Trong thiên hạ, việc vô ích kể không hết, chuyện bất bình cũng
không phải ít. Việc vô ích chẳng qua như chuyện vui chơi, còn chuyện bất bình kể như việc nổi giận, rút kiếm đâm chém một hồi.
Cũng phải hiểu rằng chuyện bất bình với chuyện vô ích, có nhiều
khi quan hệ chặt chẽ, bất bình thường từ vô ích mà ra, có vô ích mới gọi bất bình. Nhìn việc đời, mắt muốn nổ đom đóm, nghe tâm sự, lòng như
muốn đứt từng đoạn. Máu bất bình này, ai ai cũng có, nếu không có được
hành động mạnh mẽ, đỡ kẻ yếu, dìm kẻ ác, thì cũng là tấm lòng lo lắng
thở than. Ở các bậc nghĩa hiệp, mỗi lần nổi cơn bất bình, nếu không biết tự kiềm chế, thì tai họa sẽ kéo đến. Đây cũng chẳng phải là anh hùng
biết mình biết ta, nếu quả là bậc anh hùng, thì cứ bằng bản lĩnh vốn có
của mình, sợ gì bọn vương tôn tử, sợ gì kẻ tiền hô hậu ủng. Hãy cứ xem
như trong đám quân trăm vạn, lên ngựa lấy đầu tướng, sao lại có thể
giống việc chém cáo trói thỏ cho được. Trừ được những điều oan ức của
một thời, khiến cho ai ai cũng thấy rằng kẻ gieo việc dâm ác thì nhất
định phải chịu báo ứng. Chính là:
Lòng trời muốn những trừ dâm ác
Nên cậy anh hùng giúp một tay.
Hãy nói với cuộc đời một số phụ nữ ở Trường An này, may ra sinh
vào nhà phú quý, quần áo không thiếu, ăn uống đầy đủ, phong cảnh bên
ngoài dù đẹp đến đâu, cũng khó làm họ rung động. Chính những phụ nữ nhà
nghèo khó, sống lây lất mới qua được năm này sang năm khác, trước ánh
trăng sáng, nhìn cảnh đèn hoa huy hoàng, đàn nhạc rộn rã, có người trong số họ, đã làm những câu thơ sau đây, để ghi lại những cảnh thần tiên
ấy:
Trăng thật tròn, đèn thật xinh
Đèn trăng trong sáng kinh thành cõi tiên
Trăng đĩa ngọc đèn hoa sen
Trăng soi đèn chiếc, muôn nghìn thanh tân
Đèn phú quý, trăng tinh thần
Trăng nô đèn rỡn, xa gần thấp cao
Ai ơi, đêm ấy đêm nào
Người trăng đèn lẫn người vào đèn trăng.
Vào những lúc ấy, thì dù đã già, dù còn trẻ, đều muốn ra du
ngoạn. Dù là người con gái thật trinh trắng, hoặc là bà già yếu đuối,
chẳng cần phải đến lòng rung động, chân đã muốn bước ra cửa, đã muốn
trang điểm ít nhiều, để lên cầu, nhìn trăng ngắm nước. Chị bạn họ
Trương, kéo tay các bác bán hàng họ Lý. Bà dâu gia họ Triệu, hẹn trước
bà hàng họ Tiền, cười cười nói nói, dẫu có giữ cũng chẳng xong. Thôi thì đủ vẻ phong lưu, nếu lại được một hai vương tôn công tử Trường An nào
đó, đi theo giữ gìn, rồi mày đưa mắt liếc, thỏ thẻ đôi lời dung dăng
trước ánh đèn, ánh trăng, tìm hương kiếm phấn, theo bóng đuổi hình, nào
mấy ai chuyên tâm xem đèn, nếu chỉ là chuyện dạo cầu xem trăng như vậy,
thì làm sao có chuyện dưới này được.
Có một người đàn bà góa, tên gọi là Vương Lão Nương, con gái
mười tám tuổi tên gọi Uyển Nhi, nhất thời hữu hứng, mẹ con dẫn nhau đi
xem hội đèn. Hình dáng Uyển Nhi của Vương Lão Nương rõ là:
Lưng eo như liễu bên cầu
Mặt tươi như cánh hoa đào đang xuân
Làn da thơm mát trắng ngần
Bên đèn ai đó bần thần dưới trăng.
Hai mẹ con để một đứa trẻ nhỏ ở nhà trông nhà, dắt nhau ra phố
xem đèn, đi qua cửa lớn. Có một bọn du đãng bám theo sau, nhìn ngó Uyển
Nhi, vào tới phố lớn, bọn chúng tốp vây trước, toán theo sau, mẹ con
không tài nào thoát đi đâu cho được, Uyển Nhi kinh hoàng, Vương Lão
Nương cũng không còn biết làm thế nào. Bọn du đãng này sai phái vài đứa
về thưa với công tử Huệ Cập họ Vũ Văn, Huệ Cập nghe báo, vội cùng tay
chân đuổi theo, thấy hình dáng Uyển Nhi, Huệ Cập hồn bay phách lạc, lại
thấy chỉ mỗi một bà già đi theo, muốn làm gì chẳng dược, Huệ Cập chặn
đường lôi kéo Uyển Nhi, Uyển Nhi sợ hãi nhưng không dám kêu, trốn chạy
không đường. Vương Lão Nương nào biết mặt mũi công tử con quan thượng
thư Vũ Văn là ai, thấy sức mẹ con không thể nào chống trả, chỉ còn cách
gào thét kêu cứu. Nhưng Huệ Cập còn mưu mẹo nhanh hơn, y lu loa:
- Mụ già này thật vô lễ, dám cản đường đánh người sao, chúng bay bắt giải về phủ cho ta!
Một lời vừa nói, bọn tay chân lập tức tuân theo, chúng lôi dễ
dàng cả hai mẹ con Vương Lão Nương về phủ. Lúc này thì cả hai đều kiệt
sức, quần áo tả tơi, khắp người bụi đất, mồ hôi, nước mắt, gào không
thành tiếng. Hàng phố bốn bên, cũng không ít người rõ chuyện này, mắt
thấy tai nghe, nhưng họ đều biết rõ thế lực cùng thủ đoạn của bọn Huệ
Cập, nên không ai dám ra mắt ngăn cản.
Về đến phủ, Vương Lão Nương chẳng còn sức lực đâu mà giãy dụa,
chúng bèn giam vào một phòng kín. Còn Uyển Nhi, chúng cũng đem nhốt vào
một phòng trống trên sảnh đường. Huệ Cập trở về thư phòng nghỉ ngơi một
lát, liền tìm đến phòng Uyển Nhi, bọn gia đinh lập tức bỏ ra ngoài, chỉ
còn lại mấy hầu gái. Huệ Cập mới lại gần, Uyển Nhi lập tức chống cự, hai tay cứ mặt Huệ Cập mà đánh. Vật lộn được một hồi, Huệ Cập không tài nào thắng, liền nổi giận lôi đình, quát lũ hầu gái đánh cho Uyển Nhi một
trận, rồi khóa kỹ phòng lại, đi ra. Bọn tay chân ở ngoài cửa phủ vào
báo:
- Mụ già chúng con nhốt ngoài kia, lại la hét ầm ĩ, sống chết đòi con, tiểu chủ dạy nên đối phó ra sao đây?
Huệ Cập cũng có phần bối rối:
- Ta cũng không ngờ dây vào chuyện lôi thôi thế này. Hãy đợi ta ra xem sao.
Huệ Cập ra cổng phủ, đến phòng giam Vương Lão Nương quát hỏi tại sao lại la hét ầm ĩ trong phủ đường. Thấy mặt Huệ Cập, Vương Lão Nương
lại càng gào thét to hơn, dậm chân đấm ngực. Kêu trời chửi đất, đòi kỳ
được con gái. Huệ Cập đáp:
- Con gái của mụ, đã mất hết với ta rồi. Mụ mau mà xéo cho rảnh, không được phá phách ở nơi này đâu!
Vương Lão Nương gào lớn:
- Đừng có mà dọa ta. Dù có chết ta đi nữa thì ta cũng nhất
quyết không chịu. Phải trả con gái cho ta. Ta côi cút một thân, được mỗi một mình nó, đã hứa gả cho người ta, chỉ còn ít ngày nữa là cưới, nếu
không trả, đêm nay ta nhất định chết ở đây.
Huệ Cập tức tối:
- Mặc cho mụ nói, mụ có chết cũng chẳng dọa được ta.
Rồi quát bọn tay chân đẩy Vương Lão Nương ra cửa. Bọn này đứa
lôi đứa đẩy, đứa đánh, đứa tát, lôi Vương Lão Nương ra khỏi cửa và lập
tức đóng chặt cửa lại. Huệ Cập vẫn còn say máu, lại kéo một đoàn côn
quang ra phố càn quét. Lúc này đã canh hai rồi. Cũng bởi Huệ Cập đã đến
lúc tội ác chất đầy, dâm ô dã man, đã đáng tội chết, nên lại mới tìm đến việc này, lúc này. Đại phàm một miếng ăn, một ngụm uống, cũng còn là
chuyện tiền định, huống chi chuyện sinh tử lớn lao của người đời, trốn
tránh sao được ý trời.
Chính là:
Tái ông xưa có lời.
Ai liệu được lòng trời
Họa phúc chẳng tìm cửa
Người tự rước lấy thôi! 3
Lại nói anh em Thúc Bảo, dạo chơi khắp kinh thành cũng vừa vế
đến đây, thấy hàng trăm người đang xúm đen xúm đỏ, ai nấy mới cố lách
vào xem, thì thấy một bà già, đầu tóc đã bạc, đang nằm lăn lóc trên mặt
đường, Bá Đương hỏi người bên cạnh:
- Bà già này, có chuyện gì mà khóc giữa phố thế này?
Người này đáp:
- Xin các vị đừng quan tâm tới chuyện này mà lôi thôi lớn. Bà
già này cũng vì không biết mình biết người, chẳng hiểu thời thế. Có một
cô gái đã có người dạm hỏi, đợi ngày về nhà chồng. Mẹ con ra phố xem
đèn, lập tức bị công tử Vũ Văn cướp mất con.
Thúc Bảo hỏi:
- Công tử họ Vũ Văn nào kia?
Người này đáp:
- Công tử con quan Thượng thư bộ binh Vũ Văn Thuật chứ còn Vũ Văn nào nữa.
Thúc Bảo hỏi thêm:
- Có phải là công tử vừa đứng ra mở cuộc thi đá cầu ở Tiểu giáo trường chăng?
Người này đáp:
- Đúng rồi?
Lúc này Thúc Bảo đã đem lời dặn dò của Lý Tĩnh vứt sang đất nước Trảo Oa ngoài hải ngoại ngàn dặm 4, lại hiện nguyên hình một kẻ "giữa dường thấy sự bất bình mà tha", chỉ
còn nghe thấy thế, lòng đã sôi sục tức giận, hai mắt đỏ ngầu như lửa,
lại gần bà già, hỏi:
- Bà tên họ là gì?
Bà già đáp:
- Già này họ Vương, ở ngay phía đằng sau phủ đệ của Vũ Văn tướng công.
Quốc Viễn nói:
- Bà hãy về nhà đi thôi. Lúc chiều ở Tiểu giáo trường của công tử Vũ Văn, chúng tôi có kiếm được mấy tấm lụa, mấy đỉnh bạc đây, chúng
tôi sẽ đi tìm công tử, chuộc con gái về cho bà.
Bà già tin thực, vái bốn vái, vừa đi vừa khóc về nhà.
Thúc Bảo còn hỏi kỹ người đứng bên:
- Chuyện công tử Huệ Cập cướp đàn bà con gái này có thật không quý hữu?
Người này đáp:
- Chuyện này đâu phải hôm nay mới có, ngày mười hai vừa rồi
làm một lần rồi. Phong tục ở Trường An này, đêm trăng rằm nguyên tiêu
này, đàn bà con gái đều lên cầu ngắm trăng, chọn đúng dịp tốt này để
hành sự, thì thật là xảo quyệt không lường. Ngày mai, chỉ cần gọi cha
mẹ, chồng con gì đó đến phủ, thí cho mấy lạng bạc là xong. Nếu vẫn còn
chống cự, công tử đánh chết, vứt xuống hố chân tường lấp lại chẳng ai
dám đến đòi tiền, đòi mạng. Ngày mười ba, mười bốn vừa rồi lại tiếp mấy
vụ thế này rồi. Tối nay đến lượt mẹ con bà già này thôi.
Lúc đầu, Thúc Bảo cũng có ý định dùng tiền lụa để tìm cách
chuộc lại cô gái cho bà già, nhưng giờ nghe những lời này Thúc Bảo thay
đổi ý định. Thúc Bảo lại hỏi thêm về những chuyện của Vũ Văn công tử, có người khuyên can:
- Các vị là bậc quan nha ở xa kinh thành mới về, có những
chuyện chưa tường, nếu gặp gỡ công tử nói chuyện chuộc lại, sợ rằng
không thông, công tử đã không vừa ý, các vị sẽ không khỏi bị tổn thương.
Thúc Bảo lựa lời đáp:
- Đúng là chúng tôi không biết công tử Vũ Văn ngang ngược đến
vậy. Được các vị chỉ giáo cho biết, thế thì chúng tôi tránh mặt là tốt
hơn cả, nhưng không hiểu công tử hay có mặt ở những nơi nào, vào những
ngày này.
Có người thông thạo đáp:
- Công tử có hẳn một dãy lầu riêng trong phủ đệ họ Vũ Văn,
chứa chấp toàn bộ côn quang, coi tính mạng chẳng vào đâu, sẵn sàng nhảy
vào lửa nóng, băng lạnh. Vào giờ này, cả bọn mặc toàn áo mũ màu đỏ. Mỗi
đứa cầm một cây tề mi đoản côn, hàng trăm đứa đi trước mở đường, bọn gia tướng theo sau để sẵn sàng giở đúng mười sáu ban võ nghệ, toàn những
tay đao tay thương thuần thục, thế là thành một đoàn vừa hát ca vừa múa
võ. Công tử cưỡi ngựa, phía trước, phía sau là một bọn áo thụng xanh,
mỗi toán năm sáu tay, đều xách đèn lồng toàn làm bằng lụa hoa, bưng lò
hương, giăng thành hàng. Ở Trường An, trong những ngày này, các phủ đệ
lớn, đều có lập những ban múa hát, biểu diễn võ nghệ như thế, chúng tôi
thường gọi là "xã hý", hay "xã hỏa" cũng thế. Các ban "xã hý" khác, nếu
gặp công tử Vũ Văn là lập tức phải dừng lại để múa hát trổ tài nghệ. Nếu hay, công tử bằng lòng, thích chí thì cũng sẽ được thưởng lụa, bạc như
đá cầu ở Tiểu giáo trường vậy. Còn không hay thì cứ thế đè ra, dùng côn
mà nện.
Thúc Bảo lên tiếng:
- Đa tạ quý vị chỉ giáo!
Thế rồi cả bọn kéo đi ra phía đường ngự đạo của Trường An, nơi bọn Vũ Văn thường xuất hiện để tìm Huệ Cập.
Lúc này đã canh ba, trăng sáng như ban ngày, giữa lúc đang
lang thang tìm, thì gặp bọn Vũ Văn. Quả đúng có tới mấy trăm tay đoản
côn, đứa nào cũng đầy vẻ lang sói. Huệ Cập mặc áo thêu sặc sỡ, ngồi trên yên ngựa, bọn tay chân dẫn trước kéo sau.
Người xưa dã nói: "Bất thị oan gia bất đối đầu", không có thù
oán với nhau thì không gặp nhau. Bọn Thúc Bảo nép mình trong góc phố,
thấy Huệ Cập tới liền bước ra, một người lên tiếng:
- Chúng tôi là gia tướng ở phủ Hạ Quốc Công Đậu đại nhân xin hầu công tử.
Huệ Cập hỏi:
- Các anh diễn võ gì?
Người này đáp:
- Dạ "Hổ Lao quan, Tam anh chiến Lã Bố" ạ. 5
Múa xong, công tử khen hay, mọi người xin tiền thưởng. Lúc bấy
giờ công tử cho mọi người đi, Thúc Bảo lại bước ra trước mặt công tử,
mặt mày đã bôi vẽ khác hẳn, cao giọng thưa:
- Dạ, trình công tử, còn đám "xã hý" này nữa kia ạ!
Cả nhóm năm anh em Thúc Bảo, một người mang mặt nạ vẽ mặt chuột, tiến lên thưa tiếp:
- Chúng tôi xin diễn tích: "Ngũ mã phá Tào", cũng kể chuyện thời Tam Quốc ạ!
Huệ Cập lúc này mới chợt tỉnh, nhận ra là bọn này chỉ giả trang
"xã hý" để giở trò, Thúc Bảo vung đôi giản đồng mạ vàng lấp lánh, Bá
Đương múa tít hai thanh bảo kiếm. Tự Xương vung thanh kiếm quý gia
truyền, Quốc Viễn tả xông hữu đột với đôi trùy cán vàng, Như Khuê múa
tít cây roi thủy ma trúc tiết cương tiên. Tiếng giản, kiếm, roi, chùy va vào nhau nghe lạnh gáy, ánh lửa chói mắt, ai nấy thi nhau múa, đường
phố tuy rộng, nhưng họ cứ tiến sát lại Huệ Cập mà múa, gió tạt cả vào
mặt, làm Huệ Cập bắt đầu sợ hãi. Hai đầu phố, người xem đứng nghẽn cả
lối, khiến Quốc Viễn trong lòng nghĩ thầm: "Giờ đánh nó chết thì cũng
chẳng gì khó, nhưng người đứng chật cả hai đầu đường thế kia, không tài
nào thoát thân nổi được, trừ phi ta đốt cháy mấy cái gác treo đèn này.
Lúc ấy trăm họ sẽ đổ ra cứu hỏa, thì mới không cản trở đường rút chạy
của anh em chúng ta được". Nghĩ rồi bèn chạy lên gác. Bọn Huệ Cập vẫn
chưa nghĩ là Quốc Viễn lên lầu làm gì, hoặc giả Quốc Viễn chạy lên gác
để rồi lại từ trên ấy múa võ xuống chăng, chẳng tay nào trong bọn nghĩ
được Quốc Viễn lên để đốt gác, Thúc Bảo thấy gác bắt đầu cháy, liệu thế
không thể nào dừng nữa, bèn nhảy ra ngoài vòng theo thế hổ vồ mồi, đến
ngay trước ngựa của Huệ Cập, giơ cao đôi giản, giáng xuống đầu. Lúc này
Huệ Cập đang ngồi trên yên ngựa, không kịp né tránh, hơn nữa, mỗi chiếc
giản của Thúc Bảo nặng sáu mươi tư cân, bổ vào đầu cả đến con ngựa cao
khỏe là thế cũng phải khụy xuống. Bọn gia tướng cùng lũ tay chân thấy
thế, khủng khiếp gào lớn:
- Nguy to rồi! Đánh chết công tử rồi!
Đao, thương, côn bỗng xúm lại xung quanh Thúc Bảo. Thúc Bảo múa
tít đôi giản đỡ khắp thân mình, Quốc Viễn từ trên gác cao nhảy xuống,
vung mạnh đôi kim chùy, cùng các hào kiệt xông lại. Cả bọn người nào
cũng:
Đầu nóng bừng bừng
Miệng la oai oái
Dữ như bò rừng
Hung như trâu dại
Đấm cho một mũi tím bầm
Đá cho trước sau bại hoại
Phong lưu tài tử, rơi mũ xõa tóc chạy tung
Mỹ mạo giai nhân, tụt giày, cuống chân ngã đại
Thây chồng phố lớn, xác kín ngõ cùng
Hồn lánh cây cao, máu trôi cỏ dại.
Đúng là:
Khí thế đạp phăng dinh phượng đỏ
Oai phong thét đổ lũ rồng xanh.
Bọn hào kiệt đành phải mở một đường máu, từ đường phố lớn chạy
ra ngõ Minh Đức. Lúc này đã hết canh ba. Bọn lâu la ở ngoài cổng thành
gồm hai mươi hai người, chờ chiều, chờ cơm tối, sắm sửa yên cương, hành
lý xong xuôi, cùng kéo nhau ra giữa đường lớn đứng chờ chủ. Họ cùng nhau chia làm hai tốp, một nửa ở lại trông nom hành lý, yên cương, một nửa
đi về phía cổng thành đón chủ, vừa là xem đèn hoa các phố gần đó, rồi
lại quay lại, đổi cho bọn kia vào cổng thành. Đến canh ba, đã đổi nhau
được mấy lần như thế rồi, thì thấy trăm họ trong thành, đầu bù tóc rối,
chân lành chân què, áo quần tả tơi, hở cả da thịt, mặt mày mồ hôi mồ kê, bụi đất bám đầy, chân sưng trẹo, mặt sưng tím, kẻ gào người khóc, cứ
thế mà chạy bán sống bán chết. Bọn lâu la đi vào cổng thành, thấy những
chuyện này, cũng vội vàng chạy ra nói với nhóm giữ hành lý, yên cương:
- Anh em ơi, đúng là các ông chủ của ta đang chém giết gì đó ở trong thành rồi, đánh chết công tử Vũ Văn nào đó. Chi bằng ta hãy để
vài người ở đây trông ngựa, đồ đạc, còn tất cả anh em có sức khỏe, hãy
chạy nhanh vào cổng thành giữ cho bọn lính gác không được đóng cổng, nếu không cửa thành mà đóng, thì làm thế nào các ông chủ của chúng ta ra
được!
Cả bọn lâu la tán thưởng:
- Nói có lý lắm!
Thế là mười tay lâu la lực lưỡng, kéo nhau vào cổng thành. Đến
nơi, một bên thì giả vờ vào thành, một bên làm ra vẻ ra thành, gặp nhau
giữa cổng, không bên nào chịu nhường bên nào, thế là xô xát, đội lính
gác cổng thành, kéo lại dàn xếp không xong. Lúc này Kim Ngô tướng quân
cùng Kim triệu phủ doãn 6, nghe báo có bọn người đánh chết công tử con quan thượng thư bộ binh Vũ
Văn Thuật, sợ hung thủ trốn chạy khỏi kinh thành, lập tức cho lính cưỡi
ngựa truyền lệnh đóng ngay cửa thành, nhưng rồi vẫn chưa đóng được. Bọn
hào kiệt cũng vừa ở trong thành chạy ra, thấy cửa thành vẫn chưa đóng,
đường sống vẫn còn, lập tức giơ vũ khí, cướp cửa mà chạy. Lũ lâu la,
dưới ánh đèn, nhận rõ chủ mình, cũng giáng một đòn vào bọn lính canh cửa rồi rút theo chủ. Ngay bên đường nhận ra người ngựa của mình, anh em
Thúc Bảo lên ngựa, lập tức ra roi, kéo mạnh dây cương phóng như tên bắn.
Xé toạc lưới tơ giăng
Chạy thoát cả vảy gầm
Chim hồng lướt ngàn dặm
Mây gió cỡi chín tầng.
Bảy người cưỡi ngựa, theo sau là một đoàn đi bộ, chạy ra phía
đường Đồng Quan, về phía chùa Vĩnh Phúc. Sài Quận mã muốn lưu Thúc Bảo
lại, đợi thư của Lý Uyên, Thúc Bảo từ chối:
- Xin đa tạ Quận mã, nhưng chi sợ có kẻ nhận ra dấu tích thì quả là không tiện.
Thúc Bảo còn dặn kỹ phải phá ngay "Báo Đức tự", và cả đôi giản đắp giả đừng để người ngoài trông thấy, nói rồi lập tức bái biệt, lên
ngựa ra roi.
Đến gần Thiếu Hoa sơn, Thúc Báo ngồi trên yên cương ngựa nói với Bá Đương:
- Sang năm ngày hai mươi ba tháng chín, là ngày lục tuần
thượng thọ của thân mẫu Tần Quỳnh này, xin đại huynh đến dự lễ cho thêm
phần trọng thể.
Bá Đương đưa mắt nhìn Quốc Viễn cùng Như Khuê rồi đáp thay cho cả bọn:
- Chúng tiểu đệ thế nào cũng xin có mặt.
Thúc Bảo không chịu lên sơn trại, hai bên chia tay, Thúc Bảo trở về Tế Châu. Chuyện không nói nữa.
° ° °
Lại nói, cổng thành sau khi thầy trò, bè bạn Thúc Bảo đã ra khỏi mới đóng được. Ở các phố các ngõ, số người chết, bị thương
không thể kể hết, nhà cửa trăm họ bị thiêu ra tro cũng tính không xuể.
Tối hôm ấy, trong phủ Vũ Văn Thuật, vì được nhà vua ra ơn, ban cho đèn
trong tết nguyên tiêu, vì vậy có mỡ tiệc lớn ở đại đường, nến phượng
khêu cao, dưới thềm nhã nhạc rộn ràng. Một nhà quyền quý, ơn vua nhuần
thấm. Đương giữa lúc này nâng chén, ở ngoài phủ như một đợt sóng người
trào vào, mãi không hết, ai nấy đều thi nhau gào to:
- Tướng công! Tai họa rồi!
- Đại nhân ơi! Khốn khổ thay?
Vũ Văn Thuật vội rời khỏi bàn tiệc, chạy ra thềm cao, giơ tay ra hiệu mọi người yên lặng. Lúc này mấy viên gia tướng trong phủ, mới có kẻ bước lên thưa:
- Tiểu chủ đang xem đèn ở cửa tây kinh thành, có một bọn cướp giả trang làm phường "xã hý", đã giết chết mất tiểu chủ rồi!
Vũ văn Thuật vốn rất yêu cậu con trai út này, nghe xong, lục phủ ngũ tạng như điên đảo, gào lớn:
- Con ta có thù oán gì với bọn cướp đường nào đâu, mà đến nỗi bị chúng đánh chết.
Bọn gia tướng, tất nhiên không dám kể hết tội ác, sự dâm đãng
quá quắt của tiểu chủ, chúng bịa thêm những chuyện hoang tưởng để che
giấu Vũ Văn Thuật:
- Tiểu chủ nhân có uống mấy chén rượu, cũng có đùa cợt với con gái Vương Lão Nương, mụ già này mới gào khóc kể lể với bọn cướp kia,
bọn cướp mới tìm tiểu chủ để kết liễu tính mạng.
Vũ Văn Thuật hỏi:
- Thế mẹ con mụ già đâu rồi?
Gia tướng thưa:
- Mụ già không rõ đi đâu mất. Con gái hiện nhốt trong phủ.
Vũ Văn Thuật đùng đùng giận dữ:
- Mau lôi con tiện tỳ ra trước nghi môn, đánh kỳ chết cho ta.
Lại phái gia tướng tìm đến tận nhà Vương Lão Nương, có bao
nhiêu người trong nhà, giết cho kỳ sạch mới thôi, còn nhà cửa, đồ đạc
phá cho kỳ hết, đốt cho kỳ hết. Gia tướng nghe truyền, lôi ngay Uyển Nhi đánh chết vứt xác vào hố bên tường lấp lại, tìm đến giết kỳ hết mọi
người trong nhà Vương Lão Nương.
Chính là:
Sắc kia nghiêng nước nghiêng thành
Chỉ là mối họa, gia đình tan hoang.
Vũ Văn Thuật vì mối hận khó nguôi, gọi bọn họa sĩ giỏi nhất
trong phủ tới, hỏi kỹ bọn gia tướng có tham dự đánh nhau ngoài phố, kể
lại thật kỹ diện mạo, quần áo mọi thứ của kẻ đã đánh chết Huệ Cập vẽ
thành hình người, để sai tìm bắt kỳ được. Gia tướng đều thưa:
- Người này thân cao hơn trượng, tuổi khoảng hơn hai mươi, mặc quần áo màu xanh nhạt, múa đôi giản bằng đồng.
Nghe đến đôi giản bằng đồng, những gia đinh đang đứng hầu bên
Vũ Văn Thuật có đứa vốn là đầu mục trong đội hộ vệ của Đông Cung vội quỳ xuống thưa:
- Trình đại nhân, nếu quả xử đôi giản như vậy, thì cũng dễ tìm ra. Tiểu nhân hồi năm Nhân Thọ thứ nhất, vâng mệnh đại nhân, tại Tra
Thụ Cương đón đánh Đường Công, đã từng chạm trán với người này. Lúc ấy
cũng chỉ vì có người này, mà chúng tiểu nhân không kết liễu được tính
mạng Đường Công cùng gia quyến.
Vũ Văn Thuật tức tối:
- Nếu đúng như vậy, thì Lý Uyên biết rõ hồi đó ta tìm cách đón đường giết y, nên cho bọn người này tới đây báo thù.
Lúc này cả hai con trai Vũ Văn Thuật đểu có mặt. Hóa Cập vội tiếp lời:
- Thế thì chẳng cần phải nói lôi thôi gì nữa, ngay ngày mai đến tận chỗ Lý Uyên mà đòi mạng xem y trả lời ra sao.
Trí Cập cũng chửi Lý Uyên không tiếc lời, cũng đòi báo bằng
được mối thù giết em này. Chỉ có Vũ Văn Sĩ Cập, có ít nhiều hiểu biết
nghĩa lý, liền lặng lẽ phân giải:
- Cái này thì có chỗ chưa thật thỏa đáng. Thiên hạ thiếu gì
người có hình dáng bên ngoài giống nhau, thiếu gì người xử đôi giản đồng như vậy. Nếu Lý Uyên muốn báo thù, việc gì phải chờ cho đến mãi ngày
hôm nay. Chẳng bắt được tận tay kẻ giết người, cũng lại chẳng có một
chứng cớ nào rõ ràng. Hơn nữa chuyện thấy giống người ở vụ Tra Thụ
Cương, liệu có thể nói thẳng ra được không. Nên theo hình vẽ kia mà bắt
người là tốt hơn cả thôi.
Vũ Văn Thuật thấy Sĩ Cập giảng giải như thế, cũng biết không thể đổ tội cho gia đình của Đường Công, nên ngày hôm sau chỉ nói là một kẻ
không rõ tên, quê quán, đánh chết Huệ Cập, đốt cháy, cướp bóc nhà dân
phố, giết chết nhiều người phải tức tốc bắt ngay.
Không biết sự việc sẽ ra sao, xem hồi sau phân giải.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT