Lúc ấy trời đã sẩm tối, vầng thái dương đã chìm sau dãy núi Hoa Sơn,
sương núi bốc lên mù mịt, gió đêm nhẹ thổi, hoa tuyết lác đác rơi, khí
lạnh thấm buốt xương thịt.
Âu Dương Phong nhìn trời, rồi quay sang nói với Trùng Dương :
- Vương Chân Nhân một lời đã định, chúng tôi xin lui xuống núi !
Trùng Dương gật đầu đáp :
- Xin cứ tùy tiện.
Âu Dương Phong lại quay sang nói với Đoàn, Hoàng hai người :
- Chúng ta xuống đi thôi !
Đoàn Hoàng Gia và Hoàng Dược Sư trù trừ giây lâu rồi theo Âu Dương Phong xuống núi.
Hồng Thất Công cũng theo chân mọi người, trước khi đi còn quay lại dặn với Trùng Dương :
- Chân Nhân nên tiểu tâm !
Vương Trùng Dương cười đáp :
- Đa tạ hảo ý của Thất huynh !
Nói xong vòng tay như tỏ ý tiễn khách.
Hồng Thất Công vui vẻ gật đầu rảo chân trở xuống núi.
Trùng Dương lôi chiếc hộp chân kinh ra để dưới đất rồi xếp chân ngồi tĩnh tọa kế bên.
Độ nửa tiếng đồng hồ sau, từ đầu núi phía xa bỗng vang lên tiếng đàn tranh thánh thoát, âm ba cao vút lúc trầm như gió thu hiu hắt khi
bỗng tựa vó sắt rập rồn , từng âm thanh nối tiếp xoáy mạnh vào lỗ nhĩ
của Trùng Dương.
Toàn Chân Giáo Chủ đã có dịp thưởng thức qua nhạc đàn tranh của
Âu Dương Phong ở ngày thứ ba của cuộc đấu, ngở là y tấu nhạc để dục bầy
rắn đến quấy rầy, trong dạ tính thầm :
- Bầy rắn của Âu Dương Phong nuôi tuy độc thật, nhưng đã qua bao lần giao tay nhau đều bị mình sát hại vô số, chẳng nhẽ y không biết cơ
lợi hại, định xua Xà trận vào chỗ chết nữa hay sao ?
Trong lúc Trùng Dương đang nghĩ ngợi như thế, thì tiếng đàn
tranh vụt chốc càng lúc càng cao vút, sắc nhọn tưởng chừng như có thể
thủng núi xuyên mây, mường tượng tiếng đàn đang kê sát lỗ tai chàng mà
tấu lên vậy.
Trùng Dương cảm thấy tinh thần choáng váng, gan ruột trào trợn
khó chịu, tim đập động dử dội, càng lúc càng bị tiếng đàn thúc dục nhảy
mau thêm.
Trùng Dương cả sợ thầm nghĩ :
- Lợi hại thay gã Tây Độc , y muốn lợi dụng tiếng tranh để nhiễu loạn chân khí trong nội thân ta, gây cho ta bị tẩu hỏa nhập ma hầu dễ
bề thi hành thủ đoạn cướp kinh của y !
Chàng lập tức ngồi theo phương pháp tọa công của Toàn Chân Phái, nhắm mắt định thần, tam hoa tụ đỉnh, năm khí triều nguyên, cố gắng áp
chế tinh thần lắng dịu trở lại, không cho tiếng đàn kích động kia xâm
phạm đến tâm trí của mình.
Trùng Dương vừa mới áp dụng cao độ của định lực trấn áp lấy ma
tâm của mình thì bất thần từ phía đối diện với tiếng tranh của Âu Dương
Phong bỗng vang lên giọng tiêu âm u não nuột.
Toàn Chân Giáo Chủ chợt hiểu ngay là tiếng tiêu ấy do Hoàng Dược Sư phát ra.
Trùng Dương đã hai lần nghe qua tiếng tiêu của Hoàng Dược Sư nên
không đến nỗi sợ hãi lắm.
Tiếng tiêu vừa thổi lên, giọng đàn tranh liền ngưng bặt, khiến
càng nghe rõ thêm nhạc điệu uyển chuyển ru hồn . Giọng tiêu Hoàng Dược
Sư, lúc khoan lúc nhặt, như thiếu nữ dậy tình xuân, cô phụ buồn gối
chiếc, khát khao chuyện khuê phòng, làm người nghe phải máu nóng dâng
lửa dực sôi tràn, không thể tự chủ được lòng mình.
Song Trùng Dương là một vị chơn tu đạo căn sâu dày, tuy xuất
thân từ con nhà giàu có nhưng từ nhỏ được Thanh Hư Chân Nhân cứu sống
hườn dương, giam mình trong cốc thẩm dóc tóc nhập đạo. Công danh phú
quý, sắc dục nhục tình trên nhân thế hoàn toàn chẳng chút biết luyến mê. Tiên thiên căn cốt đã như thế, lại thêm định lực sâu dày. Tiếng tiêu
của Hoàng Dược Sư dễ gì mê hoặc được chàng ? Nên Trùng Dương vừa nghe âm đạo của giọng tiêu bất giác buột miệng cười thầm .
Lúc ấy tiếng đàn tranh của Âu Dương Phong bỗng dưng lại trỗi lên hòa hợp với giọng tiêu của Hoàng Dược Sư len vào thần trí của Trùng
Dương và như thế, tình thế lập tức biến đổi vì tiếng tiêu dìu dặt tương
phản với giọng tranh kích động, tựa như nước lửa gặp nhau, lại mường
tượng như hai chiếc búa lớn nhỏ nhịp nhàng một mạnh một yếu đập trên hòn đe, tim óc của Trùng Dương như bị rập rờn trên ngọn sóng khi thấp lúc
cao chân ngứa ngáy loạn động, ngồi chẳng yên .
Chàng hốt hoảng thầm nghĩ :
- Không xong ! Hai người hợp sức để đối phó cùng, ta khó mà đương cự nổi !
Trong lúc thần trí của Trùng Dương bị giao động dử dội thì từ
dưới triền núi Hoa Sơn, bỗng vang lên một giọng hú thảnh thót như tiếng
phụng ré đầu non, chát chúa cả lỗ tai.
Tiếng hú vừa nổi lên, tức thì tiếng tiêu dâm dật, giọng đàn kích động bị lấn áp.
Trùng Dương nhờ thế cảm thấy phần nào dể chịu và tinh thần cũng
ổn định được khá nhiều. Chàng lập tức hiểu ngay là tiếng hú vừa rồi do
Hồng Thất Công phát ra. Chàng chợt bàng hoàng tỉnh ngộ ngay :
- Phải rồi ! Thất huynh ngầm chỉ điểm cho ta không nên ngồi tịnh để đợi địch thủ, mà phải tranh tấn công tinh thần , vậy ta cũng nên bắt chước Hồng Thất Công dùng tiếng hú của mình để trả lễ bọn họ.
Chờ cho tiếng hú của Hồng Thất Công vừa dứt, Trùng Dương lập tức điều vận chân khí nơi đơn điền, hai tay bấu chặt lên đầu gối, ngữa mặt
lên trời, phát ra giọng hú sang sảng như tiếng đại hồng chung, ngân vang trong sơn cùng cốc tận, khiếp đảm cả tâm linh mọi người :
- Hú Hú !
Tiếng hú dài lê thê lảnh lót của Trùng Dương vừa vang lên thì
chỉ trong khoảng khắc, tiêu và giọng đàn tranh liền ngưng bặt lập tức,
cả khoảng thời gian sau cũng chẳng nghe thấy nhạc điệu của tiêu tranh
tấu tiếp.
Trùng Dương không khỏi đắc ý cười lên ha hả.
Tiếng cười chưa dứt khỏi vành môi, từ dưới chân núi bỗng có
tiếng động lạ vang lên xào xạt, như tiếng tầm ăn dâu, lại mường tượng
như tiếng sóng biển lách tách vỗ vào bờ cát.
Trùng Dương phải ngạc nhiên, vội đứng dậy dùng nhãn lực đặc
biệt, nhìn xuống núi, thấy trên mấy mươi lằn dài đen thui thủi, ngoằn
ngoèo bò lên.
Trùng Dương tự nhủ trong lòng :
- Hừm ! Thật là hay cho gã Âu Dương Phong này chẳng biết xấu hổ chút nào, y lại giục rắn tràn lên tấn công nữa kìa !
Chẳng ngờ lần này chàng chỉ đoán trúng được có phân nửa. Vì lần
này tuy Âu Dương Phong dục trận rắn lên núi thật, nhưng bầy rắn vô số
con nên ngoằn ngoèo kết thành hàng lối kia từ dưới triền núi bò lên, chỉ bao vây khắp chung quanh ngọn đỉnh mà Trùng Dương đang đứng, mà không
hề xông xáo tới tấn công.
Trùng Dương hết sức ngạc nhiên, không hiểu Âu Dương Phong dùng Xà trận bao vây chàng vào giữa định giở trò gì đây ?
Trong lúc chàng còn phân vân chưa quyết thì Xà trận đã bày xong
hàng ngũ đang bao vây xung quanh, bỗng dưng xao động lên và tiến gần đến vị trí của Trùng Dương độ mười lằn tên.
Bầy rắn ấy tự động kết thành mấy mươi cái vòng tròn từng lớp,
từng lớp bao quanh khắp trong ngoài, đầu của chúng ngốc cao ngoắc qua
ngúc lại, rít gió không ngớt.
Tức thì trong khoảng khắc thời gian sau, từng trận hơi tanh nồng nặc vần vũ bay lên đỉnh núi.
Trùng Dương thất sắc bàng hoàng thầm nhủ trong lòng.
- A ! Té ra y dùng Xà trận phun khí độc để đối phó ta, nhưng y
đâu biết rằng ta đã tinh thông nội điển, có thể nhịn thở hấp thụ chân
khí bên trong, đâu có thể bị y hãm hại được ?
Loại độc xà trừ ra dùng nọc độc cắn chết người, còn có thể phun
hơi thổi độc ra ngoài. Người phương Nam nước Tàu có một câu thành ngữ :
"Không phải rắn độc, không thổi sương mù". Đủ thấy nếu
không phải là rắn độc thì không có thể phun hơi mù ra được. Nơi miền cao nguyên núi thẩm ở Vân Nam, Quế Châu thường có âm phong độc chướng, trừ
những thảo vật thúi nát từ dưới khe rãnh bốc lên còn cả hơi rắn độc lẫn
trong ấy. Hơi mù của một con rắn độc có hạn, nhưng hơi độc của mấy vạn
con rắn kết tụ lại thì khác hẳn, vì đã thành ra một đám sa mù dày đặc
bằng độc khí tanh hôi nặc nồng.
Trùng Dương thìn thấy đám mây độc chướng mù mịt khắp trời đất,
vần vũ bay đến kết thành từng vầng sa mờ lập lòe ánh sáng màu hồng sẫm
bay thẳng lên sơn đình, tuy trời đang lúc gió Đông vùn vụt, hơi lạnh
buốt xương cũng không thổi tan được vầng mây độc chướng ấy.
Trùng Dương liền hiểu ngay là khi Âu Dương Phong hoạn dưỡng loài rắn, đã trộn trong thức ăn của loài rắn một thứ độc dược đặc biệt nên
hơi mới kết tụ và không tan như thế.
Trùng Dương lập tức ngồi xếp bằng trên mặt đất, thò tay vào túi
móc ra một thứ thuốc trị độc thoa lên lỗ mũi, nín hơi tịnh khí để đối
kháng lại với độc khí đầy trời kia .
Trong lúc Trùng Dương dùng nội công nhịn thở nín hơi để chống
với đám mây sa mù độc thì từ dưới chân núi xa xa hiện lên một bóng
trắng, người cao lớn từ từ đến gần.
Trùng Dương liền hiểu ngay, người đến kia là Âu Dương Phong chứ chẳng ai xa lạ.
Chàng để ý nhìn kỹ quả đúng như y liệu, Tây Độc đang gầm đầu rảo bước, mình mặc chiếc áo nhiễu đoạn xanh, trên vai quấn mấy con rắn mãng xà lốm đốm hoa đỏ, nằm vắt vẻo qua cây đàn thiết tranh mang trên người, chập chờn bước thấp bước cao xuyên qua Xà trận mắt lộ hung quang, miệng cười hiểm độc, lấp la, lấp ló, rướn cổ xem chừng phía trên.
Trùng Dương thấy y không mảy may sợ hãi hơi độc của đám rắn, chàng sực nghĩ được một mưu sâu :
- Y tưởng ta đang bận tịnh hơi nhịn khí, là không thể sử dụng được Nhất Dương Chỉ. Tốt lắm, để ta hại y một keo cho y tởn mặt !
Đúng như sự dự đoán của Trùng Dương, Âu Dương Phong tự hiểu mình võ công không địch nổi đối phương, quyết nhiên không sao đoạt được Chân kinh về mình, nên dùng lời lẽ khích tướng, bắt Trùng Dương phải chấp
thuận điều kiện bảo thủ Cửu Âm Chân Kinh để mình tha hồ vận dụng kế mưu
hầu mong chiếm đoạt chân kinh về mình.
Ban đầu y ẩn phục bên một ngọn đồi cát cách đỉnh Hoa Sơn không
xa , dùng sự khéo léo của tiếng đàn tranh để uy hiếp tinh thần Trùng
Dương khiến chàng phải tẩu hỏa nhập ma.
Như vậy, y có thể giơ tay ra mà đở nhẹ quyển Chân Kinh một cách dàng như thổi tro trong bếp.
Ngờ đâu định lực của Trùng Dương rất thâm hậu, hoàn toàn không
bị đàn tranh mê hoặc, đang lúc y thất vọng, vừa lúc ấy Hoàng Dược Sư ở
ngọn đồi kế bên cũng tấu ống ngọc tiêu lên, hợp với tiếng tranh của mình để tấn công Trùng Dương, y hết sức đắc ý trong lòng, tưởng thế nào
Trùng Dương cũng chịu lép.
Chàng ngờ Trùng Dương được Hồng Thất Công ngầm chỉ điểm vận đầy
chân khí rú lên một tiếng thanh thót, vang tận cửu tiên, khiếp đảm lòng
người.
Âu Dương Phong bất thần bị giật mình, ngón tay trái đang bấm lên giây "vũ", mất đi tự chủ hất mạnh một cái, khiến sợi giây vũ liền "bực
!" một tiếng và đứt ngay !
Cung đàn đã đứt phím, điệu tiêu cũng ngưng ngay.
Âu Dương Phong thẹn quá thành giận, vì tự hiểu nội công của mình không sao bì lại đối phương, định lực cũng chẳng bằng, trong lúc cùng
đường túng ý, Tây Độc chợt loé lên một mưu lược trong đầu, y nhớ đến
phương pháp hà hơi độc hại của bầy rắn mình.
Y lập tức quày trở ra sau núi, phát ra hiệu lịnh đặc biệt, chiêu tập đoàn rắn vây chặt ngọn núi nơi Trùng Dương đang ngồi, sau đấy mới
sai khiến bọn chúng phun sa mù độc .
Âu Dương cũng biết là sa mù độc khí không sao hại nổi một người
có nội công thâm hậu như Trùng Dương, chẳng qua trong lòng y còn mang
một ý nghĩ thâm độc khác là nếu Trùng Dương nhịn thở định khí để chống
lại mùi hơi độc của bầy rắn, thì nhất định chàng không sao sử dụng được
nội gia cương khí ra được.
Nói một cách khác là công phu Nhất Dương Chỉ tối ư lợi hại của
chàng không thể nào thi thố ra được. Và như vậy y có thể nhân cơ hội
đoạt lấy Cửu Âm Chân Kinh rồi !
Trong bụng đinh ninh một sự thành công chắc mèm như thế, Dương
Phong hí hửng xuyên qua Xà trận rảo bước nhanh chân để trèo dần lên sơn
lãnh.
Trùng Dương cố ý nhắm mắt xui mày vờ như đang nhịn hơi nín thở
để đối kháng với độc khí của bầy rắn, và những hành động của Âu Dương
Phong dường như chẳng chút hay biết.
Âu Dương nhìn thấy Trùng Dương thần sắc khác thường như thế, hết sức cao hứng, trong bụng như mở cờ, đắc ý cười thầm lấy mình :
- Họ Vương ơi, hôm nay thì tự mi lựa lấy cái chết, hừm ! Hừm !
Cửu Âm Chân Kinh, vật vô gía kia kể từ nay là thuộc về sở hữu của Âu mỗ
vậy !
Âu Dương Phong lúc lắc cây đàn tranh ra chiều thích ý, nghênh
ngang tiến bước lên ngọn núi, đi thẳng đến chỗ Trùng Dương đang ngồi,
còn cách Trùng Dương Chỉ độ bảy tám trượng xa nữa, thì bất thình lình
Trùng Dương bỗng mở to đôi mắt ra quắc nhìn Âu Dương Phong trên môi lại
nhẹ mỉm cười.
Âu Dương Phong biết rõ là chuyện chẳng lành, định quay lưng
chuồn thẳng, nhưng làm sao kịp nữa, nghe nổ lên hai tiếng "ầm !" "âm !"
như trời long đất lở.
Dương Phong chưa kịp hoàn hồn nhìn kỹ thì nơi chỗ triền núi y
đang đứng, bỗng dưng tụt xuống, cát đất lăn tuôn rào rào, đá vụn bay tứ
tung khắp đầu cổ mặt mày, một khoảng đất núi đá cát trên bảy tám trượng
vuông, lở đổ lăn lông lốc xuống ngay Xà trận khiến bầy rắn cấp thời bị
xáo trộn dử dội bò chạy loạn xị cả lên .
Thì ra kình lực Nhất Dương Chỉ của Trùng Dương, là một môn công
phu căn bản của hỗn khí nguyên tiên thiên của toàn thân, phối hợp nội
ngoại ngũ hành và luyện thành, không vì sự nhịn hơi tịnh khí mà chẳng
phát ra được.
Âu Dương lầm tưởng chàng bị vây khốn giữa đám sa mù độc khí thì
không còn hơi sức đâu để phát ra uy lực của Nhất Dương Chỉ, thật là một
sự sai làm hoàn toàn.
Trùng Dương đợi cho Âu Dương Phong đạp vào phạm vi uy lực của Nhất Dương Chỉ, là chàng tức khắc
dùng ngay cái mạnh nhất trong Nhất Dương Chỉ là Bích Lịch công
làm cho một khoảng đất nơi Âu Dương Phong đang đứng bị nứt lở ra và tụt
rơi xuống núi, mang theo cả một số lượng cát đá lăn đổ ào ào theo dốc
núi, tấn công luôn bầy rắn độc.
Âu Dương Phong cũng bị sức mạnh Nhất Dương Chỉ hất văng, lộn mèo như trái cầu quay tròn giữa không trung, tợ đám mưa đá cát kia rơi lông lốc xuống triền núi.
Nhưng dù sao y cũng là tông sư một phái của miền Tây Vực, tuy bị sẩy chân té, nhưng tâm thần không vì thế mà rối loạn. Y chờ còn cách
mặt đất độ hai trượng, liền trân mình gượng lại, cho trọng lực của thân
hình nhẹ hẫng để sức rơi từ từ chậm lại.
Tây Độc gấp rút lột chiếc đàn tranh sau lưng ra điểm nhẹ lên một cục đá nhô ra trên triền núi mượn sức của cái điểm ấy lộn nhào người về một phía, hai chân nhẹ nhàng dẩm lên một khoảng đất bằng phẳng. Tuy vậy Y cũng hoảng hốt đến mồ hôi lạnh toát ra ướt cả áo.
Tây Độc bị thêm vố ấy, không còn lòng dạ nào dám ở lại đối chọi
với Trùng Dương nên y huýt lên một hồi lo triệu tập đoàn rắn còn lại của mình lủi đi một nước.
Từ đấy y đã hoàn toàn khiếp phục Trùng Dương sát đất, ngẫm lượng sức mình thua Trùng Dương một trời một vực, dù có lao tâm tỗn trí, dụng hết tâm cơ, kết quả rồi cũng thế mà thôi .
Tây Độc thất thiểu dẫn bầy rắn độc lui qua ngọn núi cách bên để chờ kết quả cua bảy ngày so tài giữa Ngũ Bá võ lâm .
Trùng Dương suốt nửa ngày trời liên tiếp phải sử dụng Nhất Dương Chỉ, nguyên khí và tinh lực trong người đã tiêu hao rất nhiều tuy không đến mức độ tổn thương nhưng cũng bải hoải tinh thần lẫn thể xác không
còn hơi sức đâu đứng dậy nỗi .
Nếu lúc này mà Hồng Dược Sư, Hồng Thất Công, Đoàn Hoàng Gia
trong ba người bất kỳ là ai tiến lên tấn công thì quyển Cửu Âm Chân Kinh trước mặt Trùng Dương, hiện tại sẽ thuộc về kẻ ấy ngay.
Rất may là lúc nãy chàng biểu diển qua Bích Lịch công trong Nhất Dương Chỉ không những hạ được Âu Dương Phong mà còn ngăn chận được tinh
thần của ba người còn lại, nên chẳng có ai dám lên núi tấn công thêm nữa.
Nhờ vậy đến sáng hôm sau Trùng Dương đã khôi phục được phân nữa
tinh thần và sức lực, chàng ngẫng đầu lên trời, thở phào một hơi nhẹ
nhõm.
Mặt trời vừa lên khỏi ngọn núi thì Hoàng Dược Sư và Đoàn Hoàng Gia song song đi lên núi.
Hoàng Dược Sư vái chào Trùng Dương xông lên nói :
- Đêm qua Vương Chân Nhân hiển lộng tuyệt kỹ Nhất Dương Chỉ,
Hoàng Dược Sư tôi hết sức khâm phục nhưng vì tôi chưa lãnh hội được tất
cả uy lực Nhất Dương Chỉ của các hạ, nên mạo muội lên đây để xin chỉ
giáo thêm !
Trùng Dương thầm kêu khổ trong lòng vì suốt đêm qua, chàng phải
liên tiếp áp dụng bảy tám lần công phu Nhất Dương Chỉ, đã đến lúc chàng
cần phải nghỉ ngơi để phục hoàn nguyên khí trở lại. Nếu giờ đây Hoàng,
Đoàn hai người đem toàn sức ra tấn công thì quyển Cừu Âm Chân Kinh đang
để trước mặt kia, khó mà giữ gìn cho được.
Chàng nhìn thấy Hoàng Dược Sư đứng xa nhìn, trên hai trượng vuông , để nói chuyện chứ không dám tiến gần.
Trùng Dương thầm hiểu y có chiều nể nang uy lực Nhất Dương Chỉ của mình, chàng không khỏi cười lên ha hả vả nói :
- Dược huynh muốn tôi cắt nghĩa rành rẽ Nhất Dương Chỉ là loại công phu gì, hay là muốn tôi một lần nữa múa rìu qua mắt thợ !
Hoàng Dược Sư chẳng cần suy nghĩ đáp ngay :
- Chúng tôi đã là kẻ chiến bại hoàn toàn xin chịu thua Vương
huynh, chức vị Thiên Hạ Võ Lâm Nhất Bá rất xứng đáng phần Vương huynh
chứ không chối cãi vào đâu được. Nhưng chẳng qua trong bảy ngày so tài
vừa qua, chúng tôi cảm thấy uất ức không chịu được, nên muốn lãnh giáo
thêm Nhất Dương Chỉ của Vương huynh. Lần nầy mà thua nữa thì chúng tôi
cam đành chịu phục mà trở về ngay.
Trùng Dương nghe nói xong mới yên lòng vì Đào Hoa Đảo Chủ đã
biểu lộ lòng dạ của y đối với chàng, không có ý thù địch. Nhưng khổ nỗi
tinh lực của chàng chưa khôi phục, dù muốn biểu lộng một pha thần công
như lần đuổi chạy Âu Dương Phong vừa rồi cũng không còn hơi sức đâu mà
làm, chàng sực nghĩ ra được một linh ý, bèn nói với Hoàng Dược Sư :
- Dược huynh, Phách Không Chưởng của Dược huynh đã tự tạo cho
mình một sắc thái riêng biệt, thiên hạ không ai địch lại, chúng ta cũng
nên thử một phen cho biết !
Hoàng Dược Sư dửng dưng đáp :
- Xin tuân mạng !
Trùng Dương lại nói :
- Đây là chiếc hộp đựng Cửu Âm Chân Kinh, trọng lượng rất nhẹ, bần đạo dùng công phu Nhất Dương Chỉ giữ chiếc hộp lại.
Dược huynh vận dụng Phách Không Chưởng từ khoảng xa đẩy tới, nếu Dược huynh có thể đẩy được chiếc hộp xê dịch ra ngoài được nửa phân,
thì bần đạo xin hai tay dâng Chân Kinh lên cho Dược huynh.
Lời nói của chàng tuy ôn hòa trầm tĩnh, nhưng cũng đủ làm cho
Hoàng Dược Sư mà đến Hồng Thất Công và Đoàn Hoàng Gia đều ngẩn ngơ suy
nghĩ.
Vì rằng Phách Không Chưởng Pháp của Hoàng Dược Sư, trong bảy
ngày giao đấu nhau mọi người đều có thưởng thức qua, thế công tuy chậm
rãi nhưng sức mạnh tuyệt cùng.
Trùng Dương tuy có dùng Nhất Dương Chỉ giữ được chiếc hộp là
cùng , làm sao lại có thể cản trở Phách Không Chưởng không cho chiếc hộp xê dịch nơi khác được, trừ phi là chuyện hoang đường và Trùng Dương có
phép thuật thì không kể.
Hoàng Dược Sư không dằn được cười nhạt và hỏi :
- Vương Chân Nhân, lời của ông có thật chăng ? Chẳng hối tiếc chứ ?
Trùng Dương cười lớn đáp :
- Dược huynh tôi và ông đâu phải chỉ mới gặp nhau lần này, sao lại có chuyện nói chẳng giữ lời bao giờ ?
Chẳng qua tôi cần phải thanh minh thêm cho rõ ràng là trong lúc
hai ta kẻ tranh người giữ, không nên có người thứ ba xen vào, và ông chỉ được dùng đơn độc công phu Phách Không Chưởng chứ chẳng thể dùng thủ
đoạn nào khác !
- Phách Không Chưởng của ta không trúng nổi ngươi nhưng chẳng lẽ lại không nhích động nổi chiếc hộp nhẹ nhàng kia sao ? Cần gì phải nhờ
tay người khác giúp đở. Công phu Phách Không Chưởng đã là một tuyệt kỹ
quán thế vô song, đâu đến đỗi phải dùng công phu khác hỗ trợ mới thắng
được hay sao ?
Trùng Dương lại nói :
- Tốt lắm ! Mời Dược huynh ra tay đi thôi !
Chàng vẫn y theo thế ngồi xếp bằng cũ, cung ngón tay cái bên bàn tay phải lại chỉa thẳng trở xuống, cách mặt hộp độ hai tấc ngoài.
Hoàng Dược Sư chẳng nói năng gì, hai chưởng là là trên mặt đất,
tức thì có một ngọn cuồng phong xoáy vụt lên bay thẳng đến đẩy mạnh vào
chiếc hộp chân kinh.
Kể ra cũng lạ, khi ngọn kình lực Phách Không Chưởng bay tới,
chiếc hộp sừng tê giác mong manh kia chỉ hơi phập phều một chút rồi bình lặng trở lại, chẳng di động một ly nào.
Tha hồ cho Hoàng Dược Sư tận dụng tất cả sở năng của Phách Không Chưởng đẩy bên hữu rồi quét bên trái, rốt cuộc rồi chiếc hộp vẫn nằm ỳ
một chỗ không chút động đậy gì cả.
Lần thử sức này có thể nói là Trùng Dương đánh một ván bài liều
lĩnh và quyết định, vì sau khi giao đấu với Âu Dương Phong, nguyên khí
trong bản thân đã bị hao tổn rất nhiều. Do đấy, Nhất Dương Chỉ cũng bị
ảnh hưởng có phần nào yếu kém hơn lúc đầu.
Nếu thật sự cùng Phách Không Chưởng của Hoàng
Dược Sư va chạm nhau, chắc chắn là không thể thủ thắng được.
Nhưng Trùng Dương rất khôn khéo, nghĩ ra cách thức giao đấu như
thế. Chàng dùng ngón tay cái bên tay phải giữ cứng chiếc hộp Chân Kinh
bằng kình lực Nhất Dương Chỉ .
Mà Nhất Dương Chỉ trong phạm vi một thước trở lại thì uy lực
phát ra rất trầm mạnh dù rằng đang lúc cực kỳ mệt mỏi cũng có thế giữ
được một sức mạnh tương đối, huống hồ Trùng Dương đã khôi phục được năm
thành công lực rồi !
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT