Cuộc đời thường có nhiều dữ kiện đôi khi không giải thích nổi và bất ngờ thường hay dồn dập đến cùng một lúc. Chuyện đó cũng xảy ra với Bảo Lâm.

Bệnh của mẹ đang ở trạng thái "tỉnh" đột ngột biến sang trạng thái "động". Thật ra thì cũng không phải bất ngờ, vì ngay từ đầu, bác sĩ đã từng cho ông Vĩnh Tú, cha Bảo Lâm và nàng biết:

- Nếu quý vị không đưa bà ấy vào viện tâm thần, bệnh sẽ càng lúc càng nặng. Bước đầu chỉ là ảo giác tưởng tượng, nhưng càng lúc sự tưởng tượng đó sẽ mang lại nguy hiểm. Bắt đầu nói nhảm, rồi đến đánh người, đập phá đồ đạc, la hét, cái gì cũng có thể xảy ra, vì vậy quý vị nên tỉnh táo một chút, suy nghĩ sáng suốt một chút. Đưa bà ta vào viện tâm thần trị liệu thì hơn, chứ đừng quá thương yêu bà ta mà nấn ná để ở nhà. Tôi báo trước sẽ có chuyện không hay xảy ra.

Cha con Bảo Lâm không phải là không tỉnh táo, không biết suy nghĩ, có điều họ không đành lòng để bà Tố Trinh, mẹ Bảo Lâm, vào nhà thương điên. Ở đấy có nhiều hình ảnh mà tình cảm gia đình không thể chấp nhận được. Đó là chưa kể lúc mới bệnh, bà Tố Trinh tỏ ra rất hiền lành. Bà chỉ ngồi lẳng lặng, suy tưởng, nhớ tiếc đến đứa con trai đã mất. Hành vi như vậy nào có gì nguy hiểm đến ai? Rồi sau đó, không hiểu nghe ai nói, bà biết được chuyện mình sẽ bị đưa vô nhà thương điên. Thế là bệnh trở nặng ngay. Bà bệnh không phá phách mà chỉ là một sự đột quỵ. Đôi chân yếu dần, đi đâu cũng cần phải có người dìu. Mới hôm trước bác sĩ đến khám, cho biết cơ thể không hề có bệnh gì ngoài vấn đề tâm thần. Chính tâm thần tác động làm bà đột quỵ. Lúc tỉnh, bà thường van vỉ cùng chồng:

- Anh Tú, em đã sống chung với anh hơn hai mươi năm. Anh hãy thề đi! Thề là sẽ không bao giờ đưa em vào nhà thương điên nghen.

Tình cảm, sự trung hậu, và lương tâm con người đã bắt ông Vĩnh Tú thề. Ông hứa, và năn nỉ mọi người đừng nhắc đến chuyện đưa bà vào nhà thương điên nữa.

Công việc nhà bây giờ rất bận rộn. Bảo Lâm tất bật với việc ở trường, việc đi dạy kèm. Người giúp việc chỉ làm những việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Vì vậy, để tiện việc chăm sóc, thuốc thang cho vợ, ông Vĩnh Tú đã xin về hưu non. Tưởng mọi việc sẽ êm, nhưng rồi bệnh của vợ ông càng lúc càng nặng ra. Không biết bắt đầu từ bao giờ, Bảo Lâm đã trở thành mục tiêu la chửi, đay nghiến của bà. Con người bình thường cũng thế thôi, cũng cần phải có đối tượng nào đó để trút bỏ những uất ức, bực dọc, đè nén. Những bực dọc đó có thể là sự bất mãn trong sự nghiệp, sự cạnh tranh, giành giật, hay là kẻ thù, tình địch hoặc một kẻ gai mắt.

Tại sao bà ghét Bảo Lâm? Có thể phát xuất từ quan niệm trọng nam khinh nữ, cũng có thể vì lúc đầu Bảo Lâm đã đồng ý để Bảo Hòa, em trai nàng, được giải phẫu và vì thế mà đã không sống được?

Mặc dù biết tâm trí mẹ không bình thường, nhưng Bảo Lâm vẫn không làm sao giấu được sự đau khổ khi bị mẹ trút cơn giận dữ. Rất nhiều lần, nàng đã khóc vì chuyện này. Và cũng rất nhiều lần, nàng tự hỏi vì sao mẹ lại ghét bỏ nàng đến độ như vậy.

Có lần tuyệt vọng, Bảo Lâm đã hỏi cha:

- Cha ơi! Con có phải là con ruột của mẹ con không? Hay chỉ là một đứa con nuôi? Có lẽ chỉ có Bảo Hòa là con ruột!

Ông Vĩnh Tú đã trừng mắt nhìn Bảo Lâm, và nàng chưa bao giờ thấy cha giận dữ như vậy.

- Tại sao con có thể nói vậy được chứ? Dù sao mẹ con cũng đang bệnh, con phải hiểu và bỏ qua. Không lẽ cả con cũng điên ư? Ai lại để ý đến lời nói của người điên bao giờ!

Câu nói của cha khiến Bảo Lâm bừng tỉnh. Không thể suy nghĩ bậy bạ, Bảo Lâm không còn thắc mắc và chỉ âm thầm chấp nhận sự dày vò đay nghiến của mẹ. Nhưng Từ Sâm lại bày tỏ tình yêu, đó là một sự bất ngờ. Vì dù Bảo Lâm quen với Từ Sâm đã lâu, nhưng trong mắt Bảo Lâm, Từ Sâm vẫn là một đứa nhỏ mới lớn, một đứa em trai. Và đã có một khoảng thời gian, hình như Bảo Lâm đã quên bẵng như không biết đến con người đó. Bây giờ đột nhiên Từ Sâm lại đột ngột xuất hiện. Với tình cảm vồn vã gần như ngây thơ, Từ Sâm đã bày tỏ nỗi lòng của mình. Rõ ràng, chuyện này mới rối rắm, đã gây cho Bảo Lâm một tí xáo trộn.

Nhưng mà chuyện đó cũng không làm Bảo Lâm bất ngờ hơn chuyện khác. Đó là sự xuất hiện của La Duy Trâm.

La Duy Trâm là em gái của La Dũng, nhỏ hơn Dũng bốn tuổi. Khi Bảo Lâm gặp La Dũng trong buổi lễ đón sinh viên mới và họ đã yêu nhau. Lúc Bảo Lâm vừa chân ướt, chân ráo bước vào ngưỡng cửa đại học thì La Dũng đã là sinh viên năm thứ ba. Còn Duy Trâm, một cô nữ sinh trung học mười bảy tuổi. Bấy giờ tuy mới lớn nhưng Duy Trâm đã là trung tâm điểm chú ý của bao nhiêu chàng trai. Duy Trâm rất giống anh. Nàng có sức hấp dẫn lôi cuốn, lại nói năng nhỏ nhẹ. Duy Trâm rất đẹp, một vẻ đẹp lồ lộ toát ra quanh người.

Duy Trâm có một cuộc sống khá sôi nổi. Không hiểu vì Duy Trâm còn ngây thơ quá không mà Bảo Lâm lại thấy Duy Trâm như đùa giỡn với bạn bè khác phái, đặc biệt là hay nhởn nhơ như con cá vàng trong chuyện tình cảm. Với ai cô bé cũng tỏ ra mềm mại để chinh phục, vì vậy, cả đám con trai đến bu quanh lấy cô. Còn chuyện học hành của Duy Trâm thì không lấy gì sáng sủa lắm. Với cô, tốt nghiệp được cấp ba đã là may mắn. Biết sức mình, Duy Trâm không vào đại học mà chọn nghề hát. Thế là đi làm ca sĩ, cũng được lên truyền hình, cũng được mấy tay đạo diễn háo sắc lăng xê. Kể ra, giọng hát của cô không có gì đặc biệt, cô được người ta chú ý trước hết là bởi sắc đẹp và cách ăn mặc. Mỗi khi lên sân khấu biểu diễn, Duy Trâm ăn mặc khá hớ hênh, theo lối học đòi phô trương thân thể nửa kín, nửa hở như mấy cô đào bên Tây nên bị ban bảo vệ thuần phong mỹ tục cấm hát. Buồn chán ít hôm, Duy Trâm tức giận bỏ nghề, nhảy qua làm diễn viên điện ảnh. Ít lâu sau, Bảo Lâm được tin Duy Trâm đi đóng phim cho một hãng phim lớn ở thủ đô.

Trong khoảng thời gian này, La Dũng tốt nghiệp đại học, cũng đã thi hành xong nghĩa vụ quân sự. Đó cũng là lúc lễ đính hôn đơn giản giữa La Dũng và Bảo Lâm được tổ chức. Ngày vui, Dũng và Lâm nhận được bưu thiếp của Duy Trâm đánh đi từ thủ đô, với những dòng chữ ngắn gọn như sau:

"Mong anh chị suốt đời yêu nhau

Tình yêu vạn tuế"

Khi nhận được những lời chúc mừng, cả hai người đều thích thú. Lúc bấy giờ Duy Trâm đang đóng một phim gì đó ở tận thủ đô. Phim sau mấy ngày khai trương không ăn khách lắm, sau đó lại bị cấm chiếu do tính chất lạm dụng phim tình dục của nó. Như vậy cũng có nghĩa là Duy Trâm không có duyên với cả điện ảnh.

Và từ khi La Dũng ra nước ngoài, rồi lấy vợ, mối dây liên hệ giữa Bảo Lâm và gia đình họ La gần như cắt đứt. Gần ba năm nay, có thể nói hầu như Bảo Lâm chẳng có tin tức gì về Duy Trâm. Thỉnh thoảng đọc báo điện ảnh, Bảo Lâm cũng không thấy nói gì tới Duy Trâm, nên hình dáng của Duy Trâm gần như biến mất trong cuộc sống bận rộn của Bảo Lâm. Vả lại, do hoàn cảnh đau yếu của mẹ, Bảo Lâm phải luôn đối đầu với bao nhiêu chuyện phức tạp, nên Bảo Lâm quên hẳn mất Trâm. Đùng một cái, Duy Trâm lại xuất hiện.

Hôm ấy là ngày thứ hai kể từ khi Bảo Lâm bị thương. Vết thương còn nhức khiến Bảo Lâm vô cùng mệt mỏi. Đúng ra phải nghỉ thêm một ngày nhưng vì Bảo Lâm sợ cha lo nghĩ nhiều không tốt. Vả lại, sắp đến kỳ thi cuối năm, Bảo Lâm phải ôn thi cho học sinh nên Bảo Lâm vẫn đến trường như thường.

Hết tiết thứ tư, Bảo Lâm vừa ôm sách ra khỏi phòng học thì có một học sinh vào thưa:

- Thưa cô, cô có khách.

Bảo Lâm giật mình tưởng chừng là Từ Sâm, vì Từ Sâm đã nói trưa nay sẽ tới đưa nàng đến bệnh viện tái khám và thay thuốc. Nhưng khi Bảo Lâm ra, nàng không khỏi ngỡ ngàng, người tìm nàng là một cô gái lạ.

Bảo Lâm không nhận ra Duy Trâm ngay vì cô bới tóc cao và tết loăn xoăn theo từng lọn nhỏ theo kiểu người châu Phi, mắt tô đậm, lông mi giả, phấn trát đầy, bên cạnh đó là chiếc áo đầm đỏ bó sát người, cổ hở chỉ cài ở nút số ba nên để lộ bộ ngực tròn đầy quyến rũ.

Duy Trâm bước tới, cười với Bảo Lâm:

- Ồ! Chị Bảo Lâm, chị quên tôi rồi sao?

Bảo Lâm chăm chú nhìn, rồi sực nhớ ra:

- À! Thật tình nhìn không ra, cô thay đổi nhiều quá, đẹp hơn trước nhiều!

- Chị nói khiến em nở phồng mũi cả lên!

Duy Trâm cười nói. Nàng bước tới định nắm lấy tay Lâm, Bảo Lâm sợ trúng tay đau nên rút tay ra sau. Duy Trâm ngạc nhiên hỏi:

- Chị làm sao thế? Không muốn tôi chạm đến à?

- Không phải.

Bảo Lâm gượng cười, rồi đưa cánh tay bị thương lên cho Duy Trâm nhìn thấy:

- Tay tôi đang bị đau nên sợ Trâm chạm phải thôi.

Duy Trâm vòng tay qua nắm cánh tay không bị đau của Bảo Lâm, vừa bước vừa nói:

- Bảo Lâm, chị vẫn giống như ngày trước, không có gì thay đổi, chỉ hơi gầy một chút. Nhưng gầy là mốt hiện nay đấy. Chị hay thật, em làm đủ mọi cách mà nào có gầy đi được đâu.

Bảo Lâm cười nhẹ:

- Tôi thấy Trâm như thế là vừa người rồi, không mập lắm đâu. Nghe nói Trâm đang đóng phim ở thủ đô mà, về đây bao giờ thế?

- Tôi về đây lâu rồi.

Duy Trâm đáp bằng một giọng thật trong, thật đàn bà. Duy Trâm đã lôi cuốn biết bao người đàn ông bằng giọng nói chết người đó. Hai người vừa đi vừa nói chuyện có vẻ thân mật hơn trước.

- Chị Lâm, em hỏi thật chị nhé: Tại sao chuyện của chị với anh Dũng lại tan vỡ thế?

Bảo Lâm chau mày, nàng cũng không muốn ai nhắc đến cái tên đó lúc này:

- Tôi cũng không biết, có lẽ vì Dũng tìm được một người đàn bà khác tâm đầu ý hợp hơn tôi.

Duy Trâm làm ra vẻ bất mãn, than vãn:

- Hừ, làm sao bằng được chị. Cái bà đó chằn lắm, lăng nhăng lắm. Em cũng không hiểu tại sao anh Dũng lại có thể lấy một người như vậy được.

Bảo Lâm hỏi với một chút hồi hộp:

- Làm sao cô biết? Họ đã về đây rồi à?

Duy Trâm đáp:

- Chưa! Nhưng tôi đã trông thấy ảnh, mà anh Dũng có viết thư hỏi thăm chị nữa đó, chị Lâm ạ. Tôi nghĩ có lẽ anh ấy chưa quên chị, vợ anh Dũng dữ lắm, hai vợ chồng cứ hục hặc nhau mãi. Đầu năm nay, mẹ tôi có sang ở ba tháng, lúc về, người cứ luôn mồm nhắc đến chị thôi. Ồ, chị Lâm, đúng ra thì chị cũng thấy đấy, anh Dũng quá tệ với chị. Nói rõ hơn là gia đình tôi có lỗi với chị, nhưng chị cũng đừng vì chuyện của anh Dũng mà tuyệt giao với gia đình tôi. Chị cũng biết là cả nhà tôi từ cha đến mẹ, ai cũng mến chị. Vả lại, biết đâu rồi tình cũ không rủ cũng tới!

Duy Trâm vừa nhún vai vừa nói tiếp:

- Biết đâu anh Dũng lại ly dị vợ, trở về đây, và chúng ta lại trở thành người nhà của nhau, phải không?

Bảo Lâm lại nhìn Duy Trâm. Không lẽ Duy Trâm đến đây chỉ để đóng vai thuyết khách là minh giải cho Dũng? Bảo Lâm cảm thấy nghi ngờ những lời phê bình của Duy Trâm về bà chị dâu. Chằn quá, lại lăng nhăng cỡ nào? Cùng lắm là như Duy Trâm thôi chứ gì?

- Cô Trâm, xin hỏi thật, cô tìm đến tôi có việc gì?

- À! Chị cũng thấy đấy, sau khi hủy hợp đồng với hãng phim, tôi nằm nhà, ở không hoài cũng chán nên định tìm một việc gì để làm, nên...

Bảo Lâm ngạc nhiên:

- Cô định nhờ tôi tìm việc làm cho cô? Cô định làm cô giáo ư?

Duy Trâm nói:

- Dĩ nhiên là không phải vậy. Với người như tôi, làm sao có thể làm cô giáo được chứ?

Bảo Lâm nhìn Duy Trâm, dù sao cô ta cũng tự đánh giá được mình.

- Thế thì tìm tôi làm gì? Duy Trâm cũng hiểu là môi trường tôi tiếp xúc chỉ là môi trường học thôi.

Họ đã ra đến ngoài cổng. Duy Trâm chợt nói:

- Chúng ta đi ăn cơm trưa nhé? Vừa ăn vừa nói chuyện cũng được.

Bảo Lâm do dự:

- Tôi...

Nàng ngẩng lên, vừa kịp bắt gặp Từ Sâm đang từ bên kia đường bước qua.

- Tôi còn phải đến bệnh viện thay băng.

Bảo Lâm chỉ vào vết thương nói tiếp:

- Tôi bị mảnh thủy tinh cắt đứt khá rộng, nhưng mà Trâm cần tôi điều gì, cứ nói ngay ra đi. Nếu giúp được, tôi chẳng nề hà gì.

Duy Trâm vừa cười vừa nói:

- Thôi được, tôi nói, tôi nghe nói là chị có quen với ông luật sư nổi tiếng là Tạ Thắng phải không?

- À!

Bảo Lâm ngạc nhiên chưa kịp nói thì Duy Trâm tiếp:

- Chị có biết ông ta rất nhiều uy thế không?

Bảo Lâm nói, thoáng có một chút bực dọc trong lòng:

- Thế ư?

Mấy năm nay không có liên hệ gì với nhau, chuyện hôn nhân gẫy đổ, Bảo Lâm đã nghĩ là giữa nàng và gia đình họ La đã hoàn toàn ngăn cách. Ai ngờ chỉ một việc Bảo Lâm quen với luật sư Thắng, gia đình của La Dũng cũng biết, và còn định lợi dụng mối quan hệ đó nữa.

Bảo Lâm nói:

- Cái đó tôi không biết. Tôi chỉ có trách nhiệm dạy kèm bài vở cho con gái ông ấy, còn ngoài ra tôi không biết gì về ổng cả.

Duy Trâm vừa định nói thêm điều gì thì Từ Sâm đã đứng trước mặt hai người. Từ Sâm tò mò nhìn Duy Trâm. Chàng tưởng đâu bạn đồng nghiệp của Bảo Lâm nên có phần ngài ngại:

- Sao xong chưa? Chúng ta đến bệnh viện nhé?

Bảo Lâm ngạc nhiên nhìn Từ Sâm:

- Sao? Còn xe gắn máy của cậu đâu?

Từ Sâm cười giả lả:

- Tôi nói Bảo Lâm đừng giận nhé?

- Làm sao chớ?

- Xe đã mất, kẻ gian đã lấy mất.

Bảo Lâm không vui:

- Đấy, cậu thấy không? Tôi đã bảo là đừng bao giờ bỏ xe ngoài đường. Thế còn mấy bản thiết kế thì sao?

- Đương nhiên là mất luôn.

Bảo Lâm thở dài:

- Ồ! Tất cả tại tôi hết.

Từ Sâm nói:

- Thôi bỏ đi, đừng nhắc tới nữa! Nếu không mất cái cũ thì làm gì có cái mới.

Bảo Lâm nói:

- Cậu nói như giàu lắm đấy. Còn mấy bản thiết kế thì sao? Công trình vẽ hết mấy ngày trời.

Từ Sâm cười:

- Vì vậy, tôi phải bỏ cả một buổi sáng nay ngồi vẽ, nhờ vậy mà đột nhiên cảm hứng lại đến. Tất cả mọi vấn đề tồn đọng mà hôm trước không giải quyết được, chợt nhiên tìm ra đáp số cả. Kết quả là tôi có bản thiết kế tuyệt vời. Ông giám đốc trông thấy còn phải ca ngợi. Tôi đã nói rõ rồi mà. Nếu cái cũ không mất thì làm gì có cái mới.

Duy Trâm tằng hắng một tiếng, tròn mắt nhìn Từ Sâm, rồi nói với Bảo Lâm:

- Bảo Lâm, sao chị không giới thiệu gì hết vậy? Đây là...

Bảo Lâm như nhớ ra, nhìn Duy Trâm rồi nhìn Từ Sâm.

- À! Tôi xin giới thiệu với Sâm đây là cô Duy Trâm. Còn Duy Trâm, đây là Từ Sâm.

- Chào anh.

Duy Trâm đưa tay ra cho Từ Sâm bắt lấy. Từ Sâm quay lại. Bây giờ chàng mới nhìn rõ Duy Trâm. Một khuôn mặt đẹp, một thân hình bốc lửa. Từ Sâm chợt thấy lúng túng, mặt nóng ran.

- À! Chị Trâm. Chị cũng là giáo viên ở đây à?

Duy Trâm lấy tay che miệng, mắt cô ta chớp chớp với Từ Sâm:

- Anh trông tôi giống cô giáo lắm ư?

Từ Sâm càng bối rối:

- À! Vậy ra không phải, cô là...

- Tôi là em chồng của chị Bảo Lâm!

Duy Trâm nói, giọng êm như ru. Từ Sâm kinh ngạc:

- Chị nói sao?

Duy Trâm lặp lại với một nụ cười, một nụ cười khiêu khích và đầy sức quyến rũ:

- Tôi nói tôi là em chồng của chị Bảo Lâm. Không tin anh hỏi chị Lâm xem.

Từ Sâm quay lại nhìn Bảo Lâm khiến nàng phải nói:

- Đừng có nói chơi như vậy. Cô ấy là em gái của La Dũng đấy.

Từ Sâm gục gặt đầu.

- À!

Chàng quay lại nhìn Duy Trâm, thì ra Bảo Lâm vẫn còn qua lại với nhà họ La, hèn gì Bảo Lâm chẳng từ chối sự kết thân với chàng. Có lẽ Bảo Lâm vẫn còn yêu La Dũng. Bảo Lâm vẫn còn mong một ngày nào đó La Dũng sẽ trở về, dù hiện nay người ta đã có vợ. Từ Sâm chăm chú nhìn Duy Trâm, suy luận và đoán định xem La Dũng hấp dẫn cỡ nào!

Duy Trâm nói:

- Ồ! Không lẽ chúng ta lại đứng dưới nắng thế này nói chuyện ư? Anh... Anh gì quên rồi?

Từ Sâm cười tươi:

- Sâm, Từ Sâm.

Duy Trâm nói, giọng thật quyến rũ:

- À... Anh Sâm. Cái tên anh khá đẹp, giống như con người anh. Anh đẹp trai theo kiểu đàn ông, lịch sự, phóng khoáng.

Từ Sâm thấy như bay bổng. Đột nhiên có người con gái đẹp, rất đẹp, đến và khen ngợi sự đẹp trai của mình. Có nên tin đó là sự thật không?

Duy Trâm tiếp:

- Tôi biết là quý vị còn phải đến bệnh viện, nhưng mà chúng ta ăn cơm trưa xong đến bệnh viện cũng đâu có muộn gì. Đi nhé? Tôi mời đấy. Dù gì tôi cũng đói rồi!

Không thể để con gái mời con trai dùng cơm được! Thế là Từ Sâm nói nhanh:

- Tôi mời, để tôi mời chớ!

Duy Trâm nhìn Từ Sâm với cái nhìn thật bén:

- Anh mời à? Được rồi, tôi không dám giành với anh đâu. Dù gì anh cũng là đàn ông. Thế này nhé, bên kia đường có một quán cơm Tây, không khí ấm cúng mà thức ăn cũng ngon. Chúng ta sang đấy đi, bảo đảm là quý vị sẽ hài lòng.

Thế là cả ba kéo nhau vào quán.

Đúng như điều Duy Trâm nói, ở đây không khí rõ ấm cúng. Cách bày trí lịch sự. Bảo Lâm ngạc nhiên. Nàng dạy học ở đây đã mấy năm mà chẳng hề biết có một quán ăn lịch sự thế này, trong khi Duy Trâm lại rất rành rẽ.

Bồi bàn đã mang thức ăn ra. Từ Sâm để Duy Trâm chọn thức ăn trước. Cô ta gọi món cơm cà ri, một cà phê. Bảo Lâm hiểu Duy Trâm cố tình muốn chọn món rẻ tiền nhất nên bắt chước chọn theo. Từ Sâm hỏi:

- Mấy người định tiết kiệm cho tôi à? Sao không gọi bít -tết? Ở đây họ quảng cáo món bít-tết kỹ lắm cơ mà.

Duy Trâm nói với Từ Sâm:

- Ngoài anh ra ai dám gọi cái món béo bở đó? Anh có vẻ khỏe, chững chạc. Tôi rất thích những người có nước da đồng như anh. Tôi ghét những anh con trai có nước da trắng mét, hoặc những anh chàng nói chuyện như gà mái eo ẻo, la lả, anh hiểu chứ, anh Sâm?

Bảo Lâm lạ lùng nhìn Duy Trâm. Cô nàng có vẻ thật tự nhiên. Nàng quay sang Từ Sâm xem thử phản ứng của anh chàng thế nào. Từ Sâm cười một cách khoái chí, khuôn mặt trẻ thơ của anh như đực ra. Anh sướng rơn, lúng ta lúng túng.

Bảo Lâm chợt thấy buồn cười. Nàng ngồi ngả lưng ra sau ghế, lấy chiếc bật lửa trên bàn bốc lên rồi thả xuống. Bảo Lâm thầm nghĩ màn kịch mèo vờn chuột đang bắt đầu đây! Bảo Lâm hiểu Duy Trâm. Duy Trâm không ác ý, Duy Trâm chỉ hành động theo bản năng. Nàng thích đùa giỡn với đàn ông con trai. Cái đó chỉ để thỏa mãn cái bản tính thích chinh phục, nhất là... Có thể Từ Sâm thì ngơ ngác như nai tơ, còn cô nàng lại quá từng trải, không biết chuyện gì sẽ xảy ra đây.

Duy Trâm đã lầm tưởng Từ Sâm là người yêu của Bảo Lâm. Vả lại, cái thói quen cướp đoạt người yêu của bạn với cô là một việc làm thích thú. Duy Trâm đang giương bẫy ra, chờ con mồi bị sập.

Từ Sâm chọn món bít-tết và một ly rượu vang. Theo yêu cầu của Từ Sâm, Duy Trâm cũng đóng góp gọi thêm một ly "cho vui". Còn Bảo Lâm? Nàng chỉ cười nói:

- Anh đã biết là tôi không biết uống rượu, vả lại rượu cũng không tốt lắm đối với vết thương của tôi. Máu lại có thể chảy ra do tim đập quá mạnh.

Từ Sâm đồng ý:

- Đúng như vậy.

Rượu mang ra, Duy Trâm nâng ly lên cụng với Từ Sâm. Có rượu, họ nói chuyện thật cởi mở. Khi Duy Trâm biết được Từ Sâm là con trai duy nhất của tỉ phú Ngô Trọng Nhàn thì mắt nàng như sáng hơn, long lanh hơn. Nàng cố nhìn Từ Sâm say đắm hơn:

- Tôi biết ngay mà. Vừa trông thấy anh là tôi biết ngay anh không phải là loại tầm thường. Từ cách ăn nói, cử chỉ, đến phong độ, tôi biết anh phải loại thượng lưu nhất xứ.

Câu chuyện đang vui. Hết ly này, lại tiếp vài ly khác. Từ Sâm như say khướt. Chỉ có mấy ly rượu mà chàng thấy trời đất như lăn quay. Nụ cười của Duy Trâm đẹp, đẹp mê hồn. Bảo Lâm ngồi đấy cũng nhận ra sức lôi cuốn của Duy Trâm. Mỗi cử chỉ của Trâm đều ngập đầy nữ tính. Trâm giống như một bó hoa viên mãn, một bó đuốc rực rỡ.

Bảo Lâm yên lặng ăn phần cơm của mình. Nàng thầm nghĩ, gã con trai hôm qua gây phiền hà tình cảm cho nàng, hôm nay có lẽ không còn là vấn đề Bảo Lâm phải bận tâm nữa. Nhưng không hiểu vì sao, cách được giải thoát phiền phức kia lại không làm Bảo Lâm vui. Trái lại, nó làm Bảo Lâm có cái cảm giác bức rứt khó chịu. Không phải nàng ghen, nhưng đàn bà ai lại không ích kỷ, dù biết nàng không thể yêu Từ Sâm được. Và Bảo Lâm cảm thấy vết thương ở tay như đau hơn. Nàng chỉ mong cho bữa ăn chóng qua để nàng sớm vào bệnh viện nhờ bác sĩ thay băng.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play