Hoàng Dược Sư liên tiếp tấn công ra mấy chiêu Phách
Không chưởng vẫn không di động được chiếc hộp Chân Kinh ra khỏi vị trí
một phân hào nào, y không khỏi đỏ mặt tía tai, trong cơn nóng tính thuận chân đạp lên vị trí bát quái bước chân thoăn thoắt
khi tả lúc hữu, sử dụng liên tiếp chưởng pháp Phách Không, từng
chưởng một chắc chắn như trái núi đẩy mạnh ra quét rà trên mặt đất mọi
người ức thay chiếc hộp như mọc rể trên đá, chẳng chịu xê dịch đi đâu
cả.
Hoàng Dược Sư tung một hơi trên mấy mươi "Phách không", rốt cuộc chỉ là công cốc, chỉ tốn hơi mệt sức mà chẳng ra tích sự gì, lúc ấy con người Đào Hoa Đào Chủ tâm tính cuồng ngạo bất khuất kia mới chịu nhìn
nhận và khâm phục tuyệt học Nhất Dương Chỉ của Toàn Chân Giáo Chủ quả là công phu toàn bích của võ lâm, tài nghệ của y vẫn còn thua xa lắm.
Nên Hoàng Dược Sư lập tức thâu ngay tay chường, nhãy ra khỏi vòng đấu rồi cười lên ha hả và nói :
- Thần công tuyệt kỹ, phục lắm rồi !
Phục lắm rồi !
Trùng Dương sau một lần hiển lộng thêm kình lực Nhất Dương Chỉ, cảm thấy mỏi mệt vô cùng, chàng cố gượng cười và nói :
- Hoàng Đảo Chủ đã thưởng thức qua , còn Thất huynh và Đoàn huynh có ý muốn thử sức thêm nữa không ?
Đến Hoa Sơn luận kiếm lần này, trong Tứ Bá, trừ Âu Dương Phong
là kẻ đối đầu duy nhứt của Trùng Dương đã bị loại ra thì có Hoàng Dược
Sư, nhưng giờ đây y đã thật lòng khâm phục Trùng Dương rồi, còn Đoàn
Hoàng Gia và Hồng Thất Công thì sẵn lòng kính phục Trùng Dương từ lâu.
Hai người đến tham dự cuộc đại hội này chẳng qua vì lời mời của
Trùng Dương chứ chẳng có ý tranh đoạt Chân Kinh. Nên khi nghe Trùng
Dương nói thế hai người lắc đầu mỉm cười và đồng đáp :
- Đâu lại có chuyện thế ! Chúng tôi đối với tài nghệ tuyệt kỹ
của Vương huynh tự hỗ thầm mình chẳng bằng, nào còn dám bêu xấu trước
mặt thánh nhân nữa ! Quyển Chân Kinh kia kể ra hoàn toàn thuộc về sở hữu của Vương Chân Nhân, nay một cách danh chánh ngôn thuận chẳng còn ai
tranh tròn gì khác. Và chức Thiên Hạ Nhất Bá võ lâm cũng xứng đáng để
tôn tặng Vương huynh lắm vậy !
Bốn người lần này liên tiếp so tài nhau bảy ngày bảy đêm, mỗi
người lần lượt đấu nhau trên mười trận, Trùng Dương nhờ ở Nhất Dương Chỉ công phu bảo tồn được Cửu Âm Chân Kinh đến phút cuối cùng, còn danh dự
được ngôi vị Nhất Bá Võ Lâm trong thiên hạ.
Bọn họ đều là nhân vật thoát tục, khoáng đạt hào hùng, thắng
được chẳng kiêu, bị bại cũng chẳng lấy đó làm thù, chân chính khâm phục
tài nghệ giữa nhau.
Hoàng Dược Sư nắm lấy bàn tay của Trùng Dương tỏ ý khâm phục của mình, y bỗng cảm thấy bàn tay của Trùng Dương lạnh như băng, không khỏi giật mình kinh hãi, vội đưa mắt quan sát sắc diện của chàng, rồi hốt
hoảng lên tiếng :
- Không xong Vương Chân Nhân vì vận sức quá nhiều khiến tinh lực hư thoát ra ngoài, nhưng không sao tiểu đệ có mang thuốc bổ theo mình
đây !
Nói đoạn, y lẹ làng móc trong người ra một chiếc túi lụa nhỏ,
trong túi lóc nhóc nhưng viên thuốc lớn nhỏ như hột bắp, thân mật trao
vào tay Trùng Dương và nói :
- Vương huynh, đây là những viên thuốc mà tiểu đệ đã dùng những
mật tinh anh của trăm thứ hoa chế thành Cửu Hoa Ngọc Lộ hoàn này, tuy
không phải là thánh dược nhưng cũng có thể trùng hồi nguyên khí, xin
Vương huynh phục vài viên cho mau hồi sức lực.
Trùng Dương gượng cười đáp :
- Hoàng huynh thật là người lấy gan ruột để đối đải bạn bè !
Nói xong, chàng chẳng chút nghi ngại, ngước cổ lên, trút tất cả Cửu Hoa Ngọc Lộ Hoàn trong túi lụa kia vào miệng và nuốt hết.
Bốn người cung kính vái nhau một vái để kết tình thân mật xong, liền ngồi ngay xuống đất.
Đoàn Hoàng Gia nói :
- Chúng ta suýt chút nữa là quên mất Âu Dương huynh, cũng nên
mời y đến đây để mọi người cỡi bỏ thù hằn, đổi thành tình bằng hữu giữa
nhau vậy !
Hồng Thất Công mau mắn đứng dậy hưởng ứng :
- Phải đấy ! Để tôi đi gọi lão độc vật lên một thể.
Vừa dứt tiếng lão ăn mày đã nhãy phóc một cái mất dạng.
Một thời gian sau, Hồng Thất Công hỗn hển trở về, lắc đầu lia lịa đáp :
- Cái gã Âu Dương Phong thật là đồ chẳng có khí lượng chút nào, y sau khi bị thất bại lẳng lặng rút lui đi mất, tới ba con trùng thúi của y cũng được lùa đi từ lúc nào sạch bách chẳng còn một mống !
Trùng Dương nghe Âu Dương Phong đi không khỏi nét mặt sầm lại.
Đoàn Hoàng Gia lắc đầu than thở :
- Gã ấy tuy lòng dạ lang độc nhưng thực ra cũng là một kỳ tài
của võ lâm, chỉ đáng tiếc không chịu học theo nẻo phải, bằng không cũng
là một đóa hoa quí trên miền Tây Vực, kể ra cũng uổng thay !
Bốn người bịn rịn nhau trên đỉnh núi Hoa Sơn đến sáng hôm thứ tám,mới chịu phân tay trở về.
Lúc sắp cáo biệt, Đoàn Hoàng Gia nắm tay Trùng Dương dặn dò :
- Vương chưởng môn, từ nay đến mười năm sau, nếu tôn giá có du
chơi miền Nam, xin ghé Đại Lý viếng thăm tệ quốc, tiểu vương tuy quê
mùa, nhưng cũng có thể tận tình chủ khách được.
Trùng Dương cười xòa đáp :
- Nhớ lại năm xưa bình loạn trong cung, đến nay đã trên mười năm rồi, đời người như kiếp phù du, ngẫm lại chẳng còn bao lâu nữa, cảm
thịnh tình mời mọc, bần đạo quyết thế nào cũng vân du một chuyến đến đất Nam, lúc ấy ta sẽ lại gặp nhau vậy .
Hoàng Dược Sư cũng khách sáo, cũng thỉnh mời Trùng Dương đến Đào Hoa Đảo chơi thêm một phen nữa.
Chỉ có Hồng Thất Công xoa tay cười ha hả và nói :
- Vương Chân Nhân, Đoàn Hoàng Gia là vua của một nước, Hoàng
huynh là một vị chúa đảo ngoài biển, hai người đều là bực sang giàu, có
dinh gia cơ nghiệp, chỉ có lão ăn mày nầy nghèo xơ kiết xác chiếu đất
màn trời, bốn bể là nhà, còn nơi nào mà mời Vương huynh được, chẳng lẽ
mời ông đi ăn cơm thừa canh cặn của thiên hạ sao ?
Chỉ còn cách là lão ăn mày lết đít đến ăn chực ở núi Tung Sơn là phải hơn ?
Mọi người đều cười xòa lên một trận rồi mới chịu phân tay.
Qua trận so tài trên danh Hoa Sơn vừa rồi, Trùng Dương đã xem Âu Dương Phong là mối đại họa cho võ lâm sau này nên sau khi trở về Tung
Sơn chàng ngầm suy nghĩ để tìm phương pháp khống chế y.
Riêng Hoàng Dược Sư từ lúc đại hội Hoa Sơn luận kiếm trở về, dọc đường cử khắc khoải về quyển Cửu Âm Chân Kinh không thể về tay mình
trong bụng dàu dàu không vui. Chàng quyết định về đến đảo Đào Hoa là bế
môn khổ luyện võ học đúng mười năm, sẽ trở lại Trung Nguyên tìm một cơ
hội, tổ chức giống như hội Hoa Sơn vừa qua để cùng Trùng Dương tái quyết một phen sống mái.
Lủi thủi dặm trường ngày đi đêm nghỉ, không đầy một tháng là đã
từ miền cát vàng hiu quanh ở Tần Trung trở về đến Giang Nam phong quanh
thịnh mậu.
Lúc Ngũ Bá họp nhau trên Hoa Sơn thì thời tiết vào độ tàn đông
cuối tháng chạp, mà khi Hoàng Dược Sư trở về đến Giang Nam là đã bước
qua lúc mùa Xuân tháng hai, hoa thơm hồng tím, cỏ mượt bờ đường.
Hoàng Dược Sư tuy tánh tình cao ngạo, nhưng là một người phóng
khoáng thanh cao, từ nhỏ đã giữ giới đạo gia, kinh luân dù đầy bụng anh
tài, song chẳng thích mùi công danh phú quý, dấn thân theo phường ô trọc quan liêu. Chỉ ưa thú lâm tuyền, cam thân theo lối sống ngao du hồ hải, lấ mai hạc làm bạn tri tâm, một mình ẩn cư trên hòn đảo Đào Hoa, tự gây dựng thành một võ phái biệt lập.
Hận vì sư trưởng chết quá sớm, thiếu người chỉ điểm trui rèn,
bản lĩnh dù tinh thông tuyệt thế nhưng vẫn không thể đạt đến mức độ
thượng thặng vô địch.
Lần này đến dự hội Hoa Sơn luận kiếm tưởng đâu có thể đoạt được
kinh quí võ lâm đem về đảo Đào Hoa để nghiên cứu tinh tường thêm bản
lĩnh. Nào ngờ tài nghệ Trùng Dương quá siêu việt, không những được ngôi
vị Thiên Hạ Đệ Nhất Bá mà cho đến quyển Cửu Âm Chân Kinh cũng về tay
Trùng Dương cất giữ.
Hoàng Dược Sư buồn ý trở lại phương Nam, khi đi ngang qua trấn Ô Kiều nằm trong khu vực Ngũ Hồ thấy chợ búa tiêu điều, vườn hoang khói
lạnh, biết rõ đấy là thành tích cướp đoạt của đoàn quân Kim xâm lược để
lại. Trong lòng đang lúc muôn vàn cảm khái, chợt thấy từ trong vòng
thành thị trấn, bá tánh lũ năm lũ bảy, bồng bế con thơ, gồng gánh nồi
niêu, người nào mặt mày cũng ủ rũ tiều tụy, dắt díu nhau ra khỏi thành,
xem tình hình dường như sắp sửa thiên cư nơi khác.
Một vài gia đình dời đi nơi khác thì là chuyện thường chẳng có
gì đáng nói nhưng đàng này cả mấy trăm người cùng thiên cư một lượt, tất nhiên là có chuyện quan trọng xảy ra cho mọi người.
Vả lại, dân quê vốn quen tánh an phận lạc cư ít khi chịu rời xa
quê xứ, nếu chẳng có biến cố hệ trọng xảy ra, dễ gì không duyên không cớ lại chịu xa lìa mảnh đất thân yêu của họ !
Hoàng Dược Sư rất phân vân nghi ngại, liền đón đường mọi người lại và hỏi :
- Xin các vị nhín chút thời gian cho tôi hỏi thăm một chút, tại
sao các vị toàn một thôn trấn lại thiên cư tất cả, chẳng hay định dọn
đến đâu vậy ?
Một cụ già tóc râu bạc phếu thấy Hoàng Dược Sư ăn mặc theo lối văn nhân tu sĩ, bèn thở dài một tiếng và nói :
- Tướng công là người đọc sách, đâu có hiểu được bao nhiêu tình
tệ đã xảy ra gần đây. Chúng tôi bị cọp dử bức bách đến đổi không thể ẩn
thân, chỉ dành dọn đi nơi khác tha phương cầu thực đấy thôi.
Hoàng Dược Sư kinh ngạc hỏi :
- Sao lại có cọp dử ? Nơi đây thuộc về khu vực Thái Hồ, mênh
mông sóng nước, chứ đâu phải núi cao rừng rậm, làm gì lại có cọp hại các vị đến phải lìa quê bỏ xứ được ?
Cụ gìa nói chuyện với Hoàng Dược Sư lúc nãy ngồi ghế trên chiếc
cảng xe cây, bên cạnh cụ có một đứa bé trai độ bảy tám tuổi rất kháu
khỉnh mắt sáng mày thanh, hớt lời cụ gìa đáp :
- Tướng công, không phải loại hổ dử ở núi sâu hại chúng tôi mà chính Ngũ Hổ ở trong Thái Hồ kìa.
Vài người lớn đứng bên cạnh cậu bé, sợ hãi, lên tiếng mắng át :
- Con nít, con nôi chẳng biết lợi hại, dại mồm nói bậy không nên !
Hoàng Dược Sư tươi cười đáp :
- Thái Hồ Ngũ Hổ à ! Tôi biết rồi, chắc là những hảo hán trong Thái Hồ đấy chứ gì ?
Cụ gìa lúc nãy liền lên tiếng :
- Tướng công hiểu được là đủ rồi xin cho chúng tôi đi kẻo trễ vì trời đã tối, nếu để Ngũ Hổ dắt quân từ trong hồ ra sát hại thì chúng
tôi chẳng còn mạng đấy.
Hoàng Dược Sư cười ha hả nói :
- Loại thủy khấu lắt nhắt ấy có đáng gì mà sợ đến thế ? Các vị
khỏi cần dọn nhà đi nơi nào, tôi sẽ giúp quí vị chế ngự quân cường đạo
ấy cho !
Mọi người nhìn thấy Hoàng Dược Sư bộ vó nho sinh mà dám ăn nói
lớn lối như thế, đều kinh ngạc sững sờ trố mắt nhìn chàng như nhìn một
kỳ quan trong thiên hạ và xầm xì lẫn nhau :
- Tên học trò khùng này đúng là đang nổi cơn điên, gã chẳng biết sự lợi hại của Ngũ Hổ Đại Vương khắp khu vực Thái Hồ này chăng ?
Hoàng Dược Sư cười nhạt và bảo mọi nói :
- Ngũ Hổ Đại Vương là cái quái gì mà quí vị quá sợ như thế ? Các người chẳng tin bản lãnh của tôi có thể bảo hộ các người được sao ? Hãy xem đây !
Nói đoạn chàng chỉ tay về phía một cây Ô Bá cách đấy không xa.
Ngọn cổ thụ Ô Bá ấy bề kính trên nửa thước, thân cây cao trên hai trượng mọc sừng sững bên đường.
Hoàng Dược Sư nhấc chưởng trái lên và quát lớn như sấm :
- Ngã này !
Miệng quát, tay đã ngầm vận sức mạnh của Phách Không Chưởng chậm chậm đẩy ra "ầm !" một tiếng đổ vang tai đinh ốc, tức thì cây cổ thụ
liền ngã xuống bên vệ đường gốc rể cũng đều bị bật lên khỏi mặt đất, cát bay văng tua tủa khắp nơi, cành lá đổ xuống rào rào như mưa trút.
Đám người ấy thấy Hoàng Dược Sư đứng cách gốc cổ thụ trên một
trượng xa, mà chỉ một chưởng nhẹ nhàng, xô ngã được thân cây to lớn như
thế, đến gốc rể cũng bị nhổ lên khỏi mặt đất, mọi người đều khiếp đảm
sững sờ đứng trơ ra đấy.
Hoàng Dược Sư lại ung dung lên tiếng :
- Các người đã thấy rõ chưa ? Liệu tôi có đủ sức bảo vệ các người không ?
Trong đám người nỗi lên tiếng xầm xì bàn tán rồi từ trong đám
đông có vài vị khá tuổi bước ra vòng tay vái Hoàng Dược Sư một vái sát
đất và nói :
- Tiên sinh quả là một vĩ nhân, tài năng siêu thế, chúng tôi có mắt mà chẳng nhìn thấy Thái sơn , vậy quí danh là chi ?
Hoàng Dược Sư cười nhạt đáp :
- Tôi họ Hoàng, tên thì đã quên mất rồi, các vị cũng chẳng cần
biết làm gì ? Tôi giúp quí vị san bằng bất công, đôi phó với đám Ngũ Hổ ở Thái Hồ là được rồi.
Nhóm người ấy liền thuật cho Hoàng Dược Sư rõ mọi việc.
Thì ra Ô Kiều, thị trấn này thuộc về vùng cai trị của huyện Nghi Hưng nằm cách xa Thái Hồ không đầy năm dặm. Trong trấn có một ngàn nóc
gia, sinh hoạt cũng khá thịnh vượng, từ khi nhà Tống vượt sông Thiên Đô
về miền Nam. Ô Kiều trấn liên tiếp hai phen trải qua cuộc xâm lược cướp
bóc của đoàn quân Kim, dân cư hơn chín phần mười đều vong gia bại sản,
cho đến mười năm sau mới dần dần khôi phục được phần nào sinh lực cũ,
nhưng nhân khẫu đã giảm bớt so với thuở trước chỉ còn độ phân nửa mà
thôi.
Nhưng từ nửa năm nay, nơi Động Đình sơn phía Đông của Thái Hồ
bỗng nổi lên một dám thủy khấu. Nghe đồn đám thủy khấu ấy là dư đảng
cướp sông của Trường Giang Bang, chẳng hiểu vì sao lại di cư đến miền
Thái Hồ này, sát nhập dám đầu trộm đuôi cướp ở vùng Thái Hồ về một mối,
chuyên việc cướp của đốt nhà, giết người đoạt vật, cầm đầu bọn chúng là
Bạch Các Hổ Thường Thông, đầu lĩnh thứ hai Huỳnh Diện Hổ Tang Nhân, thứ
ba Xích Mao Hổ Hoắc Cang Thương, thứ tư Diện Hổ Tiêu Tín, đầu lĩnh thứ
năm là một nữ tặc tên Yêu Chỉ Hổ Tử Tú Anh, vốn là vợ của đại đầu lĩnh
Thường Thông.
Ngũ Hổ lúc mới đến chiếm cứ Thái Hồ, ban đầu bất quá chỉ bắt đám ngư dân xung quanh phải đóng góp tiền bạc cho chúng.
Những đám dân chài chất phát sinh sống ven bờ hồ kia vì sống nơi hẻo lánh xa chốn quan quyền bé cổ kêu chẳng thấu tai trời, nên đành
thắt lưng buộc bụng, cung dâng cá thịt cho chúng để yên ổn làm ăn.
Nhưng lòng tham của bọn Ngũ Hổ thật vô đáy, thấy quan phủ không
làm gì được mình, càng lúc chúng càng ngang dọc thêm hơn, ngang nhiên
khủng bố công khai nhân dân khắp năm thị trấn nằm ven hồ, bắt buộc bá
tánh cư ngụ tại các nơi Ô Kiều, Ngư Thanh, Bạch Xa, Xích Phong và Hồng
Hoa, năm trấn ấy ngoài ra còn phải cống hiến cho chúng mỗi năm năm chục
tên tráng nam và năm chục nàng thiếu nữ. Tráng nam thì chúng dùng làm nô dịch trong các thủy trại, còn thiếu nữ thì chúng dùng để hành lạc thỏa
dâm.
Ngũ Hổ còn ra kỳ hẹn trong vòng ba hôm phải trả lời , hăm dọa
không cho báo cáo với phủ quan, nếu dân ở thi trấn nào dám cãi lịnh báo
quan, hoặc giả nhờ binh triều bảo hộ thì bọn cướp sẽ đến tàn sát làm cỏ
hết toàn trấn chẳng nương tay.
Tin ấy vừa đưa ra bá tánh cư ngụ ven bờ Thái Hồ đều kinh hoàng
thất sắc. Vì năm thị trấn ấy vốn có một vài lực lượng tự vệ, nhưng có
quá ít, sánh với võ lực hùng hậu của bọn thủy khấu thì chẳng khác châu
chấu đá xe. Nên Hương Lý trong Thanh Ngư trấn lập tức báo với phủ quan
xin binh tiếp viện.
Phủ Nghi Hưng liền phái đến ba trăm quân binh đến giữ gìn thôn trấn. Ngờ đâu không đầy ba ngày, họa lớn đã xảy ra.
Giữa một đêm tối trời gió to, trong trấn Thanh Ngư bỗng nổi lên
năm sáu ngọn lửa cao ngất trong khoảng khắc lửa cháy lan tràn khắp nơi,
trật tự trong trấn bị xáo trộn dử dội. Từ trong ánh lửa một đại đội thủy khấu tràn ra như thác lũ gặp ai giết nấy, tiếng kêu khóc rền trời.
Quan binh đốn trú nơi trấn vội kéo ra cự địch, nhưng dám thủy
khấu đông như kiến cỏ trên năm sáu trăm người, lực lượng gấp đôi quan
binh hơn nữa tên nào cũng gan dạ thiện chiến, chém giết như điên, gặp
nhà là phóng hỏa đốt liền còn đám quân binh chỉ là dân bị thịt, chỉ quen thói hống hách đồng bào, gặp giặc đã run lên như cầy sấy, thử hỏi làm
sao chống cự cho lại.
Nên chẳng đầy một giờ sau, toàn thị trần đều biến thành biển lửa, thây người ngổn ngang như núi, máu chảy thành sông.
Cho đến sáng hôm sau kiểm điểm lại thì Thanh Ngư trấn chỉ còn là một bãi than hồng ! Dân số mười phần hết hơn tám chín.
Chỉ một đêm ngắn ngủi mà tang tóc phủ trùm thê thảm đến thế.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT