Cẩm Tiên nghe Ngại Hổ hỏi bèn đáp: "Có lẽ nào lại chẳng hỏi? Khi Thiệu Công được thư của Kim Thái thú bèn kêu chủ tôi tới hỏi một lượt, rồi đưa thư ấy cho coi, ngoài bức thư ấy lại còn một gói đồ. Chủ tôi xem xong cầm đi riết về phòng đưa cho bà chủ giả của tôi coi, thời là một cái khăn thêu hoa phù dung, một cái tuội kim Ngư và một cây ngọc xoa. Chủ tôi thấy trong khăn có bốn câu kinh thi bèn hỏi chữ ai đề, thời bà chủ giả của tôi đáp là của bà viết". Ngại Hổ hỏi: "Ủa! Vậy người đó là ai?". Cẩm Tiên nói: "Chẳng ai lạ, ấy là Giai Huệ liễu hoàn đó". Ngại Hổ hỏi: "Sao Giai Huệ lại giả mạo tiểu thư như vậy?". Cẩm Tiên bèn thuật việc đổi y phục giả dạng chủ làm tớ, tớ thay chủ cho Ngại Hổ nghe. Ngại Hổ lại hỏi: "Còn chủ mi nghe Giai Huệ nói mình đề thơ trong khăn rồi nghĩ sao?". Cẩm Tiên nói: "Giai Huệ chịu rằng: Hai câu trước thiếp viết còn hai câu sau chàng nối. Chủ tôi nghe nói lấy lạ, vì thật chủ tôi không có viết nên khi ổng nhìn kỹ bút tích hiểu là của tôi viết, bèn kêu tôi ra hỏi. Thôi! Tam tào đối án còn chối gì nữa. Tôi phải chịu viết hai câu sau, vì vậy chủ tôi rầy một trận đích đáng, rồi tỏ đầu đuôi câu chuyện lại cho Thiệu Công nghe. Thiệu Công đã không lấy làm lạ, lại khen tôi là đứa có lương tâm, thương tiếc tiểu thư bạc mệnh. Từ ngày ấy đến nay, Giai Huệ sầu não thương nhớ tiểu thư nên sinh bệnh, chủ tôi cũng cảm động nên sai tôi đi sắp các vật tế lễ. Nhân dịp ngày mai Thiệu Công tiếp Kim Thái thú, chủ tôi và Giai Huệ ngồi thuyền ra sông truy tế gọi là đáp chút tình xưa".
Ngại Hổ nghe Cẩm Tiên thuật hết câu chuyện thời than thở tiếc thương cho người hồng nhan bạc mệnh, chớ nào dè tiệc mừng của Trương Lập được con tại Lục Ạp Na mà mình có dự lúc trước ấy, tức là lễ mừng của Mẫu Đơn tiểu thư được người cứu nạn đâu! Ngại Hổ và Cẩm Tiên ăn uống xong, trả tiền xuống lầu Cẩm Tiên mời Ngại Hổ vào nhà, cùng Thi Tuấn họp mặt. Ngại Hổ nhận lời chờ Cẩm Tiên đi mua đồ lễ vật xong, hai người bèn về nhà, Thi Tuấn tiếp đãi Ngại Hổ rất tử tế.
Hôm sau Thi Tuấn nghe Thiệu Công đi tiếp Kim Thái thú bèn cùng Giai Huệ, kẻ ngựa người kiệu ra tới mé sông, đặt bày bàn lễ, thay đồ trắng, vái cúng, khóc lạy rất là bi thảm. Đương lúc cúng tế, thoạt thấy xa xa có một đoàn thuyền quan đi tới, trong thuyền đi đầu tức là chiếc thuyền gia quyến của quan, có một ả liễu hoàn ló mặt ra cửa mui dòm, bên cạnh có một vị tiểu thư, mé trong có một bà, và một cậu công tử. Thuyền ấy lần lần đi tới, mấy người đó đều nhìn lên bờ thấy Thi Tuấn đứng khoanh tay, Giai Huệ đương gạt lệ. Vị tiểu thư nhìn một lát lâu bèn nói với cậu công tử rằng: "Này em, em xem vị phu nhân trên bờ đó giống hệt Giai Huệ?". Cậu công tử chưa kịp trả lời thời phu nhân nói: "Thế gian thiếu chi người diện mạo giống nhau, sao con lại chắc là Giai Huệ được". Vị tiểu thư làm thinh.
Chẳng mấy lúc thuyền tới bến, ai nấy lên bờ ngồi kiệu thẳng vào công quán, kế thấy Kim Công vừa tới, đã có Thiệu Ban Kiệt đem các ti lại ra nghênh đón, hai bên chào hỏi, tỏ nỗi hàn huyên. Thiệu ban Kiệt bèn đem rõ việc Cẩm Tiên và Giai Huệ giả tay Nguyệt lão, nhưng xe tơ vụng về, gây ra họa hại cho Thi Tuấn, Mẫu Đơn mà thuật lại. Kim Huy ghe rõ đầu đuôi càng ăn năn lắm. Tiệc mãn, Thiệu Công từ giã ngồi kiệu về nha, lúc ấy Thi Tuấn đã về trước rồi, tới thư phòng không thấy Ngại Hổ thời lấy làm lạ bèn đi vào nhà trong lại mất Giai Huệ. Đến chừng hỏi ra mới biết Giai Huệ nghe có Mẫu Đơn tiểu thư tới, nên đã đi ra công quán mà hầu rồi. Thi Tuấn thấy lòng Giai Huệ như vậy thì vui mừng lắm. Thiệu Công trở về, Thi Tuấn bèn vào thư phòng ra mắt. Thiệu Công thấy Thi Tuấn vào bèn cho ngồi rồi nói: "Bữa nay ta giáp mặt Kim huynh, tỏ bày các điều về việc hôn nhân của cháu. Kim huynh đã không lấy làm lạ lại dặn cháu nên theo qua Tương Dương sẽ tính việc hoàn nhân, vậy cháu nên nghe theo là phải". Thi Tuấn dạ dạ vâng lời, rồi kêu vào thi phòng thời Giai Huệ cũng mới về đến, thuật rõ câu chuyện Mẫu Đơn tiểu thư bị nạn được cứu cho chàng nghe. Thi Tuấn lòng mừng, song giả như người vô tình vậy. Kim Huy Thái thú ở lại công quán đàm đạo cùng Trí Hóa. Tới canh hai Trí hóa liền kiếu trở về phòng nai nịt hẳn hoi, đi vòng ra mé trước tuần phòng y như thường lệ. Trí Hóa vừa tới mé cửa trước thoạt thấy có bóng người, bèn mọp xuống bò theo, bò tới phòng mé đông liền nhảy lên nóc, bò trở lại phòng mé bắc, thời thấy có người đương núp trên ấy, tay nắm cây cui, chân quỳ xuống ngói, dòm vào trong quán. Trí Hóa thấy vậy bèn nghĩ thầm rằng: "Người này tới đây ắt phải việc chẳng lành, vậy ta nên rình xem nó làm gì". Đương nghĩ, bỗng thấy có người hình vóc nhỏ, gọn gàng bò tới sau lưng người đương quỳ núp kia, lén thò tay rút miếng gạch dưới chân bên tả, làm cho người kia trượt dài ra, ló cán gươm, bèn lén rút rồi bò đi chỗ khác.
Trí Hóa thấy vậy yên lòng lắm, chỉ ngồi đối diện mà rình thôi. Ai dè một lát người kia thò tay rút gươm thời chỉ còn cái vỏ không, bèn nói nhỏ rằng: "Không xong rồi". Vừa dứt tiếng thời có một lưỡi dao chém tới, người núp kia nhào lăn xuống đất.
Người bị chém đó là ai? Đó là Trại Phương Sóc Phương Diêu. Còn người rút gươm đó là ai? Tức là Tiểu Hiệp Ngại Hổ vậy. Ngại Hổ chém Phương Diêu rồi liền la lớn rằng: "Có thích khách?". Bỗng có tiếng la tiếp rằng: "Đằng này cũng có thích khách". Ngại Hổ nghe như vậy bèn nhảy qua đầu tường đi lần tới, vừa tới mé tây, bỗng thấy trước mặt nhoáng một cái, bèn giơ gươm lên đỡ. Người chém ấy khen rằng: "Giỏi! Tôi xin kiếu, sau sẽ gặp". Nói dứt, liền nhảy xuống chạy đi. Ngại Hổ cũng nhảy xuống rượt theo, tới cụm rừng dòm kiếm dáo dác, bỗng nghe tiếng hỏi rằng: "Có phải trò Ngại Hổ đó không?". Ngại Hổ liền trả lời rằng: "Phải, bẩm thầy có tên thích khách chạy vào đây không?". Trí Hóa chưa kịp trả lời, có người bước tới nói rằng: "Trí huynh, tôi là tên thích khách đây". Trí Hóa nhìn lại thời là Tiêu gia các Trẩm Trọng Nguyên nên không nỡ bắt, bèn hỏi rằng: "Bây giờ hiền đệ ở đâu?". Trọng Nguyên nói: "Đầu thân vào Tương Dương Vương chờ thời vận. À người nhỏ này là đồ đệ của Trí huynh phải không? Thật đáng khen biết mấy, nhảy tường cũng giỏi, trộm gươm cũng hay, đao chém thình lình mà đỡ được, thật bực anh tài ít có!". Trí Hóa nghe Trọng Nguyên khen Ngại Hổ thời cả cười rồi nói: "Như vậy thật cũng là may, bởi tôi vụng tính một chút, thoảng như hiền đệ cắt người mai phục tại đây, chắc tệ đồ mang khổ". Trẩm Trọng Nguyên cả cười. Trí Hóa lại hỏi Trọng Nguyên rằng: "Sao hiền đệ lại đem thân vào đầu Tương Dương Vương làm gì?". Trọng Nguyên nói: "Nhân huynh hỏi như vậy thời chưa đúng là tay hiệp nghĩa. Nay nhân huynh biết Tương Dương Vương mưu nghịch, mà cứ đối diện giao phong e chưa trọn thắng nếu không có tiểu đệ ẩn núp ở trong, thời ấy ai tỏ cho ở ngoài biết hoạt động của gian vương được". Trí Hóa nói: "Như lời hiền đệ nói như vậy thời hơn bọn tôi nhiều lắm". Trọng Nguyên nói: "Phân hơn kém mà làm gì, đã chẳng lo quân yên dân được thời cũng nguyện lấy hai chữ "nghĩa hiệp" làm bổn phận là đủ". Trí Hóa nói: "Như vậy càng hay, sau này phỏng có việc gì, xin hiền đệ hết lòng giúp sức". Trọng Nguyên nhận lời rồi cùng nhau chia tay từ giã, kẻ lại Tương Dương người về công quán.
Trí Hóa và Ngại Hổ trở lại công quán, đã thấy tuần canh giải Phương Diêu cho Kim Thái thú thẩm vấn rồi. Phương Diêu là tay anh hùng rơm nên khi ra tới nơi công pháp liền mất máu lạnh lòng, khai không sót điều gì. Kim Thái thú lấy khẩu cung của Phương Diêu xong sai điệu xuống ngục cắt người canh giữ. Trí Hóa đem Ngại Hổ vào ra mắt Kim Thái thú, thuật chuyện Tiểu Hiệp bắt thích khách cho ngài nghe. Thái thú cám ơn lắm.
Sáng ngày Kim Thái thú vào nhà tạ lễ Thiệu Công, đem việc thích khách lúc đêm thuật lại. Thiệu Công sai tả hữu đem Phương Diêu hỏi lại một lượt, phù hợp với khẩu cung lắm, bèn lật đật xuống trát cho huyện, gởi giam Phương Diêu vào ngục, rồi cho mời Trí Hóa và Ngại Hổ vào ra mắt Thiệu Công. Thiệu Công cũng xin cho Thi Tuấn vào ra mắt Kim Thái thú. Kim Thái thú trông thấy Thi Tuấn liền nhận những việc lỗi lầm trước đều tại mình nóng giận mà ra. Thiệu Công và Kim Thái thú lấy khách lễ mà đãi Trí Hóa và Ngại Hổ. Thi Tuấn gặp mặt Ngại Hổ bèn hỏi: "Hồi hôm hiền đệ đi đâu mà không nói?". Ngại Hổ nói: "Vì đi dò la bọn thích khách nên chưa kịp cho hay". Kim Công hỏi: "Sao hai người lại quen biết nhau?". Thi Tuấn bèn kể lại chuyện kết bạn lúc trước cho hai Thái thú nghe, rồi hỏi Ngại Hổ rằng: " Sao hiền đệ biết có thích khách mà phòng?". Ngại Hổ bèn thuật lại lúc rình mò vương phủ, nghe lén câu chuyện của hai người thích khách ước hẹn nhau... Ai nấy nghe nói đều khen. Thiệu Công bèn sai người bày tiệc rượu, cùng nhau chuốc chén và chuyện trò.
Khi uống rượu, Kim Công bảo Thi Tuấn theo mình qua Tương Dương tính cho xong duyên trước. Thi Tuấn thưa rằng: "Vì xa nhà đã lâu, xin hoãn về thăm cha mẹ, rồi trở ra định việc đuốc hoa, nay xin để Giai Huệ cùng đi theo tiểu thư, chẳng rõ ý đại nhân liệu nghĩ thế nào?". Kim Công nói: "Lời phân ấy rất phải, ta đâu có lẽ chẳng nghe theo". Trí Hóa nói: "Công tử về quê chắc ít lâu cũng trở lại, nên để Tiểu Hiệp đi theo cho tiện". Thi Tuấn nói: "Đâu dám làm nhọc Ngại hiền đệ". Ngại Hổ nói: "Tôi muốn theo minh huynh về viếng song thân thời còn nhọc gì". Thiệu Công thấy vậy vui lòng bảo Đinh Hùng sắm sửa hành lý, dặn dò lúc đi đường phải cẩn thận. Rồi Thi Tuấn, Ngại Hổ từ giã hai quan Thái thú và Trí Hóa mà lên đường nhắm huyện Trường Lạc đi tới.
Câu chuyện nhân duyên của Mẫu Đơn thế là gần xong, chỉ còn đám cưới, rồi vợ chồng và nàng thiếp hòa thuận với nhau thế là kết thúc câu chuyện Thất Hiệp Ngũ Nghĩa. Còn nhiều vị anh hùng hào kiệt, hiệp khách và nữ tướng trong truyện này có tên mà chưa trổ tài. Chắc còn nhiều chuyện kể tiếp theo mới rõ được.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT