Tiểu đồng thấy mười hai vị tiên sinh ở Bàng phủ tới, liền chạy rầm lên nói cho đứa tớ gái hay. Đứa tớ gái thưa lại với Thái sư. Bàng Kiết liền cho hai nàng hầu lui về. Hai nàng nhân tiện mời Bàng Kiết tối đến lầu Thủy Tinh cùng dự tiệc chúc thọ.
Bàng Kiết nhận lời, đưa hai nàng xuống lầu, rồi cho tiểu đồng thỉnh mười hai vị tiên sinh lên. Bọn ấy vào ra mắt Thái sư rồi làm lễ chúc thọ, kẻ dâng đối, kẻ tặng trướng, người phẩm vật, kẻ bạc tiền, ai cũng có lễ vật cả.
Các vị tiên sinh dâng lễ vật lên rồi cùng ngồi lại chuyện trò, câu chuyện chẳng qua cũng là chúc sống vui mừng, mạnh giỏi mà thôi. Bàng Kiết cũng sai phủ quan bày tiệc thết đãi. Chén qua chén lại, chén chúc chén dâng, ăn uống vui cười, trống điểm canh hai, ai nấy đều nặng đầu say mèm cả. Bấy giờ các vị tiên sinh mới kiếu lui về.
Bàng Kiết tuy say, song không quên lời hứa với Trạc Tử và Yến Hồng, bèn bảo hai tên tiểu đồng nâng đỡ mình tới lầu Thủy Tinh. Tới nơi, Bàng Kiết vừa bước vào cửa nghe có tiếng thầm thì như một người đàn ông và một người đàn bà nói với nhau vậy. Trong bụng ông ta sinh nghi bèn đứng lại lắng nghe. Người đàn ông nói rằng: "Nếu không có cơ hội như hôm nay làm sao chúng ta được toại ý". Người đàn bà nói: "Bây giờ còn chờ cho lão tới lâu quá, vậy hai ta lên lầu một chặp, há chẳng vui sao?". Nói rồi cười khúc khích, dẫn nhau lên lầu. Bàng Kiết nghe mấy lời ấy, máu giận nổi đùng đùng, sai tiểu đồng đi kêu Bàng Phúc, bảo nó đem lính tráng tùy tùng tới bắt kẻ gian. Còn mình khẽ tay xô nhẹ cánh cửa, lẻn vào trong rồi thẳng lên lầu thấy trên bàn ê hề nem, chả, gỏi thịt, trong ly còn có rượu cặn. Bước thẳng tới tư trướng thấy màn trong còn vén, một gã trai ôm chặt một người con gái đương nằm quay mặt vào trong. Bàng Kiết nổi điên lên, máu ghen sùng sục, thấy bên vách có treo một lưỡi gươm bèn với tay lấy, ráng hết sức mạnh chém xuống, đầu gã trai nọ văng xuống ván lầu, Yến Hồng hoảng hốt ngồi dậy chưa kịp nói gì, cũng bị Bàng Kiết cho một gươm, hồn về chín suối. Ôi! Rồi đời hai người sắc đẹp! Vô cớ chịu thác oan!
Cái đầu của gã trai kia rớt xuống ván lầu, khăn bịt tơi ra, xem kỹ lại thật chẳng ai đâu lạ, rõ là người con gái rất đẹp, đó là nàng Trạc Tử. Bàng Kiết biết lỡ tay, la hoảng một tiếng buông gươm xuống đứng sửng sốt như hình gỗ.
Bây giờ Bàng Phúc đã đem nhiều người tới nơi thấy Thái sư đã giết hại vị ái thiếp thì kinh hãi vô hạn.
Nguyên hai nàng chờ Bàng Kiết mãi mà không thấy tới, đêm khuya mệt mỏi mới giả giọng trai gái đùa bỡn nhau nằm nghỉ, ai dè mới đặt lưng xuống là ngủ mê đi. Lại lúc Trạc Tử giả dạng làm trai, thấy trên vách có cái khăn của Bàng Kiết liền lấy bịt lên đầu khiến cho người ghen lóa mắt, gái đẹp bay hồn vậy Bàng Kiết thương tiếc hai nàng hầu lắm, khóc ngất một hồi, sai Bàng Phúc lo việc tẩm liệm thi hài hai nàng rồi cho mời đứa học trò ruột là quan Ngự sử Lục Thiên Thành tới. Bàng Kiết đem chuyện giết lầm thuật lại cho Thiên Thành nghe. Lục Thiên Thành vốn là kẻ hay nịnh nọt, nên nghe Thái sư nói dứt liền kiếm cớ phỉnh phờ, nói với Bàng Kiết rằng: "Việc ấy, nếu cứ như ý tệ đồ nghĩ chắc là tại phủ Khai Phong bày biện ra. Vì chúng nó cùng Thái sư có ý kình chống. Phủ Khai Phong rất đông người giỏi, nên chúng dò dẫm được, thấy hai bà rượu xoàng mê ngủ, chúng mới giả dạng trai gái chuyện vãn làm cho máu giận Thái sư nổi lên, đến nỗi giết lầm hai bà. Đó rõ là cái kế rất sâu độc".
Bàng Kiết nghe nói lửa giận bừng bừng, trợn mắt nghiến răng, cái thù xưa giết con chưa dễ bằng hại thiếp, bèn hỏi Thiên Thành rằng: "Bây giờ phải làm sao trả thù đó?". Thiên Thành đáp: "Cứ việc viết sớ tâu lên Thiên tử rằng Bao Chửng sai người tới giết hại vị ái thiếp của Thái sư, thì làm thế nào y thoát khỏi lụy hại". Bàng Kiết nghe nói khoái chí lắm, nắm tay Thiên Thành dắt lại thư phòng, cậy tả tấu văn. Lục Thiên Thành mài mực chấm bút, thảo xong tờ tấu đưa cho Bàng Kiết xem. Bàng Kiết khen ngợi lắm, Thiên Thành thấy Thái sư vừa ý, liền vuốt giấy sao kỹ lại một bản rất tinh, phong lại cẩn thận, đợi sáng dâng lên Thiên tử.
Bàng Kiết thấy sớ đã xong, liền sai tiểu đồng đi hâm trà, tiểu đồng vâng lệnh, vừa ra tới cửa Nguyệt Lượng hớt hải chạy trở lại, mặt mất máu, nói lập cập rằng: "Có trộm! Có trộm!" Thiên Thành hỏi: "Trộm ở đâu?, Tiểu đồng đáp: "Nó cắp đao, ngồi rình ở cửa Nguyệt Lượng". Bàng Kiết nghe nói lật đật đắt Thiên Thành và ít tên quân hầu tới xem, Bàng Phúc hay tin cũng đem ít người chạy theo.
Đến cửa Nguyệt Lượng, tiểu đồng chỉ vào cụm trúc nói: "Khi nãy kẻ trộm núp ở đây". Ai nấy nghe theo lời, xô nhau vào kiếm, thấy một người ở đó, song không phải cắp đao ngồi rình, mà là bị trói khòm xuống, trước mặt lại dựng một cái dao to, ai vô ý xem qua như người ngồi vác dao rình rập vậy. Chúng bèn mở trói và móc giẻ trám miệng ra, coi kỹ lại là tên đầu bếp trong phủ tên gọi Lưu Tam. Hỏi nói rằng: "Vì sao mà bị trói ở đó?". Lưu Tam đáp: "Tiểu nhân đương ngủ ngon tại nhà bếp, bỗng nghe một tiếng động, mở mắt thấy một người tuổi độ hai mươi, hình dung tuấn tú, ăn mặc đẹp đẽ, cầm gươm tới giơ trước mặt tiểu nhân bảo rằng: Nếu mi la thời đứt đầu. Người ấy nói dứt tiếng lấy giẻ trám họng, rồi trói tiểu nhân lại, xách bỏ tại đây. Trước khi đi, lại cắm thêm con dao to ở trước mặt nữa, không rõ cớ gì".
Lục Thiên Thành nghe xong, lật đật xin Bàng Kiết trở lại thư phòng cho mau. Bàng Kiết không rõ ý gì, cứ việc theo. Vào tới bàn viết, Thiên Thành lấy tờ sớ ra xem. Xem xong vỗ tay cười rằng: "May lắm, may lắm! Tấu trát chưa bị chúng đoạt hay phá hoại đi!". Bàng kiết bây giờ hiểu ý, khen Thiên Thành khôn ngoan cẩn thận ít ai bì.
Hai thầy trò cứ ngồi chuyện vãn, cho tới canh năm cùng đem sớ vào triều dâng lên Thiên tử.
Vua Nhân Tôn vẫn biết họ Bàng và họ Bao thường không hòa, nay lại có cớ vạch chuyện Bao Công nữa, thời chẳng vui, song cực chẳng đã phải xem. Xem thấy Bàng Kiết tâu dối cho Bao Công sai người giết hai nàng hầu của mình, vua lấy làm lạ lắm. Bụng nghĩ vẩn vơ, cầm tờ tấu day qua trở lại mãi, bỗng đâu một góc giấy nhỏ trong ấy lọt ra, vua lật đật cầm lên xem.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT