Khuông Siêu Nhân ở xa trông thấy nhà mình trong lòng hớn hở. Khuông bước nhanh đến nhà, chạy lại gõ cửa. Bà mẹ nghe tiếng, vui mừng ra đón. Bà
thấy con liền nói:
- Hai ơi, đã về đấy ư?
Khuông Siêu Nhân nói:
- Thưa mẹ! Con đã về.
Y đặt hành lý xuống sửa lại áo quần, cúi đầu chào lạy mẹ. Bà mẹ vuốt ve
khắp người con, thấy y mặc áo bông rất dày mới an tâm nói:
- Từ
ngày con đi theo người lái buôn, đã hơn một năm nay, mẹ không bao giờ
yên tâm. Có đêm, mẹ nằm mơ thấy con rơi xuống nước, mẹ khóc òa và tỉnh
dậy. Có đêm mẹ nằm mơ thấy con ngã gãy chân. Có đêm mẹ mơ thấy trên mặt
con mọc một cái bướu lớn. Con chỉ cho mẹ xem, mẹ lấy tay nặn mãi không
được. Có đêm, mẹ lại mơ thấy con về nhà, trông thấy mẹ thì khóc làm cho
mẹ cũng khóc theo rồi tỉnh dậy. Có đêm, lại mơ thấy con đầu đội mũ sa,
nói là đã làm quan. Mẹ cười, nói: "Ta là nhà cày cấy làm gì có người làm quan". Có người đứng bên cạnh mẹ nói: "Nếu ông ta làm quan thì ông ta
không phải con bà. Nếu con bà làm được quan thì kiếp này bà cũng chả gặp mặt được đâu!" Mẹ lại khóc mà nói: "Nếu con tôi làm quan mà tôi không
thấy mặt thì thà rằng đừng làm còn hơn!" Câu ấy làm mẹ khóc mãi, gào
thét rồi tỉnh dậy, làm cho thầy con cũng tỉnh dậy. Thầy con hỏi mẹ, mẹ
đem đầu đuôi câu chuyện trong mộng kể lại. Thầy con nói, mẹ nhớ quá hóa
mê đấy thôi. Không ngờ đêm hôm ấy thầy con mắc bệnh bán thân bất toại,
nay đang nằm trong buồng.
Nghe ngoài nói léo xéo, cụ Khuông ở trong buồng biết con mình đã về, bệnh tình liền giảm bớt, tinh thần khoan khoái.
Khuông Siêu Nhân chạy vào đứng trước giường nói: - Thưa thầy, con đã về!
Và sụp xuống lạy. Cụ Khuông bảo y ngồi lên giường, kể tỉ mỉ cho nghe sao mình lại mắc bệnh và nói:
- Sau khi con đi rồi, thằng con chú Ba cứ muốn lấy cái nhà này. Cha nghĩ bụng, thôi bán quách nhà cho nó, để tìm cái khác. Còn số tiền thừa, đợi khi con về để làm vốn buôn bán kiếm ăn. Láng giềng bảo thầy rằng: Nhà
ta gần bên nhà nó, nếu nó muốn mua, thì tất phải bỏ thêm vài lạng nữa.
Nhưng ngờ đâu, mặc dầu lắm tiền, nó vẫn chỉ muốn mua rẻ. Chẳng những nó
không bỏ ra một số tiền kha khá theo đúng giá mà còn muốn bớt mấy lạng
nữa cơ! Rõ ràng nó biết mình không có gạo đổ vào nồi, nên nó muốn lập
mẹo giết mình. Thầy tức quá không bán cho nó. Nó bèn nghĩ ra một kế độc
ác, thông đồng với chủ cầm nhà, đem tiền nguyên giá đến chuộc. Chủ cầm
nhà là ai, chắc con đã biết: đều là hàng chú ta cả đấy. Nó cậy thế đàn
anh mở miệng ra là nói: "Sản nghiệp nhà này không ai được bán" Thầy nói: "Đã đành không bán, nhưng số tiền bỏ ra sửa chữa mấy năm nay, phải trả
cho chúng tôi chứ!" Nó nhất định không chịu tính một đồng, nào, cứ nằng
nặc đòi chuộc theo nguyên giá. Hôm đó, hai bên cãi nhau ở trong nhà thờ
rồi nó đánh thầy. Những người trong họ, ăn tiền thằng Ba đều bênh nó, đổ lỗi cho thầy là không tôn kính tổ tiên. Thằng anh con lại không ra trò
trống gì, nói thì ba điều không được một. Thầy tức quá, về nhà lâm bệnh. Từ khi mắc bệnh đến nay, ngày càng thêm gieo neo. Thằng anh con lại
nghe người ta chịu theo giá cũ viết giấy hoàn lại cho nó. Bạc thì lấy
vặt về, rồi tiêu hết sạch. Thấy rắc rối đến thân, anh con liền bàn với
chị dâu con để thầy ra ở riêng. Thầy tự nghĩ đã không có của riêng gì để cho chúng thời thôi, mình phải tự làm lấy mà ăn, khỏi phiền lụy đến
chúng nó. Nay chúng nó ngày nào cũng gánh hàng đi các chợ bán, tiền kiếm không đủ nuôi hai miệng ăn. Thầy thì nằm trong phòng này, bệnh càng
ngày càng nặng. Nhà bên cạnh lại muốn lợp lại nhà, cho nên họ muốn đuổi
thầy ra không kể sống chết. Cứ dăm ba ngày họ lại cho người đến giục,
lời qua tiếng lại không biết để đâu cho hết. Phần con thì không biết con đi đâu. Mẹ con hễ nghĩ đến là lại khóc ra, khóc vào.
Khuông Siêu Nhân nói:
- Thưa thầy, việc đã như thế rồi, thầy cũng không nên nóng nảy, xin thầy hẵng lo tĩnh dưỡng cho lành. Con ở Hàng Châu có gặp một ông. Ông ấy cho con mười lạng bạc. Ngày mai con sẽ xoay nghề buôn bán lặt vặt để kiếm
cơm cháo nuôi gia đình. Nếu chú Ba có đến thôi thúc, thì thầy đừng lo.
Con sẽ nói với chú!
Bà mẹ đến gọi Khuông đi ăn cơm. Khuông theo
mẹ xuống nhà bếp chào chị dâu. Chị dâu rót trà mời uống. Uống trà xong
ăn cơm. Ăn xong, Khuông vội vàng kiểm lại món tiền ăn đường, còn thừa đi mua ngay một giò lợn đem về quay, để đến tối mời cha ăn cơm. Mua giò
lợn về thì cũng vừa gặp anh gánh hàng về. Khuông sụp xuống lạy chào anh. Người anh đỡ dậy và cùng ngồi ở trong nhà kể lại chuyện khổ sở trước
đây. Người anh cau mày nói:
- Thầy bây giờ đâm ra lẩn thẩn nói
ba điều không được một. Bây giờ người ta đến đòi nhà thì lại cứ ỳ ra
không chịu đi, làm cho anh thật khổ! Trong nhà này thầy thương nhất là
em, em nên sớm tối khuyên can cho thầy rõ.
Nói xong y mang gánh vào buồng.
Khuông Siêu Nhân đợi cho thịt chín, dọn cơm bưng ra trước mặt cha, vực cha dậy ăn.
Cụ Khuông thấy con về trong lòng vui mừng, lại có thức ăn ngon nên bữa ấy
ăn được cơm. Còn thừa bao nhiêu Khuông đặt trên một cái bàn trước mặt
cha mời mẹ và anh cùng ăn.
Cụ Khuông trông thấy thế rất vui mừng. Cụ ngồi đến khuya mới nằm xuống ngủ. Khuông Siêu Nhân đem chăn lại nằm
ngủ ở dưới chân cha.
Khuông sáng sớm đã dậy, lấy bạc ra chợ mua
mấy con lợn đem về nuôi. Lại mua thêm ít đỗ. Trước hết y bắt một con lợn ra làm thịt làm lông sạch sẽ, xẻ ra đem bán buổi chợ sớm. Lại lấy đỗ
xay làm đậu phụ, bán lấy tiền về để dưới giường rồi đến ngồi trước mặt
cha.
Trông thấy cha có vẻ buồn rầu, Khuông bèn đem những cảnh đẹp ở Tây Hồ, các thức đồ ăn và những thú vui, kể lại tỉ mỉ cho cha nghe.
Cụ Khuông nghe và cười.
Ngồi một lúc lâu, cụ Khuông gọi con lại nói:
- Ta muốn đi đồng, gọi ngay mẹ con đến đây!
Bà cụ vội vàng chạy đến lấy vải đệm cho ông cụ. Khuông Siêu Nhân nói:
- Thầy muốn đi đồng, không nên làm thế! Vải đệm ấy ở trong chăn, đi đồng không tiện. Hơn nữa, mỗi ngày lại phải giặt, giặt rồi mẹ lại phải hơ
cho khô thì nó hôi lắm.
Cụ Khuông nói:
- Thôi cứ đỡ tao đứng dậy đi đồng cũng được, chứ làm sao bây giờ!
Khuông Siêu Nhân nói:
- Đỡ thầy đứng dậy làm gì! Tôi đã có cách.
Nói rồi liền chạy ngay xuống bếp lấy một cái chậu sành bỏ đầy tro rồi bưng
lên, đặt ở cạnh giường, rồi lại bưng một tấm ván đặt ngay bên ngoài cái
chậu. Khuông tự mình đứng lên ôm lấy ngang lưng cha, để hai bàn chân cha đặt lên tấm ván, đít gí vào đúng chậu. Khuông ôm ngang lưng cha, mình
cúi xuống, hai đùi của cha vắt ngang vai. Cụ Khuông cứ nằm yên trên vai
mà đi đồng. Xong, cụ quay lại nằm như trước. Đi như thế đã dễ dàng mà
lại không có mùi thối. Sau đó Khuông mang ván đi, mang chậu tro đi đổ ra ngoài rồi lại trở về ngồi chỗ cũ.
Đến tối Khuông lại vực cha
ngồi dậy ăn cơm, Khuông ngồi một lúc đợi cho cha ngủ, đắp chăn cho cha
xong, mang ra một cái đèn sắt lớn, đổ đầy dầu vào, ngồi bên cha, lấy văn bát cổ ra học.
Cụ Khuông ngủ không yên, nửa đêm lại dậy khạc đờm, uống trà mãi đến trống canh tư.
Cụ Khuông gọi một tiếng, Khuông chạy lại. Cụ Khuông đang đêm muốn đi đồng, trước kia không có ai phục dịch nên phải chờ đến sáng. Ngày nay có con
gần bên cạnh hầu hạ, lúc nào muốn đi cũng được, cho nên bữa cơm tối lại
an tâm ăn thêm được ít miếng.
Khuông Siêu Nhân thường đêm thức đến canh tư, chỉ ngủ được một canh rồi lại phải dậy để giết lợn xay, đỗ.
Bốn năm ngày sau, người anh ở chợ về sớm, mang một con gà tơ về nấu ở trong phòng chị dâu. Lại mua thêm một hồ rượu để thết đãi em. Y nói:
- Việc này không cần phải nói với thầy làm gì.
Khuông Siêu Nhân không nghe, lấy thịt gà bỏ vào một bát, mời cha mẹ ăn. Còn
thừa bao nhiêu hai anh em mới ngồi lại cùng ăn với nhau. Vừa gặp chú Ba
đến đòi nhà, Khuông Siêu Nhân đặt chén rượu xuống vái chào chú Ba, chú
Ba nói:
- Tốt quá! Anh hai đã về rồi à? Mặc áo bông dầy dặn đẹp đẽ quá! Lại đi ra học được lễ phép biết vái chào tử tế quá nhỉ!
- Cháu mới về nhà mấy ngày nay thôi! Bận quá nên chưa kịp lại hầu chú, xin mời chú xơi tạm chén rượu suông với cháu cho vui.
Người chú ngồi xuống, uống được vài chén, đem chuyện nhà ra bàn. Khuông Siêu Nhân nói:
- Xin chú đừng sốt ruột! Anh em chúng cháu ở đây có phải dám ở liều nhà
chú đâu? Nếu chưa có tiền mua nhà thì cũng gắng thuê vài gian ở tạm đưa
nhà giả lại cho chú. Chỉ vì hiện nay thầy chúng cháu ốm, người ta nói
người ốm mà dời giường thì không tốt. Nay anh em chúng cháu đang mời
thầy bốc thuốc cho thầy chúng cháu. Nếu thầy chúng cháu khỏi được thì
trả nhà ngay cho chú. Nếu thầy chúng cháu ốm dai chưa lành thì chúng
cháu làm thế nào cũng phải tìm nhà khác dọn đi. Vì còn ở nhà chú thì
chẳng những chú phải đi đòi luôn mà thầy mẹ chúng cháu cũng không ở yên
được.
Lần này, người chú, thấy Khuông nói dễ nghe lại mềm mỏng nhũn nhặn, không biết làm sao, chỉ nói:
- Cái này cũng tự người nhà muốn sửa sang lại tất cả. Không phải chú cần thúc giục làm gì. Cháu đã nói vậy thì hãy hoãn lại ít ngày cũng được.
Khuông Siêu Nhân nói:
- Xin cảm ơn chú. Chú cứ yên tâm, việc ấy cũng không dám để chậm lắm đâu.
Người chú bằng lòng ra về. Người anh nói:
- Mời chú xơi thêm chén rượu.
- Thôi chú không uống nữa.
Và từ giã ra về.
Từ đó về sau, thịt với đậu phụ của Khuông Siêu Nhân bán rất chạy. Chưa đến trưa hàng đã bán hết nhẵn. Khuông đem tiền về nhà ngồi bên cạnh cha.
Ngày nào kiếm được nhiều tiền Khuông lại mua thêm thịt gà, thịt vịt hay
cá ở ngoài chợ. Cụ Khuông mắc phải bệnh đờm, không ăn được thịt lợn
nhiều nên cần phải mua các món khác. Sườn lợn hay lòng lợn, phải có luôn luôn. Còn thuốc thang thì cố nhiên là không thể thiếu. Cụ Khuông rất
vừa ý. Ngày đêm cụ đi đại tiểu tiện đều có săn sóc, mỗi khi đi thì
Khuông Siêu Nhân lại quỳ trước, vác đùi cha lên vai.
Vì thế bệnh cụ Khuông bớt được nhiều. Cụ bàn với hai con về việc tìm nhà. Khuông Siêu Nhân nói:
- Bệnh thầy đã hơi bớt, đợi cho bớt nữa, đỡ dậy đi được thì sẽ dọn nhà cũng chưa muộn gì.
Có ai đến thúc giục dọn nhà đều do Khuông Siêu Nhân thu xếp xong xuôi.
Khuông Siêu Nhân rất chăm chỉ tháo vát. Buổi sáng y lo buôn bán làm ăn, chiều
tối lại giúp đỡ cha, y hết sức chịu khó học văn chương. Buổi trưa được
rỗi lại đến nhà hàng xóm đánh cờ tướng. Hôm ấy, sau buổi cơm sớm hầu cụ
Khuông ăn xong, y thong thả ra sân trục lúa chơi, liền cùng một người
chăn trâu trong nhà, lấy cái thúng đựng thóc úp xuống làm bàn cờ, bày cờ tướng ra chơi. Bỗng thấy một cụ già râu bạc chắp tay sau lưng lại xem.
Cụ xem một hồi lâu rồi đứng lên nói rằng:
- Ván này anh thua rồi!
Khuông Siêu Nhân ngẩng đầu lên nhận ra là cụ thôn trưởng Phan, người ở xóm Đại Liễu. Y liền đứng dậy vái chào. Cụ Phan nói:
- Tôi tưởng là ai. Bây giờ nhớ ra cậu là cậu hai con cụ Khuông! Cậu năm
trước đi vắng, về từ bao giờ đấy? Cụ nhà ta ốm ở trong nhà phải không?
Khuông nói:
- Không dám nói giấu gì cụ, cháu về nhà đã nửa năm nay! Vì không có việc gì nên cháu không dám tới nhà, sợ phiền cụ. Thầy cháu vẫn ốm, gần đây
cũng đã hơi đỡ. Cảm ơn cụ nhớ đến. Xin mời cụ vào trong nhà xơi nước.
Cụ Phan nói:
- Thôi, bất tất phải làm thế!
Rồi bước lại gần Khuông, cất mũ của Khuông ra, lại cầm lấy tay xem kỹ lưỡng và nói:
- Cậu hai, không phải tôi nịnh cậu đâu! Từ hồi nhỏ tôi có xem sách
tướng. Cậu có cốt cách quý tướng, sau này độ khoảng hai mươi bảy, hai
mươi tám tuổi, khí vận sẽ tốt lắm. Thê, tử, tài lộc đều có hết. Giữa hai lông mày có phát sắc vàng, nay mai sẽ có sao quý nhân chiếu mệnh.
Cụ lại sờ vành tai xem đi xem lại rồi nói:
- Chỉ có chút này rủi ro, nhưng cũng không hề gì lắm đâu. Sau đấy khí vận sẽ càng ngày càng tốt.
- Thưa cụ! Chúng cháu buôn bán chỉ mong sao không hụt đến vốn liếng,
hàng ngày kiếm được ít lãi nuôi cha mẹ là cảm ơn trời, phật lắm rồi. Có
đâu dám nghĩ đến sự giàu sang.
Cụ Phan xua tay nói:
- Không hề gì, việc đó chắc chắn rồi vận sẽ có!
Nói xong mọi người đều ra về.
Chú Ba lại đến đòi nhà, càng ngày càng gắt. Khuông Siêu Nhân khất không được, nói xẵng mấy câu. Hắn tức quá, phát cáu:
- Quá ba ngày nếu không dọn, thì sẽ cho người đến dỡ cửa, vứt ngói xuống.
Khuông Siêu Nhân rất lo nhưng không chịu nói cho cha biết. Qua ba ngày, trời
đã tối, Khuông vừa mới đỡ cha dậy đi đồng xong, cụ Khuông nằm ngủ,
Khuông đem cái đèn sắt đặt bên cha học bài, bỗng nghe ngoài cửa có một
tiếng nổ vang trời, hàng mấy chục người la hò ầm ĩ. Khuông trong lòng
nghi hoặc: có lẽ chú Ba cho người đến dỡ cửa, vứt ngói chăng. Một lát
nghe tiếng mấy trăm người kêu rầm lên một lượt, một ánh sáng chiếu vào
cửa giấy làm cho cả nhà đỏ rực. Khuông kêu lên một tiếng:
- Hỏng to rồi!
Vội vàng mở cửa ra xem. Thì ra trong làng bị cháy! Cả nhà đều chạy ra và kêu lên:
- Hỏng to! Dọn nhanh lên!
Người anh đang mơ màng, nhảy chồm dậy, vớ ngay lấy gánh hàng xén. Trong gánh
lại toàn là những đồ lặt vặt: nào kẹo vừng, nào đậu phụ khô, người đất,
nhạc, còi của trẻ em, gương lược, kẹp tóc của phụ nữ. Vớ được cái này
thì bỏ rơi cái kia. Kẹo vừng với người đất gãy nát tứ tung làm cho y
toát mồ hôi mới bốc được, bỏ vào gánh và bưng chạy ra ngoài. Ngọn lửa đã vút cao lên hơn mấy trượng, tất cả những người chữa cháy đều chạy ra
giếng, lấy nước để giội. Chị dâu ôm một ôm chăn, nệm, áo, quần, giày,
dép, kêu khóc ầm ĩ chạy theo sau. Còn bà mẹ già thì sợ hãi hoảng hồn,
hai chân bủn rủn, một bước cũng không lê được. Ngọn lửa đỏ rực, chiếu
sáng khắp bốn phía, tiếng kêu khóc vang trời dậy đất.
Khuông Siêu Nhân nghĩ bụng: những cái khác thì không cần lắm. Y vội vàng lên phòng
vớ lấy áo, chăn, nệm vào tay, rồi lên giường đỡ cha dậy, nắm chắc lấy
hai tay cha cõng lên lưng. Khuông cõng cha ra để ngồi một chỗ trống ở
ngoài cửa, rồi lại chạy vào lôi chị ra, chỉ đường cho chị chạy ra ngoài
cửa, rồi chạy lại đỡ mẹ cõng lên vai. Vừa chạy ra thì lửa đã bén đến cửa gần như không có lối ra.
Khuông Siêu Nhân nói:
- Được rồi! Cứu được cả cha, mẹ là tốt rồi!
Y lại đặt cha nằm ngủ trên chỗ đất trống, lấy chăn đắp lại tử tế. Mẹ và chị dâu đều ngồi ở phía trước.
Khuông lại đi tìm anh thì không biết anh đã sợ hãi chạy đi đằng nào rồi! Ngọn
lửa cứ đùng đùng, đốp đốp đỏ rực như con rồng vàng múa lượn. Người làng
không biết cách chữa. Nước thì ở xa, lửa cháy quá nửa đêm mới dần dần
tắt. Trên sân lúa đều là đống tro tàn, hơi lửa bốc lên ngùn ngụt. Tất cả nhà cửa trong làng đều cháy thành bình địa.
Khuông Siêu Nhân
không biết tính sao. Không chỗ nương mình, Khuông thấy đầu xóm phía nam, trên con đường lớn có một cái chùa nhỏ, liền cõng cha đến đây. Khuông
bảo chị dắt bà mẹ đi từng bước đến cửa chùa. Hòa thượng không cho vào và nói:
- Làng bị cháy, những nhà bị cháy đều bơ vơ không có chỗ
trú. Nếu ai cũng dọn đến chùa cả thì có bao nhiêu nhà nữa cũng không
chứa hết. Huống chi nhà anh lại có người ốm, ở trong này làm sao được?
Khuông thấy một ông già ở trong chùa chạy ra. Trông kỹ thì không phải ai xa lạ, mà chính là cụ Phan.
Khuông Siêu Nhân ra vái chào và kể việc bị cháy nhà.
Cụ Phan nói:
- Cậu hai! Thế trong trận cháy hôm qua nhà cậu cũng cháy sao? Tội nghiệp!
Khuông Siêu Nhân đem chuyện hòa thượng không cho trú trong chùa kể lại cho cụ Phan. Cụ Phan nói:
- Bạch sư cụ! Cụ Khuông đây là một người có tiếng trung hậu ở thôn ta và tướng mạo cậu hai này tương lai nhất định phát đạt. Sư cụ là người tu
hành, làm phúc cho người ta, tức là làm phúc cho mình. Xin sư cụ cho
người ta mượn một gian phòng ở tạm vài hôm rồi sẽ dọn đi. Tiền hương đèn tôi xin hầu cụ.
Hòa thượng nghe vậy, không dám trái lời, bèn mời vào và nhường cho một gian. Khuông Siêu Nhân cõng cha vào chùa nằm ngủ.
Cụ Phan liền hỏi thăm cụ Khuông, cụ Khuông cảm ơn. Hòa thượng nấu một ấm trà bưng lên mời mọi người uống.
Cụ Phan về nhà, một chốc lại cho đưa cơm và rau đến mời mấy người ăn. Đến
chiều, người anh mới tìm đến, lại trách em không mang hộ ít đồ đạc nào.
Khuông Siêu Nhân thấy ở đây không tiện bèn nhờ cụ Phan thuê hộ cho nửa cái nhà gần chùa, cạnh đường cái để dọn sang ở. Cũng may, hôm nhà cháy, Khuông
chưa đi ngủ, tiền vốn vẫn mang trong người nên giết lợn xay đậu như mọi
ngày trước và đến tối lại thắp đèn đọc văn chương. Cụ Khuông phải mẻ sợ
ấy nên bệnh tình nặng thêm. Khuông Siêu Nhân tuy lo sợ nhưng cũng không
bỏ việc học. Đêm ấy học quá canh hai. Đang lúc đọc cao hứng, nghe ngoài
cửa có tiếng thanh la. Nhiều người cầm đuốc rước một vị quan ngồi kiệu
đi qua đấy. Đằng sau có tiếng chân ngựa đi rầm rập. Đấy là quan huyện sở tại. Khuông vẫn cứ đọc sách, mặc cho quan huyện đi qua. Không ngờ quan
huyện hôm ấy tới trú ở công quán làng này. Thấy vậy, trong lòng than
thở: Nơi thôn dã này mà đêm khuya còn có người đọc sách chăm chỉ thật là đáng kính! Không biết người ấy là tú tài hay là học trò. Sao không
truyền thôn trưởng đến hỏi. Bèn cho đòi cụ Phan lại hỏi:
- Trong gian nhà gần đầu cửa chùa xóm Nam có người đọc sách. Người ấy là ai?
Cụ Phan biết đấy là nhà họ Khuông, nên đem hết đầu đuôi câu chuyện ra trình bày.
- Anh ta cháy nhà nên thuê ở đây! Anh ta là con trai thứ hai nhà họ
Khuông, tên là Khuông Hồi, thường đêm học đến canh ba, canh tư mới thôi. Anh tà không phải tú tài cũng không phải là học trò, chỉ là một người
buôn vặt mà thôi!
Tri huyện nghe qua thương tình bèn bảo:
- Nay ta viết một cái thiếp, sáng mai chú đem đến cho Khuông Hồi nói
rằng bây giờ ta chưa tiện gặp anh ta. Hiện nay đã gần kỳ thi, bảo anh ta nên khai tên mà đi thi. Nếu quả bài vở khá thì ta sẽ cất nhắc cho.
Phan vâng lời lui ra.
Mờ sáng hôm sau, tri huyện trở về nha. Phan tiễn chân quan huyện rồi chạy
thẳng đến nhà Khuông gọi mở cửa. Cụ Phan đi vào và nói:
- Chúc mừng!
Khuông Siêu Nhân hỏi:
- Có việc gì thế?
Phan lấy trong mũ ra một tờ thiếp đưa cho Khuông.
Trong thiếp viết:
- "Thí sinh 1 Lý Ban Anh bái".
Khuông Siêu Nhân thấy danh thiếp ấy đúng là của quan huyện sở tại, mừng rỡ vô cùng. Khuông hỏi:
- Thưa cụ, thiếp này là viết cho ai?
Phan kể lại cho nghe:
- Quan lớn đi qua nhà anh, nghe anh đọc sách, truyền hỏi tôi. Tôi đem
việc anh cùng khổ như thế nào, đều bẩm rõ cả. Quan lớn giao thiếp này
cho anh, nay mai thi cử, bảo anh đi thi. Ấy là quan có ý cất nhắc anh
đó! Hôm trước tôi nói anh khí sắc tốt có "sao quý nhân" chiếu mệnh. Nay
có đúng không?
Khuông Siêu Nhân mừng như ở trên trời rơi xuống,
cầm lấy cái thiếp ấy vào nói cho cha biết. Cụ Khuông rất mừng. Đến tối
người anh về, trông thấy danh thiếp, Khuông lại đem chuyện ấy ra nói
lại. Người anh chưa chịu tin.
Vài ngày sau, trong huyện quả nhiên yết thị khảo hạch học trò. Khuông Siêu Nhân mua giấy nộp quyển đi thi.
Thi xong, treo bảng, y đỗ kỳ phúc thí 2. Khuông Siêu Nhân nộp quyển đi thi. Quan huyện ngồi trên công đường gọi
tên đầu tiên là Khuông Siêu Nhân. Quan huyện gọi lại gần hỏi:
- Anh năm nay bao nhiêu tuổi rồi!
- Bẩm con năm nay hai mươi hai tuổi.
- Anh cũng biết làm bài đó! Kỳ phúc thí này nên cố gắng. Ta sẽ cân nhắc cho.
Khuông Siêu Nhân cúi đầu lạy tạ, lĩnh quyển đi ra. Phúc thí qua hai lần treo
bảng, Khuông lại đỗ đầu. Giấy sức về làng, Khuông Siêu Nhân lên lạy tạ.
Quan huyện truyền cho vào. Hỏi biết nhà Khuông nghèo nên quan huyện đem
hai lạng bạc biếu và nói:
- Đây là tôi lấy lương bổng tôi cho
anh, đem về phụng dưỡng cha mẹ. Về nhà anh nên cố gắng học tập. Đến khi
lên phủ, lên tỉnh thì anh nhớ đến gặp tôi, tôi sẽ giúp cho tiền ăn
đường.
Khuông Siêu Nhân lạy ta ra về, đến nhà đem số bạc ấy trình cha và đem những lời quan huyện nói thuật lại cho cha nghe. Cụ Khuông
rất lấy làm cảm kích, cầm lấy gói bạc để trên gối, rồi cúi đầu lạy vọng
tạ ơn quan huyện. Khi ấy người anh mới thật là tin.
Ở thôn quê,
tầm mắt vốn hẹp. Thấy Khuông Siêu Nhân đỗ đầu lại được quan huyện mời
lên hỏi, mọi người trong thôn đều sắm lễ vật đến mừng. Cụ Khuông bảo sửa soạn gian chùa, đặt tiệc rượu ăn mừng.
Lúc ấy, mùa đông đã qua.
Sang đầu năm, quan huyện đổi đi Ôn Châu, Khuông Siêu Nhân đến tiễn. Quan huyện lại cho hai lạng bạc. Y đi khảo ở phủ, rồi khảo ở tỉnh, khảo xong đi ra vừa gặp quan huyện lên tỉnh chào quan học đạo. Ở trong nhà quan
học đạo, quan huyện bẩm rằng:
- Chúng tôi xét lấy tên Khuông Hồi đỗ đầu, anh này là con nhà cơ hàn, lại rất có hiếu.
Rồi đem việc hiếu thảo của y kể lại cho quan học đạo nghe. Quan học đạo nói:
- Sĩ phu phải có khí tiết và trí thức trước, văn chương là sau, hiếu
hạnh làm đầu, văn tự là nghề vặt. Hôm trước, tôi xem bài vở của Khuông
Hồi, văn pháp tuy có chỗ chưa trọn nhưng tài thì rất khá. Bản chức hiểu
rồi, xin quan lớn cứ về.
Nhân việc đó khiến cho:
Hôn nhân kết bạn, tình yêu cha mẹ bớt đi;
khoa cử đỗ cao, lòng mơ quan tước càng nặng.
Muốn biết Khuông Siêu Nhân đỗ đạt thế nào xin xem hồi sau sẽ rõ.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT