Ông lão đầu râu tóc bạc thấy Đậu Nhĩ Đôn giơ thắng cánh giáng quyền vào
ngực mình, song ông không thèm đỡ mà cũng chẳng thèm tránh. Đậu Nhĩ Đôn
càng hăng tiết, đấm luôn một hơi ba đấm. Điều kỳ quái đối với hắn là ông lão vẫn ngồi yên như chẳng có chút gì tỏ ra đau đớn hoặc sợ hãi. Bọn
huynh đệ của Đôn đứng đằng sau thấy chuyện lạ, mặt ngây ra tỏ ý hoảng sợ hết sức, Đôn mắc cỡ quá vội đem bọn huynh đệ rút lui, mặt tên nào tên
nấy teo lại như cái bị rách. Ông lão sau đó cũng thu lượm đồ đạc rồi
quay về khách điếm an nghỉ.
Nửa đêm hôm đó, giữa lúc ông lão đang ngủ say, có một bóng người nhảy vù từ bên ngoài qua cửa sổ vào phòng.
Khi vừa đặt chân vững phía trong, cái bóng đen tay cầm chắc con dao nhọn hoắt, nhè đầu ông lão chém mạnh xuống một nhát, tiếng dội lên nghe chát chúa. Có ai ngờ được cái bóng đen chém như vậy mà ông lão kia vẫn thản
nhiên nằm ngủ như không có chuyện gì xảy ra, tiếng ngáy nghe như sấm.
Tên thích khách bị một phen hoảng hồn, đứng thộn người ra.
Mãi
một lúc sau ông lão mói dần dần tỉnh lại, mở mắt thấy Đậu Nhĩ Đôn còn
đứng ngây người ở trước giường bèn nói với một giọng bình thản:
- Thằng bé nào ở đâu tới phá giấc ngủ của ông nội nó đó?
Đậu Nhĩ Đôn đến lúc này đã quá sợ, hai chân mềm ra như bún, vội quỳ phịch
xuống đất miệng khấn cầu ông lão nhận hắn làm đồ đệ. Ông lão lúc đầu ngơ đi, chẳng thèm trả lời. Đôn tái tam khẩn cầu, đập đầu lia lịa dưới đất, lúc đó ông lão mới khứng chịu. Thế rồi hôm sau ông lão mang hắn đi, và
từ đó, người ta còn trông thấy Đậu Nhĩ Đôn ở đất Tế Nam nữa.
Năm
năm sau, lại thấy Đậu Nhĩ Đôn trở về với một cô vợ tuyệt đẹp. Người Tế
Nam ai cũng nhận ra đó là cháu gái của ông lão đầu râu tóc bạc ngày nọ.
Ông lão này họ Thạch, vốn là bộ tướng của vị tướng quân nhà Minh Trương
Thương Thuỷ. Người con gái đó là cháu ngoại của ông. Sau khi Trương
tướng quân thua chạy, ông bèn đem hai người con gái, giả danh mãi võ để
triệu tập anh hùng hào kiệt bốn phương mong khôi phục lại Minh triều.
Thế rồi khi gặp Đậu Nhĩ Đôn xin nhập môn làm đồ đệ, ông bèn mang cà một
kho võ nghệ truyền thụ cho Đôn. Ông còn đem cả cô cháu gái gả cho Đôn
nữa, và khuyên Đôn từ nay về sau nên ăn ở sao cho trở thành người tốt.
Ông cũng không quên giao cho Đôn nhiệm vụ chiêu tập bọn huynh đệ ở quê
nhà để chờ cơ hội mà phục thù cho Minh triều.
Khang Hi hoàng đế
Nam tuần chuyến này có qua địa phận Tế Nam. Đôn cho rằng cơ hội đã tới
bèn đưa vợ con vào ẩn tạm trong rừng sâu rồi ngay đêm hôm đó, dùng khinh công dạ hành nhảy vào hành cung định hành thích vua Thanh.
Trong khi rình mò, Đôn thấy phía sau viện có con ngựa Xích Ký tốt quá. Đôn
vốn tính thích ngựa coi ngựa tốt như mạng mình nên khi thấy đã bèn tính
đánh trộm trước đã rồi sau sẽ hay. Con ngựa thấy có người tới trộm giật
mình hí vang trời và cấp đá tứ tung. Bọn thị về vội vã chạy ra xem thì
chỉ kịp thấy Đôn đã nhảy lên lưng phóng nước đại như bay, thoắt một cái
đã xa đến mấy dặm rồi. Đôn đem ngựa vào giấu mãi tận trong rừng sâu xong mới ra ngoài thành lần nữa, nhưng Khang Hi hoàng đế đã đăng trình về
phía Tô Châu rồi.
Thuyền của nhà vua qua Đan Dương, Thường Châu,
Vô Tích, đều không đậu bến nào. Đúng ngày hai mươi sáu tháng mười thì
Khang Hi hoàng đế tới Hữ Dã quan tỉnh Tô Châu. Quan tuần phủ Giang Tô là Thang Bân đem tất cả nha lại ra tiếp giá. Khang Hi hoàng đế cưỡi ngựa
đi qua cửa thành, dân chúng trăm họ quỳ hai bên đường phố nghênh đón.
Nha vua truyền lệnh bảo dân chúng đứng lên. Khi thấy ông già bà cả, trẻ
nít con côi, nhà vua nhảy xuống ngựa, lại gần hỏi han. Ngài đi bộ tới
cầu tiếp giá, trước chùa Thuỵ Quang, ngồi nghỉ chốc lát, rồi có quan
tuần phú dẫn lộ vào xem một xưởng dệt.
Hồi đó có một vị tên gọi
Tổng Mục Trọng đã từng làm phủ đài tỉnh Giang Tô, nay đã cáo lão về vườn hiện ẩn cư tai thành Tô Châu. Nhà vua bỗng nhớ tới ông, vội cho người
đi kiếm ông tới hành cung để trò chuyện giai khuây. Qua ngày hôm sau,
nhà vua sai bọn nội giám đưa biếu họ Tống bốn con dê sống, tám con gà
trống thiến, tám cái đuôi hương lộc, hai mươi bốn bao thịt nai khô và
bốn bao cá khô. Ngài lại còn truyền chỉ bảo họ Tống cách nấu đậu hũ để
cho ông lúc về già lấy kế sinh nhai.
Qua ngày thứ ba, quan tuần
phủ tới hành cung thỉnh an nhưng từ phía trong truyền ra bảo thánh cung
không được khoẻ , nhất thiết quan nha miễn vào bái kiến. Thực ra đó chỉ
là lời thoái thác, chứ hoàng đế có đau yếu gì đâu. Ngài đã từ sáng sớm
đi cùng tên thị vệ thân tín lẻn xuống một chiếc thuyền con vào trong các thôn xóm hoặc thị trấn du ngoạn rồi.
Có một hôm, thuyền của nhà
vua cập bến cầu Thất Lý, trong vòng thành huyện Hoa Đình. Khang Hi hoàng đế bước lên bờ thấy một quán rượu cất ngay bên cạnh cầu, tên tiểu nhị
đang đứng bên quầy hàng. Ngài bèn thả bộ vào quán.
Tiểu nhị chạy
lại hỏi khách. Ngài bảo lấy ba xị rượu rồi ngồi một mình độc ẩm. Một lúc sau, thấy khách trong quán đã lui hết, ngài bèn gọi tiểu nhị lại ngồi
cạnh hầu chuyện. Ngài hỏi tên tiểu nhị:
- Người làm ăn vất vả cả ngày như vậy, tiền công được bao nhiêu?
Tên tiểu nhị đáp:
- Công xá của bọn tôi ít ỏi lắm. Bọn tôi chỉ nhờ vào chút tiền thưởng khi bán rượu mới đủ sống. Thực ra số tiền thưởng này góp nhóp lại kể cũng
khá. Nhưng từ khi Kim đại lão gia đáo nhiệm tới nay thì ngài quyên thu
hết, khiến bọn tôi chẳng còn được một cắc tiền thưởng nào nữa. Hiện nay
bọn tôi chỉ còn nhờ vào số tiền công mạt rệp này nên không biết lấy gì
độ nhật đây.
Nói xong, tiểu nhị thở dài, tỏ vẻ chán nản. Hoàng đế cúi đầu để suy nghĩ điều gì đó. Lát sau bỗng ngài hỏi tiểu nhị.
- Trong thành này, có vị quan nào lớn hơn viên quan huyện không?
Tiểu nhị đáp:
- Mấy hôm nay nghe nói có đức vạn tuế ngài tới, nên tỉnh phái một vị đề đốc đại nhân đem quân đến đây để bảo vệ.
Khang Hi hoàng đế biết vậy, liền bảo tiểu nhị lấy bút đem lại Ngài viết mấy
chử xong đóng cái dấu nhỏ rồi bỏ vào bao thơ dán kín. Ngài gọi tiểu nhị
bảo:
- Người đem bao thơ này tới nha môn của quan đề đốc. Ta với
quan đề đốc vốn chỗ bạn thân. Một khi bao thơ này đến tay ngài, ta tin
chắc bọn ngươi khỏi phải đóng tiền quyên nữa.
Tiểu nhị nghe bảo,
nhưng đời nào dám làm theo. Về sau viên chưởng quỹ thay hắn liều mạng ra đi. Đặt chấn tới cổng nha môn của quan đề đốc, viên chưởng quỹ thấy bọn sai nha tàn ác dữ tợn mà phát hoảng. Y còn hoảng sợ hơn khi chúng hỏi y tới có việc gì. Viên chưởng quỹ lật đật thò tay vào trong bọc, rút bao
thơ ra, tay run run đưa cho chúng. Bọn nha lại thấy chỉ là một bao thơ
thường nên nhận xong rồi ném đại vào trong phòng. Viên chưởng quỹ thấy
bọn chúng xem thường vội bảo người khách đưa thơ cần hồi âm ngay. Bọn
sai nha vẫn bất chấp, chẳng thèm để ý. Tên Chưởng quỹ vật nài, ba bốn
lần nữa thì vừa may một vị nhị gia từ bên trong bước ra. Bọn sai nha bèn đưa bao thơ cho vị này để đưa vào cho quan đề đốc.
Bao thơ đưa vào trong, chỉ một lát sau bỗng mọi người nghe ba tiếng pháo nổ vang trời. Tức thì cửa chánh môn mở toang.
Đề đốc đại nhân đích thân le te chạy ra tiếp đón viên chưởng quỹ vào trong một cách vô cùng trịnh trọng. Bọn sai dịch lúc nãy đứng hai bên mặt mày ngơ ngác, miệng há hốc chẳng hiểu sự thể ra sao. Quan đề đốc vội vàng
đốt đèn nhang sáng rực cả công đường. Ông đặt bao thơ lên trên hương án, rồi đứng ngay ngắn phía trước làm lễ Tam quy cứu khấu. Lễ xong,
ông quay lại chắp tay trịnh trọng lạy viên chưởng quỹ ba lạy. Viên
chưởng quỹ chẳng hiểu ra sao, vội quỳ xuống đáp lễ mãi không thôi. Quan
đề đốc, sau đó cho người đi gọi ngay viên tri huyện Hoa Đình. Viên tri
huyện chẳng biết chuyện gì vội vàng đội nón mặc áo, leo lên kiệu, tức
tốc ra đi. Quan đề đốc vừa thấy mặt Kim tri huyện bỗng sa sầm nét mặt,
hét một tiếng "Quỳ xuống nghe chỉ". Kim tri huyện hoảng hồn bạt vía, vội nằm bò xuống đất không dám động cựa.
Quan đề đốc bước tới vài bước, cầm bao thơ mở ra tuyên đọc:
"Tri huyện Hoa Đình Kim Vũ, hối lộ tham nhũng khiến dân hết đường sinh sống, nên Trẫm giao cho quan đề đốc bối xích lại ngay và đợi chỉ. Khâm thử".
Kim tri huyện chưa nghe hết, mặt hắn đã xám ngoét như cục đất thó. Bọn sai
nha được lệnh, trước hết lột mũ, rồi sau mới còng tay và đẩy tắp vào nhà lao.
Hạ ngục viên tri huyện xong quan đề đốc bắt đem kiệu tới,
leo lên ngồi trên, cho cả viên chưởng quỹ cùng ngồi, chạy như bay tới
cầu Thất Lý. Nhưng khi quan đề đốc bước vào tửu điếm thì hoàng đế đã ra
đi từ lâu. Quan đề đốc vội truyền lệnh cho các pháo thuyền khắp nơi đều
phải đuổi gấp để bảo vệ nhà vua. Ngự thuyền chỉ là một chiếc thuyền nhỏ, mà pháo thuyền lại thuộc loại lớn kềnh càng đồ sộ cho nên quan đề đốc
tìm kiếm mất mấy ngày phí công mà vẫn chẳng thấy, trái lại, chỉ làm cho
địa phương này náo động lên một phen mà thôi.
Khi Khang Hi hoàng
đế đến Tô Châu, bọn quan lại ở đây mới biết rằng ngài vừa mới du hành ra ngoài, ông nào ông nấy lũn cũn chạy tới hành cung thỉnh an. Ở lại ít
hôm, hoàng đế lúc đó mới trở gót về kinh, khi đi qua Giang Minh, ngài
bỗng sực nhớ tới quan chức Tào Dần, bèn truyền dụ cho Dần tới tiếp giá.
Dần đưa ngài về Nha môn Chức tạo. Dần vốn là một quan viên sai khiến của nhà vua, điều lý các việc. Hoàng đế đãi ngộ Dần như một vị thân thần.
Mẹ của Dần là Tôn thị, lúc trẻ cũng có vào cung.
Sau khi tiếp
giá, Tào Dần và hoàng đế trò chuyện vui đùa y như người trong nhà. Hoàng đế lại còn triệu bà Tôn thị ra mắt ngài, rồi cả đến bọn cháu chắt thảy
đều được ban thưởng rất nhiều tài vật. Ngài lại viết ba chữ "Huyện thuỵ
đường" để thưởng cho Dần.
Dần có cái vườn hoa rất lớn. Hoàng đế ở lại đây vài hôm nữa rồi xa giá mới thẳng về Bắc Kinh.
Trong khi vua cha Khang Hi Nam tuần thì thái tử Dân Nhung ở nhà Giám quốc
được yên ổn, không có chuyện gì xảy ra. Nhưng vốn là một "con mọt sách", suốt ngày chúi mũi vào đống sách, cho nên việc triều chính thẩy đều phó mặc bọn đại thần, thân vương bối lặc lo liệu, duy chỉ có hoàng tử Dân
Trinh, vì thấy vua cha tuần du khỏi kinh thành, càng ngày càng tỏ ra
phóng túng bạt mạng, chẳng đếm xia gì tới luật pháp. Bỗng một hôm, thái
tử Dân Nhung ra Nam Uyển đi săn, ngẫu nhiên thấy một đội thị vệ cưỡi
ngựa từ phía Nam chạy tới, hộ tống một chiếc xe, phía trước có rất nhiều nghi trượng lại có cả bọn sư Lạt ma cầm pháp khí đi trước dẫn đường.
Thái tử tưởng lầm là Khang Hi hoàng đế đã trở về, vội chạy lại đón giá.
Chẳng ngờ người ngồi trên xe chỉ là tứ hoàng tử Dân Trinh. Nhung lấy làm bực lắm, song lại nghĩ tới tình nghĩa anh em nên đành tránh ra bên cho
đoàn xe ngựa của Trinh đi qua.
Đợi đến Khanh Hi hoàng đế về
triều, thái tử Nhung diện kiến vua cha mới đem việc tứ hoàng tử mạo dung nghi trượng hoàng đế tâu lên. Hoàng đế nghe xong tức giận lắm, liền
phái người tới thu hết đồ nghi tượng, lại còn gọi Dân Trinh vào cung,
chửi mắng cho một trận nên thân.
Bị một mẻ chua cay tứ hoàng tử
Dân Trinh hậm hực oán hận lắm, về nhà thu xếp hành lý, đem thêm mấy tay
võ sư, ra khỏi kinh thành, chạy thẳng về hướng Tây Nam.
Trong lúc đi đường Trinh bảo với bộ hạ là cả bọn quyết đi đất chạy bộ chứ nhất
định không dùng xe dùng ngựa, như thế một là để tập luyện gân cốt, hai
là để tìm kiếm anh hùng hảo hán ở dọc đường. Trinh cùng bộ hạ đi đến
chân núi Trung Sơn vào trọ trong lữ điếm thì lúc đó trời cũng vừa tối.
Bọn võ sư cùng bọn thị vệ thấy trăng trong gió mát nên ngồi cả trước
thềm để vừa ngắm trăng vừa nói chuyện vãn với nhau, Trinh một mình ở
trong phòng buôn quá, bèn lẻn ra ngoài tản bộ.
Về phía đông lữ
điếm có một khu rừng tùng, trăng chiếu ánh lung linh. Dưới mặt đất, bóng trăng không chiếu tới được nên hình ảnh mập mờ. Trinh khoanh tay, từ từ bước tới cạnh khu rừng. Bỗng tai Trinh nghe có tiếng gió lộng vù vù.
Trinh gấp rút đi tới và vòng một vòng ra trước thì thấy trên một khoảng
đất trống về mé đông khu rừng có một nhà sư tay cầm thiền trượng đang
múa tít loang loáng dưới trăng.
Trinh xem nhà sư múa một lát cảm
thấy chân tay ngứa ngáy nên liền tuốt yêu đao, xông vào vòng chiến. Nhà
sư thấy có người đánh trả mình bèn múa cây thiền trượng vèo vèo lúc ẩn
lúc hiện như một con rắn vây bọc lấy đối thủ. Trinh đem hết tài nghệ
luyện tập lâu nay ra ứng phó, nhưng đánh đã một lúc lâu mà vẫn không tìm được cách nào để hạ thủ.
Rồi thủ pháp của Trinh mỗi lúc thêm bấn loạn, tay chân Trinh đã có phần tên mỏi rã rời, trong lúc đó cây thiền
trượng của nhà sư càng lúc càng nhanh, càng lúc càng bám sát lấy Trinh.
Trinh thấy thế giật mình biết nhà sư này chẳng phải tay vừa.
Trong lúc Trinh còn đang suy nghĩ để so đo đánh giá thì cây thiền trượng đã
như một trái núi Thái Sơn từ trên cao vụt tới chỉ cần nghe tiếng gió
cũng đã nghe ghê hồn rồi.
Trinh hoảng quá, vội nhảy lùi ra sau
mấy bước, rồi bỗng quỳ xuống đất miệng kêu: "Xin sư phụ tha mạng". Nhà
sư thu cây thiền trượng, hồ hố cười lớn đoạn quay mình tới gốc cây tùng
lượm gói đồ lên, co chân phóng đi. Trinh đời nào chịu bỏ, vội đuổi theo. Khi tới gần, Trinh vội ôm cánh tay nhà sư, khẩn khoản xin nhà sư cho
làm đệ tử. Nhà sư nghe lời Trinh có vẻ thực thà, liền nhìn Trinh từ đầu
tới cuối rồi gật đầu ưng chịu.
Trinh như mở cờ trong bụng, vội
quay về khách điếm kể lại cho bọn tuỳ tùng nghe mọi việc vừa xảy ra rồi
bảo chúng quay trở về kinh chờ đợi. Còn Trinh thì theo chân nhà sư ra
đi. Hai thầy trò ngày đi đêm nghỉ, trèo núi vượt đèo, trải qua không
biết bao nhiêu đường đất. Bình sinh Trinh đâu phải nếm cảnh gian lao khố cực như thế này nhưng vì muốn học tập bản lãnh, cho nên đành phải nhẫn
nại chịu đựng. Hai người đi như vậy đã nhiều ngày bỗng một hôm tới một
ngọn núi cao. Thầy trò cùng trèo lên. Khi tới được đỉnh núi thì Trinh đã mệt nhoài, mồ hôi ra như tắm. Nhà sư co chân bước những bước vừa cao
vừa dài tới một chóp núi. Một toà miếu lớn hiện ra, mé trên cửa treo tấm biển viết ba chữ lớn: "THIẾU LÂM TỰ". Mãi lúc đó Trinh mới rõ sự thể,
và từ đó về sau Trinh theo sư phụ, cùng bọn sư huynh sư đệ ngày ngày
luyện tập.
Trinh sống với bọn đồng môn nơi đây mười phần hoà
thuận. Có kẻ hỏi Trinh lai lịch quê quán thì Trinh chỉ bảo mình quê ở
Bảo Định Phú còn câu chuyện hoàng tử, hoàng cung Trinh tuyệt đối giữ kín không cho ai hay. Trinh có tật xấu là ăn quá nhiều khiến bọn đồng môn
ai cũng cười Trinh và đem sánh với vị sư phó trước đây.
Vị sư phó của họ tên gọi Chính Giác. Lúc mới tới chùa, Chính Giác chỉ là một nhà
sư nấu bếp. Chính Giác ăn quá nhiều. Mỗi lần cùng ăn cơm với bọn đồng
môn, Chính Giác ăn không được no, chỉ lưng lửng phần nào, miệng còn chép chép muốn ăn thêm. Bởi vậy, Chính Giác tính chuyện trộm đồ ăn thừa còn
lại trong bếp đem giấu trong một khẩu chuông cổ bỏ đã lâu đời đằng sau
viện, để lúc vắng người ra đó ăn thêm. Khẩu chuông cổ này bằng đầu
người, nặng có tới ngàn cân, vứt ở trong xó viện đã từ lâu lắm, không ai có thể xê dịch nó nổi. Chính Giác trời sinh có một sức mạnh như thần.
Ông nâng lên đặt xuống khẩu chuông như cầm bát cơm vậy. Về sau, nhà sư
trông coi việc bếp nước thấy hôm nào cũng mất đồ ăn, bèn len lén điều
tra. Nhà sư này theo dõi Chính Giác tới sau viện thì bắt được quả tang
Chính Giác đang nhấc bổng khẩu chuông lên để đặt gói đồ ăn trộm ở nhà
bếp vào trong. Thế là chuyện vỡ lớ. Mọi người ai nấy đều ngạc nhiên. Vị
hoà thượng trụ trì cho gọi Chính Giác tới, khuyên không nên lấy trộm cơm nữa, và hứa cho ăn thả cửa, thật no đủ thì thôi. Hoà thượng trụ trì lại hỏi Chính Giác có một thần lực như vậy, tại sao không đi đầu quân phò
vua giúp nước thì Chính Giác đáp:
- Đệ tử nghe nói trên núi Nga
Mi có một vị Thái sư phó tinh thông quyền thuật. Môn bách bác thần quyền của ngài được coi vô địch. Nhưng ngài chỉ chuyên truyền thụ cho đệ tử
Phật môn mà thôi. Đệ tử không có vị hoà thượng trụ trì tên tuổi nào giới thiệu cho nên ngài chẳng chịu thu nhận. Nay sư phó cấp cho đệ tử một
phong thư giới thiệu giúp đệ tử tới núi Nga Mi học thành tài trở về, đệ
tử không bao giờ dám quên đại đức của sư phó.
Vị hoà thượng trụ
trì thấy Chính Giác thành tâm cầu học, nên viết ngay bức thư giới thiệu. Chính Giác cầm thơ đi thẳng tới núi Nga Mi, mãi tám năm sau mới về thì
vị trụ trì đã mất. Thế là toàn thể tăng ni trong chùa tôn Chính Giác lên làm trụ trì.
Nhà sư Chính Giác, quyền pháp quả thực cao cường,
thiên hạ đều biết tiếng. Số môn đệ tới Chùa xin lãnh giáo, tăng có, tục
có lên tới hơn một ngàn người, người nào người nấy đều được Chinh Giác
hoà thượng tận tâm chỉ bảo. Hoàng tử Dân Trinh hồi đó cũng theo bọn môn
đệ cố công luyện tập. Tạo luyện hơn một năm ròng rã, Trinh đã lãnh hội
được môn bách bát thần quyền. Trinh bèn xin sư phó trở về nhà.
Sư phó Chính Giác gật đầu, và sau đó cho gọi 108 nhà sư môn đệ vây Trinh vào giữa để hai bên tỷ đấu quyền thuật.
Đứng trước 108 địch thủ Trinh không hề có chút sợ hãi. Trinh phải lần lượt
đấu hết người này tới kẻ kia. Bọn địch thủ đấu càng về sau càng hung dữ
khiến Trinh phải đem hết công lực và tài nghệ chống đỡ mới thoát hiểm.
Cuối cùng Trinh đã đánh lui được đủ 108 người sát hạch mình.
Theo quy lệ của chùa Thiếu Lâm thì hễ ai nhập môn vào chùa đều phải có lệ
nghinh tống (đón rước và tiễn đưa): khi vào chùa, được học nghề, phải
bốc nổi cái chuông đã đặt ở ngay trước cổng rồi cố sức mang được vào bên trong thì lúc đó mới được thu lưu. Kẻ nào không làm nổi thì nhà chùa
nhất định không nhận. Rồi đến khi học đã thành tài muốn ra khỏi chùa để
hạ sơn, bắt buộc phải qua ba từng cổng. Cống thứ nhứt có tám vị hoà
thượng tay cầm dao chực sẵn. Đánh thoát được cổng thứ nhất mới tới cổng
thứ hai. Cổng này có tám vị hoà thượng tay cầm gậy chực sẵn. Đánh thoát
được cổng thứ hai rồi lại còn cái cổng chót, là cống thứ ba. Cổng thứ ba có tám vị hoà thượng đứng chờ, không có binh khí, nhưng dùng quyền cước tấn công, tám vị hoà thượng này đều là những tay võ có bản lĩnh cao
cường, quyền pháp tinh thông, thoát khỏi được không phải là chuyện dễ.
Người muốn ra phải theo ngưỡng cửa mà ra. Bởi vậy, Dân Trinh đã muốn hạ
san, ắt không thể nào không theo qui củ của nhà chùa. Trinh bèn tung
mình qua từng cửa thứ nhất, may sao tránh được đao của bọn hoà thượng.
Qua từng cửa thứ hai Trinh đang tìm cách thoát đi, thì vừa lúc ngoài sơn môn chạy tới một đám đông thị vệ và nội giám. Bọn người này chính là
bọn thủ hạ của Trinh trở lại tìm chủ. Đến lúc đó, cả bọn tăng tiểu trong chùa mới biết Trinh là một vị hoàng tử. Nhà sư trụ trì bèn quát bảo mọi người lui ra rồi đích thân đưa Trinh ra khỏi chùa.
Theo ý của Dân Trinh thì nhất định phải đánh phá cho kỳ được ba từng cửa mới ra. Nhưng hoà thượng Chính Giác không cho, còn nói:
- Đường đường một vị hoàng tử, con không nên quá cố chấp và liều lĩnh.
Khi tạm biệt, hoà thượng Chính Giác tặng Trinh một cây thiền trượng bằng sắt, bảo để dùng làm kỷ vật về sau. Lại nói:
- Bản lãnh của hoàng tử đã có thể tung hoành thiên hạ. Nhưng nếu gặp nữ nhân, nên đặc biệt cẩn thận đề phòng.
Dân Trinh nhất nhất lĩnh hội, rồi cáo biệt xuống núi. Khi về tới vùng Sơn
Tây ngụ tạm trong khách điếm, bỗng nghe có tiếng quát tháo om sòm bên
ngoài. Trinh cho người chạy ra hỏi xem, mới biết một tên đại hán đang
muốn đánh chết một người nào đó, trong khi khách qua đường xúm lại cố
khuyên hắn bớt giận. Tên đại hán ấy chẳng những không nghe ai mà còn
quát lớn:
- Ta vốn là võ sư của đương kim điện hạ. Nếu ta có gây ra án mạng thì đã có điện hạ của ta lo liệu chứ ta đâu có sợ gì.
Lời nói hách dịch đó quả đã khiến Dân Trinh cả giận. Trinh cầm cây thiết
trượng chạy tới, thì một cảnh tượng vừa thương tâm vừa đáng giận hiện ra trước mắt. Trên mặt đất, Trinh thấy một người nằm cong queo giữa đường, đầu vỡ máu chảy lênh làng, chết tự bao giờ. Đứng phía trước là một tên
đại hán, một tay chống nạnh, tay kia chỉ vào thây người chết, mặt hầm
hầm giận dữ, miệng bô bô chửi rủa. Chung quanh, một số đông khách qua
đường xúm lại tạo thành một cảnh vô cùng huyên náo.
Hoàng tử Dân Trinh đẩy đám đông lách vào trong rồi tiến lên hỏi tên đại hán. Không ngờ, hắn càng làm tàng, gân cổ nói phách:
- Lão gia đây muốn đập chết đứa nào thì cứ đập. Lão gia đang chờ đứa nào
tới vuốt râu cọp. Mi liệu có ba đầu sáu tay không mà dám nhảy vào hỏi
lão gia?
Dân Trinh chưa nghe tên đại hán nói hết câu, máu hoả đã
bốc cao ngút, liền cất cao cây thiền trượng múa một vòng rồi đập mạnh
vào sọ hắn. Một tiếng "bốp" vang lên, tức thì tên đại hán ngã quay đơ ra đất, đầu vỡ, máu vọt ra có vòi, nằm ngất lịm như kẻ chết rồi.
Cảnh tượng xảy ra quá đột ngột khiến bọn chưởng quỹ, tiểu bảo trong khách
điếm sợ hãi cuống cuồng, ùa nhau chạy tới nắm lấy áo Dân Trinh không
chịu buông. Trinh bèn cho một tên thị vệ theo bọn tiểu bảo tới huyện nha thụ lý bản án, còn mình thì rời khỏi địa phận Sơn Tây trở về Bắc Kinh.
Khi về tới nhà, Dân Trinh thấy có một số đông kiếm khách và Lạt ma tăng tới thăm hỏi. Nhân lúc vui tiệc, Trinh cho mọi người nghe chuyện mình đánh
chết tên võ sư như thế nào. Bỗng một vị Lạt tăng trong cử toạ lên tiếng
nói:
- Không xong rồi! Võ sư đó vốn là một tên tâm phúc của thái
tử. Gia đình hắn có chuyện nên xin thái tử về quê ở Sơn Tây. Nay hắn bị
chủ tử đập chết, thái tử đời nào lại chịu bỏ qua mà không can thiệp chứ?
Dân Trinh nghe xong, chẳng thèm để ý, liền quát bảo lấy thêm rượu. Hôm đó
uống quá nhiều, Trinh say bí tỉ. Bọn thị vệ phải xúm lại khiêng vào
phòng trong. Ngủ một giấc mãi tới nửa đêm Trinh mới tỉnh lại, miệng khát đòi nước.
Tên thị vệ vội dâng chén nước sâm. Trinh đang định giơ tay đỡ lấy thì bỗng thấy từ ngoài cửa sổ một đạo bạch quang bay vụt vào chạm ngay giữa song cửa đánh rầm một tiếng, rồi lại quay vút ra ngoài.
Trinh vội tuốt lẹ cây bảo kiếm đeo bên hông tên thị vệ. Vừa định chạy
ra, bỗng thấy một vị Lạt ma hối hả chạy vào, tay lắc lắc ra dấu, miệng
thầm bảo Trinh:
- Bên ngoài đang kịch chiến ác liệt, hoàng tử hãy coi chừng.
Trinh vội lôi tên thích khách từ đâu tới thì vị Lạt ma tăng lắp bắp nói được
hai tiếng: "Thái tử", rồi im bặt. Một đạo bạch quang lóe sáng như điện
chớp lại từ bên ngoài cửa sồ bay vút vào, tạo thành một chuỗi âm thanh
ghê rợn. Một tiếng "phập" chát chúa vang lên. Trinh vội nhìn vào chỗ
phát ra âm thanh thì đó là một cây bảo kiếm bị ném đã cắm sâu vào thành
giường cán còn lắc lư rung động, lưỡi kiếm phát ra những luồng sáng xanh lóe đến lạnh người. Vị Lạt ma tăng vội nắm áo Trinh kéo sang một bên,
đồng thời thổi tắt hết đèn đóm trong phòng.
Bên ngoài, gần khắp
cả khuôn viên, tiếng binh khí chạm nhau loảng xoảng chứng tỏ cuộc so
gươm đấu chưởng kinh hồn đang diễn ra. Một lúc lâu sau người ta mới thấy tiếng binh khí xa đi và mất dần.
Lúc này trời đã sáng và Trinh
cũng đã tỉnh rượu. Trinh bèn mở cửa viện ra xem thì thấy cây cối trong
vườn bị kiếm chém rụng hết, cành lá trơ trọi chẳng khác gì những cái cán cờ dựng đứng lên trời. Trên mặt đất nằm la liệt những tử thi.
Trinh quan sát cẩn thận mới hay đó là xác đám tay chân thái tử, ngoài ra cũng có xác một số kiếm khách của Trinh nữa.
Hoàng tử Dân Trinh thấy tình hình như vậy, lấy làm căm phẫn lắm, lập tức
triệu tập bọn kiếm khách và võ, sư lại để bàn tính trả thù. Vốn là những tay cao thủ võ lâm, cả bọn đều hăng hái quyết tử, đồng thanh nói:
- Xin cho phép bọn tôi đêm nay tới Đông cung, quyết lấy cho kỳ được đầu thái tử về nạp cho chủ tử.
Trình bèn sai dọn tiệc. Cả bọn cơm no rượu say rồi kẻ nào kẻ nấy giắt dao,
xách kiếm lên đường. Thế rồi cả đêm hôm đó, đám bách tính có nhà ở gần
hoàng thành chỉ nghe thấy tiếng đao kiếm rộn ràng, ào ạt như tiếng gió
gào, tiếng mưa thét làm vang động cả một góc trời.
Qua ngày thứ
hai, người ta chỉ thấy bọn nội giám trong Đông cung tất tưởi ra ngoài
phố mua tới hơn chục cổ quan tài đem về. Bên Đông cung đã thế thì bên
phủ của Dân Trinh cũng chẳng thua gì. Ở đây, người ta cũng thấy bọn thị
vệ hối hả ra chợ mua khá nhiều áo quan khiêng về phủ.
Nguyên lai
chuyện ác chiến hôm đó, thái tử đã sớm dò được tin tức, cho nên một mặt
ẩn trốn vào nơi kín đáo, một mặt đặt bọn kiếm khách phục sẵn khắp trong
Đông cung..
Cuộc ác đấu này đã lượm hết mỗi bên hơn mười mạng. Từ đó, mối thù giữa thái tử và Ung vương càng ngày càng thắt, khó lòng gỡ
nổi.
Thái tử Dân Nhung biết chẳng chóng thì chầy hoàng tử Dân
Trinh cũng sẽ trả thù. Bởi vậy, Nhung cho người mang theo vàng bạc ra
khỏi kinh thành, tới các miền như Sơn Tây, Hà Nam, Sơn Đông, mời các vị
cao thủ võ lâm về để bảo hộ cho mình. Ung vương được tin đó, bèn thảo
luận với bọn thủ hạ kiếm khách, cũng đi mời các tay võ hiệp bản lãnh cao cường về để so tài cao thấp với phe Đông cung. Trong bọn có một vị Lạt
ma tăng khuyên Dân Trinh nên đích thân xuất kinh phỏng tầm, một là để
tránh tai mắt Đông cung, hai là để kết liên với bọn giang hồ hành hiệp.
Ung vương nghe lời nói có lý, bèn đem theo vài tên thị vệ võ sư lại ngầm lén ra đi.
Trên đường đi, Ung vương Dân Trinh chú ý tới hành vi của những anh hùng hảo hán, và cũng gặp được một vài tay.
Trong bọn này, có một người tên gọi là Bạch Long đạo nhân, rất lợi hại về môn phóng phi đao, có thể lấy thủ cấp người đứng xa trăm bước như chơi.
Trinh bèn xin Bạch Long đạo nhân truyền thụ ngón võ tuyệt luân này lại
cho mình thì vị đạo nhân trả lời:
- Võ công này của bần đạo chỉ
dành riêng cho mình, chứ không thể truyền cho người khác. Nếu chủ tử
muốn học thì phải học sư phụ của bần đạo tên là Cam Phượng Trì, một đại
hiệp vùng Giang Nam mới được.
Ung vương vốn mộ tiếng Cam Phượng
Trì đã lâu, nên nay nghe Bạch Long đạo nhân nói vậy, bèn theo gót tới
Giang Nam phỏng tầm. Khi tới đất Kim Lăng, Ung vương được tin hiệp sĩ họ Cam đang ở trong nhà một vi thân sĩ họ Kim. Vương bèn theo Bạch Long
đạo nhân tới nhà họ Kim để bái kiến…
Cam Phượng Trì hiệu xưng là
Giang Nam đệ nhất hiệp. Quyền pháp của họ Cam có đủ bí quyết của lương
gia nội ngoại. Suốt cả hai miền Đại Giang nam bắc không ai có thể thắng
nối họ Cam. Cam Phượng Trì hay can thiệp những chuyện bất bình. Bởi vậy, các bậc thân sĩ miền Giang Nam thường luân phiên mời ông ta về nhà, bầy rượu ngon, tiệc hậu cung đón Cam Phượng Trì nhậu say, đến lúc cao hứng, bèn trổ tài, cho chủ nhân khai tâm chút bản lãnh của mình. Có một hôm
nhà họ Kim mời khá đông quý khách tới chè chén tại Hoa sanh. Chủ nhân
mời Cam Phượng Trì ngồi ghế trên nhất.
Khi rượu được nửa cuộc, họ Cam bỗng lên tiếng một cách trịnh trọng:
- Ngoài cửa sổ, hoa mai đương độ nở tươi, đáng lý bọn ta phải vừa thưởng
hoa vừa uống rượu mới phải! Thế mà nay cứ đóng cửa im ỉm như thế này, há chẳng phải là vô tình với cảnh tạo hoá hay sao?
Nói đoạn, Cam Phượng Trì vận khí thổi phù, khiến tám tấm cửa sổ phía nam bật ra, tiếng gió rung lên phần phật.
Mùi thơm của hoa mai ùa vào phòng. Đám tân khách kẻ nào cũng vỗ tay đôm
đốp, miệng thì khen lấy khen để. Một vị khách trong bọn nói:
-
Nghe đại hiệp rất cao thủ đoạn, có thể bắn trúng ngoài trăm bước, trăm
phát chắc trăm. Rất mong đại hiệp cho cả toạ thưởng chút ít tài nghệ hôm nay.
Cam Phượng Trì đang cao hứng liền cho người cầm bút ra cây
mai đánh dấu trước những đoá hoa và chỉ cần cho biết rõ đoá hoa thứ mấy
cũng như cành thứ mấy là đủ. Đoạn họ Cam vo tròn một miếng giấy rồi búng vút ra của sổ, bắn vào cây mai. Mọi người chỉ thấy hoa mai, hết đoá này tới đoá kia, rơi xuống mặt đất lả tà. Xem kỹ lại thì ra đó toàn là
nhưng đoá hoa mai đã được đánh dấu từ trước. Cử toạ đến lúc đó thảy đều
giật mình. ai cũng phải cho là kỳ dị.
Tiệc tan, chủ nhân mời
khách tới Tây trang du ngoạn. Tây trang vốn là trang trại của chủ nhân.
Vài nếp nhà tranh, đôi nóc lều nát điểm xuyết cho cảnh đồng quê thêm
phần thanh tịnh hữu tình, càng làm cho khách thích thú. Nhưng giữa lúc
đang ngắm cảnh, bỗng một chú mục đồng vừa khóc vừa chạy lại nói với Kim
chủ nhân:
- Ông ơi! Hai con trâu húc nhau từ trưa tới giờ vẫn chưa thôi ông ạ!
Cả bọn theo chú bé chăn trâu ra sau trại xem, quả nhiên thấy hai con trâu
mộng đang dùng sừng kìm nhau, nhất định không bên nào chịu buông. Cam
Phượng Trì bước tới dùng tay gạt đôi cặp sừng ra, rồi thuận thế nắm lấy, đẩy mạnh một cái khiến hai con trâu bị xô sang hai bên khu ruộng. Người ta chi thấy mấy cặp giò của đôi trâu cắm ngập vào lòng đất bùn, cố rút
mãi mà vẫn không lên được. Khách đứng xem thẩy đều cảm phục. Cam Phượng
Trì sau đó tiến tới đưa hai cánh tay sắt ra nâng hai con trâu lên nhẹ
nhàng như ta nâng cái ghế gỗ, giúp chúng thoát khỏi ruộng sình.
Chính giữa lúc họ Cam đang biểu diễn vài ngón võ mọn thì người nhà chạy tới
báo có Bạch Long đạo nhân từ trên Kinh xuống cầu kiến. Cam Phượng Trì
nghe nói đồ đệ tới, trong lòng rất lấy làm vui mừng, bèn nhờ ngay căn
nhà khách của họ Kim để tương kiến.
Hoàng tử Dân Trinh yết kiến
Cam Phượng Trì, rồi thác rằng mình là họ Lý. Bạch Long đạo nhân cũng nói thêm vào rằng họ Lý, nghe danh của sư phụ đã lâu nên tới bái phòng.
Bạch Long đạo nhân xin sư phụ tiến kinh một thể với mình, đồng thời cũng
không quên ca tụng Dân Trinh nào là khảng khái ham điều nghĩa, nào là
bản lãnh cao cường…
Cam Phượng Trì nghe xong, chẳng nói năng gì,
dẫn cả hai vào tương kiến với Kim chủ nhân. Tối hôm đó Kim bày tiệc đãi
Dân Trinh. Rượu đến nửa cuộc, Cam Phượng Trì có ý muốn thỉnh giáo bản
lãnh. Trinh không từ chối, bèn dùng phép vận khí của phái Thiếu Lâm tựa
sát lưng vào chân tường rồi đẩy nội lực tung người lên cao, vượt hẳn
ngọn tường, sau đó lại từ từ rơi xuống như chiếc lá thu rơi. Cam Phượng
Trì miệng nở nụ cười tinh quái, thong thả đứng lên, rồi cũng bước lại
đứng phía chân tường, bảo Dân Trinh vận hết sức bình sinh mà đấm. Trinh
cũng muốn thử xem bản lĩnh của họ Cam, cho nên vận nội lực vào cánh tay
tống một quyền như trời giáng vào bụng. Chỉ thấy Cam Phượng Trì thót
bụng một cái, khiến cả cái bụng bự lúc trước chỉ còn mỏng như tờ giấy.
Nắm đấm của Trinh khi tới bụng họ Cam thì chẳng khác gì đấm vào chính bức
tường. Trinh vội rút ra nhưng lạ thay, nắm đấm của mình đã bị cái lỗ rốn của họ Cam hút chặt vào, không cách gì kéo ra được. Lát sau, Cam Phượng Trì cười lên kha khá rồi "buông" bụng ra, lúc đó Trinh mới thu được
quyền về.
Sau khi tiệc tan bọn Bạch Long đạo nhân cùng vào ngủ
chung một phòng với Cam Phượng Trì. Thấy không có ai, Bạch Long đạo nhân bèn thì thầm kể cho Cam Phượng Trì biết Dân Trinh chính là đương kim tứ hoàng tử, đối đầu với thái tử có ý tranh đoạt địa vị, nên tới mời sư
phụ tiến kinh.
Bạch Long đạo nhân cầu khẩn ba, bốn lần nhưng Cam Phượng Trì vẫn lắc đầu
nguầy nguậy khiến hoàng tử Ung Vương nằm gần bèn nổi đoá, đứng vụt dậy
chộp lấy tà áo Cam Phượng Trì. Họ Cam lập tức khoát tay một cái, quay
mình nhanh như chớp vút đi, không thấy bóng dáng đâu nữa. Bạch Long đạo
nhân chạy khắp cả trong ngoài căn nhà để tìm kiếm nhưng vẫn bặt tham
hơi. Rồi bỗng Dân Trinh nhác thấy có đôi bàn chân thò ra ở sau cái quầy
áo. Hai người vội chạy lại khiêng quầy áo ra thì thấy Cam Phượng Trì
đang đứng sau đó, thân hình dán sát vào vách tường y như một tờ giấy
mỏng.
Bạch Long đạo nhân chắp tay lạy mấy lạy rồi mời Cam Phượng
Trì bước xuống cho nhưng họ Cam vẫn đứng nguyên vậy Dân Trinh chạy tới
kéo mạnh xuống nhưng Cam vẫn cứ trơ trơ như đá, không một mảy may nhúc
nhích. Dân Trinh đem bài thần chú Lạt ma ra niệm, Cam vẫn không hề lung
lay. Dân Trinh lúc đó đã nổi đoá, tự nhủ: "Con người bản lãnh cao cường
như vầy nếu không về với ta để sau này thái tử mời được rồi chống lại ta thì thật nguy hiểm. Chi bằng nhân lúc này ta kết quả luôn tính mạng của hắn đi cho xong". Nghĩ vậy, Trinh rút lẹ cây chuỳ thủ, dùng tận lực
bình sinh đâm thốc vào Cam Phượng Trì nghe đến phập một tiếng ghê người.
Cùng lúc tay này đâm tới thì tay kia Trinh nắm lấy Bạch Long đạo nhân kéo
chạy đi. Hai ngươi ra tới bờ sông, nhảy đại xuống thuyền, hối thúc chèo
lẹ về hướng Bắc.
Trong phòng, Cam Phượng Trì khi thấy Dân Trinh
và Bạch Long đạo nhân trốn đi rồi, bỗng phá lên cười sằng sặc. Mọi người chung quanh vội chạy tới hỏi han, mới biết Cam Phượng Trì chẳng hề hấn
gì cả, thật là tài tình và đáng sợ. Kim chủ nhân bèn hỏi họ Cam lý do
không chịu đi với Tứ hoàng tử vào kinh thì ông đáp:
- Vì Tứ hoàng tử này có cái tướng đế vương thật đấy, nhưng vì xương gò má phía ngoài
quá độ nên nhất định sẽ là kẻ vong ân bội nghĩa, tại hạ không đi theo y
là vì vậy.
Cả bọn nghe Cam Phượng Trì nói, tỏ ý rất bội phục.
Khi Dân Trinh về tới Bắc Kinh thì cũng là lúc Khang Hi hoàng đế tuần hành
Tô Châu lần thứ ba vừa về tới. Nhân dân khắp thành ai cũng bàn tán về
chuyện hoàng đế bị ám sát hụt ở Thái Hồ. Trinh được tin vội chạy vào
cung thỉnh an.
Lúc đó có một vị vua Mông Cổ tên gọi Tắc Ngác Ngạch đứng bên, bèn thuật lại sự thể cho Dân Trinh nghe:
- Hoàng thượng gặp thích khách ở Thái Hồ, đó là chuyện có thực. Tân vương tối hôm đó cũng có mặt tùng giá trong đoàn. Vượt khỏi Kim Sơn tới Tô
Châu, cả đoàn người nán lại đây ba ngày rồi sau mới đi Thái Hồ. Hoàng
thượng thấy bốn mặt hồ có đến bảy mươi hai ngọn núi chọc trời, ngọn gần
ngọn xa tất cả tạo thành một cảnh trí vô cùng ngoạn mục. Bởi vậy, ngài
lấy làm thích thú, bèn ngồi trước mũi thuyền để vừa ngắm cảnh vừa lưới
cá. Thuyền ngài bắt được hai con cá chép, ngài lại càng thích thú hơn
nữa. Ngài bảo tuỳ tùng lấy hai đỉnh vàng y ra thưởng cho bọn dân chài.
Giữa lúc tất cả đương vui thích cười nói thì bỗng một tên đại hán chạy
như bay trên mặt nước rồi nhảy phóc vào ngự thuyền. Trong nháy mắt,
người ta chi thấy cây bảo kiếm trong tay tên đại hán vung lên như một
làn chớp nhè ngay mặt hoàng đế chém tới. Ấy cũng may hoàng thượng quả có phúc lớn bằng trời khiến ngài vội né sang bên tránh thoát được mũi
kiếm. Một đạo hào quang vụt nhanh về phía sau, tức thì tên thái giám
trúng kiếm chết ngay, trong khi dư âm "nguy rồi" của hoàng đế còn vang
trong không trung. Bọn thị vệ miệng vừa la "Có thích khách" tay vừa tuốt đao khỏi vỏ nhất tề xông tới nghinh địch. Lúc đó, tiểu vương tôi đang ở phía sau, nghe phía trước la hét om sòm, vội chạy tới, thấy tên đại hán đang xông vào khoang cố giết hoàng đế cho bằng được. Tiểu vương tôi
liền dùng hết sức bình sinh đánh bật địch thủ ra phía ngoài khoang. Tên
thích khách thấy tiểu vương tôi sức quá mạnh, biết khó có bề thủ thắng,
bèn quay mình nhảy ùm xuống nước mất dạng, chẳng biết bơi về phương nào.
Khang Hi bị một phen chết hoảng, lấy làm giận lắm, bèn cho gọi Lưỡng Gia tổng đốc là Trương Bằng Phiên và Giang Tô tuần phủ là Tống Lạc tới mắng
nhiếc khiến bọn Tống, Trương chỉ còn biết quỳ mọp trên đất, dập đầu cầu
xin tha tội. Được tha về, bọn Trương, Tống hú vía, vội phát cáo thị khắp ba huyện Trường, Nguyên, Ngô cấp thời bắt giặc, mặt khác, triệu thỉnh
các tay hảo hán tới bảo hộ thánh giá.
Lúc đó, có hai vị anh hùng, hưởng ứng lời triệu, tìm đến. Một người tên gọi Bạch Thái Quan còn một
người không tên tuổi. Khi Trương tổng đốc đưa vị anh hùng không tên tuổi này tới yết kiến hoàng thượng thì ngài thấy ông ta mình chỉ mặc có một
chiếc áo bằng da cá và nhân đó, ông ta xin ngài đặt cho một cái tên.
Khang Hi hoàng đế liền gọi luôn là Ngư Xác (có nghĩa là xác cá). Ngài
hỏi Ngư Xác có bản lãnh gì thì Xác tâu:
- Tiểu nhân có thể đi
trên mặt nước như đi trên đất bằng, lại cũng có thể nằm chìm hẳn trong
nước được ba ngày ba đêm liền. Tiểu nhân còn có một cái dây lưng quần có thể địch nổi muôn quân ngàn ngựa.
Nói đoạn, Ngư Xác thò tay cởi
ngay chiếc dây lưng ra. Chiếc dây lưng này vốn làm bằng thép luyện. Khi
buộc vào, nó chẳng khác gì một chiếc dây lưng bằng tơ còn khi cầm trên
tay múa tít, nó bắn ra tứ phía một đạo hào quang lạnh người. Hoàng đế
bảo bốn mươi tên thị vệ, kẻ nào cũng lăm lăm kiếm, xông lên tấn công Xác thử xem. Đánh một lúc lâu, bọn thị vệ không có cách nào lại gần được
Xác. Hoàng đế xem trận đấu, tán thán luôn mồm. Thế là ngài giữ Xác lại
cạnh mình, cho sung chức Thị tùng võ quan.
Còn nói đến Bạch Thái
Quan, thì trước hết phải kể ngay rằng hắn là đứa vô loại. Lúc thiếu
thời, hắn chỉ thích gian dâm phụ nữ. Hắn tung mình nhảy một cái, có thể
qua bức tường cao vài chục trượng. Dù cô gái có là một tiểu thư khuê
các, một khi đã lọt vào mắt hắn. Có một hôm, Quan nghe nói nhà họ Thanh ở Dương Châu có một cặp chị dâu, em chồng, hai người đều xinh đẹp đến mê
hồn, nên hắn mò tới, dò xét kỹ rồi mới nhảy qua tường vào nhà. Giữa lúc
định cưỡng hiếp, hắn bỗng bị một chiếc côn lớn phang vào sau ót, đến nỗi ngất lịm ngay đi. Đến khi tỉnh lại, hắn thấy mình đã bị trói chặt, phía trước một ông lão ngồi ngất ngưởng đang sai bảo gia nhân ôm củi, gánh
rơm tới để thiêu sống hắn. Quan biết ngày tàn đã đến nên dùng hết sức
bình sinh giãy đạp lăn lộn khắp phòng.
Chỉ trong nháy mắt bao
nhiêu đồ đạc trong nhà, nào ghế nào bàn đều đổ gãy ngổn ngang hết. Sức
của hắn mỗi lúc mỗi hăng, dữ tợn đến không ai chống nổi, khiến đèn đóm
rớt đổ lung tung. Lửa bốc cháy, căn nhà sáng rực lên như ban ngày.
Bọn người nhà vội hò nhau cứu hoả, không còn thì giờ nghĩ tới Bạch Thái
Quan nữa. Hắn bèn nhân cơ hội đó, cởi bỏ được dây trói, trốn chạy một
mạch, nhiều năm không dám quay về quê nữa… Mãi lâu lắm, hắn mới ngầm lẻn về cho vơi nỗi nhớ.
Lúc vừa về tới cổng nhà, hắn thấy phía xa có một đứa bé đang chạy chơi trước cửa miếu Quan đế. Đứa bé giơ thẳng tay
cứ nhè con sư tử đá đấm mãi, đến nỗi đá cũng phải tóe lửa ra.
Bạch Thái Quan xem một lúc, cho là quái dị. Hắn tự nhủ: "Thằng bé này có một bản lĩnh phi thường như vậy, một khi lớn lên, nó sẽ ăn đứt cả mình".
Nghĩ vậy, trong lúc thảng thốt hắn vụt sinh lòng đố kỵ, liền xông tới
đánh thằng bé. Nó đau quá, miệng vừa khóc vừa doạ:
- Lão kia, nỡ ăn hiếp một thằng bé ư? Rồi đây cha ta là Bạch Thái Quan sẽ về đây báo thù cho ta.
Nói xong, thằng bé trào máu miệng chết luôn. Bạch Thái Quan lúc đó mới biết rằng mình đã tự tay đánh chết con mình, lòng hối hận quá, nhưng đã
muộn. Hắn quay mình bỏ đi rồi từ đó, hối cải lỗi xưa, chuyên can thiệp
chuyện bất bằng để cứu người.
Có một hôm, Bạch Thái Quan tới miếu nghi đình tỉnh Tô Châu, vào ngủ trọ trong một khách điếm. Nửa đêm, hắn
bỗng nghe tiếng đàn bà rên rỉ khóc lóc phía ngoài tường. Hắn vội tung
người vọt lên nóc nhà xem, định thần nhìn kỹ, thì thấy một cảnh tượng
vừa kỳ quái vừa ghê tởm. Một cô con gái đang độ xuân bị lột truồng như
nhộng nằm ngửa trên giường, phía trước đặt một thau nước nóng. Một nhà
sư vừa đen vừa xấu cầm chiếc khăn tay dúng nước bốc hơi nghi ngút, đang
kỳ cọ khắp bụng cô ta. Trong khi lang bạt giang hồ Quan đã được nghe nói có một ác tăng từ Tây Tạng tới chuyên gian dâm phụ nữ, lại còn phá bào
thai trẻ con trong bụng mẹ. Mỗi khi bắt gặp đàn bà chửa, tên ác tăng bèn rửa sạch cái bầu rồi lấy bào thai đem luộc chín trong nước sôi. Không
ngờ tin đồn đó nay lại là chuyện có thực. Bởi vậy, Bạch Thái Quan đùng
đùng nổi giận. Hắn phóng mình xẹt tới như một luồng điện. Lúc đó tên ác
tăng Tây Tạng, ngồi quay lưng ra phía ngoài. Chủ ý của Quan là mượn tạm
cái "bộ tam sự" của hắn nhưng không ngờ hắn biết được, quay ngoắt lại
phóng một cước trúng vào mặt Quan. Quan lẹ như chớp nắm ngay được chân
phải hắn.
Tên ác tăng vội phóng luôn chân trái, thế đá đó gọi là "uyên ương song phi" vốn nổi tiếng lợi hại trong chốn giang hồ. Nhưng đối với ai kia, chứ
với Bạch Thái Quan thì cái phép hoá giải có gì khó. Thế là Quan xuất
luôn tay hữu chộp luôn nốt chân này rồi thuận thế lăng mạnh phía trước.
Tên ác tăng Tây Tạng bị một cái đẩy quá mạnh đâm thủng cả vách ván lọt
ra ngoài rơi bịch xuống đất như một cái bị, đầu bể tan, óc vọt ra tứ
phía, chết không kịp ngáp.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT