Anh em họ Đinh cùng với Triển Chiêu trở về phủ, cho tên thợ đáy bị đứt bốn ngón tay mười lượng bạc để mua thuốc men điều trị. Triển Chiêu nhân nhớ chuyện Bạch Ngọc Đường bèn nói với anh em họ Đinh rằng: "Hiện nay Cẩm mao thử Bạch Ngọc Đường xuống Đông kinh tìm tôi, vậy mai này nhị vị hiền đệ cho một chiếc thuyền nhẹ phu giỏi đưa tôi trở về, đặng vào Đông kinh cho kịp". Anh em họ Đinh bằng lòng. Sáng ngày đặt tiệc tiến hành rồi cùng nhau chia tay, song lòng buồn vô hạn.

Nội ngày ấy Triển Chiêu về tới huyện Võ Tấn, nếu đi thâu đêm thời có lẽ trong đêm ấy cũng tới nhà. Vừa đi ngang một dãy rừng dâu chợt nghe có tiếng người la: "Cứu tôi với, kẻ cướp đoạt mất của tôi rồi". Triển Chiêu cứ hướng la ấy chạy tới thấy một ông già đi trước, xa xa một gã trai chạy theo sau, liền đón ông già lại hỏi, ông già nói rằng: "Tên cướp ấy rượt giật của tôi kia". Triển Chiêu liền chờ gã trai đi tới đá cho một cái té nhào rồi bắt trói lại, mới hỏi ông già tên họ là gì, nhà cửa ở đâu, đi đâu mà bị cướp?". Ông già đáp: "Tôi tên Nhan Phúc, nhà ở thôn Du Lâm, chủ tôi muốn lên kinh ứng thi nên sai tôi qua nhà người bạn là Kim Tất Chánh mượn áo quần tiền bạc, vì Kim lão gia đãi cơm, nên tôi phải về tối, lúc ra về có đưa cho tôi ba chục lượng bạc, gửi về cho chủ tôi làm lộ phí, đi ngang qua đây bị tên cướp kia đón lại đòi tiền mãi lộ. Tôi không chịu, nó nhảy tới giật đồ, tôi yếu thế không chống nổi, may nhờ công tử tới cứu, không thời chủ tôi cũng dứt đường công danh thi cử". Triển Chiêu nghe dứt bèn nói: "Thôn Du Lâm là đường tôi sẽ đi qua, vậy nhân tiện đưa ông một đỗi". Nói rồi lấy gói đồ của ông già bị giật nãy trao lại và nói với tên cướp rằng: "Mi còn trai trẻ, không lo làm ăn, để thừa cơ tăm tối đón giật của ông già. Thôi, ta để mi nằm nghỉ đây cho sướng ". Nói rồi giục ông già quảy gói ra đi.

Đi tới cửa nhà kia, ông già nói với Triển Chiêu rằng: "Đây là nhà của tôi, xin mời Công tử ghé vào nghỉ chân và uống trà". Triển Chiêu đáp: "Tôi không biết uống trà, lại vì nhà có việc gấp, xin cho kiếu đi kẻo muộn". Dứt lời, bước riết nhắm tôn Ngộ Truật đi tới.

Chủ của Nhan Phúc tên là Nhan Xuân Mẫn tuổi vừa hăm hai, cha mất, còn mẹ là Trịnh Thị, nhà chỉ có hai mẹ con và một người tớ già là Nhan Phúc. Xưa cha của Xuân Mẫn làm huyện doãn rất thanh liêm chính trực, nên nhà nghèo túng lắm. Xuân Mẫn vốn có chí lớn nên chuyên lo đèn sách, nối dõi thư hương, nay đã văn chương nghĩa lý thông, muốn xuống kinh chờ ngày ứng thí. Nghe năm tới sẽ có khoa kỳ, nên Trịnh Thị nói với con rằng: "Cô của con vốn nhà giàu có sao không tới đó, một là đọc sách, hai là liệu việc cần thân?". Xuân Mẫn đáp: "Dạ thưa mẹ, cô con tự bao lâu nay không thấy tin tức gì, vả lại lúc cha con chết cũng không tới, e con tới đó người giả lơ đi thời làm sao?": Mẹ con đương bàn luận thì có bạn cùng học của Xuân Mẫn là Kim Tất Chánh tới thăm. Xuân Mẫn liền đem chuyện mới bàn với mẹ thuật lại. Tất Chánh hứa sẽ giúp cho, khi ra về bảo Nhan Phúc theo mình để lấy y phục và tiền bạc. Nhan Phúc đi rồi Trịnh Thị cùng Xuân Mẫn ở nhà chờ, sẵn dịp viết thư gởi cho cô. Mẹ con đợi mãi tới canh hai mà chưa thấy Nhan Phúc về: Xuân Mẫn khuyên mẹ đi nghỉ, còn mình ngồi đợi, trong bụng băn khoăn, tới canh tư mới thấy Nhan Phúc về, trao y phục và bạc, rồi cùng nhau yên ngủ.

Sáng ngày Xuân Mẫn đem cả y phục và bạc dâng cho mẹ coi. Nhân đấy Nhan Phúc mới hỏi rằng: "Tiểu chủ đi lên kinh, tính đem tôi theo hay là đi một mình?". Xuân Mẫn đáp: "Nghĩ nên đi một mình là phải, vì nhà đơn chiếc mà mẹ tôi lại già, cần phải có người ở lại giúp đỡ". Nhan Phúc đáp: "Đường đây lên kinh xa xôi lắm, tiểu chủ đi một mình không tiện". Liền đem chuyện bị cướp thuật lại cho mẹ con Xuân Mẫn nghe. Trịnh Thị nghe qua, liền nói rằng: "Như vậy thời cả hai nên đi cùng nhau ta mới bớt lo lắng". Đang bàn bạc, chợt nghe tiếng gõ cửa, mở ra thấy một đứa tiểu đồng bước vào xá Trịnh Thị và Xuân Mẫn nói rằng: "Kim tướng công tôi sai sang gặp Nhan tướng công". Xuân Mẫn hỏi: "Em tên gì? Qua đây có chuyện chi?". Tiểu đồng thưa: "Tiểu nhân tên Võ Mặc, vì tướng công tôi biết cậu bên này không có người theo lên kinh, nên sai tôi qua hộ tùy, còn quản gia đây già cả mắt lòa chân yếu đi không tiện thời ở nhà phục thị lão bà. Lại có đưa cho tôi thêm mười lạng bạc lo lúc đi đường thiếu thốn bất tiện". Mẹ con Xuân Mẫn nghe nói vui vẻ vô hạng và cảm khích quá chừng, lại thấy Võ Mặc ăn nói lanh lợi thì thương lắm, mới hỏi tuổi nó. Võ Mặc đáp: "Tôi năm nay được mười bốn tuổi". Trịnh thị hỏi: "Em tuổi còn nhỏ vậy, làm sao biết rõ đường sá lên kinh được". Võ Mặc đáp: "Lúc tám tuổi tôi đã từng theo cha đi buôn bán các nơi, cho nên phần nhiều đường sá tôi đều hiểu rõ, đến như đường lên kinh lại càng thông thạo lắm, nếu chẳng vậy, tướng công tôi có sai qua hầu cậu làm chi?". Trịnh Thị nghe nói vui mừng và an lòng lắm.

Bấy giờ Nhan Xuân Mẫn mới lạy từ giã mẹ. Trịnh Thị cầm phong thư trao cho và dặn rằng: "Chừng nào con tới kinh tìm huyện Trường Phù hỏi xóm Song Tinh, đó là chỗ cô con ở ". Võ Mặc đứng bên nghe liền nói: "Phải mé nam huyện Trường Phù có xóm Song Tinh cũng có khi gọi là Song Tinh Kiều, tôi biết chỗ đó rõ lắm". Trịnh Thị nói: "Vậy lại càng hay, ngươi nên hầu hạ cậu cho tử tế nhé!". Võ Mặc đáp: "Xin lão bà chớ lo, tiểu nhân nguyện trọn lòng hầu hạ ". Xuân Mẫn lạy mẹ xong, quay lại dặn dò Nhan Phúc coi sóc việc nhà và để lại cho mười lượng bạc phòng khi túng thiếu. Các việc xong xuôi, Võ Mặc mang gói lên vai, chủ tớ, mẹ con từ biệt, thầy trò Võ Mặc ríu rít ra đi. Nhan Xuân Mẫn xưa nay chưa hề đi đâu xa nên mới vừa đi vài mươi dặm, thời gót đau gối mỏi, mới nói với Võ Mặc rằng: "Chúng ta từ khi ra khỏi nhà tới bây giờ đi được năm chục dặm rồi chớ?". Võ Mặc đáp: "Chưa đầy ba chục dặm đường, có đâu tới năm chục dặm". Xuân Mẫn nói: "Vậy thời đường sá xa xôi làm sao đi cho thấu được?". Võ Mặc đáp: "Đi đường phải có phép, nếu đi mà cứ chăm chăm bước dễ chán, còn như đi mà giả bộ như du sơn ngoạn cảnh, thời đi có hứng thú, vui mà không ngán ". Xuân Mãn nghe theo lời, đi được vài mươi dặm lại nói: "Bây giờ đi không biết mỏi, mà bụng lại đói thời làm sao?". Võ Mặc giơ tay chỉ tới trước nói rằng: "Kia có trấn điếm, chúng ta nên tới đó mua chút ít đồ ăn, ăn xong sẽ đi nữa". Nói rồi cùng nhau đi tới nơi, ăn uống rồi lại đi. Trời đã tối, tới một nơi người ở đông đúc nhà cất chen dày, rõ là nơi chợ búa, tên là trấn Song Nghĩa. Võ Mặc nói với Xuân Mẫn rằng: "Trời đã tối rồi, thế nào cũng phải trọ nơi đây, vậy lúc vào mướn phòng, cậu đừng nói lời gì, để một mình tôi đối đáp với họ thôi". Xuân Mẫn gật đầu.

Khi hai thầy trò bước tới cửa nhà trọ, chủ nhà bước ra hỏi rằng: "Trời đã tối rồi chắc tướng công và cậu vào đây nghỉ trọ hả?". Võ Mặc đáp: "Chưa chắc, vì ta còn phải lựa cho có một căn phòng vừa ý mới được". Chủ nhà hỏi: "Thế nào là vừa ý?". Võ Mặc đáp: "Phải được một căn phòng cho sạch sẽ, kín đáo và gọn gàng đủ cho hai người ở mà chẳng rộng quá". Chủ nhà nói: "Vậy thời cậu cứ vào xem, coi có được như ý không?". Võ Mặc đáp: "Nếu không được như vậy, tôi đi chỗ khác chớ không cần phải xem". Nói dứt lời, người nhà trọ dọn phòng chạy ra nói: "ở đây sẽ có phòng như lời cậu nói". Võ Mặc đáp: "Nếu có thời chúng tôi thuê, chớ làm mất ngày giờ chúng tôi không được đâu". Hai thầy trò bấy giờ mới chịu vào nhìn khắp nơi không thấy phòng nào như lời mình đã nói bèn quay ra. Tiểu nhị kẻo lại hỏi: "Sao không đi vào?". Võ Mặc đáp: "Toàn là phòng rộng mênh mông ta ở sao được?". Tiểu nhị nói: "Không nệ, cậu cứ vào ở, tôi sẽ tính giá tiền phòng theo hạng phòng hẹp không sao đâu". Võ Mặc chúm chím cười, liếc Xuân Mẫn đi vào. Hai thầy trò dẹp hành lý lại một nơi, vừa xong, thấy tiểu nhị lăng xăng chạy lên hỏi: "Hai ngài dùng rượu hay không?". Võ Mặc đáp: ""Chúng ta không thích rượu".

- Vậy thời châm một bình trà Hương Phiến hai ngài dùng nhé?

- Chúng ta không khát cho lắm.

Bây giờ hai ngài muốn dùng gì?

- Chúng ta bụng cũng no lắm, song vị lòng hai bạn mà ăn chút đỉnh thêm. Thôi cứ đem cho ta một đĩa cá mặn và vài chén cơm là đủ.

Người hầu phòng thấy quang cảnh như vậy, biết gặp khách nghèo không cạy gỡ gì được, phòng rộng lại tính giá theo phòng hẹp, tưởng là nhờ ăn uống quý trọng kiếm lời mà bù, ai dè... Tức mình chạy xuống một lát xách lồng đèn lên treo trong phòng. Võ Mặc hỏi rằng: "Sao không thắp đèn tọa đăng lại treo đèn lồng như vậy?". Người hầu đáp: "E thắp đèn tọa đăng khói xông lỗ mũi hai ngài khó chịu". Xuân Mẫn nghe nói không nhịn được cười. Võ Mặc nói: "Không, xách đèn này đi chỗ khác, thắp đèn tọa đăng vào đây mới được. Người hầu xách đèn đi song tức mình lắm.

Hai thầy trò ngồi chờ cơm, bỗng nghe phía ngoài có tiếng nói lớn, liền lóng tai nghe: "Ta không bao giờ ăn lường của ai, ở lường nhà ai, mi lại sợ mà không cho ta trọ thời thôi, sao lại lăng nhục khách tư văn thế này, muốn cho ta đốt tiệm hay sao?". Tiếng người chủ nhà trả lời: "Không dám lăng nhục cậu, song phòng đã chật hết rồi mà". Người kia lại tiếp: "Chật thời thủng thẳng ta đi sao lại cố ý xua đuổi?". Nhan Xuân Mẫn nghe nói mấy lời lật đật mở cửa bước ra xem, Võ Mặc can rằng: "Chẳng nên can dự vào những việc lôi thôi ấy". Xuân Mẫn hình như không nghe thấy, cứ bước ra thời thấy người rầy chuyện khi nãy bước tới chào và hỏi rằng: "Chuyện như vậy anh nghĩ xem tụi nó có đáng ghét không?". Xuân Mẫn cả cười nói: "Thôi không nhọc sức cãi cọ làm chi, nếu tôn huynh không hiềm chật hẹp, xin ở chung với tôi cho vui, Người ấy tỏ ý mừng và nói: "Nước bèo gặp gỡ còn chi vui vẻ bằng ". Võ Mặc thấy vậy nghĩ thầm: "Tướng công sao mà dễ tin người thế!". Xuân Mẫn nắm tay người ấy cùng bước vào trong phòng phân ngôi chủ khách.

Ấy là:

Tớ trẻ lo cho chủ,

Mắt xanh giỏi lựa người.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play