Tôi đã đi theo nhà ảo thuật Ali K3 trình diễn ở một số tỉnh miền Nam. Anh
không phải là một nhà ảo thuật tài ba nhưng anh nói chuyện rất tài ba. Khi biết
tôi rất mê ảo thuật và năn nỉ anh cho theo học nghề, anh nói: Cậu biết phần "ảo"
được rồi, biết phần "thuật" cậu sẽ không còn mê ảo thuật nữa. Vả lại, cậu đã
rành làm trò ảo thuật với chữ nghĩa rồi, học thêm nghề này làm chi. Tôi không
muốn từ bỏ một đam mê đẹp nên đành không học nghề ảo thuật nữa.
Truyện này đáng lẽ có tên "Tình yêu ảo thuật" nhưng như thế thì thật dài
dòng. Tôi rút gọn là "Tình ảo" cho nó có vẻ hư... ảo.
*
* *
Tình cờ đi ngang qua rạp hát thị xã, tôi thấy tấm bảng quảng cáo vẻ hình một
người đàn ông đang cưa một cái hòm, có đầu và hai chân của một cô gái thò ra.
Phía trước có dòng chữ: Đệ nhất ảo thuật gia Z.30. Tôi bủn rủn tay chân. Không
phải hình vẽ ghê rợn đó, mà vì lâu lắm tôi mới có dịp xem ảo thuật.
Tôi vốn mê ảo thuật từ nhỏ. Năm tám tuổi tôi đã trốn nhà đi theo làm đệ tử
một ông thầy diễn trò ảo thuật ở Sài Gòn. Học được 4 tháng, ba tôi tìm được, bắt
về, đánh tôi một trận bầm mình. Lần đó, nếu ba để tôi tiếp tục theo học, chắc
tôi đã trở thành Đệ nhất ảo thuật gia của thị xã này. Bởi lòng đam mê của tôi
lúc đó đối với ảo thuật là một đam mê lớn. Làm bất cứ việc gì với đam mê lớn,
tôi tin người ta cũng sẽ thành công. Không vĩ đại thì cũng nhỏ bé.
Ba tôi bắt tôi học chữ, học đánh máy, học vâng lời cấp trên để trở thành một
công chức gương mẫu. Nhưng ngọn lửa đam mê ảo thuật vẫn âm ỉ cháy. Thật đáng
tiếc chương trình biểu diễn ảo thuật đã ngày càng hiếm. Khán giả ngày nay tinh
khôn hơn ngày xưa nên khó "mà mắt" họ. Trò ảo thuật sẽ chết nếu cái "ảo" bị
phanh phui. Riêng tôi vẫn yêu ảo thuật như yêu mối tình đầu ngu ngơ của
mình.
Buổi chiều, tôi ăn cơm sớm rồi nôn nóng đến rạp mua vé vào xem. Trong rạp
nóng bức, khán giả còn vắng. Chỉ có con nít đứng lô nhô ở các lối đi. Tôi chọn
một ghế ngồi sát sân khấu. Hơn một giờ sau mới mở màn. Bắt đầu là phần ca nhạc.
Một cô ca sĩ mặc một bộ quần áo đỏ, lấp lánh kim tuyến vàng, bước ra nhún nhảy.
Cô vừa nhảy vừa gào nghe nhức óc, chóng mặt. Vậy mà tiếng vỗ tay lại vang lên
rần rần. Tôi chỉ mong phần ca nhạc sớm chấm dứt.
Phần biểu diễn ảo thuật của Z.30 bắt đầu. Một người đàn ông cao nhòng, mặc áo
đuôi tôm màu đen, tay cầm can, bước ra sân khấu giở mũ chào khán giả. Tóc ông
bạc trắng và khán giả cười ồ. Mặc ông bôi phấn trắng, hai bên má có hai đồng
tiền màu đỏ trông như một anh hề. Z.30 biểu diễn trò thắt nút cột chặt hai khăn
tay rồi giũ một cái, hai chiếc khăn bung ra. Trò ném những quả bóng ping-pong
biến mất. Trò bốn lá bài toàn quân 10, tráo qua tráo lại thành con bồi, đầm,
già, xì... Tất cả những trò đó tôi đã học qua khi còn bé nên chẳng còn thấy hấp
dẫn và tôi che miệng ngáp.
Hai người đàn ông khiêng bốn cái đôn nhỏ ra đặt ở giữa sân khấu, rồi họ
khiêng một cái hòm sơn đỏ đặt lên trên. Một cô gái khoảng 18 tuổi, mặc quần áo
thể dục nhịp điệu màu xanh, đi bằng hai tay từ hậu trường ra sân khấu. Em uốn
người đứng dậy, cúi chào khán giả. Hai bím tóc dài của em thắt nơ đỏ, buông
thõng phía trước ngực. Em đến mở nắp hòm, nhảy vào nằm gọn lỏn như một con mèo.
Khán giả chỉ thấy đầu và hai chân em thò ra ngoài cái hòm đỏ. Z.30 đến đậy nắp
hòm. Ông lấy một cái cưa lưỡi sáng quắc, cưa thử một thanh gỗ gãy đôi. Đèn quanh
sân khấu đột nhiên tắt.
Một luồng ánh sáng màu đỏ chiếu thẳng vào cái hòm đỏ. Người đàn ông bắt đầu
cưa ngang cái hòm. Tiếng lưỡi cưa ăn gỗ được khuếch đại làm khán giả nổi da gà.
Lưỡi cưa đi qua nắp hòm rồi từ từ xuống thấp. Đèn chiếu về phía đầu cô gái. Em
bắt đầu ca một bài vọng cổ trong tuồng Phạm Công Cúc Hoa. Lưỡi cưa vẫn tiếp tục
đi hết bề ngang cái hòm. Cô gái vẫn tiếp tục ca đến hết bài vọng cổ. Khán giả vỗ
tay ào ào và tôi là người vỗ tay hăng say nhất. Đèn tắt rồi bật sáng. Cô gái đã
đứng bên Z.30 cùng cúi chào khán giả.
Phần ảo thuật chấm dứt, tiếp tục là ca nhạc. Tôi đứng dậy đi ra ngoài. Theo
một con đường nhỏ bên hông rạp hát, tôi đi đến phòng của các diễn viên ở phía
sau sân khấu. Lòng đam mê ảo thuật trong tôi bừng dậy, tôi muốn gặp người đàn
ông xin đi theo học nghề. Bây giờ tôi đã lớn, ba tôi chẳng thể ngăn cản tôi.
Ở góc phòng, Z.30 đang thu xếp dụng cụ có cô gái phụ giúp. Lúc này khuôn mặt
ông đã lau sạch lớp phấn nên tôi nhìn thấy rõ vết sẹo ở gò má trái. Tôi đứng
chưng hửng trong giây lát rồi bật kêu lên:
- Thầy Ban.
Người đàn ông ngừng tay, đứng nhìn tôi. Trong khi ông nhíu mày suy nghĩ, tôi
chạy đến nắm chặt tay ông.
- Thầy không nhớ con sao? Con là Trịnh Đen đây. Ngày xưa thầy đã đặt tên cho
con là Thanh Trịnh.
Người đàn ông cười ha hả vỗ vai tôi:
- Nhớ rồi. Cậu học trò bất đắc dĩ đã bỏ tôi.
Rồi ông quay qua giới thiệu cô gái:
- Đây là Thanh Ly. Chắc cậu không nhớ nó, vì hồi cậu bỏ học nó mới có hai
tuổi. Còn đây là học trò cũ của ba.
Cô gái nhìn tôi mỉm cười chào và tôi cũng mỉm cười theo. Tôi mời thầy Ban và
Thanh Ly đi ăn mì vịt tiềm - món ăn đặt biệt của thị xã. Họ đồng ý. Tôi phụ dọn
dẹp đồ nghề cho nhanh rồi chúng tôi cùng đi xe lôi ra bờ sông.
Về đêm, hàng quán ở dọc bờ sông rất đông khách. Mọi người tránh cái nóng ở
thị xã, ra đây đón ngọn gió mát từ mặt sông thổi lên. Chúng tôi ngồi ở một cái
bàn tròn kê trên bờ đá. Mặt nước dập dềnh cách chân chúng tôi hơn một thước.
Thanh Ly xõa mái tóc dài ngang vai. Em mặc áo thun trắng có hình con cá sấu ở
phía trái tim. Thầy Ban mặc áo sơ mi màu nâu nhạt, miệng ngậm ống vố. Chẳng còn
ai nhận ra họ là diễn viên ảo thuật. Tôi nói:
- Tại thầy đổi tên Thanh Ban, nếu không con đã tìm thầy từ hồi sáng.
Thầy Ban cười:
- Cái tên đó hết ăn khách rồi. Tôi phải đổi tên là Z.30 và con nhỏ này là
Z.31, nghe cho có vẻ bí ẩn. Còn cậu bây giờ làm gì?
- Dạ, làm nhân viên kế toán.
- Có nghề nghiệp ổn định là tốt. Tôi mong cho con tôi cũng có một nghề ổn
định như cậu, nhưng nó không chịu.
Thanh Ly liếc nhìn ba, nói:
- Ba bắt con học nghề may, ai mà ham.
- Chứ con muốn học nghề gì?
- Nghề ảo thuật.
Thầy Ban cú nhẹ lên đầu cô con gái:
- Theo nghề này chỉ khổ.
Thấy hai cha con thầy Ban đang vui vẻ, tôi hỏi:
- Lâu nay thầy có nhận ai làm đệ tử?
- Nghề này càng ngày càng khó kiếm tiền, nên không có ai ham học.
- Vậy con xin thầy nhận lại con làm đệ tử.
Thầy Ban trợn mắt nhìn tôi:
- Cậu nói thiệt hay nói chơi?
- Dạ thiệt. Bây giờ con đã lớn và có quyền quyết định.
- Cậu có quyết định đó từ khi gặp tôi hay gặp con nhỏ này?
Tôi đỏ mặt lúng túng nói:
- Dạ... gặp cả hai.
Thầy Ban mỉm cười rồi nghiêm mặt nói:
- Được, tôi cũng già rồi. Cậu có thể thay tôi diễn với con nhỏ.
Đang cắn cái đùi vịt tiềm, Thanh Ly vội bỏ xuống, lắc đầu quầy quậy.
- Không được đâu.
Thầy Ban hỏi:
- Sao vậy? Con tính độc diễn à?
- Ngó tướng ảnh "ạch đụi" quá. Diễn chung con sợ sẽ bị cưa thành hai
khúc.
Thầy Ban bật cười rồi ho sặc sụa. Tôi tự ái nói:
- Em đừng coi thường. Xem tôi biểu diễn ảo thuật nè. Tôi chỉ cần đọc một câu
thần chú, tô mì trước mặt em sẽ biến thành hai tô.
- Xí! Anh mà diễn được, tôi sẽ chịu diễn chung với anh.
Tôi nhắm mắt lại lầm bầm đọc một câu thần chú, rồi mở mắt ra hét lớn:
- Này chủ quán, cho một tô mì ăn thêm.
Và trước mặt Thanh Ly đã có thêm một tô mình còn bốc khói.
Thầy Ban vỗ tay:
- Cậu diễn vai hề được lắm. Vai đó rất ăn khách.
Ăn uống xong, tôi đưa hai người về khách sạn, nơi họ tạm trú trong thời gian
biểu diễn ở thị xã. Tôi hẹn sáng mai sẽ đến đón họ đi thăm các thắng cảnh ở
đây.
Sáng hôm sau khi tôi đến khách sạn, thầy Ban không đi được vì bận công việc
đột xuất. Thầy nói tôi dẫn Thanh Ly đi chơi và nhớ trở về rạp hát lúc 3 giờ
chiều để diễn tập trò mới.
Tôi chở Thanh Ly bằng xe Honda chạy một vòng quanh thị xã cho em biết. Thị xã
nhỏ bằng bàn tay nên 15 phút sau chúng tôi đã trở về chỗ cũ. Tôi dắt xe cùng em
đi ghe máy qua sông, về làng quê ngoại. Nơi có nhiều vườn trái cây chắc sẽ làm
em thích.
Dọc theo hai bên đường làng là hai con mương nước đục ngầu phù sa. Cây trái
mọc lên xanh um. Thỉnh thoảng có tiếng trái chín rụng xuống mương kêu lõm bõm.
Nhà ngoại tôi không có cổng vì quanh đây đều là người họ hàng. Tôi phóng xe vào
đến thềm nhà. Con chó vàng chạy ra sủa ầm ĩ rồi ngoắc ngoắc đuôi khi nhận ra
người quen. Ngoại tôi hơn 70 tuổi, nhưng dáng người còn khỏe mạnh. Bà đứng ở cửa
nheo mắt hỏi:
- Thằng Tư đó hả?
Tôi chạy đến ôm chầm lấy bà rồi nói:
- Dạ. Còn đây là bạn gái của con ở Sài Gòn mới xuống.
Thanh Ly cúi đầu chào bà. Bà nói:
- Cha! Chắc trời sắp mưa to vì có khách ở Sài Gòn đến chơi. Có trái mít chín
cây ngoại mới hái xuống đó, thằng Tư mang ra mời khách.
- Dạ. Ngoại cứ để đó cho tụi con.
Tôi dắt Thanh Ly ra vườn phía sau nhà. Những cây mận đầy trái chín đỏ làm em
thích thú, nhảy lên với hái bỏ vào miệng nhai.
- Ngọt quá. Ước chi nhà em cũng có được cây mận như vầy.
- Cả vườn mận này là của em, nếu em chịu ở lại đây.
Thanh Ly tròn xoe mắt nhìn tôi:
- Anh nói gì em không hiểu?
- Tôi muốn nói ngoại cho tôi miếng vườn này, nhưng ở một mình buồn quá nên
tôi không nhận.
- Sướng thí mồ mà anh còn chê.
- Thì chính em cũng chê nữa mà.
- Em chê hồi nào đâu?
- Vậy là em chịu ở lại đây với tôi há?
Như chợt hiểu ra điều tôi muốn nói, Thanh Ly đỏ mặt cúi đầu.
- Em không thể bỏ ba má ở Sài Gòn. Em phải giúp ba kiếm tiền nuôi gia
đình.
- Vậy tôi sẽ theo giúp em một tay.
Thanh Ly bỏ chạy quanh gốc mận, tôi vội đuổi theo em và chúng tôi cùng cắn
chung một trái mận chín. Đấy là trái mận ngon nhất mà tôi được ăn từ trước tới
nay.
Gần 3 giờ chiều tôi chở Thanh Ly về rạp hát để tập dượt trò ảo thuật mới.
Thầy Ban ngồi đợi chúng tôi trên sân khấu vắng người. Thầy báo cho biết đêm nay
là buổi biểu diễn cuối cùng ở đây. Sáng nay, chủ thầu họp cho biết vé bán không
hết, họ không dám thuê đoàn diễn tiếp hai đêm nữa. Mặt Thanh Ly buồn xo, tôi
cũng buồn xo, nhưng rồi tôi vui vẻ ngay khi nghĩ sẽ theo Thanh Ly về Sài Gòn
sớm.
Thầy Ban tập trò chim bồ câu rút lá bài, con bọ trắng từ trong túi chui ra.
Thanh Ly tập trò người bay. Trò này rất công phu nên mặt em lấm tấm mồ hôi.
Đêm ấy, tôi bồn chồn đi lại ở trong phòng đợi mà không vào rạp hát. Không gì
chán bằng xem ảo thuật mà mình đã biết rõ phần "ảo". Còn ca nhạc thì tôi không
ham.
Hai cha con biểu diễn xong, tôi lại phụ giúp thu xếp đồ nghề vào những thùng
gỗ. Tôi mời hai người đi ăn bồi dưỡng.
Thầy Ban bị mệt, nên phải về khách sạn nghỉ để mai đi sớm. Thầy nói nếu tôi
đã quyết định học nghề thì sáng mai theo thầy lên Sài Gòn. Còn nếu chưa thu xếp
xong công việc thì lên sau cũng được. Thanh Ly sẽ cho tôi biết địa chỉ nhà
thầy.
Tôi chở Thanh Ly đến quán mì vịt tiềm đêm qua. Đêm nay gió thổi mạnh nên mặt
sông nổi những dợn sóng. Thanh Ly phải xin một sợi dây thun để cột mái tóc vì
gió thổi bay những sợi tóc dài vào miệng em.
Ăn mì xong, tôi gọi hai ly chè bưởi. Khum tay che gió đốt một điếu thuốc, tôi
nói:
- Vì phải bàn giao công việc, chừng đầu tháng sau tôi mới lên Sài Gòn được.
Em hãy ghi địa chỉ, tôi sẽ tìm đến.
Tôi đưa cho Thanh Ly cây viết và tờ giấy. Em cầm lấy và vẽ những vòng tròn từ
nhỏ đến lớn.
- Em biểu diễn trò ảo thuật à?
Thanh Ly lắc đầu:
- Em ghi những con số 0.
- Tại sao vậy?
- Anh còn nhớ trái mận chín chúng ta ăn chung ở vườn? Chính ở đó trái mận mới
ngọt. Lên Sài Gòn nó sẽ lạt nhách.
- Ai biểu em ăn mận ở Sài Gòn làm chi. Khi nào thèm, em hãy xuống đây.
- Dạ, khi nào thèm em sẽ xuống đây, với điều kiện anh phải ở đây.
- Tôi rất muốn đi theo ba em học nghề. Tôi rất mê trò ảo thuật.
- Anh thấy đó, trò ảo thuật nào cũng hấp dẫn khi người ta chưa biết mặt trái
của nó, biết rồi trò nào cũng dở. Em nghĩ tình yêu cũng vậy.
- Em bị méo mó nghề nghiệp rồi. Tình yêu không phải như vậy. Càng hiểu biết
nhau, người ta càng yêu nhau hơn.
- Càng ghét nhau hơn thì có.
Thanh Ly tháo sợi thun cột tóc. Gió thổi mạnh làm bay những sợi tóc che khuất
khuôn mặt em. Tôi nói:
- Thôi, không bàn cãi lôi thôi nữa. Để tôi chở em về khách sạn. Tôi sẽ hỏi ba
em địa chỉ.
- Cám ơn anh. Hãy để em đi xe lôi về một mình. Chia tay ở quán ăn bao giờ
cũng dễ dàng hơn chia tay ở những nơi khác.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT