hơn. Cái gối lăn xuống sàn, vỏ gối dính bết son môi.

Những khách trọ khác bị tiếng ồn đánh thức liền túm tụm ngoài hành lang trong bộ dạng ngái ngủ. Mẹ tôi cũng đi ra.

- Lão định làm gì hở thằng ngu? Lão tưởng tất cả mọi người đều phải chịu lão hay sao? Lão mà không quỳ xuống xin lỗi thì đây sẽ bỏ đi luôn. Ngay cả với con mèo cái ngoài đồng cũng phải van xin thì nó mới cho làm đấy nhé. Cái trò ấy hợp với lão lắm!

Tiếng la hét của cô ả khàn đi, lẫn với nước mắt, cuối cùng thì tiếng ho, tiếng nấc cộng với nước dãi cứ thế hòa vào nhau.

Không mảy may thương xót, lại tiếp tục bay ra nào là mắc áo, một cái xu chiêng vo tròn, chiếc giày còn lại, và túi xách. Miệng túi mở tung ra, các thứ bên trong vãi ra tung tóe. Cô ả toan lao xuống cầu thang bỏ đi, nhưng không biết có phải do trẹo chân hay bởi quá kích động mà cô ta không đứng dậy nổi một cách bình thường.

- Sao ầm ĩ thế? Thôi đi!

- Làm ơn im đi cho! Mấy người không buồn ngủ à?

Khách trong quán trọ mỗi người phàn nàn một câu, càng lúc càng ồn ào. Chỉ riêng phía trong phòng 202 là vẫn yên lặng.

Từ chỗ tôi đứng không thấy được người đàn ông. Ông ta chưa hề nói lại một lời nào. Chỉ biết được sự tồn tại của ông ta qua tia lườm của cô ả, và qua những đồ vật bay ra từ đó. Cô ta tiếp tục sủa về phía cái chỗ trống im ắng.

- Cô này, chúng tôi thực khó xử lắm. Có cãi nhau thì mời ra ngoài cho. - Mẹ tôi nói.

- Tôi biết rồi. Không cần nói thì tôi cũng xéo ngay khỏi cái nơi quái quỷ này. Tôi cóc thèm quay lại đây một lần nào nữa đâu. - Lần này cô ta hét về phía mẹ tôi.

- Thứ lỗi nếu phải nhờ đến cảnh sát. Cô sẽ trả đủ tiền bồi thường cho chúng tôi chứ? Không hiểu nổi chuyện này thực ra là sao nữa. Thôi nào, xin quý khách cứ yên tâm đi ngủ. Xin thứ lỗi vì đã làm phiền. Cô kia, chúng tôi chịu thiệt hại khá lớn đấy. Chỉ tiền phòng thôi thì chưa xong chuyện đâu.

Ngược với mẹ tôi đang bước lên cầu thang, cô ả thu dọn đồ đạc trong túi xách rồi chạy xuống, không thèm cài lại cúc áo. Bên vú lộ ra rung rinh, người khách huýt gió.

- Khoan đã! Cô định để ai trả tiền hả? Định nhân lúc lộn xộn mà lừa đảo là không xong đâu đấy.

Mối lo lắng của mẹ tôi cuối cùng vẫn là tiền. Cô ta lờ đi, mở cửa ngoài bậc thềm, chính vào lúc đó:

- Câm mồm đi, con đĩ!

Giọng người đàn ông xuyên qua chỗ chúng tôi. Tiếng xôn xao im bặt. Đó là một giọng nói trầm lắng hào sảng. Giọng nói không mang chút bực dọc hay giận dữ nào. Đúng hơn tôi đang tán dương một giọng nói đầy chín chắn. Tôi rơi vào ảo giác như trong khoảnh khắc có tiếng đàn cello hay tiếng tù và.

Tôi ngoảnh lại. Người đàn ông đang đứng chỗ chiếu nghỉ cầu thang. Đó là một người quá tuổi trung niên, nói là sắp về già cũng đúng. Ông ta mặc một chiếc quần tối màu với áo sơ mi trắng được là phẳng phiu, tay cầm một chiếc áo khoác cùng chất vải quần. Cô ả làm loạn cả lên, vậy mà ông ta không hề thở gấp, cũng không đổ một giọt mồ hôi. Ông cũng chẳng có vẻ xấu hổ. Chỉ có một ít tóc vương trên trán là bị rối mà thôi.

Tôi nghĩ mình chưa bao giờ được nghe một mệnh lệnh bằng chất giọng tuyệt vời đến thế: bình tĩnh, đường bệ, không hề run sợ. Đến cả chữ “con đĩ” cũng làm tôi thấy xao lòng. “Câm mồm đi, con đĩ!”, tôi thử gợi lại câu nói ấy trong đầu. Song người đàn ông không mở miệng thêm lần nào nữa.

Trước khi rời khỏi quán trọ, cô ả kia nhổ nước bọt về phía người đàn ông dù biết chắc chắn rằng nó không đến được chỗ ông ta. Bãi nước bọt rơi bẹp trên thảm.

- Ông sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm chứ? Tiền phí làm ồn này, tiền công dọn dẹp này, ông làm ơn trả dư ra một chút. Nếu không sẽ không đủ đâu. Với lại giờ chúng tôi cấm ông tới đây. Chúng tôi từ chối những khách trọ có thói lăng nhăng với phụ nữ. Ông nên nhớ kỹ cho điều này.

Lần này mẹ tôi mắng sa sả vào mặt người đàn ông. Những người khác chậm rãi quay về phòng. Người đàn ông cụp mắt xuống im lặng, rồi vừa khoác áo ông ta vừa xuống cầu thang. Ông rút một nắm tiền ra khỏi túi quần, đặt hai tờ lên quầy. Đó là những tờ tiền nhàu nát đến tội nghiệp. Tôi cầm lấy chúng, cẩn thận dùng tay vuốt phẳng ra. Tôi cảm nhận được hơi ấm của người đàn ông còn đọng lại. Không nhìn về phía tôi lấy một lần, người đàn ông dần xa trong cơn mưa.

*

* *

Tôi cứ băn khoăn không hiểu sao ai đó lại đặt cái tên kỳ lạ: Quán trọ Hoa Diên Vỹ. Tên tất cả quán trọ trong vùng đều liên quan đến biển. Vậy mà chỉ mỗi chỗ này là

- Hoa Diên Vỹ... Một loài hoa đẹp đúng không? Với lại đó cũng là tên của Nữ Thần Cầu Vồng trong thần thoại Hy Lạp đấy(1). Như thế chẳng phải rất kiêu sa sao? - Hồi tôi còn nhỏ, ông tôi đã giải thích như thế với vẻ tự hào.

1. Tên quán trọ: Hotel Iris - chữ Iris vừa có nghĩa là Hoa Diên Vỹ, vừa trùng tên với Nữ Thần Cầu Vồng Iris trong thần thoại Hy Lạp. (Từ đây mọi chú thích đều là của người dịch).

Nhưng ở sân trong Quán trọ Hoa Diên Vỹ không hề có cây diên vỹ nào. Hoa hồng, hoa păng xê, hoa thủy tiên cũng không. Chỉ có những cây tứ chiếu(2) vươn ra túa lúa, cộng thêm những cây du côi lẻ, và cỏ dại mọc um tùm.

2. Một loài hoa mọc trên núi.

Điểm nhấn ít ỏi trong sân là một đài phun nước bằng gạch, nhưng nước đã khô cong từ lâu. Ở chính giữa sừng sững một bức tượng khắc bằng đá dính đầy phân chim. Một cậu thiếu niên tóc búi mặc áo đuôi tôm vừa chơi đàn hạc vừa như đang suy tư điều gì. Vì thiếu cặp môi và mi mắt, nên trông cậu có vẻ buồn rầu.

Không rõ ông tôi nghe chuyện nữ thần từ đâu nhỉ. Ở nhà chúng tôi đến cả giá sách cũng chẳng có, chứ đừng nói đến Thần thoại Hy Lạp.

Tôi thử tưởng tượng dáng vẻ của Nữ Thần Cầu Vồng. Gáy nàng mỏng mảnh, ngực nàng đầy đặn, mắt nàng nhìn về một nơi xa xăm nào đó, và bộ trang phục lấp lánh bảy màu. Chỉ cần nàng bất chợt để bộ y phục tung bay thì trong chớp mắt thế gian như được đắm chìm trong phép thuật diệu kỳ. Tôi nghĩ giá Nữ Thần cầu Vồng hạ cố trọ ở quán này, dù là góc nào cũng được, cậu thiếu niên ở vòi phun nước chắc không phải chơi đàn với vẻ buồn rầu như thế.

Tấm biển HOTEL IRIS dựng trên mái nhà tầng ba bị nghiêng chữ R trông thật mất cân đối. Nhìn vừa giống một chỗ vấp khôi hài, vừa như khiến người ta băn khoăn về những điều không may. Nhưng chẳng ai có ý định sửa lại.

Ông tôi mất hai năm trước. Không biết từ lá lách hay túi mật, khối u trong bụng ông di căn ra vùng xương chậu, sang phổi, và đến não. Rồi vấn đề nó vốn là ung thư gì cũng trở nên vô nghĩa. Sau khoảng nửa năm bị đau đớn hành hạ, ông đã trút hơi thở cuối cùng trên giường mình.

Nhà của chúng tôi là ba căn buồng nhỏ tối tăm phía sau quầy lễ tân. Hồi tôi được sinh ra thì có cả thảy năm người sống ở đó. Người đầu tiên rời bỏ gia đình là bà tôi. Nhung đó là chuyện lúc tôi còn rất nhỏ, nên không có ký ức gì. Hình như bà mất vì bệnh tim. Sau đó đến cha tôi. Chuyện xảy ra hồi tám tuổi nên tôi còn nhớ rõ. Tôi nhớ đầy đủ mọi chuyện, cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất.

Và lần này thì đến lượt ông tôi. Giường của ông vốn là giường cho khách nhưng bị hỏng lò xo nên không dùng được nữa. Mỗi khi ông trở mình, nó lại phát ra tiếng kêu giống như một con ếch bị người ta giẫm phải.

Tôi có nhiệm vụ sau khi tan học về phải lập tức rửa sạch cái ống được gắn bên bụng trái của ông, và đổ chất dịch trong cái túi ở đó đi. Mẹ tôi đã ra lệnh như vậy. Tôi rất sợ chạm vào cái ống. Vì tôi có cảm giác chỉ cần hơi mạnh tay một chút là nó sẽ rơi ngay, và từ lỗ hổng ấy những cơ quan nội tạng bị lở loét sẽ trào ra.

Chất dịch chảy ồng ộc. Nó có màu vàng đục dễ thương đến mức người ta phải say sưa ngắm nhìn và tự hỏi tại sao trong cơ thể con người lại ẩn chứa một màu như vậy. Tôi đã đổ nó vào cái đài phun nước ở sân trong. Vì thế mà móng tay cậu thiếu niên chơi đàn hạc lúc nào cũng bị ướt.

Ông tôi đã chịu đau đớn suốt cả ngày. Đến tảng sáng lại càng kinh khủng. Tiếng rên rỉ lẫn với tiếng ếch kêu, lẩn quất trong bóng tối mãi không thôi. Cửa sổ được che đến hai lớp mành, nhưng chẳng hiểu sao vẫn có khách trọ qua đêm để ý thấy tiếng rên ảo não rồi phàn nàn với bà chủ.

- À à à... chúng tôi vô cùng xin lỗi. Mấy con mèo đến mùa động dục hàng đêm lại tập trung trên mái nhà. Xin thông cảm cho. - Mẹ tôi vừa nghịch nắp bút bi trên quầy thanh toán, vừa cố tình trả lời bằng giọng uốn éo.

Ngày ông tôi mất, nhà trọ cũng không nghỉ. Mặc dù khách không có mấy vì không phải mùa, nhưng chẳng hiểu sao vào đúng ngày đó lại có một chuyến du lịch tập thể của đội hợp xướng các bà mẹ. Lúc cha cố ngưng cầu nguyện, tôi nghe thấy nhạc bài Cây Nhung Tuyết, Ánh Sáng Giữa Thung Lũng và Nàng Tiên Cá nữa. Cha cố ra vẻ như từ đầu không hề nghe thấy tiếng nhạc, mắt vẫn dõi xuống cử hành tang lễ. Khi một người bạn rượu của ông tôi - bà chủ một cửa hàng âu phục - bật khóc nức nở thì bỗng vang lên giọng nữ cao hệt như để hòa âm. Trong phòng tắm, ở nhà ăn, ngoài hiên nhà, có ai đó đang hát. Giọng hát của những phụ nữ ấy rót xuống thi thể ông. Nữ Thần Cầu Vồng rốt cuộc đã không thả tung bay bộ y phục bảy màu vì ông tôi.

*

* *

Lần tiếp theo tôi gặp người đàn ông ấy là khoảng hai tuần sau vụ việc. Đó là buổi chiều ngày Chủ nhật, khi tôi đang đi bộ trên phố mua hàng theo lời mẹ dặn.

Trời nắng nóng đến chảy mồ hôi. Trên bãi biển, bọn thanh niên đã sớm bận đồ bơi đi tắm nắng. Triều xuống, những dãy đá tiếp nối đến tận tường thành hiện lên rõ mồn một. Trên bến du thuyền, trong các nhà hàng đã bắt đầu có bóng khách du lịch. Biển có vẻ vẫn còn lạnh, nhưng màu nắng phản chiếu trên tường thành ẩm ướt cùng tiếng ồn ào trên đường phố cho tôi biết mùa hè đang đến

Cái thị trấn này chỉ hồi sinh trong ba tháng hè, còn sau đó lại im lìm như hóa thạch. Vào mùa hè biển dịu dàng bao bọc thị trấn, bờ cát óng ánh vàng chạy dài từ Đông sang Tây. Những tàn tích của bức tường thành chỉ lộ ra lúc triều xuống và ngọn đồi xanh trải rộng quanh mũi đất khiến bờ biển đầy quyến rũ. Hết thảy các con phố lại tràn ngập những du khách muốn tận hưởng thời gian rảnh rỗi. Ô che nắng của các quý cô lại được mở, vòi hoa sen lại phun, nắp những chai sâm banh lại được khui ra, và pháo hoa lại được bắn lên. Các nhà hàng, quán bar, quán trọ, du thuyền, cửa hàng đồ lưu niệm, bến thuyền buồm, rồi cả Hoa Diên Vỹ đều được trang hoàng lộng lẫy hơn theo những cách riêng. Nhất là ở Hoa Diên Vỹ: Người ta kéo những tấm mành ở hàng hiên xuống, lau chùi sạch sẽ bóng đèn ở phòng ngoài, và treo lên tường bảng giá dùng cho mùa du lịch.

Nhưng đột nhiên thời tiết trở nên khó chịu. Gió đổi chiều, gợn sóng cũng thay đổi. Mọi người trở về những nơi nào đó mà tôi không biết. Mảnh giấy bọc kem hôm qua còn lấp lánh bên vệ đường chỉ trong một đêm đã dính chặt vào nhựa đường.

Vừa thoáng nhìn nghiêng tôi đã nhận ra ngay. Lúc ấy tôi đang mua thuốc đánh răng ở hiệu tạp hóa. Tối đó tôi không nhìn được kỹ khuôn mặt người đàn ông, nhưng tôi nhận ra đường nét cơ thể người đang đứng dưới ánh đèn mờ của hiệu tạp hóa và bàn tay ấy. Người đàn ông đó đang lựa xà phòng giặt.

Người đàn ông phân vân một lúc lâu. Ông ta cầm tất cả các loại xà phòng giặt lên, soi nhãn mác và giá cả. Ông bỏ một bịch vào giỏ, nhưng sau đó chợt nhận ra gì đó, liền xem lại hướng dẫn rồi đặt trở về chỗ cũ. Ông chỉ chăm chăm vào chỗ xà phòng giặt. Cuối cùng thứ ông chọn là hàng rẻ nhất.

Tôi không hiểu sao mình lại nảy ra ý định theo sau người đàn ông đó. Không phải vì tôi hiếu kỳ về chuyện xảy ra ở Hoa Diên Vỹ. Chỉ là, câu nói mà người đàn ông thốt ra vẫn còn vang vọng bên tai tôi. Dư âm của mệnh lệnh ấy khiến tôi bị hút lại gần ông ta.

Rời khỏi tiệm tạp hóa, người đàn ông vào một hiệu thuốc. Ông đưa ra một tờ giấy, hình như là đơn thuốc, rồi nhận lấy hai gói thuốc. Ông cho hai gói ấy vào túi áo khoác, rồi lại hướng về tiệm văn phòng phẩm cách đó hai cửa hiệu. Tôi đứng dựa vào cột đèn đường, len lén nhìn vào bên trong. Ông trao đổi rất lâu với người chủ tiệm, hình như đang nhờ sửa một cái bút máy. Ông tháo rời cả chiếc bút, rồi vừa chỉ vào từng bộ phận, vừa hăng hái đặt vấn đề. Người chủ tiệm bối rối ra mặt, nhưng người đàn ông không quan tâm mà vẫn cứ thao thao. Tôi muốn nghe xem ông nói gì, nhưng tiếng nói không vọng đến chỗ tôi. Tôi chỉ thấy cuối cùng người chủ tiệm cũng miễn cưỡng gật đầu.

Sau đó người đàn ông đi dọc bờ biển về hướng Đông. Trời nóng ông mặc áo vest thắt cà vạt nghiêm chỉnh, lưng duỗi thẳng, và cứ rảo bước về phía trước. Tay trái ông xách túi ni lông đựng xà phòng giặt. Túi áo khoác phồng lên vì hai gói thuốc. Thỉnh thoảng túi xà phòng của ông đụng phải những người đi ngược chiều, nhưng chẳng ai thèm ngoái nhìn. Chỉ có mình tôi đang nhìn ông. Cảm giác ấy càng khiến tôi bị cuốn vào cuộc chơi kỳ lạ này.

Phía trước đồng hồ hoa trên quảng trường có một cậu con trai trạc tuổi tôi đang chơi phong cầm. Không biết có phải vì nhạc cụ cũ quá, hay do kỹ thuật chơi đàn của cậu ta mà tôi chỉ nghe được một giai điệu yếu ớt buồn buồn.

Người đàn ông dừng lại, lắng nghe một hồi lâu. Mọi người chỉ thoáng nhìn rồi lập tức lướt qua. Tôi đứng hơi xa một chút. Không vỗ tay, cũng chẳng yêu cầu gì, người đàn ông đứng lặng trong tiếng phong cầm. Cậu thiếu niên tiếp tục chơi. Sau lưng họ kim đồng hồ hoa đang dịch chuyển. Người đàn ông ném một đồng xu vào hộp đàn. Có tiếng keng nhè nhẹ. Cậu thiếu niên cúi người cảm ơn, nhưng người đàn ông không hề thay đổi nét mặt, im lặng quay lưng bước đi. Tôi cảm giác khuôn mặt cậu thiếu niên ấy có nét gì đó giống với bức tượng nơi đài phun nước ở sân trong.

Mình định bám theo ông ta đến đâu nữa đây? Những đồ mẹ dặn chỉ mới mua được có thuốc đánh răng. Tôi đâm lo lắng. Thế nào mẹ tôi cũng cáu vì khách sắp đến rồi mà còn lề mề. Nhưng tôi không thể rời mắt khỏi lưng người đàn ông.

Người đàn ông đi vào phòng chờ trên bến du thuyền. Bây giờ ông ta định đi du thuyền chăng? - tôi nghĩ. Bên trong đầy các gia đình có trẻ con và các cặp tình nhân. Tàu đi một vòng quanh đảo F bé tẹo ngoài khơi, đỗ lại cầu cảng ở đó một lát, rồi quay lại trong khoảng ba mươi phút. Từ giờ đến chuyến sau vẫn còn hai mươi lăm phút nữa.

- Cô gái, sao lại bám theo tôi thế?

Đột nhiên tôi nghe thấy tiếng nói. Đầu tiên tôi cũng không nhận ra là mình đang bị hỏi. Vì xung quanh khá ồn ào, và cũng vì tôi không thề ngờ được điều đó. Cuối cùng một lúc sau tôi cũng nhận ra giọng người đã nói câu: “Câm mồm đi, con đĩ!” đang hướng về phía mình.

- Cô cần gì ở tôi à?

Tôi luống cuống lắc đầu.

Nhưng người đàn ông còn luống cuống hơn. Ông ta lúng túng chớp mắt, mỗi lần nói ông ta lại liếm môi. Tôi không thề nghĩ con người này và người đàn ông tối nọ đã ra một mệnh lệnh tuyệt vời đến nhường ấy ở Hoa Diên Vỹ lại là một.

- Cô là con gái bà chủ quán trọ phải không? - Người đàn ông hỏi.- Dạ, đúng ạ. - Tôi cúi đầu trả lời.

- Hình như cô ngồi ở quầy lễ tân thì phải. Tôi đã để ý cô suốt từ lúc ở hiệu tạp hóa.

Một nhóm học sinh tiểu học ồ ạt kéo vào làm phòng chờ trở nên lộn xộn. Bị dòng người xô đẩy, chúng tôi phải nép vào cạnh cửa sổ.

Tôi lo lắng không hiểu ông ta sẽ đối xử với mình thế nào. Lúc đầu khi nhìn thấy người đàn ông, tôi cũng không nghĩ mình sẽ nói chuyện với ông ta. Dù tôi muốn rời khỏi đây ngay bây giờ, tôi không biết mình nên nói gì, hay là im lặng thì hơn.

- Cô vẫn còn điều gì phàn nàn với tôi sao?

- Không, không, phàn nàn gì chứ ạ...

- Tôi xin lỗi vì chuyện hôm đó. Tôi đã làm phiền mọi người.

Thật lịch thiệp. Từ ngữ ông ta dùng không hề hợp với người đã bị ả đàn bà chửi rủa ở Hoa Diên Vỹ. Điều đó khiến tôi thêm bối rối.

- Xin đừng để ý những gì mẹ cháu nói. Bác cũng trả cho cháu quá đủ rồi.

- Thật là một đêm khủng khiếp.

- Mưa to kinh khủng...

- Đúng vậy. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình lại thành như thế nữa.

Chúng tôi nói những câu rời rạc, cụt ngủn.

Tôi nhớ ra là sau khi người đàn ông đi khỏi, tôi đã đem vứt cái xu chiêng vẫn bị vo tròn ở chỗ chiếu nghỉ. Nó màu tím, chỗ quả vú được trang trí lòe loẹt bằng ren và đường diềm. Tôi nhặt nó lên như nhặt xác động vật và cho vào thùng rác trong bếp.

Bọn trẻ nô đùa, chạy vòng quanh. Mặt trời vẫn chưa khuất bóng, vùng biển sáng lấp lánh trải rộng phía cửa sổ. Đảo F nổi trên mặt biển trông như tai người. Tôi thấy con tàu vòng hết phía cuối của đảo, đang hướng về phía này. Lũ chim hải âu đậu trên các cọc cầu tàu.

Người đàn ông nhìn gần trông nhỏ con hơn tôi tưởng. Tầm vóc cũng chẳng hơn tôi là mấy, và từ vai xuống ngực không được vạm vỡ cho lắm. Mái tóc bị rối hôm ấy đã được vuốt ngay ngắn, nhưng phía sau đầu lộ ra hầu như toàn là da.

Khi câu chuyện ngắt quãng, cả hai cùng nhìn ra biển. Ngoài việc đó ra tôi không thể nghĩ nổi điều gì. Lúc người đàn ông nheo mắt vì chói nắng, khuôn mặt ông ta nhăn nhó như có bộ phận nào trên cơ thể bị đau vậy.

- Bá định đi du thuyền ạ? - Không chịu nổi sự im lặng, tôi lên tiếng trước.

- Ừ. - Người đàn ông trả lời.

- Dân ở đây không ai đi cái đó đâu. Từ nhỏ đến giờ cháu cũng mới chỉ đi có một lần.

- Vì tôi sống ở đảo F mà.

- Ở đó cũng có người sống ư?

- Ừ, nhưng cũng chỉ có vài người. Thế nên phải đi du thuyền để về nhà.

Tôi biết chuyện ở đảo có chi nhánh cửa hàng đồ bơi và nhà nghỉ dưỡng của công ty sắt thép, còn chuyện có người sống ở đó thì tôi không biết.

Trong lúc nói chuyện, người đàn ông lúc thì cuộn tròn lúc lại vân vê mũi cà vạt. Cái cà vạt trở nên nhăn nhúm. Thoáng chốc bóng du thuyền đã lớn dần. Bọn trẻ không thể chờ thêm được nữa, chúng bắt đầu xếp hàng ở chỗ lên tàu.

- Mình tôi cứ thế này mà xách túi của hiệu tạp hóa lên du thuyền cùng những người mang nào là máy ảnh, cần câu rồi ống thở.

- Sao bác lại sống ở một nơi bất tiện như vậy?

- Tôi quen thế rồi nên cũng chẳng sao. Dù gì nghề của tôi cũng chỉ quanh quẩn ở nhà.

- Bác làm nghề gì ạ?

- Tôi là dịch giả tiếng Nga.

- Dịch... giả... Tôi nhắc lại lần nữa những từ ấy.

- Lạ lắm à?

- Không ạ. Tại vì trước giờ cháu chưa từng gặp người nào làm nghề ấy nên cảm thấy hơi mới mẻ thôi.

- Suốt ngày ngồi trước bàn làm việc, giở từ điển để tra từ. Công việc chỉ có vậy. Cô là học sinh cấp III à?

- Không ạ. Cháu học cấp III được nửa năm thì bỏ.

- Thế bây giờ cô bao nhiêu tuổi rồi?

- Mười bảy ạ.

- Mười bảy... Lần này người đàn ông lặp lại câu trả lời của tôi cứ như nó là một con số đặc biệt.

- Nhưng nghĩ lại cháu thấy đi du thuyền về nhà cũng tuyệt lắm chứ!à tôi là một căn nhà nhỏ. Hồi xưa không biết ai đã dựng nó lên thay vì xây biệt thự. Nó ở phía hướng ra biển, chỗ có bến tàu. Nếu so đảo với hình cái tai, thì nhà tôi ở đúng chỗ này...

Người đàn ông ngẫm nghĩ, rồi chỉ vào dái tai của mình. Tôi chăm chú nhìn chỗ ông chỉ vào. Cơ thể chúng tôi khẽ chạm vào nhau. Ngay lập tức cả hai cùng cảm nhận được điều ấy. Tôi vội quay đi chỗ khác, còn người đàn ông cũng dịch ra.

Như thế lần đầu tiên tôi biết được tai người cũng già đi. Đó là một miếng thịt nhăn nheo và nhờn nhọt.

Du thuyền trở lại trong tiếng còi rú. Bọn hải âu đậu trên cầu tàu đồng loạt bay lên. Dây xích chỗ cửa lên tàu được tháo xuống, phòng chờ vẳng tiếng phát thanh viên.

- Có lẽ tôi phải đi rồi. - Dịch giả thì thầm.

- Tạm biệt. - Tôi nói.

- Tạm biệt.

Ông ta cũng nói thế. Nhưng tôi cảm giác như chúng tôi đã nói với nhau câu nói quan trọng hơn là chỉ chào tạm biệt.

Từ cửa sổ tôi nhìn thấy người đàn ông đi trên cầu tàu và đang bị cuốn trong hàng người. Dù ông ta nhỏ con đến mấy tôi cũng lập tức phân biệt được bóng người mặc vest lẫn trong đám du khách. Giữa chừng ông ta ngoảnh đầu lại. Tôi vẫy tay dù thấy thật buồn cười khi làm điều này với một người không biết tên cũng chẳng có quan hệ gì. Ông ta cũng định vẫy trả, nhưng rồi lại ngượng ngùng đút bàn tay đang giơ lên vào túi áo. Tàu rú còi rồi rời bến.

*

* *

Tôi bị mẹ phạt. Khi tôi về đến Hoa Diên Vỹ thì đã quá năm giờ. Hơn nữa vì vội quá nên tôi cũng quên béng việc phải lấy cái váy của mẹ ở tiệm giặt là.

- Mày làm cái trò gì thế hả? Tao đã định mặc cái váy ấy đến buổi biếu diễn nhảy đầm tối nay!

Mẹ tôi mắng. Có tiếng khách đang ấn chuông ở quầy.

- Tao chỉ có mỗi cái váy ấy để nhảy thôi. Mày cũng biết rồi còn gì. Không có cái váy ấy làm sao tao nhảy được! Không kịp rồi, năm rưỡi là bắt đầu. Tao đã chờ mày mãi! Thôi rồi, chẳng làm gì được nữa. Tất cả là tại mày!

- Con xin lỗi mẹ! Tại trên đường con nhìn thấy một bà lão có vẻ không khỏe. Mặt bà ấy tái mét, người thì run bần bật, tình trạng dường như tệ lắm. Thế nên con phải đi cùng đến tận bệnh viện rồi chăm sóc cho bà ấy. Con không thể bỏ mặc bà ấy được. V con mới về muộn.

Tôi kể lể lý do đã nghĩ ra trên đường về. Tiếng chuông lại vang lên như muốn làm tăng thêm con giận của mẹ tôi.

- Đi nhanh lên! - Mẹ tôi gầm lên.

Nói là buổi biểu diễn nhảy đầm, chứ thật ra chỉ có vợ mấy người làm nghề buôn bán trong vùng, mấy người công nhân ở nhà máy chế biến cá, với mấy ông già đã nghỉ hưu, khoảng mười người tập trung lại với nhau rồi nhảy những điệu nghèo nàn. Chẳng phải chuyện gì to tát. Giả dụ tôi mang cái váy về theo lời mẹ dặn, thì có khi mẹ tôi lại nói là hôm nay phiền lắm không đi nữa cũng nên.

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy mẹ tôi nhảy đầm. Cứ nghĩ đến cảnh bắp chân mẹ run run mỗi lần xoay, cổ chân phình to đến mức thịt lòi ra khỏi giày, cánh tay của một người đàn ông không quen biết ôm choàng lấy eo, phấn trang điểm trôi mất vì mồ hôi... là tôi đã thấy phát chán. Chỉ cần nghĩ thế thôi đã khiến tôi buồn nôn.

Từ lúc tôi còn bé đến giờ mẹ vẫn luôn hãnh diện với người khác về ngoại hình của tôi. Khách mà mẹ tôi thích nhất tất nhiên là những người trả tiền hậu hĩnh, thứ hai là những khách ca ngợi sắc đẹp của con gái bà, dù là nịnh nọt thôi cũng được.

Ông chưa bao giờ nhìn thấy làn da trong suốt như thế này đúng không? Trong suốt nhìn thấy cả bên trong, đến mức phát sợ ấy! Lông mi dài và đôi mắt đen láy từ lúc mới sinh đến giờ vẫn vậy đấy. Khi con bé đi trên đường thì cứ cách năm phút lại có người xuýt xoa: “Chao ôi, dễ thương quá!” Có lần con bé còn được một nhà điêu khắc, không biết tên gì ấy nhỉ, nhờ làm người mẫu cơ đấy. Ông ta đã giành được giải nhất trong một cuộc thi.

Mẹ tôi có vô số những lời hãnh diện về tôi. Nhưng một nửa trong số đó là dựng chuyện. “Nhà điêu khắc” mẹ tôi nói thực ra là một gã dê xồm, suýt nữa tôi đã bị hắn trêu ghẹo.

Dù mẹ có tán dương tôi đến đâu chăng nữa, điều đó cũng không có nghĩa bà dành nhiều tình cảm cho tôi. Bà càng nói này nói nọ về tôi thì ngược lại tôi càng cảm thấy xấu hổ muốn trốn đi cho rồi. Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ là mình xinh đẹp.

Đến tận bây giờ mỗi sáng mẹ đều búi tóc cho tôi. Bà bắt tôi ngồi trước bàn trang điểm, dùng tay trái kéo cho mớ tóc căng ra, làm tôi không động đậy gì được nữa. Rồi bà khua cái lược đến mức da đầu tôi kêu roạt roạt. Nếu tôi chỉ hơi lúc lắc đầu mẹ lập tức kéo mạnh bàn tay trái. Chỉ vì bị mẹ làm tóc, mà tôi đã mất hết tự do.

Mẹ tôi nhúng lược vào bình dầu trà, rồi bắt đầu búi thành búi. Bà không để cho bất cứ sợi tóc nào xổ ra. Dầu trà bốc mùi khó chịu. Thi thoảng mẹ cũng trang trí tóc tôi bằng những thứ rẻ tiền như kẹp tóc hay trâm cài.

- Rồi, xong.

Mỗi khi nghe giọng nói có vẻ mãn nguyện của mẹ, tôi lại cảm thấy như mình đã phải chịu hành hạ vậy.

Tối hôm đó tôi không được ăn cơm. Từ hồi bé hình phạt đã được quy định là thế. Đêm tối với cái bụng rỗng có vẻ sâu thẳm hơn mọi khi. Trong bóng tối ấy đã bao lần tôi thứ mường tượng ra tấm lưng và cái tai của người đàn ông.

Buổi sáng hôm sau mẹ búi tóc cho tôi đặc biệt cẩn thận. Dầu trà cũng được dùng khá nhiều. Và rồi bà lại tán dương sắc đẹp của tôi.

*

* *

Hoa Diên Vỹ ra đời khi cụ tôi sửa sang lại ngôi nhà cho thuê thành quán trọ. Đó là câu chuyện từ một trăm năm trước. Trong vùng này nhà hàng hay quán trọ nào cũng hướng ra bờ biển, hơn nữa càng gần tường thành trên biển thì lại càng có giá. Hoa Diên Vỹ chẳng có cả hai điều kiện ấy. Từ đây đi bộ đến tường thành phải mất hơn ba mươi phút, và chỉ có duy nhất hai phòng nhìn thấy biển. Những phòng còn lại chỉ nhìn được nhà máy chế biến cá.

Sau khi ông tôi mất, nghe lời mẹ tôi bỏ học giữa chừng để giúp việc ở quán trọ. Đầu tiên tôi vào bếp, chuẩn bị bữa sáng. Tôi rửa hoa quả, xắt thịt hun khói và pho mát rồi để những hộp sữa chua lên đá. Khi thấy vị khách đầu tiên trong ngày đang xuống cầu thang, tôi sẽ xay cà phê và nướng bánh mì.

Lúc khách sắp trả phòng, tôi tính tổng số tiền ở quầy lễ tân. Tôi im lặng làm việc. Cũng có khách muốn bắt chuyện này nọ, nhưng tôi cũng chỉ đáp lại vài lời ngắn ngủi và mỉm cười, chứ không nói những câu thừa thãi. Vì nói chuyện với người mới gặp lần đầu mệt lắm, với lại nếu tính nhầm làm số tiền không khớp với hóa đơn, thì thể nào tôi cũng bị mẹ mắng.

Trước buổi trưa, bà giúp việc tới rồi cùng mẹ tôi bắt đầu quét dọn phòng của khách trọ. Trong lúc ấy tôi dọn dẹp phòng bếp và nhà ăn. Tôi nhận điện thoại từ khách muốn đặt phòng, từ công ty cho thuê đồ khăn vải dùng cho quán trọ, hay từ hiệp hội du lịch. Nếu thấy tóc tôi bị rối dù chỉ một chút, mẹ tôi sẽ lập tức lấy lược chải lại. Và chúng tôi lại đón những người khách mới.

Hầu như cả ngày tôi ngồi ở quầy lễ tân. Chỗ đó chật hẹp tới mức chỉ ngồi yên một chỗ cũng có thể với được các thứ. Chuông dùng để gọi, máy tính tiền kiểu cũ, sổ khách trọ, bút bi, điện thoại, tờ rơi quảng cáo du lịch. Cái quầy thanh toán đen nhẻm đầy vết xước do đã bị không biết bao nhiêu bàn tay người đặt lên.

Khi lơ đễnh ngồi lọt thỏm bên trong quầy toán, tôi ngửi thấy mùi tanh của cá sống bốc lên từ nhà máy chế biến cá phía đối diện. Hơi nước hấp cá surimi rỉ ra từ khe cửa sổ. Mấy con mèo hoang lúc nào cũng lởn vởn quanh đó để rình cá rơi xuống từ kiện hàng trên xe tải.

Sau khi khách đặt trước đã đăng ký xong thong thả chuẩn bị đi ngủ trong các phòng, lúc ấy cảm giác của tôi trở nên nhạy bén nhất. Nếu tôi ngồi trên cái ghế tròn chỗ quầy lễ tân, thì có thể cảm nhận được tất cả âm thanh, không khí hay bất cứ mùi gì trong quán trọ.

Chỉ cần giam mình trong quầy sẽ thấy cảnh mọi người sinh hoạt về đêm hiện lên rất sinh động. Nhưng thế nào tôi cũng gạt mấy cảnh đó đi, rồi bắt đầu tìm một nơi yên tĩnh, nằm xuống và ngủ quên luôn.

Sáng thứ Sáu tôi có thư từ dịch giả. Chữ viết trong lá thư rất đẹp. Tôi len lén đọc nó ở góc quầy.

“Thật bất lịch sự nhưng cũng xin thứ lỗi cho tôi vì đã gửi cô lá thư này.

Chiều hôm Chủ nhật, ở phòng chờ du thuyền, tôi không nghĩ là mình lại được trò chuyện với cô như vậy.

Đến tuổi này rồi, tôi gần như có thể lường trước mọi chuyện. Tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý để tránh buồn bực hay đau khổ không cần thiết. Có lẽ cô không hiểu, nhưng đây là thói quen của những người ở cái tuổi không biết ngày mai còn sống hay đã chết.

Song Chủ nhật ấy thì khác. Bánh xe thời gian đã sai lệch đi một khắc để dẫn tôi tới nơi không ngờ đến.

Khi nghĩ về vụ việc bẩn thỉu mình đã gây ra ở Hoa Diên Vỹ, tôi nghĩ chắc hẳn cô sẽ coi thường và khinh bỉ tôi. Tôi đã rất muốn xin lỗi cô về chuyện đó. Nhưng cô lại nhìn tôi với đôi mắt thơ ngây trong sáng làm tôi cực kỳ bối rối, không thể mở miệng nói được những điều cần nói. Tôi viết thư này chân thành xin lỗi cô một lần nữa.

Tôi vẫn luôn sống một mình. Hàng ngày giam mình ở đảo và chỉ làm mỗi việc dịch thuật, nên hầu như không có bạn. Vả lại, tôi cũng không có một cô con gái vừa trẻ lại xinh đẹp như cô.

Đã mười năm rồi tôi không được nếm trải cảm giác có ai đó vẫy tay tiễn đưa như vậy. Tôi thường lên thuyền từ chỗ cầu tàu, nhưng lúc nào cũng chỉ một mình. Tôi cũng chưa lần nào ngoảnh đầu lại từ chỗ đó cả.

Cô đã vẫy tay với tôi làm như chúng ta đã quen biết từ lâu. Có lẽ với cô đó chỉ là một cử chỉ vặt vãnh, nhưng với tôi nó lại có ý nghĩa sâu sắc.

Tôi muốn cảm ơn cô vì điều đó. Chân thành cảm ơn cô.

Chủ nhật nào tôi cũng ra thị trấn mua hàng. Khoảng hai giờ chiều tôi sẽ đứng trước đồng hồ hoa trên quảng trường trung tâm. Không biết tôi có diễm phúc được gặp cô lần nữa không? Tôi không định bắt cô phải hẹn hò với tôi. Đó chỉ là nguyện cầu nhỏ nhoi của một ông già thôi, xin cô đừng bận tâm.

Trời đang nóng dần. Tôi nghĩ công việc của quán trọ cũng bận rộn hơn. Mong cô chú ý giữ gìn sức khỏe.

Gửi Mari.

Tái bút: Thứ lỗi cho tôi vì đã dò hỏi tên cô. Thật trùng hợp làm sao, tên nữ nhân vật chính trong tiểu thuyết tôi đang dịch cũng là Marie.”

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play