Di Hoà viên làm xong năm thứ mười chín Quang Tự. Qua năm sau tức năm thứ hai mươi, lễ vạn thọ của Từ Hi thái hậu sáu mươi tuổi được tổ chức
trọng thể.
Bọn Vinh Lộc và Dịch Tôn cầm đầu đám vương công đại
thần vào triều tâu bày với Hoàng thái hậu trù bị đại điển (lễ lớn) để
khánh hạ (ăn mừng).
Nhưng không ngờ, tháng sáu năm Giáp ngọ,
Quang Tự hoàng đế bỗng khai chiến với Nhật Bản. Nguyên nhân cuộc đại
chiến này như sau: Triều Tiên vốn là một thuộc quốc của Trung Quốc từ
trước. Sau khi Lý Hi lên làm vua nước này, ông vua cha là Lý Thị Ung vẫn thường can dự vào triều chính. Vì thế có chuyện lủng củng, xích mích
giữa tình cha con của họ Lý.
Thấy vậy, Hi bèn phong cho vua cha
làm Đại Viện Quân, chủ đích là để cho ông đừng can dự vào triều chính
nữa. Nhưng Hi không ngờ là cha mình, từ khi được phong tước như vậy, lại càng lộng hành hơn.
Do đó, triều đình Triều Tiên văn võ bá quan
tự nhiên chia thành hai đảng, kình chống nhau, khuynh loát nhau. Vua
Triều Tiên tức Lý Hi chẳng còn biết cách nào hơn dâng biểu vào Trung
Quốc cáo cấp.
Từ Hi thái hậu thấy tờ sớ của Triều Tiên, lập tức
sai Đề đốc Ngô Triệu Hữu, hiệp cùng Đồng tri Viên Thế Khải đem thẳng
quân binh vào cung đinh Triều Tiên, lấy danh nghĩa là thế nhà vua dẹp
nội loạn.
Chưa hết, Thái hậu còn sai thêm Ngô Đại Trưng, Khánh
Dụ, Tục Xương, biện lý mọi việc sau khi đã bình định xong Triều Tiên,
mặt khác, hạ dụ cho Lý Hồng Chương điều động thuyền binh, mang theo thuỷ sư đề đốc Đinh Nhữ Xương rầm rộ kéo tới Triều Tiên để tính chuyện bảo
hộ.
Quân đội Trung Hoa kéo vào Triều Tiên, bắt trói Đại Viện Quân điệu về Bắc Kinh. Từ Hi thái hậu truyền dụ đem giam vào Bảo đình.
Vua Triều Tiên không ngờ câu chuyện lại nghiêm trọng đến thế, lúc này quả
đã hối hận vô cùng. Tình phụ tử dù sao vẫn còn mang nặng trong lòng. Bởi vậy. Hi lại dâng biểu lên triều đình nhà Thanh xin phóng thích cha
mình.
Lại một việc không ngờ nữa là khi Đại Viện Quân được thả về nước, ông ta liền sai người ngấm ngầm liên lạc với Nhật Bản, lén ước
với Nhật cả một chương trình hành động lớn.
Được cơ hội ngàn năm
một thuở, Nhật Bản lập tức sai Y Đằng Bác Văn sang Thiên Tân thương
lượng với Lý Hồng Chương về vụ Triều Tiên. Bác Văn bảo Chương là bọn Ngô Triệu Trưng, Viên Thế Khải đến bảo hộ Triều Tiên đã cự tuyệt Nhật Bản,
bởi vậy, yêu cầu Trung Quốc cho gọi ngay Trưng và Khải về trừng trị.
Trung Quốc và Nhật, hai bên thương lượng mấy hôm, kết qua là Trung Quốc phải
theo ý kiên Nhật, mặt khác còn phải ký thêm một hiệp ước Trung - Nhật,
đồng gởi quân sang bảo hộ Triều Tiên.
Chính vì hiệp ước này, nên
về sau người ta thường thấy quân đội hai bên xung đột với nhau. Mầm hoạ
của cuộc Trung - Nhật đại chiến đã nảy ngay từ đó.
Mọi chuyển
biến bên ngoài thì như vậy, bên trong cung đình nhà Thanh còn nhiều điều rối rắm khác. Mà quan trọng nhất là việc bất hoà giữa Từ Hi thái hậu và Quang Tự hoàng đế.
Lúc sửa soạn làm lễ đại hôn của Quang Tự, thì theo ý hoàng đế, ngài định chọn hai cô gái của Giang Tây tuần phủ Đức
Hinh kia, trong khi Từ Hi thái hậu lại quyết tuyển đứa cháu gái của mình tức là con gái của người anh Quế Tường làm Hoàng hậu cho nhà vua.
Ý định của thái hậu như thế, bà bèn lén đưa ngọc như ý cho con gái Quế
Tường. Quang Tự hoàng đế tức mình lắm, nhất định không chịu, bèn cố ý
đánh rớt, khiến ngọc như ý vỡ tan tành như cám vụn.
Nhưng rốt
cuộc, con gái Quế Tường vẫn làm hoàng hậu, còn hai người con gái của Đức Hinh chỉ được phong làm Quý phi: một là Cẩn quý phi, một là Trân quý
phi.
Việc trớ trêu thêm nữa là tuy có đủ ba người đẹp bên cạnh
nhưng Quang Tự lại chỉ yêu tha thiết mỗi một Trân quý phi. Hoàng hậu
cùng một phe với hoàng thái hậu, có lẽ cũng vì thế mà Quang Tự không
muốn lui tới tình tự, cuối cùng gần như lãnh đạm thờ ơ, không có một
chút nào tình nghĩa vợ chồng!
Và cũng vì vậy, Hoàng thái hậu và
hoàng hậu đâm ra thù ghét Trân quý phi đến xương tuỷ. Tuy nhiên, Quang
Tự hoàng đế đã tới tuổi trưởng thành, hoàng thái hậu không có cách gì
giữ mãi quyền chính về mình mà không trao cho nhà vua, chỉ phải cái
Quang Tự hoàng đế hình như người không có thời, kiếp vận thiếu hẳn may
mắn, việc nước ngày càng hỏng nát, vấn đề đối ngoại ngày càng cấp bách.
Bọn đại thần trong triều đình đều liên lạc với Lý Liên Anh hợp cùng đảng
với thái hậu. Duy chỉ còn có sư phó ông Đồng Hoà là còn có lòng trung,
đem hết sức phò tá nhà vua mà thôi.
Hồi đó, ảnh hưởng của Nhật
Bản càng ngày càng bành trướng ở Triều Tiên. Bọn thần tử Triều Tiên vốn
đã chia làm hai đảng: Độc Lập và Sự Đại, sau lại còn thêm một đảng gọi
là đảng Đông Học.
Thế lực của Đông Học đảng rất mạnh. Đảng này khơi sự, do hai đường Toàn La và Trung Thanh, đánh thốc tới Hán Thành.
Tả nghị chính là Phác Vinh Hiếu, nguyên là thủ lãnh của đảng Độc Lập, ỷ
vào thế giúp đỡ của Nhật Bản, vẫn thường nuôi cái ý ly khai Trung Quốc.
Hiếu chỉ ngại có Trung Quốc thông thương uỷ viên là Viên Thế Khải thời
thường ở bên cạnh giám sát mình, cho nên chưa dám động thủ. Nhưng về
sau, được tin đảng Đông Học khởi sự, Hiếu bèn hạ lệnh đánh thốc vào
vương cung, đốt chết tiêu Mân phi.
Mẫn phi vốn là người đẹp số
một của trần gian này. Người anh ruột Mẫn phi tên là Mẫn Vịnh Tuấn vội
chạy tới nha môn của Viên Thế Khải khóc lóc tố cáo, và khẩn cầu Trung
Quốc phát binh báo thù cho em mình.
Viên Thế Khải đánh một công
điện gấp cho Lý Hồng Chương, một mặt thông tri cho Nhật Bản biết chuyện
này, đồng thời, huy động cấp kỳ toàn thể thuỷ quân, hướng ngả Nhân Xuyên Triều Tiên tiến phát, còn một mặt khác điều động lục quân kéo tới đồn
trú tại chân núi Nha Sơn trong địa phận Triều Tiên.
Tướng Nhật
tên là Đại Ô Khuê Giới đem chuyện quân Thanh xông vào Triều Tiên báo cáo với Chính phủ Nhật Bản. Tức thì Chính phủ Nhật lên tiếng cật vấn quốc
vương Triều Tiên, nhất là về điểm: như thế Triều Tiên có phải là quốc
gia độc lập không?
Quốc vương Triều Tiên sợ oai thế của Nhật Bản, không dám không nhận. Thế là Đại Ô Khuê Giới thông triều cho Trung Quốc trân trọng yêu cầu rút quân ra khỏi Triều Tiên cấp kỳ.
Viên Thế
Khải đời nào chịu nước lép, bèn điện cáo gấp về cho Lý Hồng Chương,
Chương bèn căn cứ vào hiệp ước Thiên Tân hồi nọ, yêu cầu cả hai nước
Nhật cũng như Trung đồng thời lui quân. Nhật Bản không thèm trả lời. Lý
Hồng Chương đâm lo ngại bèn lục tục tăng quân, nườm nượp kéo tới Triều
Tiên để phòng bị bất trắc. Mặt khác, Chương thấy người Nhật có ý ghét
Viên Thế Khải, bèn gọi Khải về Phụng Thiên, để thay thế bằng Vệ Nhữ Quý
với một cánh quân hùng hậu hơn, công nghẹt cả Bình Nhưỡng. Để cho sự bố
phòng được chu đáo, Chương tăng thêm chi quân của Mã Ngọc Côn đồn trú
tại Nghĩa Chân có Diệp Chí Siêu giữ chức tướng tiên phong, trấn đóng tại Nha Sơn.
Bầy binh bố trận xong Chương tưởng thế là ung dung, không ngờ đùng một cái quân Nhật ồ ạt tấn công Nha Sơn khỏi cần tuyên chiến.
Tướng Thanh Diệp Chí Siêu chủ quan chẳng phòng bị gì nhiều, thế là chỉ một
trận quân Siêu đã tan tành. Bộ quân đã vỡ, thuỷ quân đồn trú tại Phong
đảo cũng co giò chạy. Tin bại trận chạy như một luồng điện về Bắc Kinh.
Quang Tự hoàng đế bị một cú bất ngờ bối rối hoang mang đến cùng độ, chẳng còn có chủ kiến gì nữa. Ngài vội chạy vào yết kiến Thái hậu.
Đã từ
lâu rồi Quang Tự hoàng đế sủng ái hai nàng phi là Cẩn phi và Trân phi,
cho nên hoàng hậu ghen tức thường chạy tới trước mặt Hoàng thái hậu tố
cáo khóc lóc. Do Thái hậu đã sẵn không vui, nay thấy Quang Tự hoàng đế
chạy vào hỏi ý về quân tình tại Nha Sơn thì bà cười nhạt một tiếng rồi
bĩu môi mai mỉa:
- Ta đâu dám bàn tính đến chuyện đó? Sao hoàng đế không phái người thân tín của hoàng đế ra mà thương lượng điều đình?
Quang Tự hoàng đế bẽ bàng quá, vội trở về thư phòng triệu kiến sư phó ông
Đồng Hoà kể qua việc quân tình ngoài biên ải, đồng thời cả lời cười mỉa
của Thái hậu cho sư phó nghe.
Sư phó ông Đồng Hoà nghe rõ ràng
gốc ngọn câu chuyện biết rằng Hoàng đế vốn tính trung hậu, nên trên thì
bị hoàng thái hậu dùng quyền lực áp chế, dưới thì bị bọn thân vương thái giám bao vây lừa dối, càng cảm thấy thương ngài vô hạn.
Hoà bèn tâu:
- Hiện nay thời cuộc bên ngoài thật hết sức khó khăn mà bên trong lại
nhiều chuyện. Hoàng thượng cần phải độc đoán mà chấn khởi kỷ cương triều đình lại một phen, mong tạo lập sự nghiệp oanh liệt mới được. Hoàng
thượng hãy thu hồi đại chính của quốc gia vào tay, lúc đó mới có thể
trấn phục được bọn bày tôi bên dưới. Chuyện này lũ Nhật cậy mạnh dấy
binh, xin Hoàng thượng hạ lệnh hưng sư đánh tan lũ chúng.
Đại
thắng chuyến này sẽ là dịp Hoàng thượng lập lại được oai quyền của mình
trong cũng như ngoài. Và lúc đó cũng còn là lúc khỏi cần phải để tâm lo
lắng quá nhiều về Thái hậu.
Quang Tự hoàng đế nghe lời ông Đồng
Hoà, muốn khôi phục lại quyền hành của mình, bèn truyền dụ cho Lý Hồng
Chương tích cực chuẩn bị chiến tranh. Chương nhận chỉ dụ trong lòng thực hết sức băn khoăn và tất nhiên không vừa ý nhất là tại chuyện bao nhiêu kinh phí của Hải quân, Hoàng thái hậu đã vét sạch để xây cất Di Hoà
viên, song lệnh của Hoàng đế, Chương chẳng lẽ dám trái.
Chương
bèn điều động hai tướng Nhiếp Quý Lâm và Tả Bảo Quý đem quân tới cứu
ứng. Không ngờ quân của Lâm đại bại mà tướng Quý thì bị chết tại trận
tiền.
Lục quân đã bất lợi, Lý Hồng Chương tính dùng thuỷ quân
tiến đánh. Lúc này hải đội của Nhật Bản đã đánh vào Nhân Xuyên. Chương
tức tốc truyền lệnh cho đề đốc Đinh Nhữ Xương điều động hải quân xông
lên cứu viện, chiến thuyền của Trung Quốc lúc đó gồm có mười hai chiếc:
Đính Viễn, Trấn Viễn, Lai Viễn, Tĩnh Viễn, Trí Viễn, Dương Oai, Liêu
Dũng, Bình Viễn, Quang Giáp, Tế Viễn… Ngoài ra còn có tám chiếc thuỷ lôi đĩnh, lực lượng còn đủ để đương đầu với Nhật.
Đề đốc Đinh Nhữ
Xương thấy đại quân Nhật tiến chiếm cửa bể Nhân Xuyên bèn nghĩ kế bao
vây toàn bộ cửa bể này, nên vội xin chỉ thị của Lý Hồng Chương. Chương
không dám tự quyết định, vội xin lệnh nha môn Tổng đốc.
Ban đại
thần lúc đó được tin mở cuộc họp suốt nửa ngày để ra ý kiến với bốn chữ
lớn: "Tương cơ hành sự" (tuỳ theo cơ hội thuận tiện mà làm việc). Khi
bốn chữ về, tới đại bản doanh cũng chính là lúc bộ tham mưu đang sửa
soạn bao vây hải cảng.
Hạm đội Nhật Bản chiếm xong cửa Nhân Xuyên xông vào sông Áp Lục. Đinh Nhữ Xương hạ lệnh khai pháo. Lúc này chiến
thuyền của Trung Quốc còn cách hạm đội của Nhật Bản những chín dặm. Đại
bác nổ ầm ầm. Nhưng bao nhiêu đạn đều rơi xuống bể, chứ không làm vỡ một mảnh ván nhỏ nào của chiến hạm Nhật.
Khoảng cách đôi bên mỗi lúc một ngắn. Giữa lúc Đề đốc Đinh Nhữ Xương đang định ra lệnh truy nã đại
bác đợt nhì thì chiến thuyền du kích của Nhật đã mở máy phóng chạy như
bay qua mặt sau, vây kín hạm đội Trung Quốc vào trung tâm rồi tức tốc
trước sau giáp chiến.
Hạm đội Trung Quốc bị kẹt vào giữa, không còn lối nào thoát ra ngoài, chỉ còn cách tử chiến may ra có cơ tự thoát.
Súng nổ ỳ ùng, khói toả đen khắp cả một vùng bể rộng lớn. Sóng bể nổi lên
như núi trắng xoá tiếp liền với nền trời trắng bệch tận phương xa.
Bị lâm vào mê hồn trận, chiến thuyền Trung Quốc chẳng bao lâu đã bị chia năm xẻ bảy, đầu đuôi không cứu nhau được.
Đề đốc Đinh Nhữ Xương ngồi trên soái hạm, phóng tầm mắt chỉ huy ra xa, chỉ thấy chiếc Trí Viễn bắn nhau kịch liệt với chiến thuyền Nhật, rồi bỗng
chiến thuyền Nhật mở hết tốc lực xông thẳng vào thuyền Trí Viễn. Một
tiếng nổ long trời, sóng nước vọt cao lên như núi rồi ầm ầm đổ xuống.
Thật đáng thương, chiếc Trí Viễn cả người lẫn thuyền chỉ một phút sau đã
chìm nghỉm trong lòng đại dương không còn một tăm hơi vết tích nào nữa.
Lân Vĩnh Thăng chỉ huy chiếc Kính Viễn chạy ở bên cạnh Trí Viễn, khi nhô lên lúc hụp xuống giữa khoảng sóng cao hơn núi, bọt trắng như tuyết,
bắn trúng một thuyền địch vỡ toang khi chính nó cũng trúng một phát đạn
ngư lôi tử thương, sườn toác ra, từ từ sủi bọt chìm dần xuống đáy bể.
Những chiến thuyền còn lại chiến đấu trong tuyệt vọng bị hạm đội Nhật xiết chặt vòng vây và lần lượt bị bắt mang đi.
Chiến thuyền duy nhất chạy thoát trong trận này là chiếc soái hạm của Đinh Nhữ Xương.
Thoát nạn, Xương vội cho chạy về bỏ neo ngoài cửa bể Lữ Thuận, bên cạnh đảo
Lưu Công, một mặt đánh điện hoả tốc về báo cáo quân tình cho Lý Hồng
Chương.
Về phía Nhật Bản, Minh Trị thiên hoàng nhân được tiệp báo liên tiếp bèn đích thân huy động đại, đội người ngựa đồn trú tại Quảng
đảo, một mặt hạ lệnh cho Đại tướng lục quân là Sơn Hữu Minh chia quân
tiến đánh Lữ Thuận và cửa Uy Hải, suốt một dọc bờ biển mục đích để vây
khốn tàn quân Trung Quốc trong hải cảng để bắt sống.
Khi đoàn hải quân lục chiến đổ bộ được lên bờ, binh sĩ Nhật ào ạt xông vào công phá
các pháo đài. Chiếm được các pháo đài, đoàn quân Nhật Bản quay họng súng lại nã trái pháo vào hạm đội Trung Quốc.
Thế là chỉ trong vài
tiếng đồng hồ, toàn bộ hạm đội Trung Quốc đã tan tành như xác pháo, buồm lái trôi lềnh bềnh trên mặt bể trông thảm hại không thể nào tả xiết.
Trước tình cảnh này một viên chỉ huy pháo binh trên chiến thuyền Trấn Viễn
tên gọi Lê Nguyên Hồng không chịu nổi bị thương, hét to lên một tiếng,
co chân nhảy ùm xuống biển khơi tự vẫn. Nào ngờ khi Hồng lao mình xuống
biển, có người trên chiếc Phi Ưng của Nhật Bản trông thấy. Thế là một
chiếc ca nô được hạ thuỷ và xả hết tốc lực đến cứu Hồng. Bọn lính Nhật
vớt Hồng lên, không làm khó dễ gì Hồng lại còn đưa Hồng về đảo Lưu Công.
Lê Nguyên Hồng tới đảo Lưu Công thấy Đinh Nhữ Xương ngồi trên soái hạm mãi đằng xa, trên mũi hạm có treo chiếc cờ trắng tự bao giờ! Hồng hỏi dò
mới biết Xương đã viết thư cho viên Đại tướng Nhật Bản, yêu cầu bảo toàn tính mạng cho binh sĩ toàn thuyền rồi tự uống thuốc độc chết.
Đại thắng mấy trận liền, quân Nhật tiến vào nội địa Trung Quốc như vũ bão.
Lục quân hết ngày này qua ngày khác báo tiệp, nào chiếm Cửu Liên thành,
nào Phụng Hoàng thành, nào hãm Cái Châu, nào Đại Liên, nào Tu Nghiêm,
nào Hải Thành, nào Lữ Thuận…
Tin thất bại ngoài biên cương, tin
thất thủ liên tiếp bao nhiêu thành trì chạy về kinh như bươm bướm. Quang Tự hoàng đế hốt hoảng đến cực độ vội cho mời sư phó ông Đồng Hoà vào
cung hỏi kế.
Hoà lúc này cũng vô kế khả thi. Còn đám văn võ bá
quan khắp triều thì kẻ nào cũng lo riêng mạng mình, sợ riêng cho gia
đình mình, đều một loạt quỳ xuống lậy xin Hoàng đế giảng hoà. Chẳng phải nói ai, ngay cả đến Từ Hi thái hậu cũng oán giận Quang Tự hoàng đế đã
nghe lời ông Đông Hoà khai chiến với Nhật Bản một cách dại dột.
Thái hậu nói thêm, vừa nhiếc móc, vừa bó buộc Quang Tự hoàng đế phải theo ý kiến mọi người.
- Hoàng thượng nghe lời ông sư phó khai chiến với Nhật, nay đã thành
chuyện bại quân nhục nước, ấy thế mà còn không mau mau giảng hoà với họ, ý còn muốn đọi đến khi giặc đến chân thành cắt đất xin hàng nữa chăng.
Ôi! Lúc đó hoàng thượng dù có hối, ta e đã quá muộn rồi!
Quang Tự hoàng đế đã từ lâu thường nghe những lời ỉ oi, nhiếc móc tương tự như
câu nói trên, hơn nữa lại thấy mình lực lượng quả đơn chiếc khó thể
cưỡng lại mọi người, đành chỉ còn cách sai Lý Hồng Chương làm nghị hoà
toàn quyền đại thần mở một cuộc hoà đàm với sứ thần Nhật Bản là Y Đằng
Bác Văn. Đây là cuộc nghị hoà lần thứ nhất giữa Nhật và Trung Hoa trong
cuộc xung đột còn dài về sau.
Kết quả cuộc hoà đàm ra sao? Trung
Quốc bỏ Triều Tiên, cắt Đài Loan cho Nhật, bồi thường chiến phí, chút
xíu nữa mất luôn cả Đông Tam tỉnh.
Sở dĩ Đông Tam tỉnh không mất là tại ba nước Nga, Đức, Pháp buộc Nhật phải trả lại cho Trung Hoa.
Từ khi thất bại trong cuộc chiến với Nhật, Quang Tự hoàng đế đâm ra chán
nản sự đời. Mọi việc đại sự của triều đình, Ngài chẳng thèm để ý tới
nữa, và lại mời hoàng thái hậu buông rèm nghe việc triều chính như cũ.
Ngài quay ẩn mình trong thâm cung, suốt ngày mua vui với người đẹp Cẩn
phi, Trân phi.
Hồi đó vào giữa lúc giao thời xuân hạ, Quang Tự
suốt ngày giấu kín mình trong cung sâu, cũng có lúc cảm thấy buồn. Ngài
truyền chỉ ngày mai bày giá qua chơi Tây Uyển.
Vườn Tây Uyển còn
có tên là Tây Hải Tử, chu vi tới vài dặm, phía trên vườn, bắc một chiếc
cầu đá dài tới năm sáu trăm bước. Cầu toàn bằng đá trắng, lan can, chấn
song đều trạm trổ hết sức tinh vi.
Ở hai mặt đông cũng như tây
cầu, có xây hai trụ cổng nghi môn đứng cao nghệu, trụ mé đông thì gọi
Ngọc đông, còn trụ mé tây thì gọi Kim ngao.
Giữa hồ nước, nổi hẳn lên một bãi đất cao, gọi tên là Quỳnh Hoa đảo, bên trên, xây cất nào
lâu đài, nào đình gác nguy nga san sát. Người ta cũng thấy một chiếc nữa cũng bằng đá, tiếp thông với đảo Quỳnh Hoa.
Ở hai mặt nam và bắc cầu này cũng có hai cái trụ nghi môn, bên trên đầu mỗi trụ có khắc một
cái biển vuông, một biển đề hai chữ "Tích Thuý" còn một biển đề hai chữ
"Đôi Vân".
Giữa hồ, trên đảo Quỳnh Hoa, về mặt nam thì có Doanh
Đài ở mặt bắc thì có Ngũ Long đình; còn Tiêu viên và Tử Quang các thì
lại đối diện nhau và cách qua một con lạch nước.
Trong hồ, lá
súng đội nước lên nhấp nhô, điểm những đoá hoa màu tím xinh khêu gợi.
Rồi sen xanh ngào ngạt hương đưa, lộ lên cao ít đoá bạch liên trông
trinh trắng như những thiếu nữ còn đương tuổi cấm cung.
Một vài
tảng bèo cám xanh xanh, đo đỏ, trôi bập bềnh đó đây, bên cạnh mấy con
vịt đang nhởn nhơ bơi lội trên mặt sóng lăn tăn, càng làm tăng phong
cảnh hồ thêm phần thơ mộng. Chưa hết, trên ngọn cây, trong chòm lá biếc, đàn chim xanh ríu rít chuyền cành.
Đôi con chim oanh lông màu
vàng khươm lên giọng hót líu lo rồi bỗng xoè đôi cánh bay vút lên không
trung xa tít. Trong khi đó, đàn cá vàng đang nhởn nhơ đùa nhảy trên mặt
hồ nước trong mát, làm cho mặt hồ vốn thường yên tĩnh bỗng xôn xao, ầm ỹ lên chốc lát, để rồi lại nằm im trong mơ mộng.
Nếu đứng xa một
chút mà ngắm, thì toàn thể Tây Uyển chẳng khác gì một bức gấm thêu muôn
sắc ngàn màu, hội đủ hết những cái đẹp của vũ trụ thiên nhiên vào nơi
đây, mục đích hình như hoá công muốn dành riêng cho những giai nhân
tuyệt sắc chốn nhân gian.
Người sau đã làm thơ ca tụng Tây Uyển như sau: (Tạm dịch)
Đảo thắm rừng xanh gác điệp trùng.
Khói mây sớm tối mịt mờ trông.
Cột treo buồm gấm bay quanh phượng.
Bệ nước sâu vàng uốn khúc long.
Dưới bóng cây râm hơi gió lặng.
Trước hiên yến tiệc rượu hương nồng.
Thân này ngờ tự trời kia xuống.
Dao đảo là đây mới lạ lùng?
Quang Tự hoàng đế giá hạnh Tây Uyển đúng vào một buổi sáng đẹp trời. Trên
điện, yến tiệc đã bày biện sẵn sàng, nào là trân tu mỹ vị, nào là rượu
ngon chén ngọc, tất cả đều đầy đủ cho một khung cảnh phú quý thần tiên.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT