Tiếng chuông báo thức dứt tôi khỏi giấc mộng lưu luyến. Theo vị trí mà trí
nhớ lưu giữ, tôi với tay tắt đồng hồ sau đó vươn người theo thói quen.
Cánh tay tôi ngay sau đó bất ngờ đụng phải vật cản.
Không xác định được là mình đụng phải gì, tôi uể oải mở mắt.
Ngay trong tầm mắt tôi, một gương mặt trắng như đậu hũ non, đôi mắt hồ
ly nhỏ dài đang mở màng mở ra, nhìn tôi bằng con ngươi còn ngái ngủ.
Tại sao lại có cái giấc mơ ngủ cùng một giường với Ngạo Quân thế này?
“Ồn.” – Giọng cậu ta khàn đặc, mặt mũi khó chịu như bị ai đó làm phiền quá mức.
Tôi thấy mắt mình chớp liên hồi, không biết là đang mơ hay sự thật. Bàn tay trong chăn âm thầm tự nhéo mình một cái. Đau đến ứa nước mắt! Vậy
hóa ra không phải mơ.
Tôi ngồi dậy, vô thức cúi xuống nhìn quần áo,
sau đó quay qua nhìn Ngạo Quân. Cả tôi và cậu ta đều ăn mặc chỉnh tề
không thiếu mảnh nào. Cũng đúng, tôi chỉ ngủ say, đâu phải say rượu, nếu có chuyện gì xảy ra sẽ tỉnh lại ngay.
Thấy tôi ngồi dậy, Quân cũng làm theo, gương mặt chậm rãi ngó ngiêng đánh giá căn phòng.
“Say quá, đi nhầm phòng.” – Quân xoa xoa đầu, giọng nói hết sức bình
thản, không xin lỗi cũng chẳng áy náy. Thằng nhãi này đang trêu tôi đấy
à?
“Về phòng đi học đây.” – Miệng tôi chỉ biết há hốc, nhìn Ngạo
Quân rất lịch lãm từng bước đi ra khỏi phòng mình. Cứ cho là cậu ta say
quá. Cứ cho là vì hai phòng đối diện nhau nên cậu ta đi nhầm. Cứ cho là
chẳng xảy ra chuyện gì quá đáng. Nhưng mà thằng nhãi này, một câu xin
lỗi cũng không có, tỏ ra như đây là điều đáng tiếc cho cả đôi bên hay là cả hai chả thiệt hại gì, không ai có lỗi.
Tôi đã nói chưa nhỉ? Tôi là chúa thù vặt nhớ dai, rất để bụng, cũng rất độc ác. Cậu xong với tôi rồi Ngạo Quân ạ.
Tạm để món nợ này sang một bên, tôi chuẩn bị đi học.
Hôm nay tôi đến trường sớm hơn bình thường để gặp Ngọc trước khi cậu ấy về trường. Phải, hôm nay là ngày kết thúc chương trình giao lưu, Ngọc
trở về Trung Anh, còn Diệu My sẽ về Đông Anh. Những ngày sắp tới xem ra
phải tích cực giả câm giả điếc sống qua ngày rồi đây.
Tôi đến trường liền đi thẳng lên ký túc xá, sau hai cái gõ cửa thì thấy Ngọc. Sách vở
cùng quần áo đã được sắp xếp từ hôm qua, tôi chỉ đơn giản chào cậu ấy.
“Sau này không còn ai chơi cùng An rồi.” – Ngọc thở dài. Tôi vẫn là
nhân vật được kỳ thị trong trường mà. Ngoài cậu ấy ra, không một ai đi
cùng tôi trên hành lang, ngồi cùng tôi trong nhà ăn.
“Không sao. Dần dần sẽ quen.” – Tôi không sợ một mình, chỉ sợ quá nhiều người không thật lòng ở bên cạnh.
“Giữ gìn sức khỏe và giữ liên lạc nhé.” – Ngọc mỉm cười, nhẹ nhàng ôm
lấy tôi. Có hơi thái quá đấy Ngọc ạ, đâu phải chia ly hai đất nước đâu
mà đến mức này. Chỉ cần một cuộc điện thoại là có thể cùng nhau đi ăn và đi chơi mà.
“Ừ. Về trường học cho tốt.” – Tôi dặn dò một cách máy
móc. Thật ra tôi không quen với những gì quá mùi mẫn tình cảm. Có lẽ vì
từ bé đã chơi chung với đám con trai nên tính cách tôi vô vị như thế.
Ngọc buông tôi ra, luyến tiếc vòng tay nên xem đồng hồ: “Thôi lên lớp
đi An, sắp vào học rồi, thầy chủ nhiệm cũng sắp đến đón Ngọc rồi.”
“Ừ. Cuối tuần này nếu rảnh thì gặp nhau.” – Ngọc là người đa cảm, chỉ
cần một chút thay đổi trong những điều thân thuộc sẽ lập tức cảm thấy
lạc lõng. Tôi hẹn cậu ấy đương nhiên không phải vì muốn đi chơi, chỉ là
muốn nói cho cậu ấy biết, chúng tôi chẳng ở xa nhau tí nào.
“Ừ.” – Nụ cười của Ngọc trở nên tươi tắn hơn rất nhiều.
Tôi được Ngọc ôm tạm biệt lần nữa, sau đó rời khỏi và đi thẳng về lớp
mình. Đối với chuyện từ nay không còn ai trò chuyện khi ăn trưa, không
ai cùng đến thư viện đọc sách, tôi không thể nói là mình không buồn.
Nhưng mà tôi nghĩ, thay vì buồn bã một cách vô ích, hãy học cách thích
nghi và làm bản thân vui lên. Chuyện đến rồi đi, hợp rồi tan trong đời
người là điều không thiếu, sẽ trải dài từ khi con người ta có trí khôn
đến khi chết đi. Nếu cứ mãi buồn bã, e là sẽ dành cả đời để u sầu.
Xét ở một góc độ nào đó, tôi là đứa vô tâm đến mức không có suy nghĩ.
Không đặc biệt vì gì mà u sầu hay phiền não, lại không để mình làm những điều vô ích như buồn bã hoặc suy nghĩ quá nhiều vì điều gì đó. Có thể
nói, đối diện với chính mình, tôi tự thấy mình là đứa ngốc chẳng biết
gì.
Tôi gặp Khoa ở cửa lớp, đang cầm trên tay một phần ăn sáng gồm
sữa và bánh bông lan. Ánh mắt chúng tôi lướt qua nhau, rồi như thỏa
thuận ngầm, cả hai đều quay đi.
Tôi phát hiện ra đối với chuyện
chia tay Khoa, tôi chỉ là có chút mất mát cùng tiếc nuối những ngày đã
qua, còn việc nhớ cậu ấy hay muốn tìm gặp thì không. Với một số người,
có lẽ tình yêu quan trọng hơn tất cả, có thể hy sinh cả tự tôn vì nó.
Còn với tôi, muốn yêu người khác, trước hết phải yêu lấy chính mình,
biết chính xác giá trị của mình và đừng đánh mất nó. Một khi ai đó không cần đến mình nữa, đừng níu kéo hay van xin, nó chỉ làm cho người ta
chuyển sang một trạng thái khác là chán ghét cùng coi thường.
Trước
khi về đến chỗ, tôi nhận ra một thân ảnh quen thuộc, Diệu My đã về đến
lớp rồi, đang được các bạn học vây quanh hỏi han săn đón. Từ trong đám
đông, cậu ta ném ánh mắt coi thường ra nhìn tôi, môi kín đáo nhếch lên
cười khiêu khích. Quả thật với gương mặt thiên thần kia thì nụ cười ấy
tương phải đến cao trào.
Nếu như mỗi người ta gặp gỡ trong cuộc đời dù là lướt qua hay dài lâu đều là vì có một đoạn duyên nợ với nhau thì
tôi có duyên nợ rất dài với hơi nhiều người, điển hình là Diệu My. Trong mười lớp khối mười hai, tôi ngẫu nhiên vô học cùng lớp với cậu ta.
“Ăn sáng đi My!” – Tôi thấy Khoa đưa đồ ăn sáng cho My. Trong đôi mắt
cậu ấy là cả một trời ôn nhu cùng hạnh phúc, loại ánh mắt chưa bao giờ
dành cho tôi. Lúc trước khi còn bên nhau, tôi chỉ có thể thấy trong đó
sự yên ổn và dịu dàng.
Trong lòng tôi, thật ra không tò mò về chuyện gì giữa hai người để Khoa dứt ra có một đoạn tình cảm bên tôi. Bọn họ
muốn xảy ra chuyện gì cũng được. Tốt nhất nếu đã giấu tôi, làm ơn giấu
cả đời.
Tôi về bàn mình, để cặp xuống rất nhẹ nhàng, khi ngẩng đầu
lên lại vô tình nhìn qua chỗ Ngạo Quân, bắt gặp cậu ta cũng đang nhìn
mình. Tôi không hiểu cái nhìn ấy là gì, có rất nhiều cảm xúc nhào trộn
trong đó mà tôi không nhìn ra, chỉ biết là không đe dọa, không nguy
hiểm, không xa cách.
Cái vẻ mặt tĩnh lặng ấy quả thật làm tôi nhớ
đến chuyện sáng nay. Còn chưa trị được thì tôi sẽ còn thấy có lỗi với
bản thân vì để mình chịu ấm ức.
Tự nhắc mình phải nhớ tội của Ngạo Quân một lần nữa, tôi bắt đầu bước vào buổi học.
Từ bé đến lớn, hình như mỗi năm tôi chỉ ốm một đến hai trận, ít khi cảm sốt hay chóng mặt, hồi mẫu giáo lười đi học nên muốn đổ bệnh cũng rất
khó khăn. Thế nhưng từ hôm đến Đông Anh đến giờ, đây là lần thứ ba tôi
cảm thấy đau trong người.
Cả người rất mệt, bụng co bóp muốn đẩy
thức ăn ra ngoài, mồ hôi túa ra từng giọt ướt trán. Ngay lúc này tôi chỉ muốn gục xuống bàn.
Cố gắng cầm cự qua tiết đầu tiên, cơn đau vẫn
không thuyên giảm đi, bụng tôi càng lúc càng quặn thắt dữ dội, cơn buồn
ói luôn lảng vảng nơi cổ họng. Chưa bao giờ tôi thấy mình mệt thế này.
Tôi định xin lớp trưởng lên phòng y tế nằm một lát, nhưng lớp trưởng
vốn là Diệu My, lúc trước đi giao lưu thì chuyển sang cho người khác,
bây giờ đã được đổi trở lại. Bảo tôi chạy đi nói với cậu ta là không
được khỏe muốn xin lên phòng y tế á? Thôi cứ ghi tên tôi vào sổ đầu bài
tội cúp tiết đi.
Tôi cả người mềm nhũn, chỉ biết mong sao đừng gục xuống giữa sân trường, chỉ cần đi được lên phòng y tế thì mọi chuyện sẽ ổn.
Như đã nói, đầu vào Đông Anh còn phải qua kiểm tra sức khỏe, chính vì
vậy phòng y tế vốn không hay được dùng đến, có lẽ vì lý do đó mà cô y tá thường bỏ không rồi đi đâu mất. Lần trước lên không thấy, lần này lên
cũng không thấy đâu.
Tôi mặc kệ cô ta đi đâu, lần mò đi đến chiếc
giường trong cùng, kéo tấm màn che ngăn cách giữa các giường ra sau đó
mãn nguyện nằm xuống. Cứ tưởng nằm xuống sẽ khá hơn, không ngờ một cơn
đau từ bụng kéo đến làm tôi oằn người lại, dốc đầu muốn nôn xuống sàn
nhà.
Mọi thứ trước mắt đều tối sầm, cả người tôi nóng lạnh không đồng nhất, vừa đau đớn, vừa mơ hồ, dần dần chìm vào mất ý thức.
*
Tôi mơ hồ nghe phía bên kia tấm rèm che có tiếng nói, là một giọng nam
một giọng nữ rất quen. Nghe qua không được tốt lắm, hình như bọn họ đang cãi nhau. Tôi từ từ mở mặt, muốn lên tiếng gọi ai đó ở chiếc giường bên kia đưa mình đến bệnh viện nhưng lời nghe được lại chặn ý định của tôi
lại.
“Em không muốn nó ở trong lớp mình, mà cũng không muốn nó học
trong trường mình. Nhìn thấy nó là em lại nghĩ đó là đứa đã ôm hôn bạn
trai mình.” – Tôi nhận ra giọng nói này, là Diệu My.
“Em thì không chắc? Cũng ôm hôn thằng khốn Thế Anh đó thôi.” – Còn người con trai chính xác là Anh Khoa.
“Em quay về, anh đã hứa sẽ không mang chuyện đó ra nói mà.” – Nghe qua có vẻ Diệu My đang tức giận.
“Vậy thì em cũng thôi đi, đừng mang Minh An ra nói vào chuyện của chúng mình. Anh đã nói rồi, anh cặp với An là để cảnh cảo em thôi. Ai bảo em
bỏ anh theo lão thầy giáo nghèo rớt kia.” – Tiếng Khoa có vẻ mệt mỏi khi phải giải thích. Hóa ra, tôi chỉ là để cậu ta dằn mặt người yêu. Tại
sao con người ta có thể diễn tài tình đến thế? Không yêu mà lại có thể
giả vờ như rất say đắm.
“Thôi được rồi, vậy nói em nghe, anh và nó có làm gì chưa?” – Diệu My bắt đầu tra khảo, giọng vô cùng nghiêm túc.
“Anh thề là chưa. Là do anh không muốn, nếu muốn thì đâu có khó.” –
Khoa trả lời chắc nịch. Tôi trong lòng âm thầm cười ra tiếng. Là ai mất
tự chủ? Là ai nói tôi hãy tin? Bây giờ ở trước mặt người khác lại lật
lọng một kiểu khác. Hóa ra kẻ mà tôi có tình cảm chỉ là một thằng khốn
không hơn.
Tôi thật còn muốn nghe xem bọn họ tiếp tục nói gì, dù
sao cũng nên nhìn rõ sự khốn nạn của một gã con trai mang gương mặt đẹp
đẽ. Hóa ra bề ngoài hào nhoáng chỉ là để che đi sự thối nát bên trong.
Nhưng cơn đau quặn thắt buộc tôi không thể tỉnh táo nữa. Cảm giác buồn
nôn lại xộc lên làm tôi cúi người xuống giường, nhưng vì quá đà, tôi té
xuống sàn nhà, mọi ý thức kết thúc tại đây.
*
Thế Anh là giáo
viên phụ trách đội tuyển học sinh giao lưu chúng tôi, là thầy giáo mới
ra trường, hơn tôi hai tuổi. Mọi người đều nghĩ tôi và anh ấy biết nhau
tại Trung Anh, nhưng thật ra tôi và Thế Anh đã lớn lên bên nhau từ nhỏ.
Chúng tôi cùng xóm, khi còn bé còn cùng một tổ đội phá phách, hồn nhiên lớn lên bên nhau, rồi gắn liền với nhau không thể ngăn cách. Thế Anh
rất thông minh, học giỏi một cách toàn vẹn tất cả các môn, chơi thể thao rất cừ, lại có một gương mặt điển trai cùng chiều cao lý tưởng, có thể
nói là một người hoàn hảo.
Suốt những năm cấp hai và cả hai năm cấp ba, anh ấy là gia sư của tôi. Thực ra tôi không cần phải học thêm,
nhưng cả hai vẫn muốn có cơ hội ở bên nhau nhiều hơn, thế nên mượn cớ để ngày nào cũng có thể gặp nhau, cùng nhau chí chóe về mọi thứ.
Khoảng thời gian đó rất vui, mỗi ngày tôi đều phải làm xong bài tập anh
giao, sau đó sẽ được anh chở trên chiếc xe đạp khung để dạo vòng quanh
Đà Lạt. Ngày ấy, cuộc sống của tôi có thể nói là vô âu vô lo đến mức thụ động. Hằng ngày chỉ quanh quẩn ăn, ngủ, học và chơi đùa với anh.
Lớn lên bên nhau, làm gì cũng cùng nhau, chúng tôi thực sự nghĩ rằng cả
hai vốn được sinh ra để dành cho nhau, vì thế không hề mảy may nghĩ đến
tình cảm của mình là gì, cứ ở bên nhau như một sự hiển nhiên. Thật ra
nếu có thể cứ mãi mãi như vậy, tôi cũng tình nguyện không cần nếm qua
cảm giác hồi hộp và những rung cảm yêu đương. Nhưng đó chỉ là phần tôi
nghĩ thế, còn Thế Anh thì khác. Là tình cảm nhạt đi hay nó chưa bao giờ
thật sự tồn tại, tôi không biết, chỉ biết rằng sau khi Diệu My đến học
tại Trung Anh, từ khi Thế Anh thấy cậu ấy, anh đã không còn là anh của
tôi nữa.
Vốn dĩ ta không thể trách móc một người vì họ hết yêu mình, bởi vì họ cũng bị kiểm soát bởi con tim mà thôi. Cảm giác từ con tim
quyết định hành động và suy nghĩ của họ. Đối với chuyện này, tôi không
cảm thấy oán hận hay cay cú. Tất cả chỉ vỏn vẹn là một cảm giác buồn bã
luôn cố hữu trong lòng, làm cho bản thân trở nên càng lúc càng trơ lì
với mọi thứ, tự tách mình ra khỏi tất cả và trốn trong góc tối của tâm
hồn mình.
Tôi và Thế Anh chưa bao giờ là một cặp để nói lời chia
tay, thế nên chẳng có gì để cần phải nói với nhau. Anh nói tôi hãy tìm
gia sư mới, tôi điềm tĩnh đồng ý. Anh nói tôi không cần phải nhắn tin
cùng anh mỗi đêm, mỗi sáng không cần gọi điện đánh thức anh dậy nữa, tôi rất nghiêm túc bỏ luôn cái sim đó đi. Và chúng tôi ngừng liên lạc với
nhau.
Tôi đã nghĩ sẽ không bao giờ tìm anh hay chủ động hỏi thăm
như một cái cớ để trò chuyện. Thế Anh mà trong lòng tôi nhớ thuộc về
tuổi thơ, về những ngày tháng khi chỉ có hai đứa. Còn con người bây giờ
đã khác rồi thì tôi cũng không còn gì để níu kéo. Thế nhưng tôi đã không làm được điều đó khi nghe tin ba mình mất. Hoang mang, không biết dựa
vào ai, tôi đã gọi cho anh và có lẽ anh đến bên tôi vì một chút tình
nghĩa cuối cùng.
Ba tôi mất trong tù vì chứng viêm phổi, đám ma
không được tổ chức vì tất cả họ hàng thân thích đều đã quay lưng khi ông bị bắt. Thi thể ông được đặt trong bệnh viện, cha sứ và một vài bác sỹ
cùng y tá đọc kinh cho ông, sau đó được chuyển đến lò thiêu.
Tôi
không phải là đứa có tất cả, nhưng tôi nghĩ những gì mình có là rất
nhiều, thế nhưng trong thời gian ngắn, tôi mất tất cả. Nhìn chiếc quan
tài được đẩy đi xa dần, tôi bất giác gào khóc vì gục ngã, muốn chạy theo giữ thi thể ba mình lại. Loại cảm giác cô đơn cùng sợ hãi khi chỉ còn
lại một mình bơ vơ là điều rất kinh khủng. Khi ấy, Thế Anh kéo tôi lại,
vòng tay giữ tôi trong lòng, cái ôm thân thuộc như những ngày còn bên
nhau. Tôi vùi mặt vào ngực anh, nấc lên từng tiếng đau đớn, cảm giác mất mát sợ hãi dần giảm đi, thay vào đó là sự an toàn.
Tôi cứ gục mặt
vào lòng anh như thế, cho đến khi bị một lực mạnh kéo ra, còn ngây ngốc
chưa kịp hiểu gì đã bị tát đến bật máu miệng.
Tôi nhìn Diệu My đang đứng trước mặt mình, xen vào giữa tôi và Thế Anh.
“Muốn tỏ ra đáng thương để níu kéo sao?” – Vòng tay trước ngực cao
ngạo, cậu ta nhìn tôi một một cách khinh miệt, cái nhếch môi coi thường
làm tôi rất muốn giết cậu ta ngay lập tức.
Nhưng kỳ lạ là ngay lúc
đó, tôi thấy lòng mình bình tĩnh trở lại, bắt đầu có thể suy xét trước
sau và nước mắt cũng ngừng rơi. Tôi đưa tay lau đi những ướt át còn trên mặt, kể cả máu và nước mắt.
“Em bình tĩnh đi My!” – Thế Anh ở sau lưng vội khuyên giải.
“Anh bảo em làm sao bình tĩnh khi bạn trai mình ôm người khác?” – Diệu
My quay người lại đối diện với Thế Anh, đưa lưng về phía tôi, giọng nói
rất nhỏ nhẹ, chất chứa một mảng đau buồn ghê gớm.
Tôi thấy trong mắt Thế Anh sự xót xa, bàn tay nhẹ nhàng đưa lên làm động tác lau nước mắt cho Diệu My.
“Thôi nếu anh muốn ở lại với cậu ấy thì cũng không sao đâu. Em một mình được mà.” – Nói rồi Diệu My thật nhẹ nhàng gạt bàn tay của Thế Anh ra,
cô đơn tự vòng tay ôm lấy mình, bước từng bước chậm rãi về phía cánh
cửa.
Có lẽ đối với tôi, Thế Anh cảm thấy cắn rứt và tội lỗi, chính
vì vậy chỉ biết lưỡng lự đứng tại chỗ hết nhìn tôi rồi nhìn bóng lưng
Diệu My.
Tôi thấy mình cười nhẹ tênh, mắt ráo hoảnh không còn nước
mắt, lòng cũng trống rỗng, không đau buồn chẳng vui tươi. Tôi xua tay ra hiệu cho Thế Anh rời đi, sau đó kiên quyết đi nhận tro của ba mình.
Có những lúc yếu đuối, con người ta muốn tìm ai đó dựa dẫm và chia sẻ
để chạy trốn những u buồn cùng sợ hãi mà quên rằng tâm sự của mình có
thể chính là gánh nặng của người phải nghe. Hãy chỉ giữ những điều thầm
kín sâu thẳm trong lòng mình, dùng nó tôi luyện một sự mạnh mẽ và tự
mình vượt qua tất cả.
*
Tôi mơ hồ tỉnh lại, toàn thân là một nỗi vô lực mệt mỏi cùng đau đớn, xung quanh trắng xóa và nồng nặc mùi thuốc sát trùng. Tôi đoán mình đang ở bệnh viện.
Trong phòng ngoài tôi ra còn có Ngạo Quân đang ngồi trên bệ cửa sổ, ánh mắt lạnh lẽo nhìn xuống
dưới sân. Từ bên ngoài, ánh nắng đỏ hắt vô, in lên mái tóc đen một màu
hung u buồn, đôi mắt hồ ly nhỏ hẹp nhuốm đỏ, nước da trắng như đậu hũ
giờ cũng mang một sắc đỏ hờ hững. Bên ngoài cửa sổ, một mảng trời đỏ rực như cái nền đẫm máu, mảng chính là bóng dáng cô đơn cùng lạnh lùng của
Ngạo Quân. Một bức tranh buồn nhưng mê hoặc.
“Cháo hay bột?” – Tôi
còn đang mải miết ngắm nhìn thì đôi môi cam nhạt đẹp đến bí ẩn kia khẽ
mấp máy, giọng nói khàn khàn xa cách.
Dù cậu ta không quay đầu lại
nhưng tôi biết là đang nói với mình bởi vì trong phòng làm gì còn ai
khác, có điều bản thân không hiểu lắm ý tứ trong lời nói ấy.
“Ăn
cháo hay ăn bột?” – Thấy tôi im lặng, cậu ta bỏ khoảng trời ngoài kia,
chiếu ánh mắt vào tôi, giọng nói vẫn kiên nhẫn khàn khàn.
“Không.” – Tôi nghe giọng mình yếu ớt đến cùng cực. Cả người tôi lúc này không muốn ăn uống gì hết.
“Cháo ngon hơn.” – Ngạo Quân dứt lời, một mạch đi ra khỏi phòng. Hay là cậu ta muốn hỏi tôi cậu ta nên ăn cái gì?
Có lại một mình, tôi ngây ngốc nhìn ra bầu trời đỏ rực thê lương ngoài
kia. Bóng chiều nghiêng ngả đè vào lòng người, bao nhiêu mất mát chợt
trở nên nặng nề cùng hoang mang.
Tiếng chuông báo tin nhắn làm tôi
bừng tỉnh. Với lấy chiếc điện thoại đang để trên bàn nhỏ bên giường, tim tôi khẽ run lên khi thấy người gửi là Khoa.
Chậm rãi hít vào thật
sâu, tôi thở hắt ra sau đó mở tin nhắn. Dòng tin không dài, chỉ vỏn vẹn
câu: “Tớ chỉ muốn nói tớ xin lỗi!”, nhưng lại gợi nhớ cho tôi và một
đoạn ký ức cũng gần tương tự.
Đó là những ngày cuối ở Trung Anh, sau khi ba tôi mất được khoảng một tuần. Thời gian này tôi bị làm phiền rất nhiều bởi các thầy cô khi nghe tôi nói muốn chuyển trường. Họ tìm tôi,
khuyên nhủ, gợi ý về những điều quý giá mà tôi có trong ngôi trường này, định hướng về một tương lai khi tôi ở lại đây. Tôi lắng nghe, cười máy
móc, dạ vâng cũng máy móc nhưng trong lòng chưa bao giờ nghĩ về lời họ
nói. Tôi vốn là đứa rất khó buông bỏ một điều gì đó, rất luyến tiếc
những thứ thân thuộc, rất ghét phải thay đổi hay đón nhận điều mới mẻ.
Thế nhưng một khi tôi đã muốn rời đi, điều đó có nghĩa là không ai có
thể lay chuyển hay giữ tôi lại.
Gần như tất cả các thầy cô đều tìm
gặp tôi, và người cuối cùng đến nói chuyện là Thế Anh, người mà tôi
không nghĩ sẽ còn đối thoại thêm một lần nào nữa.
Trung Anh vốn
không có sân thượng, nhưng có một khu rừng nhỏ ngay phía sau trường. Nơi đó rất đẹp, sạch sẽ và mát mẻ. Thảm cỏ không một mẩu rác dù nhỏ nhặt,
thân cây không một vết rạch nào, hoa cũng chưa từng bị bẻ. Khu rừng như
đứa con của cả tập thể Trung Anh. Chúng tôi săn sóc và giữ ý thức không
phá hoại nó. Đây vốn là nơi lý tưởng để học bài, để nghỉ trưa và nhất là để hẹn hò. Lúc trước có vài lần tôi và Thế Anh trốn ra đây ngồi riêng
với nhau, còn những lần khác có mặt tại đây cùng với cả đội tuyển học
sinh giao lưu.
Hôm nay tôi và Thế Anh không cùng nhau trốn ra như
trước. Là tôi một mình đi tìm chỗ ngủ một lát, và anh tìm thấy tôi ở khu rừng này.
Chúng tôi ngồi cách nhau một khoảng đủ cho thêm hai người ngồi vào, mặt nhìn về hai hướng khác nhau, bầu không khí rất quỷ dị
cùng khó xử.
“Em muốn chuyển trường hả?” – Mất một lúc rất lâu sau Thế Anh mới mở lời.
“Ừ.” – Tôi đoán trong trường ai cũng biết tin này.
“Là do anh à?” – Tôi không nhìn thấy mặt anh, nhưng có thể đoán giờ đây anh rất cắn rứt và áy náy.
“Một phần.” – Đúng! Tôi chuyển trường vì anh, nhưng đó chỉ là một phần lí do. Phần còn lại là tôi cần tìm trường có ký túc xá.
“Anh... không đáng để em như vậy.” – Thật khó đoán ra gương mặt Thế Anh lúc này như thế nào, nhưng tôi đoán trong lòng anh đang tự nhận mình là nguyên nhân làm tôi bỏ đi. Nghĩ đến đây, tôi có chút muốn bật cười ra
tiếng. Dù tôi có trân quý yêu chiều đến mức nào thì cũng không một ai đủ khả năng làm tôi hành động bốc đồng mặc kệ hậu quả.
Tôi thừa nhận
mình ở lại Trung Anh vì anh, nhưng chuyện rời đi thì không phải như anh
nghĩ. Cuộc thi học sinh giao lưu, tôi cố tình trượt chính là để ở lại
trường, đương nhiên là vì Thế Anh. Khi ba tôi bị bắt, nhà bị người ta
lấy đi nên phải ra ngoài thuê phòng trọ, tôi đã nghĩ mình sẽ chuyển
trường để tìm trường có ký túc xá. Nhưng tôi còn đắn đo, lý do tôi nghĩ
ai cũng biết. Giờ thì tôi thấy mình rất dứt khoát, rất quyết tâm, hơn
nữa trong lòng còn rất nhẹ nhõm. Đoạn tình cảm này, tuy hơi tàn nhẫn
nhưng tôi phải nói rằng nó đứt rất đúng lúc.
Tôi mải suy tư, chợt
nhận ra mình đã im lặng quá lâu. Mà cũng chẳng cần thiết phải trả lời.
Đáng hay không đáng đâu phải là chuyện tôi và anh nói là được. Tất cả
hồi ức, những gì đã có cũng như những lỗi lầm đã xảy ra chính là thứ trả lời chính xác nhất.
“Anh chỉ muốn nói là... anh xin lỗi.” – Xem ra
đến đây không phải để khuyên ngăn tôi giống các thầy cô khác. Tự tôi và
anh đều hiểu, anh không còn tư cách để can thiệp vào cuộc đời tôi.
“Lời xin lỗi của anh chẳng làm được gì cho em hết. Nó chỉ giúp anh hết
cắn rứt thôi.” – Tôi nghe giọng mình lạnh lẽo vô cùng. Chẳng phải người
ta nói xin lỗi để dũ sạch mọi lỗi lầm sao?
“Vậy anh phải làm gì?” – Giọng Thế Anh rất thấp, hơi thở hắt ra bất đắc dĩ.
“Đứng lên!” – Giọng nói và cả gương mặt tôi lúc này đều rất vô cảm. Trong lòng tôi đích thị cũng không có cảm xúc gì.
Anh làm theo lời tôi nói, đứng lên chờ đợi.
“Nhắm mắt lại!” – Tôi cũng đứng lên theo.
Anh nhìn tôi hình như đang muốn tìm hiểu tôi định làm gì, nhưng cuối cùng cũng miễn cưỡng làm theo.
Tôi vặn vẹo cổ tay, dùng hết sức mình đấm Thế Anh một cái bật máu miệng, cả người không đề phòng nên ngã nhào xuống đất.
“Em...” – Thế Anh mở mắt, bàng hoàng nhìn tôi.
Tôi cảm thấy một đấm vẫn chưa đủ nên lao đến, nắm cổ áo Thế Anh lên
tiếp tục đấm vài cái, sau đó khi anh đã nằm nhoài người ra đất, tôi nhằm ngay bụng anh đá một cái không nhẹ.
Máu miệng bật ra vài giọt, thấm đỏ trên nền cỏ xanh.
Bên tai tôi, có tiếng học sinh hô hoán có đánh nhau.
Tôi nhìn Thế Anh nằm bất tỉnh dưới đất, hài lòng phủi hai tay vào nhau, ngừng vụ tấn công lại. Không phải tôi hận vì bị bỏ rơi, trong lòng cũng không thù ghét hay trách móc. Tôi chỉ đơn giản muốn tạo cho mình một
cánh cửa rời khỏi Trung Anh. Mà thật ra tôi cũng có một chút tính toán
riêng. Dù gì cũng phải đòi lại phần nào công bằng cho bản thân mình. Hơn nữa sau chuyện này thì cả hai cũng tự khắc cắt đứt mọi liên lạc với
nhau, gặp ngoài đường cũng sẽ thành người dưng.
Và sau đó tôi bị
đuổi khỏi Trung Anh, rút học bạ và gửi về Đông Anh. Rồi đến sống ở ký
túc xá, tiếp theo lại đến sống tại nhà Ngạo Quân. Và giờ thì cậu ta đang ngồi trước mặt tôi, gương mặt phẳng lặng không cảm xúc, bàn tay đẹp đẽ
loay hoay với chén cháo.
“Sáng ăn gì?” – Vừa khuấy chén cháo, Quân
vừa hỏi tôi. Thằng nhãi này thật tình luôn làm tôi có cảm giác cậu ta
không phải đang nói chuyện với mình. Nhưng phòng chỉ có hai người, không phải tôi thì có thể là ai.
“Bánh mì và sữa.” – Tôi vẫn ăn như thế
này vào bữa sáng. Hồi ba tôi còn sống và chưa bị bắt, nhà của chúng tôi
vẫn còn, buổi sáng trước khi đi làm ông ấy luôn chuẩn bị cho tôi một
phần bánh mì ốp la và một ly sữa thơm ngon béo ngậy. Sau này tôi không
còn điều kiện để ăn sáng như thế. Nhưng ngay khi đến nhà Ngạo Quân, tôi
lại trở lại với theo quen cũ. Có điều không có ba ngồi đối diện thay tôi ăn lòng đỏ. Tôi không thích nó, vì vậy luôn bỏ lại và chỉ ăn lòng
trắng.
“Ngộ độc thức ăn.” – Quân lại nói, không đầu không đuôi. Nhưng tôi hiểu. Ý cậu ta bảo tôi bị ngộ độc.
Tôi im lặng ngẫm nghĩ. Tôi uống sữa tươi, đâu phải dùng chung sữa đậu nành và trứng. Tại sao lại như thế nhỉ?
“Chỉ được ăn cháo hoặc bột.” – Vẫn là kiểu nói chuyện kiệm lời nhất có
thể. Tôi lại phải tự hoàn thành câu nói. Với tình trạng của tôi chỉ có
thể ăn cháo hoặc bột.
Quân dứt lời, đưa chén cháo vừa khuấy bớt nóng cho tôi.
Thật ra tôi không thắc mắc lắm mình bị gì, cũng không muốn nghĩ tại sao mình bị vậy. Cái tôi thắng mắc là Ngạo Quân làm cái quái gì ở đây,
trong phòng bệnh của tôi và còn mua cháo cho tôi ăn? Cái này gọi là tình cảm gia đình sao? Tôi không nghĩ là giữa tôi và cậu ta có thứ đó. Từ
ngày về nhà mới, chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện với nhau. Thậm chí
tôi còn cố hết sức tránh lối cậu ta đi để không gặp mặt.
Đương
nhiên thắc mắc tôi giữ trong lòng cho riêng mình. Bộ dạng Ngạo Quân từ
gương mặt cho đến dáng vẻ đều không hứa hẹn sẽ trả lời câu hỏi của người khác. Hơn nữa với tính kiệm lời đó, tôi nghi ngờ rằng cậu ta sẽ phát
cáu khi bị hỏi.
Tôi đón lấy chén cháo, chậm rãi múc từng thìa. Thằng nhãi Ngạo Quân ngồi yên tại vị trí, không buồn đi ra ngoài để tôi ăn
cho thoải mái, hơn nữa còn nhìn tôi chằm chằm như sợ tôi sẽ mang đồ ăn
đổ đi. Xin lỗi đi! Trong những thú hưởng thụ, tôi thích nhất là ăn và
ngủ. Chắc chắn sẽ không mang thức ăn bỏ phí hay để mình thức khi không
cần thiết.
Chính vì vậy, sau khi ăn xong, tôi uống nước và nằm xuống nhắm mắt tìm giấc ngủ. Không ngủ thì tôi biết làm gì đây. Việc ở trong
căn phòng yên tĩnh một mình và việc có hai người trong phòng nhưng cũng
yên tĩnh là hoàn toàn khác nhau. Tôi chỉ muốn ngủ ngay lập tức để đưa
mình thoát khỏi bầu không khí kỳ lạ này. Nói thật mặc dù nhắm mắt, tôi
vẫn biết thằng nhãi Ngạo Quân đang dán mắt lên tôi. Rốt cuộc là lượn lờ ở đây làm gì?
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT