Năm 621 sau Công nguyên, Lý Thế Dân dẫn đại quân Quan Trung bao vây tấn công Vương Thế Sung ở Lạc Dương. Thành Lạc Dương rất kiên cố, Vương Thế Sung thì kiên quyết tử thủ nên rất khó đánh hạ. Tướng sĩ nhà Đường thì mệt mỏi chỉ muốn quay về nhưng vì cấm lệnh nghiêm ngặt của Lý Thế Dân nên đành phái chốt lại bao vây phía ngoài thành Lạc Dương, đợi đến lúc Vương Thế Sung hết lương thực phải tự xin hàng. Lại có tin cấp báo Đậu Kiến Đức vốn có ý hòa hảo với nhà Đường nay lại dẫn 10 vạn đại quân tấn công thành Lạc Dương, cả thủy lục tiến vào cứu Vương Thế Sung. Quân Đường ở vào thế trước sau đều có địch nhao nhao đòi quay về phía đông để phòng ngự. Lý Thế Dân không cam chịu việc quay về mà chưa làm được gì, lại sợ rằng hai phía quân của Đậu và Vương liên kết với nhau cùng đấu với quân Đường nên đã chọn cách bao vây đánh viện binh, hạ lệnh tiếp tục bao vây Lạc Dương, đợi Vương Thế Sung tự thua và đích thân dẫn theo 3500 tinh binh, cấp tốc tiến về Hổ Lao (Phiếm Thủy, Hà Nam), chặn đứng việc Đậu Kiến Đức tiếp tục tiến về phía đông.

Nguy hiểm và khó khăn là điều dễ nhận thấy. Lý Thế Dân hiểu rằng nếu Đậu Kiến Đức thừa thắng đánh Hổ Lao để áp sát Lạc Dương, Vương Thế Sung sẽ nhân cơ hội đó ra ngoài thành quyết một trận sống mái thì toàn bộ binh mã của nhà Đường có khả năng sẽ bị tiêu diệt sạch. Biện pháp duy nhất là chặn đường tiếp tục tiến về phía đông của Đậu Kiến Đức, giành lấy thời gian để làm cho Vương Thế Sung chết vì đói, đồng thời thông qua việc do dự, lưỡng lự của Đậu Kiến Đức để làm tiêu mòn ý chí chiến đấu của quân Đậu, từ đó lợi dụng kẽ hở để tấn công tiêu diệt.

Lý Thế Dân muốn giữ được Hổ Lao để chờ cơ hội thì cũng phải che giấu được thực trạng yếu mỏng của quân Đường, tỏ ra là ở thế vô địch khiến cho Đậu Kiến Đức thấy khó khăn mà lui bước. Và thế là một trận quyết chiến trên tư tưởng đã bắt đầu.

Đậu Kiến Đức tiến đến Đông Nguyên Hổ Lao lập tức chiếm được những vị trí quan trọng ở xung quanh, đồng thời cũng chia quân chiếm lĩnh Dương Trai. Ông ta định mượn thế đông để buộc Lý Thế Dân không đánh mà lui, phái Thị lang bộ lễ Lý Đại Sư đưa thư đến doanh trại quân Đường, hy vọng Lý Thế Dân nhận rõ tình thế mà kịp thời lui binh. Ông ta không biết rằng Lý Thế Dân cố ý giữ Lý Đại Sư ở Lạc Dương. Đợi mãi mà không thấy Lý Đại Sư trở về nên ông ta đã sai người đi thám thính.

Thám thính của Đậu Kiến Đức mới đến chỗ còn cách Hổ Lao hơn 20 dặm thì bỗng nhìn thấy 4 kỵ sĩ đang đi tới, phía trước cầm cung, đi sau thì cầm giáo, uy phong lẫm liệt thúc ngựa phi như bay. Thám thính còn đang nghĩ là quân Đường đi tuần định hỏi thì bỗng nghe thấy một tiếng quát: "Ta vâng lệnh Lý Thế Dân, các ngươi hãy đợi xem mũi tên này!". Chưa dứt lời thì đã nghe thấy tên lao đến, lập tức một kỵ binh rơi xuống khỏi lưng ngựa, những tên còn lại không dám ở lại, vội vàng chạy về.

Hóa ra là Lý Thế Dân vừa đến Hổ Lao đã quyết định tỏ rõ sự hừng mạnh của mình cho quân địch thấy, dù có chết cũng phải làm tiêu tan mũi nhọn của quân Đậu. Vì thế ông đã dẫn theo 500 kỵ binh thẳng tiến về Hổ Lao, để các mãnh tướng như Lý Thế Tích, Tri Tiết, Trần Thúc Bảo mai phục dọc đường, chỉ đem theo Uất Trì Kính Đức và Nhị Tòng Kỵ đi đến doanh trại của địch. Đến khi bắn chết thám binh của quân Đậu, Nhị Tòng Kỵ đã lo rằng: "Quân của địch về báo lại thì nhất định sẽ có đại quân kéo đến tấn công nên tốt nhất là nhanh chóng quay về!". Lý Thế Dân vốn là muốn thể hiện sức mạnh trước quân địch nên không đời nào sợ khó mà lui lại nên nói với Uất Trì Kính Đức: "Ta đã giương cung, trong tay ngươi lại có giáo dài thì dù cho có đến trăm vạn quân địch cũng chẳng phải lo sợ gì! Đúng lúc đó thì thấy bụi bay mù mịt, 5000- 6000 quân địch đang ùn ùn kéo đến. Nhị Tòng Kỵ lo sợ thất sắc, Lý Thế Dân bèn bảo ông ta quay về trước, tránh không để quân địch thấy được sự lo sợ của quân mình còn mình thì cùng với Kính Đức đứng chờ.

Đợi đến khi quân địch đã ở trong tầm ngắm thì Lý Thế Dân mới cho bắn tên liên tiếp nên đương nhiên là bách phát bách trúng. Quân Đậu liên tiếp bị Lý Thế Dân bắn hạ, Uất Trì Kính Đức ở bên cạnh cũng đột ngột xông lên, liền một lúc giết hơn 10 tên địch. Quân Đậu sợ muốn vỡ mật không dám tiến đến gần nữa.

Lý Thế Dân ung dung quay về, quân Đậu chi dám theo từ xa nào ngờ mới được nửa đường thì phục binh của quân Đường bất ngờ xông ra, quân Đậu vốn biết thế yếu nên đâu dám đánh trả. Lý Thế Tích tung hoành ngang dọc, trong nháy mắt đã giết hơn 300 tên, bắt sống các tướng lĩnh dẫn đầu chỉ để lại một tên về báo lại với Đậu Kiến Đức rằng: Lý Thế Dân thần võ tướng sĩ nhà Đường vô địch!

Lý Thế Dân vui mừng trở về viết thư: "Đất Triệu Ngụy lâu nay vốn là của ta, giờ túc hạ đến xâm chiếm chẳng phải là đi ngược với lẽ thường sao? Nhưng vì trước đây chúng ta vốn có mối hòa hảo nên bây giờ vẫn mong có thể giải quyết ân oán giữ mối hòa hiếu. Vương Thế Sung sớm muộn cũng sẽ chết mới viết thư cầu cứu, lẽ nào lại dễ dàng đồng ý như vậy. Túc hạ đem theo tất cả quân sĩ của mình để tặng cho người khác, lại tốn mất bao nhiêu tiền của để cho quân địch dùng chẳng lẽ là thượng sách sao? Nay vừa mới lâm trận đã thất bại, quân sĩ đều mệt mỏi chẳng nhẽ không thấy hổ thẹn sao. Nay hãy biết kiềm chế, cho túc hạ một cơ hội. Nếu vẫn cố tình có ý đánh thì e sau này hối hận cũng không kịp, hy vọng túc hạ suy xét kỹ lưỡng".

Đậu Kiến Đức nghe bại quân của mình báo lại đồng thời thấy bức thư khí thế hào hùng như vậy thì mất hết tinh thần. Lúc đó ông ta chỉ dám đóng quân ở trước Hổ Lao, không dám tấn công trên quy mô lớn. Mỗi lần sai một đội quân nhỏ đi tuần thì đều bị đội quân tinh nhuệ của nhà Đường đánh bại, lương thực cũng bị cướp mất vì thế càng thêm cẩn thận do dự. Lâu dần như thế tướng sĩ đều muốn trở về, sĩ khí bắt đầu suy sụp.

Việc Lý Thế Dân thể hiện sự dũng mãnh của mình trước quân địch quá nhiên đã tranh thủ được thời gian, nắm bắt được thời cơ.

Lý Thế Dân rõ ràng là đang ở vào thế yếu vậy mà chỉ cần dương oai diễu võ một lúc là có thể dọa được quân địch mạnh. Trên thương trường, một người Pháp chuyên buôn bán phần mềm Kian trước khi làm ăn phát đạt cũng đã từng thổi phồng thế lực lên khiến cho đối thủ mạnh hơn mình mà vẫn bị dắt mũi học làm "con bò vàng" .

Công ty Lipora của Kian ngay từ năm 1989 đã được xếp vào số những công ty phần mềm kỹ thuật của máy tính loại nhỏ hàng đầu thế giới. Nhưng ông lại là người làm nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, 4 năm trước công ty này ngoài tấm biển, một đôi tay và một khối óc tinh nhanh ra còn thì chẳng có lấy một xu.

Ông quyết định mở dịch vụ mua hàng qua bưu điện, nhưng đăng một quảng cáo trên tạp chí máy tính thì phải mất 2000 đô la. Cái ông thiếu là tiền mà đối với những khách hàng ít tiền thì tòa soạn báo càng đòi giá cao. Làm thế nào đây? Ông chỉ có thể "giả làm người béo". Ông mời một nhân viên tiếp thị quảng cáo của một tạp chí hàng đầu đến văn phòng công ty, trước đó cũng mời rất đông bạn bè, người thì giả làm thư ký rất biết nghe lời của ông ra ra vào vào văn phòng, người thì giả làm nhân viên tiếp thị của các tòa soạn báo gọi điện đến mời ông đăng quảng cáo ở chỗ họ, trên tường còn treo một đồ biểu không ngừng đập, trên đó chỉ có tên một tạp chí quảng cáo hàng đầu, bên cạnh còn viết cách thế nào để thoát khỏi sự quấy rầy của các tạp chí loại hai, đương nhiên là cố ý che đi một phần trong đó...

Nhưng khi nhân viên tiếp thị được mời đó đến thì ông lại nhấc máy điện thoại lên lớn tiếng nói: "2000 đô la thì quá đắt 1800 đô la tôi cũng không làm, với số tiền đó tôi có thể làm một quảng cáo tốt hơn ở tạp chí khác!". Khi nhân viên đó bước vào thì ông đã gác máy dường như không còn kiên nhẫn để đợi đối phương tự giảm giá đến lần thứ hai. Ông chỉ cười với người đó một cái thì thư ký đã mời sang phòng khác nhận "điện thoại đường dài gọi đến từ Tokyo". Ông đang lớn tiếng "nhận điện thoại" nhưng thực chất là không rời mắt khỏi khe cửa. Qua khe cửa ông thấy nhân viên tiếp thị đó đang cố gắng nghiên cứu tấm biểu đồ giả.

Đợi đến khi người đó rất sốt ruột thì ông mới quay lại ghế của mình. Nhân viên tiếp thị đó sợ "ông chủ lớn" lại bận điện thoại hoặc việc gì khác mà rời khỏi đây nên vội vàng nói. "Đối với công ty của ngài, chúng tôi có thể có một số ưu đãi". Ông lại nói bừa rằng việc này đúng ra phải có ưu đãi nên vẫn không làm.

Sau cùng nhân viên tiếp thị đó đồng ý làm quảng cáo chịu với giá thấp cho ông vì anh ta "hiểu" rằng vị khách này rất khó mà có được. Ông lại còn ra chiều rất hiểu đạo lý nói rằng nếu lần này báo của anh ta làm tốt, có hiệu quả thì từ nay về sau mỗi lần có ý định quảng cáo ông sẽ nghĩ đến việc đăng trên báo của họ trước tiên.

Nhân viên tiếp thị đó ra về với niềm hy vọng lớn lao. Kian gần như không mất một đồng nào mà vẫn làm được lần quảng cáo đầu tiên đó.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play