Cô uể oải rời khỏi tòa nhà sau buổi chiều làm việc không lấy gì là hiệu quả. Cô phải đi chợ mua đồ ăn tối. Cô cần phải tới trường mầm non đón bé Nguyên Thảo về nhà. Cô còn phải vào bếp, dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa hay giặt đồ… và cả điều bí mật đang ẩn giấu ở trong chiếc túi xách màu trắng sữa được để trong cốp xe nữa. Cô đang gắng tỏ ra bình tĩnh như không hề có chuyện gì.

Tâm Lan đặt chân vào một khu chợ tự phát có diện tích khá nhỏ ở gần công ty. Cuộc cãi nhau của những người phụ nữ trung niên làm đầu óc cô thêm choáng váng. Họ khua môi múa mép với nhau. Họ mang tất cả họ hàng tổ tiên từ nhiều đời trước ra để chửi. Những động tác quơ chân quơ tay cũng vô cùng khó hiểu và thô kệch. Họ không phải là người gốc Sài Gòn. Đó là hai người phụ nữ mang dáng dấp của tầng lớp lao động chân tay. Tấm áo nâu đã sờn vai và hai chiếc ống quần cũng nhăn nhúm lại phần gấu dưới. Những gã làm mướn bốc vác thùng hàng trong khu chợ này vẫn mải miết với công việc của mình. Những cô bác gái bán hàng cá tôm vừa rướn người lên xem hai người phụ nữ đang cãi nhau nhưng miệng không quên tiếng rao hàng gọi khách vang lanh lảnh.

Đây không phải lần đầu tiên Tâm Lan bắt gặp một câu chuyện tương tự như thế ở các khu chợ lớn nhỏ hay con đường hẻm dẫn về lối chung cư… Nếu như chuyện này xảy ra vào những tháng ngày trước, dường như Tâm Lan sẽ chẳng cảm thấy lạ lẫm gì, bởi chúng xảy ra như một thói quen được lập trình sẵn và bắt buộc phiên chợ nào cũng phải có một vài cuộc ẩu đả hay lời qua tiếng lại. Thế nhưng hôm nay, Tâm Lan lại cảm thấy khó chịu và buồn bực trong người. Cô đưa tay sờ bụng và nhìn khuôn mặt cùng những nếp nhăn cau có của hai người phụ nữ. Thoáng qua ý nghĩ, cô không biết sau này mình có giống những người đàn bà đó không: to tiếng, chửi bậy, vung tay hay đá chân…

Tâm Lan vốn dĩ rất dịu dàng, nhẹ nhàng, cách cư xử luôn có thái độ chừng mực và được nhiều người yêu quý. Nhưng rồi thời gian, hoàn cảnh sống, tác động của môi trường công việc hay những mối quan hệ trong xã hội liệu có làm cô thay đổi?

Cô nghĩ về Hoàng Minh, về bé Nguyên Thảo hay đứa bé đang mang trong bụng. Cô nghĩ tới vị sếp đã già, cô bạn Hoàng Ngân hay các cô gái trẻ với những âm mưu toan tính trong đầu. Dòng suy nghĩ miên man về số phận của những người phụ nữ, những người có tác động tới cuộc sống của bản thân đã kéo cô cùng túi đựng thức ăn rời khỏi khu chợ chật hẹp từ rất lâu.

Tâm Lan nhận ra Hoàng Minh và Kiều Thanh ngay lập tức, khi cô vừa mới lách qua được đám người chen chúc để quẹo vào một con hẻm nhỏ, đó là lối đi tắt về nhà nhanh chóng nhất khi phố xá đang vào giờ cao điểm để kiệm bớt thời gian và lo cho bữa cơm chiều được thêm ngon, thêm ngọt. Cô gọi tên anh rất lớn nhưng anh không trả lời. Cô cố gắng dốc nốt phần hơi còn lại sau ngày làm việc căng thẳng để gọi lớn tên anh thêm một lần nữa. Lần này, không những anh không trả lời mà còn cười nói rất tươi, vòng cánh tay chắc khỏe ôm lấy vòng eo của người đàn bà bên cạnh. Họ cùng bước đi rất nhanh trên vỉa hè bên con đường đối diện. Kiều Thanh giơ tay khẽ đón lấy bông điệp màu vàng sẫm vừa mới rụng đang bay lảo đảo trong cơn gió chiều với vẻ nâng niu, chăm chút. Anh cười mỉm, với tay lên cành điệp gần nhất, bứt một nhánh điệp còn tươi nguyên, cài nhẹ lên mái tóc Kiều Thanh. Hai người cụng đầu vào nhau, cười ẩn ý, rồi lại vội vã bước đi.

Mắt cô trân trân nhìn theo bóng dáng của hai kẻ ngoại tình mới bước ra từ một khách sạn hạng sang ngay trung tâm quận nhất. Cô cảm nhận được nụ cười hạnh phúc của cặp tình nhân lén lút này.

Cũng giống như thời thơ ấu, cô không thích ăn bắp của mẹ của cô, tự tay trồng ở ngoài vườn. Thỉnh thoảng vào buổi tối, cô lại cùng một vài đứa trẻ ở làng lén lút lên bãi, bẻ trộm những bắp non về nướng. Mùi thơm của bắp non luôn quyến rũ cô và đám trẻ nghịch ngợm. Một đứa bạn cười ngặt: “Đồ đi trộm về ngon hơn đồ nhà, các bạn nhỉ?”.

Đôi mắt trong veo, sáng như hai viên bi ve ngày nào của cô bỗng như bị phủ bởi một lớp sương mù, mờ đục. Đúng lúc đó, còi xe máy kêu inh ỏi từ phía sau đổ dồn lên phía cô như thác lũ, những câu mệnh lệnh hằn học của giọng Bắc, giọng Trung hay Nam lẫn lộn đầy giận dữ. Họ như những con thú hoang đang gầm gừ, dọa nạt một con mồi bé nhỏ. Đôi vai cô run rẩy và đôi mắt có phần hoảng loạn đang hướng về phía bên kia đường cũng gần như bật khóc.

- Cô kia. Có đi mau không hả?…

- Trời đất ơi, cô này rõ là vô duyên ghê gớm. Nhìn ai thì tránh lên vỉa hè mà nhìn chứ, không thấy mình giống như tảng đá chặn giữa lòng đường thế này à?…

Trong thoáng một vài giây, cô như pho tượng đứng chết lặng giữa lòng đường chật hẹp, giữa biển người vội vã, giữa cả tá đại dương tiếng ồn hay những sa mạc rộng lớn đầy bụi bặm và dơ bẩn. Chiếc mũi nhỏ nhắn sụt sịt, cô ho hắng một tiếng rất nhỏ, đồng thời cúi đầu vẻ xin lỗi. Nhưng quái thay, đoàn người đang đi cùng cô trên con đường này lại cố tỏ vẻ không hiểu sự hối lỗi đó. Một người phụ nữ với chiếc khẩu trang che kín gần hết khuôn mặt, vẫn cố thét lên, giọng nói ẩn chứa sự sốt ruột và bực mình:

- Còn đứng ì ra ở đấy nữa. Cái cô này thật kỳ lạ hay là bị khùng rồi. Cô có biết mình đang góp phần vào việc ùn tắc giao thông không vậy?

Vừa dứt lời, người phụ nữ bịt chặt khẩu trang lại cố lên ga. Tâm Lan chỉ lặng lẽ cúi thấp đầu xuống một chút rồi vòng xe quay sang bên đường. Ngay lập tức, người phụ nữ bịt khẩu trang ban nãy, tiến tới ngang hàng với cô, đầu chiếc xe Click của cô ta va chạm ngay với chiếc Vespa trắng, để lại những vết xước đen dài, đầy bùn đất. Những miếng đậu trắng và những trái cà chua đỏ rực vỡ nát nằm be bét giữa lòng đường. Tâm Lan ngây người ra nhìn chỗ thức ăn bị hư hỏng một cách bất động. Cô cũng không nghe thấy lời xin lỗi lí nhí từ cổ họng với vẻ đầy miễn cưỡng của người phụ nữ kia. Cô càng không hay biết, dòng người ban nãy dưới sự điều khiển của cảnh sát giao thông đã bỏ xa chỗ cô đang đứng hàng kilomet đường dài. Tinh thần hoảng loạn, hành động càng thêm phần lúng túng, run rẩy, cô buộc mình phải xuống xe và từng bước chậm rãi táp vào lề đường.

Đứng dưới tán lá xanh và màu điệp vàng rải khắp dưới chân, lòng cô lại dấy lên một sự ghen tị ghê gớm. Bây giờ, cô mới nhớ đến chiếc điện thoại nằm trong túi xách, đôi tay búp măng nổi lên những đường gân xanh run rẩy bấm số. Giọng nói thân thương của cô trực tổng đài quen thuộc nói liên tục, phản bác lại cô. Cô thở dài, cánh tay từ từ buông thõng khỏi tai nghe, đôi mắt nhìn xa xăm về hướng đi của đôi tình nhân vụng trộm, vai kề vai, má kề má đã lướt qua đây từ lâu lắm rồi.

Kiều Thanh suốt chục năm qua chẳng hề thay đổi. Khuôn mặt cô ta có vẻ chững hơn đôi phần nhưng vẫn vô cùng quyến rũ và lấy được thiện cảm từ đấng mày râu. Vòng eo thon gọn ở tuổi ngoài ba mươi cùng vòng một nảy nở mà nhiều người hay ví von là ngọt ngào như chocolate. Tâm Lan sụt sùi. Không phải vì cô không đẹp bằng cô ta. Mà giờ đây, cô có thể khẳng định gần như chắc chắn một điều, vị trí làm chủ trong trái tim của Hoàng Minh là Kiều Thanh, chứ không phải ai khác.

Tâm Lan đưa tay sờ trên bụng mình. Chẳng ai biết cô đang nghĩ gì. Chỉ có vài chú xe ôm và một đám học sinh đang đứng chờ xe buýt nhìn cô với ánh mắt thăm dò đầy khó hiểu.

Mặt trời bắt đầu dịu nắng, cả một vùng trời phía tây của thành phố mang màu đỏ ung tạo cảm giác cho con người ta thêm phần sợ hãi, cô đơn và luôn tìm cách chạy trốn. Nước mắt, nước mũi lấm lem trên khuôn mặt tái nhợt và trắng xanh, Tâm Lan mới từ từ đứng dậy và lên xe ra về.

Đường thành phố đã lên đèn, một màu vàng lợt hắt xuống khoảng không tạo cảm giác như chốn không gian này đã bị bỏ hoang từ rất lâu, từng con hẻm mọc rêu xanh và vẩn mùi ẩm mốc. Thoáng sau một luồng suy nghĩ miên man về cảnh tượng đã tận mắt chứng kiến ban chiều, cô chợt rùng mình thêm một lần nữa, bàn tay như siết chặt hơn, chiếc xe trong giây lát đã chuyển vận tốc nhanh đến chóng mặt… Thân hình cô như nép lại trong chiếc áo sơ mi màu vàng chanh rộng, bay lùng bùng trong cơn gió thổi ngược chiều. Bóng cô hòa vào dòng người hối hả, ngược xuôi…

Bé Nguyên Thảo đang ngồi ở chiếc ghế đá được kê ngay trước cổng. Con bé có phần đã đói bụng và sốt ruột khi chẳng thấy ba Hoàng Minh hay mẹ Tâm Lan tới trường đón mình. Vừa nhìn thấy bóng dáng chiếc xe trắng và dáng người Tâm Lan từ đầu con hẻm đang tiến vào, bé Nguyên Thảo đã nhảy cẫng lên, miệng í ới chào cô.

- Nguyên Thảo!… – Tâm Lan dựng xe rồi ôm con gái vồn vã. – Mẹ xin lỗi. Mẹ tới trễ, thế ai đã đưa con về nhà?

- Sao mẹ Lan khóc? Ai bắt nạt mẹ Lan của con? – Con bé đưa đôi bàn tay lóng ngóng, có phần ấm áp vuốt ve khuôn mặt của cô. – Bác Hoa đón bạn Sóc, bác ấy thấy trễ nên đưa con về nhà luôn. Mà nhà bác Hoa đang có khách nên con không ở lại đó chơi nữa.

- Bé Thảo của mẹ ngoan lắm. Mà làm gì có ai dám bắt nạt mẹ Lan của con cơ chứ! Phải không nào? – Cô nở nụ cười đầy gượng gạo, vừa đưa tay vuốt lại những lọn tóc xoăn mềm của đứa con gái đang ướt nhẹp và dùng khăn lau mồ hôi trên vầng trán lấm tấm nước của con gái. Cô nói tiếp. -Ngoan nào, bé Thảo mở cổng đi, mẹ con mình cùng vô bếp nhé! Ba Mình sắp đi làm về rồi đó.

- Dạ.

Mắt con bé như sáng hẳn lên khi Tâm Lan nhắc tới cụm từ: “Ba Minh đi làm về”. Vóc dáng nhỏ nhắn của con bé trong chiếc đầm hồng búp bê và lưng đeo ba lô, đang cố sức đẩy cửa cổng sắt mở toang ra để cô dắt xe vào trong khoảng sân trống. Lần nào cũng vậy, Tâm Lan nói hai mẹ con sẽ cùng mở cổng, nó đều nhất quyết một hai không chịu. Con bé cứ lanh chanh và cố sức để làm. Đến khi hai cánh cửa cổng mở toang ra, nó thở hồng hộc rồi tự vỗ tay khen mình giỏi. Cô lại khen con bé thêm lần nữa, nó cười tít mắt.

Trong khi đó, Tâm Lan lại đứng ngẩn người ra bên chiếc xe: “Ba Minh nào đi làm chuẩn bị về nhà cơ chứ? Ba Minh của con đang lừa dối mẹ con mình, ra ngoài lén lút ngoại tình kia kìa.” Cô thiết nghĩ, nước mắt lại ứa ra vội vã. Những giọt nước mắt lấp lánh trong buổi chiều tà.

Ôi, trẻ con thật dễ bị lừa gạt. Và cả những người phụ nữ nữa, họ quả là rất giỏi khi dỗ dành trẻ con và tự đánh lừa để an ủi chính bản thân mình. Người ta vẫn bảo: “Người đàn ông giỏi là người biết làm cho người phụ nữ của mình cười. Nhưng người phụ nữ giỏi phải là người biết quên đi người đàn ông đã làm cho mình cười”. Giờ thì, cô buộc mình phải nuốt nước mắt.

Sau khi bé Nguyên Thảo về phòng mình tự tắm rửa và bầu bạn với những con búp bê tóc rối màu vàng hoe thì cô cũng vội vã trở về phòng và tự giam mình vào đó. Để chiếc túi xách lên bàn nằm việc, cô sà vào chiếc giường lò xo, nằm úp mặt xuống gối. Một vài giây sau, cô lắc lắc đầu như đang tự khiển trách bản thân mình. Cô từ từ trở mình nằm ngửa ra, bất động.

Tiếng khóc bắt đầu rấm rứt vang lên. Tâm Lan quay mặt ra phía ô cửa sổ, bầu trời nhập nhoạng một màu tối đen. Dáng người nhỏ nhắn của bác Trương - trưởng khu phố đang cầm chiếc gậy tre thẳng dài, đi lần lượt tới từng cột điện để nhấn nút mở công tắc đèn đường. Dường như, lượng ánh sáng yếu ớt đang dần được thắp lên ở phía ngoài kia càng làm nỗi buồn trong cô trải dài như vô hạn. Ánh đèn vàng mỗi chiều về như một cách báo hiệu cho sự sum vầy của mỗi gia đình sau một ngày mưu sinh vất vả. Nơi ấy có vòng tay của mẹ cha, có tiếng nói cười thơ ngây của những đứa trẻ, họ đang quay quần bên bàn ăn với món đồ thơm ngon hay từng chén cơm trắng ngần nghi ngút khói.

Tâm Lan cảm thấy lòng mình xót xa. Khi điện đường ngoài kia đã thắp hết đèn mà căn phòng khách của gia đình cô vẫn chưa được lau chùi dọn dẹp, căn phòng bếp vẫn lạnh tanh không tiếng động của xoong nồi hay bát đĩa, đứa con gái của cô vẫn chưa được bàn tay của người chồng về tắm táp và nô đùa trong bồn tắm như mọi hôm…

Cứ nghĩ thế, nước mắt lại trào ra như không gì có thể ngăn cản nổi. Không gian trong phòng ngủ mỗi lúc một nghẹt thở hơn.

Tiện tay đưa sang bên, Tâm Lan úp luôn chiếc hình nhỏ của gia đình xuống mặt tủ gỗ. Nó đập vào mắt cô như một trái ớt cay chà xát đến rát đau. Một mùi đàn ông quen thuộc phả vào chiếc mũi nhỏ xinh, cô hà hít và cười nhẹ. Nụ cười khe khẽ ấy mang theo cả nước mắt và niềm đau.

Cô lại đưa tay sờ bụng mình, nó vẫn còn rất phẳng. Cô tránh cái nhìn nhưng không thể nào ngăn cản nổi những dòng suy nghĩ miên man về phía chiếc túi xách đang nằm ở trên bàn nơi góc phòng kia. Cả ngày hôm nay cô chưa ăn gì vào bụng cả. Cô có quyền hành hạ bản thân, cô có quyền trừng phạt người chồng đáng trách, nhưng còn bé Thảo, còn cả đứa nhóc mà cô vẫn nghĩ nó đang nằm trong bụng mình nữa, chúng đều là những mầm non mà cô chăm sóc và hết mực thương yêu. Chúng là niềm tin để cô sống, là điểm tựa để cô dựa vào. Chúng là tài sản vô giá mà không gì có thể đánh đổi được. Vậy mà, chỉ vì những phút giận dỗi hờn ghen của người lớn, cô đã hành hạ những đứa trẻ vô tội, đáng thương.

Nghĩ đến đó, cô như con cá bị hất lên bờ đang cố lật mình từng chút từng chút nhích về nơi có nước để cứu vớt sự sống còn sót lại của bản thân. Đôi chân đặt xuống sàn nhà lành lạnh, hai bàn tay cô lần mò bám lấy bức tường và tìm nút nhấn công tắc điện cầu thang. Cô phải đi nấu ăn, những đứa con của cô đang đợi.

Đó là một Tâm Lan mạnh mẽ và luôn yêu hết mình.

- Mẹ Lan ơi, ba Minh về. – Tiếng bé Nguyên Thảo trong vắt, vui mừng. Con bé vừa ôm cô nàng búp bê, vừa chạy vội ra ngoài cổng, hét lớn. – Ba Minh về, ba Minh đã về.

- Ừ! – Anh cười rạng rỡ. Một tay dắt chiếc xe, một tay xoa đầu con bé. – Thế Nguyên Thảo của ba bữa nay đi học có ngoan không?

- Dạ, ngoan ạ.

- Thế bữa nay, mẹ Lan và bé Nguyên Thảo cùng nhau vào bếp nấu món gì nào?

Bé Nguyên Thảo vội gãi đầu, cái miệng cọ quậy vào đầu con búp bê rồi lắc nguầy nguậy. Con bé lí nhí trong cổ họng:

- Con không biết. Mẹ Lan nói nhức đầu, đi làm về rồi vào phòng ngủ luôn. Ba Minh biết ai bắt nạt mẹ Lan không? Con hỏi mà mẹ Lan bảo, đố ai dám bắt nạt mẹ Lan của con. – Bé Nguyên Thảo hồn nhiên kể lể lại sự việc một cách ngoan ngoãn.

- Không sao đâu, mẹ Lan chẳng bắt nạt người khác thì thôi chứ ai dám bắt nạt mẹ Lan nhà mình. Nguyên Thảo về phòng chơi ngoan nhé. Lát ba qua phòng chơi với con sau.

Hoàng Minh nhíu chân mày rồi khóa cổng lại.

Tâm Lan đã đứng trong phòng bếp, cặm cụi với việc làm đồ ăn. Cô nói rất nhỏ nhưng không quay người lại:

- Anh mới về à?

Cô hỏi một câu như không hỏi. Tại sao không phải là: “Anh mới đi làm về à?” như mọi hôm nhỉ? Cô cười mỉa mai, rồi lại cặm cụi cắt tỉa những củ cà rốt và trái dưa leo.

- Ừm! Thưa vợ là anh đã về nhà. Thế hôm nay ở cơ quan lại có ai bắt nạt vợ anh nữa à?

Hoàng Minh đi tới. Anh ôm cô từ phía sau. Cô thoáng rùng mình, cô luôn có cảm giác vòng tay ôm của ngày hôm nay không còn “chặt” nữa. Cô khẽ nghiêng đầu sang một bên, né tránh nụ hôn vào bên bầu má thơm mát mềm mại từ người chồng. Cô vẫn không nhìn anh, chậm rãi, nói từng từ rành mạch.

- Cẩn thận con dao thái đồ ăn. Em phải làm bữa tối, anh về phòng nghỉ ngơi rồi tắm rửa, còn phải ăn tối sớm nữa, nếu không con bé Thảo sẽ không đủ thời gian làm bài tập về nhà đâu. Ngày mai đi học, nó sẽ bị cô giáo phạt mà tội nghiệp.

Hoàng Minh không hiểu lý do vì sao thái độ của Tâm Lan lại khác hẳn với mọi ngày. Anh giả bộ cằn nhằn với giọng điệu vô cùng dễ thương.

- Rõ ràng là bữa nay đã có người to gan dám bắt nạt cô vợ đáng yêu của tôi mà…

Tâm Lan nghe vậy liền nhíu chân mày lại, đôi mắt đỏ hoe và có phần sưng mọng lên một chút nhưng cô kiên quyết cúi gằm mặt xuống. Cô nhìn chằm chằm vào chiếc thớt nhựa màu trắng, miếng thịt bò màu đỏ đã bị đông thành đá vừa lấy ra từ ngăn tủ lạnh cùng con dao inox sáng lóe. Hoàng Minh nhún vai như thể chẳng có chuyện gì và vỗ vỗ vai Tâm Lan:

- Ngoan nào, vợ ơi. Chuyện đàn bà ở công sở thật là rắc rồi. Nếu không thích, em cứ ở nhà chăm con cho tốt, hiểu không? Em đi làm kiếm có được bao nhiêu mà công việc thì vất vả. Một giám đốc như anh mà không nuôi nổi hai mẹ con em à?

Dứt lời, anh đủng đỉnh từng bước một rời khỏi căn bếp. Tâm Lan từ từ quay người lại nhìn theo dáng anh. Dù cho có chuyện gì tồi tệ sẽ xảy ra ngay sau đó, dù cho anh có thừa nhận rằng mình đang hẹn hò với người tình cũ Kiều Thanh thì cô cũng phải nhìn thấy bóng dáng anh. Đã một ngày rồi, cô đang rất… rất nhớ anh.

Nhưng hành động đó lại đi ngược với những gì bản thân cô tưởng tượng. Ngỡ tưởng là, chỉ cần nhìn thấy tấm lưng bản rộng kia của anh cũng đủ để nguôi ngoai nỗi nhớ trong cô. Nhưng ngược lại, giọng cô như vỡ ra.

- Anh Minh!

Anh khựng chân, quay lại, miệng nhoẻn cười:

- Cuối cùng cũng phải làm nũng với chồng rồi đúng không? Nói cho vợ biết, không có người chồng nào chiều vợ mình bằng anh đâu đấy nhé!

- Không. – Tâm Lan lắc đầu. – Ý em là, hai chiếc tất anh đang mang, chúng bị lẫn lộn bên chân trái và bên chân phải từ sáng tới giờ ạ? Em nhớ là, tối hôm qua do sơ ý, khi vừa sơn móng tay xong thì chuẩn bị đồ đi làm cho anh vào sáng nay nên bị dính lại một vết son màu. Và chiếc tất đó phải ở bên trái, nhưng lúc này nó lại ở bên phải.

Không phải Tâm Lan quá kỹ lưỡng và dò xét anh từng li từng tí. Trong suy nghĩ, cô chưa và càng không có ý định tìm kiếm một sự khác biệt nào trên cơ thể anh so với lúc sáng khi anh rời khỏi nhà. Chỉ hoàn toàn là do vô tình thôi. Cô cúi đầu. Đôi mắt cô sưng đỏ mọng. Và rồi cô phát hiện ra chi tiết nhỏ ấy.

- Hừm. – Hoàng Minh ậm ừ nhưng không nói gì thêm nữa. Nhưng Tâm Lan thì không, cô đã phát hiện ra nét mặt anh thay đổi. Cô càng chắc chắn hơn về sự lừa dối của chồng mình.

- Và cả vai áo phía sau của anh… nó có… có…

- Có gì? – Hoàng Minh quay đầu lại, anh lấy tay kéo kéo tấm lưng áo lên nhưng chỉ thấy một màu trắng với sọc đen. – Có cái gì đâu? Mà sao mắt vợ anh lại đỏ hoe lên thế kia?

- Áo anh có vết son môi màu đỏ tươi. Em… em không dùng màu son đó…

Hoàng Minh đứng ngây người. Vì sao Kiều Thanh lại làm điều đó trên vai áo anh? Vì sao anh lại vô ý đi nhầm tất sau lúc hẹn hò? Anh phải giải thích làm sao đây?

- Anh đừng nói gì cả! Hãy lặng im… – Tâm Lan cố tỏ ra bình tĩnh nói.

- Anh…

- Được rồi. Được rồi. – Cô tiếp tục đưa đôi tay ra trước mắt như muốn xua đuổi. Những ngón tay trở lên cứng đờ mang vẻ lóng ngóng. – Anh biết đấy. Nguyên Thảo đang ở nhà. Đừng nói gì cả. Làm ơn. Anh hãy để nó nghĩ, anh luôn là một người ba tuyệt vời.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play