Theo lời lão Tôn thì ba tên kia xuất quỷ nhập thần trong mộ thất, nhất thời
cũng chưa làm gì được, nên tạm để chúng đấy. Lão đến mộ thất chỗ Vương Uy đang
chờ, hai thi thể phụ nữ trên bệ đá đã hóa thành xương khô, nhưng vẫn mặt đối
mặt ôm chặt lấy nhau. Thi thể đám lính đào mộ của Mã Văn Ninh trong mộ cũng đã
bị phân hủy, chỉ còn một đống xương trắng. Trên bệ đá chỉ còn một bộ xương nâng
nửa chiếc chân đẫm máu.
Lão Tôn đi vòng quanh bệ đá, tặc lưỡi:
- Anh Uy, chúng ta gặp phải cao nhân rồi.
Vương Uy ngớ ra hỏi lại:
- Cao nhân gì cơ?
Lão Tôn nói:
- Hai thi thể khỏa thân dâng rượu, nâng giày này thường được người Tạng gọi
là thi chú. Năm xưa đạo Phật truyền vào đất Tạng, dưới sự khởi xướng của công
chúa Xích Tôn và công chúa Chiêu Quân, dần dần trở nên thịnh hành, trong khi
Bản giáo[1] ở đây ngày càng mai một. Đạo Phật đất Tạng phát triển nhanh chóng,
khó tránh khỏi vàng thau lẫn lộn, chính trong thời kỳ này, đất Tạng lại xuất
hiện một tà phái kết hợp cả Phật và Bản, gọi là đạo Già Lam. Về mặt giáo nghĩa,
đạo Già Lam không phân biệt Bản, Phật, đã có thời được truyền tụng rộng rãi,
rất đông tín đồ. Nhưng đạo Già Lam hành đạo lấy tà thuật làm chính, về sau vì
làm nhiều điều ác, bị Phật giáo và Bản giáo liên hợp đàn áp, thế lực suy yếu
dần, cuối cùng bị ép phải rời về phía Đông, từ đấy cũng mất tăm mất tích. Hình
thức thi chú này chính là tà pháp được đạo Già Lam truyền bá khá rộng rãi, nghe
nói sau khi đạo Già Lam rời về phía Đông, tà pháp này cũng thất truyền, không
ngờ lại xuất hiện ở vùng núi tuyết này.
[1] Bản giáo: Tôn giáo nguyên thủy cổ sơ nhất ở Tây Tạng.
Nghe lão Tôn kể đâu ra đấy, Vương Uy cũng thầm kinh hãi, trong mộ thất này
có thi chú của đạo Già Lam, lẽ nào đây là mộ của đạo Già Lam? Nhớ đến chiếc
kích hình thú giắt trên lưng, anh lại nghĩ: cái kích này ít ra cũng phải mấy
nghìn năm tuổi, nếu không phải là vật trong mộ này, lẽ nào trên núi tuyết còn
có ngôi mộ cổ nào khác nữa ư?
Vương Uy giắt chiếc kích và con dao vào lưng áo khoác quân phục, đám người
lão Tôn không t hiện ra, cứ tưởng đó là con dao anh vẫn đem theo từ trước.
Mấy người trong đội thám hiểm cầm đèn bão dẫn đầu, tiến vào đường hầm, ai
nấy đều lăm lăm tiểu liên, chuẩn bị sẵn sàng, hễ ba tên lính áo vàng kia xuất
hiện, sẽ lập tức nổ súng bắn cho người chúng thủng lỗ chỗ như tổ ong luôn.
Đường hầm này vừa dài vừa dốc, lại quanh co khúc khuỷu, đi sâu xuống, trên
vách hầm dần dần có nước rỉ ra, tiếp tục đi tới đoạn đường hầm ngập nước, đều
là nước do tuyết tan từ trên núi chảy xuống. Mọi người đồng loạt xắn cao quần lội
nước, ai nấy run lên vì lạnh. Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đi đầu, lão Tôn miệng
ngậm tẩu, mắt nheo nheo đi giữa đoàn. Lão ta đi không nhanh không chậm, đầu cúi
thật thấp, cặp mắt nheo nheo mà vẫn sáng rực, chăm chú quan sát những góc tối
nơi ánh đèn không soi đến.
Hang động này dốc xuống lòng đất, trên vách lởm chởm những gờ đá hình thù
quái dị, xung quanh đầy những vết nứt do thế núi chuyển động tạo nên, những trụ
đá trên nóc hang đan chéo nhau thành một lòng máng, lại được các trụ đá hai bên
lòng máng nghiêng nghiêng, từ trước ra sau đâm sâu vào bóng tối, trông hệt như
một bộ xương rết khổng lồ, nằm dài trong bóng tối, đổ bóng xuống bao trùm cả
đoàn người.
Trong hang yên tĩnh đến rợn người, cũng chẳng ai còn lòng dạ nào mà trò
chuyện, không khí như đặc quánh lại, chỉ có tiếng lội nước bì bõm dội vào vách
đá, âm ầm lan ra. Địa thế hang này ăn sâu xuống lòng đất, nhưng mọi người đi
mãi đi mãi vẫn chẳng thấy tăm tích sông ngầm đâu cả. Kể từ lúc họ bước vào
hang, thời gian phải dài gấp mấy lần thời gian hai người trong đội thám hiểm
đuổi theo ba tên lính áo vàng vào hang động rồi trở lại.
Dương Hoài Ngọc vẫy tay:
- Vương Đại Vượng, Lý Quang, hai người lại đây.
Hai người mặc đồ đen thấy Dương Hoài Ngọc gọi liền bước lên trước, khẽ thưa
một tiếng:
- Cô Ngọc.
- Vừa rồi các anh cũng chạy vào cái hang này hay sao?
Người tên Vương Đại Vượng gật đầu đáp:
- Hang này không có nhánh rẽ, chắc không nhầm được đâu. Chỉ lạ một điều là,
cái hang chúng tôi vào lúc đầu tiên cửa hang rất hẹp, bên trong rất nhiều đoạn
quanh co, ngáng trở, không giống hang này…
Mọi người nghe Vương Đại Vượng nói đều giật mình kinh hãi, họ thấy ba đồng
đội đuổi theo mấy tên lính áo vàng chạy vào hang, cuối cùng chỉ có Vương Đại
Vượng và Lý Quang quay ra. Cái hang này thẳng tuồn tuột, không có nhánh rẽ,
vách hang rất kiên cố, đao búa khó mà đục nổi, vậy mà thoắt chốc lại biến đổi
hoàn toàn, thật là kỳ quái.
Lão Tôn nheo mắt nhìn Vương Đại Vượng và Lý Quang, chẳng nói gì, chỉ quay
sang hỏi Vương Uy:
- Anh Uy thấy thế nào?
Vương Uy cũng rất hoang mang, sự việc này ly kỳ quá sức, hơn nữa bọn họ lại
không thể lần ra bất cứ một dấu vết nào từ kết cấu của hang cả. Cứ theo lộ
trình mà phán đoán hẳn họ đã tiến sâu vào lòng đất đến mấy dặm rồi, nhưng hang
động này vẫn tiếp tục dốc xuống sâu hơn, chưa hề có vẻ dừng lại.
Hễ gặp những chuyện đau đầu như thế này Vương Uy lại nhớ đến Nhị Rỗ. Nhị Rỗ
được tổ tiên truyền cho bí thuật dò tìm long mạch địa nhãn, rất giỏi nhìn ra
được chỗ kỳ diệu về phong thủy trong trời đất, tìm đường sống từ trong hiểm
cảnh, nếu gã ở đây, chắc hẳn muốn khám phá bí mật trong chuyện này chẳng khó
khăn gì.
Thấy Vương Uy lặng yên không đáp, lão Tôn lắc đầu nói:
- Bấy nhiêu năm nay đám quân phiệt Tứ Xuyên hỗn chiến, anh bôn ba khắp
Xuyên Trung, vào Nam ra Bắc, những điều tai nghe mắt thấy không ít, vậy mà cũng
không biết nguồn cơn chuyện này, thật là hết cách.
Vương Uy hắng giọng, bỏ ngoài tai câu châm chọc của lão Tôn, lão già này vô
cùng xảo quyệt, chắc hẳn đã đến lúc lão dùng tới anh rồi đây. Hang động này ăn
sâu vào lòng đất đến mấy dặm, nói theo khoa học tự nhiên của phương Tây thì đã
tiến gần đến khu vực địa tâm, có lẽ lão Tôn muốn anh đi trước thăm dò, mở đường
cho đội thám hiểm của lão chăng?
Có điều lão Tôn không dám nói thẳng, chỉ mượn lời khích bác nên Vương Uy
đời nào chịu mắc lừa. Anh chỉ cười cười rồi để mặc lão ở đó, đi lòng vòng xung
quanh xem xét kết cấu địa hình.
Vương Uy giơ đèn bão soi, chỉ trông thấy kết cấu nham thạch hình lòng máng
như con rết treo ngược trên nóc hang. Vì phạm vi chiếu sáng của cây đèn có hạn
nên chỉ thấy đường nét lòng máng, chẳng trông rõ được trong đó có gì.
Lão Tôn đằng hắng một tiếng, bực bội ra lênh cho đội thám hiểm:
- Theo lối cũ quay về.
Bỗng Vương Uy nói chen vào:
- Hượm đã, hượm đã, tôi thấy trần hang có vấn đề
Dương Hoài Ngọc đứng bên Vương Uy, hỏi:
- Có chuyện gì thế?
Vương Uy dùng răng cắn dây buộc đèn bão, hai tay ôm chặt lấy trụ đá cắm sâu
vào vị trí trung ương của hang, vận sức mấy lay mấy cái để thử độ vững, thấy
trụ đá tuy mỏng mảnh nhưng rất vững chãi, mấy người leo lên cũng không vấn đề
gì, anh liền bám vào hai bên trụ, dùng lực đu lên, chui vào lòng máng.
Lối vào lòng máng đá rất hẹp, nhưng không gian bên trong rộng vô cùng, nhờ
ánh sáng cây đèn bão, anh nhận thấy khoảng cách với các trụ đá hai bên mỗi lúc
một rộng ra, phía bên kia còn rộng đến chừng nào thật khó mà biết được.
Trụ đá càng lên cao càng to dần, tai cửa vào máng đá, trụ đá chỉ to bằng
cánh tay trẻ con, Vương Uy đứng trên khúc cong của trụ đá, có thể chạm đến phần
trụ đá to cỡ một người ôm. Anh bám lấy mấu đá lớn nhô ra trên trụ, hai chân
quặp chặt, dùng sức trèo lên. Vương Uy vốn đã có ngón võ gia truyền, mấy trò
trèo tường leo vách đối với anh chỉ là chuyện vặt.
Càng leo lên cao, Vương Uy càng thêm kinh ngạc, cây trụ đá này chẳng biết
mọc từ đâu ra, anh leo lên được mấy mét, phát hiện trụ đá to hơn tưởng tượng
của anh nhiều, mười người chưa chắc đã ôm xuể.
Những người trong hang cũng nhận ra sự kỳ dị của cái máng đá, liền học theo
Vương Uy, lũ lượt leo lên. Hơn chục con người mặc áo đen miệng ngậm đèn bão,
mỗi người ôm một cây trụ đá, thoăn thoắt leo lên.
Vương Uy leo cao hơn những người trong đội thám hiểm, nhờ cả dãy đèn bão
phía dưới chiếu sáng một khoảng khá rộng, anh thấy hàng trụ đá này hệt như một
dãy xương sườn của dã thú. Nhưng gốc của hang trụ đá này ở đâu, lớn chừng nào,
anh thật chẳng dám tưởng tượng. Từ trên trông xuống, anh chẳng thấy nổi bóng
người cuối cùng leo lên, chỉ thấy ánh đèn le lói, khoảng cách giữa anh với dãy
đèn bão xếp thành hình chữ nhất dưới kia áng chừng hơn trăm mét.
Lão Tôn leo lên một cây trụ đá sát bên trụ đá của Vương Uy, đợi trèo lên
gần ngang với anh, lão quay sang nói:
- Này anh Uy, anh có nhận ra không? Chỗ này là đất độc.
Vương Uy ngơ ngác hỏi lại:
- Sao bác lại nói thế?
Lão Tôn nhìn quanh một hồi rồi mới đáp:
- Hồi trẻ tôi bôn ba giang hồ, gặp được cao nhân, học được thuật xem phong
thủy để đào trộm mộ. Xem hình thế cái hang này giống hệt đất Bối long âm khư mà
thầy tôi dạy khi xưa, thật hãi quá đi mất.
Lòng Vương Uy trầm hẳn xuống, anh thầm nghĩ lão Tôn cũng là một cao thủ về
phong thủy, để nghe xem lão nói sao, liền hỏi:
- Bối long âm khư là nghĩa làm sao?
Lão Tôn giải thích:
- Trong Hám Long kinh có viết, núi Tu Di là xương sống của thiên địa, sừng
sững giữa đất trời, trấn giữ thiên tâm. Giống như xương sống và gáy của con
người vậy, từ đây lại tỏa ra bốn nhánh long mạch. Bốn nhánh chia ra làm bốn thế
giới, coi Nam Bắc Đông Tây là bốn mạch. Tây Bắc, Không Đồng vạn dặm đường; Đông
vào Tam Phụ khuất bầu không; riêng có rồng Nam chầu chính giữa; nghén sinh mạch
tổ há lạ lùng. Nghe nói thiên hạ có bốn long mạch lớn, long mạch chạy vào Trung
Quốc được gọi là Nam Long, núi Côn Luân là núi tổ của long mạch Nam Long, cũng
là thủy tổ của long mạch trên toàn Trung Quốc, từ Côn Luân, long mạch chia ra
làm ba nhánh, chạy về ba hướng Bắc, Trung, Nam. Long mạch phía Bắc chạy về phía
Hoàng Hà, thế dồi dào, mạnh mẽ. Long mạch ở miền Trung nằm kẹp giữa Trường
Giang và Hoàng Hà, thế bình ổn, phân ra làm hai mạch ở nơi giáp giới giữa hai
dòng sông, có kinh mà không có hiểm, còn long mạch phía Nam lại nương theo thế
núi Côn Luân, khởi nguồn từ Tuyết lĩnh, trỗi lên từ mạch núi phía Nam Trường
Giang, dọc đường có ngang qua núi Đường Cổ Lạp, Dân sơn, Nam lĩnh, núi Vũ Di,
chạy về phía Đông, đổ vào biển Đông. Long mạch phía Nam nhất định phải chạy qua
núi Đường Cổ Lạp chỗ chúng ta, hơn nữa đây còn là nơi long mạch phía Nam đổi
hướng. Vượt qua rặng núi tuyết này, thế của long mạch từ núi Côn Luân đổ xuống
sẽ dần dần bình ổn, lại có hình thế rồng nằm phủ phục, chạy đến núi Vũ Di mới
từ từ đổi thế, đổ vào Đông Hải, nhưng mạch núi này chuyển hướng từ núi Đường Cổ
Lạp địa hình rất phức tạp, thế lại lắt léo hiểm trở, quả khiến người ta khó mà
đoán định được. Lão đứng bên dưới tuyết tuyến[2] quan sát thấy một dãy các đỉnh
núi nối liền thành một đường thẳng, các đường thẳng này đan xen nhau chồng chéo
như bàn cờ, ở giữa nổi lên một ngọn núi cao vạn trượng, thế núi hiểm trở, như
kinh long vút lên trời, đó chính là chỗ kỳ tuyệt của sơn thủy nơi này.
[2] Tuyết tuyến: đường ranh giới mà từ đó trở lên địa thế cao hơn, băng
tuyết bắt đầu bao phủ quanh năm.
Vương Uy nghi hoặc hỏi:
- Thế giới bên dưới núi này có liên quan gì đến long mạch bên ngoài núi?
Lão Tôn quan sát hướng của các trụ đá, thở dài đáp:
- Người xưa tìm long mạch, chủ yếu xem trọng năm yếu tố “rồng”, “huyệt”,
“cát”, “nước” và “phương hướng”. Nếu xét riêng rẽ thì năm yếu tố này có thể xem
như năm nguyên lý “tính rồng”, “huyệt đất”, “cát vây”, “nước ôm” và “hướng
tâm”. Tính rồng chỉ khí đất lưu chuyển bên trong mạch núi phải tuần hoàn, dồi
dào không dứt; huyệt đất chỉ vùng đất tốt, khí đất ngưng kết, hội tụ, còn gọi
là huyệt lành; cát vây, ý nói sau huyệt mộ có núi non trùng điệp bao bọc xung
quanh, như vậy mới tốt; còn hướng tâm chỉ vùng đất mỏng yếu, long mạch chạy
gấp, khí đất trống trơn, trước sau đứt gãy. Từ lúc bước vào khe núi này, lão đã
thấy mạch núi chạy đến đây tựa như kinh long quay đầu, ắt hẳn hẻm núi từ thời
tiền sử này chính là vùng đất dữ kìm hãm long mạch. Kinh long chạy từ Côn Luân
đến mạch núi Đường Cổ Lạp này, hẳn muốn nương theo mảnh đất báu dồi dào khí
đất, có thể sản sinh ra huyệt lành này để làm một cú nhảy vọt cuối cùng. Nào
ngờ lại nảy ra khe núi ngầm này, vây hãm kinh long ở đây, trước mặt có đỉnh núi
tuyết sừng sững vạn trượng ngăn trở, sau lưng lại có vô vàn núi tuyết kéo dài
liên miên, kinh long tiến lùi đều khó, bèn biến mảnh đất lẽ ra là đất báu này
thành một sơn cốc chết.
Nghe lão Tôn giảng giải một thôi một hồi về hình sông thế núi, Vương Uy sợ
đến ngẩn cả người ra, về bí thuật tầm long điểm huyệt anh cũng biết được đôi
chút. Hồi xưa ông nội anh là kỳ nhân trong đám lục lâm, từng nghiên cứu kỹ
những phương thuật cổ xưa này, nhưng ông cụ cảm thấy đã đến thời Dân Quốc,
những thứ ấy ắt phải vứt vào sọt rác, cho nên không truyền thụ lại cho anh, anh
chỉ thỉnh thoảng nghe ông nội nhắc đến mà thôi.
Những năm trong quân ngũ, Nhị Rỗ dựa vào bí thuật tầm long địa nhãn gia
truyền đã nhiều lần cứu anh, dần dà Vương Uy cũng học được cách quan sát hình
sông thế núi đôi chút. Nhưng Nhị Rỗ ngậm miệng rất chặt, chưa đến lúc cùng
đường thì dù có moi móc thế nào gã cũng quyết không hở ra nửa chữ.
Nghe lão Tôn giảng giải, Vương Uy biết tuy lão này rất độc ác giảo hoạt
nhưng cũng là một vị cao nhân trong dân gian, những bí thuật dò tìm long mạch
mà lão vừa đề cập có nhiều điểm tương tự với những điều ông nội anh và Nhị Rỗ
từng nói, hẳn không phải là bịa đặt.
Vương Uy suy nghĩ rồi nói:
- Vậy Bối long âm khư mà bác nói là gì thế?
Lão Tôn ngậm lấy quai xách của cây đèn bão đang treo trên mấu trụ đá vào
miệng, chỉ vào bóng tối trước mặt, hừm một tiếng, nói:
- Ở kia…
Vương Uy nhìn theo hướng lão Tôn chỉ, thấy trong bóng tối hình như có hai
ngọn đèn. Anh không xác định nổi đó là đèn hay là thứ gì, bởi khoảng cách từ
đây tới đó rất xa, ánh sáng kia lại xanh lét như mắt mèo. Trong bóng tối thứ đó
tỏa ra ánh sáng lạnh lẽo, lớn hơn ánh lửa ma trơi nhiều, nhưng lại mờ ảo không
sao trông rõ được. Vương Uy cố căng mắt ra nhìn nhưng vẫn không xác định nổi
hai chấm sáng xanh kia có tồn tại thật hay không.
Thấy Vương Uy nhìn mình bằng ánh mắt nghi ngờ, lão Tôn lại treo cây đèn lên
mấu trụ, nói:
- Đúng là người nhà họ Vương vùng Quan Đông, chẳng uổng công rèn luyện đôi
mắt âm dương.
Vương Uy tỏ vẻ bực bội:
- Đôi mắt âm dương là thế nào?
Lão Tôn trợn mắt nhìn Vương Uy hồi lâu, lạ lùng hỏi:
- Anh không biết anh có cặp mắt thiêng có thể nhìn thấu âm dương hay sao?
Vương Uy giật mình kinh hãi, liền chửi:
- Mẹ kiếp lão bớt giả thần giả quỷ với tôi đi, mắt âm dương quái gì, mắt
tôi đây cũng chỉ có lòng đen lòng trắng, sao lại gọi là mắt âm dương?
Lão tôn suy nghĩ giây lát, bỗng sực hiểu ra:
- Có lẽ ông nội anh sợ rằng nhà họ Vương gây thù chuốc oán trong giang hồ
đã nhiều, ngón Đoạn Môn chỉ hay đôi mắt âm dương đều là tuyệt kỹ của nhà họ
Vương, lỡ như con cháu đời sau đi đó đi đây, bị kẻ thù nhận ra sẽ gây nên tai
họa.
Vương Uy nói:
- Xin bác nói cho rõ, tôi thừa nhận ngón Đoạn Môn chỉ là đòn gia truyền của
nhà mình, nhưng mắt âm dương là thứ gì?
Lão Tôn nói:
- Anh có nhớ hồi nhỏ người lớn trong nhà bảo anh lúc ngủ phải mở một mắt,
nhắm một mắt, trên mí con mắt mở phải cài một mẩu xương chứ? Ngày rằm hoặc mùng
một hàng tháng phải ở trong phòng tối suốt hai mươi tư giờ mới được ra ngoài,
trong thời gian ấy không được ăn uống gì, đúng không nào?
Vương Uy ngạc nhiên, trước năm mười tuổi đúng là anh thường hay bị ông nội
phạt. Hồi nhỏ anh rất nghịch ngợm phá phách, để dạy dỗ uốn nắn, ông nội anh đã
nghĩ ra đủ mọi thủ đoạn ly kỳ, ví dụ lúc ngủ chỉ cho nhắm một mắt, mắt kia dùng
mẩu xương vừa nhỏ vừa lành lạnh chống lên; mỗi tháng có mấy ngày anh bị nhốt
trong một ngôi nhà cũ nát, Vương Uy còn nhớ mãi đến nửa đêm mới được ông nội bế
ra. Trong gian nhà đó không có người, lại đầy mạng nhện, những con nhện to bằng
bàn tay cứ bò đi bò lại, ban ngày trong nhà cũng vẫn tối om om, những ngày nóng
nực lại thấy một luồng gió lành lạnh thổi dọc qua sống lưng, anh ở trong đó mấy
lần đều nghe có tiếng phụ nữ khóc.
MớiVương Uy sợ phát khóc, nhưng ông nội cứ ẵm anh vào rồi khóa chặt cửa bỏ đi,
mặc anh ở đấy. Qua mấy lần anh cũng quen dần, chẳng sợ nữa. Một hôm, vào lúc nửa đêm, anh thấy trong căn nhà đó có một phụ nữ mặc đồ đen đi đi
lại lại, thấy anh nhưng lại làm như không trông thấy.
Vương Uy kể lại chuyện này với ông nội, từ bấy về sau ông nội không đưa Vương Uy vào gian nhà kia nữa.
Từ nhỏ tính tình Vương Uy đã rất liều lĩnh, táo bạo, việc gì cũng dám làm, không biết sợ gì cả. Sau này lớn lên anh cũng quên gần hết những
chuyện này, giờ đây lão Tôn nhắc đến, đầu anh nóng bừng lên, sực nhớ lại tất cả. Càng nhớ lại những ngày trong gian nhà kia, anh càng thấy lưng
đẫm mồ hôi lạnh, cảm thấy nơi đó đúng là một căn nhà ma.
Lão Tôn đằng hắng mấy tiếng, rồi nói:
- Tôi đây lăn lộn trong giang hồ đã mấy chục năm, com mắt nhìn người
cũng không tệ, bằng không hôm đó xả một loạt súng quét sạch là xong, cần gì hao tâm tổn trí mời cho được mấy vị vào đội thám hiểm?
Vương Uy hết hồn hỏi:
- Bác đã nhận ra đôi mắt âm dương của tôi từ lâu rồi à?
Lão Tôn cười:
- Tôi thấy chiêu Đoạn Môn chỉ của nhà họ Vương Quan Đông, lại nhìn
ánh mắt anh nửa sáng nửa mờ, trông xa tưởng là mờ đục nhưng nhìn kỹ lại
như dòng suối trong veo, chẳng phải mắt âm dương trong truyền thuyết thì là gì?
Vương Uy sờ lên mắt mình, dường như cặp mắt anh không khác gì mắt
người bình thường cả, lẽ nào nó thật sự có thể nhìn thấu âm dương, thấy
được những gì người khác không thể thấy như lão Tôn nói sao?
Lão Tôn nói:
- Trong thiên hạ có nhiều cổ thuật, nhưng chỉ có đôi mắt âm dương này là ly kỳ cổ quái nhất. Mẩu xương hồi xưa để anh luyện một mắt nhắm một
mắt mở lúc ngủ được mài từ xương ngón chân con tê tê nghìn tuổi đấy. Con tê tê quanh năm khoét núi, ngón chân ám địa khí nghìn năm, có thể làm
cho đục biến thành trong, xuyên thấu âm dương. Tôi đây cũng chỉ nghe sư
phụ nói mới hiểu được đôi chút về những cổ thuật truyền kỳ đó thôi.
Vương Uy nói:
- Hai con mắt thấp thoáng ẩn hiện trong bóng tối kia, mọi người đều trông thấy cả chứ?
Lão Tôn lắc đầu:
- Tôi chỉ có thể căn cứ vào bí thuật tầm long để phán đoán vị trí của Bối long âm khư thôi, chứ không nhìn xuyên thấu âm dương được.
Thấy những người khác trong đội thám hiểm đã vượt mình khá xa, họ
hướng về phía Bối long âm khư trong bóng tối nhưng dường như chẳng hề
phát hiện thấy gì khác lạ, Vương Uy không khỏi giật thót trước khả năng
kỳ lạ của mình. Lão Tôn nói:
- Bây giờ chỉ mình anh có thể thấy Bối long âm khư thôi, còn chúng
tôi đều mù cả, phải đi theo anh, chúng tôi mới ra khỏi tuyệt địa này
được.
Vương Uy nhìn lão Tôn, thấy lão già này có vẻ rất nghiêm túc, các thớ thịt trên khuôn mặt đều căng ra tưởng như có thể đứt tung bất cứ lúc
nào, lòng chợt dấy lên một cảm giác khó tả.
Hai người ngậm lấy quai xách của cây đèn bão, thoăn thoắt leo lên trụ đá, dần bắt kịp những người trong đội thám hiểm. Phía trước có mấy
người leo tương đối nhanh, cách họ một khoảng khá xa, chỉ trông thấy mấy ánh đèn vàng vọt lay lắt trong bóng tối.
Vương Uy vẫn nhìn chằm chằm vào hai con mắt xanh lét kia, anh leo lên leo xuống, bất kể leo thế nào cũng không sao phân biệt nổi đôi mắt kia
là thật hay là giả, có lẽ kỳ thực nó chỉ là ảo giác.
Những trụ đá này to không bút nào tả xiết, Vương Uy leo trên đó giống như leo trên tường, một bức tường mà anh không biết dài bao nhiêu. Anh
leo hồi lâu, chỉ trông thấy những ánh đèn leo lét, không thấy lão tôn và Dương Hoài Ngọc đâu cả, mọi người đều chìm vào bóng tối, mà đôi mắt
vĩnh viễn không phân biệt nổi là thật hay ảo kia vẫn náu mình trong bóng tối nơi xa.
Tại lối vào lòng máng, các trụ đá chỉ cách nhau chừng vài ba tấc,
nhưng trụ đá càng lớn, khoảng cách này càng rộng ra, rộng đến nỗi khiến
người ta kinh ngạc. Trước khi leo lên, mọi người trong đội thám hiểm
không đoán được điều này, bây giờ muốn tập trung lại thì đã muộn.
Trong bóng tối dày đặc, người nọ với người kia, người đi trước và đi
sau đều cách xa nhau, trụ đá không biết còn dài đến đâu, mà sức người
thì có hạn, một khi đuối sức rơi xuống chắc chắn sẽ thịt nát xương tan.
Vương Uy liên tiếp nghe thấy tiếng kêu thảm thiết, mấy ngọn đèn phía
trước anh đều đã tắt ngấm, phía sau còn mấy ánh đèn leo lét đang chậm
chạp di chuyển. Vương Uy cảm thấy phía trước rất có thể là đường cùng,
đỉnh núi tuyết và hang sâu cách nhau đâu phải chỉ mấy nghìn mét, nếu như trụ đá xuyên suốt ngọn núi thì gốc của trụ đá sẽ nằm trên đỉnh núi
tuyết, vậy chẳng nhẽ họ phải leo từ nơi sâu mấy nghìn mét trong lòng đất lên đến tận đỉnh tuyết cao mấy nghìn mét ư?
Vương Uy càng nghĩ càng thấy việc phát hiện ra lòng máng trên nóc
hang của mình thực là ngu xuẩn. Lẽ ra khi thấy trụ đá không bình thường, anh nên tụt xuống, theo đường cũ đi ra, biết đâu còn lối thoát.
Leo lên đến đây tay chân anh đã mềm nhũn cả, thậm chí anh không biết
mình đã leo lên được bao xa, cứ thế này tin rằng chỉ một lúc nữa anh sẽ
phải buông tay, rơi từ trên trụ đá cao xuống chết tan xác.
Vương Uy vừa leo vừa nghĩ ngợi lung tung, ngậm ngùi cho cuộc đời lắm
trắc trở, sinh không gặp thời, đi lính đánh trận hơn chục năm trời, lại
từ tiểu đoàn trưởng tụt xuống đại đội trưởng đại đội cảnh vệ. Quân đội
từ miền Xuyên Trung tháo chạy đến biên giới phía Tây đất Tạng, cướp
giật, thổ phỉ gì cũng làm rồi, vậy mà hôm nay chỉ còn lại ba người: anh
và Ngọng, Ngoẹo. Cũng không biết hai người kia thế nào rồi, hình như lúc trước cả hai đi sau cùng, mấy ngọn đèn bên dưới có khả năng là bọn họ,
cũng có thể đèn của họ đã tắt từ lâu rồi.
Bấy giờ, không biết ai leo tới trước mặt, Vương Uy thấy một luồng
sáng nhạt nhòa đang từ từ tiến về phía này, áng chừng đã leo đến mép trụ đá.
Tim Vương Uy chợt đập thình thịch, lẽ nào có người định băng qua
khoảng cách giữa hai trụ đá để sang bên này? Đã leo tới độ cao này,
khoảng cách giữa hai trụ đá ít ra cũng phải mấy chục mét, người kia có
điên không?
Vương Uy vội gắng sức leo nhanh hơn, bởi vì về sau này anh đã quan
sát kỹ từng người trong đội thám hiểm, phát hiện ai nấy đều có bản lĩnh
đáng nể, hoặc là cao nhân trong dân gian, hoặc là cướp biển, tất cả đều
là hạng người thâm tàng bất lộ.
Nhất định đám phỉ tặc này sẽ không làm chuyện ngu ngốc như vậy, nếu
có ai trong đội ngu ngốc thì cũng chỉ là hai người lính mà anh đem theo, một Ngoẹo, một nữa là Ngọng mà thôi. Hai người này trung thành có thừa
mà khôn ngoan lại thiếu, hễ hăng lên thì kể cả tê giác cũng dám chơi,
không phải cả hai bị dồn vào thế bí nên tính làm chuyện ngu xuẩn là băng qua khoảng cách mấy chục mét sang đây chứ?
Vương Uy leo lên ngang tầm với ngọn đèn kia, bóng tối trong hang quả
là hỗn độn, trước mắt như bị một làn hơi nước mờ mịt chăng ngang vậy,
chỉ thấy mép trụ đá bên cạnh lờ mờ một ngọn đèn, chứ không thấy được
người cầm đèn là người hay ma.
Vương Uy nhìn ánh đèn leo lét, đang định gọi, bỗng thấy dưới chân có
một sợi xích vắt qua, sợi xích sắt to bằng bắp tay một đầu xuyên vào trụ đá, đầu kia của dẫn thẳng vào bóng tối, không biết buộc vào đâu.
Vương Uy hết cả hồn, giữa hang động sâu cả nghìn mét dưới hẻm núi
này, rất hiếm thấy dấu vết hoạt động của con người, vậy mà lại treo một
sợi dây xích to như vậy. Lẽ nào sợi xích này có đến những xác chết lõa
thể trong mộ thất kia? Đây cũng là một phần của ngôi mộ cổ đó hay sao?
Xem bộ rất có khả năng sợi dây xích này đã xuyên qua trụ đá, mà muốn
xuyên trụ đá to lớn như vậy, hẳn không phải mười ngày nửa tháng mà được. Có điều trụ đá này lơ lửng trên không, người muốn bám vững trên trụ đá
nhất định phải dùng cả hai tay, vậy là không còn tay nào để làm việc,
muốn dựa vào dụng cụ khác gần như là chuyện không thể. Vả lại, dù có đục xuyên được trụ đá thì làm thế nào đưa được sợi xích lớn nhường ấy lên
được đến đây, tất cả những chuyện này đều hết sức khó hiểu.
Vương Uy nghĩ mãi không sao hiểu nổi, bỗng thấy ánh đèn trên trụ đá
bên cạnh đang từ từ dịch chuyển sang phía bên này, hệt như đi giữa không trung vậy.
Anh thầm nhủ, lẽ nào người kia định lần theo sợi xích leo sang bên này hay sao?
Nghĩ vậy anh lại sức nhớ đến Ngoẹo và Ngọng, bèn gọi to:
- Ai đấy? Là Ngoẹo, Ngọng hay bác Tôn?
Bất kể anh gọi to thế nào, phía đối diện cũng không có ai trả lời,
ánh đèn kia vẫn từ từ di chuyển giữa không trung, tiến sang bên này,
giữa bóng tối mênh mông, ánh đèn vàng vọt đó trông giống hệt một ngọn
lửa ma trơi.
Vương Uy lặng đi, nếu là người trong đội thám hiểm, không lý nào lại không lên tiếng, lẽ nào trên trụ đá còn có ai khác?
Theo Vương Đại Vượng và Lý Quang là hai người đã vào hang kể lại thì
ba tên lính áo vàng chạy xuống một con sông ngầm rồi không thấy đâu nữa, phe bọn họ còn tổn thất mất một người. Họ lần theo địa thế hang động để tìm nhưng không thấy tăm tích dòng sông ngầm đâu cả, cũng có nghĩa là,
tuy tiến vào cùng một hang động, nhưng cấu trúc của cái hang đã biến đổi mà không ai hay biết. Chuyện này thật ly kỳ hết sức, hơn nữa lúc này
chẳng còn manh mối nào, cũng không thể đoán biết nguyên nhân nữa. Nhưng
ba tên lính áo vàng kia vẫn là mối hiểm họa tiềm tàng, chúng xuất quỷ
nhập thần, không thể không đề phòng. Đội đào trộm mộ do Mã Văn Ninh cầm
đầu đã đi biệt hơn mười năm nay không có tin tức gì, nếu không phải bị
chết hết thì nhất định còn có ẩn tình chi đây.
Ba tên lính mặc áo vàng có vẻ gì đó khác thường, Vương Uy thấy bóng
lưng họ hết sức gượng gạo, nhưng cũng không nói rõ được là tại sao, chỉ
thấy không giống người thường.
Ngẫm lại tất cả nguyên nhân và hậu quả, Vương Uy lập tức nghi ngờ kẻ băng qua sợi xích chính là ba tên lính áo vàng kia.
Ngòn đèn lửng lơ dừng lại giữa hai trụ đá, khẽ lay động, chẳng hiểu
bọn chúng đang giở trò quỷ gì. Dần dần Vương Uy mới nhận ra ngọn đèn
không đứng yên, mà di động vòng vòng trong một phạm vi nhỏ hẹp, có nghĩa là giữa sợi xích sắt còn thứ gì đó.
Vương Uy chẳng quản được nhiều đến thế, một tay anh lên đạn khẩu súng lục, giắt vào thắt lưng rồi hai tay bám chặt sợi xích, miệng ngậm cây
đèn bão, dựa vào thân thủ nhanh nhẹn, bò ra giữa sợi xích.
Lúc bám trên trụ đá, Vương Uy chẳng hề phát hiện khoảng không giữa
hai trụ đá lồng lộng gió, gió lạnh thấu xương khiến tay chân anh cứng đờ ra. Vương Uy bám chặt vào sợi xích to bằng bắp tay, bị gió thổi lắc la
lắc lư như một chiếc lá khô trên mặt nước.
Anh nheo mắt để đề phòng bụi đất bay vào mắt, vừa bò chưa được nửa
đường, anh lại thấy ngọn đèn mờ trước mặt lắc lư theo đường cũ trở về.
Vương Uy đời nào chịu buông tha bọn chúng dễ dàng như vậy, liền phối
hợp tay chân bò thoăn thoắt, bất chấp gió thổi lồng lộng, bụi đất táp
vào người như mạt sắt. Ra đến giữa sợi xích, Vương Uy vừa nhìn liền giật nảy cả mình, té ra giữa sợi xích sắt ấy có treo một cỗ quan tài đá, bốn sợi xích, mỗi sợi buộc vào một góc quan tài, còn hai sợi xích khác buộc vào hai trụ đá bên cạnh.
Cỗ quan tài đá mỗi bề phải đến mấy trượng, anh leo lên quan tài, thấy ngọn đèn mờ kia mỗi lúc xa dần, xem ra không thể đuổi kịp nữa. Vương Uy liền giơ đèn soi một vòng quanh quan tài, thấy trên nắp áo quan phủ đầy bụi, nhưng ở giữa lại có một vòng tròn nhỏ đã được lau sạch, để lộ ra
một khuôn mặt hình bầu dục. Khuôn mặt này trông rất kỳ quái, tuy đầy đủ
mắt mũi nhưng thần thái không giống người chút nào, hệt như gương mặt
trên cái kích anh đem theo vậy.
Khuôn mặt này to hơn mặt người bình thường, mắt lồi, trông rất quái
dị, hễ nhìn vào mặt cũng tức là nhìn thẳng vào mắt, khiến người ta rợn
cả tóc gáy.
Không còn nghi ngờ gì nữa, nhất định đám lính đào mộ của Mã Văn Ninh
có liên quan đến cỗ quan tài đá này, xác chết trên núi tuyết phỏng chừng cũng từ hang động này mà ra. Chỉ lạ một điều là, tên lính kia đã đưa
cái kích ra khỏi động, nhưng lại không thể đem xuống núi, bằng không e
rằng bí mật trong núi tuyết đã bị khám phá ra từ mười năm trước rồi.
Vương Uy không dám nhìn khuôn mặt trên nắp áo quan lâu, vừa rồi cỗ
quan tài bị đụng vào, nắp chưa đậy lại cẩn thận, để lộ ra một khe hở.
Vương Uy leo từ nắp áo quan xuống, hai chân đạp lên xích sắt, vận lực
đẩy mạnh, khiến nắp quan tài mở ra một nửa. Dưới nắp quan tài lộ ra một
khoảng tối, Vương Uy thò đèn vào soi, thấy quan tài sâu hơn một trượng,
ánh đèn không soi được thấu đáy.
Vương Uy đánh bạo bước hẳn vào trong quan tài, chân dẫm lên đáy quan
tài bằng đá, vừa soi đèn nhìn vào quanh, anh không khỏi hít vào một hơi
khí lạnh, trong quan tài còn có hai xác chết, một người là Ngoẹo, người
kia là Ngọng. Cuối cùng điều anh lo lắng nhất vẫn xảy ra, hai tên ngốc
này đã bị người ta hại chết một cách không rõ nguyên do trong cỗ quan
tài treo này.
Vương Uy thận trọng nắn nắn hai cái xác một lượt, thấy xác chết đã
bắt đầu cứng, hẳn đã chết một thời gian rồi. Như vậy sẽ tồn tại hai tình huống, thứ nhất là ánh đèn vừa rồi là của kẻ đưa hai cái xác này đến
đây, đặt vào áo quan; thứ hai là hai cái xác này không liên quan gì đến
ánh đèn kia, mà đã bị giết trong quan tài này từ trước rồi.
Nhưng điều khiến Vương Uy thắc mắc nhất là Ngoẹo và Ngọng chỉ là
những người lính bình thường trong quân đội Tứ Xuyên, dưới lòng đất sâu
này, nếu có kẻ nào đó giết họ thì cứ tùy tiện quăng xác đi đâu mà chẳng
được, cớ gì phải mất công giấu xác vào trong quan tài đá?
Hơn nữa, trên người họ không có một vết thương nào, áo quần vẫn lành
nguyên, không hề bị rách, những bộ phận lộ ra ngoài cũng lành lặn như
thường. Lúc sờ vào túi áo Ngọng, Vương Uy mới thấy một mảng ướt sũng,
vội cởi áo Ngọng ra. Lúc tiến vào vùng núi tuyết, tất cả bọn họ đều thay sang áo bông dày sụ, là đồ thám hiểm do lão Tôn đặt mua ở nước ngoài,
chất vải bền chắc, khó mà rách nổi. Vừa cởi áo Ngọng ra được một nửa,
trông thấy Ngọng dưới tấm áo bông, suýt nữa Vương Uy không cầm được nước mắt, Ngọng như thế này có còn ra người nữa không?
Dưới tấm áo bông, cái xác của Ngọng bị xé nát thành từng mảnh, thịt
xương, ruột gan tơi tả. Người Hán rất coi trọng việc giữ toàn thây sau
khi chết còn người Tạng lại muốn thi thể phải được xé ra từng mảnh, để
linh hồn bay lên Thiên giới. Nhưng Vương Uy là người Hán, thấy người anh em cùng vào sinh ra tử với mình bao năm nay không được chết toàn thây,
anh cảm thấy vô cùng xót xa.
Vương Uy lại cởi áo bông của Ngoẹo, bên dưới cũng là một đống máu
thịt bầy nhầy tương tự, tình cảnh này giống hệt vị lạt ma đưa tấm bản đồ đến cho Mã Văn Ninh mà dân chúng vùng Xuyên Trung vẫn đồn đại vậy, bị
phanh thây thiên táng sống.
Chuyện này thật quá sức chịu đựng của Vương Uy, rốt cuộc là kẻ nào đã giết họ? Nếu nói kẻ ra tay là lão Tôn thì Ngoẹo và Ngọng chỉ là hai
thuộc hạ của Vương Uy, mục đích của lão ta là nhằm vào Vương Uy, giết
hai người này chẳng có ý nghĩa gì. Hơn nữa, dù lão Tôn có ý định giết
Ngoẹo và Ngọng thì lão cũng không thể nào xé hai cái xác thành từng mảnh như thế được, rõ ràng việc này không phải do bàn tay con người làm ra.
Đầu óc Vương Uy trống rỗng, không phải người làm, vậy thứ gì đã xé xác Ngoẹo và Ngọng thành từng mảnh?
Vương Uy chui ra khỏi quan tài, thấy ngọn đèn trên trụ đá kia vẫn
sáng, lòng chợt nổi giận. Muốn giải đáp tất cả những câu hỏi này, chỉ có thể lần theo ngọn đèn kia để tìm câu trả lời, bằng không Ngoẹo và Ngọng coi như chết uổng. Trước là đại đội cảnh vệ của anh, tiếp đó là Nhị Rỗ, bây giờ đến Ngoẹo và Ngọng đều ra đi, Vương Uy thấy lòng buồn vô hạn,
anh thề phải tìm cho ra hung thủ.
Vương Uy giở bản lĩnh gia truyền, thoắt một cái đã leo được từ sợi
xích sắt sang trụ đá, nhưng ngọn đèn kia đã đi xa dần, chỉ còn là một
chấm nhỏ xíu như đom đóm đằng trước, xem ra trong chốc lát khó mà đuổi
kịp.
Không nghĩ ngợi nhiều, Vương Uy liền bám theo ngọn đèn đó, anh thoăn
thoắt trèo lên. Bấy giờ một ngọn đèn khác từ phía sau tiến tới, Vương Uy ngoảnh lại, nhận ra Dương Hoài Ngọc, thủ lĩnh trên danh nghĩa của đội
thám hiểm.
Dương Hoài Ngọc đuổi kịp Vương Uy, tức giận nói với anh:
- Ngọn lửa Bối long âm khư đâu rồi? Anh có biết hành động của mình đã gây ra bao nhiêu tổn thất cho đội thám hiểm không?
Lúc này Vương Uy mới sực nhớ đến lời dặn của lão Tôn, vội nhìn về
phía kia, nhưng hai ngọn lửa xanh lét đã biến mất. Trước mặt chỉ còn một vùng đen tối mịt mù, khiến người ta vừa trông thấy đã có cảm giác bản
thân mình thật nhỏ nhoi. Trông xuống dưới, anh thấy mấy ngọn đèn đang
tiến về phía này, khi nãy anh đã quên khuấy rằng mình là người dẫn đầu
đội thám hiểm, kẻ dẫn đầu đi sai đường, khiến cả đội thám hiểm lạc đường theo anh.
Vương Uy nhìn vẻ bực tức của Dương Hoài Ngọc, vội thuật lại với cô tình cảnh
mình vừa thấy trong cỗ quan tài đá. Dương Hoài Ngọc hỏi:
- Anh làm việc không biết cân nhắc lớn nhỏ, nặng nhẹ, thế mà cũng làm sĩ quan, hèn nào chẳng thua trận. Anh có biết hành vi tồi tệ của mình
đã gây tổn thất lớn chừng nào cho đội thám hiểm không?
Bị Dương Hoài Ngọc mắng cho một chập, Vương Uy không khỏi chạnh lòng, tốt xấu gì anh cũng là tiểu đoàn trưởng quân đoàn 24 quân đội Tứ Xuyên, đại đội trưởng đại đội cảnh vệ, bị một ả tây lai mắng mỏ, quả thật
không thể chịu nổi. Hơn nữa, các anh em của anh bị giết chết, anh đi tìm hung thủ thì có gì sai? Trong trường hợp nào đi nữa, chuyện này cũng
hết sức thấu tình đạt lý.
Vương Uy nói:
- Cô Ngọc, tôi không thích nghe những lời này của cô. Quân Tứ Xuyên
của tôi có một quy định là luôn đặt nghĩa khí lên hàng đầu, anh em còn
hơn cả chỉ huy, bất cứ việc gì cũng phải nghĩ cho anh em, uống rượu phải để anh em ăn thịt trước, tìm gái phải nhường anh em chọn cô chân nhỏ,
lẽ nào cô chưa nghe qua?
Dương Hoài Ngọc hắng giọng, nói:
- Tôi chỉ nghe nói quân Tứ Xuyên đánh mười trận thì thua chín.
Thấy ngọn đèn kia sắp biến mất, Vương Uy chẳng buồn cãi nhau với
Dương Hoài Ngọc, liền ngậm quai xách đèn bão leo lên trước. Dương Hoài
Ngọc xưa nay kiêu căng ngạo mạn, chỉ phục mỗi lão Tôn, nào có coi một
đại đội trưởng quân Tứ Xuyên bại trận như Vương Uy ra gì, bèn nổi giận
quát Vương Uy đứng lại.
Vương Uy mặc kệ cô ta, cứ thoăn thoắt leo lên cao. Thấy Vương Uy định bỏ đi, Dương Hoài Ngọc nào chịu tha, cũng ngậm cây đèn bão đuổi theo.
Hai người một trước một sau, leo đến nỗi tay chân mỏi rời, lòng bàn
tay bê bết máu, đầy vết thương bị đá cào rách, khó khăn lắm mới leo lên
đến đầu mút của trụ đá.
Đầu mút của trụ đá nối liền với vòm hang, bên trên bị chắn ngang bởi
vô vàn những tảng đá lổn nhổn, lộn xộn đầy đá vỡ, trụ đá, mỏm đá đủ cả.
Vương Uy tìm được một lỗ hổng do đá sụt, liền chui vào, lỗ hổng khá
rộng, đủ cho mấy người cùng chui lọt, là một hang động thẳng đứng thông
thẳng từ dưới lên trên. Anh thò nửa người vào, nắm lấy hai mỏm đá vướng
trong đó, thấy cả hai đều lung lay lỏng lẻo, cát và đá vụn từ trong khe
đá rào rào trút xuống. Hình như hốc đá này đã bị sụt lún không chỉ một
vài lần, rất nhiều mỏm đá nhô ra đều lung lay như răng bà lão, chỉ cần
khẽ đụng là rơi xuống, làm sao chịu nổi sức nặng của cơ thể người.
Nhưng trước mắt chỉ có duy nhất một lối thoát này, hơn nữa giờ đây họ đang sắp kiệt sức, nếu cứ tiếp tục dây dưa trên trụ đá thì chỉ có thể
buông tay rơi xuống vực sâu. Vương Uy để Dương Hoài Ngọc chờ ở dưới, anh nghiến răng, nắm lấy hai mỏm đá tương đối vững chắc, cố sức đu người
lên, rồi lại thoăn thoắt chuyển sang mỏm đá khác đủ sức chống chịu trọng lượng cơ thể, khiến bụi đất trong hốc bay mù cả lên, cửa hang lại lở
thêm một mảng nữa, anh mới bò được lên trên.
Cái hang này dài đến hơn chục mét, anh leo lên mới biết phía trên là
một khoảng không, bèn thả dây thừng xuống, kéo Dương Hoài Ngọc lên.
Hai người nằm trên mặt đất nhớ lại những nguy hiểm vừa rồi mà kinh
hãi. Họ đã mất hết sức lực, bải hoải nằm lăn ra đất một lúc lâu mới hồi
lại được.
Hai người ăn uống chút ít, thể lực cũng hồi phục kha khá. Lúc này cả
hai bắt đầu bất đồng ý kiến, Vương Uy kiên quyết đòi lần theo ngọn đèn
mất tích kia, nhưng Dương Hoài Ngọc khăng khăng muốn chờ lão Tôn và
những người khác trong đội thám hiểm, bởi một khi lạc đội trong hang
động nằm sâu dưới lòng đất này, rất có thể sẽ không ra nổi nữa. Vả lại,
Dương Hoài Ngọc còn nhấn mạnh lần nữa rằng ngọn đèn đó tuyệt đối không
thể là của người trong đội thám hiểm, vì lão Tôn đã ra lệnh cho mọi
người phải đi theo Vương Uy.
Vương Uy cũng tin rằng ngọn đèn ấy không phải là của người trong đội
thám hiểm, nhưng nhìn thái độ khăng khăng của Dương Hoài Ngọc, anh thấy
rất khó chịu. Sống trong quân ngũ, anh luôn là người dẫn binh đánh trận, đã quen được người khác phục tùng, thấy ả tây lai này kiên quyết như
thế, anh nảy ý chống đối, bèn cố tình nói mỗi người trong đội thám hiểm
leo lên một trụ đá khác nhau, rất có thể có người không tuân theo kỷ
luật, làm ra những chuyện gì đó, việc này không có cách nào bảo đảm cả.
Dương Hoài Ngọc có phần chán nản, lại nhấn mạnh thêm lần nữa rằng cô rất tin những người trong đội thám hiểm.
Vương Uy xua tay, nói:
- Cô tin, tôi không tin, muốn chờ thì cô ở đây mà chờ, tôi đi trước.
Dương Hoài Ngọc tức đến trợn tròn mắt, bừng bừng lửa giận, chỉ muốn
ăn tươi nuốt sống Vương Uy. Vương Uy chỉnh lại hành trang, đổ thêm dầu
vào đèn rồi tiến sâu vào trong.
Anh đưa mắt nhìn quanh, thoạt đầu vỗn tưởng rằng đây là một hang núi, nhưng đi mãi đi mãi không thấy vách hang và trần hang đâu cả, nơi này
giống như một cánh đồng hoang, xung quanh chẳng có bất cứ thứ gì ngăn
cản tầm nhìn. Anh kinh ngạc, lẽ nào bọn họ đã ra ngoài rồi sao? Đây là
mặt đất mà.
Nhưng ý nghĩ đó nhanh chóng bị anh phủ nhận, nhẩm tính lại đoạn đường đã đi qua, anh chắc chắn nơi này phải sâu dưới lòng đất mấy trăm mét.
Nếu đúng là mặt đất, thì đây hẳn là một thung lũng sâu hơn mới phải.
Thủ đoạn của Vương Uy đối với Dương Hoài Ngọc hết sức hữu hiệu, dù
Dương Hoài Ngọc hào hển nói gì đi nữa, Vương Uy đều coi như không nghe
thấy, cứ đi đường mình, Dương Hoài Ngọc không có cách nào, đành phải đi
theo.
Hai người cứ thế tiến về phía trước, đi một đoạn xa bỗng nghe có
tiếng ầm ào giống như tiếng nước chảy, nhưng rất khẽ. Hai người lại đi
thêm một quãng nữa, tiếng nước chảy nghe rõ hơn, thanh thế kinh người,
độ ẩm trong không khí cũng lớn hơn.
Trong đầu Vương Uy cứ quẩn quanh một ý nghĩ, nơi này rất tối, không
có chút ánh sáng nào, theo đồng hồ bỏ túi của Dương Hoài Ngọc thì giờ
này trên mặt đất đang là buổi trưa, chứng tỏ nơi này phải là một hang
động, một hang động lớn kinh
Trong hang có một dòng sông, vì ánh sáng có hạn, họ không thể xác
định được con sông ngầm này lớn đến mức nào, chỉ thấy nước sông chảy
cuồn cuộn, thế nước rất lớn.
Bỗng Dương Hoài Ngọc nói:
- Không đúng, lẽ nào đây là sơn động mà Lý Quang và Vương Đại Vượng
tiến vào? Họ bị đám lính mặc quân phục vàng dẫn dụ vào hang động này hay sao?
Vương Uy cũng nghĩ nơi này rất giống với những gì mà hai người kia kể lại, nhưng sao lần thứ hai họ tiến vào thì lại đi xuống sâu bên dưới?
Lúc đi xuống, đội thám hiểm rất cẩn thận, đã thám sát tất cả mọi thứ
xung quanh hang động, nếu có nhánh rẽ hay ngách ngầm thì chắc chắn họ đã thấy, nhưng hang động này lại thông thẳng xuống lòng đất, thật kỳ quặc.
Trong sơn động có một dòng sông vắt ngang, chảy theo hướng Nam Bắc,
Vương Uy và Dương Hoài Ngọc lên bờ đê, nghe tiếng nước sông ầm ầm xô vào bờ điếc cả tai, cả con đê khẽ rung lên vì sóng vỗ.
Vừa nhìn thấy con đê, Vương Uy đã giật mình, con đê lớn như thế này
chắc chắn là công trình của con người. Mặt đê cách mặt nước chừng mươi
mét, nơi họ đứng đã bị nước xói lở một phần, để lộ những cọc gỗ bên
trong. Những cọc gỗ ghép lại thành giá đỡ hình tam giác là phương pháp
cổ xưa thường dùng cho những công trình chống lũ, kết cấu này giúp cố
định đê điều một cách vững chắc nhất, nước lũ không dễ gì xâm hại được.
Hồi Vương Uy học đại học Yên Kinh anh rất hứng thú với những công
trình xây dựng bằng gỗ, cũng đã từng đi sâu nghiên cứu, cho nên vừa thấy con đê này, Vương Uy liền nhận ra ngay điểm bất thường.
Nhưng cho dù con đê này do người cổ đại xây đắp, vậy họ làm một con
đê lớn ngăn lũ trong một hang động sâu dưới lòng đất này để làm gì?
Dương Hoài Ngọc cũng vô cùng thắc mắc về điểm này, họ đi dọc bờ đê,
vì lâu ngày không được tu bổ nên con đê có nhiều chỗ sạt lở. Hai người
đi chừng một dặm, thấy thế nước dần dịu lại, không còn khí thế nuốt
chửng sơn hà khi nãy nữa. Vương Uy đoán chừng con sông này từ trên mặt
đất đổ xuống, thượng nguồn tương đối hiểm yếu, độ dốc lớn, cho nên thế
nước mới chảy mạnh như vậy, đoạn đê chỗ đó cũng hư hại nhiều hơn.
Vương Uy tay xách đèn bão, vừa đi vừa nhìn, bỗng Dương Hoài Ngọc chỉ một hướng phía trong đê, nói:
- Ở kia hình như có người.
Vương Uy kinh ngạc, vội tắt thấy trên bờ đê cách đấy chừng một trăm
mét có ánh sáng le lói. Anh rút súng lục, Dương Hoài Ngọc nắm chắc tiểu
liên, hai người tách nhau ra, chầm chậm tiến về phái có ánh đèn.
Họ đến gần thì ánh sáng kia phụt tắt, hình như đã bị đối phương phát
hiện, hai người bò trên mặt đất, chỉ cách mục tiêu chừng mấy chục mét.
Vương Uy nói thầm với Dương Hoài Ngọc vài câu rồi bò lên trước, trườn
qua thân đê, cầm một hòn đá to chừng nắm tay ném vào mục tiêu, đồng thời lật mình lăn sang một bên.
Nào ngờ đối phương lại nổ súng ác liệt, hòn đá anh vừa ném đi thì một loạt đạn đã bay vèo qua sau gáy. Vương Uy sợ hãi, ngay một tay lão
luyện chiến trường như anh cũng chưa chắc bắn được như thế, kẻ này thật
không đơn giản chút nào.
Dương Hoài Ngọc nghe thấy tiếng súng, liền lia về phía ấy hai băng
đạn, nhưng đối phương tránh hết được. Tiếp đó Vương Uy nghe thấy tiếng
bước chân chạy gấp gáp, đối phương đã lần lên mặt đê, chạy khỏi bờ sông.
Vương Uy liên tiếp bắn theo mấy phát, nhưng đều trượt. Nghe tiếng
bước chân, anh liền vùng dậy bám theo tiếng động đó mà chạy thẳng tới
phía trước, Dương Hoài Ngọc cũng chạy đến. Lúc bị anh ném đá, đối phương có bắn mấy phát súng, về sau hắn chỉ cố chạy thật nhanh, Vương Uy và
Dương Hoài Ngọc bắn theo, nhưng đều không trúng.
Trên đê tối om, không chút ánh sáng, dù đứng đối diện cũng chẳng phát hiện ra trước mặt có người. Đối phương cuống cuồng tháo chạy, vấp phải
thứ gì đó, ngã lăn ra đất. Vương Uy nghe thấy tiếng ngã liền tung người
chồm tới, đè chặt đối phương xuống đất.
Dương Hoài Ngọc châm đèn lên, chợt ngớ ra, Vương Uy cũng kinh ngạc, thì ra người đang bị họ đè dưới đất chính là lão Tôn.
Vương Uy đứng dậy rời khỏi người lão Tôn, lão nghiến răng nghiến lợi trừng mắt lườm Vương Uy, lầu bầu:
- Võ công gia truyền của họ Vương vùng Quan Đông siêu phàm thật đấy, mấy khúc xương già của lão đây suýt bị anh bẻ gãy rồi.
Vương Uy nói:
- Bác ơi, không thể trách tôi được, ai bảo bác chưa chi đã nổ súng.
Dương Hoài Ngọc cũng lấy làm lạ, nói:
- Bác Tôn, tại sao bác lại ở đây? Các anh em khác đâu cả rồi?
Nghe câu này của Dương Hoài Ngọc, lão Tôn lộ vẻ ủ rũ, lắc đầu lia lịa, nói:
-Hết rồi… hết rồi
Vương Uy lấy làm lạ, hỏi:
- Mọi người đã gặp chuyện gì?
Lão Tôn nói:
- Chỉ có ba anh em leo lên được khỏi trụ đá thôi, tôi nghe thấy ở bên dưới liên tiếp vang lên tiếng kêu thảm thiết, đau lòng lắm!
Dương Hoài Ngọc cau mày, nói:
- Anh em trong đội thám hiểm hoặc là người tài trong dân gian, hoặc
đã theo chúng ta dọc ngang trên biển bao nhiêu năm, leo lên cây trụ đá
ấy, đáng ra cũng chẳng phải chuyện gì to tát, tại sao lại tổn thất thê
thảm nhường này?
Lão Tôn lắc đầu:
- Cô không biết đấy, tôi chẳng những nghe tiếng các anh em kêu thảm thiết mà còn nghe thấy những âm thanh đáng sợ hơn nhiều.
Ngập ngừng giây lát, lão Tôn kể tiếp:
- Có tiếng gì đó ầm ù như sấm rền.
Vương Uy chợt nhớ đến những cái xác có dấu hoa mai của người trong
đội thám hiểm nơi bãi cỏ trong khe núi, con quái vật ấy theo đến tận đây cơ à?
Theo lời lão Tôn, khi nghe thấy tiếng ầm ù, lão vội tắt phụt đèn đi,
trong khoảnh khắc ánh đèn vụt tắt, lão trông thấy một bóng đen khổng lồ
đâm bổ về phía mình, nhưng cái bóng ấy không đầu không tay chân, chẳng
biết là thứ gì nữa.
Vương Uy nghe mà cũng thấy quái lạ, không đầu không chân làm sao có
thể đến rồi đi như sấm sét được? Hơn nữa, trụ đá ấy sừng sững đứng thẳng giữa không trung, trừ những giống có cánh ra, trong đám thú hoang cũng
chỉ có loài khỉ mới leo lên nổi. Thứ này lại không có tứ chi, làm sao có thể vụt đến rồi vụt rời khỏi trụ đá nhanh như chớp, lúc chạy đi còn
phát ra âm thanh như sấm rền được?
Anh nhìn lão Tôn, nhưng ông ta không có vẻ gì là đang nói dối cả.
Lão Tôn từ trụ đá trèo lên hang động khổng lồ này, vừa khéo lại nhô
lên ngay đằng trước Vương Uy là vì các trụ đá xếp thành một hàng chữ
nhất, cây trụ đá mà lão Tôn leo lên lại ở ngay trước cây của Vương Uy.
Lão cùng ba người trong đội thám hiểm lên đến mặt hang, sẵn dịp tìm thấy con sông ngầm, Lý Quang và Đại Vượng từng đến đây rồi, nhưng Lý Quang
đã từ trên trụ đá ngã xuống, chỉ có Đại Vượng lên được tới đây.
Đại Vượng vừa thấy địa hình này, liền xác nhận đây chính là nơi anh
ta đã đến, con sông ngầm kia cũng không sai, chắc chắn là nơi này rồi.
Mấy người cùng lên đê, thấy chân đê có mấy ánh đuốc bập bùng, họ đứng từ xa trông lại, thấy bên cạnh những bó đuốc hình như còn có một con
thuyền.
Tất cả đang thắc mắc, bàn nhau có nên đến xem hay không, nào ngờ bị
người ta bắn lén từ phía sau, ba đội viên còn lại trong đội thám hiểm
thì hai người chết ngay tại chỗ, Đại Vượng bị thương, lão Tôn cùng anh
ta tháo chạy về phía có ánh đuốc, chợt thấy hơn chục người mặc quân phục màu vàng từ trên thuyền bước xuống, tay cầm tiểu liên bắn xối xả. Đại
Vượng chết ngay tại chỗ, còn lão Tôn lẩn vào bóng tối, thoát được.
Vương Uy ngạc nhiên:
- Chẳng phải chỉ có ba người ư, sao lại biến thành hơn chục người?
Lão Tôn ngậm tẩu thuốc, rít mạnh một hơi, nói:
- Nào phải chỉ hơn chục người, tôi trông thấy những tên nấp trong
bóng tối bắn lén kia lên thuyền, ít nhất cũng phải mấy chục người. Tôi
đây cả đời ngang dọc trên biển, bị mấy nước bao vây tiêu diệt cũng không thua thảm hại như thế này, người ta vẫn nói khỉ biển lên bờ thế nào
cũng bị chặt đuôi, quả không sai chút nào.
Vương Uy và Dương Hoài Ngọc không dám tin vào tai mình nữa, đông lính áo vàng như vậy thật là không thể tưởng tượng nổi, chẳng nhẽ đám lính
trộm mộ của Mã Văn Ninh đã sống dưới lòng đất này mười mấy năm nay?
Lão Tôn nói:
- Tôi nấp trong bóng tối, đám lính mặc quân phục vàng kia không đuổi theo, tất cả đều lên một chiếc thuyền lớn bỏ đi.
- Chắc chúng có việc gì quan trọng cần kíp, không còn lòng dạ nào mà tham đánh nữa. –Vương Uy nói.
Lão Tôn rít thuốc, đưa mắt nhìn Vương Uy và Dương Hoài Ngọc, nói:
- Đợi chiếc thuyền lớn kia đi rồi, tôi đến xem chỗ thuyền đậu, té ra
đó là một bến thuyền nhỏ, lương thực vũ khí đầy đủ, dưới chân đê còn có
một căn nhà kho rất lớn, tôi dòm qua khe cửa thấy bên trong có rất nhiều đồ quân dụng.
Vương Uy ngạc nhiên, nghĩ bụng đám quân đào trộm mộ của Mã Văn Ninh
xây dựng bến thuyền nơi con đê này để làm gì? Chẳng phải Mã Văn Ninh
định đem cỗ quan tài đá đó đến một nơi rất thần bí hay sao? Tại sao lại
xuống tận hang động nằm sâu dưới lòng đất này xây bến, đóng thuyền? Rốt
cuộc bọn chúng đang làm gì đây?
Dương Hoài Ngọc nãy giờ chỉ nghe lão Tôn thuật lại sự việc, lúc này mới chen vào:
- Bác Tôn, có phải lúc rồi bác đang ở bến thuyền dưới chân đê kia không?
Lão Tôn gật đầu:
- Tôi đang kiểm tra bến thuyền thì cô với anh Uy đến làm rối lên, chúng ta cùng đến đấy xem sao.
Ba người cùng đi xuống chân đê, chân đê lát đầy những phiến đá lớn,
dãy đá lát sát mép nước cắm một hàng cọc gỗ, hẳn là để buộc thuyền. Dưới chân đê trổ hai cánh cửa, trên cửa có khóa, Vương Uy bắn vỡ ổ khóa, mở
cửa ra, thấy không gian bên trong rất rộng. Những bó đuốc cắm trên bến
đều được tẩm đầy dầu, cháy lên sẽ rất đượm, phạm vi chiếu sáng rộng gấp
mấy lần đèn bão, Vương uy liền tiện tay rút một bó.
Trong kho xếp đầy ván gỗ, củi chất thành một đống, lại có rất nhiều
dụng cụ đóng thuyền và đồ quân giới, Vương Uy đi một vòng quanh nhà kho, bỗng nói với lão Tôn:
- Bác Tôn, bác không phát hiện thấy ở đây có gì khác thường ư?
Lão Tôn mở trừng hai mắt, mặt đanh lại, đây là vẻ mặt nghiêm túc
thường thấy ở lão, thấy bộ dạng này, những người quen biết lão liền hiểu sắp có chuyện hệ trọng.
Lão Tôn gật đầu:
- Anh cũng nhận ra rồi à?
- Cái kho này bị bỏ hoang nhiều năm nay rồi. – Vương Uy nói, đoạn lại chỉ vào một góc nhà kho:
- Đây là nơi họ thổi nấu, bác xem, trong nồi có một đám đen đen, đấy
là do sau khi cơm chín rồi, bị để rất lâu tạo thành, bây giờ đã cứng lại như đầu đạn. Nếu cái kho này vẫn được sử dụng, nồi niêu xoong chảo của
họ đâu thể để như thế này.
Lão Tôn gật đầu, tỏ vẻ đồng tình với cách nhìn nhận của Vương Uy.
Hang dộng này rộng mênh mông, rất có thể là cứ điểm của bọn lính áo
vàng, nhưng rõ ràng bọn chúng đã đến đây, sao lại bỏ hoang không dùng
tới nhà kho?
Vương Uy hỏi lão Tôn:
- Bác Tôn, bó đuốc kia vẫn cháy liên tục đấy à?
Lão Tôn lắc đầu:
- Tôi nấp trong bóng tối thấy bọn lính áo vàng lên thuyền xong đều dập tắt đuốc, tôi vừa mới thắp lại đấy.
Vương Uy hít vào một hơi, bỗng cảm thấy cái kho hoang phế này hình
như rất ngột ngạt, toát lên một cảm giác khiến người ta nghẹt thở. Anh
nhìn lão Tôn, nói:
- Bác Tôn, bác có nghĩ đám lính áo vàng bác vừa thấy, rất có khả năng không phải là người không?
Lão Tôn ngừng rít thuốc, ngờ vực nhìn Vương Uy:
- Sao anh lại nói vậy?
- Vừa rồi bác nói bọn họ thắp mấy bó đuốc, nhưng lúc tôi xuống chỉ
thấy một bó đuốc của bác thắp, còn những bó đuốc cắm trên giá kia đều đã cũ, không có dấu vết gì là từng được thắp.
Dương Hoài Ngọc cũng mở trừng mắt, rõ ràng cô ta cũng để ý đến điểm
này, có điều chưa nghĩ được kỹ càng mà thôi. Lão Tôn sa sầm nét mặt,
hiển nhiên trong lòng lão cũng đang dậy sóng. Đời này lão từng giết
không biết bao nhiêu người, thấy không biết bao nhiêu sự việc lạ lùng,
nhưng lần này thì lão cảm thấy hồ đồ thật sự, không hiểu ra sao cả. Lão
tin mình đã trông thấy một toán người sống, nhưng những gì bày ra trước
mắt đây lại không thể giải thích nổi.
Vương Uy nói:
- Tình hình này có thể có hai khả năng, thứ nhất là bác nhìn nhầm, hoặc bác nói nhầm; thứ hai là bọn họ không phải người sống.
Lão Tôn cười:
- Đời tôi đã quen sống trên đầu dao mũi kiếm, còn chưa tới nỗi sợ đến hồ đồ. Bọn lính áo vàng kia chắc chắn là có thực, tôi tận mắt thấy từng chi tiết, nếu không bọn Đại Vượng sao lại chết chứ?
Nghe lão Tôn nói như vậy Vương Uy sực nhớ ra bọn học chưa hề thấy xác chết của nhóm Đại Vượng, bèn lập tức rời khỏi nhà kho, chạy lên đê, quả nhiên thấy có hai xác chết nằm bên vệ đê, trên mỗi cái xác có ít nhất
hơn chục lỗ đạn, xác Đại Vượng càng thảm hại hơn, khắp người đầy lỗ đạn, lúc chết mặt còn co rúm lại.
Lão Tôn đứng trên đê, quát lên với Vương Uy:
- Anh Uy, chúng đều là người phải không, chúng là lính đào mộ của Mã
Văn Ninh sống dưới lòng đất này hơn chục năm nay, tôi không nhìn nhầm
mà.
Vương Uy nhất thời không biết nói gì, người chết nổ súng bắn người
sống, đó là chuyện không thể, ít nhất trong suy nghĩ của anh không thể
tồn tại chuyện như vậy được. Nhưng nhà kho bỏ hoang bao năm nay và bến
thuyền chỉ thắp một bó đuốc là gì đây?
Trong nhà kho ba người còn phát hiện một chiếc thuyền gỗ lớn, đại
khái có thể chở hơn chục người, thuyền được đặt trên giá gỗ, bên trên
còn che bạt chống thấm. Cả ba người bàn bạc, đều thấy muốn chứng minh
xem đám lính đào trộm mộ đông như thế có thực hay không, cách duy nhất
là đẩy con thuyền này xuống sông ngầm, lên thuyền đi tìm chiếc thuyền
lớn mà toán lính kia đã lên.
Trong kho có một con lạch dẫn nước từ sông ngầm vào, ba người liền xô đổ giá để thuyền, con thuyền trôi ngay xuống nước. Vương Uy và Dương
Hoài Ngọc bê một số dụng cụ cần thiết lên thuyền, lão Tôn bẻ lái, Vương
Uy và Dương Hoài Ngọc đẩy đuôi thuyền, từ từ ra khỏi nhà kho, tiến vào
lạch nước. Vương Uy đóng cửa nhà kho lại, ba người cùng lên thuyền, mỗi
người một tay chèo, chèo lái con thuyền tiến vào dòng sông ngầm, trước
mũi thuyền cắm một bó đuốc chiếu sáng.
Con thuyền xé toang bóng tối hướng thẳng ra giữa dòng, khúc sông này
lặng sóng, thuyền đi mãi không thấy đâu là bờ bên kia, khiến cả ba người lấy làm lạ.
Con thuyền gỗ của họ đi giữa bóng tối mênh mông, không định được
phương hướng, không biết đi đâu về đâu, mà cũng không thấy tung tích con thuyền của bọn lính kia ở đâu.
Vương Uy đứng trước mũi thuyền nhìn bóng tói mênh mông, chợt anh cau
mày, thấy hình như xa xa phía trước thuyền kia có hai đốm sáng lập lòe.
Anh hô lão Tôn và Dương Hoài Ngọc chèo nhanh hơn, con thuyền lao vút vào bóng tối. Vương Uy càng nhìn hai đốm sáng kia càng thấy quen, rất giống với hai đốm sáng xanh như mắt mèo ở dưới lòng đất, cũng chính là Bối
long âm khư mà lão Tôn nói, nhưng lần này có vẻ thứ đó trông mơ hồ hơn,
thậm chí không thể xác định nổi đấy là hai hay một đốm sáng.
Vương Uy hỏi lão Tôn có trông thấy đốm sáng kia không, lão ngơ ngác nhìn hồi lâu rồi lắc đầu:
- Nghe anh nói thì hẳn là Bối long âm khư. Cái đó chỉ có đôi mắt nhìn thấu âm dương mới trông thấy, mắt chúng tôi không thấy được đâu.
- Cái đó ở dưới lòng đất kia mà, sao giờ lại thấy trên sông? – Vương Uy hỏi.
Lão Tôn vừa chèo thuyền vừa nói:
- Anh Uy, anh không biết đấy thôi, Bối long âm khư đứng đầu trong
mười vạn tử huyệt được ghi chép trong bí quyết tầm long, hàng ngàn năm
nay, hiếm có người trông thấy. Hai con mắt rồng của Bối Long âm khư chập chờn vô định, không có hình tướng, song đó lại chính là địa nhãn phong
thủy để phá vỡ tử cốc. Chỉ cần có thể tìm thấy nơi khư khí của Bối long
âm khư ngưng kết là có thể tìm được địa nhãn của tử cốc này. Đến đây thì mọi manh mối liên quan đến vương triều Lạp Cách Nhật đều đứt đoạn cả
rồi. Tôi mạnh dạn đoán chừng, địa nhãn tử cốc nghìn năm tuyệt mật này
rất có thể là nơi cất giấu những bí mật về vương triều Lạp Cách Nhật,
cho nên nhất định phải phá Bối long âm khư.
Nghe Lão Tôn nói, Vương Uy cũng đại khái hiểu ra Bối long âm khư là
gì. Chiếc thuyền họ đang ngồi có cấu tạo rất đặc biệt, mũi thuyền đằng
trước vô cùng hẹp, bên ngoài bọc sắt tây, rất giống với thuyền xung kích dùng khi đánh trận, lúc chèo cứ nhanh vun vút, như mũi tên vừa rời
cung.
Vương Uy đứng trên sàn thuyền chỉ huy hướng đi, lão Tôn và Dương Hoài Ngọc ra sức chèo thật nhanh. Nhưng bất luận thuyền chèo nhanh thế nào
đi nữa thì đôi mắt mèo xanh lét kia vẫn nằm ở khoảng giữa hỗn độn và
chân thực, không có cách nào đến gần. Vương Uy cảm thấy cứ đi thế này
cũng chẳng phải cách hay, hai đốm sáng kia không có cách nào xác định
được là thật hay là ảo thì làm sao đuổi theo được?
Vương Uy đang chỉ huy cho thuyền đi về hướng Đông, bỗng Dương Hoài Ngọc kêu lên:
- Bác Tôn cẩn thận, phía trước có con thuyền lớn.
Vương Uy cũng giật mình, đưa mắt nhìn lại, trông thấy một chiếc
thuyền lớn xô tới trước mặt, chiếc thuyền gỗ gần như lướt sát qua mạn
con thuyền lớn, hai con thuyền cọ sát nhau vang lên tiếng “sàn sạt” buốt cả óc.
Hai con thuyền lướt sát qua nhau, may sao mũi con thuyền gỗ được bọc
một lớp sắt tây dày nên không bị tổn thương, ba người cùng thở phào nhẹ
nhõm. Bỗng ánh mắt lão Tôn mờ mịt hẳn, lão trân trân nhìn con thuyền
lớn, miệng há hốc không thốt nổi lên lời.
Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đều trông thấy gương mặt kinh hoàng của
lão Tôn. Chiếc thuyền lớn từ từ lướt qua, trôi về phía bóng tối, trên
cột buồm đầu thuyền co treo một ngọn đèn bão lập lòe, còn cả thân thuyền tối om như một con thuyền chết, giống hệt thuyền ma mà những người đi
biển thường đồn đại.
Lão Tôn và Dương Hoài Ngọc tung hoành trên vùng biển Đông Nam Á bấy
nhiêu năm, chẳng những đã nghe rất nhiều truyền thuyết về thuyền ma, mà
còn bắt gặp mấy chiếc như vậy, những con thuyền đó vẫn đi trên biển,
thân thuyền vẫn lành nguyên không hề tổn hại, đồ ăn rất đầy đủ, có điều
trên thuyền không một bóng người.
Dương Hoài Ngọc phải gọi mấy tiếng lão Tôn mới định thần lại. Cô hỏi:
- Chẳng nhẽ đấy là thuyền của đám lính áo vàng?
Lão Tôn gật đầu, nói:
- Đúng vậy, nhưng con thuyền ấy không bình thường chút nào, lúc tôi
thấy bọn chúng lên thuyền, trên thuyền đèn đuốc sáng trưng như ngày tết
vậy, sao giờ lại chỉ còn một ngọn đèn bão?
Con thuyền lớn ấy mỗi chiều phải đến mấy chục trượng, thoạt nhìn đã
thấy có mấy tầng, có vẻ là chiến thuyền thời cổ đại dùng để ra khơi,
trong khoang thuyền có tới mười tám tay chèo, tính cơ động rất cao. Ngày xưa, Tam Bảo thái giám Trịnh Hoài đi Tương cũng dùng loại chiến thuyền
này. Dương Hoài Ngọc từng thấy một con thuyền cổ như thế này ở làng
chài, nghe nói nó bị sóng biển xô dạt lên bờ.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT