Thuật vừa nhắc đến vụ gặt tranh điền, như nhắc đến một bóng ma từ mấy năm nay vẫn ám ảnh ông chủ tịch xã.

Thực, bấy giờ Thuật chưa làm chủ tịch, mới chỉ làm phó chủ tịch phụ trách công an, cái chân Đĩnh ngoài Phương Lưu đảm trách bây giờ. Còn Lận bấy giờ làm phó chủ nhiệm hợp tác xã toàn xã. Vừa sáp nhập bốn hợp tác xã ở bốn làng thành hợp tác xã toàn xã được vụ trước, vụ sau liền xẩy ra cuộc tranh điền có một không hai trong lịch sử điền địa, không những của xã này, mà còn của cả huyện này, tính đến ngày ấy.

Nguyên cánh đồng Mái xa xưa là ruộng của dân ngoài xóm trại, thuộc loại mật điền, cấy năm hai vụ chiêm mùa ăn chắc. Khi sáp nhập bốn hợp tác xã làng thành hợp tác xã có quy mô toàn xã, ruộng đất gần xa, tốt xấu được dồn lại, rồi chia đều cho các đội sản xuất, cũng là bốn làng, bốn hợp tác xã trước đây. Vậy là để cho công bằng, có gần có xa, có tốt có xấu, xã viên của đội này, làng này có khi phải sang tận cánh đồng ở ngay sát làng kia, đội kia để nước nôi, cày bừa, phân gio, cấy gặt. Còn ruộng kề làng mình có khi lại dân làng khác kéo nhau sang cày bừa, nước nôi, phân gio, cấy gặt cũng là chuyện thường. Kể cũng vui, người làng này với người làng kia nếu không có sự bình quân, công bằng đất đai canh tác, có khi cả năm, cả đời cũng chẳng qua lại làng nhau làm gì. Giờ bỗng dưng một năm tứ mùa không biết bao nhiêu lần đi lại, không chỉ đi lại bằng đôi chân, còn dong cả trâu, kéo cả xe cải tiến, đánh cả xe bò chở phân gio, lúa má lộc cộc, lốc cốc còn thiếu băm nát đường làng người ta ra nữa. Mà đường làng thì có phải ở đâu cũng chỉ đắp đất, rải gạch xỉ lò, hoặc đập gạch vỡ rải đều lên trên. Có con đường chạy vào làng như đường làng Phương Trì, Phương Trà nát toàn bằng gạch đóng cheo của các cô gái làng lấy chồng, mỗi người nộp đủ ba trăm viên gạch chỉ, già đến mức gõ coong coong như gõ vào tấm phiến đá, cho làng nát đường. Thế mà bây giờ người từ làng khác quanh năm tứ mùa phân gio, xe cộ đi như băm đường người ta ra thì ai mà chịu nổi. Thế là sinh chuyện. Làng này bắt làng kia mỗi vụ phải nộp trả ngần này

gạch, ngần này tiền công sửa chữa lại đường, nát lại những chỗ gạch bị vỡ. Ôi dào, chuyện nhỏ, mấy trăm viên gạch đáng gì, hợp tác xã có những bốn khẩu lò, mỗi tháng ra lò hàng chục vạn viên gạch, chỉ cần cái phẩy nhỏ trong số ấy các ông các bà cũng nát đường bại. Đúng là chuyện nhỏ, so với một hợp tác xã có quy mô toàn xã, gồm gần năm trăm héc- ta đất canh tác, với số dân hơn vạn người, nên cũng chẳng ai quan tâm, không ai đứng ra giải quyết. Cộng với sự tiếc nuối cố hữu của người nông dân với mảnh ruộng, xứ đồng của dòng tộc, làng xóm mình, bỗng bị người từ nơi khác đến chiếm hữu. Nên cái chuyện tưởng như nhỏ nhặt, tiểu nông ấy đã không còn là nhỏ nữa. Sau thời gian âm ỉ như hòn than hồng ủ dưới lớp tro, đến vụ gặt tháng mười năm ấy, bà con xã viên đội Phương Trì, như lệ thường, kéo nhau ra cánh đồng Mái gặt lúa. Đồng Mái nguyên là ruộng thuộc loại mật điền của làng Phương Lưu, nay điều chỉnh lại đất canh tác giữa các làng cho công bằng, có tốt có xấu, hợp tác xã toàn xã mang chia cánh đồng Mái ra làm hai: một nửa diện tích vẫn thuộc đội sản xuất Phương Lưu, còn nửa kia là của đội Phương Trì.

Buổi sớm một ngày tháng mười trời dầy đặc sương mù. Màn sương bồng bềnh như sợi tơ bông la đà trên mặt ruộng, vấn vương vào những bông lúa uốn câu, làm cho màu vàng của thóc cũng nhạt nhoà sương khói. Mặt trời vừa hé ra sau lùm tre, nhọc nhằn tãi ánh nắng vàng vọt lên cánh đồng còn đẫm hơi sương. Trời khô hanh, da thịt căng ra, tưởng chỉ khẽ chạm vào vật gì săng sắc một tý là có thể toé máu ra liền. Trong cái tiết tháng mười khô hanh rất ít thấy năm ấy, những ông bà thợ gặt đội Phương Trì ra đến đồng Mái chưa vội xuống ruộng ngay, còn túm năm tụm ba nơi đầu bờ hút thuốc lào, chia nhau miếng trầu gói trong lá rau cải canh cho mềm cau, tươi trầu, có bà ăn trầu thuốc còn bỏ cả nắm thuốc lào lẫn vào với trầu cau, gói kỹ lại trong cái lá rau cải táp đi như luộc. Có bà vui tính còn không ai khảo cũng xưng, rằng buồn cười quá mấy người ơi, hôm qua nhà Khuể nhà Khuê, không biết là may hay rủi, vợ vừa quẩy gánh thóc về đến ngõ gặp ngay con rắn ráo to bằng cái đòn càn chúi vào đám rơm ve vẩy đuôi ra. Con Khuê lúc đầu nhìn thế nào lại ra con chuột, định thò tay chộp lấy cái đuôi quay cho chết đứ đừ ra mới cầm. Nhưng vừa đụng vào cái đuôi thì nhìn thấy cái đầu nó chui ra khỏi đám rơm, rõ ràng là con rắn. Thế là tiện đòn gánh nó phang cho một nhát trúng đầu. Mà rắn đã phang trúng đầu thì chỉ còn nước nằm cuộn mình chờ chết, chứ còn luồn lủi đâu được nữa. Nhưng mà này, gặp rắn ngang đường là may hay rủi, hả mấy người? Nhện sa, xà đón, gặp rắn ngang đường là may rồi. Thế nhưng rồi sao, có làm thịt ăn hay lại vứt đi thì phí của. Kìa, ông Vĩnh đang hỏi nhà Khuê vất con rắn ra đâu, bảo ông ấy đi nhặt. Gớm, cái nhà ấy nó lại có vất đi nhiều. Chỉ có mỗi con rắn ráo mà các ông các bà có biết nhà nó làm thế nào không? Da nó lột ra, rồi căng ra phơi, thấy bảo để khô bán cho các ông phường kèn làm dây kéo nhị, chả biết có đúng, nhưng đúng là con rắn nhà nó không vất đi đâu một tý gì. Thôi, đừng con cà con kê nữa, nói nhanh rồi đi làm, mặt trời lên, sương tan rồi kia kìa, lột da xong làm sao. Lột da xong thì mổ ra lấy mật ngâm rượu uống, gọi là cứ bổ thượng bổ hạ, bổ âm bổ dương…

Này thượng…! Này hạ này…!

Này âm…Này dương này…!

Từ trong ruộng lúa, ngay chỗ trước mặt đám thợ gặt làng Phương Trì đang ngồi ăn trầu, hút thuốc, tào lao chuyện rắn rết, bỗng như từ dưới âm ty vụt lên mấy chục người toàn đàn ông lực lưỡng tay dao, tay gậy đằng đằng sát khí, lại có cả những người cầm súng trường, tiểu liên vừa dạt lúa chạy đến chỗ đám thợ gặt Phương Trì, vừa vung dao, vung gậy thét toáng lên những câu như thế. Đám thợ gặt làng Phương Trì bị bất ngờ vội xô gạt vào một chỗ, có người còn chưa kịp đứng lên, cứ ngồi ngay cán tàn, mặt cắt không còn hạt máu. Nhung khi nghe một người trong đám nam giới vừa từ ruộng lúa chui ra, nói như quát:

- Ai cho các người sang gặt lúa đồng này? Đây là mộng đất của ông bà tổ tiên chúng tao để lại. Không được bất cứ người nào xâm hại đến đất đai Phương Lưu chúng tao. Các người dân Phương Trì thì về Phương Trì mà cấy gặt. Về… về ngay…!

Tức thì, đám người từ dưới ruộng ào lên, huơ chân múa tay:

- Về… Cút…!

- Cút về ng… ay…!

- Về đồng Phương Trì các người mà gặt!

Một ông đã đứng tuổi trong đám thợ gặt Phương Trì, đang hoảng hốt dạt vào một chỗ, liền bước ra:

- Tôi xin hỏi mấy chú, Phương Trì với Phương Lun có cùng hợp tác xã không?

- Cùng mới không cũng chẳng làm gì. Chỉ rõ như ban ngày rằng đây không phải ruộng của Phương Trì, thì các người hãy về đi!

Một người chạc tuổi trung niên trong tốp người Phương Lưu vừa tiến lại phía đám thợ gặt Phương Trì nói xong câu đó, không biết có phải vì cách nói của anh có phần mềm hơn mấy thanh niên hùng hổ quát lác “Cút về, cút về ngay” kia không, mà lập tức đám người Phương Trì nhao nhao lên:

- Cùng một hợp tác thì ở đâu cũng là ruộng hợp tác. Các người không có quyền giữ!

- Ruộng này hợp tác giao cho đội Phương Trì cày cấy, chúng tôi nhất định phải gặt. Không người nào giữ được. Các ông, các bà đâu, cứ xuống gặt đi!

- Cứ xuống gặt đi, đố chúng nó làm gì được chúng ta!

- Đoàng… Đoàng đoàng!

- Đoàng…!

- Ối giờ… ơ… i…!

Từ trong đám dân Phương Lưu, một tay thanh niên giơ khẩu súng trường lên bắn liền mấy phát. Một tay đứng cạnh thấy thế cũng vội bóp cò. Viên đạn đi không chủ đích, bay xuyên ống quần cái bà vừa thách: “Đố chúng nó làm gì được chúng ta!”. Sau tiếng kêu của người bị nạn, tức thì cả hai bên như đều cỡi trên lưng hổ, không bên nào chịu nhún nhường bên nào, cứ thế xông vào ẩu đá, hò hét: “Nợ máu phải trả bằng máu!”. Thợ gặt làng Phương Trì tức giận huơ liềm hái, đòn càn, đòn xóc. “Đánh bỏ mẹ dân Phương Trì sang làng ta gặt cướp lúa, bà con ơi!”, đám đàn ông làng Phương Lưu vừa hét vang đồng, vừa cho người chạy về làng kéo thêm người ra. Thấy thế, đám thợ gặt Phương Trì cũng cử người về báo cho ban đội đưa dân quân, cờ đỏ dao gậy, súng ống kéo ra tiếp viện. Hai bên dàn thế trận trên cánh đồng Mái, hay đúng hơn, chỉ trên một thửa ruộng mà đám thợ gặt làng Phương Trì mới ban nãy còn ngồi lại đầu bờ ăn trầu, hút thuốc, chuyện rắn rết, may rủi. Cứ bên này bước chân xuống ruộng cắt lúa, tức thì, bên kia lại từ dưới ruộng vung dao gậy, dương súng ống đứng lên. Hai bên gằm ghè nhau chẳng khác hai con trâu đực mộng nghênh sừng, trước khi xông vào trận quyết đấu. Cuộc chiến mà hai bên đều là xã viên trong một hợp tác xã, nhưng bên này nhiếc bên kia là: “Quân ăn cướp, không phải ruộng làng mình cũng kéo nhau sang gặt”; còn bên kia lại nhiếc bên này: “Quân ăn cướp, không cày cấy mà dám đòi gặt!”. Xen lẫn những lời nhiếc móc ấy là những câu hò hét: “Cứ xuống gặt đi! Cờ đỏ cũng không sợ!”. Rồi những câu đe doạ tưởng như mỗi cây lúa đổi một mạng người: “Đứa nào xuống gặt đập chết đi!”.

Cuộc chiến tưởng chừng không hồi kết.

Thì may sao…

***

Thuật họp trên huyện, giá như mọi khi ăn trưa xong thể nào cũng vào chỗ em rể ngả lưng, đầu giờ chiều mới về. Nhưng hôm ấy thấy ruột gan nóng như lửa đốt. Lại nghĩ bà cụ ở nhà làm sao, vì tối hôm trước tắm bị lạnh, đêm cảm sốt tới ba chín, bốn mươi độ. Người già nóng lạnh thất thường cũng phức tạp lắm. Trường định kéo vào chỗ Trường nghỉ trưa, Thuật đành nói thật với em rể thế. Rồi cứ một mực đòi về. Thế là Trường bảo chờ em nói lái xe đưa anh em mình về, nhân thể em xem bà thế nào, nếu nặng bệnh có khi đưa luôn bà lên bệnh viện.

Xe ra đến cổng uỷ ban huyện thì dừng lại, chờ bảo vệ mở cổng. Vừa lúc Hưởng ở nhà ăn tập thể về, nhìn chiếc ghế trước thấy Trường đang ngồi, tay vẫn còn cầm chiếc tăm chọc chọc vào kẽ răng, đằng sau lại có Thuật đang ngả người ra thành ghế dài. Hưởng bước vội đến, thò đầu vào chỗ cửa xe đang mở, nhoài qua ghế lái xe, hỏi Trường: “Anh đi có việc gì mà vội thế? Không nghỉ trưa đã”. Trường vẫn thọc tăm vào mồm, hơi quay người lại: “Bác Thuật vội về, tiện xe, mình xuống thăm bà ngoại các cháu luôn thể. Nghe bác Thuật nói, hôm qua chẳng biết cụ tắm tiếc thế nào, cảm sốt cao lắm”. Thế là Hưởng vội quay lại phía sau, vừa mở cửa, vừa bảo: “Tiện có xe tôi cũng xuống thăm bà luôn thể”. Trường quay người lại: “Thế thì lên đi. Bác Thuật ngồi lũi sang bên này, thế, ghế ngồi bốn, giờ chỉ có hai ông, rộng chán”. Hưởng trèo lên ngồi cạnh Thuật. Chưa yên vị thì chiếc xe u-oát đít tròn sơn màu xanh lam, gần như chỉ dành riêng cho chủ tịch huyện, vội rồ ga, chồm lên, rồi lao vút ra cổng.

Xe vừa chạy khỏi làng Phương Trà, chợt nhìn thấy phía làng Phương Trì, lối đi tắt cánh đồng sang Phương Lưu, người đi kẻ lại vẻ tất tả vội vàng lắm. Linh tính như mách Thuật việc chẳng lành. Thuật vội nhoài người lên ghế trên, bảo Trường: “Có khi chú với anh Hưởng xuống đi bộ về thăm bà trước, tôi nhờ xe chạy thẳng ra ngoài kia, xem làm sao lại nhốn nháo thế vậy”. Trường cũng nhìn về phía đầu xe, theo hướng Thuật chỉ, rồi bảo: “Thôi thế này, để anh Hưởng đi cùng bác ra ngoài đó xem sao, hình như có chuyện gì ầm ộ thì phải”. Xe dừng lại cho Trường xuống. Khi Trường còn chưa kịp rẽ vào lối xóm nhà Thuật, đã nghe chát chúa bên tai mấy phát súng trường, tiếp sau là cả một băng tiểu liên nổ giòn giã, đan xen những tiếng súng trường điểm xạ ba phát một. Trường bỗng thấy hoảng hồn, bỏ mẹ, sao lại súng ống đì đòm thế nhỉ, nhưng liền hiểu ngay là lại tranh giành lúa má rồi. Từ năm sáp nhập hợp tác xã thôn thành hợp tác xã quy mô xã, điền thổ đảo lộn, để đội nào cũng có gần có xa, có tốt có xấu, thì chẳng mấy vụ không xẩy ra tranh giành đất đai, lúa má, không vào vụ cấy thì vào vụ gặt, không cãi lộn đánh chửi nhau thì đe doạ dùng dao, dùng súng giành lại đất đai, không anh nào chịu anh nào. Trường vẫy vẫy tay làm hiệu cho xe chờ mình cùng ra xem sao, nhưng khoảng cách giữa Trường và chiếc xe đã quá xa. Hình như trên xe có ai đó thúc lái xe chạy nhanh thì phải, chứ không, đường xấu, sao xe vẫn chạy nhanh thế. Trường chỉ còn biết đứng nhìn theo chiếc xe chạy băm băm qua cánh đồng đang rực lên màu vàng lúa chín, mà lòng man mác một nỗi buồn.

Khi chiếc xe u-oát có Thuật và Hưởng đang ngồi, lao đi được một đoạn thì bỗng nghe tiếng đạn nổ chí chát, chiu chiu trên đầu. Thuật hốt hoảng giục lái xe chạy nhanh lên tý nữa, không hỏng ráo cả bây giờ. Chúng nó mà bắn nhau có đứa làm sao thì mình cũng chết. Xe vừa tăng ga chạy được một đoạn, bỗng thấy bờ lúa bên đường có năm bảy người đột ngột đứng lên, giơ tay ra hiệu dùng xe. Thuật nhận ra người làng Phương Trì, vội hét lái xe dừng lại, dừng lại. Xe chưa dừng hẳn Thuật đã bật cửa nhẩy xuống, tý dúi đầu vào ruộng lúa. Cũng vừa lúc mấy người chạy ra quây chặt lấy Thuật, kẻ nói người khóc: “Bọn xóm trại Phương Lưu bắn bị thương bác Lẫm gái rồi”. Thuật đi lại chỗ bờ ruộng có người nằm mặt che nón, một bên chân băng ngang đùi bằng mảnh vải quần. Thuật nhấc chiếc nón ra, cúi xuống hỏi: “Bác có đau lắm không?”. Người đàn bà chạc năm mươi tuổi, đầu bịt khăn vuông đen, vội chống một tay xuống, định ngồi dậy. Nhưng Thuật bảo: “Thôi, bác cứ nằm nghỉ”. Rồi quay ra hỏi mấy người đứng lố nhố: “Sao không đưa bác ấy về trạm y tế, lại để nằm đây thế này? Mau về lấy võng, khiêng bác ấy về trạm y tế ngay đi!”. Một ông chừng ngoài năm mươi, dè dặt: “Dạ, thưa chủ tịch, ông Rục bảo cứ đê ngoài này, sau còn làm nhân chứng, không bọn xóm trại nó lại cãi trắng đi thì sao”. Thuật bỗng thấy giận ông đội phó Phương Trì nông nổi, cứ làm như đám trẻ trâu mạnh ai nấy cãi là được. Nhưng đã nghe Hưởng bảo: “Các bác cứ khiêng bác ấy về trạm y tế, đã có tôi với bác Thuật ra giải quyết đây rồi”. Hưởng vừa dứt lời đã thấy bà thợ gặt bị thương lồm ngổm đứng dậy, nét mặt không có vẻ gì là đau đớn lắm. Bà ta nói chậm và rõ: “Tôi còn đi được”. Rồi kẹp chiếc nón vào nách, đưa hai tay ra sau gáy quấn lại mớ tóc đang xoã sau lưng, tập tững đi. Hưởng, rồi Thuật, vội quay sang hỏi mấy người cũng đang vừa cười, vừa nói, đi cùng bà thợ gặt bị thương ra đường cái.

Thì ra, đúng là đám cờ đỏ Phương Lưu có bắn vào chân bà ấy thật, nhưng chỉ thủng một đám chỗ ống quần, sượt một tý vào bắp đùi, chẩy một ít máu, đắp mấy mồi thuốc lào vào, buộc cái lá rau cải gói trầu thuốc một tý là cầm ngay. Thực tình, một ông liến thoắng nói, súng nghe bắn chí chát thế, nhưng toàn bắn chỉ thiên doạ nhau thôi, chả biết sao lại có thằng mới tập bắn, nên đạn mới đi ngang thế không biết. Nhưng đội phó Phương Trì cầm quân ra gặt ngoài cánh đồng Mái lập tức có bé xoé ra to, cắt luôn một bên ống quần của bà ta buộc ngang bắp chân làm băng, rồi cử mấy người thay nhau cõng bà thợ gặt bị thương lui về tuyến sau, để chờ bên Phương Lưu chấp nhận điều kiện đã.

Chưa biết điều kiện bên Phương Trì đưa ra là gì, nhưng khi xe đưa Thuật và Hưởng ra tới nơi, thì cuộc chiến tranh điền đã im tiếng súng, hai bên chỉ còn đứng dàn thành hai hàng trên hai phía bờ ruộng. Gậy gộc, súng ống, cả liềm hái của đám thợ gặt Phương Trì và đám cờ đỏ Phương Lưu đều đã bỏ cả xuống, người để ngay dưới chân, người khoác qua vai, người khoành hai tay giấu vật dụng ra sau lưng. Nếu không được nghe tiếng súng chí chát vừa nãy, không ai có thể nghĩ những người kia vừa qua trận khẩu chiến, có cả sự hăm doạ bằng hung khí, suýt có người thiệt mạng. Thấy Thuật đi với một người lạ bằng chiếc xe ô tô ra, cả hai bên đều hiểu mình có khi đã đi quá đà, không ai bảo ai, hai bên đều lặng lẽ nhìn về phía chiếc xe. Trong khi Thuật đi lại chỗ ông Rục, đội phó đội Phương Trì, cầm quân ra gặt đồng Mái, thì Hưởng đi vào ruộng lúa, giữa những người hai làng đang dàn hàng ngang, nói dõng dạc:

- Các bác có biết các bác dàn trận đấu khẩu với nhau, lại có cả súng ống nữa thế này là sai không?

Bên Phương Trì chưa ai lên tiếng, nhưng bên Phương Lưu đã ào lên:

- Không sai! Không sai! Chúng tôi chỉ đòi lại ruộng của cha ông, chứ không động đến người nào.

- Không động đến người nào, sao lại bắn vào một bà bị thương kia!

- Đấy là súng cướp cò, chứ chúng tôi không định bắn vào người!

Thuật đi ra gần chỗ Hưởng:

- Tôi là phó chủ tịch uỷ ban xã, còn đây là đồng chí Hưởng, phó chủ tịch uỷ ban huyện, xin thay mặt cho xã và huyện đề nghị bà con hai làng Phương Trì và Phương Lưu bớt giận làm lành, giải tán ngay cho!

Một ông phía Phương Lưu bước lên mấy bước, gào thốc bộ:

- Ông phó chủ tịch xã muốn chúng tôi giải tán, thì phải tuyên bố trả nửa cánh ruộng đồng Mái này cho Phương Lưu đã!

- Đúng đấy!

- Trả ruộng cho xóm trại chứng tôi ngay!

- Trả ruộng cho xóm trại…!

- Trả ruộng cho xóm trại…!

Hưởng nghe thấy rất rõ, từ trong đám người Phương Lưu đồng thanh phụ hoạ lời của ông kia: “Trả ruộng cho xóm trại…Trả ruộng cho xóm trại…!”. Bỗng nhiên, Hưởng thấy dựng hết tóc gáy. Dè chừng,”trai hàng trại, gái hàng cơm”, không cẩn thận có khi vỡ mặt với cánh này. Hưởng bước lên mấy bước, nói cứng:

- Tôi thay mặt uỷ ban huyện đổng ý chấp nhận yêu sách… à, yêu cầu của bà con xóm… đội Phương Lưu. Nhưng đề nghị bà con giải tán, đâu về đấy ngay cho!

Không chờ Hưởng nói câu sau, chỉ mới đến “chấp nhận yêu cầu”, tức thì những người phía Phương Lưu đã huơ chân múa tay reo hò ầm ĩ.

Quả là Hưởng đã cứu cho Thuật bàn thua trông thấy. Thuật như thầm cảm ơn Hưởng, nhưng lại quay lại giục ông Rục bảo bà con làng ta về đi, mọi việc đâu sẽ vào đấy thôi mà.

***

Nhưng cái vụ tranh điền năm ấy còn ám ảnh Thuật, và cả Hưởng nữa chứ, như một bóng ma, mỗi khi đội sản xuất Phương Lưu, hay làng Phương Lưu, hay xóm trại lẻ ngày xưa thì cũng thế, xẩy ra chuyện này chuyện nọ đụng chạm đến hàng xã, hàng huyện, là Thuật không thể không nhớ đến cuộc tranh điền giữa vụ gặt tháng mười năm ấy. Và có lẽ bởi cái bóng ma kia ám ảnh, nên Thuật để ngoài tai câu nói của Lận: “Nguyên nhân xẩy ra xô xát lại không phải là mấy con lợn đâu, bác ạ!”, mà lẽ ra, với một người ở cương vị Thuật không thể bỏ qua.

Lận nghe ông anh nói với một vẻ bực dọc và sẵng: “Không vì mấy con lợn còn vì cái đéo gì “, cũng không dám ho he hóc hách gì nữa, vội cầm ấm chè rót lượt ra hai chiếc chén, rồi hai tay trịnh trọng bê một chén lên đặt trước mặt Thuật:

- Em mời bác uống chén nữa. Chè ngọn nước gốc, giờ mới ngon.

Thuật bưng chén nước lên để gần miệng hà hít hơi chè, giây lâu mới nghiêng chiếc chén cho nước trà chẩy chẩm chậm vào cổ. Đoạn, đặt chiếc chén xuống khay, mồm hơi chúm chím, xục xục hai hàm răng phát ra tiếng kêu chép chép, chép chép nghe giòn và êm. Lận nhìn ông anh chép chép thưởng thức vị trà với nét mặt tươi tỉnh, bỗng thấy những ngần ngại từ nãy đến giờ, trước sự đột ngột rồng đến nhà tôm, cũng tự nhiên tiêu tan. Lận nhìn ông anh, xét nét hỏi:

- Giờ thư thả, bác nói em nghe xem ngoài cái việc họ là dân hàng trại, kể cũng đáng gườm thật, thì còn có gì hệ trọng nữa mà bác bắt em thả họ ra vội thế?

Ông anh như đi guốc trong bụng chú em đầu củ chuối, cười, bảo:

- Tôi biết chú vẫn chưa thông với tôi về việc ấy, nên cơm xong phải sang ngay, kẻo anh em hiểu lầm nhau không hay. Nhưng trước khi nói, tôi muốn hỏi chú câu này đã: Theo chú, xã nên cử ai làm trưởng đoàn đi miền ngược mua sắn về cho dân chống đói?

Lận ngớ ra, phần vì câu hỏi đột ngột, ngoài sức nghĩ của mình, phần vì Lận cũng tưởng hôm họp đảng uỷ bàn giải pháp chống đói giáp hạt cho dân, đã thống nhất giao việc này cho phó bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch uỷ ban đứng ra lo. Vậy sao giờ Thuật lại hỏi Lận như thế. Ông em đầu củ chuối hơi bị bất ngờ, chỉ ậm ừ:

- Cái đó, em nghĩ bác…

- Bác đứng ra lo như đảng uỷ phân công chứ gì. - Thuật đốp luôn, làm Lận có phần lúng túng. Chờ cho chú em bớt căng thẳng, Thuật lại tiếp. - Nhưng người mà tôi nhắm làm trưởng đoàn đi miền ngược mua sắn, thì chú lại bắt giam…

Lận sửng sốt, cắt ngang lời ông anh:

- Điền! Bác định cử tay Điền đi mua sắn ư?

- Đúng thế. Ngoài tay Điền không còn ai hơn. Anh đã điểm mặt hết lượt cán bộ xã. Hai ông phó chủ nhiệm của chú cả đời chưa bước chân ra khỏi đầu làng. Cậu Đĩnh, phó chủ tịch, thì dạ dầy kinh niên, giờ khoẻ, tý đau, chỉ còn nước ngồi ôm mặt nhăn như bị. Còn bà Cửa, thư ký uỷ ban và mấy ông trưởng phó ban ngành thì khôn nhà dại chợ, biết đường sá đâu mà đi với đúng. Cuối cùng, chỉ còn mỗi tay Điền, tuy hiện nay không còn là cán bộ nữa, nhưng cũng từng là thường vụ đảng uỷ, chủ nhiệm hợp tác xã vào loại sắc sảo. Chẳng qua chỉ vì muốn chơi trội, làm cái việc không đâu dám làm, là ra hẳn một nghị quyết giao khoán ruộng cho hộ, nên mới bị ông Giá, bí thư huyện uỷ cũ, đánh cho một vố tý chết. Chứ không, có chú với anh, anh nói thật, kể cả chú, hay cậu Đĩnh, cũng không ai bằng tay Điền. Nhưng anh chọn tay Điền làm trưởng đoàn đi mua sắn cũng còn…

- Nhưng bác ơi, em nghe đâu trong Phương Trà ít nhà đăng ký mua sắn lắm.Vì già nửa làng hiện vẫn còn thóc ăn, nhà nhiều giúp nhà ít, nên số hộ thực sự hết ăn chỉ có mươi nhà. Mà cháy nhà mới ra mặt chuột bác nhá, từ hôm gió lốc nhìn màu lúa thất bát đến nay, người ta đang rộ lên lời thì thầm rằng, không hiểu sao cũng ruộng đồng này, giống má, phân gio, cày cấy, nước nôi ấy, mà bên Phương Trà thóc lúa nhà nào cũng còn, chứ không chịu cảnh đi dọc làng chẳng mấy nhà không bữa cháo bữa cơm như bên Phương La, và cả Phương Trì ta nữa, thì em cũng lấy làm lạ lắm, bác ạ!

- Dễ chú nghi bên ấy lại giao ruộng khoán cho hộ như năm nọ hay sao. Bị một vố tay Điền là đủ như gà phải cáo rồi, đâu còn dám ho he hóc hách nữa!

- Em chưa dám nghĩ thế, mà em chỉ nghĩ là bên ấy ít người mua sắn, nhà tay Điền cũng không thấy có trong danh sách đăng ký mua, chưa chắc hắn ta đã nhận lời đi cho.

- Ối giời, chú khỏi lo bò trắng răng. Anh chọn hắn ta đi mua sắn cũng còn một ý nữa, nói, chú phải giữ mồm giữ miệng đấy, chuyến đi này là một thử thách với hắn. Nếu trót lọt, sắn được chở về xã chia cho dân với giá như giá các xã mua về, hoặc cao thấp tý đỉnh không đáng kể, là một thắng lợi đáng để thường vụ đề nghị huyện uỷ xét xoá án kỷ luật đảng cho hắn ta đúng thời hạn. Còn nếu không mua được sắn, hoặc mua được nhưng lại đội giá lên quá cao so với các nơi, thì thời hạn xoá án kỷ luật có khi lại chưa được xét.

Lận nghe thấy rối rắm quá, nhưng vẫn lọc ra được một ý ngờ ngợ, vội xen vào hỏi:

- Nhưng sao hôm lâu bác lên huyện về bảo, bác Trường nhắc thường vụ đảng uỷ xem thời hạn kỷ luật của đồng chí Điền, để báo cáo lên huyện uỷ xét công nhận hết thời hạn lưu đảng cho đúng thời gian.

- Đấy là chú ấy nói khi chưa xẩy ra vụ xô xát ở Phương Lưu. Nhưng tình hình bây giờ đã thay đổi, thì đây ià cơ hội để hắn ta chuộc lại lỗi lầm. Còn cái việc ngoài

Phương Lưu, tôi nói với chú là nói với góc độ mình là người lãnh đạo xã, đừng làm cái gì già léo đứt dây để dân họ thù oán. Chứ làm sao tổ cờ đỏ lại có quyền chặn xe không cho vào làng, đập vỡ cả cửa kính xe của uỷ ban huyện mà lại bảo không có lỗi gì. Thế chẳng hoá sống ngoài pháp luật à. Nhưng việc ở mức độ nào thì nên giải quyết ở mức độ đó, đừng có bé xoé ra to, bắt người thì dễ, thả người thì khó. May là cánh bảo vệ chỉ để mấy người ngồi trong nhà hội trường uỷ ban rồi khoá chặt lại, chứ nếu đúng như lời đồn là nhốt vào nhà kho phân đạm, thì có một chủ tịch, chứ mười chủ tịch xã ra xin lỗi cũng còn lâu họ mới về cho chú. Thế là phúc bảy đời rồi, em ạ. Anh có linh tính như trời đang phù anh em mình. Thật đấy. Vậy nhân vận may đang đến, ngày một ngày hai anh em mình khởi công xây dựng “khu văn hoá sinh phần”. Chú thấy thế nào? Chắc là cũng đồng ý với anh chứ gì.

Nói thế chẳng bằng không nói. Hỏi thế chẳng bằng không hỏi. Lận cứ ngồi ngay đơ ra nhìn ông anh đầy quyền uy cả về chính trị, kinh tế và tình cảm nội tộc. Chứ còn biết nói gì, khi mọi việc đã được Bồ Tát sắp đặt trước. Kể cả sinh mạng và chức tước của Lận cũng được Quan Thế Âm nhỏ từng giọt trong cái nậm thần kỳ nơi tay Ngài xuống khi nào mát mặt khi ấy, còn không, cũng không thể nói trước điều gì. Huống hồ cái câu hỏi mà Lận không có lấy một phần mười giây lựa chọn cách trả lời kia.

- 15-

Không vào ngày nghỉ, nhưng Cải cũng dành một ngày xuống chơi ông Mải.

Dắt chiếc xe đạp qua cổng. Rồi vào sân. Đến cửa. vẫn thấy nhà yên ắng, lành lạnh thế nào. Chẳng lẽ ông cụ ốm? Hay có ai làm sao đi bệnh viện? Không có lẽ! Mấy hôm nọ còn bảo vì chuyện Điền bị bắt giam ngoài xã, nên ông lão buồn bực đóng cửa nằm trong nhà. Chứ hôm nay, Cải biết Điền không nhũng được thả, mà đích thân anh em Thuật còn mời cả Điền và ông Tinh vào phòng Lận uống nước, xin lỗi hai người. Vì mới chỉ nghe một tai mấy ông ngồi trên xe huyện, chứ chưa kịp hỏi dân làng xem sự thể thế nào, đã vội bắt người giải về giam trên trụ sở xã là chưa đúng (chưa đúng, chứ cũng không nói là sai). Nhưng sao nhà lại yên ắng thế nhỉ. Tịnh không một tiếng động. Trâu thì nhốt chung ngoài chuồng tập thể, một dẫy dài đến chục sân ở phía ngoài rìa làng. Còn lợn gà có chuồng quây kín một góc vồng, khuất ra đầu hồi nhà, người mới vào không để ý cũng không thấy. Chó má không có. Giá có con chó trong nhà cũng có tiếng sủa, nhiều khi lại còn thấy ấm cúng xóm làng. Đằng này tuyệt nhiên không. Đã có lệnh cấm nuôi chó. Cả làng, cả xã không nhà nào còn nuôi chó nữa. Kẻ trộm lại mừng. Không cứ đêm, cả ban ngày, hễ tăm tia nhà nào có cái gì có thể khua khoắng được là lừa lúc đi vắng, nghiễm nhiên vào tận nhà lấy đi, có giời biết. Thế mà nhà đi đâu cổng rả lại không đóng. Cửa cũng chỉ khép hờ. Bà với cô Viên chắc là ra đồng. Nhưng còn ông cụ chỉ ở nhà đan lát, có đồng áng gì đâu mà cũng không thấy có nhà thế này. Hay ông cụ yếu người nằm trong nhà. Có khi thế. Cải dựng xe đạp cạnh bể nước, gần lối vào bếp. Rồi quay lên nhà trên. Vừa đi vừa hỏi: “Ông hôm nay yếu người à?”. Một lát mới thấy tiếng ông Mải từ phía sau nhà:

- Đang giở tay buộc lại cho con gà mái cái ổ ngoài chuồng lợn. Anh ở huyện xuống, hay về làm việc với xã, vào chơi.

Cải vừa bước chân lên hiên nhà, quay lại nhìn ông Mải đang vào sân, bảo:

- Lâu không xuống, hôm nay rỗi, con xuống thăm ông bà và các em thôi.

Ông Mải nửa tin nửa ngờ, hỏi:

- Sao tôi nghe mấy anh ở huyện xuống họp ngoài xã nói, bí thư mới làm việc không có ngày nghi, mà hôm nay anh lại có ngày rỗi cơ à.

Nói rồi, ông cụ đẩy rộng cánh cửa gian giữa, bước vào. Cải cũng bước vào theo. Một chiếc bàn kiểu bàn làm việc cơ quan, có ngăn kéo giữa, với bốn chiếc ghế tựa đều đã cũ, có chỗ sần sùi những vết dao tỳ lên bổ cau lâu ngày nhẵn lì như vân gỗ. Phía sau bộ bàn ghế, ngay chính giữa gian nhà là ban thờ gia tiên, với một dẫy bát nhang ba chiếc để ngang, chiếc giữa to cao dễ gấp hai, ba lần hai chiếc bát nhang hai bên. Sau mỗi bát nhang là một bộ mâm bồng, cũng tương xứng với bát nhang, giữa cao to, hai bên thấp nhỏ. Nhìn vào ban thờ gia tiên cũng biết gia chủ không phải là trưởng chi, trưởng ngành họ thì cũng là trưởng tộc, có nền nếp gia phong truyền đời.

Trong khi ông cụ xuống bếp xách siêu nước chè xanh ủ trong đống trấu từ sáng, Cải đứng giữa nhà chăm chăm nhìn lên ban thờ, mường tượng ra thứ bậc gia tộc và sợi dây liên kết giữa gia đình ông Mải với những người trong họ tộc, xóm làng. Những năm chống chiến tranh phá hoại, đơn vị pháo cao xạ của Cải về đón lõng máy bay Mỹ ở đây, Cải cũng nghe người ta nói, xã Tiên Trung tiếng là có bốn làng, nhưng chỉ có hai làng Phương Trà và Phương Trì là dân gốc thuần, mỗi làng đều có một dòng họ gần như chi phối mọi công to, việc lớn của cả làng. Phương Trà là họ Vũ Đức nhà ông Mải. Còn Phương Trì là họ Phạm Khắc nhà Thuật. Đều là họ có đông suất đinh nhất, nhì xã, còn những họ khác như họ Nguyễn, họ Bùi, họ Lương, họ Đoàn là họ nhỏ, trên dưới trăm suất đinh, có họ chỉ vài chục như họ Đoàn bên Phương La. Cải cũng biết, ông Mải không là trưởng tộc, trưởng chi họ Vũ, nhưng ông là người kỹ tính, nên ngay cả những năm việc lập ban thờ, bày bát nhang, bài vị trong nhà bị coi là mê tín dị đoan, cán bộ, đảng viên lại càng gương mẫu, không ai dám lập ban thờ, nhưng nhà ông vẫn đóng cái giá treo trên tường, đặt tấm gỗ hình chữ nhật chiều ba mươi, chiều sáu mươi phân lên đấy, với một cái vỏ ống bơ sữa bò làm bát nhang, như một sự tượng trưng ban thờ gia tiên. Còn bây giờ đã có điều kiện hơn, lại thêm việc thờ cúng, giỗ chạp cũng không đến nỗi khe khắt, xăm xoi như mươi năm trước, ông cụ lập ban thờ như thế cũng là phải.

Trong khi ông Mải xuống nhà dưới xách siêu nước chè xanh ủ trong đống râm trấu, Cải ngồi nhìn lên ban thờ nghĩ vẩn vơ. Khi ông cụ một tay xách siêu nước, một tay cầm cái điếu bát từ dưới bếp lên, Cải quay ra hỏi:

- Sao bảo xã họ thả chú Điền ra ngay chiều hôm ấy, hả ông?

Ông cụ để siêu nước xuống đất, ngẩng lên, cầm cái điếu bát đặt lên bàn, bảo:

- Anh em ông Thuật cũng không vừa đâu. Tính toán chán cả đấy. Bắt người chưa có lệnh đâu phải chuyện chơi. Nhưng cái chính là sợ dân Phương Lưu lại làm ầm ĩ như cái vụ tranh điền năm nọ.

Cải ngay thật nói:

- Tranh điền với tranh lợn khác nhau một trời một vực, sao lại ầm ĩ được.

- Điền với lợn, cuối cùng vẫn là miếng cơm manh áo của dân. Thế mà không giải quyết thấu tình đạt lý là ầm ĩ, chứ sao nữa.

Ông Mải vừa nói, vừa rót nước chè từ trong cái siêu ông vừa xách dưới bếp lên. Hết lượt hai chiếc chén sứ Hải Dương, ông đặt chiếc siêu dưới chân bàn, rồi cầm chén nước đặt trước mặt Cải:

- Anh uống nước chè. Chè xanh nấu từ sáng, ủ đống rấm trấu nóng cả ngày. Cái giống nước chè uống nóng mới ngon.

Đúng là nước chè vẫn còn nóng giẫy đành đạch, Cải vừa uống vừa thổi phù phù mới bớt nóng. Uống xong chén nước, Cải mới để ý nhìn vào góc nhà, thấy chiếc xe đạp của Điền dựng ở đó, liền hỏi:

- Xe đạp hỏng hay sao, chú Điền đi học lại để xe ở nhà thế kia, hả ông?

- Ơ, thế tôi tưởng anh biết rồi?

Cải hỏi dồn:

- Biết gì hả ông? Lại có chuyện gì xảy ra nữa à?

Ông Mải thủng thẳng:

- Chuyện gì xảy ra thì chưa. Nhưng tôi tưởng anh biết thằng Điền đi Bắc Cạn mua sắn cho xã. Thế từ hôm xảy ra xô xát ở Phương Lưu, nó không gặp anh à?

- Dạ, không ạ!

- Thể nào, nãy nghe anh hỏi tôi lại cứ nghĩ anh chỉ muốn biết thả lúc nào, để biết mấy người bị giam lâu hay chóng thôi. Chứ cũng không nghĩ là anh không biết nó đi mua sắn cho xã.

Cải nói như giải thích:

- Từ hôm con ngủ ở dưới này, con với chú Điền cũng chỉ gặp nhau có hai lần. Một lần chung chuyến phà, chú ấy đi học, con đi họp trên tỉnh. Còn một lần vào chiều tối, chú ấy đi học trên tỉnh về, gặp con ở cổng huyện uỷ, bảo vào uống chén nước, cứ chối đây đẩy rằng em về ăn cơm, đói lắm rồi. Hình như chú ấy ngại gặp con, vì cũng không muốn bên ngoài nhìn vào, dễ sinh điều nọ tiếng kia chăng.

Ông Mải biết con trai là người khái tính, tự mình khẳng định mình, chứ không thích dựa dẫm người khác. Ngay như dạo năm ngoái, năm kia, họp lên họp xuống, kiểm thảo phê bình hàng tháng trời, hết trưởng ban kiểm tra lại trưởng ban tổ chức huyện uỷ, rồi phó bí thư kiêm chú tịch Trường nhắn lên gặp riêng cũng không lên. Thôi, tôi làm tôi chịu, đáng tội đến đâu các đồng chí xử đến đấy, kỷ luật hay ra toà cũng không phản đối gì, vì tôi làm không phải cho cá nhân hay gia đình, mà cho gần vạn dân Tiên Trung thôi. Biết tính con, ông Mải xác nhận lời Cải:

- Đúng thế đấy, anh ạ. Mới lại, sau hôm xảy ra xô xát ở Phương Lưu đâu được một, hai ngày là nó với ông Liểu, ngoài cửa hàng mua bán xã, và thằng Bính, cháu gọi ông Thuật bằng chú, đi Bắc Cạn mua sắn ngay. Thằng Điền lại còn được ông Thuật, ông Lận giao cho làm trưởng đoàn. Nhận giấy tờ, tiền nong hôm trước, hôm sau đi ngay. Tôi cũng bảo nó, không nhận thì thôi, nhận thì nhanh chóng đi đi. Cố đưa được sắn về càng nhanh càng tốt, để bà con bớt đói kém ngày nào hay ngày ấy, chứ lúa má trông thế cũng còn vàng con mắt mới được gặt. Nó đi hôm nay cũng được dăm bảy ngày rồi, chậm lắm cũng chỉ mươi ngày nữa là về thôi.

- Lãnh đạo xã sao không ai đi, lại cử chú Điền làm trưởng đoàn, hả ông?

- Lãnh đạo xã là ai, ông Sa bí thư ốm hàng tháng nay có đi đâu được. Chỉ còn anh em ông Thuật, ông Lận. Thì cả hai đều gặp thằng Điền đặt vấn đề nhờ nó giúp xã giải quyết khó khăn lúc giáp hạt này. Nó nhận lời. về bảo tôi. Tôi cũng nghĩ họ đã có lời như thế, biết đâu lại là chủ trương của thường vụ đảng uỷ giao nhiệm vụ để thử thách, trước khi hết thời hạn kỷ luật đảng. Nên tôi cũng động viên nó đi cho nhanh cho chóng, mua được sắn chở về cho dân chống đói giáp hạt cũng là việc đáng làm. Tôi mà biết anh em ông Thuật đẩy thằng Điền đi làm thay công việc của anh em ông ấy, để anh em ông ấy ở nhà xây sinh phần, tôi cũng không cho nó đi.

Cải bỗng thốt lên:

- Sao đang lúc đói kém thế này lại giở giói ra xây sinh phần?

- Đói kém mới dễ mượn người làm. Chí cần ngày hai bữa cơm là ới một tiếng ối người đến. Lại công sá không phải trả một hào nào.Thế nãy vào anh đi đường nào, không qua lối Phương Trì à? Qua sao không thấy ở chỗ đầu làng nhìn ra, gần cái gò cây đa quán ông Mận ngày xưa, đang có đến mấy chục người đào cuốc, gánh gồng, san lấp mặt bằng, xây tường bao khu sinh phần nhà ông Thuật à?

- Con đi lối tắt. Mới lại cũng mải đạp xe không để ý.

Bỗng một giọng đàn bà từ cổng vọng vào, cắt ngang câu chuyện của hai ông con:

- Ai như tiếng bác Cải mới xuống à?

Bà Mải vừa cắp cái rổ nhô vào cổng, chưa nhìn ra người đã nhận ra tiếng. Trong nhà ông Mải và Cải đều nhìn ra. Cải vội hỏi:

- Bà đi hái rau về, hay đi chợ mà thấy cắp cái rổ có vẻ nặng thế?

Ông Mải cũng nói:

- Tôi tưởng bà với con Viên ra đồng?

- Tôi chạy đi chợ mua tý thức ăn. Còn con Viên lên đồng Láng xem lúa má đã gặt được chưa. Thấy mấy nhà hôm qua gặt lỏi về cũng chín đáo để, có khi nhà mình cũng phải lên gặt, chứ để chín khó giữ.

Để chín khó giữ, Cải nghe bà cụ nói thấy ngờ ngợ, lúa má hợp tác xã mà cứ như của nhà, không gặt sợ có đứa cắt trộm. Hay hợp tác xã thấy dân hết ăn, lại cho mỗi nhà gặt lỏi một ít. Dẫu vậy cũng phải gặt chung, chứ sao lại thích nhà nào gặt thì gặt thế được. Cải vội hỏi:

- Hợp tác xã không tổ chức gặt, lại để xã viên tự gặt, hả bà?

Bà Mải hơi ngớ ra, chưa biết trả lời thế nào, đã nghe ông chồng nói như gắt:

- Bà nói không rõ, để bí thư huyện uỷ hiểu nhầm. Phải nói là con Viên nó đi xem chỗ ruộng phần trăm nhà mình đã gặt được chưa? Chứ lúa của hợp tác thì đến gặt thật còn không dám, ai dám gặt lỏi mà sợ khó giữ!

- À à… vâng! Em nó đi xem đám ruộng… phần trăm…

Bà cụ ấp úng, nói giật cà giật cục, làm Cải lại càng thấy như có cái gì hệ trọng, cả hai ông bà đều không muốn hở ra với ai. Cải nửa muốn hỏi, nửa lại lưỡng lự. Nhưng lại thấy bà gọi ông xuống nhà dưới, nơi bà vừa cắp cái rổ đi chợ về, vào thẳng đấy. Một lát thấy ông quay ra, vừa đi lên nhà, vừa hỏi:

- Anh Cải vẫn ăn được gỏi cá đấy chứ nhỉ?

- Dạ, con ăn được. Nhưng cũng từ cái ngày đóng quân ở đây, ông làm cho ăn một bữa, đến nay chưa được ăn bữa nào nữa.

Ông Mải mới lên đến cửa nhà trên, nghe Cải nói, liền cười, bảo: “Thế được!”, rồi lại quay xuống nhà dưới.

Một lát thấy bà vợ cun cút đi ra ngõ. Tiếng bà dặn với lại chồng:

- Ông lấy cái mâm đậy rổ cá vào, kẻo gà qué lại tha đi đấy.

Ông Mải còn lục cục ở nhà dưới một lúc mới lên nhà trên. Đến cửa đã bảo: - Bà ấy chạy sang sọi thằng Túc nó sang làm với một tay. Cái giống gỏi cá làm ky cách lắm, lai không thể làm nhanh chóng cho xong được.

Ông vào nhà, ngồi xuống bàn nước. Thư thả thông cái nõ điếu bát, nhón mấy sợi thuốc lào để trong cái sáp bằng sắt tây tròn như cái hộp, tra vào nõ điếu, rồi mới cầm đến cái đóm tước ra từ thân cây thuốc lào ngâm, phơi nỏ. Ông chưa kịp châm lửa, thì thấy Túc tất tưởi vào đến đầu sân, nói như reo:

- Bác Cải mới xuống chơi với ông bà em đấy ạ!

Cải quay ra:

- Anh chị với các cháu dạo này vẫn khoẻ chứ. Mời anh vào chơi.

Bà Mải xởi lởi:

- Tôi phải nói mãi nó mới chịu sang đấy, anh ạ.

Túc chữa:

- Tại bà không nói có bác Cải xuống chơi. Chỉ bảo tao đi chợ gặp mớ cá mè ngon, lại rẻ, định mua về kho, nhưng về, ông lại muốn ăn gỏi. Anh sang làm với ông, rồi hai ông con uống rượu cho vui. Chứ bảo có bác xuống, em sang ngay. - Anh Túc chắc làm gỏi cá thạo lắm nhỉ?

- Thạo nhất phải nói là ông nhà đây. Còn em cũng chỉ tàm tạm. Nhưng so với chú Điền thì con vẫn hơn, ông nhỉ?

Ông chưa kịp nói, bà đã bảo:

- Anh hơn nó nhiều thứ, chứ đâu chỉ mỗi việc làm gỏi cá.

Bà lại muốn nói đến đường vợ con. Túc chỉ hơn Điền chục tuổi, năm nay bốn ba, nhưng đã có tới năm đứa con, còn Điền vẫn chưa vợ con gì. Ông biết ý bà, không muốn để bà ca cẩm chuyện vợ con của cậu con trai nữa, liền bảo Túc:

- Thôi nào, uống nước hút thuốc đi, rồi ông con mình đi làm cá. Cái giống này tanh tưởi, bắt tay vào làm là làm một mạch, xong rửa ráy luôn thể.

Túc vừa tra thuốc vào nõ điếu, vừa nhìn ông Mải:

- Làm dưới nhà hay trên này, hả ông?

Bà bảo:

- Làm dưới nhà, để trên này bác Cải còn nghỉ ngơi. Ông nói ngay:

- Thôi làm trên này. Cái món gỏi là phải sạch sẽ. Dưới ấy lát nữa bà còn cơm nước, lại bụi bậm.

Cải cũng bảo:

- Con không nghỉ ngơi gì đâu. Ông mang lên trên này làm cho con xem với. Tiếng thế, con cũng chưa được xem làm gỏi cá bao giờ.

Túc khệ lệ bê cái rổ, trong đựng đến gần chục con cá mè choai choai bằng con dao phay, mình vàng ngươm, nhất là chỗ dưới hai bên mang con nào con nấy vàng dễ có ngấn. Ông Mải cũng một tay xách cái thớt gỗ nghiên đã nổi màu mận, một tay cầm hai con dao phay, một to, một nhỏ, con nào lưỡi cũng sáng loáng, từ nhà dưới lên. Ông chưa đặt thớt xuống ngay, còn để dựa vào cửa, ý chừng thiếu thứ gì nữa. Vừa lúc, tiếng bà ở nhà dưới hỏi vóng lên:

- Có làm bằng nia không ông ơi, đế tôi mang lên này?

- Có chứ.

Ông nói xong, Túc vội đặt rổ cá xuống cửa. Nhưng đã thấy bà tay cầm nia, tay cầm cái rổ con đi lên. Ông thấy bà tay cầm cái rổ biết ngay là bà định đi đâu, vội đón lấy cái nia, bảo:

- Bà đi hái lá lộc thơm, còn vọng cách, để tý nữa Túc nó hái cho. Chứ bà ra bờ ao, vin cành vọng cách không khéo ngã xuống ao đấy. Cái giống vọng cành nó dòn, dễ gãy.

Túc cũng bảo:

- Bà cứ hái lộc thơm ở những chỗ dễ hái thôi. Còn chỗ nào khó hái cứ để lát nữa xong đây, con hái một loáng tha hồ ăn.

Ông Mải chậm rãi nói với bà, mà như với cả Túc và Cải:

- Nhưng bà phải chịu khó hái đủ các thứ lá thơm nhá. Húng láng, tía tô, mùi tàu, húng tép, đinh lăng, lá mơ, mà phải ra sau nhà hái lá mơ tam thể, chứ đừng hái lá mơ trắng đấy. Cái món gỏi cá ngon là còn ở cái lá lộc nữa. Có đủ các thứ lá lộc mới bùi, thơm. Từ chua, cay, thơm, chát đến cả cái vị đăng đắng nữa, mới càng át được cái tanh. Nhai chỉ thấy bùi bùi, thơm thơm, deo dẻo quấn quyện vào nhau. Nuốt miếng gỏi cá vào đến đâu biết đến đấy.

Ông Mải đặt chiếc nia xuống gian nhà bên, gần lối cửa buồng. Túc vội cầm cái khăn lau làm bằng một mảnh lưới cũ, nhiều mắt lưới đã đứt sợi gai, nhưng màu nâu vẫn còn thẫm như lưới mới, lau lượt mặt nia.Trong khi Túc lau nia, ông Mải vào trong buồng mang ra một tập giấy bản và mảnh lưới cũ nữa, bảo chỗ này để tý lau cá. Rồi ông cầm cái thớt đặt vào giữa nia. Thấy hai người đang chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật cá không kém phần lý thú, Cải cũng ngồi xuống cạnh chiếc nia, hỏi:

- Con có giúp được gì cho ông và chú Túc, thì ông với chú cứ bảo nhá.

Nói rồi, anh cũng cầm túm lưới cũ Túc vừa vất cạnh nia lau dao thớt. Nhìn Cải làm cũng khá nhẹn, ông Mải bảo:

- Món gỏi này cũng dễ làm thôi, chỉ xem một lần, lần sau có khi anh Cải cũng biết làm ngay đấy mà.

Cải tiếp lời:

- Biết làm, nhưng chắc làm được ngon thì phải lâu, ông nhỉ!

Ông Mải bảo:

- Cái gì làm lấy ngon, lấy tốt mà chả cần sự kiên nhẫn bền lâu. Chỉ có ăn xổi ở thì mới chóng được, lại chóng hỏng.

Ba người ngồi quanh cái nia, trước mặt là một mớ cá mè, con dao, cái thớt. Ông Mải ngồi một bên, Túc một bên, châu đầu vào nhau đánh vẩy cá. Những con cá mè vẫn còn giẫy đành đạch, đặt lên thớt đánh sạch vẩy, cắt đầu để gọn một góc nia. Cải thấy hai người làm cá kiểu gì, đánh vẩy xong lại không mổ ngay, liền hỏi: - Sao đánh vẩy xong lại không mổ, hả ông?

Túc nhanh nhảu:

- Để gọn đấy, xong mổ mà thể. Ông Mải bảo:

- Cái món cá gỏi, sở dĩ ngon là còn ở cái ruột cá nữa. Toàn bộ những cái trong bụng con cá, trừ mỗi cái mật, còn tất cả mang băm dừ, cho vào nấu lõng bõng như bỗng lên ăn. Cứ một ít lá lộc thơm đặt vào bát, gắp mấy lát cá để lên, rồi rưới một thìa bỗng còn nóng giẫy đành đạch vào, không cần bất cứ một thứ nước chấm nào nữa, thế mới đúng kiểu ăn gỏi cá. Thế nên, hẵng cứ đánh vẩy xong đã, lát nữa mới mổ một loạt lấy ruột cho vào nồi bỗng luôn thể.

Loáng cái, ông Mải và Túc đã đánh vẩy xong mớ cá. Túc lấy lưỡi dao cạo hết những cái vẩy cá bám trên thớt, vun gọn xuống một góc nia. Xong đâu đấy, hai người mới lại đặt từng con cá đã cắt đầu, đánh vẩy lên thớt mổ. Mỗi cái ruột bàn từ bụng cá ra, ông Mải và Túc lại săm soi tìm mật cấu vứt đi, rồi mới lấy dao bàn hết những thứ trong ruột cá ra, xong, bỏ tất cả lòng gan vào cái nồi con, dễ chỉ thổi vừa một ống gạo. Túc vừa cầm bộ lòng cá bỏ vào nồi, vừa hỏi ông Mải:

- Cái giống cá mè ăn chìm, con tưởng ăn gỏi phải tanh, chứ lại ngon hơn cá chép thì cũng lạ, ông nhí.

- Cá mè ăn nổi, chứ ai bảo cá mè ăn chìm. Nhưng ăn chìm nào bằng anh cá chuối. Thế nhưng cá chuối ăn gỏi lại ngon dễ chỉ sau cái anh cá vược, vừa thơm, lại vừa giòn thịt. Còn cá mè cũng giòn thịt, nhưng không thơm bằng cá vược. Mà đã ăn gỏi cá mè là phải loại mè nhỏ thế này mới giòn và thơm thịt. Nhiều người không biết cứ nghĩ cá to ăn mới ngon, là chỉ ngon với kho rán, chứ đã gỏi là phải cá mè

còn nhỏ con ăn mới giòn ngon, thơm tho, chứ to ăn nhão thịt. Ừ, cá chép cũng làm gỏi ngon chứ sao, nhưng vẫn thua anh cá mè, vì cá chép cũng nhão thịt. Đã làm gỏi cá, bao giờ các cụ ta cũng chọn loại cá giòn và thơm thịt, còn loại cá nhão thịt, kể cả cá trắm, cá rói, cá ngạo, cá mương cũng ăn gỏi được, nhưng thịt nhão, không giòn và ngon như cá mè. Thôi, anh để tôi lau nốt. - Đoạn, ông quay sang Cải. - Bây giờ anh Cải có việc rồi đây. Anh Túc với anh, hai anh em ra bờ ao đào riềng đi. Ra chỗ cửa chuồng gà đằng sau nhà, lấy cái mai đào cho nhanh, anh Túc ạ.

Ông Mải vừa lau tay xong, định đứng lên, thì nhìn thấy bà vợ cắp rổ lá thơm đi vào nhà dưới, liền bảo:

- Bà đánh rửa sạch hộ tôi cái mâm, cầm lên đây nhá.

Cải và Túc đang hí húi ngoài cầu ao, vừa cắt rễ, rửa riềng, vừa rì rầm chuyện gì đó. Nghe tiếng ông giục bà, Túc vội nhanh chân mau miệng:

- Bà có việc gì cứ làm đi, để mâm con đánh rửa cho.

Bà cụ bảo:

- Cũng chả có việc gì. Anh cứ cắt rễ, rửa riềng với bác Cải cho xong đi. Rồi mang thái ra từng miếng mới bỏ vào cối giã cơ đấy.

Nhưng đã nghe tiếng ông vọng ra:

- Thế thì bà đi xem hộ tôi cái âu mẻ, rồi mang lên đây với.

Quả là làm được một bữa sỏi cá ra gỏi cá cũng không đơn giản, lại càng không thể vội vàng. Cái nào phải vào cái ấy. Đã nấu bỗng gỏi là phải có mẻ lọc lấy nước, cho vào nấu mới vừa chua, lại vừa thơm, chứ nấu bất cứ loại chua gì, kể cả cà chua, chay, khế, cũng không thể ngon bằng nấu mẻ. Mà cái món gỏi cá ngon hay không còn ở nồi bỗng có biết nấu hay không. Nhiều người lại cứ tưởng cho rõ nhiều cà chua, chay, khế vào là ngon, kỳ tình chỉ làm cho nồi bỗng gỏi vữa như cháo, chứ làm sao thơm ngon, lại lõng bõng dính kết được như cho mẻ nuôi. Bà Mải bê âu mẻ lên đến cửa, bảo chồng:

- Mẻ chua mà thơm lắm, ông ạ.

Ông Mải ngẩng lên:

- Bà mới bê lên đến cửa tôi đã thấy thơm.

Túc tất tưởi xách cái mâm vào, vừa cười vừa nói:

- Con cứ tưởng bác Cải không biết làm riềng, nhưng cũng cắt rễ, thái riềng nhanh gớm, ông ạ!

- Chuyện, lãnh đạo phải thế mới gần được dân. Chứ quan cách quá thì làm sao gần dân, hiểu dân được.

Túc đặt chiếc mâm vừa đánh rửa sáng loáng xuống nia, hỏi:

- Lau khô cá xong thái ngay, hay để khi nào gần ăn mới thái, rồi trộn riềng luôn, hả ông?

- Cứ lau xong con nào bọc giấy bản gói vào để đấy, cho nó hút hết nước, khô con cá đã. Gần đến lúc ăn mới thái, rồi trộn riềng luôn, cho vừa tươi vừa thơm. Nhưng anh cứ để tôi lau, đi xem dọn cối cho bác Cải giã riềng hộ, còn anh đi lo cái món lá thơm đi. Có khi phải chạy vào nhà Vần xin nắm lá sung, nếu cây có quả mua nó mấy hào anh ạ. Nhà nó chỉ cho lá, chứ quả là phải mua đấy. Rồi về bờ ao nhà tôi phía ngoài kia có cây vọng cách mọc sát bờ đấy, hái lấy mấy cành. Cái giống gỏi cá mè là cứ phải có lá vọng cách ăn mới bùi, mới thơm, ừ, sung thì bùi rồi, nhưng không có mùi thơm như lá vọng cách. Kể các cụ ta cũng lạ, trong bao nhiêu thứ ăn sống, nào nem chạo thịt lợn, nào gỏi tôm gỏi tép, nhưng không thứ ăn sống nào cần đến nhiều thứ lá lộc thơm, lại cả chua chát đắng cay nữa, như gỏi cá. Mà toàn những thứ đứng trong vị thuốc, nào là tía tô, rau húng, mùi tầu, rau răm, rau ngổ, dấp cá, húng tép, rồi đinh lăng, kinh giới, lá mơ, lá sung, lá si, vọng cách…

Ôi giời, có đến mười mấy loại lá lộc thơm được bày ra mâm cá gỏi, chí ngửi mùi lộc đã muốn ăn rồi.

Túc đến đứng bên bàn rít òng ọc một hơi thuốc lào, rồi cầm ấm rót nước ra hai cái chén. Nhưng chưa uống, mà bê một chén đến chỗ ông Mải đang ngồi lau cá bên cái nia, gần lối ra vào buồng:

- Con mời ông nghỉ tay uống chén nước đã.

Ông Mải ngẩng lên:

- Anh cứ để xuống góc nia này cho tôi xin. Ông cụ lại tiếp tục cầm từng nửa mình con cá một đặt vào đống lưới cũ, lau lau, hết mặt bụng lại lật sang mặt lưng. Lau xong miếng nào lại lấy giấy bản bọc kín để rải ra một góc nia. Trông những miếng cá lau khô, bọc trong giấy bản cảm giác như đấy là một miếng thịt nạc dài và nhỏ gần bàng bàn tay, được lọc từ một tảng thịt mông sấn ra, chứ không phải là lọc ra từ những con cá mè chỉ nhỉnh hơn ba ngón tay.

Ngoài bế nước gần cầu ao, Túc đã dọn xong cối cho Cải ngồi giã riềng, còn Túc đang cầm cái rá tất tưởi đi ra lối ngõ xóm. Chắc là ra bờ ao phía ngoài hái lá vọng cách, hay vào nhà Vần xin lá sung.

Dưới nhà, bà Mải đang cầm cái muôi cạo xoàn xoạt vào đáy nồi gang, dễ nấu được tới ba bốn bơ gạo. Nhà này chỉ có bốn miệng ăn, hai ông bà và cậu con trai, cô con gái, ngày thường chả bao giờ phải nấu cơm bằng cái nồi ấy. Hôm nay tuy là không có Điền ở nhà, nhưng lại thêm tới hai người, anh Cải chả nói, chứ bố thằng Túc hai bơ gạo cũng đi bay. Mới lại, thừa một tý còn hơn thiếu, nên cứ nấu vào cái nồi gang này cho nó rộng rãi.

Ông Mải thấy bà vợ cạo xoàn xoạt cái nồi gang dưới nhà, quay xuống bảo:

- Bà định nấu cơm nồi ấy cơ à. Gỏi nhiều, chi ăn những gỏi cũng no, còn ăn được bao nhiêu lắm nữa mà nấu nồi ấy.

Nhưng chẳng biết bà vợ có nghe thấy, vẫn cắm cúi cạo hết đám cháy khô bén vào đáy nồi từ bao giờ chưa cạo rửa. Giây lát, mới thấy bà bê cái nồi ra cầu ao đổ nước vào ngâm, rồi mang chiếc nồi gang con mọi ngày vẫn nấu cơm ra bể nước.

Cũng phải bằng người nấu chín nồi xôi, bốn người: ông Mải và bà vợ, Túc và Cải, mỗi người một tay nhặt, rửa lá lộc thơm, giã riềng, dọn nong nia, dao thớt chỗ ông Mải vừa làm cá, lại không kể trước đó hàng giờ, ông Mải và Túc đã đánh mổ, lau chùi cá, mọi công việc cho một bữa gỏi cá mới hòm hòm. Công việc mới hòm hòm chứ chưa hẳn đã xong, có thể mời nhau ngồi vào mâm được, là vì còn công đoạn cuối cùng chưa bày ra bát đĩa đặt lên mâm. Đấy là cá chưa thái ra, bóp riềng, nồi bỗng còn đang nấu dưới bếp. Cả hai thứ ấy không thể làm sớm để chờ đến bữa được. Ông Mải xách cái thớt gỗ nghiến vừa làm xong, rửa ráy phơi ráo nước ngoài sân vào, đặt xuống gian làm cá ban nãy, nhưng không cần lót nia nữa, cứ thế ngồi thái cá. Túc ngồi cạnh, cầm từng miếng cá bọc giấy bản ra, bóc hết giấy đi, rồi đặt cạnh thớt cho ông cụ thái. Thái xong con nào, ông cụ lại đập củ tỏi rắc lên, rồi bốc dúm riềng giã nhỏ tơi để trong cái bát ô tô bên cạnh bỏ vào, lấy tay bóp bóp cho đều đê riềng tỏi dính vào từng miếng cá, đến không còn nhìn rõ miếng cá hay miếng riềng nữa mới bày gỏi vào đĩa. Khi hai chiếc đĩa được bày gỏi cá đầy tú ụ, ông Mải mới giục Túc xuống bếp xem nồi bỗng bà nấu có khi được rồi đấy, bắc lên ăn nóng cho ngon, chứ để nguội lại tanh đấy. Nhưng Túc mới kịp xách cái thớt, con dao ông Mải vừa làm xong, ra dựng ngoài cửa, thì bà cụ đã bê nồi bỗng lên, bảo:

- Xong cả rồi đây, ông ơi.

Ông Mải vừa cầm cái chiếu trải ra gian bên cạnh, vừa nói:

- Ăn ở bên này, bà ạ. Chỗ ấy vừa làm cá sợ còn mùi chăng.

Cải cũng vội đi ra ngoài bể nước cầm cái rổ lá lộc thơm vẩy vẩy cho ráo nước, rồi mang vào để cạnh mâm gỏi ông Mải vừa đặt vào giữa chiếu.

Bà Mải đặt nồi bỗng ở ngoài chiếu, mở hé cái vung như có ý cho cả nhà thấy cái mùi thơm thơm, chua chua, cay cay của nồi bỗng cá bà nấu. Nhưng ông lại vội bảo:

- Ấy ấy, đạy vung lại đi. Bà mở ra thế nguội hết còn gì. Cái món gỏi cá, bỗng phải nóng giẫy đành đạch, ăn sụt xà sụt xịt mới ngon. Nào thôi, ngồi vào đi. Bố Túc còn làm gì ngoài ấy.

- Con lấy thêm ít tỏi.

Túc cầm một nắm tỏi đã bóc sạch vỏ vào bỏ xuống cái bát cạnh mâm, rồi giục Cải:

- Bác ngồi vào trong, cạnh chỗ ông kia. Để em với bà ngồi ngoài đầu nồi cho.

Ăn gỏi chứ có ăn cơm mấy đâu mà ngại xới.

Bốn người ngồi bốn góc mâm. Ông Mải tay cầm chai rượu lên, bảo:

- Mỗi người uống tý rượu cho nóng bụng, rồi hãy ăn gỏi cho yên tâm này!

Nói xong, ông nghiêng chai rót rượu ra từng chén. Cứ rót xong một chén, đưa lại phía người nào, ông lại nói: “Mời bà”. Bà cụ đưa tay ra đỡ chén rượu. Rồi đến: “Mời bác Cải”. Cải chậm rãi đưa cả hai tay ra đón chiếc chén. Ông cụ lại với tay chéo qua mâm: “Mời bố Túc”. Túc vội nói: “Ông cho con xin”. Cuối cùng đến chén của ông, như đê nói thay lời tự mời, ông bảo: “Đây của tôi”. Mọi người biết ý cũng nâng chén rượu đưa về phía ông, đợi ông đặt chén rượu lên môi uống một ngụm, rồi mình mới uống. Chờ cho mọi người đặt chiếc chén xuống mâm, ông Mải mới cầm đôi đũa chỉ chỉ vào đĩa gỏi, nói:

- Nào, mời bà, bác Cải, bố Túc, xem đi chứ! Xem món gỏi hôm nay thế nào.

Ông huơ huơ đôi đũa, ra ý mời mọi người. Rồi nhón tay nhặt mấy cái lá lộc đặt vào bát, sau đó mới nhè nhẹ gắp một miếng gỏi để vào, cầm thìa xúc bỗng rưới lên. Mùi lộc thơm, mùi riềng bóp cá, mùi bỗng bốc hơi quyện vào nhau chỉ nhìn, chỉ ngửi đã muốn ăn. Cải nhấp ngụm rượu, đặt chén xuống mâm, nhưng cứ ngồi nhìn ông Mải, rồi bà cụ và Túc ăn đến miếng thứ hai, mới nhón tay nhặt lá lộc thơm để vào bát, gắp gỏi đặt lên, cuối cùng là lấy thìa múc bỗng rưới lên trên gỏi, rồi bê bát và ăn. Không phải Cải giữ ý giữ tứ gì, mà thực tình cũng muốn biết cách thức ăn gỏi thế nào để bắt chước, vì lâu lắm rồi, Cải mới lại được ăn một bữa gỏi do chính những người sành gỏi cá tự làm. Cả nhà này, ông, bà, Điền và cô em gái đều ăn được gỏi cá. Ông bà đang ăn ngon lành kia. Điền đi vắng không nói. Còn cô Viên thì từ nãy đã thấy ông san đĩa gỏi ra một cái đĩa con đưa cho bà mang xuống nhà dưới, hẳn là để phần cô con gái đi làm đồng chưa về. Mọi người ngồi ăn vẻ ngon lành lắm. Túc không biết có uống được rượu, mà đã thấy hai lần đưa chén về chỗ ông cụ. Còn Cải, có mỗi chén vẫn còn đến già nửa. Ông Mải cầm chén rượu lên, ngó sang chiếc chén của Cải, giục:

- Anh Cải uống đi chứ, sao còn nhiều thế kia. Cái món gỏi là phải đưa cay vào mới đậm đà, thơm ngon được.

Bà Mải cũng nhìn Cải, bảo:

- Ông nói đúng đấy! Bác cứ uống vào, rồi gắp gỏi ăn đại đi mới thấy ngon. Chứ chỉ ăn gỏi, không uống rượu, như đàn bà thế, ăn chả được mấy đâu.

Túc cầm chén rượu dơ lên:

- Nào, bác với em cùng cạn nhá!

Cải nâng chén rượu lên, nhìn Túc dốc một cái hết chén rượu, vội nói:

- Tôi hết một nửa cũng được nhá?

Ông Mải bày cách cho Cải:

- Anh uống với Túc nửa chén, còn một nửa uống với tôi.

Nói xong, ông cụ cầm cái chén uống luôn chỗ rượu dở, rồi đặt chén xuống, cầm chai rượu để cạnh chỗ ông ngồi, mở nút lá chuối, rót vào chiếc chén của ông. Đoạn, đưa cả chai cho Túc, ra ý bảo: “Rót uống đi!”. Túc vội đón cái chai: “Con xin ông”, rồi nghiêng chai rót rượu vào chén của mình. Ông cụ nhón mấy cái lá lộc thơm đặt vào bát, gắp cá, rưới nước bỗng lên, bưng bát và. Ăn xong miếng gỏi, ông Mải mới cầm chén rượu nói với Cải:

- Nào, trai vô tửu như cờ vô phong, uống đi! Tôi với anh cạn chén! Mừng anh về huyện mới ngần ấy ngày, xem ra đã có nhiều lời hay tiếng tốt. Nhưng muốn hay, muốn tốt đến mấy, hễ động thiên tai một tý là dân đói nhao lên như năm nay, thì tốt mấy cũng chẳng để làm gì.

Cải cũng cầm chén rượu dơ ra:

- Con xin ghi lòng tạc dạ lời ông. Nhưng cũng xin ông hết lòng giúp đỡ, bảo ban làm thế nào để dân thoát được cảnh túng đói, thì ông con mình mới có nhiều dịp vui như hôm nay. Phải không ông bà và chú Túc!

Hai ông con chạm chén. Cải biết ý tay cầm chén rượu hơi thấp xuống, so với chén của ông Mải, chỉ chạm hơi nhè nhẹ, chứ không chạm cạch một tiếng như với Túc ban nãy. Ông Mải uống ực một cái hết chén rượu, rồi đặt cái chén xuống mâm, tay cầm chai rượu:

- Chén của bố Túc đâu?

Mồm hỏi, nhưng tay ông lại quơ ngay chén rượu của Cải bên cạnh. Bà vợ thấy thế vội lên tiếng:

- Ông làm sao thế, hay đã say rồi?

- Say… đâu mà… say…!

Túc vội cầm cái chén của mình, vẫn còn tới nửa chén rượu, đặt trước mặt ông cụ:

- Đây ông ơi, chén của con đây! Vâng, ông cho con xin.

Ông Mải nghiêng cái chai nửa lít, quen gọi là chai na, vì loại chai này xí nghiệp dược phẩm quốc doanh thường đóng rượu thuốc canh -ki -na, nên dân gọi nhiều thành quen, rót xuống cái chén Túc vừa đặt trước mặt. Cả bốn cặp mắt đều nhìn vào cái miệng chai trên tay ông đang tỳ gần miệng chén, nhưng không biết có phải vì hơi men làm vướng mắt, mà cả ba người đàn ông không ai nhìn thấy ông Mải đã rót tràn cả rượu ra ngoài chén. Chỉ có bà cụ vội kêu lên:

- Kìa ông! Đầy tràn ra ngoài hết rồi!

Nhưng ông dường như chưa biết. Có lẽ ông say thật rồi. Cải phải vội đưa tay ra nâng cổ chai lên, cho rượu không chảy ra được nữa, rồi thuận tay đón lấy cái chai. Ông cụ đưa tay cầm chén rượu, nhìn kỹ mấy ngón tay ông đã hơi run run. Khi ông cầm chén dơ lên, cái chén nẩy bẩy, sóng sánh rượu ra ngoài. Túc biết ý đỡ lấy chén rượu:

- Con xin ông!

Ông Mải đưa chén rượu cho Túc, rồi quờ quờ cái chén của ông. Bà biết ý, đưa ngay cái chén của Cải chỉ còn lưng chén rượu đến sát tay ông:

- Đây chén đây. Ông cụng với bố Túc đi rồi ăn gỏi, không bỗng nguội hết cả rồi!

Nhưng ông đã đưa tay ra ý gạt tay bà đang cầm chén, giọng rất tỉnh:

- Bà cứ để đấy. Tôi đã say… say đâu mà!

Rồi với chén rượu của mình ở bên cạnh, cầm chai rượu rót đến khi rượu ngang bằng miệng chén, liền cầm lên, dơ về phía Túc:

- Nào, tao với bố Túc! Mừng cho vợ chồng mày, bốn bàn tay làm cho bảy miệng ăn, mà cái tháng giáp hạt này chưa bị đứt bữa nào, thế là giỏi, giỏi lắm!

- Con cảm ơn ông! Nhưng cũng long đong lật đật lắm ông ạ. Dẫu sao cũng còn may là làng này, đội này có chú Điền biết hy sinh nhận ngay kỷ luật cách chức chủ nhiệm, để không ai ra vào dòm dỏ gì nữa, mới được yên đến bây giờ…

Túc mới nói đến đấy, bà Mải vội kêu lên:

- Kìa, bố Túc! Say rồi! Nói năng lảm nhảm rồi!

- Con… con nói bàng thạt, chư chư… chư kông sai đau. Khong có mõi họ may sao khoan sản thi có ma đoi nhan răng ra rôi (Con nói bằng thật, chứ chứ… chứ không sai đâu. Không có mỗi hộ mấy sào khoán sản thì có mà đói nhăn răng ra rồi!).

- Bố Túc! Say quá rồi đấy! - Bà Mải nhìn Túc, nói gắt.

Nhưng lại nghe tiếng ông Mải bảo:

- Bà cứ mặc nó! - Rồi giọng ông bỗng trầm hẳn xuống, không biết nói Túc hay nói ai. - Uống mấy mà say.

Như hiểu ý chồng, bà vợ cầm bát bỗng trên mâm đổ vào cái nồi để bên cạnh, nhìn ông nói:

- Ông con cứ tà tà, vừa uống vừa nói chuyện. Tôi mang nồi bỗng đi đun lại cho nóng, chẳng nguội hết rồi.

- Ừ phải, bà dồn cả vào mang đun lại cho nóng. Cái giống ăn gỏi là bỗng phải nóng giẫy đành đặch mới ngon.

Nghe ông bảo bà thế, Cải vội ngẩng nhìn ông Mải đến vài giây. Dáng người quắc thước, khuôn mặt vuông chữ điền, đôi tai to, hơi cụp vào trong, chỉ nhìn đã thấy tướng mạo mạnh mẽ, cương trực, phúc hậu. Người có tướng mạo ấy, nếu gặp thời gặp thế, chưa biết chừng làm tới công hầu danh tướng là đằng khác. Đã qua tuổi sáu nhăm, nhưng đôi mắt vẫn còn nhiều lòng đen, uống đến mấy chén rượu chưa thấy vẩn đường đỏ trong con ngươi, như ở những người cùng độ tuổi. Chỉ nhìn vào đôi mắt, không thể nói ông say rượu. Mà say thế nào được, khi nghe ông vừa giục bà mang nồi bỗng đi đun lại cho nóng. Người say không thể nói rành rẽ như thế. Cả Túc nữa. Túc cũng chưa say, hay không say thì cũng thế. Ba người có một na rượu vẫn còn gần nửa, sao có thể say. Cải nhón tay nhặt cái lá sung, rồi lá vọng cách, lá mơ, đinh lăng đặt vào bát ông Mải, nói:

- Chú Túc vừa nói cái gì thế, hả ông? Con nghe chẳng hiểu đầu trê đuôi nheo ra làm sao cả.

- Hừ, nghe làm gì cái thằng ấy. Anh cứ để đấy, tôi lấy được mà. Tà tà, chờ bà mang bỗng lên.

Ông Mải vừa dứt lời, thì ai như con gái rượu, chưa thấy người đã thấy tiếng vọng vào từ ngoài cổng:

- Ối, mẹ nấu bỗng hay nấu gì mà thơm thế?

Cũng vừa lúc bà Mải bưng nồi bỗng trong bếp đi ra:

- Sao về muộn thế con? Mau rửa chân tay rồi vào ăn luôn thể.

Cô con gái năm nay đã hăm sáu tuổi, có lớn mà chưa có khôn, chẳng ý tứ gì, hay không biết nhà có khách, vừa đi vào sân vừa nói bô bô:

- Lúa nhà mình chín hết rồi. Có khi không chờ anh Điền về nữa, mai gặt đi thôi, mẹ ạ.

Bà mẹ nhìn con, nói như gắt:

- Ai hỏi cô lúa má. Tôi hỏi sao về muộn cơ mà?

Nghe bà mẹ quát cô con gái, Cải vội nhìn ra sân. Viên cũng đang định nói với mẹ câu gì, nhưng mắt còn mải nhìn vào trong nhà, nhận ra Cải, chợt dừng. Cải nhìn cô con gái rượu của ông bà Mải, so với lần gặp trước, Viên không thay đổi là mấy. Vẫn người cao, nhỏ nhắn, nước da ngăm ngăm, khuôn mặt dài, giống bố nhiều hơn là khuôn mặt tròn bánh đúc của mẹ. Viên có nét tươi giòn, xinh đẹp ở đôi mắt to đen, lóng lánh như có ngấn nước và một cái nhìn cương nghị, rất giống đôi mắt ông Mải. Người ta bảo con gái giống cha giàu ba đụn, Viên chẳng biết sau này có giàu, chứ long đong thì đúng là long đong rồi. Cái hồi Điền xin cho lên làm ở ban nông nghiệp huyện, tưởng mười mươi thông dòng bén giọt thì thuận cả mọi đường, học trung cấp nông nghiệp, về làm ở ban nông nghiệp là đúng ngành nghề, được ít lâu lại có những mấy đám, chẳng tối thứ bảy, chú nhật nào không đến nhà đèo đi chơi, có hôm còn lên tận thành phố, sáng sau mới về. Thế rồi đùng một cái dậu ngã bìm leo, Điền bị kỷ luật cách chức chủ nhiệm, thì em gái cũng bị giảm biên về nhà. Tay trắng lại hoàn tay trắng. Còn bây giờ. Viên bị bà mẹ dồn cho một thôi một hồi thì ngớ ra, định cãi, nhưng khi nhìn vào trong nhà, nhận ra Cải đang ngồi bên mâm cơn, chợt dừng. Cải chờ cho cô con gái rượu ông Mải bước lên hiên, mới chào:

- Mời cô Viên về ăn cơm. Sao làm đồng về muộn thế em?

- Anh mới xuống chơi với thầy mẹ em ạ! - Rồi Viên vừa đi vào nhà, vừa tuồn tuột nói như để cả nhà thông cảm cho việc đi thăm đồng về chậm của mình - Ối giời, sáng nay giá không có mấy người ở ngoài đồng Láng nữa, có lẽ mẹ con nhà chị Nhiệm bị anh em nhà Bường đánh cho chết mất. Ai đời, hai mẹ con chị ta mới cắt của nhà Bường chưa được lưng thúng lúa chúp đầu bông. Thế mà không biết ai về mách, hai anh em nhà nó chạy ra vừa dằng thúng, vừa đấm đá mẹ con chị Nhiệm túi bụi. Lúc đầu mấy người lại cứ tưởng chỉ doạ thôi, chứ sao dám đánh. Nhưng sau thấy mẹ con chị Nhiệm cứ sấn vào, hoá ra đánh thật. Một bên gậy, một bên liềm, cứ giơ lên, bổ xuống trông sợ quá. Mấy người ùa đến can, thì ra cái Nhiên, con gái chị Nhiệm, bị chúng nó phang một nhát vào cánh tay, chị Nhiệm tức quá xông vào một, hai định liều với anh em nhà Bường. Thế là bác Sủng gái và anh Mên với con, vội đưa con Nhiên lên bệnh viện. Còn mấy ông, bà đang gặt cũng bỏ đấy, đưa chị Nhiệm về uỷ ban giải quyết.

- Giải quyết cái con khỉ, cắt trộm lúa của nhà nó thì nó đánh cho là phải. Không thế để mấy người dầy ăn mỏng làm, làm loạn hết à! - Túc vội buông đũa xuống mâm, ngẩng lên nói.

Bà Mải cũng tiếp lời:

- Mà cái nhà Nhiệm cũng lạ, hai mẹ con béo như vâm, làm không chịu làm, chỉ nhăm nhăm nhà ai có cái gì hở ra là lấy. Lúa người ta còn xanh thế, kéo nhau ra cắt lỏi, ai chả bực. Thế cái Nhiên đã về chưa, hay vẫn nằm trên bệnh viện, hả con?

- Nó vẫn nằm trên ấy. Nhưng đã có bác Sủng gái trông nom. Con với anh Mên về. Nhà mình có định gặt không, hả mẹ? Nếu gặt thì tiện có anh Túc đây, mai đổi công cho em với anh Túc nhá? Hôm nào bên anh gặt, em gặt trả.

Nghe con gái nói, bà Mải chưa kịp nói gì, ông Mải vội quay ngoắt lại:

- Việc đâu của mày mà gạ đổi chác, hả! - Rồi như biết mình lỡ lời to tiếng với con giữa bữa ăn, ông quay nhìn Cải và Túc bảo: - Ơ kìa, anh Cải với bố Túc, cả bà nữa, ăn đi, ăn đi chứ! Kệ nó về sau ăn sau. Cái món gỏi cá để lâu ăn mất ngon.

Nói xong, ông với tay lấy chai rượu đang để cạnh chỗ Túc ngồi, nhưng nghĩ sao lại dừng. Túc biết ý cầm chai rượu đặt vào cạnh mâm. Bữa ăn không ai bảo ai mà dừng lại giữa chừng. Cải đưa mắt lặng lẽ nhìn cả ba người, bắt đầu từ ông Mải, sang bà vợ, đến Túc. Rồi lại nhìn trở lại. Cả ba người như đều có hàng mi cum cúp, giống nhau. Cả ba người như đều có nét mặt thâm trầm, bí hiểm. Cả ba người như đang cố kìm nén một cái gì, có lẽ không còn giữ kín như hũ nút được nữa, hay ít ra vừa mới xong đã bắt đầu có vết rạn. Cải đưa đôi mắt đã có những vệt đỏ của rượu chạy ngang dọc trong con ngươi, lặng lẽ nhìn ba người, rồi dừng lại ở ông Mải, cất giọng khê nồng xền xệt không biết là của rượu, hay của sự mệt mỏi:

- Ngày con mới về nhận công tác ở huyện, cũng gian nhà này, con đã nói với ông, ông còn thương con như ngày xưa, xin ông hãy nói thẳng, nói thật với con những gì ông biết, ông nghe, ông thấy. Đấy là cách tốt nhất ông giúp con hoàn thành nhiệm vụ đảng và nhân dân giao cho, mà cũng là nhiệt tình của ông đóng góp cho phong trào chung của huyện nhà.

Bà Mải như ngại có điều gì xảy ra, vội lên tiếng:

- Thôi, ăn cơm đi bác Cải với bố Túc. -Rồi quay nói với chồng: - Ông mọi khi chỉ một hai chén, hôm nay có nhắm, tôi thấy uống tới mấy chén rồi đấy!

Viên cũng bê thức ăn để phần mình từ cái chạn con dưới bếp lên, ngồi cạnh mẹ, tay cầm cái bát, quay hỏi bố:

- Bố ăn cơm con xới?

Bà Mải cũng bảo:

- Ông ăn bát cơm cho nóng, ông ạ!

Nhưng đã thấy ông cầm chai rượu dốc nghiêng xuống cái chén đặt trước mặt. Rót cho mình, rót vào chén của Cải, rồi của Túc. Đoạn, cầm cái chén giơ lên:

- Nào, ông con mình uống đi. Cái món gỏi cá phải có tý cay mới vào. Nào, anh Cải, bố Túc! Vừa ăn vừa uống. Hết chỗ này, làm vực cơm cho chắc bụng.

Nói đoạn, ông đưa chén lên môi. Túc cũng nhanh tay cầm chén rượu. Chỉ có Cải vẻ ngập ngừng. Có tiếng bà gàn:

- Kìa ông! Say rồi đấy.

- Tôi mà say á! Có ba chỗ này cũng không thể say. - Ông cầm cái chai giơ lên. - Nhưng cái giống rượu nó phải thế. Tái nhập ngôn xuất mới là người biết uống, lại vẫn biết mình không thể say. Chứ còn cái anh chỉ có nhập mà không có xuất, mặt cứ mỗi lúc một tái đi, thì chỉ có là say bí tỷ. Hi hi ha ha…

Bà vợ như để thử chồng, xem cái độ chính xác trong lời nói của ông còn được đến đâu:

- Thế ông có nghe thấy bác Cải vừa nói gì không nào?

- Sao tôi lại không nghe. Chung quy là anh ấy muốn biết cái chuyện bà với con Viên nói từ nãy đến giờ về lúa má nghĩa là thế nào, đúng không, anh Cải? Nhưng hẵng uống đi đã! Uống hết chỗ này mừng cho mẹ con nhà Nhiệm thoát đòn anh em nhà Bường. Rồi tôi sẽ nói cho mà nghe. Này, uống…!

Ông Mải cầm chén rượu kề vào môi, rồi dốc cả chén rượu vào CỔ. Ông vừa đặt cái chén xuống cạnh mâm, vừa hà một tiếng rõ to như thể dốc cái túi hơi chứa bao nhiêu men trong ruột gan ra hết bên ngoài. Cải đang cầm cái chén trong tay, nhìn ông Mải, rồi nhìn Túc. Thấy hai người đã đặt chén xuống mâm, Cải cũng không thể không uống. Anh ngập ngừng đặt chén lên môi, nghe tiếng ông Mải nói:

- Tửu bất khả ép, nhưng đã cụng chén thì phải nhấp một tý gọi là có, cho may. Còn, đưa bố Túc, uống đỡ hộ bác Cải đi nào.

Cải nhấp môi, rồi đưa chén rượu cho Túc. Túc cũng là tay uống được, chén rượu đầy, chỉ dốc một hơi chứ không cần hai. Khi Túc vừa đặt cái chén xuống cạnh mâm, ông Mải nhìn Cải chậm rãi nói:

- Thực tình, tôi với thằng Điền, hai bố con cũng bàn nát nước ra rồi. Giấu anh thì không nỡ. Nhưng nói ra khi nào cho tiện lợi đôi đường, anh không nghĩ chúng tôi là loại làm càn, bất chấp chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước. Không, anh cứ để tôi nói cho hết cái ý của bố con tôi bàn nhau. Mà nói xong cũng không ảnh hưởng đến bát cơm của dân, như cái lẩn thằng Điền nhà tôi bị cách chức chủ nhiệm. Bởi suy cho cùng, làm gì thì làm, nghĩ gì thì nghĩ, cũng chỉ vì bát cơm, manh áo của dân thôi. Thế mà dân lại chưa đến mùa đã hết thóc, lúa chưa chín đã phải đi gặt lỏi, cắt trộm về mà ăn, đến nỗi đánh nhau vỡ đầu sứt trán như mẹ con nhà Nhiệm, thì hỏi quản khoán tập thể đê làm cái gì? Thế nên, nói thực với anh…

- Kìa ông! - Cùng một lúc như cả bà Mải và Túc vội kêu lên.

Nhưng ông Mải như vẫn không nghe thấy, cứ nói theo ý mình:

- Thế nên, nói trên có giời, dưới có tiên tổ, hôm nay tôi không giấu gì anh, nói thẳng ra rằng, tiếng là thằng Điền bị kỷ luật về tội giao ruộng khoán cho xã viên làm, nhưng ở đội này, làng Phương Trà này, chi bộ đội sản xuất vẫn giữ y nguyên cái nghị quyết đã nhất trí với nhau trong cái buổi toàn thể đảng viên ăn thề dạo nọ. Chỉ khác là đội phải khoán ngầm, khoán chui, mọi người phải giữ mồm giữ miệng, không hở ra với người bên ngoài như nghị quyết chi bộ ghi rõ thế. Cũng không dám làm rộng, chỉ giao cho mỗi hộ một vài sào. Đội giao ruộng cho các hộ gọn vào một hai khu đồng ở xa làng, ít người qua lại, nên dẫu người cùng xã bất chợt đi qua cũng không thể nhận ra làng này khoán ruộng cho hộ.

Cải cứ ngồi ngây ra, như người vừa bị trúng phong. Nhưng đầu óc không thấy choáng váng mà chỉ tê tê, giật giật, giống những khi làm việc căng thẳng. Anh biết những điều ông Mải nói là thật, rất thật. Cũng biết những lời nói ấy được chắt ra từ ly ty huyết quản, chứ không phải nói cho giã rượu. Nhưng công bằng mà suy, không có bữa rượu gỏi cá hôm nay, biết đâu cái điều cả đội, cả làng cùng nhau hẹn ước không hở ra với người bên ngoài, lại vẫn nằm mãi trong đáy lòng ông. Cải bỗng như vừa khám phá ra cái mới lạ, diệu kỳ của rượu. Đây đúng là bất ngờ lớn nhất trong đời, chưa bao giờ Cải thấy cái thứ nước cay cay, thơm thơm, nồng nồng, hăng hắc, rất khó diễn tả thế nào cho chính xác được mùi vị ấy, lại có thể làm người ta rút gan, rút ruột mình ra với những lời thống thiết, thẳng thắn, chân thành, nghiêm túc đến không ngờ, dù trước đó chỉ mấy giây anh còn mất công dò la, săn đuổi cũng chưa thể nắm bắt được. Còn một điều nữa, càng nghĩ Cải càng thấy lạ, là từ lúc ông Mải vén bức màn bí mật của làng Phương Trà lên, thì từ bà Mải đến Túc, rồi cô con gái chí lẳng lặng, không ai có phản ứng gì, khác hẳn ban nãy ông mới mon men đến bên bức màn bí mật thì bà, rồi cả Túc, đã vội kêu gẫy như đỉa phải vôi: “Kìa ông!”. Phải thế nào đó, cả ba người nghe ông Mải nói mới lặng lẽ tỏ sự đồng tình như thế. Và chỉ thế, Cải cũng biết, không chỉ những người trong nhà ông bà Mải, mà cả những người trong xóm láng như anh Túc đây đã tin cậy, gửi trao cuộc sống của gia đinh, vợ chồng, con cái họ vào tay người đứng mũi chịu sào con thuyền huyện Vĩnh Tiên thật rồi. Cải định hỏi thêm ông Mải một câu cho rõ, nhưng đã nghe tiếng Túc nói rành rọt:

- Ông con em hôm nay mượn chén rượu vào, dốc hết bầu tâm sự với bác rồi đấy. Nguyện vọng của ông con em muốn nói với bác là, chỉ mong bí thư mới để nguyên cho bà con chúng em được làm ruộng khoán vài ba năm nữa cho có bát ăn bát để, rồi có cấm kiểng gì thì hẵng cấm. Chứ cứ như bí thư cũ thì em nói bác để ngoài tai, cấm thế chứ cấm nữa, cái bụng còn đói thì đầu gối vẫn cứ phải dò lấy đường mà đi thôi, chứ biết làm thế nào. Chẳng lẽ như nhà em, vợ chồng con cái bảy miệng ăn, vụ nào nhiều lắm mới được hai tạ rưỡi thóc ướt, thì chỉ còn nước ôm nhau chết đói à?

- Kìa, bố Túc! Nói nhẹ nhàng một tý nào. Bác Cải với ông con mình dù thế nào thì vãn coi nhau như người trong nhà. Còn như sau đây, khi đã biết rõ làng Phương Trà vẫn khoán chui, bác ấy có ra quyết định kỷ luật chi bộ và cấm không cho bà con mình làm nữa, thì đấy cũng là việc của ông bí thư huyện uỷ, giống như bí thư Giá trước đây thôi, chứ có khác gì!

Ông Mải nói xong, cầm chén rượu để canh mâm chỉ còn một hớp lên tợp một cái, rồi lại đặt cái chén xuống chỗ cũ. Đấy là thói quen của ông, mỗi khi uống rượu thể nào cũng dành lại một ít, ăn uống xong, trước khi rời mâm mới cầm chén chiêu như kiểu tráng miệng bằng rượu. Bà vợ hiểu thói quen của chồng, vừa thấy ông cầm đến cái chén đã đứng lên, đi lại chỗ đầu cột cửa buồng có treo cái ống tăm, lấy mấy cái, quay ra đưa cho ông. Ông Mải ngẩng lên cầm mấy cái tăm vợ đưa, nhưng lại nói với hai người đàn ông còn ngồi xếp bằng trên chiếu, bên mâm cơm đã tàn:

- Bố Túc tiếp bác Cải hộ ông với. Bác Cải cứ tự nhiên nhá. Nhưng cũng phải ăn đi, chứ hai người cứ nói chuyện là con Viên nó làm sạch đấy.

Viên vội ngẩng lên, mồm còn ngậm đầy mồm cơm, lúng búng:

- Bố lại nói xấu con gái rượu rồi!

- Rượu gì chị. Có ế thì có! - Bà Mải đỡ lời chồng.

Túc vừa gắp miếng cá rán đặt vào bát của Cải, vừa nói:

- Ơ, thế thì bà chưa biết rồi. Cô Viên nhà ta vớ được đám bở lắm nhá. Cháu giai trưởng chủ tịch và chủ nhiệm xã cơ đấy!

Viên chẳng kiêng dè trời đánh còn tránh bữa ăn, tiện tay đang xới cơm, cứ thế cầm chiếc đũa cả vụt côm cốp lên đầu Túc:

- Hớt lẻo! Hớt lẻo! Hớt lẻo này…!

- Kìa, con Viên! Hỗn với anh thế. - Bà mẹ vội mắng. Nhưng đã nghe tiếng Túc vừa né người tránh chiếc đũa cả của Viên, vừa nói:

- Không đúng là gì! Chính cậu Bính trước hôm lên đường đi mua sắn với chú Điền, còn nói ở nhà tôi là chú Thuật cử em đi với anh Điền là cũng có ý làm công tác tư tưởng, để anh ấy về vận động ông bà cho cô Viên được tác thành với em.

Túc đã nói thế, Viên cũng hết đường chối, nhưng vẫn vớt vát mắng:

- Điêu toa nó vừa vừa chứ!

Nhưng đã nghe tiếng Cải hỏi ông Mải:

- Ơ, thế sao nãy ông bảo anh em ông Thuật đang xây sinh phẩn, mà cháu trưởng lại đi mua sắn với chú Điền nhà ta à?

Ông Mải buông tay xỉa răng, cầm chén nước ra cửa xúc miệng, rồi quay vào:

- Thế mới khó hiểu cái anh em nhà ấy chứ!

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play