Triệu Hổ nghe Triệu Khánh thuật chuyện, miệng bảo như vậy, mà bụng nghĩ rằng: "Tướng gia ta lòng son vì nước, lo lắng cho dân, ai dè con cháu lại kinh nhờn luật pháp thế này, ta cũng nên chỉ vào phủ Khai Phong coi tướng gia nghĩ thế nào?" Nghĩ rồi bèn hỏi: "Nay ông đến đây có ý đi tố oan hay không?". Triệu Khánh đáp: "Tôi tính tìm nhà bà con rồi sẽ đi tố oan". Triệu Hổ nói: "Vậy ông nên vào kêu ở phủ Khai Phong, vì Bao Thừa tướng là người chánh trực công bình, dầu thân dầu sơ người cũng cứ lẽ cân bằng mực chẳng mà thôi. Nếu lại kêu nơi khác e gặp chỗ không hay". Triệu Khánh đáp: "Khách quan dạy phải, tôi xin vâng lời". Triệu hổ nói: "Nhưng mà hôm nay, Bao Thừa tướng không có ở phủ, phải sau ngày rằm ông sẽ đón kiệu kêu oan mới được". Triệu Hổ nói rồi móc túi cho ông già một đĩnh bạc rồi kiếu ra đi.
Triệu Hổ trở về phủ Khai Phong, đợi hoài trông mãi mà không thấy Triệu Khánh tới. Nguyên sau ngày rằm, Triệu Khánh nhớ lời Triệu Hổ dặn, bèn đi vào thành, tới một chỗ kia, người ta qua lại rất đông, bèn men gần lại, nghe xa xa có tiếng nạt đường rằng: "Tránh, tránh cho kiệu Thái sư đi". Triệu Khánh nghe nói Thái sư đi thì cả mừng, đứng lại chờ kiệu đi tới miệng kêu oan uổng, đầu đội tờ trình. Chợt thấy kiệu ngừng, có một người nhảy xuống ngựa tiếp tờ trình, dâng vào trong, một lát, trong kiệu có lệnh truyền ra rằng: "Đem người đội trạng ấy về phủ". Tả hữu vâng lời, điệu Triệu Khánh đi theo, thẳng đường về tới một dinh thự rất lớn.
Đó không phải là phủ Khai Phong, mà là dinh của Bàng Thái sư vậy. Bàng Kiết được tờ trình ấy lọt vào tay, mừng rỡ như được châu ngọc, hối hả sai người đi mời rể là Tôn Vinh và học trò là Lục Thiên Thành tới đưa tờ trình cho chúng nó coi. Cả hai xem xong, vỗ tay nhảy nhót và nghĩ rằng: "Phen này có thể đánh đổ được Bao Công rồi". Liền kêu Triệu Khánh vào thư phòng gạn hỏi nguyên do rồi bàn tính cùng nhau làm một tờ tấu cho nghiêm khắc.
Ngày sau, Nhân Tôn ra chầu, Bàng Thái sư dâng tờ tấu lên, vua xem xong, triệu Bao Công lên điện hỏi rằng: "Khanh có cả thảy được mấy đứa cháu?". Bao Công tâu: "Tâu bệ hạ, hạ thần chỉ có ba đứa cháu, hai đứa lớn lo bề ruộng nương, còn đứa nhỏ thời đi học". Nhân Tôn hỏi: "Đứa đi học đó tên gì?". Bao Công tâu: "Tâu bệ hạ, nó tên là Bao Thế Vinh". Nhân Tôn lại hỏi: "Khanh có biết mặt chúng nó hết không?". Bao Công tâu rằng: "Tâu bệ hạ, từ lúc hạ thần tựu chức tới nay, chưa có về quê lúc nào, chỉ có đứa lớn vào kinh đôi khi, hạ thần được biết, còn hai đứa kia thời chẳng biết mặt.
Nhân tôn nghe tâu gật đầu, đưa tờ tấu cho Bao Công xem. Bao Công xem xong, quỳ xuống chịu tội rằng: "Hạ thần không phép tề gia, nên cháu làm điều phi pháp, cúi xin Thánh thượng mở lượng hải hà, xử đoán lẽ nào, hạ thần muôn nhờ đức cả". Nhân Tôn phán: "Khanh hãy bình thân, vì khanh bận lo việc nước, không sửa được nhà, vậy trẫm cũng dung thứ cho, bao giờ bắt được tên Thế Vinh, trẫm sẽ định liệu. Vua phán xong, liền truyền chỉ cho các châu, quận tầm nã tên Bao Thế Vinh giải về kinh.
Công văn gửi ra mau như chớp, lẹ như tên, chưa bao lâu mà Bao Công tử đã bị giải về kinh. Vừa tới cửa thành, có một người cưỡi ngựa chạy tới như bay, thưa với quan công sai ấy rằng: "Tôi là Bao Hưng, sai nhân của Bao Thừa tướng, xin tới ra mắt Tam Công tử có chút tư sự". Công sai nghe nói sai nhân của Thừa tướng, cũng vị tình cho hai bên gặp nhau, chuyện vãn thì thầm giây lâu rồi Bao Hưng từ tạ, giục ngựa chạy về như bay. Bao Công sai giải Bao công tử vào Đại lý ti chờ thánh chỉ. Nào hay Bàng Kiết quyết hại cho được Bao Công, nên đã tâu với Thiên tử xin giao vụ ấy cho Tam Đường là Đại lý ti, Binh mã ti và Đô sát viện hội xử, vì quan lý ti đứng đầu Binh mã ti là Tôn Vinh, quan đứng đầu Đô sát viện là Lục Thiên Thành, đều là tay tâm phúc của Bàng Kiết thì Văn Ngạn Bác không thể gì cứu gỡ nổi.
Tôn Vinh và Lục Thiên Thành được lệnh, liền tới viện Đại lý. Văn Ngạn Bác ngồi giữa, hai người phân hai bên tả hữu. Sai dịch điệu Bao Thế Vinh lên. Ngạn Bác bèn hỏi rằng: "Tại sao mi bức sách bạc tiền của châu huyện?". Thế Vinh nhớ lời của Bao Hưng dặn khi nãy, bèn bẩm rằng: "Tiểu sinh vâng lệnh của bà nội qua Thái Nguyên dâng hương, nghe đồn Tô, Khanh hai châu ấy có lắm nơi danh sơn tú thủy, muốn nhân dịp đi du ngoạn chơi, nhưng thiếu tiền bạc, nên phải tạm mượn của các quan châu huyện, chứ không có ép bức ai". Tôn Vinh hỏi: "Mi đi dọc đường bức sách châu huyện, phỏng chừng bao nhiêu lượng?". Thế Vinh đáp: "Đi tới đâu mượn đó, không thể nhớ hết được". Vừa nói tới đó, có người đem tới cho Tôn Vinh một phong thư. Văn Ngạn Bác chờ Tôn Vinh xem xong bèn hỏi: "Đó là thư gì?". Tôn Vinh đáp: "Ấy là giấy biên những tiền của châu huyện bị bức sách, mà Bàng Thái sư đã sai người dò xét biên ra". Văn Ngạn Bác liền lấy xem, thấy ở trên biên tên các châu huyện và số tiền Thế Vinh đã lấy, ở dưới là lời Bàng Kiết dặn Tôn Vinh nên hết sức bó buộc Bao Công cho nhiều. Văn đại nhân xem xong, lấy giấy ấy đút vào tay áo, quay lại nói với người đem thư rằng: "Giữa lúc bản quan tra xét, sao mi dám đem thư tín tới như thế là đáng tội, song ta vị tình Thái sư mà dung thứ cho mi. Tả hữu đâu mau đánh đuổi nó ra". Tả hữu vâng lời. Văn đại nhân nói với Tôn Vinh rằng: "Thật lệnh nhạc quá đỗi khinh suất, giữa chốn pháp đường dám sai người đưa thư, sao mà quên cả luật pháp vậy?". Tôn Vinh cúi mặt không dám đòi thư lại. Lục Thiên Thành bèn tiếp hỏi Thế Vinh rằng: "Nghe lúc mi vào kinh, Bao Thừa tướng có sai người tới dặn dò mi những gì có hay không?". Bao Thế Vinh đáp: "Dạ có, chẳng qua cũng dặn dò tiểu sinh nên yên lòng mà thôi". Thiên Thành hỏi: "Người ấy tên gì?". Thế Vinh đáp: "Tên Bao Hưng ". Lục Thiên Thành liền cho Bao Thế Vinh lui ra, truyền sai dịch đi bắt Bao Hưng.
Lúc Bao Hưng tới, Lục Thiên Thành giả mặt quỷ thần vỗ án hét rằng: "Bao Hưng, sao mi dám đón khâm phạm, truyền lén tin tức, tội ấy mi biết chưa?". Bao Hưng đáp: "Tôi lúc nào cũng chầu chực tướng gia, không bao giờ có chuyện như vậy". Lục Thiên Thành quở rằng: "Mi thật là lẻo mép già chối sao? Tả hữu đánh nó hai chục hèo cho biết mặt". Tội nghiệp Bao Hưng vô cớ bị đòn, tức mình nói thầm rằng: "Từ khi ta theo tướng gia tới bây giờ chưa lúc nào khổ như vậy, nay thời suy mới gặp đứa thù vặt". Tôn Vinh cũng bảo Bao Hưng khai, nhưng Bao Hưng cứng cỏi, nhất định chẳng khai. Tôn Vinh thấy Bao Hưng vậy sai đem đại hình ra. Tả hữu khiêng ba khúc cây để trước công đường. Bao Hưng vẫn thấy quen, không chút sợ hãi cười rằng: "Đại nhân nói rằng tôi đón khâm phạm, truyền lén tin tức, vậy xin cho đem công tử ra đối chất xem thế nào". Tôn Vinh nói: "Ta không cần nói với mi, tả hữu đâu cứ việc thi hành". Văn Ngạn Bác thấy vậy, cho người đòi Bao Thế Vinh ra. Thế Vinh nhìn Bao Hưng một hồi rồi nói: "Không phải, người này chỉ tương tự mà thôi, người kia đen ốm chứ không mập và trắng như vậy". Tôn Vinh nghe xong biết việc không xong rồi, chợt thấy tả hữu báo có Công Tôn Sách tới ra mắt. Văn đại nhân cho mời vào, Công Tôn Sách bước tới trước công đường thi lễ rồi đưa thư lên, Văn đại nhân xem xong, mặt lộ sắc vui hỏi Công Tôn Sách rằng: "Ba người ấy có tại đây chăng?". Tôn Sách đáp: "Có đủ, xin cho tôi kêu vào". Nói rồi trở ra. Văn đại nhân đưa bức thư cho Tôn Vinh và Lục Thiên Thành coi, cả hai như ngây như dại, ngồi sững như bù nhìn.
Bây giờ ba công tử đã vào tới công đường. Văn đại nhân xem thấy cả hai đều diện mạo đoan trang, người thứ ba thanh tú hơn cả, liền cho ngồi. Người lớn là Bao Thế ân, người thứ hai là Bao Thế Huân làm thinh không nói, chỉ có Công tử thứ ba là Bao Thế Vinh đứng dậy thưa rằng: "Chú tôi đã có đưa thư cho bác, sai tôi tới công đường cùng đứa giả mạo kia đối chất vạch cho ra lẽ ngay gian". Nói vừa dứt lời, Bao Thế Ân liếc người quỳ một bên, bất giác hỏi rằng: "Mi có phải là Võ Kiết Tường đó không?". Bao Thế vinh giả thấy ba Công tử tới thời thất kinh, hồn phị thiên ngoại, không đáp được lời nào. Văn Ngạn Bác liền nói: "Sao Công tử lại biết nó?". Bao Thế ân đáp: "Nguyên Võ Kiết Tường có em là Võ Bình An đều làm tớ nhà tôi, vì chúng nó cứng đầu khó dạy nên đã đuổi nó rồi, không rõ vì sao nó lại giả tên em tôi mà tới đây". - Văn Ngạn Bác xem kỹ lại thời Võ Kiết Tường và Bao Thế Vinh phảng phất giống nhau, trong bụng đã hiểu rõ rồi, bèn cho ba Công tử lui về và thả Bao Hưng.
Nói về Bao Công bị Bàng Kiết tâu vạch chuyện cháu mình, thời lo buồn và giận lắm, lớp giận anh sao không biết dạy con, lớp giận cháu sao không lo học lại thả đi gây họa. Kế nghe Tam Công tử đã bị giải vào kinh, Thiên tử giao cho Tam đường tra xét, lòng thêm lo sau lại thấy đòi Bao Hưng, thời ruột rối như vò. Đương lúc buồn bã bỗng thấy sai dịch dắt vào một người, người ấy ra mắt xưng là Bao Vượng, Bao Công hỏi: "Mi tới đây có việc chi?". Bao Vượng thưa: "Tôi vâng lịnh ông bà, đưa ba Công tử tới đây mừng. thọ lão gia". Bao Công nghe nói lấy làm lạ hỏi: "Ba công tử còn ở đâu?". Bao Vượng đáp: "Còn đi sau một lát". Bao Công liền sai Lý Tài ra đón. Giây lâu ba Công tử vào tới, lạy mừng xong xuôi. Bao Công vui mừng lắm, hỏi thăm cha mẹ, anh chị, bà con. Bao Công thấy ba Công tử tới đủ mặt, hiểu ngay rằng, án kia quả là kẻ mượn tên làm càn, nên lật đật lui vào thư phòng mời Công Tôn Sách tới, kể các việc cho hay và cậy đem ba Công tử tới Đại lý ti đối chất.
Công Tôn Sách đi rồi, các nghĩa sĩ được tin tới chúc hạ. Lư Phương nhân dịp trình việc mình dò la bấy lâu, và xin Bao Công đem bọn mình tâu lên Thiên tử, một là tạ tội hai là cho hoãn việc tra xét. Bao Công nhận lời và đáp rằng: "Việc ấy thủng thẳng sẽ tìm cơ hội". Đương nói chuyện thấy Công Tôn Sách đãi lãnh Bao Hưng và ba Công tử trở về.
Thật là:
Mưu sâu khó hại người trung chính.
Phép nước nào dung đứa nịnh tà.
Ba Công tử về tới phủ thuật chuyện nhận được tên giả mạo ấy là Võ Kiết Tường, còn Bao Hưng mách việc Tôn Vinh đánh mình, Bao Công nghe xong cho Bao Hưng vào sau nhà yên nghỉ và báo Lý Tài đem ba Công tử vào ra mắt phu nhân, cả nhà vui vẻ.
Đây nói về Văn Ngạn Bác xét ra vụ ấy liền viết sớ tâu lên Thiên tử, vua Nhân Tôn xem thấy nửa mừng nửa lo, mừng là mừng cháu Bao Công không làm sự càn quấy, lo là lo Bàng kiết hay quấy rối Bao Công, lại quy tụ đồ đảng là Tôn Vinh nữa, không biết nghĩ làm sao, liền giao lại cho phủ Khai Phong tra xét.
Bao Công được lệnh, vội thăng đường hỏi sơ Triệu Khánh một lượt rồi đem Võ Kiết Tường ra hỏi rằng: "Đồng đảng của mi có những ai nữa?". Võ Kiết Tường đáp: "Còn em tôi là Võ Bình An giả làm Bao Vượng và hai tên nữa, song lúc mưu sâu bại lộ chúng nó trốn mất rồi". Bao Công lại lấy tờ giấy của Bàng Kiết biên những châu quận và số tiền bức sách ra hỏi, Võ Kiết Tường đều cung nhận cả. Nhân hỏi tới lúc bị giải vào kinh, Bao Hưng đón dặn dò những điều gì, thời Võ Kiết Tường thưa rõ không sai. Bao Công lại nói: "Nếu gặp được người ấy mi có thể nhìn được rõ không?". Võ Kiết Tường đáp: "Nếu thấy mặt người ấy chắc tôi không quên được".
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT