Vấn đề là trong khe núi lớn bên dưới vùng núi tuyết Đường Cổ Lạp tại sao
lại xuất hiện chiến thuyền cổ thời nhà Minh? Thật không thể tưởng tượng
nổi.
Chiến thuyền cổ khuất dần trong bóng tối, ngọn đèn bão yếu ớt mỗi lúc một nhỏ dần trên dòng sông ngầm tối tăm, chỉ còn một chấm sáng như ánh
đom đóm trong đêm.
Vương Uy bảo lão Tôn:
- Bất kể trên con thuyền đó là người hay ma chúng ta cũng phải xem xem, có xem mới rõ ràng được.
Lão Tôn cau mày, hiển nhiên lão vẫn chưa hiểu nổi chuyện này rốt cuộc là sao, nếu chiến thuyền cổ đó là thuyền ma thì lên đó còn đỡ. Nhưng
nếu lên thuyền lại gặp bọn lính áo vàng, chẳng hóa ra tự tìm đường chết
hay sao?
Dương Hoài Ngọc nói:
- Bác Tôn, cháu cũng cảm thấy cần phải lên đấy xem thử, hang động
dưới lòng đất này chỗ nào cũng có huyền cơ, các manh mối để chúng ta đi
tìm vương triều Lạp Cách Nhật đến đây đều đứt cả rồi, chiến thuyền cổ
thần bí kia rất có thể liên quan đến vương triều Lạp Cách Nhật, chúng ta không thể để mất cơ hội này được.
Lão Tôn suy nghĩ, đoạn rít mạnh một hơi thuốc, nói:
- Vậy thì đuổi theo.
Thấy ánh đom đóm giữa bóng tối mênh mông kia sắp biến mất, Vương Uy
và Dương Hoài Ngọc vội chèo thật nhanh, cả hai phối hợp cùng lão Tôn
quay mũi thuyền, vun vút đuổi theo chiến thuyền cổ vừa đi.
Vào thời nhà Minh, đây là chiến thuyền rất hiện đại. Dưới thời Minh,
cướp biển Đông Doanh liên tục quấy nhiễu miền duyên hải, triều đình dốc
sức đánh đuổi chúng, đã bỏ rất nhiều công phu vào việc chế tạo chiến
thuyền. Chiếc thuyền lớn này có phần thân rất kiên cố, đao búa khó mà
phá nổi, hơn nữa việc điều khiển cũng rất linh hoạt. Trong khoang thuyền có mười tám mái chèo để điều khiển, do ba mươi hai phu thuyền phối hợp
chèo lái, trong hải chiến có thể tùy cơ chuyển hướng, tránh bị đối thủ
đâm thuyền vào, hơn nữa tốc độ lại nhanh, di chuyển như chớp, có thể nói là linh hồn của những trận hải chiến.
Thấy thuyền mình đang dần dần tiến gần đến chiến thuyền cổ kia, Vương Uy đột nhiên quay sang nói với Dương Hoài Ngọc:
- Lúc chiến thuyền đụng vào thuyền gỗ, tốc độ không nhanh như thế này
Dương Hoài Ngọc cũng rất kinh ngạc, nước lặng, không có gió to, chiến thuyền cổ kia không thể trôi nhanh như thế được, lẽ nào trên thuyền có
người thật ư?
Nghe Vương Uy nói vậy, lão Tôn càng thêm nghi ngờ, chính mắt lão đã
trông thấy bấy nhiêu lính áo vàng lên thuyền, bao năm dọc ngang trên
biển, lão rất tự tin vào con mắt và khối óc của mình, quyết không thể
nhầm được.
Chiếc thuyền gỗ dần đuổi kịp chiến thuyền cổ, trên chiến thuyền cổ
vẫn chỉ có một ngọn đèn bão tù mù, trong khoang thuyền tối om, giữa dòng sông ngầm mênh mông này, trông hệt như một con thuyền ma không người
chèo lái.
Dương Hoài Ngọc thay đồ lặn, ào một cái nhảy xuống nước. Chiến thuyền cổ có mười tám mái chèo, nước sông ngầm lặng sóng, không có gió to, vậy mà nó lại có thể lướt đi nhanh như vậy, khả năng duy nhất là trên
thuyền có phu thuyền đang chèo. Nhằm đề phòng lúc chiến đấu với kẻ địch
bị phá hủy mái chèo, nên loại chiến thuyền thời Minh này thường giấu kín mái chèo dưới nước.
Dương Hoài Ngọc lặn xuống một lúc lâu vẫn không thấy động tĩnh gì,
Vương Uy và lão Tôn vừa ra sức chèo vừa rì rầm nói chuyện. Vương Uy nói
với lão Tôn:
- Bác Tôn, cô ấy lặn xuống xem mái chèo có hoạt động không thôi mà, sao lâu thế?
Lão Tôn gật đầu, hai hàng lông mày càng nhíu chặt lại, cảm thấy Dương Hoài Ngọc ở dưới nước có thể đã xảy ra chuyện, lão bèn buông mái chèo,
định chui vào khoang thay đồ lặn. Vương Uy vội lôi lão lại, nói:
- Bác già rồi, lặn xuống dưới không tiện, để đấy tôi xuống xem, hồi nhỏ tôi cũng tập bơi qua sông rồi.
Nghe Vương Uy nói vậy, lão Tôn gật đầu. Vương Uy thay đồ lặn, rồi âm
thầm chuồi xuống nước. Bộ đồ lặn này là bọn lão Tôn đặt mua ở nước Anh,
luôn đem theo người, trên mũ lặn còn có đèn, bên trong lắp cả ắc quy,
chỉ cần bấm nút là bật sáng, có thể chiếu sáng trong phạm vi mười mét
dưới nước.
Nước rất lạnh, Vương Uy vừa lặn xuống đã rùng cả mình. Anh lặn xuống
sâu mấy mét, phát hiện dưới sông ngầm không có cá, chỉ mênh mông những
nước là nước. Anh lặn xuống dưới đáy chiến thuyền cổ, quả nhiên thấy bên dưới có một hàng mái chèo lớn, đang từ từ khua động theo dòng nước.
Những mái chèo này không hề có dấu hiệu gì là có người điều khiển,
nhưng nếu là tốc độ tự nhiên thì không thể nhanh như thế được. Vương Uy
cố bơi theo con thuyền, tâm trí anh chợt rúng động, trong số những mái
chèo hình như có mấy cái chèo rất nhịp nhàng. Anh dụi mắt, lại gần hơn
chút nữa, xác nhận mình không nhìn nhầm, ở đấy có ít nhất hai mái chèo
đang hoạt động.
Ró ràng trên thuyền có người, Vương Uy kinh ngạc.
Anh bơi tiếp một đoạn nữa, có thể thấy mái chèo của con thuyền gỗ
đang khua động liên tục trên đầu anh, nhưng không thấy Dương Hoài Ngọc
đâu cả. Chuyện này quả là không bình thường, rõ ràng Dương Hoài Ngọc
cũng lặn xuống ở chỗ này mà. Nhìn tư thế xuống nước của Dương Hoài Ngọc
Vương Uy có thể đoán được khả năng bơi lặn của cô còn siêu hơn anh
nhiều. Nhưng một người sống sờ sờ như thế tại sao lại vô duyên vô cớ
biến mất được.
Vương Uy đang thắc mắc thì bỗng thấy một cục máu từ đáy nước nổi lên, anh vội rọi đèn về hướng đó, chỉ thấy sâu dưới nước chừng mười mét, có
hai bóng đen đang quấn lấy nhau.
Vương Uy vội lặn xuống đó, thấy trên mình bóng đen phụt ra mấy luồng
máu, anh tránh luồng máu đang phun về phía mình, nhận ra một trong hai
bóng đen kia là Dương Hoài Ngọc. Thứ đang quấn lấy Dương Hoài Ngọc thấy
có người đến liền quay mình chuồn thẳng, tốc độ rất nhanh, chỉ một loáng đã lặn mất tăm.
Vương Uy vội tóm chặt lấy Dương Hoài Ngọc đang cứng đờ cả người, ngoi lên mặt nước. Lão Tôn ném một sợi dây thừng xuống, kéo hai người lên
thuyền.
Bàn tay và cánh tay Dương Hoài Ngọc đều bị thương, nhưng vết thương
không sâu. Vương Uy lấy thuốc trong hộp cứu thương bôi vào rồi băng lại
cho cô, may mà không có gì nghiêm trọng.
Lão Tôn vội la lên:
- Dưới nước có người à?
Dương Hoài Ngọc gật rồi lại lắc đầu, nói:
- Cháu vừa xuống nước thì đèn trên mũ lặn bị đập vỡ, sau đó liền bị
một luồng sức mạnh tấn công. Hình như không phải người, người ở dưới
nước làm thế nào mạnh như thế được? Thứ đó lôi cháu xuống đáy nước, cháu hoảng quá, vội rút dao ra đánh nhau với nó. Vết thương trên người cháu
đều là do lúc đánh nhau bị thứ đó khống chế dao, tự chém vào tay mình.
Lão Tôn vuốt râu, trầm ngâm hồi lâu mới nói:
- Bằng vào thân thủ của cô, đánh nhau với nó bấy nhiêu lâu mà không biết có phải là người không à?
Dương Hoài Ngọc nói:
- Cháu đâu có đụng được vào nó, có điều lúc nó tóm lấy tay cháu, có
cảm giác tay nó không phải là tay người, mà là một cặp móng vuốt.
- Móng vuốt? – Vương Uy và lão Tôn cùng sững sờ.
Lão Tôn hỏi dồn:
- Các người có thấy mái chèo hoạt động không?
Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đồng loạt gật đầu, nghe họ thuật lại những gì đã gặp ở dưới nước, lão Tôn luôn miệng than quái lạ.
Việc chèo thuyền cổ cũng có quy tắc của nó, gọi là mười hai chèo,
nghĩa là ít nhất phải có mười hai mái chèo cùng chèo, bằng không sẽ
không thể phát huy ưu thế của cấu tạo mười tám mái chèo được. Lão Tôn và Dương Hoài Ngọc bôn ba trên biển bấy lâu, đã gặp nhiều tàu thuyền đi
biển, hiểu khá rõ về các loại tàu thuyền. Họ dọc ngang suốt một dải hải
phận Đông Nam Á, từng phát hiện thấy thuyền đi biển cổ đại của Trung
Quốc ở rất nhiều làng chài hoặc vùng biển, hàng hải và phòng thủ bờ biển rất phát triển dưới thời Minh, kỹ thuật đóng thuyền đi biển rất cao
siêu, vì vậy lão Tôn và Dương Hoài Ngọc hiểu rất rõ về loại chiến thuyền cổ thời Minh này.
Trên chiến thuyền cổ có đông lính áo vàng như thế, nếu chúng muốn tìm gì đó trên con sông ngầm này, chắc chắn sẽ phát huy toàn bộ ưu thế của
mười tám mái chèo, chúng không thiếu người, sao lại chỉ chèo có hai mái?
Ba người cùng bàn bạc, cảm thấy cứ phỏng đoán như thế này cũng chẳng
ích gì, Vương Uy xung phong lên chiến thuyền cổ kia xem xét, vết thương
trên tay Dương Hoài Ngọc không nghiêm trọng nên cô cũng đòi đi với Vương Uy. Lão Tôn khuyên ngăn mấy câu, thấy cô vẫn khăng khăng, cũng đành
đồng ý.
Lão Tôn cập con thuyền gỗ vào đuôi chiếc thuyền cổ, Vương Uy nhanh
nhẹn tung móc câu vào mạn thuyền, nắm chặt dây móc câu kéo thật mạnh rồi tung người nhảy sang. Chiến thuyền cổ cao hơn thuyền gỗ đến mấy thước,
Vương Uy sử dụng cả tay chân, thoăn thoắt leo lên mạn thuyền rồi trèo
lên sàn. Dương Hoài Ngọc thấy Vương Uy lên được chiến thuyền cũng tung
móc câu leo lên.
Hai người đứng trên boong thuyền, nhìn bóng khoang thuyền đổ dài hiu
hắt dưới ánh đèn bão. Vương Uy và Dương Hoài Ngọc lấy làm lạ, nếu trên
thuyền có người thì lúc họ leo lên chắc chắn đã bị phát hiện, tại sao
không có động tĩnh gì?
Quái gở vẫn là quái gở! Họ tận mắt trông thấy mái chèo dưới nước bị
người điều khiển hẳn hoi, trong khoang thuyền có người là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đều rút súng, lên đạn,
chuẩn bị sẵn sàng rồi từ từ đẩy của khoang thuyền, cùng với tiếng cánh
cửa kèn kẹt mở ra, cả hai vội nép sang một bên theo phản xạ.
Thật bất ngờ, chào đón họ không phải là đạn, mà là một khoảng lặng vô cùng sau tiếng kẹt cửa, gió trên sông chợt đóng sập cửa khoang thuyền
lại khiến Vương Uy và Dương Hoài Ngọc nghe tiếng mà thót cả tim.
Dương Hoài Ngọc lấy từ trong ba lô ra một cái đèn pin rất đẹp, Vương
Uy mới thấy lần đầu, nó rất giống với đèn trên mũ lặn, nhưng cự li chiếu sáng rất xa, mà cũng sáng hơn nhiều.
Vương Uy tay cầm súng, dè dặt tiến vào khoang thuyền, Dương Hoài Ngọc soi đèn theo sau. Cô soi khắp khoang thuyền một lượt, nhưng không thấy
có dấu vết con người. Những thứ bày biện trong khoang toàn đồ cổ, từ bàn ghế kỷ trà trạm trổ hoa văn đến đủ loại binh khí đao thương kiếm kích
đã han gỉ đến không nhận ra hình dạng gì nữa. Dường như tất cả đồ gỗ
chạm trổ trong này đều có màu đen thẫm, sờ vào thấy âm ẩm, khiến người
ta cảm thấy rất khó chịu.
Trong khoang thuyền giăng đầy mạng nhện, những con nhện to bằng bàn
tay quơ quơ những cái chân lều nghều xù xì, bò đi bò lại trên đó. Dương
Hoài Ngọc và Vương Uy đến gần lũ nhện, nhưng chúng vẫn bò lổm ngổm, coi
như họ không tồn tại.
Vương Uy nói:
- Đay là khoang chính, xem ra nhiều năm nay không có người vào đây.
Nếu những tên áo vàng bước lên thuyền mà bác Tôn thấy là người sống,
chắc chắn khoang chính sẽ không như thế này.
Dương Hoài Ngọc gật đầu, chuyện này đúng là rất kỳ lạ, họ lượn qua cả khoang một lượt, nhưng không thấy bất cứ thứ gì có giá trị.
Tiếp đó, họ bước xuống tầng dưới. Tầng dưới lẽ thường là nơi ở và làm việc của tướng lĩnh trên chiến thuyền, tầng này ngăn thành mấy gian
lớn, trang trí rất đẹp. Gian ngoài còn bày biện xa hoa hơn tầng trên,
tuy về cơ bản đồ dùng cũng chẳng khác biệt gì mấy, hai người bèn đi
thẳng vào gian trong cùng.
Dương Hoài Ngọc vừa đẩy cửa, liền trông thấy trong đó có một người
đang đứng, Vương Uy nhanh mắt nhanh tay, thầm nghĩ người trên chiến
thuyền cổ mấy trăm năm tuổi chắc chắn chẳng phải hạng tử tế gì, bèn nhắm thẳng vào người kia, nổ liền hai phát súng.
Dương Hoài Ngọc cũng tắt đèn pin, giơ súng liên thanh quét một tràng, phát nào cũng trúng mục tiêu, đạn ghim vào thân thể phầm phập.
Vương Uy lách người tiến vào phòng, Dương Hoài Ngọc ở phía sau bật
đèn pin soi, luồng sáng chói mắt rọi thẳng vào người kia, chỉ thấy kẻ đó đang quay lưng về phía hai người, mình vận chiếc áo dài có hoa văn kỳ
lân mai hoa, đầu đội mũ cánh chuồn lụa đen.
Vương Uy và Dương Hoài Ngọc nhìn nhau, thì ra đó là một xác chết đã
mấy trăm năm, hèn gì trúng nhiều đạn như vậy mà không chảy một giọt máu.
Hai người đi vòng lên phái trước, thấy khuôn mặt cái xác đã khô hết
nước, chỉ còn lại cái đầu lâu bọc da nhăn nheo, trông thật ghê sợ.
Nhưng lạ lùng là, tại sao người này lại chết đứng? Nếu là người bình
thường, dù đột tử do bệnh tim mạch chắc hẳn cũng sẽ ngã lăn ra chết, lẽ
nào cái xác từ thời nhà Minh này vẫn đứng trong phòng suốt năm trăm năm
qua? Chẳng phải quá ly kỳ sao?
Hơn nữa, chiến thuyền cổ này đi dưới dòng sông ngầm năm trăm năm,
biết bao nhiêu lần gặp gió mạnh, đụng vào bờ đê hay đá ngầm, hoặc rơi
vào vùng nước xiết, khó tránh khỏi chao đảo, tại sao cái xác này vẫn
đứng vững?
Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đều không hiểu, cả hai đi quanh quan sát
cái xác vô số lần vẫn chẳng tìm được nguyên nhân, lòng vô cùng thắc mắc.
Bỗng Vương Uy nói:
- Cô Ngọc, cô có thấy tư thế đứng của người này giống hệt bức bích họa trong địa lao phủ bối lặc mà bác Tôn kể không?
Dương Hoài Ngọc nhìn phía sau cái xác, nhớ lại bản sao của bức bích họa mà lão Tôn cho cô xem, toàn thân chợt toát mồ hôi lạnh.
Nhìn sau lưng, cái xác này giống hệt vị quốc vương Lạp Cách Nhật
trong tranh, dường như cũng đang đứng quay lưng về phía quần thần, nghe
các quần thần báo cáo, thật khó hiểu. Không những tư thế, dáng vẻ, thần
thái sống động giống hệt quốc vương Lạp Cách Nhật, mà thậm chí cả khí
thế oai phong chấn nhiếp quần thần cũng như đúc một khuôn.
Quốc vương Lạp Cách Nhật có liên quan gì đến chiến thuyền cổ thời
Minh trôi trên dòng sông ngầm này? Tại sao vị quan triều Minh này lúc
chết lại giống quốc vương Lạp Cách Nhật đến vậy?
Cánh tay cầm đèn pin của Dương Hoài Ngọc run run, Vương Uy cũng nhận
thấy vẻ không ổn của cô ta. Đáp án đã rõ, vị quan triều Minh chết đứng
này nhất định có mối quan hệ thần bí nào đó với vương triều Lạp Cách
Nhật trong truyền thuyết.
Vương Uy dời mắt khỏi cái xác, thấy gần đó có một chiếc bàn dài, bên
trên đầy đủ bút giấy, nghiên mực. Một xấp giấy đã ố vàng chặn dưới
nghiên mực, trên giấy viết đầy những chữ. Anh bất giác “ồ” lên một
tiếng, lại gần bên bàn xem xét. Nghe Vương Uy buột miệng ồ lên, Dương
Hoài Ngọc cũng sực tỉnh.
Vương Uy cầm tệp giấy đã ố vàng lên, chỉ thấy chữ trên đó viết theo
thể chữ khải, ghi lại toàn bộ những điều sâu xa, nét chữ đẹp mà không lả lướt, rắn rỏi mà nắn nót, có thể coi như hàng thượng phẩm trong thư
pháp. Thuở nhỏ Vương Uy học thầy giáo riêng ở nhà, ông nội của anh từng
mời một ông thầy nổi tiếng nhất kinh thành về dạy cho anh nên về thư
pháp, Vương Uy khá có bài bản, cũng xem như có trình độ.
Đọc xong mấy chục trang giấy ấy, Vương Uy sợ toát mồ hôi, lòng cũng
trầm hẳn xuống, quả nhiên nơi đây là một thung lũng chết, hơn nữa còn là đất dữ trong phong thủy nghìn năm hiếm gặp.
Đại ý nội dung trên giấy nói vị này là quan lớn nhất phẩm của triều
Minh dưới thời Vạn Lịch, họ Trương, tên Tử Thông, tên chữ là Dữ Chi, về
dòng dõi của ông ta, có thể truy nguyên về tận hoàng đế khai quốc triều
Minh Chu Nguyên Chương, cụ tổ ông ta từng theo Chu Nguyên Chương dánh
dẹp, giành được đến nửa giang sơn Đại Minh, về sau mới cởi giáp, từ bỏ
binh quyền làm một quan văn. Từ đời cụ tổ trở đi, họ Trương đời đời đều
có người làm quan lớn trong triều đình, trung lương chính trực, bản thân ông ta cũng đậu võ trạng nguyên vào năm Vạn Lịch thứ hai mươi mốt, có
công dẹp loạn, được phong làm Trấn Đông đại tướng quân, hàm nhất phẩm.
Vạn Lịch năm thứ ba mươi mốt, tức là mười năm sau, Vạn Lịch hoàng đế
Chu Dực Quân bỗng lâm bệnh lạ, các vị ngự y trong triều dùng đủ mọi cách vẫn không chữa khỏi. Không còn cách nào khác, trong cung đành phải hạ
thánh chỉ, chiêu mộ thần y trong thiên hạ để chữa khỏi bệnh cho hoàng
đế. Lúc ấy, một vị lạt ma người Tạng vào cung, vừa thấy bệnh tình của
hoàng đế, ông liền bảo sẽ chữa khỏi, rồi kê mấy phương thuốc lạ lùng,
nào ngờ lại trị lành được cho Vạn Lịch Thần Tông hoàng đế.
Hoàng đế khỏi bệnh, phong thưởng cho lạt ma không biết bao nhiêu là
vàng bạc châu báu, nhưng lạt ma nhất mực từ chối. Hoàng đế lấy làm lạ,
nói rằng vị lạt ma là ân nhân cứu mạng của mình, bách tính thường dân
còn biết đạo lý mang ơn phải báo đáp, thân là cửu ngũ chí tôn, càng phải làm gương cho thiên hạ.
Vị lạt ma không từ chối nổi, đành yêu cầu nhà vua giúp ông ta làm một việc, còn ngọc ngà châu báu, quan to lộc lớn ông ta không hứng thú. Vị
lạt ma lấy từ trong bọc ra một tấm bản đồ dơ dáy, đưa cho hoàng đế xem,
rồi rỉ tai nói nhỏ mấy câu, Vạn Lịch hoàng đế lập tức biến sắc mặt,
truyền lệnh bãi triều.
Trương Tử Thông không biết vị lạt ma kia nói gì với hoàng đế, nhưng
sau buổi chầu đó, Vạn Lịch hoàng đế liền mấy hôm không thượng triều, chỉ ở trong cung mật đàm với vị lạt ma
Bốn ngày sau, Vạn Lịch hoàng đế ra một mật chỉ, phong cho Trương Tử
Thông làm khâm sai đại thần, phái một nghìn ngự lâm quân cùng bốn nghìn
quan quân Tứ Xuyên tiến vào Tây Tạng, dựng chùa ở phía Tây Nam, ban danh Phong Đô.
Trương Tử Thông đem năm nghìn quân vào Tây Tạng, mất một tháng để xây chùa Phong Đô, sau đó dựa theo tấm bản đồ thần bí mà Vạn Lịch hoàng đế
ban cho, tiến sâu vào vùng núi tuyết, thuận lợi tìm được hang động khổng lồ dưới lòng đất này.
Trong triều, Trương Tử Thông được phong làm nhất phẩm đại thần, Trấn
Đông đại tướng quân, nhưng thực tế ông ta còn có một thân phận đặc biệt
khác, đây là bí mật mà trong triều ngoài nội không ai biết, chỉ trừ Vạn
Lịch hoàng đế. Thân phận đặc biệt đó là Ngự Dụng quốc sư của Vạn Lịch
hoàng đế, chuyên tìm long mạch, chọn huyệt vị, phân tích địa thế long
mạch khắp thiên hạ.
Trương Tử Thông tiến vào vùng núi tuyết, bị địa thế long mạch ở đây
trấn trụ, chỉ thấy long mạch phía Nam bắt nguồn từ núi Côn Lôn, thế đi
rất hiểm, đến núi tuyết Đường Cổ Lạp thì rơi vào vùng đất dữ kìm hãm
long mạch nên bị vùi lấp dưới lòng đất. Mà hang động ngầm dưới đất này
theo truyền thuyết lại đứng đầu trong số mười vạn thế đất hung hiểm, là
Bối long âm khư, dương khí không vào được, âm khí không ra được. Kỳ dị
hơn nữa là, tấm bản đồ vẽ đến đây thì bỏ trống quãng giữa, các phần sau
không có liên hệ gì cả.
Muốn hoàn thành mật lệnh của Vạn Lịch hoàng đế phải nghĩ cách phá
được Bối long âm khư. Trương Tử Thông tụt xuống hang động ngầm, phát
hiện ra dưới này là một biển nước mênh mông, tuyết từ trên núi chảy
xuống ngập cả hang, nước sâu quá sức tưởng tượng. Quan trọng hơn, cái
hang này vốn là đất chí âm, nước ngập cả đôi mắt rồng của Bối long âm
khư, không thấy mắt rồng nghĩa là không có cách nào phá nổi tuyệt địa
phong thủy Bối long âm khư.
Trương Tử Thông cho năm nghìn quân đóng ở khe núi lớn rồi một mình
xuống thám hiểm hang sâu. Hơn một tháng sau, qua nhiều lần cân nhắc, ông ta quyết định làm một việc kinh thiên động địa là ngăn nước chặn dòng,
quây biển nước dưới lòng đất này lại, đắp một con đê lớn,tạo thành một
bờ ngăn nước, để một phần âm khí chìm xuống đáy sâu, một phần ở trong
không khí, hình thành địa thế âm dương phân cách. Bối long âm khư thuộc
âm, một khi nằm giữa hồ nước sẽ biến thành vô hình, chỉ có rót dương khí vào mới có thể làm cho âm khư hiện hình.
Trương Tử Thông chỉ huy năm nghìn người chặn đứng mấy đường thủy đạo
chủ yếu chảy vào hang sâu, hao tốn năm năm xây lên một con đê lớn dài
mười mấy cây số trong hang. Trong năm năm đó, tại hang này đã xảy ra
nhiều sự việc khác thường, năm nghìn quân sĩ cũng hi sinh không ít, tổn
thất rất nặng nề.
Đắp xong con đê, để tiện qun sát toàn cảnh con sông ngầm, Trương Tử
Thông lại ra lệnh đóng chiến thuyền cổ mười tám mái chèo này. Trong quân chẳng thiếu thợ khéo, họ nhanh chóng hoàn thành chiến thuyền, Trương Tử Thông chọn ngày hoàng đạo, thân chinh dẫn năm chục tướng sĩ dong thuyền thám hiểm sông ngầm.
Trương Tử Thông từ nhỏ đã luyện được đôi mắt có thể nhìn thấu âm
dương, trong thấy đôi mắt rồng của Bối long âm khư. Ông ta chỉ huy chiến thuyền tiến vào dòng sông ngầm, không khỏi kinh ngạc trước sự rộng lớn
của thủy vực, thậm chí có thể coi nơi này là đại dương dưới lòng đất,
hang động do con đê của ông ta vây lại tạo thành, chỉ bằng một góc so
với thủy vực rộng lớn này thôi.
Trong khi tuần tra thủy vực, Trương Tử Thông phát hiện thấy đôi mắt
rồng của Bối long âm khư trên mặt nước, ông ta đã rất kích động, cho
rằng biện pháp phân cách thủy vực âm dương của mình đã có hiệu quả, bèn
thân chinh chỉ huy chiến thuyền đuổi theo đôi mắt rồng kia.
Bấy giờ Trương Tử Thông đã hoàn toàn rơi vào trạng thái điên cuồng,
ông ta chỉ huy chiến thuyền đuổi theo đôi mắt rồng của Bối long âm khư
hơn một tháng mà chẳng thu được kết quả gì. Ngay sau đó lại xảy ra một
sự việc nghiêm trọng hơn, tướng sĩ trên thuyền cứ lần lượt chết đi, hết
người này tới người khác, khiến ông ta phải ra lệnh cho thuộc hạ điều
tra rõ ngọn ngành.
Nhưng bất kể Trương Tử Thông dùng cách nào đi nữa, người trên chiến
thuyền vẫn cứ chết dần chết mòn, không cách gì ngăn nổi, quân sĩ trên
thuyền chết đi, lại phải lấy thêm người trên bờ bổ sung. Cho đến một
hôm, năm nghìn quân của Trương Tử Thông đưa đến chỉ còn lại năm mươi
người cuối cùng trên thuyền, ông ta mới nhận ra thời gian của mình không còn nhiều, liền bắt tay ghi chép lại những gì đã trải qua dưới hang
ngầm này.
Ông ta giam mình trong phòng nghị sự, hằng ngày chỉ nghe phó tướng
đến báo cáo có thêm bao nhiêu người chết, bỗng một hôm, ông ta phát hiện ra bí mật trong chuyện này. Thì ra trong số bọn họ có một thứ đang ẩn
náu, ông ta không trông thấy, cũng không biết nó là gì, nhưng có thể
khẳng định thứ đó đang trà trộn giữa bọn họ, bất cứ lúc nào cũng có thể
âm thầm quan sát tất cả hành động của bọn họ.
Ông ta có thể khẳng định rằng năm nghìn tướng sĩ do mình dẫn đến đây đều
chết dưới tay thứ đó, nó giống như một con sói đói mai phục giữa đàn
cừu, lần lượt ăn thịt hết cừu trong đàn vậy.
Sau khi biết thứ đó tồn tại, Trương Tử Thông viết càng nhanh hơn,
trước khi bị thứ đó giết hại, nhất định ông phải viết bằng hết mọi
chuyện để lại cho người đời sau.
Cho đến một hôm, viên phó tướng đến trước cửa phòng ông ta, đứng lặng ở cửa hồi lâu, không nói gì. Trương Tử Thông liền hỏi:
- Có chuyện gì? Hôm nay chết mấy người?
Viên phó tướng nói một câu ròi đi ngay:
- Chỉ còn lại tôi và tướng quân.
Nghe viên phó tướng nói, Trương Tử Thông đáp lại một tiếng “Biết rồi”, đoạn tiếp tục viết.
Tiếng viên phó tướng xa dần về cuối hành lang, bỗng Trương Tử Thông
nghe thấy một tiếng kêu thảm thiết, tiếng kêu của viên phó tướng đã theo ông suốt mười năm trời. Đúng vậy, viên phó tướng cũng đã chết.
Lúc ấy, ngoài cửa chợt vang lên tiếng chân lạ, mỗi lúc một tiến đến
gần. Trương Tử Thông biết đã đến lượt mình, bèn từ từ đứng dậy, nghênh
đón con quỷ giết người kia.
Phá giải được bí mật của Bối long âm khư, Trương Tử Thông đã có thể
lìa bỏ thế giới này, đi đối diện với con quỷ giết chết năm nghìn tướng
sĩ của ông mà chẳng còn gì nuối tiếc nữa.
Những trang viết đến đây thì dừng lại, mấy trang giấy sau đều để trắng khiến Vương Uy không khỏi rúng động.
Ác quỷ đã giết hết năm nghìn tướng sĩ kia là thứ gì?
Anh chợt nghĩ chẳng hiểu cái chết thảm thương của Ngoẹo và Ngọng
trong quan tài đá treo trên những trụ đá dưới hang sâu kia có liên quan
gì đến con quỷ này hay không?
Dương Hoài Ngọc cũng cùng Vương Uy đọc xong tất cả các ghi chép, cô chỉ vào dòng cuối cùng nói:
- Ông ta viết xong mấy dòng chữ này liền đứng dậy ngay, anh nhìn dáng vẻ ông ta hiện giờ xem, trông y như vừa rời ghế vậy.
Vương Uy cũng để ý thấy điều này, nghĩ lại những ghi chép chân thực
của Trương Tử Thông, da đầu anh bỗng tê đi, lẽ nào trên đời này thật sự
tồn tại thứ gì đó mà mắt người không thể trông thấy? Nó ở ngay dưới hang sâu này, giết chết năm nghìn tướng sĩ nhà Minh, mà năm nghìn tướng sĩ
thét ra lửa trên chiến trường ấy chỉ có thể trơ mắt chứng kiến bản thân
bị giết như gia súc bị đưa vào lò mổ mà không có khả năng phản kháng,
chết cho đến tận người cuối cùng, Đại tướng quân Trương Tử Thông.
Phải chăng thứ đó là ma quỷ?
Lòng Vương Uy tê dại hẳn đi, cảm thấy chuyện này quá sức kỳ lạ. Dương Hoài Ngọc chỉ vào xác Trương Tử Thông, nói:
- Nhìn dáng vẻ ông ta này, vẻ mặt ông ta trước khi chết rất bình thản, như không phải bị giết mà tự nhiên đi vào cõi chết vậy.
Vương Uy khẽ lẩm bẩm:
- Thứ có thể lấy mạng người như vậy, rột cuộc là gì?
Dương Hoài ngọc nói:
- Chúng ta không biết nó là gì, nhưng có thể khẳng định, đó không phải là người.
Đúng lúc đó, ở khoang dưới cùng vang lên tiếng kẹt cửa, Vương Uy và
Dương Hoài Ngọc đồng loạt xông ra, ôm súng chạy xuống tầng dưới.
Khoang thuyền phía dưới có một hành lang dài, hai bên hành lang là
một dãy phòng, Vương Uy và Dương Hoài Ngọc thận trọng đi dọc hành lang,
tim như muốn thót lên đến cổ họng. Cả hai đều băn khoăn chẳng rõ đó có
phải là tiếng của con quái vật đã giết chết năm nghìn quân Minh hay
không?
Trong khoang thuyền tĩnh lặng như chết, Dương Hoài Ngọc một tay cầm
súng, một tay chiếu đèn pin vào từng góc hành lang. Mắt Vương Uy sáng
trưng như điện, anh có thể khẳng định đây là giây phút căng thẳng nhất
trong đời mình.
Trước đây trên chiến trường, đối diện với kẻ địch dũng mãnh như hổ
sói anh cũng chưa từng sợ hãi, nhưng lần này thì khác, kẻ địch của họ
không phải là người, thậm chí rất có thể cũng không phải là thú dữ, mà
là một thứ không trông thấy được, có thể khiến người ta phải giương mắt
chứng kiến bản thân bị nó giết hại.
Tiếng chân hai người vang vọng dọc hành lang, tiếng kẹt cửa kia chỉ
vang lên một lần rồi tắt hẳn, nhưng Vương Uy và Dương Hoài ngọc rất nhạy cảm, đều cảm thấy vật kia như đang ở ngay bên cạnh, lén lút theo dõi họ ngay trong tầm mắt họ. Dương Hoài Ngọc cố nén sợ bảo Vương Uy:
- Anh có để ý thấy không, ở đây ngay cả bóng dáng mấy tên lính mặc
quân phục vàng cũng không có nữa? Nhưng bác Tôn lại bảo mình không nhìn
nhầm, chắc chắn là chiếc thuyền này.
Vương Uy nói:
-Tôi nghĩ ra từ lâu rồi, bọn lính ấy rất có thể cũng như cha cô và
đám lính nhà Thanh mà tôi thấy trong thung lũng vậy, họ không phải là
người sống, con thuyền này là thuyền ma.
Mấy câu này khiến Dương Hoài Ngọc lạnh toát cả sống lưng, cả người
run rẩy, sự thực chứng minh, chiến thuyền cổ thời Minh trôi trên con
sông ngầm này hơn năm trăm năm nay đúng là một con thuyền ma.
Dương Hoài Ngọc lạnh người, nói:
- Chúng ta mau đi tiếp thôi.
Vương Uy xua tay, nói:
- Nếu hôm nay không kiểm tra rõ con thuyền này thì cả đời chúng ta
không thể yên tâm nổi chứ đừng nói gì tìm ra bí mật của vương triều Lạp
Cách Nhật.
Anh đến trước một cánh cửa, thình lình đá bật cửa ra, lao vào trong,
Dương Hoài Ngọc cũng xông vào theo. Khoang thuyền này là nơi đặt mười
tám mái chèo, mười tám mái chèo chia ra hai bên, mỗi bên chín mái, có
mấy chiếc đang hoạt động.
Vương Uy chỉ vào hai mái chèo. nói:
- Cô xem, bụi bẩn trên hai mái chèo này đều bị lau sạch, trên thuyền chắc chắn có người sống.
Dương Hoài ngọc soi đèn quan sát kỹ hai mái chèo, gật đầu:
- Trên đó còn có dấu tay, khi nãy âm thanh kia vừa vang lên chúng ta đã lao xuống ngay, chắc chúng đang ở trong một phòng khác.
Vương Uy gật đầu, hai người bèn trở ra ngoài, lần lượt đạp tung từng
cánh của dọc hành lang, xông vào kiểm tra, nhưng không thấy bóng người
nào cả.
Ngay lúc ấy, phía trên hành lang đột nhiên lại vang lên tiếng ken
két, có điều âm thanh này rất chói tai, không phải tiếng cửa gỗ.
Vương Uy và Dương Hoài ngọc kinh hoàng thốt lên:
- Hỏng rồi!
Hai người chạy nhanh về đầu trên hành lang, nhưng hai cánh cửa sắt
sừng sững đã nặng nề đóng lại, vào khoảnh khắc của sắt khép lại Vương Uy còn kịp nổ hai phát súng qua khe cửa, nhưng không có kết quả gì. Cửa
sắt bị đóng chặt, tiếp đó nghe có tiếng khóa cửa, Vương Uy và Dương Hoài Ngọc chỉ biết trơ mắt nhìn mình bị giam trên chiếc thuyền ma này, lòng
trầm hẳn xuống.
Trong lòng hai người có vô số nghi vấn, bên ngoài cánh cửa kia rốt cuộc là người hay ma? Nếu là người thì đó là ai?
Lú người bước ra hành lang, họ đâu có ngờ hai cánh cửa sắt này chính
là tử huyệt của khoang thuyền dưới cùng. Cánh cửa này đúc bằng sắt, súng bắn không thủng, một khi bị khóa lại, nếu không có người bên ngoài mở
khóa thì không thể nào mở ra được. Dương Hoài Ngọc nói cách thiết kế này rất phổ biến trên những chiến thuyền cổ thời Minh, tầng dưới cùng là
trung tâm của các loại cơ quan trên thuyền, trong lúc tác chiến, phải
đảm bảo an toàn cho trung tâm của các loại cơ quan trên thuyền cùng tất
cả phu chèo thuyền. Hai cánh cửa sắt này có cả khóa trong khóa ngoài,
chỉ cần khóa chặt một phía là không có cách nào mở ra nổi.
Vương Uy quan sát kỹ cánh cửa sắt mấy lần, không ngờ ngay cả bản lề
cũng đúc bằng sắt, đúng là không thể thoát khỏi hai cánh cửa này được.
Cả hai đang mải chăm chú quan sát cánh cửa sắt, bỗng Dương Hoài Ngọc kêu lên:
- Có người!
Vương Uy nhìn về phía Dương Hoài Ngọc, thấy cô chiếu đèn pin vào một
góc hành lang. Nhưng dưới ánh đèn pin loang loáng, phía cuối hành lang
âm u chỉ thấy những cánh cửa gỗ đen kịt, cả hành lang bốc lên mùi ẩm mốc ngai ngái. Hai người cùng chĩa súng vào góc hành lang đó rồi từ từ đi
vào bên trong, mùi ẩm mốc khiến mũi họ rất khó chịu, ngay cả hít thở
cũng khó khăn. Bầu không khí tĩnh mịch vô bờ khiến tiếng chân của họ
càng thêm vang vọng, như thể cứ bước chân một bước chân, tim lại nảy lên một nhịp.
Bầu không khí này thật khiến người ta tuyệt vọng, họ kiểm tra khắp cả khoang thuyền, rõ ràng chẳng có bất cứ người nào cả. Ngay sau đó, họ
lại nghĩ đến thung lũng tuyết, hang động ngầm nằm sâu dưới lòng đất hàng mấy trăm mét, chiến thuyền cổ thời Minh phiêu bạt trên dòng sông ngầm
mênh mông, và cả thứ không biết là người hay ma cứ lẵng nhẵng bám theo
họ như u hồn vậy, càng nghĩ họ càng thêm sợ.
Vương Uy ghé tai Dương Hoài ngọc hỏi nhỏ:
- Vừa rồi cô thấy gì?
Dương Hoài Ngọc gần như run bắn lên, đáp:
- Một bóng người, đúng là một bóng người, soạt một cái hắn ta đã chạy vào góc kia, tôi không nhìn nhầm đâu.
Vương Uy sững sờ, chuyện này nhất định không thể xảy ra được, trong
khoang thuyền đều lát gỗ, hắn chạy trên hành lang, sao có thể không gây
ra tiếng động?
Nhưng vẻ kinh hoàng tột độ trong ánh mắt Dương Hoài Ngọc dường như
không phải là giả vờ. Hai người đi đến gian phòng khuất nẻo nhất hành
lang thì dừng lại. Cửa phòng này khép hờ, chỉ để hở một khe nhỏ, trên
song cửa còn dán giấy, vì lâu ngày nên lớp giấy đã ố vàng, bên trên còn
dính một lớp dầu mỡ. Vương Uy nhìn Dương Hoài Ngọc, cô gật dầu, khẽ đẩy
cửa ra, theo tiếng “kẹt” cửa, bóng tối sau cánh cửa bị ánh đèn pin xua
tan, lộ ra một đống đồ đạc cao ngất, bên trên còn trùm một tấm vải gai,
trông lù lù như một đống đất nhỏ.
Hai người kiểm tra mọi ngóc ngách không thấy một ai khác cả, Dương
Hoài Ngọc bèn lật tấm vải trùm đồ ra, vừa nhìn thấy vật bên dưới tấm
vải, cô đã giật nảy mình, Vương Uy cũng được phen hoảng vía.
Đó là một tượng đá lớn đứng trên bệ gỗ, trông như một pho tượng Phật. Nhưng bức tượng đá này lại có thêm một đôi cánh, thân cao một trượng
tám, trên chiếc cổ dài là một cái đầu chim, rất giống bức tượng người
chim mà Vương Uy thấy trong rừng ở Xương Đô.
Anh không sao ngờ được bệ đá trên lưng chừng núi kia lại có dính dáng tới hang ngầm dưới dãy núi Đường Cổ Lạp, sự việc này mỗi lúc một phức
tạp rồi.
Chắc đây là lần đầu Dương Hoài ngọc trông thấy bức tượng này nên
gương mặt có vẻ ngỡ ngàng. Vương Uy bèn kể lại cho cô nghe những gì mình đã thấy trong khu rừng rậm ở Xương Đô, Dương Hoài Ngọc cũng kinh sợ
không thôi.
Rồi anh lại nghĩ đến hành tung bất định của đám lính đào trộm mộ dưới trướng Mã Văn Ninh, tất cả đều bắt nguồn từ tấm bản đồ của vị lạt ma
già, nhưng rốt cuộc tấm bản đồ đó ra sao thì chẳng thể điều tra được
nữa. Có điều Mã Văn Ninh dựa vào tấm bản đồ đó, trước là thấy cây đá
trong rừng Xương Đô, lại đến được hang ngầm dưới núi Đường Cổ Lạp, tất
cả đều là sự thật không cãi vào đâu được. Bức tượng người chim thần bí
có liên quan gì đến những thứ mà Mã Văn Ninh muốn tìm?
Tấm bản đồ mà Vạn Lịch hoàng đế nhận được năm xưa giống hệt tấm mà Mã Văn Ninh tìm được, khác chăng là Vạn Lịch hoàng đế cử Trương Tử Thông
đi tìm hang ngầm, còn Mã Văn Ninh lại đích thân dẫn đội đào trộm mộ đến, kết quả là những kẻ đến đây không một ai thoát được, tất cả đều chết
một cách ly kỳ.
Điều làm cho Vương Uy kinh ngạc nhất chính là trên chiến thuyền của
Trương Tử Thông tại sao lại có bức tượng này? Trương Tử thông ghi chép
tỉ mỉ lại mọi chuyện từ sau khi ông ta nhận được mật chỉ của nhà vua,
chỉ không hề nhắc tới xuất xứ của bức tượng người chim, thật là quái lạ.
Bệ gỗ này được làm rất khớp với chân pho tượng, xem ra đã được thiết
kế công phu, tức là trước khi đóng con thuyền chiến này thì đã có bức
tượng người chim rồi, nhưng bức tượng thần bí này đâu ra?
Vương Uy đứng trước bức tượng, lòng hết sức khó chịu, cảm giác ngột
ngạt vô cùng, giống như bị thứ gì đó lèn chặt vậy. Đôi mắt màu nâu vàng
của pho tượng người chim cúi nhìn xuống, Vương Uy vừa ngước lên liền
chạm ngay phải luồng mắt ấy, đôi mắt người chim rất sắc sảo như thể
thoáng nhìn đã thấu tâm can người khác.
Vương Uy nhìn mấy lần rồi chẳng dám nhìn thêm nữa, cặp mắt ấy âm u tăm tối như có thể hút cả hồn vía con người vậy.
Đột nhiên Dương Hoài Ngọc lên tiếng:
- Anh Uy, anh có cảm thấy toàn bộ sự việc có rất nhiều nghi vấn không?
Vương Uy ngước nhìn Dương Hoài Ngọc, chờ cô nói tiếp.
- Anh còn nhớ trong ghi chép của mình, Trương Tử Thông có viết câu gì không? Ông ta nói bí mật của Bối long âm khư đã bị phá giải, ông ấy có
thể yên tâm mà chết, nên tôi đoán chừng năm nghìn quân của ông ấy lần
lượt bị giết là bởi bí mật của Bối long âm khư.
Nghe Dương Hoài Ngọc nói vậy, Vương Uy cũng cảm thấy trong chuyện này có nhiều nghi vấn, lúc ấy khi anh đọc đến câu đó, lòng cũng thấy rất
lạ, nhưng những sự việc về sau xảy ra quá đột ngột nên anh không nghĩ
tiếp nữa. Bây giờ phân tích manh mối này, thấy đúng là có vấn đề.
Điểm quan trọng nhất là, bức tượng người chim thần bí này đến đây
bằng cách nào? Trương Tử Thông mất năm năm đắp con đê dưới hang ngầm là
để phá Bối long âm khư, đã phá giải được bí mật của Bối long âm khư rồi, tại sao ông ta không rời hang ngầm này mà quay về tiếp tục sứ mệnh mà
Vạn Lịch hoàng đế giao phó?
Rốt cuộc bên trong đã xảy ra chuyện gì?
Dương Hoài ngọc nói:
- Có mấy sự việc quan trọng nhất thì Trương Tử Thông không ghi lại, lẽ nào vấn đề nằm ở đấy?
Vương Uy cũng nhận thấy điểm này, năm trăm năm sau khi Trương Tử
Thông chết, theo họ biết được thì đám lính đào trộm mộ của Mã Văn Ninh
đã đến đây. Đội đào trộm mộ của Mã Văn Ninh có hơn một nghìn người, chắc hẳn đã phát hiện ra chiến thuyền cổ này chẳng khó khăn gì.
Lại cả căn nhà kho dưới chân con đê nữa, có thể khẳng định nhà kho ấy do Mã Văn Ninh dựng nên, bọn chúng xây căn nhà kho này bên bến thuyền
là để đóng thuyền. Diện tích mặt đất của cái hang ngầm này rất rộng, vậy mà bọn chúng không tốn công sức đóng thuyền như Trương Tử Thông, lẽ nào mục đích cũng là để phá giải Bối long âm khư, hoặc có thể nói, mấu chốt phá giải Bối long âm khư là ở dòng sông ngầm này ư?
Càng nghĩ Vương Uy càng thấy khả năng này rất có thể xảy ra, anh nói suy nghĩ của mình với Dương Hoài ngọc, cô cũng tán đồng.
Càng nói hai người càng thấy sự việc đúng như thế, Dương Hoài Ngọc
cũng nói đôi điều suy nghĩ của mình, đột nhiên Vương Uy hạ giọng nói:
- Cô xác định vừa rồi cái bóng cô thấy là người chứ?
Dương Hoài Ngọc ngẩn ra giây lát, gật đầu:
- Tôi thấy cái bóng kia loáng một cái đã bỏ chạy, căn bản không trông rõ được, nhưng tôi cảm giác đó đúng là một con người.
Vương Uy gật đầu, nói:
- Cô có để ý không, trừ gian phòng này, các gian phòng khác dọc lối
đi đều khóa trái từ bên trong, lúc vào tôi đã đẩy thử từng cánh cửa một
rồi.
Câu nói này làm cho Dương Hoài Ngọc chấn động đến nổ đom đóm mắt, cứ
ngỡ như mình nghe nhầm, nếu mọi căn phòng đều khóa trái thì cái bóng kia chỉ có thể vào phòng này. Nhưng khi vào, cô đã kiểm tra kỹ mọi ngóc
ngách, không hề thấy sinh vật sống nào, vậy cái bóng kia chạy đi đâu?
Vương Uy cũng nghĩ như vậy, anh cầm lấy đèn pin từ tay Dương Hoài
Ngọc, soi trên soi dưới khắp lượt, không hề thấy có dấu tích người sống
ẩn nấp.
Dương Hoài Ngọc lại đi theo Vương Uy đi kiểm tra khắp xung quanh, cơ
hồ không bỏ sót một ngóc ngách nào, đột nhiên Vương Uy để ý thấy lúc họ
vào đã mở cửa phòng ra, nhưng chẳng rõ từ bao giờ, cánh cửa kia lại đóng im ỉm.
Vương uy toát mồ hôi lạnh, anh nhớ rõ ràng là họ đã mở cửa, cũng chưa hề đóng lại, vậy thứ gì đã lặng lẽ đóng cửa ngay trước mắt họ? Lẽ nào
trong tối thật sự có thứ gì đó ẩn nấp, cái bóng kia vốn không phải người ư?
Dương Hoài Ngọc thấy Vương Uy cứ trợn trừng mắt nhìn cánh cửa đen trạm trổ hoa văn, bèn hỏi:
- Anh sao thế?
Vương Uy muốn xác nhận mình không nhớ nhầm bèn hỏi Dương Hoài Ngọc.
- Từ lúc chúng ta vào, cái cửa này vẫn luôn mở, đúng không?
Nào ngờ Dương Hoài Ngọc lắc đầu nói:
- Cửa vẫn đóng mà. Anh vào theo tôi, sau đấy khép cửa lại, anh không nhớ à?
Dương Hoài Ngọc nói rất bình tĩnh, nhưng Vương Uy nghe mà toát mồ hôi lạnh. Anh nhớ lại quá trình lúc tiến vào, khẳng định mình nhớ không
lầm, anh căn bản không hề khép cửa, mà Dương Hoài Ngọc vào trước lại
càng không thể khép cửa.
Sao cánh cửa này lại bị khép vào chứ? Càng kinh ngạc hơn nữa là, tại
sao Dương Hoài Ngọc lại nói anh khép cửa? Sao có thể như thế chứ?
Vương Uy nhìn vào mắt Dương Hoài Ngọc, mắt cô rất to, sống mũi cao,
gương mặt kết hợp cả nét đẹp nhu mì và cương nghị. Nhưng trong mắt cô
Vương Uy lại thấy vẻ quái dị, mơ màng và đờ đẫn, một tay cô nàng đang
ghì chặt khẩu tiểu liên.
Vương Uy nhắc lại:
- Cửa thật sự là do tôi đóng lại ư?
Dương Hoài Ngọc cảnh giác nhìn Vương Uy, gật đầu:
- Đúng vậy, anh vào rồi khép cửa mà.
Vương Uy đi đi lại lại trong phòng, tự mình quan sát kỹ từng ngóc
ngách, từng đồ vật. Bức tượng người chim trên bệ gỗ cạnh đó vẫn giữ
nguyên tư thế kỳ dị, đứng sừng sững trước mặt Vương Uy. Vương Uy cứ cảm
thấy ngột ngạt, tức thở, anh dám khẳng định trong căn phòng này có thứ
gì đó, tuy anh không nhìn thấy nó, nhưng vẫn mơ hồ cảm thấy nó đang tồn
tại, nó ẩn nấp trong bóng tối, theo dõi hai người.
Vương Uy chợt lạnh toát sống lưng, anh luôn cảm thấy thứ đó đang bám
theo anh, sẵn sàng xông ra bất cứ lúc nào. Trong phòng thoang thoảng một mùi hôi thối âm ẩm, khiến người ta lợm cả giọng. Anh để ý thấy căn
phòng này tăm tối khác thường, hình như không phải là nơi dành cho người sống.
Suy xét kỹ mọi tiền nhân hậu quả trong chuyện này, nghĩ thế nào anh
cũng cảm thấy mình không nhầm, nhưng rõ ràng cửa đã đóng lại, mà Dương
Hoài Ngọc còn nhấn mạnh là do chính anh khép, chẳng lẽ trí nhớ của anh
có vấn đề?
Vương Uy lập tức phủ nhận giả thiết đó, anh đã chinh chiến mười mấy
năm trời, nơi chiến trường rừng tên mưa đạn thì bình tĩnh là tiền đề bắt buộc để chiến thắng mọi thứ, anh tin rằng từ lúc xuống hang ngầm đến
giờ mình vẫn luôn luôn bình tĩnh.
Đã giữ được bình tĩnh thì Vương Uy không cần phải nghi ngờ trí nhớ
của mình nữa, vậy kẻ đáng nghi ngờ nhất lúc này phải là Dương Hoài Ngọc. Giả dụ cô ta nói dối đi, nhưng trước sau cô vẫn theo sát bên cạnh anh,
cũng không có khả năng khép cửa, cánh cửa này không thể do cô lặng lẽ
khép lại được.
Vương Uy càng nghĩ càng sợ. Cứ theo những dữ kiện này mà suy đoán thì người đáng ngờ nhất trong căn phòng này chính là Dương Hoài Ngọc, bởi
cái bóng kia chạy vào một góc hành lang, vậy mà Vương Uy tinh nhanh như
thế lại chẳng hề phát hiện ra thì thật là kỳ lạ.
Sơ bộ sự việc hiện rõ dần, chắc chắn Dương Hoài Ngọc có vấn đề, cô ta không những có vấn đề, mà quan trọng hơn nữa là, rất có thể cô ta không phải là người.
Toàn thân Vương Uy tê dại, sởn cả da gà, không thể ngờ chiến hữu đi
theo bên mình lâu như thế lại không phải là người sống. Hoặc có thể nói, thoạt đầu Dương Hoài Ngọc là người, nhưng từ sau khi xuống hang ngầm,
không biết từ lúc nào, cô đã không còn là Dương Hoài Ngọc khi trước nữa.
Vương Uy giữ chắc cò súng, quay ngoắt lại, chĩa vào vị trí Dương Hoài Ngọc đang đứng, đột nhiên phát hiện cô ta đã biến mất. Mùi hôi thối
trong căn phòng càng nồng nặc hơn, Vương Uy nghĩ mình đang hoa mắt,
nhưng trong căn phòng rộng lớn này trừ anh ra còn có ai đâu?
Dương Hoài Ngọc đi đâu? Cô ta không phải là người, vậy là gì?
Mồ hôi lạnh hết lần này đến lần khác túa ra làm ướt đẫm cả người
Vương Uy, chuyện này thật sự đã vượt quá sức chịu đựng của anh. Việc gặp Thomas và đám lính nhà Thanh trong thung lũng tuyết xảy ra vào lúc anh
nửa mơ nửa tỉnh, khó biết được rốt cuộc là thật hay mơ, nhưng chuyện này lại diễn ra ngay trước mắt anh: một người đang sống sờ sờ, thoát cái đã không thấy đâu nữa.
Anh nhìn kỹ chỗ Dương Hoài Ngọc đứng, không bỏ qua cả lớp bụi trên
mặt đất, nhưng tất cả vẫn thế, chẳng có cạm bẫy nào hết. Dương Hoài Ngọc không phải là người sống nên khi Vương Uy phát hiện ra thân phận cô ta, hẳn cô ta cũng đã nhận thấy, liền đột ngột biến mất.
Đang lúc không biết phải làm thế nào, bỗng anh nghe thấy tiếng bước
chân ngoài hành lang, tiếng chân giòn đanh răng rắc, vang vang trên sàn
thuyền bằng gỗ.
Vương Uy như điên cuồng xông ra, anh đứng ở cuối hành lang, rọi đèn
pin đến tận cùng đầu bên kia, nhưng ngoài một dãy cửa đen sì chạm trổ
hoa văn ra, đâu có bóng ai khác?
Chẳng những trên hành lang không có ai, mà cả tiếng bước chân cũng
tắt lịm, chỉ còn lại bóng tối mênh mông và một dãy cửa cửa sổ đen sì.
Vương Uy đứng ở cuối hành lang, chợt thấy choáng váng đầu óc, tựa hồ
cả đất trời đều đang quay cuồng vậy, có điều đó không phải là ảo giác mà là sự thật, con thuyền quả thực đang chao đảo dữ dội.
Vương Uy phải tựa vào một cánh cửa phòng mới khỏi ngã. Cũng như tất
cả các cánh cửa dọc hành lang, cánh cửa này bị khóa trong, cả người anh
không ngừng va đập vào cửa nhưng nó chẳng hề bật ra.
Vương Uy thầm lấy làm kinh ngạc, thường thì chốt cửa của loại cửa
chạm trổ hoa văn này đều không chắc, hễ đụng mạnh là gãy ngay. Hơn nữa
chiến thuyền cổ này nổi trôi trên dòng sông ngầm năm trăm năm nay, những đồ dùng bằng gỗ trên thuyền hẳn đều mục nát vì ẩm thấp cả rồi, bị va
chạm mạnh thế này, làm sao mà chịu nổi, chẳng nhẽ phía sau cửa có gì đó?
Anh rút súng nhắm chốt cửa bắn liền hai phát, chốt cửa tung ra, nhưng anh lại nghe rõ tiếng kim loại va chạm. Anh thoáng sững sờ, lẽ nào phía sau cánh cửa gỗ còn ốp một lớp sắt nữa ư?
Vương Uy đẩy cửa ra, liền nghe thấy tiếng bản lề sắt nghiến ken két.
Vì lâu ngày bản lề bị hen gỉ, Vương Uy phải đẩy mạnh cửa mới hé ra một
khe nhỏ.
Ngay lúc ấy, bên trong cánh cửa chợt vang lên tiếng bước chân nặng
nề. Tiếng chân vang lên trong bóng tối nghe như không phải đến từ nhân
gian, cách một tầng bóng tối sau cánh cửa, càng khiến người ta rợn cả
người.
Vương Uy chẳng lo được nhiều đến vậy, anh cố sức đẩy cánh cửa, chợt
một mùi tanh nồng ập tới, làm anh ọe ra cả nước chua. Mùi hôi thối bên
trong cánh cửa thật khó hình dung nổi, hệt như mùi xác chết thối rữa
giữa ngày hè nóng nực, vô cùng khó ngửi.
Mùi tanh thối sau cánh cửa sắt bốc ra nồng nặc, Vương Uy gắng nín thở chui vào trong, dưới ánh đèn pin, anh thấy vách phòng không phải bằng
gỗ sam đen sẫm, mà ghép bằng từng tấm từng tấm sắt, rõ ràng đây là căn
phòng bằng sắt.
Vương Uy cứ nghĩ chiến thuyền cổ này được đóng toàn bằng gỗ sam, cho
dù mấy vị trí trọng yếu được đúc cửa sắt cũng chẳng có gì ghê gớm, nhưng làm cả một căn phòng bằng sắt thì thật đáng ngờ. Phòng ở và làm việc
của Trương Tử Thông cũng là phòng gỗ, tại sao một căn phòng ở tầng dưới
lại được làm bằng sắt? Thật là kỳ lạ.
Trương Tử Thông ghi lại tỉ mỉ mọi chuyện từ sau khi ông ta xuống hang ngầm, nhưng Vương Uy xuống khoang dưới này lại phát hiện ra những bí
mật trên chiến thuyền cổ này vượt xa so với những gì Trương Tử Thông ghi chép. Thậm chí trong những ghi chép của ông ta cũng không hề đề cập gì
đến khoang dưới này, tượng người chim và căn phòng sắt kín bưng.
Bên trong căn phòng sắt trừ bốn bức vách ra, còn lại trống trơn,
không có gì cả. Vương Uy lòng đầy thắc mắc bèn rảo bước tiến vào bên
trong. Theo lý mà nói, năm trăm năm trước, muốn làm được một căn phòng
bằng sắt dưới hang ngầm thế này, thật hết sức khó khăn, Trương tử Thông
không cần phí nhiều công sức như vậy để làm một chuyện vô bổ.
Vương Uy nghĩ, căn phòng sắt này được khóa trái từ bên trong, điều
này khác hẳn tư duy của người bình thường, nhất định trong đó có lý do
gì khác. Chợt nhớ đến sự thay đổi của Dương Hoài Ngọc, anh bỗng nổi hết
da gà, chiến thuyền cổ nổi trôi năm trăm năm trên dòng sông ngầm này quả nhiên là một con thuyền ma, Dương Hoài Ngọc đang sống sờ sờ ra đó, vậy
mà lại lặng lẽ biến mất, thật quá kỳ dị.
Trên bốn bức vách sắt của căn phòng đầy những vết hoen gỉ bởi hơi
nước, hễ đụng vào là rơi ra từng mảng. Vương Uy vừa đi vừa tra xét thật
kỹ, bỗng anh đứng sững lại, đầu óc đờ ra.
Anh nghe tiếng chân mình bước đi, chân anh cọ xát lên sàn nhà sắt gỉ
phát ra tiếng răng rắc, hoàn toàn giống với tiếng chân quỷ dị lởn vởn
ngoài hành lang.
Vương Uy kinh ngạc lại thận trọng đi thêm vài bước nữa, quả nhiên
đúng là âm thanh ấy, không sai chút nào. Thoạt đầu, lúc ở trong gian
phòng để tượng người chim, anh không chú ý, bây giờ nghĩ lại mới thấy bí ẩn bên trong chuyện này rất lớn, nếu người bình thường đi lại hẳn không thể phát ra tiếng bước chân nặng như thế được, chỉ có bàn chân ma sát
trên sắt gỉ mới phát ra được âm thanh đó mà thôi, tức là tiếng chân bước lúc ấy anh nghe thấy không phải ở hành lang mà ở trong căn phòng sắt
này.
Việc đến nước này cũng chẳng có gì là kỳ quái nữa, bởi trên chiến
thuyền cổ này đã xảy ra quá nhiều chuyện kỳ quái rồi. Theo lý giải của
Vương Uy, căn phòng này đã bị người khóa trái từ bên trong từ năm trăm
năm trước, mà con người vốn không thể sống trong căn phòng sắt như vậy
được, nhưng sự thực lại chứng minh trong phòng đang có người.
Vương Uy rất căng thẳng, anh biết mình đã lên con thuyền ma này thì
mười phần hết chín là có đi không về, không cẩn thận sẽ đi theo đại
tướng quân Trương Tử Thông cũng nên. Nghĩ đi nghĩ lại cũng thấy ấm ức
trong lòng, đời anh đến giờ mới chỉ là một đại đội trưởng hai bàn tay
trắng, còn Trương Tử Thông trước khi chết đã là quan lớn nhất phẩm triều đình, Trấn Đông đại tướng quân, khâm sai đại thần được hoàng đế mật
phong, tuy cùng phải chết, nhưng so với ông ta, anh vẫn cảm thấy không
thể bằng được.
Vương Uy cuống lên, bắt đầu tính đến tình huống xấu nhất. Anh lên đạn khẩu súng lục cầm trên tay, sẵn sàng ứng chiến bất cứ lúc nào. Cuối căn phòng này là một bức tường sắt, trên tường trổ một ô cửa, cửa không
khóa, đẩy nhẹ là mở ra ngay. Bấy giờ anh mới biết căn phòng này thông
sang phòng bên cạnh.
Anh thận trọng bước sang căn phòng sắt bên cạnh, phát hiện căn phòng
này khác hẳn căn phòng vừa rồi, trong phòng có một chiếc giường ghép,
bên trên phủ một tấm vải trắng dài đến mấy mét, tấm vải hơi phồng lên,
tựa như bên dưới có người đang ngủ.
Vương Uy nén sợ, từ từ bước đến gần, giơ nòng súng lật một góc tấm
vải lên bên dưới liền lộ ra một chiếc đầu lâu trắng hếu. Tuy đã chuẩn bị tâm lý nhưng Vương Uy vẫn giật nảy mình, tim đập thình thịch. Vương Uy
bèn lật tung tấm vải, vì quá lâu ngày, tấm vải đã mục nát, bị anh kéo
mạnh liền mủn ra, bay tung tóe như hoa tuyết.
Tấm vải bị lật tung, trên chiếc giường ghép ngay trước mắt anh là bảy bộ xương người cao xấp xỉ nhau, nằm song song, ánh đèn pin chiếu lên
những bộ xương trắng hếu, khiến anh nổi da gà. Anh biết rõ bảy bộ xương
này là tướng sĩ của Trương Tử Thông tướng quân, có điều dáng vẻ cả bảy
bộ đều không có dấu vết dập gãy, như thể họ tự nhiên mà chết trên giường vậy.
Trên vách treo bảy bộ giáp và gươm đao, tất cả đều phủ một lớp bụi
dày, tỏa mùi ẩm mốc, còn mùi tanh nồng trong không khí hình như mỗi lúc
một nồng nặc hơn. Vương Uy thấy họng chua loét, ọe liền mấy cái mà không nôn ra nổi thứ gì.
Đúng lúc này, anh bỗng phát hiện trên mặt sàn có gì đó khác thường, dường
như có nước thấm ra vậy. Vương Uy chợt nghĩ, lẽ nào chiến thuyền cổ này
đụng vào vậy gì đó nên đáy khoang bị thủng rồi ư?
Vương Uy kinh hoàng, việc này không thể coi thường được, vội vàng cúi xuống xem xét mặt sàn. Chỉ thấy trên sàn lênh láng máu, máu từ khe hở
của bức tường sắt phía trong phun ra như suối, trong phòng đã ngập lên
đến mắt cá chân. Vương Uy đứng giữa bể máu, mùi tanh của máu làm anh
không ngừng ọe ra nước chua.
Vương Uy chinh chiến sa trường bao nhiêu năm trời chưa bao giờ thấy
nhiều máu như thế này, đúng là máu chảy thành sông. Máu từ kẽ tường sắt
phun ra ào ào, mỗi lúc một mạnh, mà bức tường hướng ra ngoài sát với
hành lang lại bị bịt kín, máu không thoát ra nổi nên cứ dềnh lên cao
mãi.
Vương Uy kinh hãi chạy sang phòng bên cạnh, thấy bên đó cũng lênh
láng máu, ngập đến tận bắp chân. Căn phòng này ba bề kín mít, chỉ có một mặt không biết tại sao lại để hở, lẽ nào làm nhiều khe hở như vậy là để máu chảy ra?
Trương Tử Thông dựng nên căn phòng này để làm gì?
Dãy phòng dọc hành lang này là nơi nghỉ ngơi của các tướng sĩ, vốn là loại phòng ở hết sức bình thường, nhưng lại được đúc thành những căn
phòng bằng sắt kín mít. Trên mặt tường phía trong có nhiều chỗ đã bị
thủng lỗ chỗ, lỗ nhỏ bằng đầu ngón tay, lỗ to có thể đút vừa cánh tay
người lớn. Những lỗ thùng này đều bám đầy gỉ sắt, bị máu xối vào, gỉ sắt rụng xuống từng mảng, những lỗ thủng lần lượt lộ ra.
Vương Uy đứng giữa bể máu, hai mắt đỏ ngầu, mùi tanh nồng nặc khiến
anh ngạt thở, mỗi lần hít thở lại thấy họng nóng rát, hết sức khó chịu.
Bất kể ai bị nhốt trên chiến thuyền cổ giữa dòng sông ngầm mênh mông này đều không thể không cảm thấy căng thẳng, hơn nữa còn bị ngập trong bể
máu không biết từ đâu tràn vào, Vương Uy có thể nghe rõ tiếng tim mình
đang đập thình thịch.
Máu phun ra từ các lỗ thủng mỗi lúc một nhiều, mặt tường sắt đã hoen
gỉ đến cực độ, bị máu xối vào, cả mảng gỉ sắt liền rụng ra, lỗ thủng
càng lúc càng lớn.
Vương Uy định thần, cảm thấy cứ đứng mãi trong bể máu thế này cũng
không ổn. Trên chiến thuyền cổ này đầy rẫy những điều kỳ dị, không phải
là nơi ở lâu, phải nhanh chóng thoát ra, nếu không sẽ mất mạng vào tay
thứ quái dị trên con thuyền này.
Quyết định như vậy, Vương Uy bèn quay đầu đi thẳng về vị trí có cánh
cửa lúc tiến vào căn phòng sắt. Anh đi thẳng đến góc trên cùng của căn
phòng nhưng không thấy cái cửa trên vách tường kia đâu cả. Bức tường
bằng sắt phẳng lì, làm gì có cánh cửa nào?
Bức tường này là một thể hoàn chỉnh, hoàn toàn không có cửa, ngay đến một khe nhỏ cũng không có. Kết cấu kiên cố như thế đã khiến cho máu từ
bức tường phía bên trong chảy ra không tràn ra được hành lang, khiến máu trong dãy phòng sắt thông nhau này mỗi lúc một dâng cao, cuối cùng sẽ
nhấn chìm toàn bộ các căn phòng sắt, người trong đó tiến không được lùi
không xong, chỉ có một con đường chết.
Vương Uy từng trải trăm trận, đã kinh qua không biết bao nhiêu hiểm
nguy lớn nhỏ, vậy mà lúc này cũng phải cuống lên. Anh nhớ rất rõ mình đã dùng súng lục bắn vỡ khóa sắt trên cửa, bước qua cánh cửa sắt đó vào
phòng, toàn bộ quá trình đều rõ ràng đến từng chi tiết, vậy mà cánh cửa
sắt ấy lại vô cớ biến mất, khiến đầu óc anh như bị bao phủ bởi một lớp
sương mù.
Nhưng sự thật đang bày ra trước mắt, bức tường sắt chính diện vô cùng bằng phẳng, là một thể hoàn chỉnh, trên đó không thấy một dấu vết nào
chứng tỏ có cửa ra vào. Lúc tiến vào, nghĩ đến tình huống gặp phải khi
trước, anh đã cố tình để cửa mở toang, còn đẩy hẳn cánh cửa sang một bên đề phòng nó tự động đóng lại, nhưng tất cả mọi bằng chứng ấy đều vô cớ
biến mất.
Anh thấy cả căn phòng vẫn y nguyên như cũ, trừ máu ra chẳng còn gì
khác cả, mà cùng với máu ào ạt tràn sang, cánh cửa kia cũng âm thầm biến mất.
Anh rợn cả người, bèn ra sức xô mạnh vào tường, nhưng bức tường này
khác hẳn bức tường sắt trong kia, nhìn là biết bên trong được đổ gang,
xô vào chỉ tổ ê ẩm hết mình mẩy. Anh xô tường mấy lần không được, đành
thôi không làm chuyện ngu xuẩn nữa, nhưng chỉ trong khoảng thời gian
ngắn ngủi đó, máu trên tường phun ra đã ngập quá bắp đùi anh, cứ thế này chỉ chốc nữa toàn thân anh sẽ bị nhấn chìm trong máu, chết vì ngạt thở.
Lúc này anh không cách nào tìm hiểu được bí ẩn về việc căn phòng sắt
này đột ngột thay đổi hoàn toàn kết cấu, nhưng một dãy các căn phòng sắt ở đây thông nhau, lúc đứng ngoài hành lang anh đã quan sát kỹ, tất cả
các phòng đều có một cánh cửa bị khóa trái từ bên trong, cánh cửa của
phòng này đột nhiên biến mất, còn các phòng khác thì sao?
Nghĩ đến đây anh vội bì bõm lội máu vào phòng trong, vừa nhìn vào
phòng, anh đã tuyệt vọng. Căn phòng này giống hệt phòng ngoài, nơi lẽ ra là cửa cũng lại là một bức tường phẳng lì, không một kẽ hở.
Mọi lối thoát đều bị bịt kín, nhưng Vương Uy dù sao cũng được trui
rèn giữa rừng tên mưa đạn mười mấy năm trời, sau phút hoảng loạn, anh từ từ bình tĩnh lại. Anh nghĩ bụng, đã bị dồn đến đường cùng, thà rằng cứ
xông vào phía sau bức tường sắt này xem thử trong đó có những gì, còn
hơn khoanh tay chờ chết.
Bấy giờ Vương Uy đã hăng lên, không còn sợ gì nữa, vừa quan sát kỹ
bức vách đầy lỗ thủng, vừa phân tích xem nên xông vào bằng cách nào.
Những lỗ thủng này một khi toác ra đến một mức độ nhất định sẽ dừng lại, không toác thêm nữa. Anh đập vào bức tường mấy lần, nhưng những chỗ
không bị gỉ vẫn hết sức kiên cố, không dễ phá thủng như anh hình dung,
nay cả những chỗ cạnh lỗ thủng, đập vào cũng thấy chắc chắn vô cùng. Anh vận sức dùng cùi chỏ thúc mấy lần đều vô dụng. Vương Uy liền hiểu ra,
những lỗ thủng do sắt gỉ bong tróc tạo thành này không phải là tự nhiên, mà khi đúc tường sắt người ta đã thiết kế như thế rồi, nếu không tường
sắt đã hoen gỉ thế này thì những chỗ khác cũng sẽ không chịu nổi va đập.
Những chỗ có lỗ thủng và không có lỗ thủng trên tường rất khác nhau,
anh xô mạnh mấy cái mà chẳng suy chuyển gì, té ra ruột bức tường cũng
được đổ gang.
Vương Uy đang mải suy nghĩ, nào ngờ từ sau lỗ thủng lớn bằng nắm tay
thình lình thò ra một thứ gì đó, thứ đó thò ra nhanh như điện rồi thần
tốc thu về. Nhờ ánh đèn pin anh kịp thấy nó trông như một cánh tay người còn nguyên xương thịt, xem ra là cánh tay của người sống.
Cánh tay thò ra thụt vào nhanh như điện, nếu không phải anh đang chăm chú nhìn lỗ thủng kia, sợ rằng chẳng thể nào phát hiện được một loạt
động tác của nó, nó rụt vào rồi không còn động tĩnh gì nữa.
Vương Uy lau mồ hôi trán, lòng vô cùng bối rối, nhìn cánh tay kia
linh hoạt như vậy, hẳn là của người sống, nhưng cánh tay bị nhốt kín
trong căn phòng sắt suốt năm trăm năm nay, sao có thể là của người sống
chứ? Bị cánh tay kia quấy nhiễu, Vương Uy rối cả lên, anh không cách nào biết được bên trong bức tường kia có gì, nhưng có thể khẳng định, thứ
bên trong đó chẳng lấy gì làm tử tế.
Vương Uy rùng mình, chợt thấy mắt cá chân bị tóm chặt, chưa kịp hiểu
mô tê gì thì đã ngã bổ ngửa, đầu ngập trong máu. Toàn thân anh như bị
điện giật, muốn giãy giụa cũng không giãy nổi, cả người đập vào tường
sắt, uống mấy hớp máu, anh phải cố ngậm trong miệng không dám để thứ máu tởm lợm kia trôi xuống họng.
Hai cánh tay nắm chân anh, đập mạnh cả người anh vào tường mấy cái,
đột nhiên dưới chân tường lủng ra một lỗ hổng, cánh tay kia liền tóm hai chân Vương Uy lôi vào, khiến anh lộn nhào trong bể máu, sặc cả máu lên
mũi. Vương Uy chỉ có thể nín thở dưới nước một thời gian nhất định, hơn
nữa còn bị cánh tay ma quái tóm chặt, cả người bị va đập liên tục, anh
bắt đầu thấy mắt nảy đom đóm, ngực như sắp vỡ tung.
Trong lúc bối rối, anh bèn dùng báng súng đập mạnh vào cánh tay ma
quái kia, anh đập liền mấy cái nhưng nó đều tránh được. Nhân lúc cánh
tay nắm chân mình hơi lỏng, anh vội mò mẫm vùng dậy, khạc hết mấy ngụm
máu tanh ngòm trong miệng ra.
Lúc Vương Uy ngã xuống bể máu, đèn pin cũng đồng thời tắt ngấm. Anh
hoảng hồn, dưới hang động ngầm này tối đen như mực, mà bao diêm anh mang theo đã bị ướt sũng, không thể dùng được nữa, không có đèn pin sẽ không trông thấy gì cả, một thân một mình ở trên con thuyền từng xảy ra vô số chuyện kỳ quái này chỉ có chết.
Vương Uy vẩy mạnh cái đèn pin vài lần, trong bóng tối tĩnh lặng không còn bất kỳ âm thanh nào khác, anh cứ nơm nớp sợ cánh tay ma kia lại
nhân lúc tối tăm mà giở trò. May sao chiếc đèn pin này rất tốt, tuy bị
ngấm nước nhưng vẩy mạnh mấy cái lại sáng lên. Lúc đầu nó chỉ sáng yếu
ớt, dần dần mới sáng rực lên, cùng với ánh đèn sáng dần Vương Uy cũng từ từ bình tĩnh lại.
Anh soi đèn khắp bốn phía, phát hiện máu đã ngập đến ngực, căn phòng
này rất lớn, đèn không soi đến được bức tường đằng kia, chỉ thấy bốn
phía máu là máu.
Nhưng trong bể máu chợt có một vật thu hút sự chú ý của Vương Uy. Vật này rất lớn, lại vuông vắn, trông như một cái bệ đá vậy. Anh bì bõm lội nước lại gần mới nhìn rõ hình dạng thứ đó, chỉ thấy nó trong suốt,
trông rõ cả máu cuộn chảy bên trong, cao khoảng hơn ba trượng, mỗi chiều chừng năm sáu trượng. Vương Uy quan sát thứ đó thật kỹ, anh vẫn lo cánh tay quái vật kia lại thò ra, chỉ đợi anh hơi sơ sểnh là lôi tuột anh
xuống bể máu lần nữa. Anh lùi lại phía sau mấy bước, giơ đèn pin soi rõ
toàn cảnh thứ đó, lúc rọi đèn lên đến đỉnh vật đó, mắt anh chợt sáng
lên, trên nóc bệ đá có một người đang nằm.
Theo phản xạ, Vương Uy lập tức giơ súng lên nhắm vào đầu người kia,
chỉ thấy mái tóc người nọ xõa dài, lấp lánh vàng dưới ánh đèn pin loang
loáng, hình như người đó có mái tóc vàng. Vương Uy giật nảy mình, chẳng
nhẽ đấy là Dương Hoài Ngọc?
Xung quanh bệ, máu dềnh lên rất cao, hơn nữa bốn phía quanh bệ hình
như còn có rãnh sâu, Vương Uy mon men đến gần, suýt nữa thì ngã xuống
dưới. Cái bệ này thật là quái gở, anh không biết dưới rãnh sâu xung
quanh bệ có thứ gì nên không dám mạo hiểm lặn xuống.
Anh rọi đèn pin vào người đang nằm kia, càng nhìn càng thấy giống
Dương Hoài Ngọc, đường nét hình dáng không khác chút gì, không phải cô
ta thì còn là ai nữa?
Dương Hoài Ngọc đột ngột biến mất một cách vô cớ ngay trước mắt anh,
tại sao thoáng cái lại chạy đến đây? Cô nằm bất động trên cái bệ kia,
không biết còn sống hay đã chết? Vương Uy lo lắng, quyết định phải nhanh chóng đưa cô xuống, nếu còn cứu được thì cứu.
Tuy Vương Uy không có cảm tình với đội thám hiểm, nhưng từ lúc tiến
vào dãy núi Đường Cổ Lạp, mọi người cùng nhau vượt qua bao gian nan vất
vả dọc đường, cũng coi như sinh tử chi giao. Quân đội Tứ Xuyên đánh trận không giỏi nhưng coi trọng nhất là nghĩa khí, sinh tử chi giao lẽ nào
không cứu?
Vương Uy chẳng kịp nghĩ nhiều, anh cố nín một hơi lặn xuống, bơi đến
chỗ cái bệ. Khoảng cách từ giữa bệ đến bốn phía xung quanh có đến mười
mấy trượng, ở dưới bể máu anh không trông thấy gì cả, chỉ có thể bơi
theo cảm giác mà thôi.
Bơi một lúc lâu mới vượt qua được khoảng cách mười mấy trượng đó, anh thử lặn xuống nhưng lặn mấy trượng vẫn chưa đến đáy. Vương Uy thầm kinh ngạc, rõ ràng chuyện này quá mức lạ lùng, bèn bơi đến trước cái bệ, từ
dưới nước nhô lên, ra sức vuốt sạch khuôn mặt đầy máu.
Cái bệ trước mắt anh là một khối đá trong suốt, Vương Uy cảm thấy bệ
đá này rất giống với phần trong suốt của bệ đá mà anh thấy trong rừng
rậm giáp giới giữa Tây Tạng và Tứ Xuyên, đều trong mờ, khác chăng là bệ
đá này thuần túy trong mờ, không có tảng đá nào khảm vào.
Bệ đá này cứ nhỏ dần từ chân lên đến đỉnh, Vương Uy trèo lên chỗ ngăn cách giữa hai nửa trên dưới bệ đá, chỗ đó rộng khoảng nửa bàn chân, đủ
cho một người đứng vững. Ngay khi anh vừa bò lên khỏi bể máu, thình lình một cánh tay dưới bể thò lên, khiến máu bắn tung tóe. Vương Uy giật
mình, vội giơ súng bắn, nhưng hai phát đạn đều bắn xuống nước. Cánh tay
kia thò lên rất nhanh, rất bất ngờ, chẳng để Vương Uy kịp nhìn rõ đã
thụt ngay xuống bể máu, biến mất.
Anh lau mồ hôi trên mặt, leo tiếp lên cái bệ đá, bệ đá rất trơn, tay
anh lại dính đầy máu, cứ leo lên ba tấc lại trượt xuống hai tấc, rất khó khăn.
Vất vả lắm anh mới leo lên đến nóc bệ, mồ hôi đầm đìa. Hai tay anh
bám vào mặt bệ đá, thò đầu lên nhìn, liền thấy nửa khuôn mặt tái nhợt
của Dương Hoài Ngọc, còn nửa mặt bên kia bị một bàn tay đẫm máu bịt kín, che khuất cả miệng, mũi.
Thấy thân mình Dương Hoài Ngọc hơi run rẩy, Vương Uy giật mình, thì
ra cánh tay kia định bịt chặt mũi miệng để cô ngạt thở mà chết. Chẳng
kịp suy nghĩ, anh vội giằng cánh tay nọ ra, khuỷu tay của nó còn giấu
sau lưng Dương Hoài Ngọc, nhìn như thể phía sau cô có ai đó đang nấp.
Lúc này Vương Uy chẳng còn bụng dạ nào xem thử đằng sau cô là người
hay ma nữa, anh dùng sức nắm lấy bàn tay đang bịt miệng Dương Hoài ngọc, vận khí giở ngón Đoạn Môn chỉ gia truyền, bẻ vụn xương năm ngón trên
bàn tay kia.
Cánh tay kia bị đau đớn vội rụt lại, mấy cánh tay đang tóm chân tay
Dương Hoài Ngọc cũng biến mất, lúc anh bật đèn pin lên soi thì không
thấy chúng đâu nữa.
Vương Uy thử bắt mạch Dương Hoài Ngọc, thấy mạch đập yếu ớt nhưng vẫn còn một hơi thở. Anh bèn bóp chặt hàm dưới cô, vỗ vỗ vào lưng, ép cô
nôn hết chỗ máu bị sặc ra.
Nôn hết thứ máu tanh tưởi kia ra, Dương Hoài Ngọc cũng thở ra một hơi, mí mắt động đậy rồi mở bừng mắt.
Thấy Vương Uy đang cười với mình, Dương Hoài Ngọc giật thót, vội hỏi đây là đâu?
Vương Uy kể sơ qua mọi diễn biến vừa rồi, Dương Hoài Ngọc cứ há hốc
miệng ra nghe. Tuy từng là hải tặc tung hoành khắp vùng biển Đông Nam Á, cô cũng không khỏi kinh hãi trước những chuyện quái gở vừa rồi.
Dương Hoài Ngọc vắt óc nhớ lại mọi chuyện trước khi bị hôn mê, chỉ
nhớ đang ở trong căn phòng có tượng người chim bỗng cô bị một đôi tay
tóm lấy vai, nhấc bổng cả người lên, cô định kêu cứu, nhưng mũi miệng
đều bị bịt chặt, không thể phát ra tiếng.
Thì ra các phòng ở khoang dưới cùng của chiến thuyền này đều thông
nhau, giữa xà và vách phòng có khe hở đủ một người chui lọt. Trong lúc
hoảng loạn, Dương Hoài Ngọc bị bịt hết miệng mũi tay chân, không giãy
giụa gì được, đoạn cô bị ném tung lên cao, rơi xuống bể máu, uống phải
mấy hớp máu tanh tưởi rồi hôn mê bất tỉnh.
Nghe Dương Hoài Ngọc kể, Vương Uy lập tức hiểu ra ngay, lúc bọn họ ở
trong căn phòng có tượng người chim, nhất định bàn tay ma kia đã giở trò với cánh cửa khiến hai người nghi ngờ lẫn nhau. Bấy giờ Dương Hoài Ngọc trông thấy một bàn tay đóng cửa, trong ấn tượng của cô, trong phòng chỉ có cô và Vương Uy, mà đó lại là tay đàn ông nên cô mặc nhiên coi đấy là tay Vương Uy. Nghe Vương Uy phân tích, cô cũng gật đầu thừa nhận chuyện này.
Vương Uy đứng trên bệ đá, cầm đèn pin soi xung quanh, chỉ thấy bể máu cuồn cuộn, máu vẫn tiếp tục dềnh lên cao, nhưng bàn tay ma quái kia đã
biến mất.
Hai người đều hiểu, hiện giờ họ giống như đang đứng trong một cái hộp sắt khổng lồ, bốn bề bịt kín, tiến thoái đều không thể được, phía trước phía sau đều là đường chết.
Dương Hoài Ngọc nghỉ một chút, sức khỏe bình phục dần, trên người cô
không bị thương, vừa rồi hôn mê bất tỉnh chẳng qua là ngạt thở do bị máu làm tắc họng mà thôi. Bây giờ sức khỏe cô đã khôi phục lại được tám
phần mười, cũng là thời cơ tốt nhất để thoát thân. Bằng không cứ nấn ná
mãi trong căn phòng sắt tối đen không có ánh mặt trời này, sức lực và
tinh thần đều kiệt quệ, chẳng bao lâu nữa, dù thứ quái gở trong bể máu
kia không ra tay thì họ cũng bị bầu không khí này giày vò đến chết.
Dương Hoài Ngọc bảo Vương Uy:
- Làm thế nào bây giờ, chẳng nhẽ chúng ta chịu chết ở đây à?
Vương Uy lắc đầu:
- Vách phòng này đều được đổ gang, súng bắn không thủng, giờ chỉ mong có một lỗ hổng ẩn giấu đâu đó để chui ra thôi.
Lúc nói câu này với Dương Hoài Ngọc, lòng anh cũng rất tuyệt vọng,
những căn phòng này ngay cả cửa còn bị phong bế một cách bí ẩn, làm sao
còn có lỗ hổng cho bọn họ chui ra kia chứ?
Dương Hoài Ngọc không hề khờ khạo, cô đương nhiên hiểu hoàn cảnh mình lúc này, bèn ngồi dậy, nhìn xuống mặt nước theo Vương Uy, chỉ thấy bể
máu cuồn cuộn sóng, khí thế không kém gì con sông ngầm ngoài kia.
Đứng lúc này, lòng Vương Uy chợt trầm xuống, lưng toát mồ hôi lạnh,
ánh mắt anh dừng lại trên nóc bệ, qua lớp đá trong mờ, anh trông thấy
một gương mặt to tướng đang áp sát vào mặt đá, đôi mắt thô lố trừng
trừng nhìn anh, hai luồng mắt vừa giao nhau anh đã thấy rờn rợn, đôi bên cứ thế chòng chọc nhìn nhau, Vương Uy có thể cảm thấy máu trong người
đông cứng cả lại.
Dương Hoài Ngọc nghiêng đầu trông sang, nhận thấy Vương Uy có vẻ
không bình thường, cô nhìn theo ánh mắt anh, chợt giật thót cả mình, vội kêu ré lên. Máu dưới bệ dềnh lên mấy lần, gương mặt kia lập tức biến
mất.
Dương Hoài Ngọc nhìn Vương Uy hồi lâu, thở hổn hển nói:
- Đó là mặt người.
Vương Uy gật đầu, thấy làn máu bên dưới bệ đá đã lặng, mới nói:
- Đúng là mặt người, nhưng tôi dám khẳng định đôi mắt ấy không phải là mắt người, rốt cuộc nó là cái gì nhỉ?
Dương Hoài Ngọc lắc đầu, không ai có thể trả lời anh được. Biện pháp
duy nhất là lội xuống nước xem, thứ kia rất có thể ẩn nấp trong rãnh sâu dưới nước, không vào hang cọp thì sao bắt được cọp con, dù gì cũng đang bị kẹt ở đây, thời gian kéo dài thể nào cũng chết, chi bằng xuống nước
xem đó là cái gì, một khi xuống gặp Diêm vương, Diêm vương có hỏi tại
sao chết còn biết đường mà trả lời.
Anh nói ý định của mình với Dương Hoài Ngọc, cô cũng tán đồng. Cô gái này từ nhỏ đã theo lão Tôn giết người đốt nhà, dũng mãnh can đảm có
thừa, giờ lâm vào cảnh này, có thể chết bất cứ lúc nào, còn chuyện gì
không buông bỏ được nữa?
Cuối cùng Vương Uy nghĩ ra một cách, anh xuống nước trước còn Dương
Hoài Ngọc cầm súng tiểu liên chĩa xuống mặt nước, theo anh đoán, thứ bên dưới kia rất có khả năng sẽ thò ra tấn công. Từ nhỏ anh đã tập võ, bơi
lặn dưới nước cũng rất nhanh nhẹn, hễ có vật gì đó đến gần, anh trông
sóng nước là nhận ra ngay. Anh sẽ dẫn dụ thứ ở dưới nước xuất hiện, xem
nó là cái gì.
Cách này tuy rất nguy hiểm, nhưng là cách duy nhất hiện giờ nên Dương Hoài Ngọc cũng không phản đối.
Vương Uy đưa đèn pin cho cô, còn mình cầm súng lục, lần theo khoảng hở gián cách hai nửa bệ đá, lặn xuống.
Vừa xuống nước anh đã cảm nhận ngay được dòng nước ngầm đang chảy
xiết, dường như có một xoáy nước lớn hút anh xuống, khiến Vương Uy hết
sức kinh ngạc.
Chiến thuyền cổ đi lại trên con sông ngầm nên đáy phải thật kín, khả
năng duy nhất để hình thành xoáy nước chỉ có thể là đáy thuyền đã bị
thủng, hơn nữa để có xoáy nước lớn như vậy thì lỗ thủng phải rất lớn.
Vương Uy cố tránh xoáy nước, định lặn xuống bên dưới để tìm chân bệ
đá, theo anh suy đoán, máu đã có thể chảy ra chảy vào trong bệ, nhất
định bên dưới bệ này có lối thông, không khéo còn đụng phải gương mặt to vừa rồi cũng nên.
Anh bơi quanh xoáy nước nhưng không trông thấy gì, chỉ cảm thấy sức
hút của xoáy nước càng lúc càng mạnh. Đang lúc anh băn khoăn thắc mắc lẽ nào cái bệ vuông này không có chân bệ mà là được gác lên không, đột
nhiên sau lưng anh căng lên, có gì đó đang lao tới tấn công từ phía sau, Vương Uy bình tĩnh lạng người đi, tránh đòn tấn công của thứ đó.
Anh ngoảnh lại, chợt thấy rất đông thứ gì đó đang lao về phía mình.
Vương Uy thầm kinh hãi nhưng chẳng còn cách nào né tránh, đành quay
người ngoi lên mặt nước, một tay anh cầm súng, bắn về phía sau mấy phát
để cản tốc độ tấn công của đối phương, thân hình cũng theo đó mà nổi lên mặt nước.
Vừa nhô đầu lên anh đã bám ngay lấy bệ, nhảy tót lên chỗ gián cách
hai nửa bệ đá. Dương Hoài Ngoc thấy rõ tình hình, không chờ Vương Uy gọi liền bắn ngay một loạt đạn, lập tức nghe tiếng rơi bùm bũm xuống nước.
Vương Uy ngoảnh lại nhìn, thấy một sợi dây thừng đỏ lòm màu máu rơi
xuống nước, trên mặt nước vẫn còn mấy sợi nữa, đều đã bị bắn nát. Vương
Uy đang lấy làm lạ không hiểu những sợi dây đỏ đó là gì thì nghe tiếng
Dương Hoài Ngọc gọi anh mau leo lên.
Anh chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ ráng sức ôm lấy một góc bệ đá leo lên,
nào ngờ chưa leo được đến nửa phía trên của bệ đá đã thấy hông căng ra,
bị thứ gì đó ghì chặt.
Vương Uy thầm than không ổn, cố ôm chặt lấy cái bệ, cả người dính sát vào bệ hệt như thạch sùng bám tường. Thứ đang ghì chặt lưng anh rất
khỏe, Vương Uy cảm thấy ruột gan như bị thít lại, chẳng đợi anh kịp
chống trả, nó đã kéo luôn anh xuống nước.
Thứ kia lôi tuột anh về phía xoáy nước. Vương Uy giở mọi thủ đoạn
giãy giụa phản kháng, tiếc rằng anh không bám víu vào đâu được, nên cứ
bị nó lôi đi tuồn tuột.
Càng đến gần xoáy nước, áo quần trên người anh gần như bị xoáy nước
xé tan, xem ra anh sắp bị cuốn vào đó tới nơi. Vương Uy đang thầm kêu
khổ, bỗng thấy phía trước ập tới một luồng lực đạo, mạnh hơn lực đạo
đang tóm ngang lưng anh nhiều, hai luồng lực đạo va vào nhau khiến Vương Uy bị văng ra xa hơn một trượng, máu trong lồng ngực nhộn nhạo, suýt
nữa thì ngạt thở. Tuy xương cốt toàn thân đau rã rời nhưng anh hiểu hơn
ai hết, nếu không có cú va đập vừa rồi, hẳn bây giờ anh đã đi đời nhà
ma.
Người anh chìm dần xuống đáy nước, không rõ cái rãnh trong bể máu này sâu đến mức nào, anh muốn cử động nhưng toàn thân đã mất hết sức lực,
tay chân không nghe theo sự điều khiển nữa, không làm sao động cựa nổi.
Luồng lực đạo từ trong xoáy nước ập tới kia thực quá mạnh, nháy mắt đã
đẩy ngụm khí mà anh nín thở giữ trong lồng ngực lệch đi, dưới đáy nước
này, không thể động cựa thì chỉ còn chờ chết.
Vương Uy rủa thầm trong bụng, gắng nín thở không cho máu ộc vào họng. Ngay lúc ấy, anh bỗng cảm thấy có vật gì đang bơi tới làm cho sóng nước cuộn lên, hẳn phải là cái gì đó rất lớn. Vương Uy thầm kinh hãi, hiện
giờ chỉ một con sâu, con rắn cũng có thể giết anh chứ đừng nói gì tới
những con vật lớn hơn.
Vật ấy bơi đến trước mặt Vương Uy, kéo tay anh ngoi lên. Vương Uy
giật mình, té ra đó là người. Nhưng có thể khẳng định người này không
phải Dương Hoài Ngọc, tính theo thời gian thì cô cũng không thể đuổi
kịp, hơn nữa người ấy thân thể rắn chắc, không phải là nữ.
Vương Uy sợ hãi khôn xiết, anh cứ ngỡ trong căn phòng sắt này chỉ có
anh và Dương Hoài Ngọc, không ngờ lúc này lại bất ngờ xuất hiện thêm một người khác. Hơn nữa, khi nghe Dương Hoài Ngọc nói giữa vách tường và xà ngang của căn phòng sắt có khe hở, anh bèn soi đèn pin kiểm tra nhưng
kết cấu phòng đã thay đổi từ lúc nào chẳng rõ, khe hở kia đã bị bịt
chặt, không còn chỗ hở nào nữa.
Người kia bơi lên đến mặt nước, Vương Uy cũng trồi lên, ánh đèn pin
của Dương Hoài Ngọc vừa khéo rọi đến nơi, tạo thành một chùm sáng trải
rộng trên bể nước.
Vương Uy ngoảnh lại, thấy đằng sau nhô lên một khuôn mặt to tướng,
ròng ròng máu me, đôi mắt thô lố như hai quả trứng ngỗng nhìn chằm chằm
vào anh, vô cùng đáng sợ.
Thấy Vương Uy sợ đến nỗi suýt nữa cắn đứt cả lưỡi, gương mặt kia lại
nhệch miệng cười thâm hiểm, nụ cười làm anh suýt nữa nôn ộc hết ra.
Gương mặt này trông nanh ác hết chỗ nói, chính là gương mặt bên dưới bệ
đá mà anh vừa thấy khi nãy.
Vương Uy g trấn tĩnh lại, giương súng toan bắn, náo ngờ tay anh bị
một cánh tay từ dưới nước giơ lên ngăn lại, khiến anh giật nẩy mình, bấy giờ gương mặt trắng nhợt kia mới được gỡ ra, để lộ khuôn mặt người bình thường. Vừa nhìn thấy khuôn mặt đó, toàn thân Vương Uy liền cứng đơ,
khuôn mặt rỗ chằng rỗ chịt kia nhăn nhở cười với anh:
- Thưa chỉ huy…
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT