Người đời thường nói: chơi là vô ích. Ta lại nghĩ rằng: người ta lúc nhỏ, chơi say mê mà không biết đó là điều may mắn lớn, đến khi lớn
khôn, hoặc phải tìm danh tiếng, hoặc phải mua lợi lộc, khổ cho thân
người, bôn ba vất vả, có mấy khi mà được một giờ một khắc nhàn rỗi? Đến
khi công thành danh toại, thì cũng là lúc râu tóc đã bạc trắng cả, dẫu
có chơi cũng chẳng còn đâu hứng thú? Vẫn có bao nhiêu người, công bất
thành, danh bất toại mà đã qua đời, thế cũng là một kiếp đời sao? Vì vậy gặp hội thì chơi, "Phùng trường tác hí", chính là một cầu chí lý vậy
thay? Nhưng lại cũng phải biết tùy lúc mà vui, tùy nơi mà buồn, biết lẽ
tới lui, không thể nào như dòng nước chảy về đông quên cả lối về.
° ° °
Lại nói Trần Thúc Bảo nghe Lý Tĩnh nói thế, vội tìm
về nhà trọ thì thấy các bạn cơm rượu đã xong, đang chờ Thúc Bảo trở về
là tính toán tiền nong với chủ quán. Vừa thấy mặt Thúc Bảo mọi người
cùng reo:
- Đại huynh sao không cho chúng tôi theo vào thành với?
Thúc Bảo đáp:
- Mới canh năm mà đã vào thành làm gì. Bây giờ vào là tốt hơn cả.
Vương Bá Đương lên tiếng hỏi chuyện Lý Huyền Thúy, Thúc Bảo đáp:
- Đem lễ vật đến nạp, tiểu đệ may lại gặp chính Huyền Thúy
hiền huynh thu. Nhưng Huyền Thúy vì công việc bận rộn, nên cũng không
được nói chuyện lâu, nghe nói đại huynh cũng ở đây, Huyền Thúy gởi lời
tạ lỗi.
Rồi nói với mọi người:
- Giờ hãy mau thu nhập hành lý để vào thành.
Tính số anh em cưỡi ngựa, có bảy người, cộng tất cả là ba mươi người. Chào chủ quán họ Đào, ra khỏi quán trọ. Bá Đương lên ngựa, vừa
cười vừa quay lại nói với Thúc Bảo:
- Tần đại huynh hãy nhìn xem cảnh tượng lôi thôi, nhếch nhác của anh em mình kìa!
Thúc Bảo hỏi lại:
- Sao lại thế?
Bá Đương chỉ mọi người đáp:
- Chúng ta có bảy người, cưỡi bảy con ngựa. Phía sau kéo theo
hơn hai chục người nữa, hành lý quanh người, cứ như thế này mà vào thành thì sẽ thành một hàng dài từ Nam chí Bắc cũng chưa dứt. Anh em lại toàn người phương Bắc xa xôi xuống, rất dễ lạc ngõ lạc phố. Vào đây lại là
để xem các trò vui, vào quán rượu, phòng trà, cứ cả một đoàn thế mà kéo, thì làm thế nào mà đi nổi?
Thúc Bảo nghe Bá Đương nói vậy, trong bụng nghĩ thầm: "Lời của
Lý Tĩnh sáng nay, không thể tin cả, cũng không thể ngờ cả. Rõ ràng là
với cả đoàn thế này mà vào thành, thì cưỡi ngựa cũng phiền, không cưỡi
ngựa cũng dở". Bá Đương cùng Thúc Bảo bàn cãi mãi không xong. Lý Như
Khuê bèn góp vào:
- Hai đại huynh chả cần phải bàn cãi nhiều. Chi bằng cứ theo
cách của tiểu đệ đây là hơn. Ngựa chỉ cưỡi tới cổng thành thôi. Bọn thủ
hạ của chúng ta đây này, kéo tất cả chúng vào thành làm cái gì?
Chỉ ở ngoài cửa thành thôi, tìm một cửa hàng vắng nào đó, chất tất cả hành lý vào đó. Ngựa thì tháo hết yên cương, dắt chúng men vào
thành gặm cỏ, uống nước, người thì thay nhau ăn uống, nghỉ ngơi. Sài
Quận mã có hai viên gia tướng rất nghiêm chỉnh, nói họ cai quản tất cả
các thứ hành lý, tiền bạc nào cần thì mang để dùng. Bọn thủ hạ ở ngoài
này, lúc nào trời gần tối, lại sang đóng sẵn yên cương, đợi chủng ta
quay ra.
Nghe xong, bạn bè đều nói:
- Bàn có lý lắm thay!
Việc vừa bàn xong, thì mọi người cũng vừa đến cổng thành.
Thúc Bảo sai hai người lính dắt ngựa của mình:
- Ta với mọi người có sự khác nhau, là đang gánh việc công
trên vai, phải mang công văn lẫn thư từ, bỏ vào một cái túi nào đó mà
mang theo. Những thứ này đều có quan hệ đến tính mạng. Chờ đến hoàng
hôn, mỗi con ngựa của ta đều phải yên cương thật vững vàng, có đeo thêm
một cái túi nữa. Các người phải nhớ mà làm cho đầy đủ.
Thúc Bảo cùng bạn bè, giấu vũ khí trong người, đem theo viên gia tướng của Sài Quận mã đi vào thành.
Từ các quan đại thần lộc cao vọng trọng, cho đến dân đen trăm họ đều vâng mệnh Thiên tử, ai cũng tùy sức tùy tài, tham dự cuộc hội đèn
Nguyên Tiêu năm nay. Nhà nhà đều trang hoàng lộng lẫy, lụa gấm đủ màu,
đèn hoa đủ kiểu. Nhưng nổi bật hơn cả trong kinh thành, vẫn là hai nơi:
một là phủ đệ của phò mã, hai là phủ đệ của Vũ Văn Thuật. Phủ đệ của Vũ
Văn Thuật, vốn là dinh thự của Binh bộ thượng thư, phía sau là một
trường bắn, nơi luyện tập ti thí võ nghệ của các võ tướng từ nhỏ chí
lớn, thường được gọi là Tiểu giáo trường, là nơi dân chúng kéo đến nhiều hơn cả, một phần cũng bởi sự đua đòi, cổ vũ của đám thiếu niên ăn chơi ở kinh thành.
Nhưng ai là người dám lấy Tiểu giáo trường của bộ Binh làm nơi
vào chơi trong dịp Tết Nguyên Tiêu này? Chỉ có công tử thứ ba nhà Vũ Văn Thuật là Vũ Văn Huệ Cập mới làm được điều này. Vũ Văn Thuật có bốn
người con trai: con đầu là Vũ Văn Hóa Cập, hiện giữ chức Trị thư thị ngự sử, con thứ hai là Vũ Văn Sĩ Cập; lấy công chúa Tấn Dương, làm Phò mã
đô úy, con thứ ba là Vũ Văn Trí Cập, chuẩn vị nhận chức Thiếu giám.
Vũ Văn Huệ Cập là cậu con nhỏ nhất, ỷ vào thế lớn của các anh,
đương còn ít tuổi nên chưa ra làm quan, mắt chưa từng thấy việc binh
đao, trong lòng cũng chưa từng có chữ nghĩa văn chương gì, ngoài thì lụa gấm phủ đầy, ăn thì toàn trân tu bát bảo. Theo sau công tử nếu không
phải là hàng đàn bọn du thủ du thực, thì cũng là từng bầy côn quang xiểm nịnh, hướng dẫn, xúi giục Huệ Cặp trong những cuộc chè rượu tối ngày,
trai gái đàn hát. Với mồm miệng bọn thiếu niên trai tráng này, thì dù
Huệ Cập chưa từng đá được quả cầu nào, cũng được ca ngợi là bậc đá cầu
giỏi, đến nỗi Huệ Cập cũng tin điều này là thật, đã thế thì phải là nơi
tập trung của các anh tài trong nghề đá cầu mới xứng. Biết rõ rằng trong dịp Tết Nguyên Tiêu náo nhiệt này, mọi người sẽ kéo về Trường An xem
hội đèn, công tử bèn lấy Tiểu giáo trường của phụ thân làm thành một sân đá cầu lớn chưa từng có xưa nay.
Mới chỉ mùng một tháng giêng, tết nguyên tiêu cũng còn tới nửa
tháng nữa, đài bán nguyệt của Tiểu giáo trường đã được căng kín gấm vóc
đủ màu, một tấm vải lụa hoa sặc sỡ được căng ra làm rạp lớn, tưởng như
định che cả mặt trời, chính giữa cổng ra vào cũng kết bằng lụa ngũ sắc,
đề ba chữ lớn: "Quan cầu đài" . Công tử ngồi trên đài cao, hai
bên là hai mỹ nhân, được mời từ trong đám kỹ nữ nổi tiếng của các xóm cô đào kinh thành, một cô được mang tên Kim Phượng Vũ, một cô được tặng
hiệu là Thái Hà Ch 1. Hai bên đông tây đài bán nguyệt, dựng lên hai tòa lầu thấp hơn, bên
trong làm những cầu thang vòng vèo lên đến một cái cửa trang hoàng lộng
lẫy, gọi là "Thái môn". Những kẻ nổi tiếng trong đám hảo hán giang hồ,
không cần phải ăn mặc lôi thôi, không đeo gươm, vác giáo gì hết, đá cầu
kiểu gì cũng được miễn là lên được "Thái môn", thì công tử Huệ Cập ngồi
trên đài cao, cũng sẽ tặng một tấm lụa, một đỉnh bạc hoa, một thẻ bạc,
rồi tùy anh ta muốn tỏ lòng cảm tạ công tử thế nào cũng mặc. Cũng có
nhiều anh, đá mãi được lên tới cổng "Thái môn", nhưng còn nhiều hơn nữa, đá chẳng xong, lụa cũng không, bạc cũng không, thẻ chẳng được, mà chỉ
làm trò cười cho quan khách. Xung quanh hai tòa lầu này là một trăm hai
mươi nơi đá cầu, nơi nào cũng được sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt, trồng cột, dựng lan can đầy đủ cả, để đón tiếp thử thách, từ đó mà chọn ra những
anh tài, vào thi ở trong lầu.
Lại nói Thúc Bảo cùng bạn bè, kéo nhau vào trong đám người chen
chúc ấy được một lát, nhớ tới lời dặn của Lý Tĩnh, Thúc Bảo nói với Bá
Đương:
- Phàm những việc không cần ganh đua với mọi người, thì phải
biết giữ điều vừa phải, nhịn nhục, mới là bậc hảo hán, phải không đại
huynh?
Bá Đương cùng Sài Quận mã theo lời Thúc Bảo, đểu cố gắng giấu
kỹ tung tích của mình. Chỉ có Quốc Viễn cùng Như Khuê, lâu nay vẫn quen
ung dung mặc sức, nên càng thích cảnh chen vai, đọ cánh, chỗ nào đông
cũng xông vào, xô đẩy người khác kỳ xem được các trò vui tận mắt mới
thôi. Như Khuê vốn con nhà giàu, còn biết ít nhiều trò chơi, Quốc Viễn
thì làm nghề lạc thảo từ nhỏ, chỉ biết riêng chuyện gió to thì đốt nhà,
trăng suông thì giết người, làm gì thấy được những trò chơi lạ mắt của
kinh kỳ. Ngay cả quả cầu da có tua gấm kia cũng còn không biết là cái
gì, phải ghé tai hỏi nhỏ Như Khuê :
- Lý hiền đệ, cái quả tròn tròn có tua kia gọi là cái gì?
Như Khuê vừa cười vừa đáp để đùa Quốc Viễn:
- Đấy là cái túi đựng chì rất nặng, theo tám lần tám độ số của bát quái, là sáu mươi tư cân chì nấu chảy ra mà đổ thành.
Quốc Viễn vẫn thật thà nói:
- Cả ba người khỏe mạnh thế kia xúm quanh, thì làm gì mà không đá nó lên trên gác cao để lĩnh thưởng tấm lụa cùng đỉnh bạc cho được.
Ta cũng có thể làm được?
Những lời này bất quá hai người ghé tai nhau mà chuyện trò,
nhưng vẫn có một tay trong đội phục dịch tung cầu cho khách chơi nghe
được, liền mang ngay quả cầu đến, liến thoắng mời hai người:
- Xin mời nhị vị quý khách thử một lần để giành phần thưởng cho thêm phần danh giá!
Như Khuê vỗ vai Quốc Viễn giục:
- Chính là vị này đây! Hãy làm cho đúng câu "Phùng trường tác hí", hiền đệ!
Tay tung cầu lôi kéo:
- Xin mời quý khách thử một keo. Tiểu nhân bắt đầu tung cầu đây xin tận tình hết sức phục vụ quý khách!
Quốc Viễn lúng túng, chưa biết nên thế nào, thoáng nghĩ: "Ta thử cố đá một lần xem sao". Nhưng với bọn trong đội phục dịch của Huệ Cập
này, thì chúng còn thiếu gì những mánh lới xảo quyệt, lập tức chúng tìm
ra được quả cầu và cách tung thế nào làm khách chơi không tài nào đá
được. Quả cầu mang tên: "Yến ngậm châu bay ra biển" 2 phóng tới, Quốc Viễn đã hoa mất, lại sợ cầu nặng đá không lên, nên lấy
hết sức bình sinh, đá một cái, chỉ nghe "bốp!", quả cầu bay tít lên tận
trời xanh, rồi bị gió cuốn đi đâu mất hút. Hai tay phục dịch thấy mất
quả cầu thì làm ra vẻ quan trọng, kể lể nông nỗi:
- Không biết chúng tôi mắc tội gì đây mà gặp phải ông khách quý hóa này, thế là bao nhiêu vốn liếng bay theo mây gió cả rồi!
Quốc Viễn đã đang bực tức vì mình, nay nghe thêm mấy câu trách móc này, tay chân chừng như thấy ngứa ngáy, Như Khuê sợ xảy ra chuyện
không hay, vội lại khuyên giải:
- Anh bạn đây của ta có cả sáu nghề tinh thông trong tay đấy 3. Nhưng mà làm sao mà biết hết mọi thứ được. Huống chi mới học đá cầu lần đầu. Đáng ra, hai cậu nên hỏi khách một câu, đại loại: "Quý khách cao
danh quý xứ là gì, ở đâu? Hiện giữ chức tước gì?".
Nay ta gặp nhau ở kinh đô , mai lại đụng nhau chỗ khác, thì lại
đã ra bậc bạn cũ rồi còn gì. Cũng vì giận các cậu không có lý, chẳng có
tình, nên anh bạn mới đá bay mất quả cầu đi vậy. Ta đứng ra đền cho các
cậu đây!
Nói rồi rồi rút trong tay áo ra năm lạng bạc, trao cho hai tay phục dịch, vừa kéo vừa nói với Quốc Viễn:
- Chúng ta đi làm vài chén rượu là hơn cả!
Cả hai rẽ đám người đi ra ngoài, thì lại thấy ba anh em Thúc
Bảo từ ngoài đi vào, hai tên gia tướng đi trước rẽ đường, nhưng cũng
nhiều người không chịu, không tránh vì chật không lên nổi, thế là xô xát kẻ xô người ngã tha hồ huyên náo. Thấy Quốc Viễn, Như Khuê đi ra, Thúc
Bảo gọi:
- Hai vị đi đâu bây giờ, hãy cùng vào trong này với chung tôi đã.
Thế là cả bọn kéo nhau vào. Chỉ trừ Quốc Viễn, cả bọn đều biết chơi cầu. Thúc Bảo là một tay võ nghệ tuyệt vời, nên đá cầu cũng là một môn quen thuộc đã từng học qua, Bá Đương cả đến công danh cũng vứt bỏ,
nên thứ trò chơi này cũng từng trải qua, nhưng cả hai đều giữ gìn không
muốn xuất đầu lộ diện, xúm vào khuyên Sài Quận mã nên trổ tài cho thiên
hạ thấy hết vẻ anh tuấn, hào hoa. Sài Quận mã đáp:
- Tiểu đệ không dám, còn các đại huynh trước mặt, tiểu đệ đâu dám múa rìu qua mắt thợ.
Thúc Bảo khuyên:
- Chúng tôi tuy có biết qua cái trò này, nhưng cách đá không
đẹp mắt ở đây trăm mắt trông vào Quận mã có tư thái của bậc văn nhân,
chẳng còn ai chê trách gì được.
Sài Quận mã dẫu sao cũng còn mang vẻ hiếu thắng của bậc thiếu niên, nghe Thúc Bảo khuyên vậy, liền thưa:
- Tiểu đệ càn rỡ thế này, không khéo lại dẫn đến chuyện phiền toái sau này.
Hai tay phục dịch nãy giờ đứng chực sẵn, mang cầu lại ngay cạnh, rối rít:
- Kính mời quý khách, thử chơi một quả!
Sài Quận mã can:
- Hai cậu cứ từ từ, hãy giữ lấy cầu đã. Hai mỹ nhân ngồi cạnh công tử kia, liệu có biết tưng cầu cho khách không?
Một tay phục dịch thưa:
- Quý quan muốn chơi sang như vậy sao?
Sài Quận mã đáp:
- Ta cũng chẳng tiếc gì tiền thưởng đâu. Phiền hai cậu thưa hộ với công tử một câu: Ta muốn mời được hai mỹ nhân xuống cùng tung cầu.
Huệ Cập cũng vốn là tay ăn chơi có nòi, nghe tay chân thưa lại,
lập tức sai hai mỹ nhân xuống đài tung cầu cho Sài Quận mã. Theo sau lại có thêm bốn hầu gái, cầm hai quả cầu có tua ngũ sắc. Hai bên làm lễ
trịnh trọng chào nhau, cầu ngũ sắc được tung lên. Huệ Cập cũng vội bỏ
ghế ngồi, ra đứng cạnh lan can nhìn xuống chăm chú, cả Tiểu giáo trường
các sân cầu đấu ngừng chơi, để đổ xô lại xem hai mỹ nhân tung cầu cho
Sài Quận mã. Sài Quận mã trổ hết tài bình sinh, so vai, múa tay, khi
cúi, khi ưỡn, quả cầu lúc này chẳng khác gì một thoi ngũ sắc bay lượn,
khi cao khi thấp, khi gần khi xa. Các gia tướng, vương tôn công tử đứng
trên đài bán nguyệt thi nhau ném lụa nén tiền thưởng xuống, mấy hầu gái
theo hầu lúc nãy, giờ tha hồ mà cúi nhặt lụa nhặt tiền. Quốc Viễn vỗ
tay, dậm chân vui sướng hét lớn:
- Quận mã cứ đá nữa đi, đá được đến tận chiều tối mới giỏi!
Nhìn sang hai mỹ nhân, chỉ thấy:
Chị này vung tà áo biếc
Cô kia phất mảnh quần hồng
Vung tà áo biếc, thon thon măng búp dẻo tay
Phất mảnh quần hồng, he hé sen vàng nhẹ gót
Ngửa nghiêng đá thấp đá cao
Tung lên đập xuống vào vào ra ra
Ngọc bay tận tượng Phật bà
Quay đầu uốn gối thướt tha nhịp nhàng
Trổ tài vớt móc dọc ngang
Tiếng khen cổ vũ hô vang trong ngoài
Vóc lụa thấm, phấn son phai
Mồ hôi đẫm đến mệt nhoài mới thôi.
Đời sau có người làm thơ tán rằng:
Trên sân mỹ nữ dáng thần tiên
Nhờ gió Bồng đưa tới đất liền
Má phấn mồ hôi hoa lỗ đỗ
Mày ngài bụi bám liễu hoen hoen
Xanh xanh vạt áo bay tơi tả
Phấp phới dây quần bước ngửa nghiêng
Uốn éo cuộc vui tung lại hứng
Tóc mây búi xổ, lệch về bên.
Lúc này cuộc cầu ở Tiểu giáo trường đã hết, Thúc Bảo lấy hai
mươi tư lạng bạc trắng, bốn tấm lụa, đưa tặng hai mỹ nhân tung cầu, hai
cái quạt vàng, năm lạng bạc trắng, đưa tặng hai tay phục dịch ban đầu,
đã có công lên tâu Huệ Cập, lại phụ giúp hai mỹ nhân tung cầu. Lúc này
Sài Quận mã cũng đã chào đưa hai mỹ nhân về chỗ ngồi. Cả bọn Thúc Bảo,
chào Huệ Cập rồi kéo nhau ra khỏi Tiểu giáo trường, qua Lam Kiều, thì đã thấy các phố, dãy dãy đèn hoa huy hoàng. Chính là:
Tường bốn bề mã não
Cửa năm sắc doanh bồng
Ngàn tầm vân mẫu tháp luôn trượng thủy tinh cung
Mũ giát ngọc san sát
Áo gấm hoa ung dung
Rung rinh sông núi biếc
Lấp lánh thế gian hồng
Kìa giữa trời cây lửa đơm hoa
Nọ kín đất sen nở vàng bông
Vùng vẫy như rồng thiêng rời biển cả
chập chờn như cánh phượng vút không trung
Thiên thời vừa ý
Địa lợi góp công
Lời hát trong lầu hoa, tóm hết phong lan vạn cổ
Câu đố giữa cầu vẽ, hãy còn giảng giải bất thông
Ngàn dâu xanh biếc một vùng
Đèn soi bốn bể, chín châu sáng lòa
Mặt người tươi tựa mặt hoa
Sáng trăng sáng đuốc, đâu là sáng trưa
Ngựa xe đón, đàn sáo đưa
Cuộc vui vui suốt canh thừa thừa đôi
Giọt đồng rơi, giọt đồng rơi
Thái bình muôn thuở, muôn đời với dân.
Thúc Bảo khuyên mọi người hãy tìm những phố náo nhiệt nhất mà
xem đèn, vì thế tốt hơn cả là phố có dinh Tư mã thì đèn vừa nhiều vừa
đẹp hơn cả. Những lầu các treo đèn phần nhiều là cảnh ảo của một đêm,
thường được kết bằng những cây lau, cây trúc, rồi bên ngoài khoác lụa
hoa gấm màu vào, giả màu phú quý, ở bên trong thì treo nào đèn kỳ lân,
trên đèn kỳ lân thì có biển đề bốn chữ lớn, dát vàng lấp lánh: "Vạn thú
tề triều" 4, trên cửa lầu cao giăng một câu đối, vế phải viết:
Triều Chu gặp điềm lành
Chúa thánh ra đời, quốc hữu đạo.
Vế trái viết:
Nhà Tùy hưởng phúc tốt
Vua nhân trị nước, thọ vô cương.
Phía dưới đèn kỳ lân, là nhiều các loại đèn hình thú khác vây quanh.
Đèn rái cá, miệng há móng giơ
Đèn sư tử, lờ mờ đôi mắt
Đèn con cọp, như nhảy lên cao
Đèn con beo, muốn kêu như sấm
Đèn hươu gấm, miệng ngậm đóa hoa
Đèn khỉ già, trèo cây bứt quả
Đèn ngựa vằn, vó đá như chơi
Đèn con voi, to như ngôi báu.
Các đèn hình thú, cái nào cũng đẹp, không thể nào kể hết. Lại
còn hình hai vị người xưa, cưỡi hai ngọn đèn hình thú, bên phải là Hạnh
Đồng Đế Quân, cưỡi một đèn hình lừa trắng, đang từ từ sa xuống cõi trần, bên trái là Ngọc Thanh Lão Tử, cưỡi một đèn hình trâu xanh, đang đi ra
khỏi cửa Dương Quan ở phía tây. Hãy còn bốn câu thơ làm bằng chứng sau
đây:
Đèn thú rung rinh kể đã nhiều
Lên lên xuống xuống khẽ quay đều
Kỳ lân là chúa muôn loài đó
Dẫn hướng sinh linh, mở đại triều.
Mọi người xem xong khóm đèn kỳ lân ở dinh Tư mã, lại kéo nhau
qua dinh Binh bộ thượng thư, rồi sang dinh Dương Tố. Dọc các phố, dân
chúng cũng treo những đèn lồng nhỏ, bày bài vị thiên tử, thắp nến đốt
hương, sáng chẳng kém gì ban ngày. Chẳng mấy lúc, đã đến cửa lớn của
dinh Dương Tố, lầu cao dựng ngay trước cổng, tất cả đều treo các loại
đèn hình chim, trên cửa lầu cũng có biển, khắc bốn chữ lớn: "Thiên triều nghi phượng" 5, hai bên là hai câu đối:
Cánh phượng liệng trời Nam, người đều chịu phúc
Râu rồng nghiêng bể bắc, dân được nhờ ơn.
Dưới đèn hình chim phượng hoàng, là hàng loạt đèn hình chim khác:
Đèn con hạc đậu cành tùng
Đèn gà gấm, lượn trên từng mây xanh
Trong rừng liễu, đèn con oanh
Đèn con công đứng bên cành tường vi
Vẹt, cuốc, mỏ nhát, le le
Mỗi loài mỗi vẻ le te theo đòi
Người ôi! Mở mắt mà coi. . .
Các hình đèn chim này cũng thế, cái nào cũng lung linh sáng
ngời, trăm phần hoa mỹ, kể thật không hết. Hai phía phải trái, cũng có
hai hình người xưa cưỡi hai đèn hình chim, vì nhân lễ mừng sinh nhật
Dương Tố, phía bên phải là hình Tây Trì Vương Mẫu, cưỡi chim thanh loan, từ Dao Trì bay xuống dự yến, phía trái là hình Nam Cực Thọ Tinh, đang
cưỡi chim bạch hạc Hải ốc hạ xuống mừng thọ. Hãy còn bốn câu thơ làm
chứng sau đây:
Đèn chim chen chúc đậu non cao
Hãnh diện hơn thua được dự vào
Xanh thẫm từng mây, vua phượng ngự
Muôn loài vỗ cánh động trăng sao.
Mọi người xem xong đèn ở cổng Dương phủ thì cũng vừa canh một,
ai nấy vội vàng đi về phía cửa đông. Quốc Viễn từ nhỏ sống cảnh lạc
thảo, chưa bao giờ đặt chân vào nơi phố phường, chứ đừng nói gì đến kinh đô. Nay lại được vào Trường An giữa tết nguyên tiêu, nhìn cảnh đèn nến
huy hoàng, trống chiêng vang trời, Quốc Viễn cũng không biết nói gì với
bạn bè, chỉ biết ngẩn mặt ngờ nghệch xoa hai tay, để các bạn túm áo lôi
theo mà thôi. Lại thêm dễ mừng, dễ sợ, quay nghiêng, quay ngửa, nhìn ngó khắp nơi, vỗ tay dậm chân, dẫu có nhắc cũng lại quên ngay.
Thúc Bảo bàn:
- Giờ ta vào cửa Trường An, đến hoàng thành xem đèn hoa ở cửa cung nữa là xong.
Đến trước cửa Ngũ Phượng lâu, người đông nghẽn cả lối đi. Trước
mặt Ngũ Phượng lâu, dựng thêm Ngự đăng lâu, có hai viên đại thái giám,
ngồi trên hai ghế dựa khảm hoa bạc, bên trái là Ty lễ giám Bùi Tịch, bên phải là Nội kiểm điểm Tôn Khánh. Lại có năm trăm quân cấm vệ, mặc áo
gấm có thêu hoa tròn, mỗi người đều cầm côn sơn màu đỏ, đứng nghiêm
chỉnh trước Ngự đẳng lâu. Tòa lầu này không chỉ làm bằng lụa là, gấm vóc bình thường, mà còn dùng những thứ nguyên liệu, hương liệu của hải
ngoại, rồi những thứ châu ngọc, vàng bạc trong cung, cũng được mang ra
trang hoàng, thật xứng đáng với tên Ngự đăng lâu vậy. Trên cửa lầu cao,
cũng có treo tấm biển, khảm bốn chữ lớn: "Quang chiếu thiên hạ:" Hai bên là hai câu đối khảm vàng:
Ba nghìn thế giới vang đàn hát
Mười mấy đô thành mượt gấm nhung.
Đến cảnh ở Ngự đăng lâu này thì đúng chẳng nơi nào dám sánh,
Vương Bá Đương, Sài Tự Xương, Tề Quốc Viễn, Lý Như Khuê đến xem Ngự đăng lâu, hết chỗ này đến chỗ khác, lúc chen vào, lúc lách ra, rồi cũng vào
phòng trà, kéo vào quán rượu, hoặc vào nhà ca hát, chẳng nghĩ đến chuyện về. Thúc Bảo đã bao lần khuyên họ ra cổng thành, nhưng chẳng ai chịu
nghe. Không biết rồi chuyện sẽ thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT