Càn Long đã quá già. Ngài truyền ngôi lại cho Gia Khánh hoàng đế, đứng
địa vị của một thái thượng hoàng hướng dẫn con tập sự nghề vua. Đất nước Trung Hoa lúc này còn được thanh bình, quần chúng vẫn được an cư lạc
nghiệp, vua chúa Mãn Thanh vẫn còn được vững tâm trên ngai vàng thống
trị dân tộc Hán.
Năm đó tổ chức lễ Vạn thọ thứ tám mươi sáu của
thái thượng hoàng. Không những văn võ bá quan toàn triều mà cả đến các
bối lặc, sứ thần ngoại quốc đều kéo nhau nườm nượp đến chúc thọ. Gia
Khánh hoàng đế hạ chỉ thết yến ở ba đại điện là Thái Hoà, Trung Hoà và
Bảo Hoà.
Ngài cho triệu tập ba ngàn vị quan viên, thân sĩ tuổi
ngoài sáu mươi, cử hành Thiên Tẩu yến tại vườn Minh Viên, ở trong cung
thái thượng hoàng. Ngài đích thân đem các viên ngọc Đông châu Mạo châu
và Đông châu Triều châu của Hiếu Hiền hoàng hậu để lại cho hoàng hậu Hỉ
Tháp Lạp. Ngài còn thưởng cho bọn hoàng tử, phúc tấn rất nhiều những
trân bảo khác.
Hồi đó chỉ có Xuân A Phi là còn sống. Bà ngồi hầu
bên cạnh. Thái thượng hoàng nhìn Xuân A phi, trong lòng bỗng nhớ lại bao kỷ niệm êm đẹp thuở xưa mà xúc động can tràng, bồi hồi buồn bã. Giữa
lúc đang ngậm ngùi não ruột ấy bỗng từ bên ngoài viên thái giám bưng vào một tráp nhỏ, nói đấy là một thứ đồ chơi của tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc
Văn Tương hiếu kính Thái thượng hoàng.
Gia Khánh hoàng đế xem qua không hiểu cái gì, bèn bảo viên thái giám mở tráp ra xem thì thấy bên
trong có mô hình một toà nhà nhỏ, giữa nhà có một tấm bình phong, trước
mặt tấm bình phong này có một cái bàn trên bày đủ bút nghiên giấy mực.
Mặt sau cái tráp đặt một bộ máy. Nếu phát động bộ máy đó, người ta sẽ
thấy một cô gái Tây Dương xuất hiện, trước hết chạy tới dưới mái hiên,
rồi quay mặt ra ngoài làm lễ Tam quy cửu khấu. Hành lễ xong, cô
gái quay vào đứng trước mặt bàn, rót nước vào nghiên để mài mực, lấy một tờ giấy hoa tiên màu đỏ từ đằng sau bức bình phong bước ra, tay cầm cây bút chấm mực rồi viết trên giấy trắng bốn chữ "Vạn thọ vô cương" bằng
chữ Mãn. Viết xong bốn chữ thì bộ máy cũng ngừng chuyển vận, người trong chiếc tráp cũng không cử động nữa.
Thái thượng hoàng xem xong
lấy làm thích lắm, vội bảo thương cho Phúc Văn Tương mười vạn lạng bạc.
Ngài lại viết một chữ "Thọ" dưới đề lạc khoản "Thập toàn lão nhân", đều
thưởng cho Tương cả.
Phúc Văn Tương tuy được Thái thượng hoàng
thưởng tứ nhưng món đồ chơi của y trị giá không kém mười vạn lạng bạc mà y phải dốc hết túi ra để làm, đó còn chưa kể thêm một mạng người nữa.
Nguyên lai đồ chơi nọ vốn do một tên thân tuỳ tâm phúc của Tương trong nha môn chế ra. Hắn biết ý tổng đốc muốn dâng lễ thọ thật đặc biệt lên thái
thượng hoàng, nên đã bò lên nóc nhà, lấy một tấm vải buộc chặt lấy đầu
mình rồi nay tưởng mai suy, suy nghĩ mãi, cuối cùng nghĩ ra được một món đồ chơi tuyệt diệu này. Hắn đóng cửa lại, tỉ mỉ lắm mới làm xong, đem
dâng quan tổng đốc.
Phúc Văn Tương xem qua một lần trình diễn,
khen lấy khen để. Nhưng khi xem đến bốn chữ "Vạn thọ vô cương" chỉ bằng
chữ Hán, sợ Thái thượng hoàng không vui, nên lại bảo thay bằng chữ Mãn.
Tên thân tuỳ lại bò lên mái nhà, suy mãi hơn hai chục hôm mới chế thêm
được bộ máy viết bốn chữ Mãn, Phúc Văn Tương bèn thưởng cho tên thân tuỳ hai vạn lạng bạc. Nhưng khi dùng hết trí thông minh của mình, tên thân
tuỳ bỗng trở nên ngây ngây ngô ngô, rồi về nhà, không đầy hai tháng chết luôn.
Phúc Văn Tương cho người đem món đồ chơi đó lên kinh. Qua
cửa quán thứ nhất, người của Tương không thoát khỏi tay Hoà Khôn, tiêu
luôn một lúc năm vạn lạng bạc, món đồ chơi nọ mới được phép vào cung.
Khi đến Ninh Thọ cung, viên thái giám trông coi cung này cũng đòi tiền
và doạ: "Nếu không có tiền, bộ máy này chỉ chạy tới ba chữ "vạn thọ vô"
là ngừng. Lúc đó Thái thượng hoàng tức giận thì bọn này chẳng chịu tội
thay cho đâu.
Bọn Tương sợ quá lại phải lo lót thêm ba vạn lạng.
Câu chuyện này Gia Khánh hoàng đế đều rõ cả, nên có ý muốn điều tra Hoà
Khôn, nhưng chỉ tại Thái thượng hoàng còn đó đành phải nín nhịn đợi chờ. Trước đây, Hoà Khôn dâng cho ngài viên ngọc như ý thì ngài vốn đã không ưa Khôn bèn ghét bỏ luôn viên ngọc đó. Theo phong tục Mãn Châu thì khi
năm hết tết tới, bọn vương công đại thần phải dâng lên một viên ngọc như ý để tụng nhà vua được như ý suốt đời. Đến khi Gia Khánh hoàng đế lên
ngôi, ngài hạ chỉ cấm hẳn việc dâng tiến loại ngọc này. Trong sớ chỉ dụ
của ngài có hai câu: "Chư thần đều cho là như ý, riêng ý trẫm thì lại là bất như ý".
Bọn bá quan văn võ tiếp chỉ dụ, thấy hoàng đế căm giận cái gọi là "như ý" đó, chẳng anh nào hiểu lý do tại sao, đành phải phụng chỉ, không dám
sai lời. Thế là từ đó, toàn triều được miễn lễ tiết này. Có nhiều đại
thần còn dâng sớ lên ca tụng hoàng đế nào là cần kiệm, nào là đạo đức.
Duy chỉ có Lưu tướng quốc là hiểu được nỗi niềm tâm sự của Gia Khánh. Do đó ông được ngài trọng dụng, mỗi khi có việc là đem bàn với ông.
Hoà Khôn dần dần cũng cảm thấy Gia Khánh hoàng đế không ưa mình. Khôn cho
rằng hiện nay y còn có thế lực của Thái thượng hoàng thì dù Gia Khánh có thù ghét mấy cũng chẳng làm gì, khi Thái thượng hoàng mất rồi thì y cứ
việc từ quan về vườn là xong. Do đó Khôn thường ra vào trong cung, hết
lòng hầu hạ thái thượng hoàng. Mặt khác, Thái thượng hoàng nếu không có
Hoà Khôn cũng không chịu nổi. Trong thì có Xuân A Phi, ngoài thì có Hoà
Khôn, suốt ngày hầu hạ bầu bạn với ngài.
Càn Long hoàng đế tuổi
đã quá cao, không còn đủ tinh lực để du ngoạn đó đây. Ngài rất tin bùa
phép của bọn Lạt ma tăng, thường xếp bằng tròn ngồi trên giường niệm
kinh chú.
Gia Khánh hoàng đế mỗi ngày ngự triều về lại tới cung
Thái thượng hoàng bàn luận về việc triều chính. Thái thượng hoàng ngồi
quay mặt về hướng nam. Gia Khánh hoàng đế ngồi quay mặt về hướng tây.
Hoà Khôn cũng đứng ở một bên, tham nghị việc đại sự.
Một hôm,
giữa lúc ba người đang bàn soạn, bỗng Càn Long hoàng đế nhắm mắt, xếp
bằng tròn lại, ngồi trên giường không nói một lời nào. Gia Khánh hoàng
đế thấy thế, không dám gọi hỏi gì. Một lúc sau ngài thấy miệng thái
thượng hoàng cử động, mở rồi lại ngậm và trong cổ hình như có tiếng nói
vọng ra. Gia Khánh hoàng đế chú ý nghe nhưng chẳng nghe rõ được câu nào, chỉ thấy những tiếng tụng niệm rì rầm. Một lát sau ngài bỗng nghe thái
thượng hoàng quát lên một tiếng lớn!
- Kẻ nào đó?
Hoà Khôn ở bên cạnh, vội quỳ xuống hồi tấu:
- Cao Thiên đức, Cẩu Văn Minh.
Tiếp đó, Thái thượng hoàng lại tụng niệm rì rầm một hồi nữa, lấy tay khoát một cái, bảo Gia Khánh hoàng đế lui ra ngoài.
Gia Khánh không dám trái lệnh, đành rút lui. Nhưng hình trạng cổ quái của
thái thượng hoàng ngài đã nhìn thấy tận mắt nên hết sức nghi ngờ. Ngài
muốn hỏi mà lại chẳng dám.
Qua ngày hôm sau. Gia Khánh hoàng đế
lẻn tới hỏi Lưu tướng quốc. Nhưng ông này cũng bảo là không biết gì. Về
sau, ngài không chịu nổi nữa bèn tới hỏi Hoà Khôn, Khôn nói:
- Đây là mật chú của Lạt ma giáo. Khi đang niệm chú nếu có người gọi tên thì kẻ bị gọi tên đó chết ngay tức khắc.
Hiện nay Bạch Liên giáo đang sôi động bên ngoài, thần biết rằng thái thượng
hoàng niệm chú để giết chết tên thủ lĩnh của giáo này, cho nên lúc ngài
hỏi kẻ nào đó thì thần hồi tấu ngay hai cái tên của hai tên thủ lĩnh
Bạch Liên giáo.
Gia Khánh hoàng đế nghe xong, trong lòng hết sức sợ hãi.
Ngài tự nhủ Hoà Khôn hiện cũng biết những lời thần chú đó, cần phải thanh toán hắn càng lẹ càng hay.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT