“Ta đã lớn, và Pauxtopxki đã chết”

Một đêm trời mưa rả rích, nước bám đầy cửa kính, chỉ thấy ánh đèn đường le lé bên ngoài. Quán vắng không một người khách. Ni gom tất cả những ngọn nến đang cháy trong quán đặt hết ở quầy bar, biến nó thành một dải ngân hà lung linh trong cái vũ trụ tối mờ “Dream a little dream”. Thi thoảng Ni ho khúc khắc. Tôi khép kín mọi ô cửa trong quán, pha cho Ni một ly chanh mật ong nóng rồi ngồi xuống chiếc ghế đối diện quầy bar.

“Này N., cậu có thích Pauxtopxki không?” Bất chợt Ni hỏi.

Hóa ra tôi và Ni có một điểm chung. Trong khoảng từ mười bốn đến mười bảy tuổi, chúng tôi say đắm Pauxtopxki và tin văn chương của ông là điều cuối cùng chân lý. Hai đứa nhắc về con mèo Ác-khíp, về thiếu tá Cuzmin, về anh thợ quét rác thành Paris Jang Samet... Và lẽ dĩ nhiên, chúng tôi đều thích thơ Bằng Việt. Có lẽ vì ông ấy cũng mê Pauxtopxki.

Chúng tôi đều thuộc làu hai bài thơ của Bằng Việt có nhắc đến Pauxtopxki. Và đều cất quyển tuyển tập Pauxtopxki in khổ nhỏ trong túi, lấy ra đọc bất cứ khi nào phải đợi.

Tôi đã mua một cuốn tự truyện của Pauxtopxki trong nhà sách cũ với giá gấp năm lần giá trị thật của nó.

Có một thời gian Ni chỉ yêu bông hồng vàng và nghe Mozart.

Tình yêu của tuổi mới lớn mù quáng như thế đó! Chỉ duy có một điều: khi Ni đã không còn xem truyện Pauxtopxki là thánh kinh của cuộc đời, tôi vẫn còn chưa lớn.

Một ngọn nến trong cốc đã cháy hết. Ni đứng dậy thay cây nến khác, khe khẽ đọc câu thơ kinh điển mà ai mê Bằng Việt cũng đã từng ngâm nga “Ta đã lớn, và Pauxtopxki đã chết”. Câu thơ vang trong bóng tối. Chưa bao giờ tôi thấm thía nỗi buồn của nó như khi nghe Ni đọc lúc này.

Trời vẫn mưa rất to, tôi bảo Ni phải ở lại quán thôi, không về được đâu. Ni ngủ trong giường tôi, còn tôi trải chiếu nằm ở phía ngoài.

Ni ngủ mê mệt cho đến tận mười giờ sáng hôm sau, mặc kệ tôi rửa ly tách leng keng phía ngoài. Giữa đêm, Ni vẫn ho khúc khắc.

Làm việc xong, tôi đi mua một cái bàn chải mới rồi đánh thức Ni dậy. Chưa bao giờ tôi thấy Ni đầu tóc rối bù, ngái ngủ như lúc đó nên hơi lạ mắt. Chị lệt xệt đi tắm, đánh răng, kêu oai oái là nước lạnh quá chừng. Thường ngày, Ni mặc những trang phục thanh nhã, tóc chải cẩn thận hoặc kẹp gọn gàng, khuôn mặt trang điểm nhẹ nhàng khi đến quán, thể hiện rõ thái độ nghiêm túc với công việc ở đây. Thậm chí đã có lúc tôi nghĩ rằng cô gái này là một mẫu người lạnh lùng, chừng mực đến mức xa vời.

Cứ mưa thế này hoài cũng được

Sớm hôm sau nữa, khi tôi bắt đầu đi tập thể dục, trời lại mưa. Tôi vừa chạy ra đến đầu phố thì mưa ầm ầm đổ xuống, phải vội ào vào núp ở một mái hiên hẹp bên đường. Nước mưa liếm tới mũi giày.

Những lúc mưa như vậy, có một cái gì đó vừa buồn rầu nhưng cũng vừa êm đềm len vào tí tôi. Để ra đến hồ, hết dãy phố này tôi phải đi qua một cái chợ nhỏ. Sáng nay chợ vắng teo không một bóng người. Những miếng bạt xanh phủ hàng quán làm tôi nhớ tới cái chợ ở thị trấn của tôi. Ở đó, hồi còn bé, tôi hay chìa tay ra khung cửa sổ hứng nước rơi long tong và đưa mắt nhìn những hàng quán vắng hoe phủ bạt nhựa ướt đẫm nước mưa. Mẹ tôi bước đển bảo tôi rút tay vào, đừng nghịch nữa kẻo ướt người. Giọng bà rất êm đềm. Kí ức đó đã xa lắm rồi, nhưng tôi không thể nào quên được.

Tôi đã đứng trong mái hiên đó nghe bài Adagio cung Đô thứ. Rồi đến Sometime when it’s rain. Buồn, nhưng êm đềm. Tôi nghĩ cứ mưa thế này hoài cũng được.

Nhưng đến trưa thì cơn mưa tầm tã ban sáng đã bặt dấu. Trời xanh trở lại.

Bản chất phụ nữ

Khi thân nhau hơn, Ni mời tôi đến nhà chơi. Sáu giờ sáng, tôi dậy mặc bộ quần áo tươm tất nhất hiện có: áo thun cá sấu (hàng dỏm, mua ở Saigon Square), quần jeans xuất khẩu (bị lỗi gì đó, người dấm dúi tuồn ra bán với giá bèo), giày sneaker Trân tặng (giờ đã cũ đi nhiều, kệ, trông càng kiêu bạc!), bắt xe buýt (vì không có phương tiện gì khác, cũng là cho thân thiện với môi trường) đến nhà Ni ở ngoại thành.

Ngôi nhà gỗ màu trắng nằm trên một ngọn đồi thấp, có nhiều hoa cúc dại mọc quanh bờ rào. Nhà xinh đẹp đúng như tôi dự đoán. Người ta đâu có điên mà bỏ việc lên đây nếu không phải là để tận hưởng. Ni không nuôi con vật gì trong nhà ngoài một bể cá vàng đặt cạnh sô-pha. Giống như tôi, chị không thích thú vật lắm, thậm chí có nỗi sợ mơ hồ về việc sa đà tình cảm vào chúng. Tôi nhớ đến Trân. Trong trí nhớ của tôi, nó chỉ khóc những lần thấy chó bị xe cán, chó nhà nó đi lạc, chó nhà nó bị ốm… Chưa bao giờ thấy nó khóc vì cái gì khác. Giờ chắc nó đã ổn định ở bên kia rồi. Lúc tôi trở về Hà Nội đã quá Noel, số điện thoại của Trân đã không còn liên lạc được nữa.

Dường như tôi biết Ni nhiều hơn những điều chị đã từng bộc lộ với tôi, qua cách bài trí căn nhà, màu rèm cửa, vị trí những cuốn sách trên giá, những đĩa DVD, những bức ảnh trắng đen treo trong phòng khách, loại xà phòng rửa tay trong toilet… Những điều ấy có thể là suy diễn, cũng có thể là rất thật.

Ni bảo hôm nay may cho tôi, Ni đang rất có cảm hứng trong việc nấu nướng. Tôi bắt tréo chân đọc sách ở sô-pha, rồi quay ra nghiên cứu chồng CD nhạc, mặc cho Ni lụi hụi trong bếp. Tôi chỉ mò vào khi Ni cất tiếng nhờ tôi dọn giúp bàn ăn. Ni lên lớp cho tôi một bài về hình tượng người đàn ông hiện đại, phải biết giúp phụ nữ trong những việc nhỏ nhặt nhất. Tôi nghe khoảng 15 phút thì bắt đầu ù tai, đành giơ cờ trắng thừa nhận là đúng vậy, tôi là kết quả của một quá trình đào tạo sai lầm, cam chịu của mẹ tôi và những người xung quanh.

Ni là người phụ nữ 8 điểm. Tôi ngốn sạch mọi thứ Ni dọn ra: bò sốt tiêu xanh, súp bí đỏ và bánh táo tráng miệng, mặc kệ chị nhìn tôi như muốn hỏi “Chả lẽ lương tôi trả cậu không đủ ăn hay sao?” Cuối buổi, tôi cứu vớt danh dự bằng cách nhìn thẳng vào mắt chị, cố tỏ ra thành thật, dù sự thành thật trong tôi đã rất dư thừa. “Ngon kinh khủng!” “So với cơm hộp triền miên mấy tháng rồi, đúng không?” Ni vặc lại, nhưng có thể thấy được chị đang rất hài lòng. Phụ nữ luôn thích được xem là họ có thể quán xuyến tốt mọi việc. À hình như đàn ông cũng vậy.

Ăn xong, tôi – bé trai vừa mãn teen được hai năm – lập tức bị Ni lợi dụng sức lao động. Chị nhờ tôi dọn bụi hoa hồng gai đã chết khô sau nhà. Hai cánh tay tôi bị gai cào tóe máu, dù đã mang găng cao su. Cái giống đầy gai này khi không còn hoa thơm thì đúng là một bụi cây quỷ sứ, chết tiệt. Tôi bảo với Ni sao tôi thấy nó giống phụ nữ, hết đẹp rồi thì đúng là tội nợ.

Ni nguýt dài, châm lửa đốt đống cành vừa chất gọn lại. Nhìn đống lửa bốc lên, tôi tự dưng kiểm điểm bản thân, thấy dạo này mình chú tâm phân tích bản chất phụ nữ hơi bị thường xuyên. Hay là lại sắp bước qua một giai đoạn khác của cuộc đời rồi nhỉ?

Ni giục tôi đi vào nhà để rửa hai cánh tay bị gai cào đang chảy máu choe choét. Tôi chọc Ni, nói may mà đây chỉ là hoa hồng gai bình thường thôi, chứ mà hoa tình như trong Thần Điêu Hiệp Lữ thì Ni phải đền cho tôi mấy chục mạng cũng không đủ. Ni cười ha ha, nói thứ như tôi có bị ghim vô bụi hoa tình, gai châm dày đặc mật độ mười cái một xen-ti-mét vuông rồi gỡ ra vẫn thơ thới như thường

Trong mắt Ni, tôi vẫn chỉ là một thằng bé chưa hiểu tình yêu là gì. Có lẽ vậy.

Có những người mình yêu - Nhưng mà không gần được -

Có những người yêu mình - Nhưng mà không ừ được…

Một buổi tối thứ bảy, có người quen của Ni ghé lại quán. Nhìn bộ dạng, tôi đoán anh ta từ Sài Gòn lên. Một người đàn ông bảnh bao, râu quai nón lờ mờ, mặc quần jeans bạc Levi’s, khoác áo vintage trắng sữa, quàng khăn len màu rượu chát. Nhìn anh ta, tôi thấy có cái gì đó kì kì rất khó diễn tả. Ni ngồi nói chuyện với anh ta ở góc quán. Hai người uống vang bên ánh nến. Cảnh tượng nhìn đầm ấm, thanh lịch như cảnh hẹn hò trong phim sến.

Ông M. buồn bực bỏ về khi chỉ vừa qua bảy giờ ba mươi. Ni và anh bảnh bao cũng đứng lên sau khi uống gần hết chai vang. Ni bảo tôi có thể đóng cửa sớm đi chơi nếu muốn. Lâu lâu cũng nên có một buổi tối thư nhàn. Chắc có “mối”, chị đâm ra cám cảnh, không nỡ để tôi ở lại làm việc một mình. Tôi ra dấu không sao, cứ để tôi lo, sẽ ổn mà. Ni mỉm cười khoác tay anh bảnh bao rời quán.

Tôi ngồi sau quầy bar, đổi đĩa nhạc yêu thích, lấy sổ tay ra viết vẽ linh tinh. Thỉnh thoảng có khách vào, tôi đứng dậy đi pha một tách trà đào hay ly cam vắt, môi huýt sáo theo bài hát đang phát trên loa. Rất nhiều người hỏi Ni đâu. Hóa ra Ni đã trở thành một “chi tiết” không thể thiếu của quán, hoặc là không chỉ mình ông M. tới đây vì Ni.

Trưa hôm sau, Ni đến quán sớm hơn thường lệ, rủ tôi đi ăn trưa ở ngoài. Tôi tò mò hỏi sao tốt bụng đột xuất vậy? Nhân dịp có trai lên thăm. Tôi buồn cười cái kiểu Ni gọi tất cả những gã quanh mình là “trai”. Nghe vừa ngạo mạn vừa đỏng đảnh.

Ni để ý anh chàng đó hồi còn đi làm. Anh ta là phát thanh làm việc chung với Ni. ‘Tôi thích anh ấy mà không biết phải làm sao để ngỏ lời, thích đến nỗi phát bệnh lên luôn. Sau anh ấy cũng để ý thấy, hai đứa đong đưa với nhau một thời gian. Rồi tôi phát hiện ra anh ấy là gay.’

‘Như thế nào?’

‘À, một lần kia quên đồ, tôi quay lại công ty lúc tối khuya, thấy anh ấy và một thằng biên tập viên khác đang hôn nhau kịch liệt ở ngay bàn làm việc’

‘Sốc không?’

‘Cũng khá sốc chứ. May mà chưa sâu đậm lắm, không thôi chắc phải viết thư lên góc tư vấn của báo Tình Yêu & Hôn Nhân để khóc lóc rồi.’ Ni nói giọng khôi hài.

‘Và bây giờ hai người là bạn tốt?’ Tôi nín cười.

‘Ừ đó! Thỉnh thoảng ảnh lên đây chơi với tôi. Hôm qua thì anh ấy lên chúc mừng sinh nhật.’

Hóa ra đó là ngày sinh nhật Ni. Trên đường về, tôi mua cho chị một bó hoa loa kèn – loại hoa Ni thích. Chị cắm một ít vào cái lọ pha lê lớn đặt trên quầy bar, còn lại sẽ mang về nhà.

Buổi chiều, ông M. đến, cầm theo một gói quà rất to, dèm dẹp và một bó thủy tiên. Tôi và Ni nhìn nhau, không hiểu từ đâu ông biết ngày sinh nhật chị. Ông chậm chạp mang gói quà tiến lại chỗ Ni. Tôi biết ý, lùi ra sau bếp, cố chú tâm vào việc sắp xếp mấy lọ cà phê, bột trà nhưng vẫn nghe tiếng ông oang oang.

‘Tôi bỏ cuộc. Em làm tôi hy vọng nhiều, cũng đau đớn nhiều. Tôi có món quà cuối tặng em. Mai tôi về lại Sài Gòn.’

Nếu đang không nghe những lời như vậy, chắc tôi cười lộn ruột. Nhưng lúc đó tôi nghe lời ông M. nói, cảm thấy buồn bã lây, trong đầu gợn lại cái ý nghĩ điên rồ đã bao lần bốc lên rồi bị dập tắt: trên đời này có bao nhiêu người đau khổ vì tình yêu, sao không ráp vào nhau cho yên chuyện. Như tôi và Chiêu Anh. Hai đứa đều rất yêu nhau, nhưng rồi cái gì đã biến tình yêu thành một mớ lùng nhùng không gỡ nổi?

Tôi từng nói với lão Sói như thế. Lão đã cười nhạo tôi “Mày nói chuyện như thằng con nít năm tuổi chỉ biết một cộng một bằng hai vậy!”

Không nghe Ni trả lời gì. Tôi đứng thêm một lát nữa rồi thò đầu ra, thấy ông M. không còn đứng đó nữa. Ni ngồi tỉ mẩn bóc gói quà, vẻ mặt khó đoán được chị đang nghĩ gì. Đó là một bức tranh. Chân dung Ni đang ngồi bên quầy bar, cạnh những ngọn nến được ông M. tái hiện hoàn toàn bằng trí nhớ. Nét vẽ có thần, đủ biết cô gái này là người mà họa sĩ rất yêu. Ni ngắm bức tranh rất lâu rồi gói lại, cất lên nóc tủ. Suốt buổi đó chị lặng lẽ hẳn.

Tôi tự hỏi ai sẽ nhớ câu chuyện này lâu hơn, Ni hay ông M.?

Khuôn mặt sớm mai

Tôi mang đến nhà Ni một cây triêu nhan. Tên thuần Việt của nó là bìm bìm. Nhưng từ sau khi học môn văn học Nhật Bản, tôi học đòi gọi nó như thế.

Tôi nhổ trộm một gốc hoa ở căn nhà xinh đẹp nằm gần hồ, nhân một buổi sáng chạy bộ. Hoa có màu kì lạ, sắc tím pha xanh sáng bừng lên trong gió sớm. Hình như người ta gọi đây là màu biếc. Tôi chạy ngược về bến xe, đón chuyến xe bus đến nhà Ni, lén trồng trước bờ rào. Chẳng hiểu sao ngay phút nhìn thấy bông hoa đó, tôi nghĩ về Ni.

‘Cậu đang làm gì đấy? Ai cho tới đây?’ Tiếng Ni bất thần vang lên sau lưng, khi tôi đang phủi tay ngắm nhìn thành quả của mình.

Tôi giật mình quay lại. Ni mặc áo quần thể dục, tai cũng mang iPod, tóc được cài lại gọn gàng bằng loại băng-đô thể thao, đang đứng khoanh tay nhìn tôi. Hóa ra chị cũng chạy mỗi sáng sớm.

Ni nhìn cây triêu nhan vừa cắm xuống đất, cười thành tiế

‘Định làm cho tôi bất ngờ hả?’ Ni hỏi tiếp.

Tôi chỉ biết nhe răng cười, không biết đáp thế nào.

‘Đã tới rồi, vào nhà uống cà phê đi!’ Ni nói, quay lưng bước qua cổng. Tôi đứng dậy bước vào theo, dù biết mình đang giống hệt một thằng rô-bốt nhất nhất nghe theo chiếc remote là những lời Ni nói.

Ni pha hai ly cà phê sữa. Chúng tôi ngồi ngoài vườn. Ni hỏi hoa ở đâu, tôi kể chuyện trộm hoa trên đường chạy bộ sáng nay.

‘Từ nhỏ đến lớn, có hai người đàn ông từng ăn trộm vì tôi. Một là cậu bạn lớp mẫu giáo. Cậu ấy ăn trộm kẹo trong túi một thằng khác để tặng cho tôi. Người còn lại là cậu.’

Tôi muốn nói với Ni, hành động đó xuất phát từ một tình yêu lớn lao lắm. Tôi không hề nghĩ mình yêu Ni, nhưng với trường hợp thứ nhất, tôi cho rằng như vậy.

‘Cảm giác đó hạnh phúc không?’ Tôi hỏi.

Ni gật đầu, mỉm cười. Trông chị lúc đó rất đáng yêu.

‘Mỗi ngày em chạy bộ, phát hiện ra rất nhiều điều thú vị.’ Tôi kể. ‘Ở bãi đất trống trong dinh hai có một cây việt quất, chị biết không?’

‘Việt quất? Blueberry? Ở Đà Lạt này?’ Ni há miệng rất ngạc nhiên. Lưỡi chị còn nhuộm cà phê màu nâu.

‘Đúng rồi. Sáng sớm em hay trèo vào đó, đi lang thang lượm củi thông với một bà già làm nghề bán củi. Tình cờ em thấy bà ấy hái trái từ một cái cây mọc lẫn trong cỏ ăn ngon lành. Bà gọi đó là trái mọng”.

‘Cậu đã xem phim My Blueberry Night của Vương Gia Vệ chưa?’ Ni hỏi. Đề tài quả việt quất gợi cho Ni một vấn đề khác.

Tôi đáp rằng xem rồi. Ni nói hồi lâu về hai nhân vật chính trong phim, say sưa, mê mệt. Tôi đoán chị thích bộ phim này lắm.

Tôi nói thêm rằng tôi thích tất cả những soundtrack trong phim của Vương Gia Vệ. Ni đồng ý. Ông ta có gu chọn nhạc rất tuyệt vời.

Hôm đó Ni mang theo đĩa soundtrack trong phim 2046 của Vương Gia Vệ để mở ở quán. Khắp trong Dream a little dream tràn ngập những xúc cảm tinh tế khác nhau được cụ thể bằng âm thanh. Những đoạn Interlude và Main theme phiên bản Rumba nghẹn thở của tay soạn nhạc người Nhật Shigeru Umebayashi. The Christmas Song xưa cũ của Nat King Cole. Bài Sway do Dean Martin hát khoan thai, chậm vừa nhưng vẫn đầy đam mê. Bản Adagio buồn miên man của Secret Garden…

Những người khách trong quán dường như cũng bị tiếng nhạc thôi miên. Hoặc tôi tưởng vậy. Tiếng chuyện trò vơi tắt. Chỉ còn những khuôn mặt im lìm và thời gian cháy trên đầu ngọn nến.

Hai thế giới

Tôi tìm thấy một khuôn mặt quen trong rất nhiều khuôn mặt im lìm đó.

Sống mũi, nét môi, mái tóc lòa xòa trước trán. Tất cả đều gợi nên niềm thân thuộc. Chiêu Anh ngồi một mình bên bóng nến, dưới bức tranh “Tự họa với chiếc vòng cổ bằng gai và con chim ruồi” của Frida Kahlo. Đó là bản chép khá công phu Ni mua được trong một galery tồi tàn nhân chuyến đi Tây Ban Nha. Tôi luôn thấy rờn rợn khi nhìn bức tranh đó. Tôi sợ ánh mắt của những người phụ nữ quá quật cường.

Vậy là thực sự tôi đã không biết nàng ở đâu, cái ngày hôm đó. Tôi đã không giết nàng. Nàng còn sống và hiển hiện trước tôi đây, chỉ cách vài bước đi trong quán cà phê nhỏ. Không thể là ảo giác. Tôi không còn nghĩ đến quá nhiều rủi ro, khi trái tim tôi đang nghẹn lại vì nỗi vui mừng.

Tôi ngắm kĩ Chiêu Anh. Có lẽ đợt điều trị tâm lý đã có hiệu quả. Ánh mắt nàng không còn chất chứa quá nhiều hốt hoảng như ngày xưa. Nàng có vẻ thư thái, đằm dịu, dù buồn.

Tại sao nàng không nhận ra tôi, khi ban nãy tôi tận tay mang cho nàng một tách trà nóng? Tôi chạm tay lên mặt mình, tự cảm nhận những đổi thay. Có lẽ tôi không còn là N. ngày nào của nàng nữa. Tôi gầy đi nhiều, da đã sạm đen. Má tôi hóp lại và mấy ngày rồi tôi chưa cạo râu. Tôi lùi xùi trong chiếc áo khoác dầy và đôi giày buộc dây cẩu thả. Tôi giữ nàng bên tôi bằng ký ức và những trang ghi chép cũ, chứ không phải bằng nỗi say mê bồng bột ngày nào.

Trong một phút giây, tôi muốn bước đến. Để ôm nàng thật chặt. Hoặc để chào nàng và nói chuyện vơ vẩn. Hoặc chỉ để nàng nhận ra tôi.

Nhưng tôi sực nhớ ra một điều: Chúng tôi giờ đã thực sự thuộc về hai thế giới.

Cái gì làm nên sự chia cách?

Tôi hỏi Ni. Chị chạm nhẹ ngón tay trỏ vào trán tôi. Ngón tay rất lạnh.

‘Cái này!’

‘Trán à?’

‘Không, thứ ở đằng sau trán. Trừ phi cậu không có nó!’ Ni trả lời.

Đã đến lúc

Lại thêm một buổi sáng của cuộc đời.

Tôi dậy sớm, đeo earphones vào tai, chọn nghe những bài hip hop sôi động. Tôi đi bộ nhẹ nhàng, rồi nhanh dần thành chạy, rồi tăng tốc. Hết một vòng hồ, iPod chạy đến bài “Free your mind” của En Vogue. Tôi đi chậm lại, lau mồ hôi đang tràn xuống mắt, gắng thở đều và ngắm mặt trời lên.

Tôi biết đã đến lúc mình phải quên Chiêu Anh. Nàng không thể tận hưởng trọn vẹn cuộc sống thanh thản phía trước, nếu bất chợt tôi hiện ra trước mắt nàng như một bóng ma, nhắc nhớ về những ngày tháng đã qua.

Những ngày đó, cả hai chúng tôi đều mất phương hướng.

Em biết anh đang nhìn em.

‘Em biết anh đang nhìn em.

Và em hiểu vì sao anh không bước đến, kéo ghế ngồi trước mặt em, nói một câu gì đó khôi hài như anh vẫn thường làm.

Bác sĩ đã giảm liều thuốc cho em. Giờ chỉ còn cần hai viên xanh buổi sáng và một viên hồng buổi tối để giữ cho một ngày cân bằng. Em cũng được khuyên nên đi tập yoga. Trân thì nói rằng em nên nuôi một con chó nhỏ, sẽ vui hơn (anh biết tỏng tính nó, đúng không?) Nó đang vừa học vừa làm việc cho một xưởng chế biến rau củ ở Lille…

Lúc nào đó, chúng ta sẽ gặp lại nhau chứ?’

Tháng năm, trời Đà Lạt dậy thơm mùi nồng ấm của núi mùa hè. Tôi xin nghỉ việc ở Dream a little dream đúng hôm Ni báo cây triêu nhan nhỏ tôi mang đến đã bò lên bờ rào và nở bông hoa đầu tiên.

‘Tôi biết có lúc cậu sẽ đi. Như một cái máy tính đang cài chế độ standby bị đánh thức.’

Ni chìa tay ra cho tôi ôm tạm biệt chị. Tôi không ngờ Ni mảnh mai đến vậy.

Những chuyến xe bus nối đuôi nhau chạy hết một vòng.

Tôi về Sài Gòn, ngồi quán cà phê nhỏ trong hẻm. Sói không có ở đó. Có lẽ lão vẫn chưa về.

Rồi tôi đi bộ ra hồ Con Rùa. Từ hồ Con Rùa, tôi leo lên xe S09.

Chín tháng trôi qua như một chớp mắt. Chuyến xe trưa yên ắng lạ thường. Chú tài xế không mở radio để những suy nghĩ trong đầu tôi có chỗ nào nương náu. Con đường cũ trôi qua mắt tôi như những khúc phim hồi ức loẹt xoẹt chạy thành một chuỗi dài vô tận.

…xe buýt S09 … nàng Francessca lướt êm ru … trời lạnh tê tê, lất phất mưa … thị trấn của mày buồn chết mẹ! … đây là lần đầu tiên của em… I once had a girl or should I say she once had me … tao nấu ăn khá ngon và tao có thể chơi đàn …. dưới giàn cát đằng … cuốn sổ bìa da nâu … rượu thóc vùng này, mới vài ngụm đã chếnh choáng say … chiếc máy giặt biết nhảy múa … cậu có thích Pauxtopxki không? … cứ mưa thế này hoài cũng được ... những ngọn đèn cất mình lên, rồi bay hút vào màn đêm … tại sao nàng không nhận ra tôi … Sumire đã bước qua bên kia tấm gương … xin nhắc lại: em N.V.N, tên ở nhà là Mickey ra ngay cánh gà sân khấu có mẹ cần gặp hiều mùa đông ở Trùng Khánh … con đường yên tĩnh uốn vòng qua núi … một cuộc sống không tồi!... đồ hộp hâm trên bếp cồn với bánh mì dai như giẻ rách… biển phóng khoáng, thoát bay, cuốn trôi …

Xe dừng ở bến cuối. “Đến rồi, nhỏ!” Tiếng bác tài vang lên giữa hai dãy ghế làm tôi giật mình, như thể vừa ngủ một giấc dài vừa tỉnh dậy. Tôi tự hỏi chín tháng gần đây hay hai mươi năm trước đó, đâu là một giấc mơ.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play