Khang Hi hoàng đế thanh sắc đều oai tợn khiến Mãn triều văn võ đại thần
kẻ nào cũng sợ hãi. Đại học sĩ Trương Ngọc Thư bèn đem việc giao hảo
giữa Bát A Kha với bọn đại thần A linh A như thế nào và tự ý lập đảng ra sao, nhất nhất tâu rõ, Khang Hi hoàng đế nghe tâu, nổi trận lôi đình,
lập tức hạ chỉ bắt cả bọn đại thần này giao cho Khang Thân vương Xuân
Thái thẩm vấn định tội. Cùng với việc này, việc hoàng tử Dân Đê mời nhà
sư Đại Lạt Ma vào phủ dùng pháp thuật trấn ếm hồn phách của thái tử cũng bị bại lộ tùm lum…
Sở dĩ việc hoàng tử Dân Đê mượn người ếm thái tử đến phát điên bị hại lộ chỉ tại tên nội giám Vy Phượng tố giác. Vy
Phượng vốn là nội giám bên Đông cung, nhưng lúc đó được điều động sang
phủ Trực Quận vương làm sai dịch. Khi tên tiểu thái giám vừa cho hắn
biết chuyện, hắn tức khắc ngầm vào đại nội cáo biến.
Khang Hi
hoàng đế nghe được tin động trời này, lập tức hạ lệnh cho viên Nội đại
thần đem theo viên quan thị vệ, xông thẳng vào phủ Trực Quận vương, quỷ
không hay người không biết. Quả nhiên trong vườn hoa phía sau, họ đào
lên được một thằng bù nhìn bằng cỏ, trong ruột có viết chữ tên tuổi ngày sinh tháng đẻ của thái tử và ở giữa ngực có cắm sâu một chiếc đinh sắt, trên mặt thì bôi máu chó cùng khắp. Ngoài ra, lại có năm cái thân hình
quỷ quái cắt băng giấy cùng chôn một chỗ trong đám đất bùn.
Khang Hi hoàng đế nhìn thấy những dụng cụ trấn ếm, tức giận đến điên người,
giậm chân chửi bới om sòm. Ngài bèn hạ lệnh bắt cả số can phạm giao cho
Tôn nhân phủ thẩm vấn.
Ngài còn hạ chỉ cách hết chức tước của Bát A Kha Trực Quận vương, cấm cố vương ngay trong vương phủ, đem tất cả
đám nô bộc của vương thưởng cho hoàng tử thứ mười bốn là Dân Đề và đem
Đại Lạt ma Ba Hán Cách Long trục hồi Mông Cổ.
Mọi việc vừa xong
thì bệnh tình của thái tử Dân Nhung cũng vừa hết. Tư cách đúng mực ngày
trước lại trở về. Bởi thế, hoàng đế vẫn lập Nhung làm thái tử và vẫn để ở trong Đông cung như trước. Ngài lại giao triều chính cho thái tử giám
quốc để ngài lại đem một ban đại thần thân tín tuần du miền Giang Nam
lần thứ sáu.
Bọn hoàng tử thấy Dân Nhung lại được làm thái tử như cũ, kẻ nào cũng lấy làm ghen tức, nhưng chẳng làm gì được lúc này. Tứ
hoàng tử Dân Trinh vẫn theo kế hoạch cũ, kết thân với bọn đại thần, cung dưỡng bọn hiệp khách. Trong số đại thần phải kể đến Miên Canh Nghiêu,
Các lão Trần Thế Quan là hai người giao tình rất mật thiết với Trinh.
Hai vị Miên, Trần thường vào trong vương phủ. Bà phi tử Nữu Cô Lộc cũng
mười phần thân mật với Miên, Trần. Đôi khi bà phi Nữu cũng tới chơi nhà
hai vị này nữa.
Họ Miên có một cô vợ bé tên Tiểu Bình, rất xinh
đẹp, tính tình lại nhu thuận. Vương phi trông lấy làm yêu, lúc về nhà,
bà kể lại cho Ung vương nghe. Vương vốn hiếu sắc, nghe vương phi nói,
giận không có cách gì gọi Tiểu Bình tới phủ để xem mặt. Rồi lúc đó gặp
Miên đại tướng, vương bèn hỏi ngay chuyện Tiểu Bình, thêm vào khá nhiều
điều ngưỡng mộ ca tụng. Miên đại tướng quân lại cũng là tay hảo hán,
mười phần khẳng khái.
Bởi vậy, qua ngày hôm sau, người ta đã thấy một chiếc xe đưa Tiểu Bình vào phủ để hầu vương. Chỉ một việc này đủ
làm cho Ung vương cảm kích tấm lòng quý hoá của Miên đại tướng. Từ đó,
hai người giao tình càng ngày càng mật thiết thâm hậu.
Một trong những mỹ nhân tuyệt thế như vậy mà tại sao Miên đại tướng quân lại chịu buông nhẹ vào tay kẻ khác?
Trong việc này quả thực có một duyên cớ đặc biệt. Nguyên lai Miên đại tướng
quân rất ghét loại gái trông thì đẹp nhưng xài không khoái. Đại tướng họ Miên người chẳng những cao lớn lại còn to mập mỗi ngày nếu không có năm cô gái vạm vỡ hầu hạ thì không thể nào ngủ được. Do đó, bọn giai nhân
mỹ mạo đối với họ Miên bất quá chỉ để ngắm như nhìn một bức hoạ, chứ
thực ra ông ta không cần. Trong phủ, có nuôi mười cô thôn nữ Sơn Đông
luân phiên hầu hạ ông. Tiểu Bình tuy gọi là vợ bé nhưng đối với Miên đại tướng thì chẳng ăn nhằm gì, nên ông ta khẳng khái trao tặng cho Ung
vương.
Ung vương từ khi được người đẹp Tiểu Bình chẳng khác gì
được trân châu bảo ngọc. Vương một niềm sủng ái, ôm ấp ngày đêm, nâng
như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Vương phi Nữu Cô Lộc lúc đó lại có
bầu, vương gia tha hồ rỗi rảnh để phục vụ mỹ nhân, Ung vương tuổi chẳng
còn nhỏ gì mà con cái vẫn chưa có đứa nào, bởi thế ngày đêm mong mỏi bà
Nữu Cô Lộc sinh cho một cậu con trai. Lúc đó bà Trần Các Lão cung có bầu đồng thời với vương phi, nên hai người mỗi khi gặp nhau thường cười nói trò chuyện. Vương phi còn hứa hẹn nếu hai người sanh trai cả thì chẳng
nói làm chi, nhưng nếu sinh một trai một gái thì thế nào cũng thành sui
gia với nhau.
Bà Các lão Trần Thế Quan nghe câu chuyện này vội nói với vương phi:
- Thật chẳng dám! Bọn tôi chỉ là loại cỏ nội hoa hèn, đâu có dám sánh với dòng giống thiên thần của hoàng gia.
Câu chuyện trên đây bất quá chỉ là chuyện vui giữa bọn đàn bà với nhau
không ngờ kẻ nói thì vô tâm, nhưng người nghe lại hữu ý. Bà Trần Các lão cáo từ lui ra khỏi phủ thì vương phi cũng chạy vào nội thất. Mụ quản
gia của vương phi thấy không có ai trong phòng, vội nói nhỏ với vương
phi:
- Vương gia há chẳng thường oán nương nương không có con
trai đó sao? Ngài thấy nương nương chưa từng sinh được một trai nào nên
ngài đâm ra buồn chán, mặc sức thăm hoa hái cỏ bên ngoài. Già này có một kế xin hiến cho nương nương. Nếu phen này nương nương may mà sinh trai
thì khỏi phải nói, nhưng nếu sinh gái thì thiết tưởng nương nương lên
làm như vậy như vậy… Có thế mới không lo hỏng việc.
Bà vương phi nghe kể, gật đầu lia lịa khen hay. Tớ thầy hai người từ đó tâm đầu ý hợp, chỉ còn đợi lúc thuận lợi thi hành.
Lại nói Ung vương chỉ mưu đoạt ngôi thái tử, cho nên bên ngoài thì chiêu mộ rất nhiều những tay anh hùng hảo hán, còn bên trong triều đình thì kết
giao với những viên quan cao cấp như Trương Đình Ngọc, Long Khoa Đa,
Miên Canh Nghiêu, Trương Anh, Trần Thế Quan. Những vị này đều là bè đảng của vương, mỗi khi lui trào trở về đều tụ tập tại Ung vương phủ, thương nghị cơ mật đại sự.
Có một lần, Trần Thế Quan luôn ba ngày không tới khiến Ung vương bối rối không biết đường nào mà rờ. Nguyên lai Trần Thế Quan làm đến chức Các lão, tay nắm đại quyền của triều đình, cho
nên mọi việc Ung vương đều cần phải thảo luận với ông ta. Mãi tới ngày
thứ tư, Trần Các lão mới tới. Ung vương hỏi xem trong nhà có việc gì xảy ra thì ông ta vừa cười vừa nói:
- Chẳng dám giấu quý vị. Hạ quan đã ngũ tuần mà dưới gối vẫn còn không có trẻ làm vui. Hôm trước đây,
nội nhân của hạ quan đã nằm nôi. Nhờ hồng phúc của vương gia, nội nhân
sinh hạ được đứa con trai, bỏi vậy hạ quan phải ở nhà để lo liệu mọi
việc, thành thử bỏ bê bao nhiêu công vụ.
Mọi người nghe đoạn, ai
cũng quay mặt về phía Các lão chúc mừng. Sau đó, cả bọn ráp lại bàn bạc. Miên Canh Nghiêu lên tiếng trước.
- Hôm qua, vừa có tin báo từ
biên phòng cho biết binh mã của bạo Chúa Cát Nhĩ Đan đã tiến tới miền Ô
Chu Mục Tần. Hoàng đế xuất quan lần này chính là một cơ hội ngàn năm một thuở, thiết tưởng không nên bỏ lỡ.
Hội nghị tiếp tục bàn tính
thêm vài việc đại sự nữa rồi mới giải tân ra về. Khi Ung vương lui vào
nội thất thì vương phi Nữu Cô Lộc cũng từ trong phòng bước ra đón rước.
Vương thấy bà mang một cái bụng chình ình, bỗng nhớ đến câu chuyện của
Trần Thế Quan, liền đem việc sinh trai của bà Trần ra nói cho vương phi
nghe.
Vương phi nghe đoạn, trong lòng hết sức lo lắng. Bà nghĩ tới cái bầu của mình, chẳng biết sau này sinh trai hay gái.
Càng nghĩ, bà càng thấy lòng nóng ran như lửa đột. Bà ngầm đưa mắt cho mụ
quản gia. Mụ này sẽ gật đầu mỉm cười. Sau đấy không đầy ba hôm, Vương
phi nằm nôi, vương gia biết chuyện, vội cho người hỏi xem trai hay gái
thì bên trong báo ra bảo:
- Thật đáng mừng cho vương gia! Lại thêm một vị tiểu vương gia nữa rồi!
Ung vương nghe đoạn, mười phần vui vẻ. Các văn võ quan viên cung tới chúc
mừng. Qua ngày thứ ba, trong phủ vương gia có đặt tiệc, nhộn nhịp đến
bảy ngày mới hết. Trong dịp này, tất nhiên, các bà mệnh quan nhất tề tới vương phủ để thỉnh an vương phi… Theo tục kiêng cữ của vương phi, khi
đứa bé ra đời chưa đầy một tháng, không cho ai được thấy mặt, bởi vậy
các bà quan tới thăm đều không biết mặt ngang mũi dọc thằng bé thế nào.
Vương phi Nữu Cô Lộc sợ không thể tin cậy được người khác, nên mọi việc đều
phó thác cho mụ quản gia. Mụ này vốn tính khôn hơn người hơn nữa trong
nhà lại chỉ có một mình mụ ta với ngươi nhũ mẫu trông nom mọi việc tã
lót, vú sữa cho đứa bé nên câu chuyện hoàn toàn được giữ kín. Trong phủ
tuy có đến tám cung nữ hầu hạ vương phi nhưng chúng chỉ được ở trong
phòng chầu chực. Vương phi có vị đại phu tới coi mạch hốt thuốc điều
dưỡng. Hàng ngày lại có các bà quan tới nói chuyện giải buồn. Trong số
các bà quan thì bà Trần Các lão thân với vương phi nhất. Nhưng lúc đó,
bà Trần sinh chưa đầy tháng nên không thể tới vương phủ. Vương phi sốt
ruột, mỗi ngày ít ra cũng nhắc tới bà Trần ba, bốn lần.
Vương phi chờ đã chán chê mới đủ tháng thì không may bà Trần lại nhuốm bệnh nặng, không ra được khỏi cửa. Tin này càng làm cho vương phi nóng lòng sốt
ruột đến muốn phát điên lên, nhưng đành vậy, chẳng còn cách nào khác.
Thế rồi đến lúc đầy tháng, chính vương phi phải tự mình lên xe tới phủ
Các lão để thăm bà Trần. Bà Trần thấy Vương phi tới thăm mình bèn cho bế cậu bé ra cho xem. Thật là một đứa bé mặt mũi đầy đặn, da thịt trơn
trắng. Vương phi lấy làm mừng lắm, ôm vào lòng coi như một bửu bối độc
nhất vô nhị. Vương phi thương lượng với bà Trần cho các cơ thiếp xem
qua. Bà Trần trong lòng tuy không vui nhưng lại nể mặt Vương phi, đành
phải gật đầu. Thế là cậu bé được sửa soạn ăn mặc đàng hoàng.
Bà Trần cho người nhũ mẫu của con mình bế lấy, rồi lên xe, theo vương phi tiến vào phủ.
Nhũ mẫu bế cậu bé bước vào nội viên, tức thì có mụ quản gia trong vương phủ chạy ra đón lấy, bế lên nhà trên, còn dặn với nhũ mẫu ở nhà dưới chờ
đợi. Nơi nhà dưới, có khá nhiều các bà, các mụ, các thị nữ. Họ vây lấy
người nhũ mẫu, chuyên dài chuyện ngắn huyên thiên. Họ còn đem rượu thịt
mời mọc ăn uống. Mãi tới chiều, nhũ mẫu đã chếnh choáng say. Rồi mụ quản gia bế cậu bé trở ra, trên mặt phủ chiếc khăn vàng có thêu đôi rồng
bằng gấm. Nhũ mẫu giơ tay đón lấy cậu bé ẵm vào lòng, định giở tấm khăn
vàng lên xem nhưng mụ quàn gia vội ngăn lại, bảo tiểu quan nhân đã ngủ
say và giục bế ngay về nhà. Một thị nữ bưng ra một cái tráp nhỏ và một
gói bạc bảo để thưởng cho nhũ mẫu. Cái tráp đó do vương phi tặng cho cậu bé làm lễ kiến diện. Nhũ mẫu được bạc rồi, trong lòng vô cùng sung
sướng, lên xe trở về.
Khi cậu bé về tới nhà, bà Trần Các lão thấy con mình ngủ say, vội đỡ lấy để nhẹ xuống giường. Bà mở cái tráp nhỏ ra xem, bỗng giật mình sợ hãi, vì thấy bên trong có mười hạt Đông Châu lớn bằng hạt nhãn, sáu viên hột xoàn, rồi nào là hổ phách, nào là ngọc mắt
mèo, nào là xuyến, nào là vòng bảo thạch. Tất cả những thứ này đều là
bảo vật cực quý trong đại nội. Nhưng đáng chú ý hơn cả là một cành trâm
pha lê thuý, một cành trâm nữa bằng dương hi bạch ngọc và còn đến hai
chục đôi vòng tai bằng chân tứ phi thuý bảo thạch. Lễ kiến diện như vậy
kể sơ cũng phải tới trăm vạn lạng bạc.
Bà Trần Các lão xem xong rồi nói:
- Bà vương phi cho chú bé nhà mình là con gái hay sao mà thưởng trâm và
vòng như thế kia? Chẳng lẽ chú bé nhà mình chải tóc kỳ đầu lại đeo vòng
tai? Quả thực buồn cười nhỉ?
Nhũ mẫu nói tiếp:
- Cỏ lẽ vương phi kỹ lưỡng quá cho nên trâm vòng để sau này cậu bé nhà mình lớn lên lấy vợ dùng làm sính lễ hẳn?
Giữa lúc hai người đang hí hửng cười nói với nhau, thì cậu bé trên giường
tỉnh dậy khóc vang lên. Nhũ mẫu vội chạy lại bế, chợt nghe miệng mụ ta
la lên một tiếng: "Ối chao!" hoảng hốt. Bà Trần giật nẩy mình, vội chạy
ra xem, cũng kêu lớn một tiếng: "Kỳ quái" và khóc rống lên:
- Con tôi đâu mất rồi? Trời ơi là trời!
Tiếng kêu khóc của bà Trần chẳng mấy lúc đã làm hoảng hết cả mọi người trong
phủ. Họ vội chạy tới thăm hỏi. Các lão Trần Thế Quan lúc đó đang tiếp
khách tại nhà trên, bỗng thấy đứa tiểu đồng hối hả xông vào sảnh, bất
chấp cả khách, miệng thở hổn hển nói bà có việc xin mời ông vào nhà
trong.
Trần Thế Quan trừng mắt nhìn đứa tiểu đồng. Khách thấy thế cáo từ ra về. Các lão đứng lên tiễn khách xong, mới quay vào nhà trong
vừa chạy vội vừa hỏi:
- Xảy ra chuyện gì mà hối hả quá vậy?
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT