Mà không biết mình lặp lại chuỗi hành động ấy vì lý do gì. Tôi đi ngầy ngật trên đường đêm vắng vẻ, càng đi càng thấy mình bị hút vào bóng tối vô tận. Ngang qua một thư quán, tôi nghe có tiếng dương cầm. Ai đó đang đàn một bài gì đó tôi không biết tên. Tôi ngồi bệt xuống thềm thư quán, nghe trộm hồi lâu. Cho đến khi tắt tiếng đàn.

“…Hay thành phố kiếp trước của tôi là Đà Lạt - “thành phố cúc dại”?

Tôi nhớ buổi chiều nắm tay N. đi một vòng quanh hồ. Cái hồ to khiếp khủng, thế mà đi trọn một vòng vẫn chẳng thấy mỏi chân. Nhớ quán cà phê trên đồi mà đường về ngang qua một khoảnh đầy hoa cúc trắng. Nhớ cái bàn dài ở bưu điện, tôi ngồi đó viết những tấm postcard cho N.

“Tôi nhớ bar Dalat Night một buổi tối mùa hè nhưng vẫn nhiều sương giá, trên đàn piano có con khỉ nhồi bông choàng một vòng nguyệt quế. Nếu có N. ở đó, N. sẽ khẽ đặt ngón tay lên một phím đàn, và bật cười khi nó vang tiếng. N. luôn coi âm nhạc là một điều thần thánh mà cậu ấy chỉ có thề đứng xa để chiêm ngưỡng.

Tôi nhớ khu vườn có cây tuyết tùng già và cái lò sưởi nhỏ. Tôi nhớ những chiều đi bộ lên đồi nhặt củi thông, có con chó màu trắng lẽo đẽo đi theo như một người bạn thân thiết, trầm lặng. Yêu Tùng những sáng ẩm ướt ngồi hơ tay bên ly cà phê quánh đặc, bốc khói, chờ N xuất hiện với chiếc ô màu vàng trên tay.

Quá nhiều kỉ niệm miên man, dai dẳng với Đà Lạt, dù khi bên tôi có N. hoặc lúc ấy N. đang ở một nơi nào đó...”

Tôi cố nghĩ lại nhưng không sao nhớ được nàng có gửi postcard từ Đà Lạt cho tôi hay không. Nàng đã viết gì? Tôi cũng chưa bao giờ cùng nàng đi Đà Lạt. Những hồi ức đó được Chiêu Anh ghi lại rất mơ hồ, kì quặc. Chiều hôm ấy, nàng đã nắm tay ai đi một vòng quanh hồ?.

Ở trang cuối của Người tình Sputnik.

Một buổi chiều, tôi đem mớ sách đã đọc xong ra cửa hàng đổi lại vài ba cuốn mới. Hội An có nhiều tiệm, chủ yếu bán sách cũ tụi Tây ba lô đọc xong để lại và sách photo giấy mỏng, mờ căm. Công ước Berne không có nghĩa lý gì với người cung kẻ cầu ở đây.

Tôi mua được bản xịn tiếng Anh cuốn Người tình Sputnik của Murakami. Bên trong chi chít những đoạn bị gạch chân bút bi, chen lẫn vài ba câu nhận xét thông minh bằng tiếng Anh. Ở trang cuối quyển sách, người chủ cũ viết một câu ngắn gọn “Maybe I know where Sumire left for!”

Thấy tôi đứng tần ngần hồi lâu, ông chủ quán tự động đề nghị bớt giá, vì “con nhỏ đó viết bậy vào sách quá!” Tôi hỏi con nhỏ đó là ai, ông nói một con nhỏ du khách người châu Á vừa đem cuốn sách này lại bán tối hôm qua.

Mới chỉ tối hôm qua, có lẽ cô gái đó chưa rời khỏi Hội An. Phố Hội An bé tí tẹo. Chỉ cần ở vài ngày trong phố, người ta sẽ quen mặt ngay thôi. Tôi tính toán trong một giây đồng hồ.

‘Á, mới nhắc, con nhỏ đó kia kìa!’

Một cô gái mảnh khảnh người châu Á vừa đi ngang qua. Cô mặc T-shirt đ quần short jeans, mái tóc xoăn buông xuống lưng. Đầu cô quấn một dải khăn lụa màu đỏ. Tôi trả tiền và đuổi theo cô gái.

‘Excuse me! Please tell me, where did Sumire leave for?’ Tôi nín thở, nói rất nhanh khi vừa bắt kịp cô.

Cô gái hơi ngạc nhiên. Rồi ánh mắt cô quét xuống cuốn sách tôi đang cầm trên tay. Cô hất cằm, cười tinh nghịch. ‘Buy me a beer!’

Nơi Sumire đến

Léa, mười tám tuổi, Việt kiều, sống từ bé ở Pháp, tiếng Việt nói không hề bị ngắc ngứ, trái lại, câu cú rất chuẩn xác. Léa vào Hội An chơi một mình.

‘Từ sáng đến giờ, em quanh quẩn quanh tiệm sách đó, đợi một người mua lại cuốn Người Tình Sputnik của em.’

‘Để trao đổi về cuốn sách?’

‘Không, để đề nghị người đó mua cho em một ly bia’

Tôi và Léa cùng phá lên cười.

‘Vậy Sumire đã đi đâu?’

‘Murakami sẽ thất vọng vì có những độc giả như anh đấy, biết không?’

‘Anh đâu có tham vọng làm ông ta vui lòng.’

‘Thôi được. Sumire đã đến nơi mà Léa sắp đến.’

ôi tặc lưỡi. Số tôi hay gặp những em gái xinh đẹp nhưng toàn bay là là mặt đất.

Léa lại phá lên cười thống khoái.

‘Ha ha! Con bạn em ở Hà Nội dặn rằng gặp trai cứ nói chuyện kiểu đấy là chúng nó sợ chết khiếp!’

Tôi bị thấu tim đen. ‘Thôi được rồi, em trả lời nghiêm túc đây. Sumire đã đi sang bên kia tấm gương’.

Ở đây không ai thích đối diện với một chuyện bình thường nhất theo cách bình thường nhất!

Tôi và Léa nói chuyện suốt đến khuya. Léa hỏi tôi có muốn ngủ với cô không. Tôi bảo cô cho tôi xem passport. Léa đúng là đã mười tám tuổi. Tôi hỏi cô có đồng ý ngủ với tôi không.

Chúng tôi về khách sạn nơi Léa nghỉ.

Léa thức dậy lúc nửa đêm, châm thuốc hút. Tôi nhổm lên ôm lấy cô. Tôi nhận thấy trên cổ tay cô có rất nhiều vết cắt. Cắt để xả stress thôi, Léa nói.

‘Em làm tình lần đầu tiên năm mười lăm tuổi, với thằng bạn người Phi cùng lớp. Mẹ em khi phát hiện ra bao cao su dùng rồi vứt dưới gậm giường, đã gào khóc thảm thiết và đánh em túi bụi. Thật tình lúc đó em chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra với mẹ. Mẹ em cư xử như thể em vừa mới giết người.’

Léa lớn hơn em gái tôi hai tuổi. Hai năm nữa em gái tôi mở miệng nói câu này, mẹ tôi dám sẽ lên cơn tim mà chết. À, tất nhiên là nếu như mẹ tôi bị bệnh tim.

‘Làm tình, suy cho cùng cũng chỉ như hành động rót một ly nước và uống khi mình thấy khát.’ Léa kết luận sau khi rít một hơi thuốc.

Tôi im lặng vuốt tóc cô.

Tôi không có thói quen bày tỏ quan điểm tình dục của mình, như hầu hết bạn bè đồng trang lứa. Chúng tôi không được khuyến khích làm điều đó, nên tôi không có nhiều điều để nói với Léa.

‘Lần đầu tiên của anh xảy ra năm anh bao nhiêu tuổi?’

‘Mười tám tuổi. Với một cô cave. Một trăm rưỡi ngàn cộng với một hộp Durex. Anh nhớ! Chỉ được một chút là ngã ngựa, rồi thì mặc quần áo đi về. Bọn bạn anh nói chơi như mày phí tiền!’

Một thứ kinh nghiệm phổ biến của những thằng con trai vừa trưởng thành.

‘Thời điểm đó anh không có bạn gái à?’

‘Có. Nhưng anh nghĩ cô ấy chưa sẵn sàng.’

‘Cô ấy nói với anh thế à?’

‘Tự anh nghĩ vậy. Mà thôi, em đừng hỏi cung anh như vậy!’ ’Em chỉ thấy buồn cười. Hình như ở đây không ai thích đối diện với một chuyện bình thường nhất theo cách bình thường nhất!’

Những chuyện linh tinh

Trưa hôm sau, tôi mượn Sói chiếc xe đưa Léa ra sân bay Đà Nẵng. Cô rất thích Francessca.

“Hãy gọi cho em khi anh ra Hà Nội! Có thể em còn ở đó.” Cô bảo. Nhưng cả hai đều không chắc là đứa kia có muốn vậy hay không.

Tôi về, nói với Sói là tôi chán cái Hội An này muốn chết rồi. Vậy thì đi thôi! Sói nói. Thằng Damien không có ý kiến. Nó rất được ở khoản ý kiến ý cò. Tức là sẽ không có ý kiến gì cả, và chỉ đưa ra ý kiến khi không ai có ý kiến nào mà thôi. Nó chỉ bảo là cho nó ba mươi phút. Rồi nó xách mandolin ra đầu đường ngồi hát “Goodbye my love goodbye” và những bài tương tự kiểu vậy, xem như lời từ biệt. Ba mươi phút sau nó mang về một nắm tiền lẻ - thành quả của vụ kiếm chác cuối cùng ở Hội An bằng sức lao động chân chính. Tôi dùng tiền đó mua được ba ổ bánh mì và hai chai nước suối bự, sau khi bù thêm mười ngàn.

Tụi tôi đi tà tà, lên đến đỉnh đèo Hải Vân thì trời vừa tối. Sói dừng xe lại ở chỗ thay nước mui, bảo xuống thưởng thức đêm ở Đệ nhất hùng quan.

Tôi nhớ như in cái chỗ thay nước mui trên đỉnh đèo này. Hồi sáu tuổi, trong chuyến đi Huế thăm họ ngoại, tôi có dịp đứng trên đèo lúc mờ sớm. Sương mù vây không nhìn rõ mặt mẹ dù mẹ đang nắm chặt tay mình. Tôi rửa mặt bằng nước hứng trên núi xuống theo máng tre, nhớ hoài cái cảm giác cóng tê mà bừng tỉnh ấy. Tôi cũng nhớ cái giọng đáp trọ trẹ của ông chủ nhà khi mẹ tôi hỏi hết bao nhiêu tiền “Dạ, đi nặng năm trăm, đi nhẹ hai trăm!”

Đêm đó tôi và thằng Damien nằm trong thùng xe, còn Sói nằm lắt lẻo trên võng trong dãy nhà lợp tranh dành cho tài xế. Tôi nhìn không chớp vào dải đèn câu mực phía xa, lẩn thẩn tự hỏi rằng ban đêm, không biết chân trời có nằm nguyên ở chỗ cũ?

Sáng hôm sau chúng tôi tắm biển Lăng Cô. Lần đầu tiên tôi thấy thằng Damien và Sói tắm táp trong suốt chuyến hành trình.

Chúng tôi thống nhất từ đây sẽ chạy một mạch ra tới Hà Nội, rồi từ đó đi các tỉnh miền Bắc. Damien và Sói sẽ thay nhau cầm lái. Thằng Damien là một thằng không biết sợ thứ gì, kể cả giao thông ở Việt Nam. Nó nháy mắt, dĩ nhiên rồi, mày nên nhớ là tao đã ở Kathmandu trong suốt thời gian nội chiến, đi lang thang trong giờ giới nghiêm, lâu lâu nghe súng nổ đì đùng. Sau đó tao mò qua Thái, đêm vừa mới thò cổ ra dãy quán bar ở Pattaya, chưa kịp sà vào lòng một em ngon lành thì kẹt ngay giữa cuộc đấu súng của hai băng gangster thứ thiệt. Thứ duy nhất che chắn cho tao làờ tường cửa hiệu 7 Eleven. Rồi thì tao đâm ra biêng biêng và đếch sợ cái gì nữa!

Còn lão Sói, tôi tin đó là một thứ bạn xấu, cần tránh xa. Ở gần lão chưa đến hai tuần, thằng Damien giờ chửi thề bằng tiếng Việt như sáo.

“Phức cảm cà rem” và “con chó leng keng”

Những bữa ăn dã chiến trên đường ngon cực kì, dù chỉ là đồ hộp hâm trên bếp cồn với bánh mì dai như giẻ rách. Tụi tôi tấp lại rừng dương cát trắng ở trên đường quốc lộ đoạn băng qua Quảng Bình, ăn trưa, nằm nghỉ dưới tán cây mát rười rượi. Những người đi ngang qua nhìn bọn tôi đầy vẻ hiếu kì. Tôi nghĩ họ bị thu hút bởi bộ dạng cái bang của hai thằng đồng hành.

Đến Hà Tĩnh, ba thằng được một trải nghiệm ẩm thực khó quên ở một “nhà hàng” ngay bên đường. Đừng tưởng bở đó là “rét-tau-rần”! “Nhà hàng” ở đây đơn giản chỉ có nghĩa là một cái nhà bán hàng. Chấm hết.

Nhà hàng quảng cáo bán bún sườn, nhưng khi ba vị khách đường xa bước vào, chủ quán chạy ra cáo lỗi chỉ còn bún lòng. Ok, thì bún lòng. Chúng tôi ngồi ngay trước mặt bếp chính kiêm chủ quán. Thì trong nhà hàng cũng chỉ có một cái bàn dài này thôi. Chị chủ quán kiêm bếp chính dùng tay không bốc ba bốc bún, ném xoạch vào tô, tiếp tục dùng tay đó bốc lòng heo luộc sơ, ném vào tô, rồi múc nước sôi rưới vào. Công đoạn cuối cùng là vẩy lên thành quả ba vốc mì chính tổ bố - vẫn bằng cái tay đó. Động tác dứt khoát, lanh lẹ như đang phù phép. Ba thằng ngồi há mỏ ra nhìn.

Tôi lợm giọng không ăn nổi khi thấy vết máu từ mớ lòng còn loang loang trong tô. Lão Sói không nói không rằng ngồi ăn sạch tô bún. Thằng Damien thì lùa được mấy đũa. Tôi đã bảo thằng này không biết sợ thứ gì mà. Một lần nữa, tôi khẳng định được danh hiệu “tiểu thư nhất bọn”. Lão Sói nói lão đang tìm một đoạn đường vắng vẻ nào đó để tống cổ tôi xuống. Thằng Damien nói không sao, hãy cho em nó thêm một cơ hội. Em nó chỉ mới hai mươi tuổi, thời gian và hoàn cảnh sẽ đào tạo em nó thành người.

Đi một đoạn thì thấy một ông chạy xe đạp ngược chiều chở hai thùng xốp chữ nhật đằng sau, rung chuông rao bán cà rem đá. Lão Sói tức tốc dừng xe, bảo lâu rồi chưa được ăn lại thứ cà rem này. Thằng Damien từ chối thử, nằm lại ngủ trong cabin. Chắc nó đã bắt đầu thấy lợm khi nhớ tới món bún lòng ban nãy.

Tôi và lão Sói mỗi thằng cầm hai tay hai cây kem, mút lấy mút để. Vui miệng, tôi đọc lại cho lão nghe bài đồng dao hồi nhỏ mấy đứa xóm tôi hay gào réo mỗi khi ông bán cà rem đi ngang qua.

“Cà rem kem sữa

Ở giữa đậu nành

Xung quanh cứt chó

Ăn vô trúng gió

Tổ cha thằng bán cà rem!”

Hai thằng ôm bụng cười rũ rượi. May mà lúc đó ông bán cà rem đã đi xa rồi. Lão Sói cũng đóng góp cho chương trình bằng cách đọc một bài đồng dao khác chuyên dùng để chế nhạo những đứa hay bắt chước, tuy nhiên cũng có dính líu đến nghề bán cà rem.

“Bắt chước bắt chước con bò

Đem về cho má mày xem

Má mày bán cà rem…”

Tôi và lão Sói vừa ngồi nhai nát hai cái que tre vừa đăm chiêu suy nghĩ xem tại sao tụi con nít hay móc máy nghề bán cà rem dữ vậy.

Cuối cùng hai thằng thống nhất với nhau đó là do một thứ phức cảm tạm gọi tên là “phức cảm cà rem”: thèm ăn mà không có tiền mua nên chửi ông bán cà rem cho bõ ghét.

Tôi hỏi hồi còn nhỏ Sói có biết bài đồng dao “Làm quen con chó leng keng” không? Lão nói lão chưa nghe bao giờ. Tôi đọc luôn.

“Làm quen con chó leng keng

Con chó thổi kèn

Con chó làm quen.”

Sói cười sặc sụa. Đã là chó mà còn là chó leng keng nữa thì thật là ê chề. Lão hỏi bài này đọc trong trường hợp nào. Tôi đáp là ví dụ như có một đứa bị cả bọn tẩy chay. Rồi đứa đó mon men tới xin chơi lại thì cả bọn sẽ đọc nhai nhải bài đồng dao này để chế nhạo nó.

Ngay từ lúc còn nhỏ, hòa ý của người ta đã bị khước từ, chế nhạo. Hèn chi khi lớn lên, chúng ta sống trong một thế giới bị chia cắt, manh mún đến dường này.

Rồi hai bọn tôi thống nhất với nhau, thế giới của bọn con nít là một thế giới xài “luật rừng” thứ thiệt. Tẩy chay, kết bè kết phái, sỉ nhục người khác, ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ lớn hiếp nhỏ, ỷ giàu hiếp nghèo… chuyện gì cũng có. Chẳng qua là tụi nó chưa biết gọi tên những chuyện tụi nó làm mà thôi.

Khi “hội đồng khoa học” vẫn còn đang mải mê phân tách về bản chất của thế giới trẻ con thông qua đồng dao thì đột nhiên lão Sói la lên “chết mẹ!”. Nàng Francessca đang từ từ trôi trên đường, một cách thiếu kiểm soát. Giả như thằng Damien có ý định cướp xe bỏ đi, nó cũng không thể chạy với vận tốc như vậy được. Lão Sói nhào theo chiếc xe, thò tay qua cửa số tắt chìa khóa, thở hồng hộc. Thằng Damien ngơ ngác tỉnh dậy trong tiếng chửi thề lẫn tiếng cười điên loạn của tôi và lão Sói. Hóa ra nó ngủ ngầy ngật, gạt nhằm thắng xe. Đường đang thoai thoải dốc, cái xe cứ trôi đi như thế.

‘Tao nghĩ không sớm thì muộn, tao sẽ mất mạng ở đây vì một tai nạn d hơi nào đó kiểu như vầy!’ Thằng Damien thở dài.

Hà Nội, Hà Nội

Ngang Hà Nam, lão Sói tấp vào ăn sáng, rửa xe “để vào thủ đô cho le lói với người ta”. Nàng Francessca rũ hết gió bụi đường trường, giờ xinh đẹp hẳn ra. Sau đó, lão nhấn ga phóng như bay trên đường cao tốc. Trời mưa lất phất.

Lão Sói chán Hà Nội. Lão từng làm việc ba năm ở ngoài này, hồi vừa mới tốt nghiệp. Giờ lão quyết định sẽ bỏ tụi tôi lại đó và phóng về Phù Lãng thăm nàng Sonija của lão.

Tôi biết Sonija. Đó là “bí danh” lão Sói gọi người yêu cũ – một nữ họa sĩ trung niên rất xinh đẹp. Nhìn chị ta, không ai nghĩ lại đi mê một thằng cha bèo nhèo và thua mình đến năm tuổi như Sói. Nhưng họ không đến với nhau.

Sau khi Sói chuyển về Sài Gòn, Sonija lấy một nhiếp ảnh gia người Nhật, về Bắc Ninh xây nhà vườn tận hưởng thú điền viên. Được ít lâu thì họ chia tay, anh chồng về nước, nàng vẫn sống ở đó một mình. Mỗi lần Sói ra thăm, nàng đối đãi với Sói không khác ngày xưa. Tôi nghĩ hơn cả tình yêu, Sói và Sonija còn có một thứ tình tri kỉ.

Thằng Damien lần đầu tiên ra Hà Nội. Một tháng nay nó chỉ lê lết ở khu Đề Thám Sài Gòn rồi vào tới miền Trung thì gặp tụi tôi. Tôi bảo nó cứ chơi bời thỏa thích đi, có gì sẽ liên lạc qua email sau. Nó vui vẻ gật đầu, nói rằng nếu tụi mày muốn bỏ tao lại một mình ở thành phố này, tao cũng không phản đối. Sói cười to đáp yên tâm, tụi tao sẽ không nỡ xa mày đâu, dù có mày trên xe chật như quỷ.

Còn tôi, chia tay hai thằng bạn quý, tôi bắt xe ôm đến nhà Trân.

Trân là bạn gái thân nhất của tôi thời cấp ba. Hai đứa tôi học cùng lớp còn Chiêu Anh l của Trân, học lớp bên cạnh. Khi tôi và Chiêu Anh yêu nhau, ba đứa tự dưng lại càng thêm khăng khít.

Tôi và Trân thân nhau không phải kiểu một cặp bạn thân khác phái thông thường. Hơn thế nữa, đó là một thứ tình bằng hữu đúng nghĩa! Nó vừa có sự nhạy cảm, chu toàn của một đứa con gái vừa cứng rắn, lì lợm, có chơi có chịu như một thằng con trai. Bất cứ chuyện gì tôi cũng có thể nói được với nó. Hai đứa chơi với nhau ăn ý đến độ có lúc tôi phải suy nghĩ: hoặc tôi, hoặc nó có vấn đề về “tâm-lý-giới-tính”. Hoặc là cả hai, mỗi đứa một tí.

Thi đại học, tôi và Chiêu Anh chọn Sài Gòn còn Trân nộp đơn ra Hà Nội, mặc kệ cho hai đứa bọn tôi lải nhải là ra đó xa lắm, buồn lắm, làm sao gặp nhau được. Sau mới biết cô nàng nằng nặc ra đây vì lỡ mê một chú phóng viên ảnh lớn hơn chục tuổi, sắp lấy vợ. Nhắc lại chuyện này vẫn không thể nào không lắc đầu thở dài mà rằng: ôi tình yêu mãnh liệt dại khờ của những cô bé mười tám tuổi!

Tôi bấm chuông căn nhà lớn trong ngõ nhỏ. Bố mẹ nó là dân buôn gỗ giàu nứt đố đổ vách ở Buôn Mê, nên tôi có thể hình dung được hoàn cảnh nó sống ở ngoài này. Nó mở cửa, nhìn tôi nháy mắt, cười nham nhở thay cho câu chào “Welcome to Hanoi”.

Trân dẫn tôi băng qua phòng khách rộng, lên gác, đưa tôi vào một căn phòng có cửa sổ mở ra giếng trời. Mọi thứ trong phòng đều sạch sẽ tinh tươm như sẵn sàng đón khách.

‘Mày ở phòng này’.

‘Tao còn có sự lựa chọn nào nữa?’.

‘Toilet tầng một. Tuy nhiên tao nghĩ phòng đó hơi chật’ - Nó đáp tỉnh queo.

Tôi quăng túi xuống sàn, ngả lăn ra chiếc giường êm ái thơm nức mùi nước xả. Từ hôm bắt đầu chuyến hành trình tới giờ, tôi mới lại có được cái cảm giác này. Trân lấy trong tủ ra một cái khăn lông trắng muốt, thảy ngay mặt tôi, bịt mũi.

‘Tao không muốn làm mày quê nhưng tao nghĩ mày nên đi tắm trước đ làm gì thì làm, N ạ!’.

Tôi bật cười ha hả. Nó sẽ thấy rằng tôi còn sạch chán, nếu như nó gặp lão Sói và thằng Damien.

Mày đang đứng trên thành cầu rất cao và đang suy nghĩ xem có nên nhảy xuống hay không

Trân cằn nhằn chuyện tôi bỏ học. ‘Mẹ mày sẽ đổ bệnh vì mày!’ - Nó hăm dọa. ‘Mày tưởng tao đợi mày nói mới biết chuyện đó chắc?!’. Tôi chán ngán đề tài này quá mức. ‘Mày tưởng mày viết vài bài giới thiệu sách, đăng vài truyện ngắn, lãnh vài trăm một triệu mỗi tháng là hay lắm rồi hả? Mày nghĩ đó là nghề nghiệp vững chắc trong tương lai của mày đó hả? Ai sẽ thuê mày làm việc, nếu mày chưa tốt nghiệp?’.



‘Thôi, cứ giả sử là có ai đó thuê mày đi. Sao mày không tính đến chuyện một ngày, vì bảo vệ lòng tự trọng của mình, mày đục vào mặt thằng sếp chẳng hạn. Và a lê hấp, mày lại bắt đầu cuộc hành trình đi tìm chỗ làm việc khác. Tất nhiên, chỗ đó phải vui lòng nhận những thằng chưa tốt nghiệp’.



‘Đó là trong tình huống tươi sáng nhất: mày vẫn có thể làm việc với chút tài lẻ viết lách của mày mà không cần tấm bằng đại học. Còn tao chưa đề cập đến việc mày phải làm những công việc chân tay khác mà cái thằng tiểu thư cỡ mày không đời nào làm được’.

‘Theo tao hiểu thì mày đang giải thích cho tao về sự quan trọng của bằng cấp?’.

‘Đáng tiếc là vậy. Nó không chỉ để ba má mày tự hào vì có thằng con học đại học đàng hoàng như con người ta, hay để mày cầm đi xin việc. Quan trọng hơn cả, nó còn là cơ sở để mày cảm thấy tự tin hơn với cuộc đời, sống đàng hoàng thẳng thớm không xu nịnh không hèn hạ, mở rộng phạm vi đấu tranh

‘Tất cả những điều mày vừa nói, tao cũng biết’ - Tôi thở dài.

‘Vậy tại sao mày vẫn quyết định như vậy?’.

‘Nó như là mày đang đứng trên thành cầu, ví dụ cầu Chánh Hưng đi’ - Tôi cố tìm một cách giải thích dễ hiểu nhất.

‘Tao không biết cầu Chánh Hưng’ - Nó gạt phắt đi.

‘Ờ, thì một cây cầu chết tiệt nào đó mày biết. Mày đang đứng trên thành cầu rất cao và đang suy nghĩ xem có nên nhảy xuống hay không. Rồi mày sẽ nhảy, hoặc không nhảy’.

‘Tao cũng chẳng có lý do gì để leo lên thành cầu đứng suy nghĩ hết!’.

‘Còn tao thì có. Tao đã leo lên thành cầu rồi, tao đứng ngắm nhìn xe cộ qua lại một hồi, chưa quyết định được có nhảy hay không. Xong tự nhiên tao thấy mình đang rơi. Có thể do tao tự nhảy, hay trượt chân, hay có thằng cà chớn nào đó xô tao. Nhưng tóm lại là khi có ý thức trở lại thì tao thấy mình đã rớt xuống nước rồi’.

‘Thằng hâm. Mày đâu có biết bơi!’.

‘Ờ, đúng là tao vẫn chưa biết bơi’.

‘Đồ cái thứ không biết bơi còn bày đặt leo lên đứng lắt lẻo trên thành cầu!’.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play