Nghê Trung tới trước công đường trình trạng rồi, quỳ xuống khóc kể đầu đuôi, từ lúc vâng chỉ ra Khánh Châu nhận chức, giả trang dò xét dân tình, đến khi bị Mã Cường bắt, nhờ Giáng Trinh cứu, lại bị bắt lần thứ hai, tình cảnh thế nào đều nói rõ lại. Phạm đại nhân nghe xong bèn hỏi: "Chủ của nhà ngươi bị hàm oan, sao nay mới thân tố?". Nghê Trung thưa: "Nhân vì tôi vâng việc chủ về Dương Châu rước gia quyến. Khi trở lại mới hay việc này, bèn lật đật lên kinh, kêu oan cho chủ". Nói đoạn khóc rống lên.

Văn đại nhân nói với các quan rằng: "Cứ trong tờ trình của Nghê Trung thời phù hợp với lời khai của Nghê Kế Tổ, Âu Dương Xuân và Ngại Hổ. Vậy phải đòi Nghê Kế Tổ và Âu Dương Xuân ra hỏi lại xem sao?". Các quan khen phải, sai tả hữu mời hai người ra. Văn đại nhân liền hỏi Nghê Thái thú rằng: "Ông cùng Bắc Hiệp định chừng nào bắt Mã Cường? Và chừng nào giải về phủ?". Nghê Thái thú đáp: "Định tới canh hai đem sai dịch bắt Mã Cường, rồi rạng sáng ngày sau về tới phủ". Văn đại nhân lại hỏi Bắc Hiệp rằng: "Bắt Mã Cường hồi canh hai, sao rạng đông mới về tới phủ?". Âu Dương Xuân thưa: "Vì bắt Mã Cường rồi còn phải chống cự với bọn trong quán Chiêu Hiền tới canh năm chúng nó mới tan, và đường từ Bá Vương trang về tới phủ xa ước tới vài mươi dặm nên giải Mã Cường tới rạng đông mới đến phủ". Văn đại nhân đem Quách Thị ra hỏi: "Ai bắt chồng mi, mi có nhớ không?". Quách Thị thưa: "Người to lớn râu đỏ" Văn đại nhân hỏi: "Chồng mi bị bắt ra khỏi nhà hồi nào?!". Quách Thị đáp: "Hồi canh năm". Văn đại nhân hỏi: "Còn nhà mi bị cướp hồi nào?". Quách Thị đáp: "Hồi đó trời chưa sáng". Văn đại nhân hỏi: " Trong tờ khai kẻ đồ mất nhiều lắm, không lẽ có một người giật. Vậy mi có thấy chúng nó đông chừng bao nhiêu không?". Quách Thị đáp: "Đông lắm song không rõ là bao nhiêu, vì lúc ấy tôi không dám ló đầu ra, chỉ nghe chúng nó nói rằng: "Chúng là người của Bắc Hiệp tới mà thôi". Văn đại nhân nói: "Người đi cướp giật ai dại gì lại nói tên mình hay là bọn đồng lõa. À, mà lúc đó mấy người ở quán Chiêu Hiền đâu không tiếp cứu?". Quách Thị đáp: "Sáng ngày đó, tôi tra xét đồ đạc lại, chẳng những là không thấy bọn ấy mà tới đồ đạc ở đó cũng mất sạch ráo. Bẩm thượng quan, những bầu bạn của chồng tôi đó đều là quân quấy quá bất lương chứ không có người nào tử tế". Văn đại nhân nghe dứt, nói với các quan: "Các ngài có nghe chưa. Đó là bọn cường khấu tại quán Chiêu Hiền cướp giật rồi. Vậy mau đem Mã Cường ra đối diện với Nghê Trung".

Mã Cường nhắm thế chối cãi không xong, bèn khai thật những việc mình đã làm, không giấu giếm một tí gì. Các quan liền sai đem Nghê Thái thú, Bắc Hiệp, Ngại Hổ, Nghê Trung ở vào một nơi để đợi thánh chỉ, còn bao nhiêu đều giam vào ngục, rồi đồng dâng sớ, kẹp luôn những thư từ xét được tại quán Chiêu Hiền và các tờ cung khai lên cho Thánh thượng. Thiên tử xem xong, lấy sớ lại, ấy bởi ngài là người lấy đức trị dân, nay vì án này có liên quan đến Hoàng thúc Thiệu Tước, nên không muốn xét kỹ, chỉ xuống chiếu xử trảm cho chú cháu Mã Cường, và giam Quách Thị, còn Nghê Thái thú thời được phục chức, Bắc Hiệp vô sự; Ngại Hổ còn nhỏ mà cáo kẻ có tước quyền, lý ra là có tội, song bởi vì mũ Cửu Long mà cáo nên rộng tha cho.

Chiếu ấy truyền xuống, Nghê Thái thú dâng biểu tạ ơn và kẹp thêm một tờ tấu kể lể nỗi Nghê Nhân bị hại, Lý Thị hàm oan, Dương Phương trung liệt, Đào Tôn, Hạ Báo hung tàn. Thiên tử xem xong liền ban dụ xuống truy phong cho Nghê Nhân hàm ngũ phẩm, sắc tặng cho Lý Thị, cáo phong Nghê Thái công và phu nhân hàm lục phẩm. Nghê Trung thất phẩm thừa nghĩa lang ở tại phủ, Châu Giáng Trinh có Ngọc Liên Hoa thời thành hôn với Nghê Thái thú. Châu Hoán Chương thời ân tứ sĩ. Còn Đào Tôn, Hạ Báo thời cho truy tìm rồi xử tội.

Nghê Thái thú được ơn Thiên tử, liền lạy tạ ơn, rồi ra tham kiến Bao Công, định ngày nhận chức, mời Bắc Hiệp và Ngại Hổ ra Khánh Châu. Tới nơi ra mắt Lý phu nhân và vợ chồng Nghê Thái Công, Lý phu nhân vẫn giữ việc tu trì trai giới. Nghê Thái thú lại sai Nghê Trung đi với Châu Hoán Chương tới nguyện Nghi Trưng lấy cốt Nghê Nhân về, giết Hạ Lão tế linh, rồi an táng. Xong việc ấy, bèn lựa ngày lành kết duyên với Châu Giáng Trinh. Còn cha con Bắc Hiệp chờ các việc xong xuôi bèn đi qua thôn Mạc Hoa.

Nhân Tôn thiên tử tiếp liền những sớ báo tại hồ Hồng Trạch có lụt, chẳng những hư hại mùa màng lại còn làm chết người, tốn hao tiền của nữa. Mặt rồng chẳng vui, liền triệu Bao Công tới thương lượng. Bao Công liền tiến cửa Nhan Xuân Mẫn làm tuần án đi xét các sông và yên úy dân tình. Vua chuẩn tấu, rồi hạ chỉ. Nhan Xuân Mẫn tiếp chỉ liền tới phủ Khai Phong xin Bao Công dạy phép trị thủy và xin cho Công Tôn Sách, Bạch Ngọc Đường theo giúp sức. Bao Công bằng lòng qua ngày sau dâng biểu xin cho Công Tôn Sách và Bạch hộ vệ về theo giúp Nhan tuần án. Thiên tử chuẩn tấu, Nhan Xuân Mẫn tạ ơn rồi nội ngày đó xuất hành.

Ngày nọ tới thành Tứ Thủy, quan phủ là Trâu Gia ra tiếp. Đương còn hỏi thế nước yếu mạnh ra sao, thời thấy có người tại đê Xích tới báo rằng: "Nạn lụt chưa xong, lại thêm có thủy quái nữa". Nhan đại nhân nghe như vậy, bèn định với quan phủ sáng ngày sẽ lên núi Tây Hư xem nước. Quan phủ nhận lời kiếu lui. Nhan đại nhân bèn bàn luận việc ấy với Công Tôn Sách và Bạch Ngọc Đường một lượt rồi mới đi nghỉ.

Ngày sau ba người ngồi kiệu đi với quan phủ lên núi Tây Hư dòm xuống, thấy một vùng trắng xóa, sóng bủa nhấp nhô, cuồn cuộn như sôi, tràn ngập cả đê đường nhà cửa. Còn dân chúng thời xúm nhau che chòi dựng lều trên mấy chỗ nước mới mấp mé mà ở. Tình cảnh thật khá thương, ai xem qua cũng xót dạ. Bạch Ngọc Đường thấy vậy nghĩ thầm rằng: "Thương hại cho muôn dân đã bị thủy tai lại thêm thủy quái, mà lạ sao thủy quái không bắt người lại lấy đồ đạc trong nhà và tiền của? Muốn rõ điều này tối nay ta phải dò xét xem sao?". Nghĩ đoạn liền cho Nhan tuần án biết, rồi dắt theo bốn tên sai đinh đi thẳng lên đê Xích, nói rằng mình phụng chỉ đi tra nghiêm quanh cảnh lụt lội. Dân chúng nghe vậy liền tới cúi đầu tỏ sự khốn khổ. Bạch Ngọc Đường liền sai che một cái lều, chui vào ngồi, kêu ít người nạn dân tới cùng nhau nói chuyện thủy quái, nhân hỏi thăm tung tích đi lại của nó, thời biết rằng thủy quái chỉ có một cách gầm rống mà thôi. Bạch Ngọc Đường nghe xong móc túi đưa ra vài lượng bạc sai người đi mua chút ít rượu thịt về cùng nhau ăn uống. Trong khi ăn uống chuyện vãn, Ngọc Đường hỏi tới đường lối và các ngọn ngành xung quanh đê Xích. Mọi người đều nói: "Chỉ có bên kia chân núi là chỗ nước xoáy, thời thế nước ứ vẫn dữ dội lắm, hễ ai đi thuyền qua đó thì bị chìm đắm, thật là một nơi rất nguy hiểm". Bạch Ngọc Đường hỏi: "Nơi ấy có tên là gì?". Dân đáp: "Cách đây vài dặm là miếu Tam Hoàng". Bạch Ngọc Đường nghe ghi nhớ kỹ lưỡng lắm. Ăn uống xong dặn dân chúng núp trốn trong lều coi mình bắt thủy quái.

Đêm vừa quá canh hai, Ngọc Đường nghe có tiếng khì khịt bèn lén ra khỏi lều, tay cầm cục đá, núp xem tình thế. Thấy dưới nước nhảy lên một vật hình như hình người, mặt mày dữ tợn. Tóc bỏ xõa đi xăm xăm vào lều Bạch Ngọc Đường lén lén theo sau lưng, nghe trong lều có tiếng la: "Quái vật tới đó! Thủy quái tới đó!" Bạch Ngọc Đường ở sau lưng vội vàng ném một cục đá Thủy quái bị ném đau quá, vừa quay đầu lại, bị Ngọc Đường ném tiếp một cục nữa quá nặng nên nhào lăn xuống đất. Ngọc Đường liền nhảy tới đè, rồi sai dịch áp tới bắt quái vật đem vào lều. Rọi đèn xem thì người ấy mang lốt, lột lốt ra thời chỗ bị ném chảy máu quá nhiều, kêu khóc xin dung mạng.

Ngọc Đường còn đương xem chợt nghe ngoài đê có tiếng la: "Thủy quái tới? Thủy quái tới?", liền vội vã chạy ra chỉ thấy mặt nước dợn và cuộn sóng thôi. Bây giờ các hương lão đều tề tựu lại coi thủy quái, thấy rõ người giả dạng mà cướp giật của dân, nên ai nấy đều tay đánh miệng chửi rất tàn tệ. Bạch Ngọc Đường cản lại mà rằng: "Đã biết đó là giả rồi, vậy từ rày về sau chớ có sợ nữa, hễ gặp thì xúm nhau bắt cho được đem nạp lại viện Tuần án mà lĩnh thưởng, chớ đánh khảo làm chi cho mỏi tay, sẽ có luật nước nghiêm trị cho". Mọi người vâng dạ, Bạch Ngọc Đường liền sai dịch giải con quỷ giả đó về viện Tuần án.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play