Võ Tắc Thiên lên ngôi hoàng đế nên những người họ hàng mà đứng đầu là Võ Thừa Tự cũng được nắm quyền lực trong tay. Trong triều đình bọn họ nói
một là một, nói hai là hai, ai thuận theo thì sống mà ai nghịch thì chết là điều chắc chắn. Địch Nhân Kiệt, người vừa được bổ nhiệm chức Tể
tướng vì không chịu ở dưới trướng của Võ Thừa Tự, kiên cường chính trực, không chịu nịnh bợ. Nhà họ Võ hận ông ta đến tận xương tủy, luôn muốn
tìm cách trừ bỏ cái gai đó. Chẳng bao lâu sau họ đã dựa vào tội "làm
phản" để tống Địch Nhân Kiệt vào nhà lao.
Địch Nhân Kiệt hiểu
rằng, Võ Tắc Thiên vì muốn củng cố, mở rộng cơ sở để thống trị nên càng
chú trọng việc lung lạc, lôi kéo những nhân tài thân tín, nên mới mở
rộng, cải tiến chế độ khoa cử, phá cách dùng các địa chủ dòng dõi thấp
và một số quan nhỏ có tài cán để làm giảm số lượng quý tộc họ Đường vốn
bất mãn với việc nữ hoàng đế lên nắm quyền. Một kẻ vốn xuất thân từ tầng lớp thấp bé như mình chỉ qua con đường khoa cử mà được thăng đến chức
Tể tướng cũng đủ để thấy rằng Võ Tắc Thiên đã rất tín nhiệm. Do vậy nếu
nghĩ ra cách để dâng biểu lên Võ Tắc Thiên nói rõ một cách tường tận, tỉ mỉ nội tâm của mình, thì việc ra khỏi chốn lao tù này không phải là đã
hết hy vọng. Vì thế, ông bí mật dùng máu của mình viết một tờ biểu ở
trong nhà lao.
Sự việc đúng như Địch Nhân Kiệt nghĩ. Vì Võ Tắc
Thiên là nữ mà lại xưng đế nên số quan lại triều thần tỏ ý bất mãn muốn
chống đối quả là đếm không xuể, phòng cũng không hết. Do đó đối với
những kẻ hiềm nghi là có ý "làm phản" thì Võ Tắc Thiên cho giết ngay chứ tuyệt không nể nang gì. Trong số các vị vua đời Đường, người sát hại
nhiều đại thần nhất phải kể đến Võ Tắc Thiên. Vì muốn sát hại những
người trái ý mình, Võ Tắc Thiên không thể không giao quyền tự chủ tho
cháu mình là Võ Thừa Tự hay những kẻ chuyên mật báo, thẩm án như Lai
Tuấn Thần. Nhưng đối với những người mà do Võ Tắc Thiên tự cất nhắc lên
địa vị cao như Địch Nhân Kiệt thì trong sâu kín đáy lòng cũng không nỡ
tùy tiện xuống tay. Lý do mà Võ Tắc Thiên giao Địch Nhân Kiệt cho Võ
Thừa Tự xử lý chẳng qua bà là hoàng đế, không thể tự mình nghe phạm nhân biện hộ và cũng chính vì vậy mà chỉ có thể nhắc nhở thuộc hạ thường
xuyên chú ý xử lý vụ án này.
Vấn đề là ở chỗ Võ Tắc Thiên không
muốn giết Địch Nhân Kiệt nhưng Võ Thừa Tự và vị quan được chỉ định xét
xử vụ án này lại hận tới mức chỉ muốn giết ngay ông ta. Dưới sự quản chế nghiêm ngặt như vậy thì làm cách nào để Địch Nhân Kiệt có thể dâng biểu lên Võ Tắc Thiên đây?
Cuối cùng thì Địch Nhân Kiệt cũng nghĩ ra cách.
Ông lấy tờ biểu viết bằng máu của mình nhét một cách khéo léo vào trong áo
bông, sau đó nói với viên cai tù: "Thời tiết bây giờ nóng lên rồi, tôi
có một chiếc áo bông nhưng bây giờ không mặc được nữa rồi, phiền ông sai người chuyển hộ cho người nhà tôi để họ giặt sạch cho tôi rồi lại mang
đến".
Viên cai ngục không biết trò gì trong chiếc áo bông nên đã sai lính đưa đến nhà Địch Nhân Kiệt. Con trai Địch Nhân Kiệt là Địch
Quang Viễn khi xem chiếc áo bông đã nhìn thấy bức huyết thư vội vàng tự
mình dâng lên Võ Tắc Thiên.
Võ Tắc Thiên vì thế đã có lý do để
can dự vào vụ án này, không lâu sau đó đã cho người đưa Địch Nhân Kiệt
đến để tự mình thẩm vấn. Địch Nhân Kiệt nhân cơ hội đó đã kể lại những
hình phạt dã man mà Lai Tuấn Thần dùng để bức cung và cuối cùng ông được phóng thích, phục hồi chức quan.
Địch Nhân Kiệt tìm ra đường
sống trong cái chết nhờ biết dựa vào kế "Tá y truyền văn". Trong kinh
doanh cũng có những người vì biết dùng kế "Tá y truyền văn" mà phát tài.
Ở Mỹ có rất nhiều cửa hàng giặt quần áo, để phục vụ khách hàng
tốt hơn, làm cho quần áo như mới, các cửa tiệm giặt quần áo đều ủi gấp
lại trong đó còn cho thêm một miếng bìa cứng để giữ độ cứng và tạo dáng
đẹp cho những bộ quần áo đã giặt xong. Khi khách đến lấy về thì trông
giống như vừa mới mua từ cửa hàng về.
Paker vốn là công nhân của một công ty may mặc. Công việc của anh ta là ủi những chiếc áo đã may
xong, sau đó gấp chúng ra ngoài những tấm bìa cứng dài 28cm, rộng 20cm
và cho vào trong những chiếc túi ni lông trong suốt. Nhưng lương của
loại công việc này không thể làm cho người ta vừa lòng. Anh ta muốn phát tài nhưng không tìm ra cách nào. Một ngày kia, anh ta cũng tìm ra một ý hay từ công đoạn đóng bao bì những chiếc áo sơ mi của mình.
Anh ta biết giá mua những miếng bìa cho vào áo sơ mi mà các công ty may mặc và cửa hàng giặt quần áo thường mua là 1 đô la Mỹ được 200 miếng. Thế
là anh ta đã ký hợp đồng bán những miếng bìa đó cho các công ty may mặc
với giá một đô la được 300 miếng. Có người nói anh ta bị điên vì với cái giá đó thì chỉ đủ vốn. Anh ta đang toan tính gì? Song, không lâu sau
Paker đã phát tài và mọi người đã phải thán phục sự cao minh trong kế
sách của anh ta.
Hóa ra anh ta nghĩ rằng nếu in thêm tranh chữ
trên miếng bìa đó thì cũng không ảnh hưởng gì đến công năng mà lại có
thể truyền bá quảng cáo một cách rộng rãi. Và thế là anh ta đã in thêm
quảng cáo lên trên mỗi tấm bìa, mỗi chiếc áo sơ mi sẽ đem quảng cáo đến
từng nhà. Chi phí quảng cáo lớn như vậy thì làm gì mà anh ta chả giàu?
Áo sơ mi thì mọi người đều mặc, quảng cáo trên tấm bìa của áo sơ mi thì
chắc chắn là có hiệu quả. Nhưng vạn sự khởi đầu nan, rất nhiều nhà máy
đã trả một số tiền quảng cáo lớn cho anh ta vì cách làm mới lạ đó nhưng
sau một thời gian thì hiệu quả không mấy rõ rệt. Nguyên nhân là do rất
nhiều người sau khi mua áo thậm chí cũng chẳng nhìn lấy một lần đã vứt
đi như vứt rác vậy. Vì vậy anh ta cũng không dễ dàng lôi kéo được khách
hàng làm quảng cáo.
Để làm cho những tấm bìa quảng cáo đó hấp
dẫn lôi kéo được sự thu hút của những khách hàng mua áo mà đặc biệt là
những bà chủ gia đình để họ lưu giữ những tấm bìa lâu hơn, anh ta đã
chừa ra một khoảng trống trên mặt sau của tấm bìa và in lên đó những tri thức về y tế, thường thức cuộc sống... Chiêu này quả nhiên đã tái hiện
sức sống của kế "Tá y truyền văn", rất nhiều nhà đã không còn tùy tiện
ném những tấm bìa đó đi nữa mà cất giữ chúng, coi chúng như những cuốn
sổ tay thường thức gia đình, thường xuyên mở ra xem.
Có lần, có
người mới mặc áo một lần đã phải đưa đến tiệm giặt. Thực ra chiếc áo đó
chưa đến lúc phải giặt, chỉ là vì vợ ông ta muốn sưu tập thêm những tấm
bìa có in cách dạy nấu món ăn. Mà nội dung trên những tấm bìa đó thường
xuyên thay đổi và nếu để lỡ thì sẽ không sưu tập đủ một bộ.
Từ
đó, nghề quảng cáo trên bìa áo sơ mi đã mở ra cục diện mới, Paker từ 100 đô la lúc mới khởi nghiệp chỉ trong vòng chưa đến hai năm đã trở thành
một triệu phú.
Mưu kế một khi được nói ra thì lại thấy bình
thường chứ không có gì là độc đáo cả. Kế "Tá y truyền văn" mà Địch Nhân
Kiệt dùng để thoát chết, Paker nhanh chóng phát tài cũng vậy. Nhưng sau
khi chúng ta xem xong hai ví dụ về việc dùng kế đó thì một khi chúng ta
gặp phải nguy hiểm hoặc không tìm ra cách nào để phát triển thì chúng ta có thể dùng cách "tá y truyền văn", tận dụng những cái bình thường
chẳng có gì kỳ lạ, những bộ quần áo hoặc những đồ vật khác mà lúc nào
cũng mang theo người để biến những cái tầm thường thành thần kỳ, chuyển
nguy thành an không?
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT