Khi ông Liểu vừa ngồi dậy, đang luồn tay xuống dưới chiếu đầu giường lấy chiếc túi con khoác vào người để đi vệ sinh, không gì bằng của liền người, tiền mua sắn và tiền ăn đường có bao nhiêu đều để trong này, không khoác vào người, biết đâu đấy. Khi ông Liểu vừa khoác chiếc túi lên vai, thì nghe một giọng đàn ông khàn khàn từ giường bên hỏi sang: - Mấy người dưới xuôi lên hả?

- Ừ, chúng tồi dưới xuôi lên.

- Có phải đi mua sắn không?

- Ừ, đi mua sắn. Ông có biết đâu có sắn bán không?

Người đàn ông không cần nhìn kỹ mặt mũi Liểu già trẻ ra sao, nói ngay:

- Mua sắn thật thì đi với tao, bao nhiêu cũng có.

Nghe đến đấy, Điền vùng dậy, gạ xoắn xoằn xoặn:

- Thật không. Bao giờ ông về, cho chúng tôi đi theo với nhá!

Vừa nói, Điền vừa tụt xuống giường, đi lại chỗ người đàn ông dân tộc Tày đang lay vai một người nữa nằm ngủ bên cạnh, ra ý gọi dậy. Trong ánh sáng nhàn nhạt của buổi rạng đông miền rừng, Điền nhìn người đàn ông không thật rõ lắm. Anh dừng lại hồi lâu, nhìn chằm chằm vào người đàn ông đang ngồi quay mặt vào, tay lay vai một người, có lẽ là con cháu gì chăng, đang nằm ngủ bên cạnh. Ông ta dễ đến ngoài năm mươi tuổi, người trông đầm đậm, vận chiếc áo chàm cũ mà màu vẫn còn thẫm. Khi người nằm bên được đánh thức lồm cồm ngồi dậy, người đàn ông ngoài năm mươi quay mặt lại. Chỉ đợi có thế, Điền bỗng nói như reo lên:

- Bác Thàng, có đúng bác Thàng không?

Người đàn ông dân tộc Tày đang ngồi trên giường bỗng nhoài người ra, hỏi gấp:

- Điền, có thật là mày không, hả Điền!

Điền vội nói như người ngạt hơi:

- Vâng, em, Điền để súng cướp cò suýt vào bác đây mà!

- Ối giời, thằng Điền! Sau lần ấy mày trốn đâu mãi đến giờ mới dẫn xác lên đây làm gì, hả Điền?

Điền nhìn Thàng, nửa muốn nói, nửa lại như im lặng, bởi cuộc gặp quá bất ngờ, quá xúc động, hoàn toàn nằm ngoài những gì anh nhớ về đồng đội của mình, hay chính xác hơn, ngày ấy hai người ở với nhau quá ngắn, anh chưa kịp biết tý gì về quê quán của Thàng. Thế nhưng vừa nhận ra nhau, trong hộp nhớ của Điền liền bật ra cái đêm hôm ấy, nên chỉ bằng một câu ngắn gọn: “Điền để súng cướp cò suýt vào bác đây mà!”, là Thàng đã reo lên: “Ối giời, thằng Điền!”. Vâng, đúng thằng Điền gác đêm hôm ấy, khi đơn vị vừa vượt qua sông thì trời mưa rả rích, lệnh trên cho dừng lại trong cánh rừng bạt ngàn cao su. Bộ đội tranh thủ nghỉ lấy sức, ai có thứ gì ngả lưng xuống thứ đó. Người để ba lô vào gốc cây, tỳ đầu lên, ngủ ngồi. Người có võng thì mắc lên giữa hai cây cao su để ngủ. Trong số những cái võng mắc lên cây ấy có võng của tiểu đoàn phó Nông Văn Thàng, nằm chếch một quãng chừng mươi cây cao su là tới chỗ gác, lúc ấy đang vào phiên của Điền và Hiện. Bấy giờ dễ khoảng ba giờ đêm, Điền và Hiện ngồi gác buồn ngủ quá, Hiện nghĩ ra trò lấy súng ra lau cho đỡ buồn ngủ, lại mau hết thời gian qua phiên trực. Nhưng khi Điền vừa tháo khẩu K54 đang khoác vai ra, mới tỳ lên đùi chưa kịp lau, thì không biết cái tay cầm giẻ vướng víu thế nào lại móc vào cò súng, làm phát ra tiếng nổ xé màn đêm. Liền ngay đó là tiếng vật gì rơi huỵch một cái như trời giáng, đồng thời với tiếng quát: “Cậu nào bắn thế, hả?”. Điền và Hiện ngẩn người nhìn về phía có tiếng quát. Một người đàn ông đầm đậm, có chiếc túi dết quàng ngang vai, đang lồm ngổm đứng dậy khỏi cái võng, chỉ còn một đầu buộc vào thân cây, còn một đầu thấy dính mấy cái dây buộc bị đứt treo lơ lửng. Cái võng đã bị viên đạn cướp cò từ khẩu súng trong tay Điền làm đứt phăng một đầu, và cái vật rơi huỵch một cái như trời giáng, đồng thời với tiếng quát chính là Thàng. Điền, rồi cả Hiện, sợ hú vía, vội chạy lại chỗ Thàng đang cầm một đầu võng vừa bị đạn bắn đứt, đứng gập chân trong tư thế nghiêm. Điền nói: “Báo cáo, em sơ ý để súng cướp cò…”. Nhưng đã nghe giọng Thàng ân cần dặn: “Nhớ là súng đạn lúc nào cũng phải hết sức cẩn thận. Về vị trí đi”. Sau đêm ấy có dễ chỉ dăm ngày, Điền cùng một số chiến sĩ được phiên chế vào đơn vị mới thành lập về tăng cường cho bộ đội địa phương tỉnh. Thế nên, vừa gặp lại Điền sau hơn chục năm xa cách, ông Thàng mừng mừng, giận giận nói như trách: “Sau lần ấy mày trốn đâu mãi đến giờ, hả Điền?”, cũng là tình nghĩa với nhau lắm đấy. Điền nghe ông Thàng trách thế chỉ cười, giây lát buông một tay đang ôm vai ông Thàng ra, hỏi:

- Nhà bác có ở gần đây không?

Ông Thàng bảo:

- Nhà tao ở trên Chợ Rã, nhưng ngay đường số ba, gần Phủ Thông rẽ vào thôi.

- Nãy bác nói trên bản nhiều nhà còn sắn bán à?

- Ừ. Đi về nhà tao luôn cho biết nhà. Mấy khi mày lên tới đây.

- Khi nào bác về?

- Chờ thằng con dậy là ra xe về ngay thôi.

Điền thoáng nhìn cậu thanh niên vừa được ông Thàng lay dậy, còn đang ngồi trên giường mặc áo, mới chỉ khoảng mười sáu, mười bảy tuổi, dáng người cũng đầm đậm và có nét hao hao giống Thàng. Điền nhắc lại câu hỏi ban nãy, nhưng lần này rành rẽ hơn:

- Khi nào bác với cháu về, cho chúng em theo lên trên ấy mua sắn với nhá!

Thàng vẫn ngồi trên giường, hai chân thõng xuống đất, vừa xỏ chân vào ống quần vừa bảo:

- Mày bảo mấy người kia có đi thì khẩn trương lên. Giờ bố con tao ra bến xe xếp hàng mua vé ô tô. Được là đi về ngay đấy. Xe ô tô khách lên Chợ Rã ngày chỉ có một chuyến, sáng chở khách từ Bắc Cạn đi, chiều chở khách từ Chợ Rã về. Không khẩn trương là lỡ xe, phải chờ đến mai đấy.

Nghe Thàng nói gấp gáp và nhấn đi nhấn lại từ khẩn trương, Điền càng thấy quý mến người thủ trưởng cũ, sau bao năm gặp lại, từ tính nết đến tác phong vẫn như xưa, chất phác, thật thà, nhanh nhẹn, tháo vát, thể hiện một bản chất rất đáng quý của người đã qua rèn luyện bao năm trong quân ngũ. Vừa lúc Liểu ở ngoài nhà vệ sinh vào, nghe Điền giới thiệu, đây là bác Thàng, thủ trưởng cũ của em hồi ở chiến trường, còn đây là cậu con trai bác ấy. Nhà bác Thàng ở trên Chợ Rã, lối rẽ

Phủ Thông đi vào. À, Phủ Thông biết rồi, Chợ Rã cũng đến rồi, ông Liểu tỏ ra thông thuộc đường đất đồng rừng. Nhưng Điền vẫn như không nghe thấy, thủ trưởng cũ của em có ý mời bác với chú Bính lên nhà bác ấy chơi, nhân thể giúp anh em mình mua sắm. Liểu vui ra mặt, bảo: “Gặp may rồi!”. Đoạn, quay lại chỗ bố con ông Thàng:

- Anh cho anh em chúng tôi theo lên trên đó mua sắn, anh nhá!

Ông Thàng bảo:

- Tôi với chú Điền trước cùng một đơn vị, xa nhau bao nhiêu năm nay mới gặp. Còn bác và cháu đây lại đi cùng chú Điền từ mãi dưới xuôi lên, cũng là vì việc dân, việc nước mới gặp gỡ, quen biết nhau. Một công đôi việc, tôi mời bác và cháu cùng chú Điền lên nhà tôi chơi, nhân thể tôi giúp anh em mua sắn, thuê xe chở về xuôi.

- Được thế thì quý hoá quá! - Ông Liểu cảm kích thốt lên.

Ông Thàng khoác chiếc túi vải chàm lên vai, nhìn ông Liểu:

- Người dân tộc không biết khách khí đâu. Thôi, ta đi nào.

Ba người dưới xuôi lên mua sắn, nhập với hai bố con ông miền ngược, thành đoàn năm người rảo chân ra bến ô tô.

Vẫn cái bến xe chiều tối qua Liểu, Điền và Bính xuống, nhưng sớm nay vắng vẻ và ít nhốn nháo hơn. Cả những cô gái đứng vật vờ chỗ ngã ba lối vào bến, như chiều tối qua cũng không có. Liểu bỗng thấy một chút vấn vướng rất vô cớ khi lướt nhìn về phía ngã ba có cây dạ hương um tùm, chỗ chiều tối qua hai cô gái đứng ãm ờ “quán cơm nhà trọ đều có Cếả”. Bến xe thị xã hẹp và xơ xài. Chỉ mỗi dẫy nhà chờ, cũng là nơi bán vé, chừng hai chục mét vuông làm bằng tre vầu, lợp giấy dầu, nằm ở một góc bến. Khi đoàn xuôi, ngược năm người vào đến nhà chờ thì ở cửa bán vé xe đi Chợ Rã đã đông người đứng xếp hàng. Thàng chen vào chỗ bán vé, rồi lại chen ra, mồ hôi nhễ nhại, bảo Điền và Liểu:

- Hai người đứng đây với thằng cháu Thàn, để tôi vào mua vé cho. Tôi có thẻ thương binh, được ưu tiên.

- Thế thì may quá! Bác giúp chúng em với. - Điền nói xong, quay lại bảo Liểu đưa tiền cho ông Thàng mua vé hộ.

Trong khi ông Thàng chen vào mua vé xe, Bính kéo Liểu ra ngoài, nói nhỏ: - Biết ông ấy là người thế nào mà chú vội đưa tiền nhờ mua vé. Nhỡ kẻ xấu nó lừa có phải vừa mất tiền, vừa mang tiếng với đảng uỷ, uỷ ban là to đầu mà dại không. Từ giờ chú phải cẩn thận, đừng nhẹ dạ cả tin nghe anh Điền quá thế, chú ạ!

Lời nhắc nhở của đứa cháu trưởng ông chủ tịch xã, làm Liểu sực nhớ những điều Thuật dặn trước lúc đi: “Phải chú ý theo dõi tay Điền từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ, đi đứng. Đừng để hắn lợi dụng dùng tiền công vào việc riêng. Chớ nhẹ dạ cả tin hắn mà mang vạ vào thân đấy!”. Nhưng Liểu mới nghĩ đến đấy, đã nghe tiếng thằng con ông Thàng chạy ra gọi:

- Chú với anh gì ơi, mua được vé rồi. Lên xe tìm chỗ ngồi thôi.

Chiếc xe nhỏ, bốn nhăm chỗ ngồi, nhưng nhà xe lèn dễ đến không biết bao nhiêu khách. Chỉ biết người đứng chen chúc chật như lêm, đến không còn chỗ thở. Lại còn bao nhiêu bao tải, túi xách, rọ tre, cái nào cũng căng phồng, chật cứng. Chẳng biết bên trong để những của chìm của nổi gì, nhưng cá khô thì bắt chết thể nào cũng có. Vì Liểu và Điền đều ngửi thấy mùi cá khô âm ẩm nồng nồng bốc lửa, nên ghé tai nhau bảo, biết thế đoàn mình cũng mang mươi cân lên có khi bán đủ tiền tàu xe ăn đường. Xe không đánh số ghế ngồi, ai nhanh chân chen lên trước được ngồi trước, ai lên sau đành ngồi sau, nhiều người thậm chí còn không tìm được chỗ ngồi, cứ đứng chông chổng giữa xe. Mỗi lần xe vào cua, vấp ổ gà, sống trâu trên đường, lại một lần rộ lên những tiếng kêu oai oái. Điền đã quen đi ô tô. Những chuyến xe chở bộ đội vào khu Bốn toàn đi đêm, rồi xe vào tuyến lửa, lên miền rừng, vượt Trường Sơn… Còn sóc bằng mấy thế này, Điền cũng không khi nào say. Nên xe vừa vượt đập tràn sông Năng qua thị xã, quay lại thấy Bính ngồi rũ bên chân ghế như người sắp lả, giữa đám người đứng lố nhố một hàng giữa xe, Điền vội đứng lên kéo tay Bính, bảo cậu ta ngồi vào chiếc ghế của mình ở phía trong, bên cửa sổ, còn mình đứng chen chân giữa đám người đứng lổn nhổn trên xe lại thấy thoáng đãng. Khi xe vừa qua lối ngã ba lên đèo Gió, Thàng ngồi hàng ghế trên quay xuống bảo Điền, sắp đến đường rẽ vào huyện Chợ Rã tôi rồi đấy. Điền đưa mắt theo tay Thàng chỉ, trước mắt vẫn là vùng rừng nham nhở, giữa một màu xanh tươi tốt thấy vàng rực màu đất núi trơ trụi, những mái nhà xám hoét im lìm bên vạt rừng cây lưa thưa. Chốc chốc lại thấy bên sườn đồi một rừng sắn với những thân cây khẳng khiu, cao lênh khênh, dễ chừng trồng đến một, hai năm chưa rỡ. sắn nhiều thế, chả trách ông Liểu đã lên một, hai lần quen thông thổ, lần này lại hiến kế đi Bắc Cạn mua sắn.

Điền đứng trên xe, nhìn cảnh vật hai bên đường xe lướt qua mà thầm suy ngẫm. Cũng là đường rừng, đường núi, nhưng con đường rừng Điền đang ngồi xe bươn tới hôm nay, thật khác xa con đường rừng núi miền tây Quảng Bình, Quảng Trị, mà anh từng ngồi xe qua năm nào. Bỗng Điền nhoài người về chỗ ghế trên ông Thàng đang ngồi, hỏi át cả tiếng xe chạy:

- Anh em bộ đội xuất ngũ ở xã bác có nhiều không?

Thàng quay lại nói to:

- Nhiều đấy. Đến mấy chục người, về đến nhà mình sẽ báo cho anh em chia nhau đi mua sắn giúp. Đồng chí cứ yên tâm.

Đúng là Điền không thể không yên tâm khi chiếc ô tô chở khách từ thị xã lên, dừng lại ngay trước một khu như là trụ sở xã, với một dẫy nhà dài như văn phòng đảng uỷ, uỷ ban, chếch bên trái, gần chỗ xe đỗ là cửa hàng mua bán và xa một đoạn, có tấm biển gỗ trương cao trạm y tế xã Hữu Bằng. Xe vừa dừng, ông Liểu và Điền còn chần chừ có ý đợi Bính bớt say rồi mới xuống, đã thấy ông Thàng băm băm đi về phía cửa hàng mua bán xã. Không nghe rõ tiếng ông gọi, nên không biết ông nói với ai, nhưng rõ là tiếng ông đang oang oang:

- Bảo chú Tỉnh, anh Mạy và chị Sim ra ngay cửa hàng tôi nhờ một việc, khẩn trương đấy!

Lúc ba người miền xuôi xuống xe, còn đang đứng ngáo ngơ cạnh đường thì ông Thàng quay ra, nói:

- Bây giờ ba người đi với thằng con tôi về nhà trước. Tôi ở lại chờ đổng chí cửa hàng trưởng mua bán xã ra để bàn với đồng chí ấy cử người đi các nhà hỏi mua sắn cho các đồng chí. Chứ các đồng chí từ dưới xuôi lên lạ đất lạ người, biết đâu mà mua. Đồng chí Điền cứ yên tâm cùng bác Liểu và cháu Bính về nhà tôi nghỉ ngơi, cơm nước. Đồng chí Tỉnh tuy là cửa hàng trưởng, nhưng lại cùng đi bộ đội với tôi một đợt, cùng xuất ngũ về xã với tôi một ngày, nên một khi chúng tôi đã bàn thống nhất với nhau là nhất định khẩn trương làm bằng được cho các đồng chí. Quê các đồng chí đói cũng như quê chúng tôi đói, xuôi ngược chúng ta là một nhà. Các đồng chí cứ yên tâm đi với thằng con tôi về trước đi. Bàn xong công việc với anh chị em cửa hàng là tôi cũng về ngay.

Ba người theo chân thằng con Thàng về tới nhà thì trời đã ngả chiều. Nhà Thàng ở sườn đồi, ngay đầu dốc vào bản. Khu đất thổ cư không lấy gì làm rộng so với một gia đình ở miền núi, lại trông có vẻ cằn cỗi. Ngay lối ngõ vào, sau trận mưa còn trơ ra những sỏi đá lẫn đất đồi vàng quạch, cứng queo. Trước cửa nhà, dưới cái giàn phơi, còn lù lù mấy tảng đá xám ngắt phủ rêu xanh. Nhưng quanh ngôi nhà gỗ rộng thênh thang, xung quanh nhà cũng bưng toàn bằng gỗ, là chi chít những cây ăn quả mận, na, dứa sum suê quả mọng. Rồi chuối, chuối trồng vô tội vạ dọc con dốc từ dưới chân đổi lên, dầy đặc như rừng. Thằng con Thàng dẫn ba người vừa đi vừa bảo, chuối nhà cháu trồng để cho lợn ăn quanh năm. Từ khi bố cháu ở bộ đội về, mỗi năm nhà cháu xuất chuồng bán cho nhà nước mấy tấn lọn thịt, còn lợn con giống không kể. Nhà nuôi những bốn con lợn nái, không mấy tháng không có lợn con nuôi vỗ. Còn gà thì nhiều. Bên những gốc chuối ẩm ướt, từng bầy gà táo tác đuổi nhau tranh mồi. Con nào con ấy chân cao ngẳng, đuôi, cánh chỉ lơ thơ mấy cái lông ngắn ngủn, nhưng trông thân xác lại mỡ màng, nung núng những thịt. Ông Liêu nhìn đàn gà, bảo Điền, hôm nào về mà mua được mấy con gà kia mang về nuôi giống mới thích đấy. Thằng con Thàng đang đi cũng đứng lại bảo, bác với chú thích hôm nào về cứ bảo bố cháu, là bố cháu cho ngay ấy mà. Dạo năm ngoái có mấy chú nhà dưới Phú Bình, trước cùng đơn vị với bố cháu, lên chơi, khi về bố cháu cho mỗi người một đôi gà giống, có cả đực mái. Dịp tết các chú viết thư lên còn kể với bố cháu là bây giờ cả làng đều nuôi giống gà Chợ Rã anh rồi. Tưởng gì, chứ con sà mà cũng quý thế các chú nhỉ. Thằng con Thàng cứ nhẩn nha kể, hết chuyện nọ sọ chuyện kia, mãi đến lúc mẹ với em gái bẻ ngô trên sườn đồi sau nhà đi xuống, mới vội mời ba người dưới xuôi vào trong nhà để đồ đạc, rồi ra ngoài bể nước ngoài kia rửa chán tay cho mát.

Vợ Thàng là người cũng mau mồm miệng. Người thấp, nhỏ, nước da ngăm đen, trông rắn chắc, nhanh nhẹn. Vừa ở ngoài nương vào, thấy ba người còn đang đứng ngơ ngáo ngoài cửa, bà đon đả mời:

- Vào trong nhà đi. - Rồi như quen tiếp những người bạn đồng ngũ của chồng, bà hỏi. - Các bác là bạn của bố cháu ở đâu ta đến chơi ạ?

Điền vội lên tiếng:

- Dạ, ba người chúng tôi ở dưới xuôi lên. Nhung chỉ có tôi là bạn đồng ngũ với bác Thàng nhà ta, còn bác Liểu và chú Bính đây là đi cùng với tôi ạ. Chúng tôi lên nhờ hai bác và bà con dân bản giúp đỡ mua cho ít sắn về cứu đói.

- Ra thế. Vậy cứ nghỉ ngơi chờ ông nhà tôi về. - Rồi bà quay ra gọi: -ơ, Thàn ơi! Bố con còn đi đâu chưa về à?

Thằng con như ăn vụng cơm nguội hay bánh trái, hoa quả gì đó ở nhà dưới, miệng lúng ba lúng búng nói với mẹ:

- Bố con dặn mẹ làm cơm mời mấy bác dưới xuôi. Tý nữa con ra bắt con gà trống nâu là có thức ăn thôi mà. Bố con đang bàn với cửa hàng mua bán đi mua sắn giúp mấy bác đây, xong về ngay đấy mẹ ạ.

Nhưng cũng mãi xẩm tối mới thấy Thàng về. Mới đến đẩu dốc đã hỏi vợ:

- Cơm nước xong chưa bà ơi!

Vợ Thàng nghe tiếng chồng vội bảo:

- Xong cả rồi. Chỉ chờ ông về mời các bác, các chú dưới xuôi uống rượu thôi.

Điền từ trong nhà vội đi ra:

- Anh bàn với cửa hàng xong rồi ạ! Các đồng chí ấy có giúp chúng tôi mua sắn không, hả anh?

- Yên tâm, yên tâm! Không những bàn với cửa hàng mà còn báo cáo với uỷ ban và ban chủ nhiệm hợp tác xã cả rồi. Các đồng chí ấy hứa nhiệt tình giúp đỡ, chỉ hai ba ngày nữa là có sắn đưa về cửa hàng mua bán thôi. Còn việc của tôi và các đồng chí là sáng mai tôi dẫn đồng chí Liểu, hoặc đồng chí Điền vào lâm trường họp đồng thuê ô tô chở sắn về xuôi.

Ông Liểu nói ngay:

- Có lẽ anh Điền đi với anh, còn tôi và cháu Bính ra cửa hàng, bà con có đưa sắn đến bán thì bác cháu tôi cân mua luôn.

Nhưng Bính vội bảo:

- Kìa, bác Liểu! Hợp đồng thuê ô tô cũng là việc hệ trọng, phải chi số tiền lớn. Có khi bác hoặc cháu phải đi mới bảo đảm nguyên tắc.

Ông Thàng không hiểu hết nội tình của mấy người dưới xuôi, lại càng không hiểu ngầm ý câu nói của Bính:

- Tiền chỉ trả trước một nửa, còn khi chở sắn về tới dưới ấy mới phải trả hết cho lái xe cơ mà. Xe chở sắn cứu đói cho bà con miền xuôi, lâm trường họ sẵn lòng giúp đỡ, chứ không ky bo từng hào đâu. Cứ để đồng chí Điền với tôi đèo nhau vào lâm trường bộ, còn đồng chí Liểu và anh Bính ra cửa hàng đón mua sắn. Chia ra hai mũi thế, khi giáp công càng nhanh chứ sao.

Vừa lúc vợ Thàng từ dưới bếp bê nồi canh nghi ngút khói đi ra, thấy chồng còn đứng ngoài hiên nói chuyện, liền giục:

- Thôi, ông mời các bác, các chú vào mâm đi. Có việc gì vừa uống rượu ăn cơm vừa bàn.

Thàng quay lại nhìn vợ cười:

- Bà đã làm cơm canh xong cả rồi thì anh em chúng tôi ăn uống ngay, chứ còn việc gì hơn cơm rượu lúc này nữa. Nào, mời ông Liểu, chú Điền.

Bữa cơm đầu tiên vợ chồng ông Thàng đón khách không mời mà đến, từ dưới xuôi lên, khá thịnh soạn. Một đĩa thịt gà luộc chặt to xếp đầy ú ụ. cổ cánh nấu măng tươi, múc ra đầy bát ô tô to. Lòng gan xào ngọn bí đỏ thơm ngậy mùi tỏi. Lại thêm một đĩa trứng rán thơm mùi hành phi chín tới. Một bát cá kho để ăn cơm. Cạnh mâm một lọ măng tươi thái khuôn chì ngâm muối ớt, những quả ớt ngâm trong măng chua bắt muối trông đỏ rau rảu, tưởng chỉ đặt vào miệng đã thấy cả vị cay, vị mặn, vị chua chua, ngòn ngọt rất dễ chịu. Không biết có phải từ khi rời nhà đi chưa hôm nào được ăn bữa cơm canh nóng, hay từ lúc lên ô tô ở thị xã Bắc Cạn, giờ mới được ăn bữa cơm ra bữa cơm, cả ông Liểu, Điền và Bính đều không khách khí đánh căng rốn. Cơm xong, thông cảm với khách mấy ngày đi đường xa, ông Thàng giục thằng con dọn giường phòng đầu nhà cho chú với hai anh đi nằm cho đỡ mệt.

Cũng như bao gia đình dân tộc ở miền núi, nhà ông Thàng dành hẳn nửa nhà phía ngoài làm nơi khách khứa, cơm nước. Mùa đông thì đặt bếp củi ngay gian đầu nhà, vừa cơm nước, vừa sưởi ấm. Còn mùa nóng thì đun nấu xuống gian bếp, làm chếch ra ngoài nhà trên. Nửa gian nhà phía trong được ngăn ra làm nhiều phòng ngủ của vợ chồng, con cái, và phòng dành khi có khách đến nghỉ qua đêm. Bàn thờ gia tiên cũng đặt ở gian giữa nhà như người miền xuôi, chỉ khác là được đóng hẳn vào giữa hai cây cột cái đẫy gian, to và rộng.

Ông Liểu, Điền và Bính được thằng con ông Thàng dẫn vào gian phòng đầu nhà phía tây. Phòng chỉ kê một cái giường rộng, toàn bằng những tấm gỗ ván ken nhau, trên trải chiếc chiếu cói hoa nhưng có lẽ mua đã lâu, lại ít khi có người nằm, chiếu mốc trắng màu phấn và nhiều chỗ rách nham nhở. Thế nhưng cả ba người vừa đặt mình xuống là ngáy như bễ lò rèn. Không ai biết ông chủ nhà lúc đêm làm gì. Cả bà chủ nhà nữa. Có lúc tìm bao diêm không thấy, bà còn xuống bếp thổi lửa, thắp đèn mang lên nhà cho ông. Đi lại thế mà mấy người khách vẫn không biết, thì đúng là ngủ như chết thật.

Còn ông Thàng, mấy ngày đi chơi nhà người quen dưới Chợ Chu, chờ đợi xe cộ, đi lại nhiều cũng mệt, chập tối đặt mình xuống cũng thiếp đi ngay. Nhưng trong giấc ngủ say, ông như thấy có người lay vai gọi. Tiếng gọi nghe không rõ là gọi gì, nhưng đích thị là có người gọi, lạ thế. Lúc rất gần, như lẩn quất đâu đây. Lúc lại rất xa, xa lắm. Nhưng rõ ràng có tiếng người từ một cõi nào nỉ non, thao thiết gọi. Lại gọi đúng tên ông, bằng một sự kính trọng “Anh Thàng ơi, anh Thàng!”. Nhưng khi ông mở mắt ra thì tiếng gọi lại dừng. Ông trân trân nhìn vào đêm tối. Đêm tối vẫn lặng im, với một màn đen dầy đặc. Nhưng cứ nằm xuống thì lại như người mộng du, lẩn quất bên tai tiếng người đàn ông gọi mỗi lúc một gần, một nỉ non, thao thiết, như thể không gọi thế thì người nghe không biết phải làm gì, lại có thể sẽ quên thôi. Thế là ông Thàng không còn bụng dạ nào nằm lại được nữa. Ông ngồi dậy, lấy quần dài và áo dài tay mặc vào, rồi nhẹ nhàng buông hai chân xuống đất, thọc vào đôi dép cao su đen có cả quai hậu. Khi ông đang cúi xuống kéo chiếc quai hậu cho lên gần mắt cá chân, thì bà vợ cũng ngồi dậy, hai tay vén mái tóc ra phía sau, giọng nhẹ và ấm:

- Ông sao thế? Đang ngủ lại dậy. Có khát nước để tôi đi lấy cho?

Ông Thàng bảo:

- Không, tôi không khát nước. Bà biết bao diêm lúc tối để ở chỗ nào không?

- Ông đốt đèn lấy gì à? Để tôi đi lấy diêm cho.

Bà Thàng lại chỗ ban thờ giữa nhà, chắc là tìm bao diêm, một lát lại thấy thập thõm bước về phía bếp lửa đầu nhà, vẫn còn thơm mùi than củi ủ. Bà cầm cái ống thổi phù phù vào đống than củi, làm bay lên những cái tàn đỏ lừ chờn vờn như sao sa. Khi cái thanh tre nhỏ như que đóm trong tay bà cháy bùng lên, cũng là lúc ông Thàng đi đến ngồi xà xuống bên cạnh, giọng nhỏ và trầm, như đang có điều gì xúc động lắm:

- Bà còn nhớ cái ngày tôi mới ở bộ đội về, tôi hay nói với mẹ con bà là tôi sống được mà về đến cửa đến nhà cũng là nhờ có ân nhân cứu mạng không?

- Còn nhớ. Nhưng là sao?

- Đêm nay tôi thấy anh ấy về, chẳng khác gì năm đã lâu, bà ạ!

Bà vợ vội ngẩng lên:

- Thật thế ư! Anh ấy nói với ông những gì?

- Nói những gì, tôi không sao nghe rõ. Nhưng nhất định là có nói, nói lâu, nói nhiều. Lại còn cảm ơn tôi nữa, thì không hiểu là thế nào?

Hai người cứ ngồi bên bếp lửa cháy phừng phừng, chốc chốc ngọn lửa lại như reo lên cuồn cuộn. Cái kiểu lửa cười thế này thì đúng là chỉ có báo niềm vui, mang may mắn đến nhà, chứ không thể là điềm gở. Niềm vui thì có, một lúc được đón những ba người khách phương xa đến nhà, sao lại chả vui. Nhưng may mắn thì, chẳng lẽ cái việc ông mới bàn hồi chiều với mấy người ngoài cửa hàng mua bán xã, chia nhau đi mua sắn giúp ba người dưới xuôi lên, lại thuận lợi nhanh chóng thế ư. Nhưng nếu thế, sao lại như có người lay vai gọi. Không chỉ gọi, còn nói những lời như mới xảy ra hôm qua, hôm kia đây thôi.

Nhưng cũng đã qua đi mười mấy năm rồi.

Hôm ấy cũng vào một đêm cuối tháng tối trời như đêm nay. Tham mưu trưởng tiểu đoàn Nông Văn Thàng cùng trợ lý tham mưu Phạm Khắc Bao và cậu Vang liên lạc đi thị sát một căn cứ Mỹ-nguỵ nằm trên đường đến thị xã Kon Tum. Khi vào, và già nửa quãng đường trở ra, gần như an toàn tuyệt đối. Vậy mà đùng một cái, khi ba người đang bò ra, bất ngờ nghe tiếng đạn bắn như mưa qua đầu và những quả pháo sáng đỏ rực, lửng lơ trên trời, soi rõ mọi vật trên mặt đất. Cậu liên lạc bò đi trước, đến Thàng, rồi Bao, ba người vẫn giữ cự ly. Thình lình nghe tiếng quả đạn pháo nổ bụp ngay bên cạnh, và một vật gì đổ ập lên lưng như ấn Thàng nằm sấp xuống đất. Thàng chưa kịp nhận ra cái vật đổ ập lên lưng ấy, đã nghe hực một cái, cùng tiếng kêu “Ôi, anh Thàng ơi!”, ngay trên lưng mình rồi. Một đường đạn cắt ngang người Bao, máu chảy ướt đẫm áo Thàng. Khi Thàng đặt được Bao nằm xuống một chỗ tương đối khuất tầm pháo sáng của địch, thì Bao đã bất tỉnh. Cậu liên lạc đi trước một đoạn ngắn, kịp nhận ra hai người bị nạn, liền quay lại. Từ đấy, Thàng và Vang thay nhau để Bao nằm sấp trên lưng, rồi cứ thế người cõng Bao bò lết đi, người bò sau đỡ không để Bao lăn xuống khỏi lưng người bò trước. Gần sáng thì Thàng, Vang đưa được Bao về nơi đơn vị ém quân, một vùng dân cư thưa thớt nằm khuất nẻo trong thung lũng. Trước khi khâm niệm, Thàng tự tay thay cho Bao bộ quần áo tuy không hoàn toàn mới, nhưng còn tươi màu. Khi cởi áo Bao ra, Thàng phát hiện một bên túi áo ngực trái sao lại có hai lớp. Lớp ngoài là cái túi bình thường như mọi chiếc túi áo ngực khác, nhưng phía trong túi lại được khâu táp vào một lần túi nữa, có cúc đóng mở cẩn thận. Nắn lớp túi trong thấy một vật chỉ nhỏ bằng hai đầu ngón tay, gói rất cẩn thận trong lần ni lông. Thàng cầm chiếc áo của Bao, đã bị đạn xé toạc mất một mảng ở lưng, cất đi, cùng với chiếc ba lô và một, hai bộ quần áo Bao thường thay đổi, cả cuốn sổ Bao ghi sinh hoạt, công tác ở đơn vị. Đêm hôm ấy, mãi khuya lắm, Thàng mới mang chiếc áo của Bao ra, gọi cậu Vang liên lạc dậy, rồi lấy cái vật nhỏ và nhẹ, Thàng đoán chỉ một là thư, hai là ảnh, của vợ Bao ở ngoài Bắc mới gửi vào cho chồng. Quả nhiên, điều dự đoán của anh không sai. Đấy là một tấm ảnh chụp 3x4 cm, nhưng không chỉ của riêng vợ, mà cả hai vợ chồng, chụp từ ngang ngực trở lên. Bao trong ảnh nhìn thoáng một cái nhận ra ngay, còn người đàn bà dẫu chưa gặp lần nào, nhưng cả Thàng và Vang đều nghĩ ngay là vợ Bao. Hai người trong ảnh ngồi ghé đầu sát vào nhau, một tay Bao còn choàng ra sau ôm vai vợ. Cả hai đều nở nụ cười rạng rỡ và âu yếm. Xem kỹ tấm ảnh xong, Thàng cầm tấm ảnh cất kín trong số giấy tờ tuỳ thân của mình. Còn chiếc áo đưa cho cậu liên lạc mang giặt, với ý định sau khi phơi khô cũng bỏ vào ba lô tư trang của Bao, để có dịp sẽ gửi ra ngoài Bắc. Nhưng tiếc thay, giữa mùa hè nóng bỏng năm ấy, mọi việc diễn ra ngoài ý muốn con người, khi cậu liên lạc chạy đến báo tin toàn bộ tư trang của ban chỉ huy em để trong hầm đã bị bom Mỹ biến thành tro mất rồi, thì cả Thàng, Vang và hai cậu trợ lý tham mưu, tuyên huấn tiểu đoàn đứng lặng hồi lâu. Từ đấy, tấm ảnh của vợ chồng Bao, Thàng luôn giữ rịt bên người, lòng nhủ lòng dẫu Thàng này có chết, cũng không để mất ảnh vợ chồng mày, Bao ơi!

Đúng là tấm ảnh vợ chồng Bao không mất. Nhưng cũng mãi đến năm nọ, sau hôm khánh thành nhà mới, Thàng bỏ những thứ còn giữ được từ ngày ở chiến trường, giấy chứng nhận huân chương giải phóng do Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam cấp, giấy chứng nhận Dũng sĩ diệt Mỹ cùng bao nhiêu huân, huy chương, bằng khen, giấy khen khác. Chọn ra từng cái một, cái nào còn mới thì treo, cái nào cũ quá thì bỏ vào ống cài lên quá giang nhà. Thình lình lại thấy tấm ảnh vợ chồng Bao gói trong lần vải ni lông để giữa cái giấy chứng nhận huân chương giải phòng của Thàng. Mấy ngày sau, có việc xuống thị xã Bắc Cạn, Thàng lấy tấm ảnh vợ chồng Bao ra đút vào ví, định bụng hễ thấy ông vẽ truyền thần, như có lần Thàng thấy ông ta ngồi gần cửa rạp chiếu bóng, thì thuê vẽ tách riêng cái hình một mình Bao. Nhưng lần này xuống lại không thấy ông vẽ truyền thần. Đang ngơ ngáo hỏi, cái nhà bác trước vẫn ngồi đây vẽ, giờ đâu rồi các bác nhỉ? Thì anh thợ cắt tóc liền chỉ sang bên kia đường, ông cần hình gì cứ sang hiệu ảnh bên ấy mà chụp một vài kiểu, sao phải vẽ cho đắt, lại xấu. Thàng giơ ngay tấm ảnh vợ chồng Bao ra, rồi không một lời giải thích, chi thật thà nói: “Tôi muốn lấy người đàn ông trong cái ảnh này ra, có chụp lại được không, hay phải vẽ?”. Quá dễ, anh thợ cắt tóc chừng kém Thàng đến cả chục tuổi, vừa huơ cái tông đơ trên đầu người choàng tấm khăn dù ngồi ghế, vừa lướt nhìn tấm ảnh trên tay Thàng, buông lời khẳng định, rồi lại huơ cái tông đơ chỉ sang bên kia đường, cười bảo: “Bác cứ sang bên ấy. Lấy người đàn ông, chứ lấy cả đàn bà họ cũng lấy cho bác được”. Thế là tấm ảnh Bao chụp chung với vợ, được tách riêng ra thành tấm ảnh chân dung một mình Bao ngồi hơi nghiêng đầu về bên trái tý ti, nhưng phóng to dễ bằng tờ giấy kẻ học sinh, nên người tinh ý vẫn nhận ra bức ảnh được tách từ một kiểu ảnh chụp chung.

Lúc đầu, Thàng cũng mới có ý định tách ảnh của bạn ra để tiện giữ gìn, bảo quản, nhưng ngay đêm đầu tiên đi thị xã về, Thàng cứ nằm trằn trọc không sao ngủ được. Có lúc thiếp đi thì lại như có người lay vai gọi dậy. Lúc dậy rồi thì lại không thấy gì nữa. Nhưng cứ nằm xuống lại nghe như có tiếng người gọi “Anh Thàng ơi, anh Thàng!”. Tiếng gọi nghe như rất gần, ngay cạnh giường, thậm chí ngay đầu giường đây thôi; nhưng lại như từ cõi xa xăm nào vọng tới, mỗi lúc như riết róng bên tai. Mấy lần như thế, Thàng không sao ngủ được, liền ngồi dậy thọc chân vào đôi dép cao su còn đủ cả quai hậu, rồi nhẹ bước đến bên bếp lửa ủ qua đêm, cầm cái ống thổi phù phù. Khi Thàng vừa thổi lớp tro ủ thì một màu đỏ rực từ thân cây củi sáng loé lên, làm ông chợt nhận ra bà vợ cũng đã dậy và đến đứng sau lưng ông tự lúc nào. “Bà dậy rồi à?”, ông cất tiếng hỏi. Bà vợ bảo: “Tôi thấy ông trằn trọc cả đêm chẳng ngủ nghê gì, tôi làm sao mà ngủ được”. Ông chồng kể lại với bà vợ giấc mơ đêm, với tiếng người gọi lúc gần lúc xa, chỉ mỗi câu: “Anh Thàng ơi, anh Thàng”. Bà vợ cả nghĩ, hay lo, liền hỏi chồng: “Thế tấm ảnh cái anh gì ở dưới xuôi cùng đơn vị với ông, mà ban chiều đi Bắc Cạn về, ông nói với tôi là chụp lại đẹp lắm ấy, đâu rồi?”. Tôi lại cuộn lại để trong rương cẩn thận cho nó mới, ông chồng thật thà nói với bà vợ. Bà Thàng ngồi xuống cạnh ông, đưa tay dúi thêm cây củi vào bếp, củi khô bắt lửa cháy phừng phừng. Nhìn ngọn lửa cháy như cười reo, bà bảo: “Sáng nay ông không đi nương nữa, ở nhà tìm xem còn cái khung kính nào thì bỏ cái hình của anh đồng ngũ với ông người dưới xuôi vào, rồi lập chỗ thờ anh ấy, ông ạ. Không anh em máu mủ ruột rà, nhưng người ta đối với mình còn hơn cả anh em ruột thịt. Ngày ông ở bộ đội về, ông đã chả nói với mẹ con tôi là ông còn sống về được đến nhà, là nhờ có ân nhân cứu mạng là gì!”. Nghe bà vợ nói, ông Thàng bất giác quay lại như muốn ôm chầm lấy vợ, có thế mà cả đêm tôi không nghĩ ra. Một lần nữa ông như thầm cảm ơn bà vợ đảm đang, hiền thục, lúc nào cũng như thấu hiểu bụng dạ chồng. Hôm sau ông nghỉ hẳn một buổi ở nhà, tháo cái giấy khen cũ ra khỏi tấm kính có khung gỗ sơn viền màu hoa đào, rồi để tấm ảnh Bao phóng to bằng tờ giấy kẻ học sinh vào đó. Nơi đặt chỗ thờ Bao ngay gần ban thờ gia tiên nhà ông, cũng một bát hương, một lọ lộc bình do chính Thàng ra ngoài cửa hàng xã mua về. Tấm ảnh lồng trong khung kính được đặt trên một miếng gỗ cho cao hẳn lên sau bát hương. Tết nhất, tuần rằm, mồng một, ban thờ có thứ gì cúng gia tiên thì trên chỗ thờ Bao cũng có thứ đó. Mỗi khi có người lạ đến nhà, nhìn ban thờ gia tiên thấy duy nhất một chỗ thờ lại có tấm ảnh phóng to, hỏi thì Thàng chỉ nói, đấy là người anh em kết nghĩa của tôi.

Nhưng sáng ấy, cả ba người khách dưới xuôi từ giường ngủ đi ra, thì không biết do thần linh sai khiến hay giác quan thứ sáu mách bảo, ông Thàng gọi giật cả ba người lại chỗ ban thờ đang nghi ngút khói hương và lờ mờ ngọn đèn dầu nhỏ như hạt đỗ, chỉ vào bức ảnh người đàn ông vận áo sơ mi trắng, khẩn khoản hỏi:

- Ba người có biết người trong ảnh kia quê ở đâu không?

Điền nhanh nhẹn kiễng cao chân nhìn lên ban thờ, ngọn đèn quá nhỏ không thấy rõ khuôn mặt người trong ảnh. Anh xin phép ông Thàng cho lấy khung ảnh xuống, mang ra ngoài cửa nhìn cho rõ. Ông Thàng bắc cái ghế con đứng lên, đưa tay cởi dây buộc ở chỗ cái khuy trên khung ảnh, tháo xuống, đưa cho Điền. Ba người đàn ông miền xuôi và một người đàn ông miền ngược cùng chụm đầu nhìn vào tấm ảnh lồng trong khung kính. Mãi vẫn không sao nhận ra người trong ảnh là người nào, có dây mơ rễ má gì với mình không. Điền nhìn tấm ảnh một lúc lâu, hỏi:

- Tấm ảnh này anh Thàng phóng từ một ảnh khác ra, thế cái ảnh kia đâu?

-Mình vẫn cất kỹ trong rương kia.

Đoạn, Thàng bước nhanh đến chỗ cái hòm rương để những thứ đồ vật quý giá của gia đình, mở nắp, lấy chiếc ví da mang ra cửa, chỗ ba người đàn ông dưới xuôi đang chăm chú nhìn bức ảnh phóng. Khi ông Thàng vừa rút tấm ảnh nhỏ bằng hai ngón tay ra khỏi ví, Liểu và Điền còn chưa kịp nhìn vào ảnh, thì đã nghe tiếng Bính nói lạc cả giọng:

- Ơ, ảnh bố mẹ cháu! Tấm ảnh này giống y hệt tấm ảnh mẹ cháu đang giữ. Bính vừa nói vừa giật thốc tấm ảnh trên tay ông Thàng, hỏi trong hơi thở gấp, rõ ràng đang xúc động lắm lắm:

- Sao bác lại có ảnh bố mẹ cháu? Bác nói đi, bác Thàng! Bố cháu hy sinh ở đâu? Có mai táng được không, hả bác?

Cả ba người đứng ngây ra nhìn Bính. Bà vợ ông Thàng thấy thế cũng bỏ nồi cơm đang sôi trên bếp chay ra, đặt cả hai tay lên vai như ôm lấy Bính:

- Đúng bố cháu hả! Ối, thế thì hai bác cũng mừng là cuối cùng người có nhân có đức vẫn gặp lại được người thân thích ruột rà của mình. Cháu không phải hỏi gì nhiều nữa, ông Thàng nhà bác đây chính là người được bố cháu cứu mạng mà.

Hai ngày sau, chiếc ô tô tải do ông Thàng dẫn Điền vào lâm trường hợp đồng thuê chở sắn về xuôi, cùng ông Liểu, Điền và Bính từ từ lăn bánh rời cửa hàng mua bán xã Hữu Bằng. Trước lúc lên xe, mọi người được chứng kiến một cảnh cảm động: ông Thàng đưa tấm ảnh vợ chồng Bao cho con trai độc tôn của người trong ảnh, rồi cả hai vợ chồng dang rộng đôi tay khẳng khiu ôm chặt lấy Bính, như ôm đứa con lần đầu rời nhà làm chuyến đi xa. Giây lát, chờ cho Bính cẩn thận cất tấm ảnh vào túi áo ngực, ông Thàng nắm cánh tay Bính dặn đi dặn lại, cháu về bảo mẹ cháu cứ yên tâm, nhất định bác sẽ nhờ anh em ở trong kia đến nơi để bố cháu năm nọ, xem có còn phần mộ ở đấy không, hay đã đem về nghĩa trang nào rồi, thì bác viết thư cho. Còn Bính, lúc đứng ở dưới xe, trước mặt vợ chồng ông Thàng và bà con xóm bản ra tiễn, chỉ thấy mắt cay cay không nói được câu nào. Nhưng vừa trèo lên xe, ngồi lọt giữa đống sắn ông Liểu và Điền quây lại để làm chỗ cho ba người ngồi, và khi mỏi có thể dựa lưng vào nhau mà ngủ gà ngủ vịt về tới nhà, Bính lại như nép vào vai Điền nói rành rẽ từng tiếng, như chưa bao giờ biết nói những lời như thế:

- Ra đến ngoài mới biết còn nhiều người tốt quá, bác Liểu, anh Điền ạ! Chứ cứ như ở nhà, mỗi lần ra gặp chú Thuật, vào gặp chú Lận cháu, là lại chỉ nghe dặn dò với người này phải thế này, với người kia phải thế kia. Toàn những nghi ngờ, hiềm khích, đố kỵ người khác, cứ làm như ai cũng là thằng trộm, kẻ cắp, cũng mưu mẹo, toan tính gầm gè, lừa miếng làm hại mình. Bao nhiêu năm mẹ con cháu dò tìm tung tích bố cháu mà cứ như mò kim đáy biển, thì bỗng lại gặp người đã chôn cất bố cháu, lại còn phóng cả ảnh thờ. Mẹ cháu mà nhìn thấy tấm ảnh này thì vui lắm, bác với anh ạ!

Điền đưa tay ôm choàng lấy Bính áp vào vai mình, còn ông Liểu chậm rãi nói, như thể chẳng nói với ai, nhưng hẳn là có ý cả:

- Các cụ xưa đã dạy “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Có ra đến ngoài mới mở mày mở mặt, chứ cứ ro ró só nhà suốt ngày chỉ đo nọ nước mắm, ngắm củ dưa hành, thì làm nên trò trống gì.

Bính vừa nghe ông Liểu nói, vừa gỡ tay Điền đang ôm vai mình ra, nhìn Điền xúc động:

- Anh bỏ qua cho em, anh nhá! Thực tình có lúc em cũng nghĩ xấu về anh, nhưng chi là do chịu ảnh hưởng của chú Thuật em thôi, chứ thực, em không có lòng dạ nào. Anh thông cảm cho em, ủng hộ em yêu Viên, anh nhá!

Khác với điều Bính nói với ông Liểu và Điền, khi cả ba ngồi lọt thỏm giữa đống sắn trên xe ô tô rời huyện miền núi Chợ Rã về xuôi, mẹ cháu mà nhìn thấy tấm ảnh này thì vui lắm, bác với anh ạ!

Khi Bính hớn hở đẩy cái cánh cổng làm bằng mấy tấm gỗ bạch đàn ra, một cảm giác trống trải, lạnh lẽo lập tức ùa đến. Ba gian nhà trên cửa khép hờ, chứng tỏ chủ nhà chỉ luẩn quất quanh đây, chứ không đi đâu xa. Nhưng dưới nhà bếp tro than vẫn nguội ngơ nguội ngắt. Mọi khi trời vừa tối là mẹ con Bính cũng cơm nước xong. Nhiều hôm còn ăn sớm nữa là khác. Vậy sao hôm nay bếp núc còn lạnh, cửa nhà còn vắng thế này. Bính ngờ ngợ bước lên thềm, đẩy nhẹ cả hai tấm cánh cửa. Một mùi hương ùa ra, ngào ngạt thơm. Bính chưa kịp nghĩ hôm nay là ngày gì, mồng một chắc không phải, còn mười tư, rằm có khi cũng chưa đến. Bính nhớ hôm cùng ông Liểu, anh Điền lên đường đi mua sắn là mồng bốn tháng tư âm lịch. Đi về vừa đúng chín ngày, tức hôm nay mới ngày mười ba. Vậy có việc gì mẹ lại đốt hương trên bàn thờ bố thế kia. Chắc đêm mẹ lại nằm mơ thấy bố về, dặn dò, nhắc nhở điều gì chăng. Mẹ đến là hay nằm mơ. Cả những khi mùa màng cấy hái bận tối mắt, vẫn có đêm nằm mơ. Sáng vừa trên giường lăn xuống đất, đã đến bàn thờ châm đèn, đốt hương thơm khắp nhà. Hẳn đêm rồi mẹ lại mơ. Không hiểu trong mơ mẹ có biết mình gặp được người chôn cất bố ở chiến trường, lại giữ được tấm ảnh của bố mẹ bao nhiêu năm không nhỉ. Cũng không hiểu bố có về mách mẹ, con trai đang cầm tấm ảnh của tôi với bà chụp chung, cái lần tôi về nghỉ mấy ngày để vào chiến trường miền Nam. Bính treo cái túi xách lên đầu cột buồng, vẩn vơ nghĩ. Nhưng bỗng giật thột, khi nghe tiếng bà mẹ như vừa nói vừa khóc, lật bật ngoài sân vào:

- Bính về rồi hả con. Ôi chao, linh thiêng quá! Nãy mẹ vừa đốt hương khấn xin bố phù hộ cho con về nhanh đi. Vì mẹ lo em Lâm nhà chú Lận đi, chỉ còn vắng mỗi con không có nhà, thì giờ con lại kịp về để mai đưa em ra đồng.

Bính sững sờ quay nhìn mẹ, hỏi:

- Em Lâm làm sao mà đi nhanh thế, hả mẹ?

- Em nó bị tai nạn sập hành lang, cái nhà học hai tầng mới xây ấy. Đưa đi bệnh viện nhưng bị vỡ sọ não, mất sáng nay rồi. Con thay quần áo, lấy cái quần nâu áo nâu mà mặc, rồi ra ngay ngoài ấy cho chú Thuật với chú Lận khỏi mong. Cả vợ chồng cô Ngấn, chú Trường cũng đang ở ngoài ấy.

Thế là Bính vội vàng thay quần áo, tất tả ra ngoài nhà ông chú ruột. Không chỉ với người xấu số ngắn đời là con chú con bác với Bính, còn vì lời thúc giục của bà mẹ, dẫu là chị dâu cả trong nhà thì vẫn cứ là sợ các ông chú, bà cô một phép, khi bảo Bính, con ra ngay ngoài ấy cho chú Thuật với chú Lận khỏi mong. Cả vợ chồng cô Ngấn, chú Trường cũng đang ở ngoài ấy. Thì Bính không thể không tất tưởi ra ngay nhà ông chú ruột ở rìa làng, chỗ có cái bến một thời tấp nập trên bến dưới thuyền, mới được ông chủ nhiệm hợp tác xã Phạm Khắc Lận khoanh lấn, lập thành vùng ao vườn nuôi cá, trổng cây, vừa đẹp lại vừa sinh lợi dễ đến như vườn cây, ao cá Bác Hồ cũng ít nơi bằng.

Anh cháu vừa nhô vào tới đầu ngõ thì không biết có linh tính, hay cặp mắt tinh tường đến mức nào mà ông chú Thuật đã nhìn thấy. Ông chú vội tập tững ra tận ngõ, cười không ra cười, mếu không ra mếu, giọng đều đều hỏi anh cháu trưởng:

- Về rồi hả cháu. Tinh hình thế nào?

Bính không dừng lại, vẫn chân lững thững đi, miệng thủng thẳng nói:

- Tốt chú ạ.

- Thế sắn để ở đâu?

- Để cả ngoài cửa hàng mua bán rồi.

- Được mấy tấn? Có đầy xe ô tô không? Tao lo nhất là đằng nào cũng mất tiền thuê một chuyến ô tô, nhưng mấy người đi chưa mua được đầy xe đã nóng về, thế là lãng phí cả tiền thuê xe, lại mất cả công đi về.

Bính không hiểu sao lần này lại không ngoan ngoãn, chỉ biết nghe chứ không biết cãi, lại nhìn ông chú ruột túc trí đa mưu, nói mà như cãi:

- Chú cứ làm như chỉ có mình chú là biết tính toán, còn bác Liểu, anh Điền, và cả cháu nữa, chỉ là một lũ đen đầu thôi chắc. Không những chở đầy xe, mà tổng số sắn xã viên đăng ký mua có bốn tấn bốn trăm bảy mươi ba ki lô gam, nhưng bác Liểu và anh Điền đã cho xếp lên xe kém mấy chục cân đầy năm tấn, bảo đề phòng về tới nhà cân có khi còn hao hụt. Với lại chỗ sắn thừa ra ấy, bà con người ta thêm cho, chứ có lấy tiền đâu, không mang về cũng tiếc.

Trong lúc thằng cháu nói, ông chú cứ vừa đi vừa nghe, chứ không nói lại câu nào. Ngay cả khi nghe thằng cháu nói có ý sẵng, chỉ có mình chú là biết tính toán, ông chú cũng không nghĩ là thằng này dở chứng, bỗng dưng sinh hư, cãi lại cả chú. Là vì trong lòng Thuật đang ngổn ngang trăm mối tơ vò, cái đầu còn thiếu nước điên lên nữa thôi đây. Chứ lại không. Vừa đẩy được Điền làm trưởng đoàn đi miền ngược mua sắn, cũng là bất đắc dĩ lắm đấy, chứ thực, cả xã có hơn trăm hộ đăng ký mua chưa đến bốn tấn rưỡi sắn, thì đáng gì lắm đâu. Nhưng không đi không được, vì huyện đã chỉ đạo các xã vùng bão lốc tràn qua phải tổ chức đi mua sắn, xã nào không mua, để xảy ra đói kém, dân đứt bữa là chủ tịch uỷ ban, chủ nhiệm hợp tác phải chịu kỷ luật. Vừa đẩy được Điền cùng ông Liêu đi, lại cho thằng cháu đi theo giám sát, tưởng ở nhà hai anh em Thuật động thổ xây dựng sinh phần gia tộc thông dòng bén giọt, ít ra là xong phần cơ bản vượt thổ, làm tường bao xung quanh. Vậy mà đùng một cái, chẳng khác gậy ông đập lưng ông, hành lang trường học sập vào ngày nào không sập, lại đúng ngày anh em ông trưởng tộc Phạm Khắc khởỉ công xây dựng sinh phần, gây tai nạn chết người, lại chết đứa nào không chết, chết ngay thằng cháu đích tôn. Vậy thử hỏi Thuật còn đầu óc đâu để ý đến câu nói sẩng của thằng cháu trưởng, vừa chân ướt chân ráo đi miền ngược về. Nên Thuật chỉ vừa đi vừa nghe, chứ không nói lại câu nào. Đến khi Bính quay lại bảo, cháu xin phép chú vào thắp cho em nén hương, thì ông chú mới như chợt nhớ, vội níu tay hỏi:

- Thế có ai ở ngoài ấy trông sắn không?

- Có anh Điền ạ. - Bính nói theo bản năng.

- Không được! Cả xe sắn hàng đống tiền, sao lại phó thác vào một tay ấy.

Nhưng Bính như không nghe thấy, cứ lẳng lặng bước vào trong nhà. Bính lặng lẽ đến trước linh cữu đặt thi hài đứa em con ông chú ruột xấu số ngắn đời, cầm ba nén nhang châm vào cây nến, rồi cung kính cắm vào bát hương. Vì người chết năm nay mới mười ba tuổi, vẫn còn là trẻ con, chưa thành người lớn, lại là con thứ ba trong gia đình có tới năm người con, nên theo tập tục, thi hài thằng bé chỉ quàn trong nhà qua đêm cho người thân thích hương hoa, hôm sau đưa ra đồng mai táng, chứ không kèn trống phúng viếng ầm ĩ, cờ phướn đưa rước linh đình như mỗi khi có đám ma ông già bà cả. Nên tiếng nhà có đám hiếu, xóm láng cũng ít ầm ộ, nhà cửa cũng ít ồn ào tấp nập. Chỉ có ngoài cửa trải một dãy ba bốn chiếc chiếu cho các ông, các bà quanh xóm và người thân thích trong làng, ngoài xã đến chia buồn ngồi xơi miếng trầu, chén nước. Còn trong nhà, bên cạnh quan tài người xấu số, trải mấy cái chiếu cho cô dì, chú bác, anh chị, các em thay nhau ngồi túc trực. Cả nhà đám có lẽ mỗi chỗ ấy là ồn ào, người khóc to thành tiếng thống thiết, ới em ơi là em ơi, sao cái số em lại ngắn chẳng tày gang đến thế này, hử em! Người chỉ khóc hực hực không thành tiếng, nhưng nghe lâu lại rõ ra từng câu, hỡi giời cao đất giày có thấu cho chăng, nếu họ không làm ăn tắc trách, xây cho vững, dựng cho bền, thì sao lại có thể sập được hành lang, để đến nỗi thằng bé ngoan ngoãn, học hành giỏi giang là thế, mà bỗng chốc lìa đời, hu hu hu… Giữa tiếng sụt sùi, than khóc ấy, Bính cầm ba nén nhang cung kính cắm vào bát hương mà tay cứ run lên bần bật, mắt cay xè, hàm răng trên cắn vào môi dưới đến bật máu, để nén tiếng khóc chảy ngược vào trong. Nỗi đau sót, tủi hận vì thế lại càng được nén chặt, càng dầy thêm lên. Khi Bính thắp hương cho em xong, quay ra, vẫn thấy ông chú ruột đứng ngoài cửa, chỗ ban nãy, như có ý chờ. Thấy cháu ra, ông Thuật cầm tay kéo xuống dưới sân, hỏi:

- Lúc nãy cháu bảo có mỗi tay Điền trông sắn ở ngoài cửa hàng thôi hử?

Bính lơ đãng đáp:

- Vâng.

Ông Thuật kêu to:

- Không được! Không thể phó thác cho một tay Điền như thế được, sắn đã chở về đến xã rồi mà còn mất mát, hao hụt thì ai chịu trách nhiệm với huyện. Sao mà cháu với ông Liểu lại dễ tin người đến thế! Trước khi đi chú dặn cháu thế nào, cháu quên rồi hay sao, hả hả!?

Nhưng không hiểu sao lần này anh cháu trưởng thay đổi tâm tính nhanh thế, dám cãi lại ngay cả ông chú ruột, mà bấy lâu Bính gần như tin yêu tuyệt đối, phục tùng tuyệt đối:

- Chú chỉ lo trách nhiệm với huyện, chứ lo gì mất mát, hư hao mấy cân sắn của dân!

- Mày… mày…!

Ông chú tức giận dí ngón tay trỏ bên phải vào trán thằng cháu, nhưng rồi không biết có phải vì ngại mắng cháu trưởng ở chỗ đông, hay vì một câu nhịn là chín câu lành, ông đột nhiên dừng. Thì lại nghe anh cháu trưởng bảo:

- Mọi điều chú dặn cháu không quên, nhưng những gì cháu vỡ lẽ ra, cháu thức tỉnh lại trong chuyến đi này, thì cháu xin phép được nói thật là chính cháu, và có khi cả chú nữa, cũng không bao giờ lại có thể tưởng tượng ra được như thế đâu.

Đúng là ông Thuật cũng không bao giờ lại có thể tưởng tượng ra được như thế, và ngay lúc này cũng không sao tưởng tượng ra đứa cháu trưởng nói gì, nên ngớ ra mươi giây, rồi xuống giọng:

- Có chuyện gì hệ trọng, hả cháu?

- Hệ trọng thì chắc là không. Nhưng may mắn thì đúng là may mắn đến với nhà mình, trong việc chú cử cháu đi mua sắn với anh Điền và ông Liểu thật rồi!

Nghe cháu nói, ông chú trưởng gia tộc Phạm Khắc làng Phương Trì vội ôm lấy hai vai cháu, lắc lắc:

- Mày nói đi, tao đang nẫu hết cả ruột gan đây! Có may mắn thật không? May mắn về cái gì, hả cháu? Hay mày lại ngỏ lời với tay Điền lấy em gái nó, nó đồng ý rồi chứ gì. Ối dào, thời nay có em gái trong nhà như có bom nổ chậm. Huống hồ con bé năm nay đã hai mươi mấy tuổi còn chưa chó nào mó vào, nhẽ nào mày mới hở ra rằng yêu em nó, nó chả giơ cả bốn tay!

Câu nói của ông chú vô tình chọc vào lòng tự ái của thằng cháu, Bính cằn nhằn:

- Chẳng tin chú đi với cháu về nhà. Nhân tiện cháu cho cả mẹ cháu và chú xem. Ban nãy về tới nhà được tin em Lâm mất, cháu cũng chưa kịp cho mẹ cháu biết.

Ông Thuật bỗng linh cảm như có việc hệ trọng thật sự đang đến. Chí có điều, nó đến với niềm vui hay nỗi buồn, tai ương hay may mắn với gia tộc nhà ông nữa thôi. Không nghĩ ra việc gì, ông chú chỉ còn biết lặng lẽ đi theo thằng cháu.

Bính dẫn ông chú về tới sân, thấy mẹ đang ngồi đun nấu gì trong bếp, ánh lửa hắt một vệt sáng nhạt nhoà từ bếp loang ra tới cửa nhà trên. Bính vừa bước lên nhà, vừa bảo mẹ:

- Mẹ háng để bếp đấy, lên con bảo cái này.

Bà Bao ngồi trong bếp, không nhìn ra, sẩng:

- Bảo gì để chốc không được ư. Mẹ còn giở đun ấm nước.

- Con đã bảo mẹ hẵng để bếp đấy. Tiện có cả chú Thuật sang, mẹ ạ.

Bà chị dâu nghe con nói, có cả chú Thuật sang, vội giập bếp lửa đang đun dở, vừa tất tưởi đi ra, vừa nói thay lời chào người em chồng, giờ thành người trưởng gia tộc:

- Chú sang chơi ạ! Ngoài nhà chú thím Lận khách khứa còn đông không, hả chú?

Thuật bước vào trong nhà, ghé ngồi xuống cái chõng con kê dưới ban thờ, nhìn bà chị dâu cao lênh khênh tướng mạo đàn ông, vận cái áo phin xanh mỏng, tay áo ngắn dễ chừng chỉ phủ hết cái nách, ngoài năm mươi mà nom vãn còn phây phây, rạo rực. Thưật bỗng dưng như người hụt hơi, nói lí nhí:

- Khách khứa cũng vãn rồi. Vợ chồng cô Ngấn, chú Trường cũng về, mai mới xuống.

Bính một tay cầm cái đèn con, một tay xách cái túi lúc chập tối ở Bắc Cạn về treo trên đầu cột lối vào buồng, đi đến ngồi cạnh ông chú, nhưng lại quay ra gọi mẹ:

- Mẹ lại đây, mẹ ơi! Con có cái này cho mẹ và chú xem, nhất định mẹ và chú phải bất ngờ lắm.

Vừa nói, Bính vừa lần lần mở cái vật nho nhỏ, mong mỏng, gói đến mấy lớp giấy, ra trước mặt mẹ và chú. Khi tấm ảnh nhỏ bằng hai ngón tay được Bính giơ ra, cả bà Bao và ông Thuật cùng đưa tay định cầm tấm ảnh. Nhưng Bính đã đưa đến gần mặt mẹ, để bà Bao có thể nhìn rõ hơn. Bà bỗng kêu lạc cả giọng:

- Ôi, ông ấy nhà tôi!

Thuật vội đưa tay ra định cầm tấm ảnh xem, thì bà Bao đã đổ vật ra. Ông em chồng nhanh tay đỡ bà chị dâu, trong giây phút xúc động không thể kìm nén, đã ngất đi trong tay em chồng. Ông em chồng vội bế bà chị dâu vào giường. Anh cháu luống cuống không biết làm gì, nhưng cũng còn được nửa giây bình tĩnh, cất tấm ảnh vào túi áo ngực. Ông chú vội gọi:

- Bính, Bính! Trải lại cái chiếu cho ngay ngắn để chú đặt bà ấy xuống. Nằm nghỉ một lúc là tỉnh ngay ấy mà.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play