Cụ Khuông từ khi con đi thi trên phủ, đại tiểu tiện
lại đều nằm trên giường như cũ. Con mới đi được hai mươi ngày mà hình
như đã hai năm. Hàng ngày cứ trông ra cửa mà chảy nước mắt ròng ròng.
Hôm ấy nói với vợ:
- Thằng hai đi đã mấy lâu không thấy về.
Không biết nó có nhờ phúc nhà đỗ được không? Nay mai tôi chết, không
được thấy nó trước giường khi nhắm mắt.
Nói thế rồi lại khóc. Bà
cụ khuyên giải một lúc. Bỗng nghe ngoài cửa có tiếng đánh nhau, một
người đang hung tợn đuổi đánh Khuông Đại, nói rằng trong lúc họp chợ,
Khuông Đại chiếm chỗ dọn hàng của hắn. Khuông Đại cũng không chịu thua,
con mắt đỏ ngầu, cứ nhìn người kia mà mắng nhiếc. Người kia giật gánh
hàng của Khuông Đại làm cho những đồ lặt vặt trong gánh đổ tứ tung ra
ngoài đất, cái thúng cũng đá bẹp gí. Khuông Đại muốn kéo nó đi trình
quan, miệng nói:
- Quan huyện là người quen của em tao, tao sợ gì mày, mày có giỏi thì đi lên quan với tao!
Cụ Khuông nghe vậy gọi Khuông Đại bảo:
- Không nên nói như vậy! Nhà ta là nhà lương thiện, chưa bao giờ gây sự
với ai, mà phải động đến quan trên cả. Huống chi chiếm chỗ dọn hàng của
người ta, là lỗi tại mày. Mày phải nhờ người nói với người ta cho xong,
đừng cãi nhau nữa làm tao ngủ không yên.
Khuông Đại không chịu
nghe, mặt đỏ bừng bừng, lại chạy ra tru tréo. Hàng xóm xúm lại xem.
Người thì kéo ra, người thì khuyên bảo. Đương lúc xô xát, cụ Phan chạy
đến nói với người kia mấy câu, người kia đã hơi dịu giọng. Cụ Phan lại
nói:
- Anh Khuông, anh không lo nhặt những đồ kia bỏ vào gánh mà đi về ư?
Khuông Đại miệng vừa chửi, tay vừa nhặt đồ đạc. Bỗng thấy trên đường cái có hai người, tay cầm một cái thiếp đỏ chạy lại hỏi:
- Trong này có ai là họ Khuông không?
Cụ Phan thấy nói là người của trường thi phái đến bèn nói:
- Tốt quá! Cậu hai Khuông may mắn đã đỗ tú tài rồi. Liền bảo:
- Anh Đại! Mau dẫn hai vị này về nhà báo tin cho cụ biết!
Khuông Đại vừa nhặt xong đồ đạc bỏ vào gánh, gánh lên vai và dẫn hai người về
nhà. Còn người kia thì cụ Phan đã khuyên giải đi về. Hai người báo tin
vào tới cửa, thấy cụ Khuông ngủ ở trên giường bèn chào mừng rồi cầm tờ
giấy thiếp đưa lên. Trong thiếp viết: "Báo tin mừng rằng ông Khuông Hồi
đã được quan học đạo lấy đỗ đầu huyện Lạc Thanh, được ăn lương vào học ở tỉnh. Ông đã đỗ liền hai khoa. Công báo của học đạo."
Cụ Khuông
vui mừng bảo bà cụ nấu trà bưng lên lấy đường và đậu phụ khô trong gánh
của Khuông Đại ra dọn làm hai mâm, lại nấu mười quả trứng gà, mời hai
người báo tin ăn. Cụ Phan cũng mang một chục trứng gà đến mừng. Trứng gà này cũng nấu luôn bưng lên và mời cụ Phan ở lại tiếp những người báo
tin của học đạo ăn cơm luôn một thể. Ăn xong cụ Khuông đưa ra hai trăm
đồng tiền để biếu. Bọn sai nhân chê ít.
Cụ Khuông nói:
- Nhà chúng tôi rất nghèo, lại vừa bị cháy. Vì việc cháu, phiền hai bác
lại đây, số tiền đó cũng chẳng đáng gì xin biếu hai bác nước trà đấy
thôi.
Cụ Phan lại nói thêm một hồi, đưa thêm một trăm đồng tiền nữa họ mới chịu nhận mà về.
Bốn, năm ngày sau, Khuông Siêu Nhân tiễn thầy xong trở lại nhà, đội mũ, mặc
áo, lạy chào cha mẹ. Chị dâu sau lúc bị cháy nhà đã về ở với mẹ bên
ngoại. Cho nên lúc này Khuông chỉ chào anh thôi. Khuông Đại thấy em đã
đỗ tú tài nên niềm nở hơn trước. Cụ Phan giúp Khuông thu tiền mừng, chọn ngày ăn mừng, lại mượn chùa làm nơi bày tiệc. Lần này không như lần
trước, thu được hơn hai mươi quan tiền mừng, làm thịt hai con lợn, nhiều gà vịt, ăn uống hai ba ngày. Hòa thượng cũng đến mừng.
Khuông
Siêu Nhân cùng cha bàn tính, không xay đỗ nữa, đưa mấy chục quan tiền
cho Khuông Đại thuê vài gian nhà mở hiệu tạp hóa. Nhờ thế, chị dâu cũng
về đây luôn không phải ăn ở riêng hai nơi nữa. Số tiền kiếm được hàng
ngày cũng đủ sinh sống. Vài ngày sau Khuông Siêu Nhân lại lên huyện để
cảm ơn quan huyện. Lần này quan huyện giữ lễ phép với Khuông, mời Khuông ở lại ăn uống lại bảo y gọi mình bằng thầy. Xong việc về nhà, hai người sai nhân ở nha học đạo lại về. Khuông mời cụ Phan ở lại tiếp khách. Sai nhân nói:
- Quan giáo ở đây muốn mời ông Khuông đến chào, lại muốn có lễ yết kiến.
Khuông Siêu Nhân giận mà nói:
- Tôi chỉ biết thầy của tôi mà thôi. Người kia là ông giáo, tôi đến chào để làm gì? Lễ yết kiến để làm gì?
Cụ Phan nói:
- Cậu hai không nên nói như thế! Cậu thờ quan huyện làm thầy, đấy là
tình riêng. Còn quan giáo là do triều đình bổ đến chuyên dạy những người tú tài. Cậu có đỗ đến trạng nguyên cũng phải nhận ông ấy là thầy. Tại
sao lại không đi chào? Cậu là học trò nghèo thì lễ yết kiến cũng không
đòi hỏi lắm, mỗi người vài đồng cân bạc là được.
Ước định ngày
giờ xong, Khuông cho bọn sai nhân về trước. Đến ngày, Khuông mang lễ yết kiến đi chào thầy học. Khi về nhà, cụ Khuông lại bảo mua rượu thịt để
tế phần mộ tổ tiên.
Hôm ấy Siêu Nhân đi cúng mộ về, cụ Khuông
thấy trong mình mệt mỏi, bệnh tình càng ngày càng nặng, thuốc thang
không đỡ, ăn uống giảm dần. Khuông Siêu Nhân đi cầu thần, bói toán đều
thấy xấu nhiều tốt ít. Khuông bàn với anh đem số tiền dành dụm bấy lâu
ra sắm sửa đồ hậu sự cho cha còn hiệu buôn thì cứ buôn bán như cũ. Siêu
Nhân mua một cái áo quan, mấy cái áo vải, lại đo đầu cha làm một cái mũ
vuông. Việc chuẩn bị xong xuôi. Cụ Khuông cứ nằm im lìm trên giường khi
mê khi tỉnh. Hôm ấy cụ Khuông biết mình không khỏi bèn gọi hai con đến
giường dặn:
- Bệnh tình của ta nguy cấp! Sắp đến lúc phải gần
đất xa trời! Ta là một người vô dụng, không để lại cho các con được một
tấc đất hay một gian nhà. Thằng hai thì may mắn thi đỗ tú tài, rồi đây
đọc sách, có đường tiến thân lên cao cũng chưa biết chừng. Nhưng công
danh là đồ ngoại vật, đức hạnh mới là cần. Ta xét con có lòng hiếu, thực là hiếm có. Nhưng sau này, may mà gặp bước thuận lợi thì cũng chớ vì
thế mà bỏ lòng hiếu thảo lúc thiếu thời. Sau khi ta chết, hết tang rồi
thì con phải liệu mà lập gia đình. Con nên tìm những con nhà bần hàn.
Nhất thiết không nên tham hạng giàu sang, với cao đến những nơi phú quý 1. Anh con là người thô lỗ, nhưng con phải đối với anh như đối với ta!
Hai anh em khóc lóc vâng lời. Cụ Khuông nhắm mắt tắt thở. Cả nhà đều khóc.
Khuông Siêu Nhân kêu trời van đất rất là thê thảm và lo khâm liệm. Vì
nhà chật hẹp quá, không thể để lâu, nên sau bảy ngày đem linh cữu an
táng gần nơi mả tổ. Tất cả người trong xóm đều đi đưa đám. Hai anh em
cảm ơn khách. Sau đó, Khuông Đại lại mở hàng buôn bán như trước. Đến năm mươi ngày cha, Khuông Siêu Nhân lên mộ khóc và cúng.
Một hôm vừa đi cúng trên mộ về, trời đã sẩm tối. Vừa tới nhà, cụ Phan đã đến nói:
- Cậu hai, cậu có biết quan huyện bị cách rồi không? Hôm nay quan trên
đã sai quan phó tri phủ ở phủ Ôn Châu đến thu ấn rồi. Quan huyện là thầy cậu, cậu thử lên huyện xem sao.
Hôm sau Khuông Siêu Nhân thay đồ tang phục lên huyện nghe ngóng. Lên đến huyện, được tin nhân dân hàng
huyện muốn giữ quan cũ lại, đánh chiêng, bãi chợ, vây bọc lấy quan về
thu ấn, muốn cướp ấn lại. Đương giữa ban ngày, họ đóng kín cửa thành reo hồ ầm ĩ. Khuông Siêu Nhân không vào huyện được, phải lui về nghe ngóng
tin tức. Đến ngày thứ ba nghe trên tỉnh đã phái quan về yên dân, lùng
bắt những người cầm đầu.
Lại ba bốn ngày sau, Khuông Siêu Nhân ở trên mộ về thì cụ Phan đã đón và nói:
- Hỏng rồi! Tai vạ tới nơi rồi!
Khuông Siêu Nhân nói:
- Việc gì thế?
Cụ Phan nói:
- Cậu về nhà, tôi sẽ nói chuyện!
Về đến nhà Khuông ngồi xuống, cụ Phan nói:
- Hôm trước, khi quan về huyện yên dân thì dân đã giải tán rồi. Quan
trên bảo ông ấy xét xem ai là người cầm đầu vụ này. Họ đã bắt giam mấy
người. Trong nha môn có mấy tên sai nhân vô lương tâm mật báo rằng quan
huyện trước đây rất yêu mến cậu, cậu nhất định là một trong những người
cầm đầu vụ này. Đó thật là oan uổng, nay quan trên đương dò xét. Việc
này biết đâu mà lường trước được! Nếu họ không xét sự thực, sợ họ cho
người xuống bắt cậu. Theo ý riêng tôi, cậu nên lánh ra ngoài một dạo.
Không có việc gì thì thôi, nếu xảy việc gì, tôi sẽ ứng phó hộ cậu.
- Thế này thật là rủi ro quá, nhờ cụ thương đến báo cho biết nhưng nay tôi biết đi đâu bây giờ?
- Cậu nghĩ thử xem, nơi nào cậu quen biết nhất thì đến đó!
- Tôi chỉ biết Hàng Châu nhưng cũng không có ai là người bạn bè thân thiết ở đấy cả.
- Nếu cậu muốn đi Hàng Châu thì tôi sẽ viết một lá thư cho cậu mang đi.
Tôi có người anh em họ ở đó đứng hàng thứ ba nên người ta quen gọi là
Phan Tam, hiện làm thư lại ở ty Bố Chính. Nhà ông ta ở trên quả núi
trước cửa ty. Cậu đến đó tìm ông ta. Mọi việc nhờ ông ta thu xếp cho.
Ông ta là người rất khảng khái. Cậu chớ quên nhé!
- Nếu thế thì nhờ cụ làm ơn biên thư cho. Tối hôm nay tôi sẽ đi ngay mới được!
Rồi một mặt cụ Phan lo biên thư, một mặt Khuông Siêu Nhân dặn dò chị dâu
những việc trong nhà, khóc lạy từ biệt mẹ già, gói hành lý, bỏ thư vào
túi rồi lên đường.
Cụ Phan đưa đến đường cái rồi trở về.
Khuông Siêu Nhân mang hành lý, đi bộ mấy ngày đến Ôn Châu xuống thuyền. Hôm ấy không có thuyền, phải lên quán cơm ngủ tạm. Đến quán cơm, thấy trong
quán thắp đèn. Có một người ngồi đấy. Cái bàn trước mặt đặt một quyển
sách, y đang lặng lẽ ngồi xem.
Khuông Siêu Nhân trông mặt người
ấy gầy và vàng, thưa thớt mấy sợi râu. Người ấy mải xem sách, mắt lại
cận thị, không trông rõ người. Khuông Siêu Nhân đến tận trước mặt, chắp
tay vái:
- Chào ông!
Người ấy đứng dậy đáp lễ. Y mặc áo
lụa xanh mỏng, đầu đội mũ hình miếng ngói, trông có vẻ một người buôn.
Hai người thi lễ rồi ngồi xuống. Khuông Siêu Nhân hỏi:
- Xin phép ông, cho biết quý quán ở đâu và tên họ là gì?
Người ấy nói: - Tôi họ Cảnh. Nhà ở cách đây chừng năm mươi dặm. Nhân có cái
cửa hàng nhỏ ở tỉnh nên tôi đi lên đó, nhưng không có thuyền nên tạm trú ở đây một đêm.
Thấy Khuông Siêu Nhân đầu đội mũ vuông biết là tú tài, Cảnh bèn nói:
- Tiên sinh quý quán ở đâu, tên họ là gì?
Khuông Siêu Nhân đáp:
- Thưa ông, tôi họ Khuông tự là Siêu Nhân người quê huyện Lạc Thanh cũng đi lên tỉnh mà chưa có thuyền.
Người khách họ Cảnh nói: - Thế thì tốt lắm! Sáng mai chúng ta cùng xuống thuyền một thể.
Rồi hai người đi ngủ, sáng hôm sau xuống thuyền. Hai người thuê chung một
chỗ, ông khách họ Cảnh bỏ hành lý xuống, lấy một quyển sách ra xem.
Khuông Siêu Nhân lúc đầu chưa dám hỏi, liếc nhìn quyển sách thấy nét
khuyên đỏ loè loẹt, đoán chắc là loại sách thơ. Đến trưa cùng ngồi ăn,
lại thấy ông khách đem sách ra đọc, một chốc lại cùng ngồi uống trà.
Khuông Siêu Nhân mới hỏi:
- Hôm qua ông bảo có cửa hàng ở tỉnh. Vậy không dám, thưa ông cửa hàng bán những gì ạ?
- Đấy là cửa hàng bán mũ.
- Thưa ông đã mở cửa hàng thì xem sách này làm gì? Ông khách họ Cảnh cười mà đáp:
- Ông nói sách này chỉ có mấy ông đội mũ vuông, làm tú tài mới đọc được
ư? Có nhiều danh sĩ chúng tôi ở Hàng Châu không học văn bát cổ thật đấy! Chẳng giấu gì Khuông tiên sinh, tôi đây hiệu là Cảnh Lan Giang. Trong
sách thi tuyển các xứ đều có in thơ tôi đã hơn hai mươi năm nay. Nhân
tiện được gặp tiên sinh ở đây, khi đến Hàng Châu sẽ mời tiên sinh cùng
xướng họa với chúng tôi .
Rồi Cảnh mở một cái hòm ở trong thuyền, lấy ra mấy chục tập sách mới đóng đưa cho Khuông Siêu Nhân và nói:
- Đây là tập thơ của tôi mời tiên sinh duyệt hộ. Khuông Siêu Nhân tự
biết là lỡ lời, trong bụng hổ thẹn, cầm lấy tập thơ xem, tuy không hiểu
lắm, nhưng cũng làm bộ xem hết rồi tán tỉnh một hồi.
Cảnh Lan Giang hỏi:
- Quan chấm thi của ông là ai?
- Là vị quan đang nhậm chức?
- Vị học đài mới bây giờ là bạn đồng khoa với cụ Lỗ ở Hồ Châu. Cụ Lỗ là
bạn thơ với tiểu đệ đấy. Hồi thơ "liên cú" của tiểu đệ hiện có: ông
Dương Chấp Trung, ông Quyền Vật Dụng, ông Cừ Dật Phu cháu Cụ thái thú ở
Gia Hưng.
Còn có hai vị công tử con quan tể tướng, ông Ba, ông Tư đều là bạn văn tự rất thân của bọn tôi. Chỉ tiếc có ông Ngưu Bố Y mới
nghe được danh, chưa từng được gặp mặt.
Khuông Siêu Nhân thấy y nói mấy người ấy bèn hỏi:
- Ông có quen ông Mã Thuần Thượng làm văn tuyển ở Văn Hãn Lâu tại Hàng Châu không?
- Ông ta là một người bạn làm văn thi cử, tuy có biết nhưng không quen.
Chả giấu gì tiên sinh, trong danh đàn ở Hàng Châu chúng tôi, không có
hạng người như thế, chỉ có những người đồng điệu mà thôi. Rồi đây lên
tỉnh tôi sẽ giới thiệu với tiên sinh.
Khuông Siêu Nhân nghe xong
rất kinh ngạc. Khuông cùng đi một đường với y đến bến Đoạn Hà, thuyền
ghé bến. Đang lúc dọn hành lý lên, Cảnh Lan Giang đứng ở đầu thuyền,
trông thấy một cái kiệu đứng ở trên bờ. Trong kiệu một người bước ra,
đầu đội mũ vuông, mình mặc áo lam, tay phe phẩy cái quạt thơ giấy trắng. Cán quạt có treo một cái dấu vuông bằng ngà voi. Đằng sau, có một người đi theo, lưng đeo một hòm thuốc.
Người kia xuống kiệu định đi thẳng vào một cái nhà gần đấy. Cảnh Lan Giang trông thấy gọi:
- Anh Triệu Tuyết đã lâu không gặp! Đi đâu đấy?
Triệu quay cổ lại:
- Ôi chao! Té ra chú! lại bao giờ thế?
- Tôi vừa tới đây thôi! Hành lý vẫn chưa đưa lên bờ.
Rồi quay vào trong thuyền:
- Ông Khuông, mời ông ra! Đây là ông Triệu Tuyết Trai, bạn rất thân của tôi. Mời ông qua đây gặp luôn!
Khuông Siêu Nhân đi ra, cũng lên bờ với Cảnh Lan Giang.
Cảnh Lan Giang bảo chủ thuyền mang hành lý đến thẳng tiệm trà. Ba người chào nhau xong rồi cùng đi vào tiệm trà. Triệu hỏi:
- Vị này là ai?
Cảnh Lan Giang đáp:
- Đây là Khuông tiên sinh ở huyện Lạc Thanh cùng đi thuyền với tôi lại đây.
Hai người chào nhau, rồi đều ngồi xuống, bảo pha ba chén trà đưa ra. Triệu nói:
- Này chú, chú làm sao đi vắng mấy lâu nay? Làm tôi trông ngóng suốt ngày.
Cảnh Lan Giang nói:
- Chính vì mấy cái việc lặt vặt nó làm tôi bận bịu. Mấy lâu nay có hội thơ không?
- Sao lại không? Tháng trước cụ Cố ở Nội các đi dâng hương ở Thiên Trúc, rủ chúng tôi tới đó làm thơ một ngày. Cụ Phạm làm Thông Chính Tư xin
phép về thăm mộ, thuyền chỉ đỗ lại đây có một ngày cũng hẹn chúng tôi
xuống thuyền, ra đề hạn vận quấy rầy ông ta mất một ngày. Có cụ Tuân làm ngự sử đến vay tiền quan tuần vũ, nhưng mà lại không lo việc vay tiền
cứ hàng ngày mời chúng tôi đi làm thơ. Mấy người ấy đều hỏi thăm anh.
Hiện nay công tử Hồ Tam có đưa mười mấy tờ giấy để trong nhà tôi nhờ làm thơ để đi điếu cụ Lỗ ở Hồ Châu. Tôi làm chưa xong. Anh về đúng dịp quá! Thôi ta chia ra hai phần mà làm.
Vừa nói vừa uống trà. Triệu hỏi:
- Ông Khuông chắc đã thi đỗ vào trường rồi phải không? Nhưng vị học đài nào đã lấy ông đỗ?
Cảnh Lan Giang nói:
- Ông ấy là vị học đài hiện nay.
Triệu cười mỉm nói:
- Thế là bạn học với con cả tôi!
Uống trà xong Triệu về trước đi thăm một người bệnh. Cảnh Lan Giang hỏi:
- Ông Khuông! Hành lý của ông bây giờ đưa đi đâu?
- Bây giờ hẵng chở mang về Văn Hãn Lâu.
- Thôi được! Ông mang lại đằng ấy, còn tôi thì về hiệu buôn. Hiện nay
tôi ở trước cửa chùa Kim Cương trên đường phố lớn cầu Đậu Phụ. Tiên sinh thong thả mời lại hiệu tôi nói chuyện chơi!
Nói xong gọi người mang hành lý đi.
Khuông Siêu Nhân vai mang hành lý đến Văn Hãn Lâu hỏi Mã thì Mã đã về Xử Châu
rồi. Người chủ lầu Văn Hãn biết Khuông, bảo y ở lại trên lầu. Hôm sau,
Khuông lấy thư đi đến ty Bố Chính tìm Phan Tam. Vào đến cửa thì người
nhà nói:
- Ông Phan không ở nhà! Ông ta vâng lệnh đến nha môn quan học đạo Châu Thái mấy ngày nay rồi.
- Bao giờ thì về?
- Ông ta vừa đi! Chừng ba bốn mươi ngày nữa mới về!
Khuông Siêu Nhân lại trở về, tìm đến cửa hàng mũ nhà họ Cảnh ở đường phố lớn
cầu Đậu Phụ. Cảnh Lan Giang không ở nhà. Hỏi những nhà bên cạnh, người
ta nói:
- Ông hỏi Cảnh tiên sinh phải không? Trời đẹp thế này
thì chắc là ông ta đã đi thăm cảnh xuân ở Lục Kiều, tìm hoa, hỏi liễu,
làm thơ ở trên Tây Hồ. Có cảnh đẹp nên thơ như thế thì đời nào ông ta
chịu ngồi nhà?
Khuông Siêu Nhân thấy không được gặp đành phải
quay đi. Qua hai dãy phố, trông xa xa thấy Cảnh Lan Giang. Cảnh Lan
Giang chỉ một người nói rằng:
- Vị này là ông Chi Kiếm Phong.
Cảnh chỉ người có râu nói:
- Vị này là ông Phố Mặc Khanh, đều là những người đứng đầu trong hội thơ chúng tôi.
Hai người kia hỏi:
- Vị này là ai?
Cảnh Lan Giang nói:
- Đây là ông Khuông Siêu Nhân ở huyện Lạc Thanh. Khuông Siêu Nhân nói:
- Tôi vừa tới nhà để hầu ông, lại gặp lúc ông đi vắng. Bây giờ ông đi đâu?
Cảnh nói: - Không có việc gì, đi chơi phiếm thôi! Lại nói:
- Bạn hiền gặp nhau chả lẽ chia tay ư? Sao không đến Kỳ Đình uống mấy chén chơi đã?
Hai vị nói:
- Thế thì rất tốt!
Nói rồi hai người dắt Khuông Siêu Nhân cùng đi đến quán rượu, tìm chỗ ngồi.
Tửu bảo lại hỏi:
- Các ngài dùng thứ nhắm gì? Cảnh Lan Giang bảo mua mười hai phân nem,
hai đĩa nhắm nhỏ, một đĩa chả nướng và một ít rau giá. Bảo lấy rượu đem
ra. Chi Kiếm Phong nói:
- Hôm nay sao lại không đi tìm Triệu Tuyết Huynh!
Phố Mặc Khanh nói:
- Nhà ông ta hôm nay mời một vị khách kỳ lạ ăn cơm.
Chi Kiếm Phong nói:
- Ông ta là khách chứ có gì kỳ lạ?
Phố Mặc Khanh nói:
- Kỳ lạ thật chứ, ông cứ uống hết một chén thật đầy, tôi sẽ nói cho ông nghe!
Rồi Chi Kiếm Phong rót rượu ra hai người cùng uống. Phố Mặc Khanh nói:
- Vị khách ấy họ Hoàng, đỗ tiến sĩ khoa mậu thìn nay bổ tri huyện Cận,
phủ Ninh Ba ta đây. Năm trước ở kinh ông ta quen biết ông Dương Chấp
Trung. Dương Chấp Trung lại rất thân với ông Triệu. Nhân dịp ông Hoàng
đến Chiết Giang, ông Dương viết một lá thư giới thiệu ông ta để gặp ông
Triệu. Hôm ấy ông Triệu không ở nhà nên không gặp được.
Cảnh Lan Giang nói:
- Các quan phủ yết kiến ông Triệu rất nhiều, không gặp cũng là việc rất thường.
Phố Mặc Khanh nói:
- Hôm ấy ông Triệu thật không ở nhà. Hôm sau ông Triệu về rồi đi đáp lễ, gặp nhau. Chuyện, ông bảo không kỳ lạ sao?
Mọi người đều nói:
- Thế thì kỳ lạ ở chỗ nào?
Phố Mặc Khanh nói:
- Ông họ Hoàng sinh cùng một giờ, một ngày, một tháng, một năm với ông Triệu.
Mọi người đều đồng thanh nói:
- Quả như thế thì kỳ thật!
Phố Mặc Khanh nói:
- Còn có chỗ kỳ nữa: Ông Triệu năm nay năm mươi chín tuổi hai con trai,
bốn cháu trai. Hai vợ chồng lại rất tương đắc. Chỉ thiếu một điều, ông
vẫn là dân bạch đinh. Ông họ Hoàng thi đỗ tiến sĩ, làm tri huyện, đến
năm hơn ba mươi tuổi vợ chết, trai gái đều không.
Chi Kiếm Phong nói:
- Như thế thì quả thật là kỳ! Giờ sinh tháng đẻ như nhau mà người thế nọ kẻ thế kia, khác nhau đến thế. Hóa ra "Ngũ tinh" và "Tử bình" 2 đều láo hết.
Nói rồi lại uống thêm rượu nữa.
Phố Mặc Khanh nói:
- Thưa ba vị, chỗ ấy tôi đang phân vân, các ngài cho biết ý kiến: Ví như ông Hoàng, ông Triệu đều sinh giờ, ngày, tháng, năm như nhau mà một
người thi đỗ tiến sĩ, không con, một người thi không đỗ gì mà con cái
đầy nhà. Thế thì trong hai người ấy, người nào sướng hơn? Và chúng ta
thích làm người nào?
Ba người chưa nói gì cả. Phố Mặc Khanh nói:
- Cái đó nhường cho ông Khuông nói trước. Ông Khuông! Ông thử nói đi nào?
Khuông Siêu Nhân nói:
- Nếu hai cái ấy không thể được cả, thì theo ngụ ý làm Triệu tiên sinh tốt hơn.
Mọi người đều vỗ tay và nói:
- Đã đi học thì tất nhiên ai cũng muốn đỗ tiến sĩ. Ông Triệu mọi việc
đều tốt, chỉ hiềm một điều là không đỗ tiến sĩ. Không những chúng ta,
chứ trong tâm lý ông ta cũng lấy việc không đỗ tiến sĩ làm không vừa ý.
Nay đỗ tiến sĩ lại được toàn phúc như ông Triệu thì trời cũng không cho
đâu! Đành rằng trong đời cũng có người được cả hai. Nhưng chúng ta đã
đặt câu hỏi thì ta không thể gộp cả hai làm một, vì như thế còn đặt nó
ra làm gì. Nếu phải chọn, theo ý tôi chỉ đỗ tiến sĩ không cần toàn phúc, chỉ làm ông Hoàng không làm ông Triệu có được không?
Chi Kiếm Phong nói:
- Không nói như thế được! Ông Triệu không đỗ tiến sĩ nhưng nay con cả
ông đã đỗ ở tỉnh, rồi sau đây tên đề hai bảng, cha mẹ được phong. Không
thể nói là con đỗ tiến sĩ không bằng mình đỗ tiến sĩ.
Phố Mặc
Khanh cười nói: - Không phải thế đâu. Trước đây, có một ông, con đã làm quan to mà vẫn muốn thi đỗ. Đến khi xướng danh quan trường không cho
đỗ. Ông ta cầm quyển thi vất xuống đất mà nói:
- Đồ chó! Làm hại tao phải đội cái mũ này. Xem thế thì cũng không thể nói rằng con đỗ cũng như bản thân mình đỗ.
Cảnh Lan Giang nói:
- Các ông nói đều chưa đúng cả! Mỗi người phải uống chén rượu rồi tôi nói cho mà nghe.
Chi Kiếm Phong nói:
- Nếu nói không đúng thì sao? Cảnh Lan Giang nói:
- Không đúng tôi chịu phạt thêm ba chén!
Mọi người nói:
- Thế thì được!
Rồi rót rượu uống. Cảnh Lan Giang nói:
- Các ngài nói đỗ tiến sĩ là vì danh hay vì lợi? Mọi người đều nói:
- Vì danh!
Cảnh Lan Giang nói:
- Này nhé! Ông Triệu tuy không đỗ tiến sĩ, nhưng những bài thơ hay của
ông khắc ra đến mấy mươi xứ, đi khắp thiên hạ, có ai không biết ông
Triệu Tuyết Trai không? Chỉ sợ so với mấy ông tiến sĩ, danh ông càng hơn nhiều nữa kia!
Nói xong cười khanh khách. Mọi người đều nói:
- Nói như thế thật là khoái!
Rồi mọi người đều uống cạn chén.
Khuông Siêu Nhân nghe vậy mới biết trong thiên hạ lại còn có một điều đó nữa.
Cảnh Lan Giang nói:
- Hôm nay có cuộc họp vui ở đây, nên lấy chữ "lâu" làm vần, về nhà đều
làm thơ, viết lên giấy đưa đến cho Khuông tiên sinh nhờ thỉnh giáo.
Tất cả ở tiệm rượu ra chia tay về...
Nhận việc này khiến cho:
Giao du thêm khí sắc, lại kết hôn nhân;
văn tự trổ tài hoa, toàn đường tiến thủ.
Muốn biết việc sau thế nào xin xem hồi sau phân giải.
--------------------------------
1Đó cũng là lời khuyên của người mẹ Vương Miện trước khi nhắm mắt.
2Ngũ tinh: Năm thứ sao "Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ", nhà xem số căn cứ vào
việc xem ngôi sao của người ta thuộc Kim hay Mộc v.v... để xét đoán số
mệnh. Tử bình là cách xem số do ông Từ Tử Bình người đời Minh đặt ra.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT