Tôi rời Huế đi Hà Nội vào một chiều mưa tầm tã. Cơn mưa đầu mùa giăng trên sông Hương một bức màn trắng đục. Chớp loang loáng và tiếng sấm vào hạ âm vang. Một cảm xúc buồn choáng ngập lòng tôi. Thế là đã mười tám năm tôi mới trở lại Hà Nội, gần bằng khoảng thời gian tôi lên đường vào Nam chống Mỹ trước kia. Thắng trận tôi được về gặp mẹ. Còn lần này thì đã vĩnh viễn xa người. Kiếp người thật ngắn ngủi và khắc nghiệt.

Con tàu chạy qua những miền chiến địa hai thập kỉ qua đi vẫn chưa xoá nổi những dấu tích bom đạn. Tuy nhiên đã có nhiều công trình xây dựng mọc lên bên những cánh đồng vàng óng lúa chiêm xuân. Những thảm rừng nhân tạo xanh mướt xen lẫn với dãy đồi cát trắng triền miên... Tôi cứ mải mê ngắm nhìn như kẻ hiếu kì trước một miền xa lạ. Là đất nước mình nhưng quả là suốt đời tôi chưa được đi qua đây.

Tàu đến ga Hàng Cỏ, tôi thuê xe xích lô về ngay nhà chị Huệ ở khu tập thể Kim Liên. Muốn dành cho chị một bất ngờ nên tôi không hề báo trước. Tôi xách hành lý, lệ mệ leo lên tầng ba rồi cứ tự tiện bước thẳng vào căn hộ. Chị Huệ đang ngồi trước bàn. Tóc chị bạc tràng giống hệt hình ảnh mẹ tôi cách đây gần hai chục năm. Chị chưa nhận ra tôi phải đeo cặp kính lên nhìn.

- Chị Huệ ơi! Em Nghĩa đây! Chị không nhận ra em sao?

- Trời ơi Nghĩa! Em đi biền biệt, lúc về lại không báo trước làm sao chị nhận ra ngay được. Em ơi mẹ mất rồi!

Tôi quăng hành lý xuống sàn nhà chạy lại ôm lấy chị.

- Về đến Thành phố Hồ Chí Minh em mới được cậu Đức báo tin đau buồn này. Em thật là đứa con bất hiếu. Suốt đời em không chăm lo phụng dưỡng mẹ được ngày nào. Tất cả gánh nặng dồn lên vai chị!

- Công việc của em cũng vào sinh ra tử, có nhẹ nhàng gì. Sinh thời mẹ rất thương em và không bao giờ trách cứ em đâu!

Hai chị em ngồi xuống ghế chị mới nói tiếp.

- Sở dĩ chị bảo cậu Đức đừng vội báo tin buồn cho các em vì lễ đưa tang chôn cất mẹ ở làng xảy ra những chuyện đáng tiếc. Chị muốn em về thăm quê, xuất hiện trước làng xóm để họ biết gia đình mình như thế nào.

- Em cũng nghe cậu Đức kể lại. Nhưng sau đó mọi chuyện đã ổn.

- Thì cũng gọi là mồ yên mả đẹp chứ nhận thức của mọi người đối với em, với anh Ân còn ác cảm lắm. Chị rất ấm ức nhưng không sao có thể nói cho họ biết được!

- Nhưng em có về thì cũng không thể làm rõ mọi tình tiết. Ta đành chịu đựng những thành kiến sai lầm của họ thôi.

- Dù không nói công việc em làm thì cũng phải công khai chuyện em là người đằng mình chứ!

- Em cũng ức lắm! Nhưng dù sao em cũng phải xin phép cậu Đức. Cậu cho công khai đến đâu mình làm tới đó.

- Lại quay vào Nam xin phép thì đến bao giờ.

- Cậu cũng sẽ ra Bắc nay mai thôi. Em sẽ gọi điện báo cho cậu. Thế anh và các cháu đâu cả?

- Anh sang nhà thằng cháu Vinh. Cháu là kỹ sư xây dựng, đã có vợ và một con. Chúng nó làm ăn khá giả nên xin ở riêng. Thỉnh thoảng ông nhớ cháu lại sang thăm, chắc cũng sắp về. Còn cháu Hoa đang học năm thứ ba Trường Đại học Dược; Lần trước cậu về thăm nó còn bé quá. Nghe bà kể chuyện cháu cứ ước ao mong có ngày cậu mợ và các em về chơi thăm quê hương.

- Hai cháu đều ngoan ngoãn như thế thì chắc anh chị hạnh phúc lắm.

- Mẹ cứ bảo trời đền công chị. Các cháu nên người cũng nhờ bà chăm sóc nuôi dạy đấy em ạ. Lúc chúng còn nhỏ anh chị nghèo lắm. Cứ phải bỏ con cho bà để đi làm kiếm tiền. Được lúc nhàn hạ nhấm khá thì bà không còn nữa!

Nói đến đấy chị Huệ lại ôm mặt khóe nức nở. Tôi muốn an ủi chị, nhưng rồi chị lại dỗ dành tôi.

- Nhưng chính em mới là người thua thiệt. Em chẳng được sống với mẹ nhiều như chị. Thuở nhỏ chị em mình đều đi Hà Nội trọ học. Lớn lên em vào bộ đội, chỉ còn chị ở bên mẹ mà thôi. Chị đã dành hết phần mẹ của em. Nói là chị chăm lo phụng dưỡng mẹ cũng chỉ là nói một chiều thôi. Mẹ khoẻ mạnh cho đến lúc quy tiên nên người giúp đỡ con cháu được nhiều lắm. Mẹ không có lương hưu nhưng hàng năm đơn vị của em đều chuyển đến nhà một khoản tiền gọi là trợ cấp cán bộ. Mẹ đem ra chi dùng may mặc cho cả nhà - Chị mở tủ mang số vàng và đồ trang sức Bạch Kim biếu mẹ khi ra thăm Hà Nội năm 1975 đặt lên bàn - Mấy thứ con dâu biếu mẹ cũng chỉ gói lại như của dự trữ chứ cũng không chi dùng đến. Mẹ coi đây là một kỷ niệm về các em. Lúc mua ngôi sinh phần, mẹ bảo lấy vàng này ra thanh toán nhưng anh chị bảo mẹ hãy giữ lại. Lúc hấp hối mẹ giao cả cho chị nói là của bà ngoại dành cho các cháu. Chị nghĩ đây là kỉ niệm thiêng liêng của mẹ. Khi em về, chị em mình chia nhau mỗi đứa giữ một ít như của gia bảo. Mỗi lần nhìn thấy là như có mặt người bên chúng ta.

- Em chỉ xin chị nhưng bức ảnh gần đây nhất của mẹ. Những kỷ vật này bà dành cho các cháu, chị hãy làm đúng di chúc mà giữ lấy cho chúng. Em vụng dại không biết mua quà gì cho thích hợp. Em có một khoản tiền nhỏ nhờ chị mua giúp em.

Tôi mở va li đưa, chị nhìn qua rồi ngạc nhiên thốt lên.

- Trời ơi ngần này tiền mà em coi là nhỏ à? Em còn phải chi tiêu dọc đường chứ. Cho chị tí chút thôi, nhiều thế này chị không dám nhận đâu!

- Đây là khoản tiền cậu Đức xin cơ quan cấp cho mấy đợt công tác. Xưa kia em chưa từng xin và cũng chẳng khi nào nhận lương. Hôm nay em mới nghe nói đơn vị hàng năm đều chuyển cho mẹ một khoản trợ cấp. Riêng em thì chưa bao giờ gửi quà cho anh chị và các cháu. Nguyên tắc bí mật không cho phép em được liên lạc bưu điện, thư tín với gia đình. Nay có cơ hội gặp nhau, xin chị đừng từ chối món quà nhỏ của em.

Chị Huệ cảm động.

- Cảm ơn em! Anh chị còn nghèo nhưng không khổ nữa. Hai vợ chồng sống bằng lương hưu cũng tạm đủ. Chỉ còn lo cho cháu Hoa ăn học. Sang nam cháu ra trường kiếm được việc làm là đỡ rồi. Cháu cứ ao ước có chiếc xe máy. Cậu cho quà thế này thì thừa sức mua rồi.

- Thế thì chị mua ngay đi cho nó mừng. Thiếu bao nhiêu em bù cho đủ.

Tối hôm đó anh Sinh (chồng chị Huệ), cháu Hoa, vợ chồng cháu Vinh tập trung cả lại ăn mừng tôi về thăm nhà. Cháu Hoa tranh ngồi bên tôi.

- Hồi sống bà nhắc đến cậu nhiều nhất. Bà nói bà xem từ vi thì số cậu đẹp nhất nhà. Học giỏi, ngoan ngoãn, giàu có, vợ đẹp con khôn! Cái gì cũng hơn anh chị em trong nhà. Cháu chưa biết mặt cậu nên cứ ao ước được gặp cậu như gặp thần tượng của mình vậy.

- Hôm nay được ngồi bên cậu rồi đấy, liệu có gì đáng là thần tượng cho cháu không?

- Có chứ cậu! Riêng chuyện được đi khắp năm châu bốn biển, biết khắp thế giới cũng làm cháu thích thú lắm rồi!

Anh Sinh động viên con.

- Phải làm được gì chứ chỉ đi thôi thì tích sự gì! Con chịu khó học hành thật giỏi rồi bố cho theo cậu!

Chị Huệ cười.

- Bố cho mà Chính phủ không tuyển cũng chịu! Con gái thì vài năm nữa lấy chồng là ngồi xó nhà thôi chứ đi được đâu mà mơ ước! Nhà này có ba anh chị em thì hai người đàn ông là bay xa nhảy cao. Chỉ có mẹ là số phận đàn bà kém cỏi. Cứ lạch bạch như con vịt quanh chuồng chẳng đi được đến đâu.

Tôi phản đối chị.

- Chị còn vì em mà ở nhà với mẹ. Nếu thoát li từ trẻ thì chị cũng chẳng thua ai. Con gái thời nay cũng khác xưa nhiều. Đúng như anh Sinh nói, nếu giỏi cháu Hoa có thể làm được những điều cháu muốn. Cứ thi đỗ đi, cậu hứa sẽ tài trợ cho cháu một chuyến du lịch đến bất cứ nơi nào cháu thích! Đó là khả năng trong tầm tay!

Cả nhà vỗ tay mừng cho cháu Hoa. Nhưng anh chị tôi vội can.

- Chúng tôi muốn các cháu phái tự phấn đau cho mong ước của mình. Cứ chờ cậu chiều thì cậu lấy tiền đâu mà cho mãi được. Hơn nữa cậu không phải anh nhà buôn giàu có gì. Lo có tiền để sống và làm việc cũng chật vật lắm rồi. Không phải ai ra nước ngoài cũng giàu sụ cả đâu!

Chuyện trò đến khuya mọi người mới giải tán cho tôi đi nghỉ. Còn tôi mặc dù qua một chuyến đi dài tôi vẫn thấy mình khoẻ mạnh tỉnh táo và hưng phấn. Một cuộc gặp gỡ thân tình thế này đối vời tôi rất hiếm hoi.

Nhà anh chị tôi chưa lắp máy điện thoại nên sáng hôm sau tôi xin phép ra bưu điện để nói chuyện với cậu Đức. Tôi thông báo với cậu là tôi đã về đến Hà Nội. Chương trình của tôi bây giờ là hoàn toàn tự do. Tôi có ý định nghỉ và thăm thú người thân và những nơi thắng cảnh. Tôi sẽ chờ cậu ở nhà chị Huệ. Tôi mong cậu ra Hà Nội để bàn tiếp mấy việc cần làm. Cậu hẹn sẽ bay ra ngay sau khi có vé. Cậu cũng muốn về Bắc thu xếp chuyện gia đình cho sớm ổn định. Hai cậu cháu đã hứa hẹn nhau nhân dịp này sẽ cùng về thăm quê hương nội ngoại.

Gọi điện xong tôi nhớ ngay đến Rosanna. Tôi đã hứa là ra đến Hà Nội sẽ liên hệ với cô ngay. Cô chưa có số phòng lẫn số máy nên tốt nhất là tôi thuê xe đến tìm cô ở Khách sạn Hoàn Kiếm.

Tôi gặp nhân viên tiếp tân nhờ xem hộ cô Rosanna Việt kiều trọ ở phòng nào. Cô tiếp viên lục đống hộ chiếu và tôi nhìn thấy ngay hình cô. Có điều làm tôi giật mình là cô không phải là người Pháp gốc Việt như cô vẫn nói. Hộ chiếu của cô do Westland cấp. Tôi hỏi số phòng và trình hộ chiếu của mình để được gặp cô qua điện thoại.

- Alô! Chào Rosanna! Mc Gill đây!

- Ôi anh! Anh đang ở đâu đấy? Em mong anh suốt.

- Ngay dưới phòng tiếp tân thôi! Em có bận gì không? Xuống đây với anh đi.

- Vâng để em nói với cô tiếp tân mời anh lên đây với em. Nói chuyện ở phòng khách chẳng thú vị gì đâu.

Tôi đưa máy cho cô lễ tân. Cô nghe xong mỉm cười và O K. rồi nháy mắt với tôi.

- Mời ông lên phòng hai trăm le sáu, cô Rosanna đang chờ ông!

Tôi cảm ơn và đi ngay. Nàng đã mở cửa đón tôi.

- Hành lý của anh đâu? Suốt mấy ngày qua em nằm một mình chờ anh, buồn hiu!

- Anh về nhà bà chị ở Kim Liên. Lâu năm chị em mới gặp lại nên anh ở luôn đấy cho vui!

- Anh vui còn nỗi buồn thì nhường cả cho em! Ngồi xuống đây với em đã. Định đi ngay hay sao mà nhấp nhổm thế?

- Chẳng lẽ em ra Hà Nội mà không có bạn bè người thân nào đón tiếp?

- Chỉ là bạn hàng thôi. Thương thảo, đàm phán xong là ai về nhà nấy.

- Không ai tháp tùng à? Con "yêu tinh râu đỏ" đâu?

Nét mặt nàng biến đổi, có phần nghiêm lại.

- Anh muốn nói Vương Đăng, ông anh họ của em phải không? Nói là tháp tùng nhưng em không muốn anh ấy thuê cùng khách sạn vì em biết anh ác cảm với anh ấy. Hơn nữa anh Vương cũng cần tự do với các cô gái bao. Chạm mặt với em không tiện. Anh ghen à?

Tôi cười và quàng tay lên vai nàng.

- Chắc chắn là thế? Anh có vợ rồi nhưng muốn được độc chiếm em trong thời gian chúng ta đi bên nhau.

- Còn em lại muốn độc chiếm anh mãi mãi. Em yêu anh Hoài Việt ơi!

Có thể đây là điều giả dối. Đến ngay quốc tịch nàng còn muốn giấu tôi thì tình yêu sao có thể chân thành được. Tuy vậy tôi vẫn xúc động ôm hôn nàng thắm thiết.

- Anh hãy vào toa-let tắm đi!

- Anh không mang đồ thay.

- Lấy tạm đồ của em một lúc! Mà cần gì phải che đậy! Chúng ta đang cùng nhảy múa trong một vũ điệu thoát y đó thôi! Đây là thiên đường của A-đam E-va mà!

...

Tàn cuộc giao hoan tôi phải ra về. Nàng buồn buồn hỏi tôi.

- Anh không định chung sống trong khách sạn với em nữa sao?

- Ít ra một tuần nữa anh mới xong việc ở Hà Nội. Khi vào Thành phố Hồ Chí Minh, ta sẽ đến Palais Royal cho đến khi rời Việt Nam. Em bằng lòng chứ?

- Đành vậy thôi! Em không hy vọng là sẽ cuốn hút được anh vào thế giới riêng tư của mình.

- Chúng ta chỉ tìm được những khoảng trùng hợp nhất định. Một người đàn ông có vợ, ngay như một ông vua cũng vẫn có những hạn chế đạo đức. Anh mong Rosanna thông cảm cho anh.

Nàng cầm tay, nhìn thẳng vào mắt tôi hồi lâu rồi khẽ gật đầu.

Hai hôm sau đó cậu Đức bay ra Hà Nội. Cậu đến gặp mấy anh chị em tôi. Chị Huệ tôi mừng lắm. Hồi mẹ tôi còn sống, lần nào ra Bắc họp hành cậu cũng ghé qua. Cậu là sợi dây liên lạc mong manh nhưng đáng tin cậy giữa tôi và gia đình. Từ ngày mẹ tôi mất cậu thưa đi lại hơn. Chị Huệ tôi trách, cậu chỉ cười.

- Còn mẹ chúng mày, cậu là đàn em bề dưới, cậu phải đến thăm mới phải đạo. Nay bà mất rồi. Cậu thưa đi lại, thế mà cháu đã vội trách. Thử hỏi ba chị em chúng mày, rồi cả lũ cháu nữa đã đứa nào biết quê mẹ ở đâu chưa? Đã bao giờ về thăm mợ Đức và các em chưa?

Chúng tôi giật mình và nhận ra thiếu sót to lớn của mình vội vàng xin lỗi cậu, nhưng cậu cũng rộng lượng.

- Cậu nói để chúng ta thông cảm cho nhau thôi. Thực ra cậu cũng chưa bao giờ có "lời mời" vì cậu thường đi vắng. Có về nhà cũng vội vàng và mắc vào bao công việc riêng tư phải giải quyết. Thêm nữa nhà cửa cũng không được đàng hoàng rộng rãi, kéo các cháu về cũng chưa có chỗ tiếp. Năm vừa rồi cậu và con em bên Đức mới giúp cho thằng anh lớn vài chục triệu dựng nên một ngôi nhà khang trang. Nay cậu lại vừa xin được ngôi nhà trong Thành phố Hồ Chí Minh nữa. Thế là cả hai nơi đều rộng rãi. Nhân dịp thằng Nghĩa về nước, cậu mời các cháu về quê ngoại chơi lấy một lần. Sau này vợ chồng Huệ cũng sẽ cố vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm nhà mới của cậu và ở chơi bao lâu cũng được.

Chúng tôi vui mừng chấp nhận. Tôi nêu chương trình.

- Cậu ơi cháu định thế này. Cháu sẽ thuê hẳn một chuyến xe cho cuộc hành trình. Cùng tuyến đi, cậu hãy cùng chúng cháu về quê nội viếng mộ mẹ cháu trước. Sau đó chúng cháu sẽ theo cậu về thàm mợ Sâm và các em. Thế có được không cậu?

- Cậu xin được xe công. Một chiếc Yaz mười hai chỗ thì đủ cho cả nhà chứ gì?

- Cháu sợ là cậu còn phải thu xếp nhà cửa và đón mợ vào Thành phố Hồ Chí Minh thì không thể đi ngay được. Vì thế chúng cháu cứ thuê thêm một xe nữa cho tiện.

- Không cần. Xe đưa chúng ta về quê rồi lại đưa trả các cháu về Hà Nội. Khi cần đi cậu gọi điện lên lấy xe sau. Để xe chờ lâu ở quê cũng không tiện!

- Dạ thế cũng được ạ - Chị Huệ tôi đề nghị với cậu - Quê nội cháu không ai hiểu biết về gia đình cháu nên mới xảy ra trục trặc bữa đưa tang mẹ cháu. Nay cháu muốn em Nghĩa về làng với đầy đủ quân hàm, quân hiệu công khai trước nhân dân. Liệu cậu có cho phép không ạ?

Suy nghĩ một lúc rồi cậu nói.

- Công khai cấp bậc quân hàm ở tận một làng quê hẻo lánh thì cũng chẳng có gì nguy hiểm. Song chuẩn bị ngay cho ngày mai thì sợ gấp gáp quá. Làm đề nghị cấp phát quân trang cho Nghĩa chờ xét duyệt cũng mất vài ngày. Hay cháu cứ mặc thường phục, cậu mặc quân phục, mang hàm cấp tướng rồi giới thiệu cháu với bà con làng xóm cũng được chứ sao?

- Chỉ cần cậu đồng ý thôi chứ chuyện ăn mặc cháu có thể mượn bạn cho em Nghĩa được - Anh Sinh nói - Cháu còn bộ lễ phục. Quân hàm thì mượn của thằng em cháu, thế là ổn.

Cậu Đức cười.

- Ta tiến hành theo hướng đó nhé. Sáng mai là hành quân đấy!

Chúng tôi chuẩn bị quà cáp chè thuốc về cả hai quê. Sáng hôm sau sáu giờ đã thấy tiếng còi xe gọi dưới đường. Tôi, vợ chồng chị Huệ và cháu Hoa đã sẵn sàng xuống xe. Tôi diện bộ đồ sĩ quan rất chuẩn làm cho cậu Đức cũng phải ngạc nhiên và vui ve.

- Trông cháu được lắm! Trang phục đi mượn mà vừa quá. Nhưng quân hàm trung tá là sai rồi. Cháu vừa được đề bạt đại tá một đợt với Hai Bền.

- Ôi thế mà cháu không biết gì hết? Có bao giờ cháu được dự lễ tấn phong đâu.

- Cậu giữ quyết định mà quên mất chuyện trao cho cháu! Nghề sĩ quan tình báo nó âm thầm thế đấy. Nhưng thồi, ta khiêm tốn một chút cũng không sao!

Tôi cười.

- Suốt đời đeo quân hàm địch thì rất "chuẩn". Khi được đeo quân hàm ta thì lại "sai".

Chúng tôi lên xe. Chiếc Yaz chạy bon bon trên quốc lộ Một. Còn sớm nên đường vắng, xe giữ được tốc độ năm mươi ki-lô-mét một giờ. Đến Lim chúng tôi dừng lại ăn sáng, chị Huệ vào chợ mua một số thức ăn.

Xe rời đường Một rẽ ra phía sông Hồng. Đường làng nhỏ hẹp gập ghềnh. Chiếc xe quân sự dã chiến phải gài hai cầu, vừa chạy vừa thở hồng luộc, gần hai chục phút mới leo lên đê. Quê tôi đã hiện ra với hàng cây gạo cao vượt lên luỹ tre xanh. Xe rẽ xuống làng gặp chiếc ba-ri-e thì đỗ lại. Anh Sinh nhảy xuống xin nộp tiền vé đường. Người thu phí thấy xe quân sự chở vị Trung tướng thì cho miễn phí. Anh cảm ơn rồi lên xe.

Chúng tôi hỏi thăm đường đến nhà ông trưởng họ Phan. Xa quê hương gần năm mươi năm, nhiều chỗ tôi không thể nhận ra. Những biến động xã hội, chiến tranh và phát triển làm diện mạo làng xóm khác xưa nhiều.

Chị Huệ dẫn đoàn chúng tôi vào nhà ông Quảng, bề vai nhưng là ngành trưởng của chúng tôi. Năm gian nhà mới xây, khang trang, chắc ông phải thuộc hàng khá giả trong làng. Thấy một đoàn khách lạ vào cổng ông vội chạy ra đuổi chó và sai con đun nước. Ông đã nhận ra chị Huệ tôi. Chị vui vẻ giới thiệu.

- Đây là bác Phan Đăng Quảng, trưởng họ Phan nhà ta - Chị quay lại phía ông Quảng - Thưa bác hôm nay chúng tôi đưa ông cậu tôi là Trung tướng Nguyễn Hữu về thăm quê và viếng mộ mẹ chúng tôi. Đây là chồng và con gái tôi. Còn người này bác Quảng có nhận ra ai không?

Ông Quảng nhìn tôi rồi lắc đầu.

- Chịu đấy, chưa thấy ông về đây lần nào?

- Phan Quang Nghĩa, em trai tôi đấy! Người trong họ cùng làng mà không nhận nổi nhau a!

Ông Quảng nhìn tôi rồi reo lên.

- Trời ơi chú Nghĩa! Vẫn còn sống kia à! Ôi sao cứ nghe đồn mất tích, mà bỗng dưng lại hiện hình về thế này!

Ông mời khách ngồi rồi sai con pha nước. Tôi kể cho ông nghe lí do mất tích. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ tôi vẫn phải làm nhiệm vụ tiễu phỉ ở Bắc. Muốn về thàm nhà nhưng ngày đó quê mình đang cải cách, gia đình địa chủ về thăm sợ liên luỵ. Ngay đến bằng gia đình vẻ vang cũng bị đội đình lại không cấp. Tôi lại được lệnh đi B sớm. Thời đó công tác này còn phải giữ bí mật. Thế là tôi biền biệt ở chiến trường Nam Bộ đến ngày giải phóng đất nước. Tôi gởi thư về nhà thì không có người nhận bị trả lại. Khi ấy chị Huệ đã lấy chồng và đưa mẹ tôi ra thành phố. Mẹ con chị em bặt tin nhau. Mãi năm 1982 tôi tình cờ gặp Thiếu tướng Đức nói chuyện quê hương lúc đó mới nhận ra là họ hàng cậu cháu. Cậu cho biết địa chỉ chị Huệ tôi, nên mẹ con mới liên lạc được với nhau. Mỗi lần nghỉ phép tôi chỉ về thăm mẹ ở Hà Nội chứ không về quê được. Hôm mẹ mất tôi đang đi công tác ở biên giới Cam-pu-chia nên chẳng thể về thọ tang. Phải chờ đợt phép này mới về viếng mẹ.

Chị Huệ nói với ông Quảng cho nhờ địa điểm làm cỗ cúng mẹ và muốn mời cơm những bà con họ hàng thân thích nhân dịp tôi về thăm quê. Ông Quảng nhiệt tình giúp đỡ. ông cho gọi bà Quảng về để chị em bàn bạc với nhau. Cháu Hoa và mấy đứa con ông Quảng xúm nhau vào làm cỗ. Đời sống kinh tế nông thôn đã khá hơn xưa nên chuyện mua bán mọi thứ đều dễ dàng.

Chừng mười một giờ đã có mấy mâm cỗ bê ra viếng mộ. Theo cổ lệ thì cứ mỗi ngôi phải có đĩa xôi con gà sống hoa nho nhỏ. Mộ ông bà, mộ thày tôi, mộ mẹ già và mộ mẹ đẻ. Tất cả đều phải hương khói lễ tạ Chúng tôi kéo nhau ra nghĩa trang. Tôi lần lượt vái lạy trước các ngôi mộ tiền nhân. Là đứa con tha hương xa xứ, tôi cảm thấy mình là người bội bạc. Khi đứng trước mộ mẹ thì tôi không sao cầm nổi nước mắt. Sự thực tôi chỉ được sống bên mẹ và in đậm hình ảnh người trong tim. ông bà thì thuộc về quá khứ xa xôi. Mẹ già mất trước khi tôi ra đời. Đến ngay cha đẻ tôi cũng không còn nhớ mặt. Tôi chụp rất nhiều ảnh và có ý định đem về cho anh chị Ân, và vợ con tôi xem. Tôi muốn mọi người dù ở đâu xa cũng luôn luôn nhớ về cội nguồn, quê cha đất tổ. Tôi chợt nhớ là mình đang mặc quân phục nên nhiều bức tôi phải cởi áo ngoài ra để khi đưa sang Mỹ không làm anh chị tôi kinh ngạc.

Bữa trưa hôm đó theo ý kiến của ông bà Quảng chúng tôi mời độ bốn mâm khách. Chị Huệ cố mời cho được ông trưởng thôn. Có điều đáng buồn là ông trưởng thôn cũ gây phiền hà cho đám tang lại không được tái cử ông mới thì cũng là người họ Phan cả. Chị Huệ không có cơ hội "trả đũa" nữa!

Sự có mặt của cậu Đức vừa là bà con bên ngoại, vừa là thủ trưởng của tôi cũng làm cho "vai vế" chính trị của gia đình tôi được tăng lên. Họ hàng bà con xóm làng cũng bớt ác cảm với chúng tôi. Nhiều người còn hỏi đến anh Ân tôi. Tôi trả lời là vẫn có liên hệ thư tín với tôi. Anh chị tôi già rồi và không có con cái. Nhất định khi quan hệ Việt Mỹ bình thường họ sẽ trở về thăm quê hương.

Ngay chiều hôm đó chúng tôi tạm biệt quê nội để về thăm quê ngoại ở Nam Hà. Từ nhỏ tôi chưa bao giờ về quê mẹ. Chỉ có chị Huệ theo mẹ về một lần hồi còn nhỏ. Nhưng giờ đây cũng chàng còn lưu ảnh nào in sâu trong hoài niệm. Xe chạy đến đâu cậu Đức lại thuyết minh, giảng giải cho chúng tôi từng địa danh. Gần tối chúng tôi mới đến nơi. Xe cậu Đức về cả làng đều nhận ra. Chỉ có chị em tôi là khách lạ. Xe chạy vào tận sân. Một ngôi nhà năm gian mới xây còn đỏ màu ngói mới. Thấy cậu về cả nhà ùa ra đón. Mợ Sâm và các em đều chưa nhận ra chúng tôi. Cậu Đức phải giới thiệu từng người. Lúc bấy giờ cả nhà mới oà lên vui vẻ. Chị Huệ nói.

- Thưa mợ, nhân dịp cậu Đức con về phép chúng con theo cậu về thăm mợ và các em!

- Cảm ơn các anh các chị! Chưa bao giờ tôi được gặp các anh các chị. Ngay như mẹ các cháu tôi cũng chưa biết mặt. Từ ngày tôi về làm dâu nhà này, đây là lần đầu tiên con chị Vinh về thăm quê! Người ta nói có con gả chồng cho nhà quan là mất cả gái lẫn rể!

Mợ Sâm nói cũng có lý nhưng cậu Đức gạt đi.

- Ba mươi năm chiến tranh gây ra mọi điều trắc trở. Ngay anh Nghĩa, con trai mà có được ở nhà hầu mẹ nổi một ngày đâu. Tôi với bà cũng xa nhau cả chục năm, trách chị Vinh và các cháu làm gì cho thêm tội. Thôi mọi người rửa chân tay đi rồi vào nhà uống nước!

Tất cả chúng tôi xúm quanh chiếc giếng khơi trong vắt kéo nước rửa chân tay mặt mũi sau một chặng đường dài bụi bặm. Vợ chồng Phúc vội vã đun nước, rửa ấm chén pha trà. Tất cả ngồi kín hai chiếc ghế tràng kỷ, ai thiếu chỗ thì sang giường bên. Làng quê chưa có điện nhưng đã đốt lên cây đèn măng-xông treo giữa cửa. Cậu mợ Đức gọi Phúc lại bàn nhỏ chuyện cơm nước và cho đi gọi mấy người anh em con dì con già, con cô con cậu với chúng tôi. Tất cả đều là nhưng người cận huyết hệ với chị em tôi nhưng chưa bao giờ gặp mặt, quen biết nhau.

Cậu Đức lại một phen dẫn giải thuyết minh cội nguồn gốc tích cho lớp trẻ. Tất cả đều được giữ lại dùng bữa cơm đoàn tụ. Ai cũng tranh mời cơm chúng tôi ngày mai. Họ ngoại tuy mới gặp nhau lần đầu nhưng ai cũng nhiệt tình thắm thiết hơn cả bên nội. Chúng tôi không biết nhận lời ai và từ chối ai. Chị Huệ phải đứng lên thưa với mọi người.

- Anh chị em chúng tôi vô cùng biết ơn cô bác, cậu mợ, anh chị em bên ngoại. Nhưng em Nghĩa từ miền Nam ra thăm không có nhiều thời gian. Mai chúng tôi sẽ đến thăm hết mọi nhà nhưng chuyện cơm nước thì chưa dám nhận lời. Cho phép chúng tôi xin ý kiến ông cậu bà mợ rồi mới quyết định được.

Mọi người không mấy thoả mãn nhưng cũng đành chờ ý kiến ông Đức. Giờ đây ông chẳng những là người làm rạng danh họ Nguyễn mà xét về thế thứ và tuổi tác ông cũng đứng vào hàng cao nhất trong họ. Ông tuyên bố.

- Tôi đưa các cháu về thăm quê ngoại nên không nhường quyền tiếp đón cho ai đâu. Thêm nữa tôi cũng có giấy báo nghỉ hưu và xin được nhà trong Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi sẽ đưa bà nó vào trong đó vui hưởng tuổi già. Nhân dịp này tôi muốn làm bữa cơm thân mật mời anh em con cháu đến chia tay đưa tiễn vợ chồng tôi. Chúng ta tập trung cả đây cho vui vẻ. Chia về từng nhà, người đến được, người không đến được lại trách móc tị nạnh nhau phiền hà lắm! Mọi người đồng ý chứ?

Tất cả đều vỗ tay tán thưởng ý kiến ông. Vị tướng vui vẻ công bố chương trình ngày mai rồi hạ lệnh giải tán. Khi khách ra về rồi chúng tôi mới xúm lại bàn việc nhà. Mợ Sâm trách cậu.

- Chuyện đi ở đã đâu ra đâu mà ông vội tuyên bố liên hoan chia tay?

- Thì tôi đã bàn kĩ với bà rồi. Chẳng lẽ tôi nghỉ hưu bà lại để tôi sống một mình sao?

- Con cái có nhiều nhặn gì cho cam mà chia ra ba nơi. Ông muốn thoải mái thì cứ ở trong đó. Tôi ở nhà trông nom cho vợ chồng thằng Phúc. Giỏi lắm sống được vài năm nữa, đi ở làm gì cho thêm tốn phí.

Vợ chú Phúc xin phép trình bày ý kiến.

- Tiện có các anh các chị về chơi chúng con cũng xin thưa thực như thế này. Các cháu khôn lớn cứng cáp cả rồi bà cũng không phải lo cho chúng con. Bà ở với chúng con thì dù sao đời sống nông thôn cũng còn kham khổ lắm. Ông con lại cần có người bầu bạn giúp đỡ sớm hôm. Ông còn muốn đưa một cháu vào dạy dỗ và nuôi đỡ chúng con. Nếu bà không vào thì hai ông cháu lo toan sao được? Có sẵn cơ sở thành phố sau này cô Hạnh nếu về nước cũng có chỗ dựa. Cô ấy quen ở thành phố rồi, về nông thôn không sống nổi đâu. Bây giờ đi lại cũng tiện, hàng năm ông bà không về thì chúng con vào, lại có dịp để đi du lịch nữa. Chẳng hơn cứ rúm rum lại một chỗ, ra vào đụng nhau cho khổ ra.

Tôi cũng góp ý kiến.

- Ý kiến cô Phúc là chính xác đấy. Mợ nên nghe cậu con đi! Mợ Sâm cười có vẻ mềm lòng.

- Từ bé chẳng ra khỏi làng tôi ngại lắm. Ông ấy giao du nhiều, khách sang bạn giàu. Nay đưa bà nhà quê này ra chỉ thêm xấu mặt chứ hay ho gì. Giá như thời xưa thì tôi cưới ngay cho ông ấy cô vợ bé để được thoát tội!

- Mợ ơi con trông mợ còn "phong độ" lắm. Cậu đưa vào mỹ viện Sài Gòn tân trang đi là chẳng thua kém ai đâu! Việc gì mà phải tính chuyện bà bé cho tan cứa nát nhà!

- Thì mẹ chị cũng là bà bé đấy mà hạnh phúc nào bằng.

- Ấy là vì mẹ già cháu mất, thày cháu mới phải tìm bà kế. Mợ còn khỏe mợ phải làm tròn trách nhiệm với cậu.

Nói đến trách nhiệm mặt mợ Sâm bỗng xịu xuống. Mợ vẫn còn mặc cảm với lầm lỡ của mình. Cuối cùng thì cả nhà đều đồng tình với phương án của cậu đề xuất. Mợ thuận tình theo cậu vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Mợ cũng làm cố vấn cho chị Huệ phân chia quà cáp biếu xén bà con trong họ. Tôi đưa thêm cho chị một khoản tiền nữa để chị rộng tay. Khó có dịp được tiếp kiến họ hàng bên ngoại xúc động như thế này. Mình phải làm đầy đủ nghĩa vụ tình cảm để chuộc cho mẹ những thiếu sót trước đây.

Hôm sau chúng tôi được cậu mợ dẫn đi thăm khắp mọi nhà. Nơi nào cũng phải giới thiệu, cũng thăm hỏi đủ điều. Những người trẻ tuổi không biết mẹ tôi là ai. Nhưng những người già thì còn nhớ rõ về bà rất nhiều. Ai cũng khen mẹ tôi thiếu thời rất xinh đẹp. Nhưng hồng nhan đa truân, mấy cuộc hôn nhân bất thành. Đến khi làm vợ kế thày tôi mới đứng số.

Chúng tôi ở thăm quê ngoại đúng hai ngày thì xin phép cậu mợ trở về thành phố.

Thời gian còn lại ở Hà Nội anh chị tôi thay nhau tháp tùng tôi đi thăm thú các viện bảo tàng, những nơi danh lam thắng cảnh. Tôi chụp rất nhiều ảnh để đưa về Mỹ khoe với mọi người trong gia đình. Chị tôi nói.

- Em phải đưa vợ con về thăm quê cha đất tổ kẻo họ quên hết. Cả đến ngôn ngữ rồi cũng mất nốt. Giao tiếp với họ hàng là phải dùng phiên dịch! Chị nghĩ quan hệ thù địch sẽ dần dần được thay thế bằng quan hệ hợp tác. Việc đi lại chỉ còn là vấn đề tiền vé máy bay thôi. Mà cái này chị nghĩ là các em cũng không đến nỗi khó khăn lắm.

- Gia đình em từ bố mẹ đến con cái đều nói tiếng mẹ đẻ ở trong nhà. Chỉ khi tiếp xúc với người ngoại quốc mới bắt buộc phải nói tiếng họ. Chắc chắn khi gặp chị chưa phải dùng phiên dịch đâu! Lần này về em bảo vợ em rủ anh chị Ân cùng hành hương cho vui. Thế nào họ cũng ra Hà Nội thăm chị và có thể sẽ về quê nữa. Anh Ân nhiều tuổi rồi, cứ nấn ná thì sẽ đến lúc có muốn cũng không thể bay được nữa.

Sắp đến ngày kết thúc tôi mới xin phép anh chị đi Hải Dương thăm cháu Thu Hiền. Tôi tìm về địa chỉ cũ, mới hay ông bà Nhạc đều đã quy tiên cả rồi. Chỉ còn cậu em vợ là vẫn nối nghiệp cha ông làm nghề kim hoàn. Khi nhận ra tôi mọi người đều vui mừng khôn xiết. Tôi được biết cháu Thu Hiền đã lấy chồng, được một cháu gái tám tuổi. Hai vợ chồng có nhà riêng. Tôi ngỏ ý muốn đến thăm, cậu em liền gọi điện thoại gọi cháu đến đón.

Mấy phút sau đã thấy cháu phóng xe đến. Nhìn thấy tôi cháu ôm mặt khóc oà. Có thể cháu nhớ đến mẹ nên không kìm nổi cảm xúc.

- Ba ơi sao ba đi biền biệt mãi thế. Gần hai chục năm con chẳng nhận được tin tức của ba và dì Kim. Thỉnh thoảng con vẫn nhận được quà nhưng chẳng có thư. Con hỏi người chuyển họ chỉ nói có ông Đức nào gửi. Họ chẳng biết ba Nghĩa, dì Kim là ai. Nay mới thấy ba về, ba hãy giải thích mọi chuyện cho con nghe đi.

Ông cậu nói.

- Thôi chuyện đó để sau. Con hãy vào giúp mợ chuẩn bị cơm nước đi đã. Ba mới về còn mệt để ba ngồi uống nước đã. Còn nhiều thời gian để ba con trò chuyện với nhau.

- Con xin phép cậu cho con đón ba con về nhà để con cháu còn biết mặt ông. Tối con sẽ đưa ba con lên chơi với cậu mợ.

Nói rồi cháu kéo tôi ngồi lên xe cho cháu đưa về nhà. Nhìn khuôn mặt cháu tôi lại nhớ đến Phương Dung. Cô hi sinh cũng vào độ tuổi cháu bây giờ. Thấm thoắt đã hơn hai chục năm trôi qua.

Cháu Thu Hiền có ngôi nhà mới xây khá khang trang. Chồng cháu làm nghề kiến trúc nên cách bài trí khá tiện nghi và đẹp mắt.

- Ba ngồi chơi, cho phép con vừa làm cơm vừa nói chuyện. Cháu gái ông còn đang ở lớp học. Nửa tiếng nữa tan tầm bố cháu sẽ đón về. Còn con đi dạy học nên ngoài giờ khoá cũng có thời gian thu xếp việc nhà.

- Để ba cùng làm với con cho vui. Trông nhà cửa của con cũng được lắm. Còn cuộc sống thì ra sao?

- Con là giáo viên lương thấp, nhưng chịu khó kèm thêm ngoài giờ thu nhập cũng tàm tạm. Nhà con làm nghề kiến trúc thì khá hơn. Nhận vẽ thiết kế, nhận thầu xây dựng từng công trình, được ăn lỗ chịu, nhưng nói chung là lãi nên mới có tiền mua đất xây nhà đấy ạ. Thêm nữa thỉnh thoảng ba và dì Kim cũng gửi quà cho. Quà bằng đô la nên con cứ tích lại dần dần cũng được một món để sắm sửa các tiện nghi nội thất. Do đó cuộc sống chúng con cũng đầy đủ lắm.

- Ba mừng cho các con. Ba má ở xa quá nên chỉ có thể nhờ ông Đức chuyển cho các con thôi. Thư thì không viết được vì có những điều chưa tiện nói. Các con phải thông cảm. Mỗi lần có quà thì nên hiểu là ba, dì và các em đều khoẻ mạnh bình an. Khi nào về ba hứa sẽ đến thăm các con. Bằng lòng chứ?

- Ôi con cảm ơn ba! Ba về lần trước con còn non dại chưa hiểu thấu mọi chuyện. Lần này thì con sẽ hỏi ba nhiều chuyện về mẹ con đấy. Ba đừng giấu con điều gì nhé!

- Chuyện của mẹ con thì có thể kể thoải mái rồi. Ba sẽ kể tỉ mỉ cho con nghe để con sẽ suốt đời tự hào về mẹ mình.

- Còn ông Đức và cả em Quang Trung nữa? Có gì cần giữ kín với con không?

- Chuyện ông Đức thì để ông tự kể, ba cũng không được biết nhiều về ông. Còn em trai con thì ba có thể kể được. Nó đã tốt nghiệp đại học và lấy vợ. Nó nhắc đến con luôn. Đã có lần nó về nước nhưng không đến thăm con được. Lần sau ba sẽ ghi địa chỉ để nó tìm đến đây cho chị em nhận nhau!

- Ôi con sung sướng lắm ba ạ! Bố mẹ đẻ con đều hi sinh, nhưng dượng và dì cũng thương yêu con như con đẻ.

- Tội nghiệp cho con mồ côi từ nhỏ, sống với ông bà ngoại, ông bà lại mất sớm...

- Nhưng con lại được cậu mợ nuôi cho ăn học, tận tình như ruột thịt. Số con có quý nhân phù trợ ba ạ.

- Ba và dì ở xa thì con phải coi cậu mợ như cha mẹ, các em như ruột thịt. Ân nghĩa đó lớn lắm con ạ.

- Con cũng đã làm như ý ba đấy. Con học hành thế nào, nguyện vọng ra sao, yêu thương ai đều phải thưa chuyện xin phép cậu mợ. Gia đình có thuận con mới dám làm. Khi lấy chồng cậu mợ cũng phải thay mặt ông bà đứng ra gả bánh Nay con ra ở riêng, khi giỗ tết hiếu hỉ con đều phải chủ động lo tròn bổn phận, chưa bao giờ xao lãng nghĩa vụ Cả chồng con cũng thấu hiểu điều này nên không bao giờ bị cậu mợ và các em chê trách. Mỗi lần ba và dì cho quà, con đều chia sẻ cho các em, đắng cay cùng chịu ngọt bùi cùng chia ba ạ.

- Con ngoan lắm! Con giống hệt tính mẹ Dung con trước đây. Hiểu biết đường ăn nét ở nên sống đâu cũng được mọi người yêu thương.

- Có thế mẹ con mới lấy được ba chứ! Mẹ con hơn tuổi ba, goá chồng lại có con riêng mà vẫn lấy được trai tơ đẹp người tốt nết như ba là phúc lắm!

- Những cái đó đều phải đứng sau tình yêu con ạ! Mẹ con là người phụ nữ tuyệt vời đấy!

Khi cơm nước sắp xong thì hai bố con đưa nhau về. Thu Hiền chạy ra mở cổng rồi hỏi.

- Đố bố Dũng và Phương Thảo biết ai đang ở trong nhà mình?

Cả hai đi vào trố mắt nhìn khách lạ.

- Chào hai bố con!

- Cháu chào bác ạ! - Bé Phương Thảo láu táu chào trước.

- Ấy chết con phải chào bằng ông ngoại. Chào ông ngoại đi!

Anh chồng Thu Hiền ngạc nhiên vội vàng đỡ lời con.

- Hai bố con cháu xin lỗi ông. Mẹ cháu không giới thiệu lại đánh đố nên ngay đến con cũng chưa nhận ra! Từ ngày chúng con cưới nhau cũng chưa lần nào được ông về chơi. Có mấy tấm ảnh ông nhưng ngày chụp ông trông còn trẻ lắm!

- Không sao! Nếu ông không tự giới thiệu mà gặp nhau ngoài đường thì mẹ Hiền cũng không nhận nổi nữa là hai bố con.

- Sao ba không cho dì con và các em về chơi luôn thể.

- Thực ra ba cũng chưa rỗi rãi để đi chơi đâu. Tiện có chút công việc kinh doanh ba về nước thăm dò tình hình đó thôi. Có thể sắp tới mối giao thương mở rộng ba sẽ đưa cả nhà về thăm các con.

Tôi kéo bé Phương Thảo lại gần.

- Cháu hiểu thế nào là ông ngoại chưa?

- Ông là cha của mẹ cháu ạ!

- Ngoan lắm! Năm nay cháu ông học lớp mấy?

- Thưa ông cháu học lớp hai ạ.

- Ô thế thì có thể viết thư cho ông được rồi!

Thu Hiền cười vui vẻ.

- Lần này ông phải cho cháu địa chỉ, nhất định cháu sẽ viết thư thăm ông bà và các cô các cậu. Lớn lên bố mẹ cháu sẽ cho đi thăm ông!

- Ông cũng hi vọng thế!

Tôi cũng chỉ ở chơi với các cháu một ngày. Cả nhà chụp chung vời tôi rất nhiều ảnh. Tồi chuyển quà của Bạch Kim, của Quang Trung cho cả nhà. Hôm sau lại tạm biệt các cháu ngược tàu về Hà Nội. Tôi nghĩ rất nhiều về Phương Dung và lớp con cái chúng tôi. Chắc cô cũng được siêu độ vong linh, an lạc cõi Niết Bàn.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play